Bạn có thể hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu như một nửa số tín hữu trong Hội thánh của chúng ta sốt sắng kiêng ăn cầu nguyện với tấm lòng thanh sạch và động cơ chính đáng không? Bạn có thể trông đợi một Lễ Ngũ Tuần khác nữa, tức là một phép lạ của ân điển Đức Chúa Trời.
Bởi Lễ Ngũ Tuần, Hội thánh đã phát triển từ một gian phòng chứa đầy các môn đồ của Chúa Jêsus thành hàng trăm triệu tín hữu Cơ Đốc.
Mặc dầu sự kiêng ăn cầu nguyện chỉ được đề cập đến có hai lần trong sách Công vụ, song nguyên tắc nầy rõ ràng là một sự thực hành phổ biến trong Hội Thánh đầu tiên. Một lần tại Antiốt khi Banaba, Simêôn, Luxiút, Manahen, và SauLơ (sau này được đổi tên thành Phao Lô) “đang thờ phượng Đức Chúa Trời và kiêng ăn “, Đức Thánh Linh đã phán cùng họ rằng “Hãy để riêng Banaba và SauLơ cho ta để làm công việc mà ta đã chỉ định ” (Cong 13:1, 2). Việc phong chức cho các sứ đồ là một sự kiện quan trọng trong việc rao truyền Tin lành. Về sau Luca ký thuật rằng Phao Lô và Banaba đã bắt đầu các Hội thánh ở những thành khác nữa, và sau một thời gian kiêng ăn và cầu nguyện, họ đã chọn các trưởng lão để coi sóc các công việc (Cong 14:1-23)
Hiện nay, vào thời điểm của bài viết này, phong trào quyền năng lớn lao nhất của Đức Chúa Trời trên thế giới đang vận hành tại Triều Tiên. Sự tăng trưởng lạ lùng, bùng nổ của Hội thánh từ ba triệu người vào năm 1974 lên đến mười một triệu người năm 1990, có thể qui phần lớn là do việc kiêng ăn và cầu nguyện.
Hãy thử hình dung Hội thánh của bạn trở nên hiệp nhất trong một mục đích, được chữa lành khỏi các vết thương, và khơi dậy một ngọn lửa cho Chúa nhờ một nhóm người “đồng tâm” dâng mình, hiệp một nhóm lại trong sự khiêm nhường và sự sốt sắng ở trước mặt Chúa chúng ta để kiêng ăn và cầu nguyện.
Richard Foster, một giáo sư tại trường đại học Arusa Pacific và là tác giả cuốn Celebration of Discipline, nói rằng:
“Việc kiêng ăn theo nhóm có thể là một từng trãi tuyệt diệu và đầy quyền năng đem lại một dân sẵn lòng, là những người đồng tâm trong những vấn đề đó. Những nan đề nghiêm trọng trong các Hội thánh hoặc các nhóm khác có thể được giải quyết và những mối quan hệ được chữa lành bởi sự kiêng ăn và cầu nguyện của nhóm hiệp nhất. ” 1*
Việc Thay Đổi Số Phận Của Các Dân Tộc
Không những kiêng ăn và cầu nguyện sẽ thay đổi được một cá nhân, một hội thánh, mà còn có thể thay đổi hướng đi của một quốc gia:
Khi Giôna đem lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời về một cuộc đoán phạt sắp sửa xảy đến cho thành Ninive. Ông vua của họ đã công bố một kỳ kiêng ăn. “Mọi người khá ra sức kêu cầu cùng Đức Chúa Trời ” Ông truyền lệnh “Phải, ai nấy khá lìa bỏ đường lối xấu mình và việc hung dữ của tay mình. ” (Gio Na 3:8) Lập tức, dân sự bắt đầu than khóc vì cớ tội lỗi mình, và sự kiêng ăn và buồn rầu về tội lỗi mình đã làm vừa ý tấm lòng đầy sự thương xót của Đức Chúa Trời.
Tác giả sách Giôna ký thuật rằng, “Bấy giờ Đức Chúa Trời thấy việc họ đã làm và họ đã xây bỏ đường lối xấu của mình như thế nào rồi; Ngài bèn động lòng thương xót họ và thôi không giáng sự họa mà Ngài đã phán sẽ dành cho họ, và Ngài không làm sự đó (3:10)
Chúng ta nhìn thấy bàn tay giải cứu của Đức Chúa Trời trên Ysơraen trong khi dân tộc này bị lưu đày tại Batư. Một con người gian ác tên Haman đã nổi lên với quyền thế chính trị lớn mạnh và ông ta đã thuyết phục nhà vua để tiêu diệt toàn bộ dân tộc Do Thái.
