MƯỜI LÝ DO ĐỂ TIN CÓ ĐỜI SAU
1. NHỮNG BẤT CÔNG TRONG CUỘC ĐỜI.
Thật khó để tin rằng cuộc đời tốt đẹp nếu như chúng ta biết chẳng có gì bên kia nấm mồ để đền bù cho những bất bình đẳng và bất công. Trong khi một số người có vẻ như được an bài để hưởng hạnh phúc, thì những người khác được sinh ra để bước vào những mối quan hệ và các hoàn cảnh khủng khiếp của cuộc đời. Nếu chúng ta có thể chắc rằng chẳng có cách nào làm cho ngang bằng lại sự phân chia nỗi đau khổ vốn bất bình đẳng, thì người có lý do để nguyền rủa ngày sinh của mình vì cách mà cuộc đời đã đối xử với họ (Giop 3:1-3). Chúng ta có thể đồng ý với vua Sa-lô-môn khi đời sống sa sút đã nói rằng: “Ta xây lại, xem xét mọi sự hà hiếp làm ra ở dưới mặt trời; kìa, nước mắt của kẻ bị hà hiếp, song không ai an ủi họ! Kẻ hà hiếp có quyền phép, song không ai an ủi cho kẻ bị hà hiếp! Vậy, ta khen những kẻ chết đã lâu rồi là sướng hơn kẻ còn sống; còn kẻ chưa được sanh ra, chưa thấy những gian ác làm ra dưới mặt trời, ta cho là có phước hơn hai đằng kia” (Truyen dao 4:1-3).
2. VẺ ĐẸP VÀ SỰ CÂN BẰNG.
Có nhiều điều của cuộc đời mà dường như không thích hợp với các vấn đề cá nhân về sự bất công và vất vả. Tuy nhiên, đối với tất cả những gì có hại và bất công, vẫn có vẻ đẹp và sự cân bằng. Trong những giờ phút kinh khiếp và bạo lực, vẫn có sự hài hoà và an ổn. Trong khi cơ thể mòn mỏi, tiều tụy vì tuổi tác phải chịu đau đớn, yếu đuối, thì trẻ con và những con vật non tơ vẫn hồn nhiên nô giỡn.
Nghệ thuật của con người, trong mọi vinh quang của nó, phù hợp với chim chóc bay lượn hót ca trong buổi sáng. Mỗi khi hoàng hôn về và bình minh đến thì thiên nhiên lại được nghỉ ngơi và trở nên tươi mới trở lại. Đêm tối và mùa đông giá lạnh đến cùng với nhận thức rằng “cả cái này rồi cũng qua đi”. Vậy, nếu chẳng có gì tồn tại bên kia mồ mả, thì bức tranh thiên nhiên sẽ dở dang một cách đáng kinh ngạc.
3. NHỮNG KINH NGHIỆM LÚC HẤP HỐI.
Bằng chứng lâm sàng sau khi chết thường mang tính chủ quan và gây nhiều tranh cãi. Thường thì chúng ta thật khó đánh giá được ý nghĩa của “những kinh nghiệm lúc hấp hối” và những luồng ánh sáng rực rỡ, những đường hầm hun hút, hoặc những thiên sứ đến dẫn đường. Thật khó biết được phải đáp ứng như thế nào với những người nói về sự hiện thấy trong giây phút họ hấp hối. Điều chúng ta biết chắc là có rất nhiều kinh nghiệm thuộc loại này đủ để tạo ra một tủ sách tầm cỡ về chủ đề này. Nhìn chung, số lượng lớn các bằng chứng này chứng minh rằng khi con người tiến đến gần cái chết, nhiều người có cảm giác không phải họ đang đi đến chỗ kết thúc sự tồn tại mà là bắt đầu bước vào một hành trình khác.
4. SỰ TRỐNG TRẢI TRONG TÂM HỒN.
Lòng người luôn khát khao nhiều hơn những gì đời này có thể đem lại. Mỗi chúng ta đều kinh nghiệm điều mà vua Sa-lô-môn gọi là: “sự đời đời ở trong lòng loài người” (Phu 3:11). Thật khó hiểu điều vua Sa-lô-môn muốn nói, nhưng rõ ràng là ông đang đề cập đến một niềm khao khát nào đó mà cuộc đời không đáp ứng được. Đó là sự trống trải trong tâm hồn mà vua Sa-lô-môn không thể tránh khỏi. Có khi ông cố lấp đầy khoảng trống nội tâm này bằng công việc, rượu và tiếng cười. Ông cố thoả mãn nỗi khát khao của mình bằng triết học, âm nhạc và bằng những mối quan hệ tình ái thể xác để rồi cuối cùng lại vỡ mộng. Chỉ khi ông quay trở lại với niềm tin của mình về sự phán xét sau cùng và đời sau, thì ông mới tìm thấy được sự thoả mãn thực sự có ý nghĩa cho niềm khát khao của mình (Truyen dao 12:14).
5. NIỀM TIN PHỔ QUÁT.
Trong khi một số người cho rằng không thể nào biết được có đời sau hay không, thì niềm tin về sự bất tử là một hiện tượng bất tận. Từ các kim tự tháp của người Ai Cập đến sự hình thành tư duy thời đại mới, thì con người của mọi thời đại, sống ở mọi nơi đều tin rằng linh hồn con người vẫn còn sau sự chết. Nếu bên kia nấm mồ chẳng tồn tại ý thức, tiếng cười hay hối tiếc, thì cuộc đời đã làm mê muội hầu hết mọi người từ các Pha-ra-ôn của Ai Cập cho đến Chúa Giê-xu người Na-xa-rét.
6. MỘT ĐỨC CHÚA TRỜI VĨNH HẰNG.
Thánh Kinh gọi Đức Chúa Trời là cội nguồn của sự bất tử. Thánh Kinh mô tả bản chất của Ngài là vĩnh hằng. Thánh Kinh cũng dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Ngài, Ngài có kế hoạch tiếp đón con cái Ngài vào quê hương đời đời trong ngày chung kết đời. Thánh Kinh còn dạy rằng Đức Chúa Trời đã đưa sự chết đến với con người khi tổ phụ đầu tiên của chúng ta xâm phạm cây cấm (Sa 3:1-19). Điều hàm ý ở đây là Đức Chúa Trời cho phép loài người sống muôn đời trong tình trạng nổi loạn thì chúng ta sẽ có cơ hội bất tận để phát triển thành những tạo vật kiêu ngạo và lấy mình làm trung tâm. Trái lại, Đức Chúa Trời đã đưa ra một kế hoạch tối hậu dẫn đến việc tất cả những ai quyết định làm hoà với Ngài đều được vào nhà đời đời của Ngài (Thi 90:1, Giă14:1-3).
7. NHỮNG LỜI BÁO TRƯỚC TRONG THÁNH KINH CỰU ƯỚC.
Một số người đã lý luận rằng sự bất tử là một ý tưởng của Tân Ước. Nhưng tiên tri Đa-ni-ên thời Cựu Ước đã nói về một ngày mà tất cả những ai ngủ trong bụi đất sẽ được sống lại, để rồi người thì nhận lấy sự sống đời đời, còn kẻ phải chịu xấu hổ nhuốc nhơ mãi mãi (Da 12:1-3). Một trước giả Thi Thiên cũng nói về đời sau. Trong Thi 73:1-28, một người tên là A-sáp mô tả lại thế nào ông suýt đánh mất đức tin đặt nơi Đức Chúa Trời khi ông thấy người gian ác xấu xa lại được thịnh vượng còn người nhân hậu đạo đức phải chịu khổ đau. Nhưng sau đó, ông nói ông đi vào nơi thánh của Đức Chúa Trời. Từ viễn cảnh của sự thờ phượng, ông chợt nhìn thấy kẻ ác đang đứng trên mặt đất trơn trợt của sự huỷ diệt dành cho họ. Với cái nhìn mới, ông xác nhận với Chúa rằng: “Chúa sẽ dùng sự khuyên dạy mà dẫn dắt tôi, rồi sau tiếp đón tôi trong sự vinh hiển. Ở trên trời tôi có ai ngoài Chúa? Còn dưới đất, tôi chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa. Thịt và lòng tôi bị tiêu hao, nhưng Đức Chúa Trời là sức lực của lòng tôi, và là phần tôi đến đời đời.” (Thi 73:24-26).
8. NHỮNG LỜI CỦA ĐẤNG CHRIST.
Có thể một vài người tố cáo Chúa Giê-xu là kẻ xấu hoặc là giáo sư giả. Ngay cả những người vô thần và người theo những tôn giáo khác ngoài Cơ-đốc giáo thường nói đến Chúa Giê-xu với lòng kính trọng. Nhưng Chúa Giê-xu không mơ hồ hay không xác định về tính thực tế của sự tồn tại một cuộc sống con người sau khi chết. Ngài phán: “Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn. Nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong hoả ngục”. (Mat 10:28). Chúa Giê-xu đã hứa nước thiên đàng với tên cướp biết ăn năn tội sắp chết bên cạnh Ngài. Nhưng Ngài cũng dùng trũng Hi-nôm – một bãi rác bẩn thỉu ở bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem – như một dấu hiệu tượng trưng cho điều đang chờ đón kẻ bướng bỉnh liều mạng với sự phán xét của Đức Chúa Trời. Theo Chúa Giê-xu, đối diện với sự thật về sự sống sau khi chết là vấn đề quan trọng nhất của cuộc đời. Ví dụ, Ngài dạy rằng, nếu con mắt nào ngăn trở bạn đến với Đức Chúa Trời thì bạn hãy múc bỏ con mắt ấy đi: “Thà rằng chỉ còn một mắt mà được vào nước Đức Chúa Trời còn hơn đủ hai mắt mà bị quăng vào địa ngục” (Mac 9:47).
9. SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA CỨU THẾ.
Không có bằng chứng nào rõ ràng và vĩ đại hơn về sự tồn tại của cuộc đời sau khi chết cho bằng sự sống lại của Chúa Giê-xu. Thánh Kinh Cựu Ước đã báo trước về một Đấng Mê-si-a sẽ đắc thắng tội lỗi và sự chết (Esai 53:1-12; Da 9:26). Các môn đồ của Chúa Giê-xu làm chứng Ngài chính là Đấng đã làm ứng nghiệm những lời tiên tri trên. Ngài đã tự nguyện chịu chết trong tay những kẻ hành hình, được chôn trong ngôi mộ mượn của người khác, và sau 3 ngày để lại ngôi mộ trống không. Các nhân chứng nói rằng không những họ đã nhìn thấy ngôi mộ trống mà còn chứng kiến Chúa Cứu Thế sau khi sống lại đã hiện đến với trên hàng trăm người trong khoảng thời gian 40 ngày trước khi Ngài thăng thiên (Cong 1:1-11; ICo 15:1-8).
10. NHỮNG ẢNH HƯỞNG THỰC TẾ.
Niềm tin nơi sự sống sau khi chết là nguồn của sự an toàn, lạc quan và sự hoàn thiện hơn cho cá nhân (IGi 3:2). Không có điều gì đem lại niềm khích lệ cho bạn hơn là sự tin tưởng sẽ có một đời sống tốt đẹp hơn dành cho những ai biết dùng đời sống hiện tại để chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu. Niềm tin nơi những cơ hội vô tận của cõi vĩnh hằng đã cho phép nhiều người có thể hy sinh mạng sống mình cho những người họ yêu mến. Chính vì niềm tin nơi sự sống sau khi chết đã khiến Chúa Giê-xu phán: “Người nào được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?” (Mat 16:26). Đây cũng chính là lẽ thật đã khích lệ Jim Elliot, một Cơ-đốc nhân tử đạo, bị người Da đỏ Auca giết vào năm 1956, đã nói: “Kẻ nào cho đi những gì không thể giữ và giữ lại những gì không thể mất thì không ngu dại chút nào.”
BẠN KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI DUY NHẤT nếu bạn thấy mình thật thà không tin có sự sống sau khi chết. Nhưng hãy nhớ rằng Chúa Giê-xu đã hứa ban sự giúp đỡ thiên thượng cho những ai mong muốn nhận biết lẽ thật. Ngài phán: “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giă 7:17).
Nếu bạn đã tin vào chứng cớ minh chứng cho sự sống sau khi chết, thì bạn nhớ rằng Thánh Kinh dạy rằng Chúa Cứu Thế đã chết để trả giá cho tội lỗi chúng ta và tất cả những ai tin Ngài đều sẽ nhận được ơn tha thứ và nhận được sự sống đời đời. Sự cứu rỗi mà Chúa Cứu Thế ban cho không phải phần thưởng dành cho sự nỗ lực nhưng đó là món quà dành cho tất cả những người nào công khai đặt đức tin mình nơi Ngài.