Vua không hay biết rằng vợ mình, hoàng hậu Êxơtê là một người Do Thái. Bà “đã để lại một gương mẫu mà về sau đã trở thành một kiểu mẫu cho tất cả các thế hệ tiếp tục về năng quyền của sự cầu nguyện và kiêng ăn “làm thay đổi lịch sử” 2*
Một phần của lời mô tả cách mà bà đã góp phần cứu những người Giuđa được tìm thấy trong Exơte 4:15-17
Bà Êxơtê bèn biểu đáp lại cùng Mạc đô Chê (là một người Giuđa đang nài khẩn Hoàng hậu hãy cứu lấy dân tộc bà ) rằng: Hãy đi nhóm hiệp các người Giuđa ở tại Susơ, rồi hãy vì tôi cữ ăn trong ba ngày và đêm, chớ ăn hay uống gì hết. Tôi và các nàng hầu của tôi cũng sẽ cử ăn nữa, như vậy tôi sẽ vào cung vua, là việc trái luật pháp, nếu tôi phải chết thì tôi chết.
Theo sắc lệnh của nhà vua, bà đến chầu vua mà không được mời là một điều trái luật pháp. Êxơtê biết rằng vi phạm điều luật có nghĩa là phải chết, trừ phi nhà vua gật đầu chấp thuận khi bà bước vào nội viện.
Tuy vậy, sau ba ngày kiêng ăn và cầu nguyện, bà Êxơtê đã vào cung để gặp nhà vua. Thật nhẹ nhõm cho bà khi vua mĩm cười chấp thuận. Thật vậy, ông quá hài lòng khi trông thấy bà đến nỗi đã kiêu hãnh mà đề nghị tặng bà phân nửa vương quốc.
Thay vào đó, Êxơtê đã cầu xin cho sự sống còn của người dân Giuđa. Kết cuộc tên Haman độc ác bị hành hình và dân Ysơraen đã được cứu khỏi nạn hủy diệt.
Một lần nữa, quyền năng của sự kiêng ăn và cầu nguyện được thấy trong đời vua Giôsaphát. Câu chuyện đã được kể lại trong IISử Ký 20:1-37 .
Bấy giờ có người đến thuật lại cho Giôsaphát rằng, “Có một đoàn dân rất đông từ bờ bên kia của biển ở nước Siry đến hãm đánh vua. ” Giôsaphát sợ hãi, rắp lòng tìm cầu Đức Giêhôva và rao khắp xứ Giuđa phải kiêng ăn một ngày. Người Giuđa nhóm lại đặng cầu Đức Giêhôva cứu giúp; vậy người ta ở các thành Giuđa đều đến đặng tìm cầu Đức Giêhôva (IISử Ký 20:2-4).
Đoạn nhà vua đứng dậy giữa hội chúng trong đền thờ Đức Giêhôva và cầu nguyện cùng Chúa rằng, “Nơi chúng tôi chẳng còn sức lực gì đối địch cùng đám quân đông đảo này đương đến hãm đánh chúng tôi, và chúng tôi cũng không biết điều gì mình phải làm, nhưng con mắt chúng tôi ngửa trông Chúa (IISử Ký 20:12)
Đức Thánh Linh đã đáp lời, Ngài phán qua tiên tri Giahaxiên:
Chớ sợ, chớ kinh hãi bởi cớ đám quân đông đảo này, vì trận giặc này chẳng phải của các ngươi đâu, bèn là của Đức Chúa Trời. .. ngày mai hãy đi đón đánh chúng nó, vì Đức Giêhôva ở cùng các ngươi (IISử Ký 20:15, 17)
Khi Đức Thánh Linh đã phán, “Giôsaphát bèn cúi sấp mặt xuống đất, và cả Giuđa cùng dân cư thành Giêrusalem đều sấp mình xuống trước mặt Đức Giêhôva mà thờ lạy Ngài. Đoạn nhiều người bắt đầu khen ngợi Đức Giêhôva bằng tiếng rất lớn. ” (IISử Ký 20:18, 19)
Qua ngày sau, quân đội Hêbơrơ kéo ra trận, không biết rõ điều sẽ xảy đến, với những người ca hát đi đầu ngợi khen Đức Giêhôva, và khi họ tiến vào trận chiến thì Đức Giêhôva đã làm một sự lộn lạo trong vòng các lều trại của quân địch, khiến chúng tấn công và tiêu diệt lẫn nhau.
Tác giả sách Sử ký tường thuật lại rằng, “Khi dân Giuđa đến tháp canh nơi đồng vắng, nhìn đến đám quân đông đảo, thì thấy những thây nằm sãi trên đất, chẳng có một ai thoát khỏi được. ” (IISử Ký 20:24) Sự hạ mình của Giuđa qua sự kiêng ăn cầu nguyện và ca ngợi Chúa đã cảm động Đức Giêhôva giải cứu dân sự Ngài khỏi sự bại trận.
Xem suốt Kinh Thánh, chúng ta tìm được những thí dụ khác nhau cho thấy sự kiêng ăn thường đã làm thay đổi hướng đi của các sự kiện như thế nào. Môise đã hai lần kiêng ăn bốn mươi ngày (Phục 9:9, 18) cho đến khi mặt ông chiếu sáng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Trong thời đại của các quan xét (Cac 20:26) và trong thời của Samuên (ISa 7:6), hết thảy người Ysơraen đều đã kiêng ăn. Đavít đã kiêng ăn trước khi ông lên ngôi, khi con ông bị bệnh, khi kẻ thù nghịch ông bị bệnh (Thi Thiên 35:13) và vì cớ tội lỗi của dân sự ông (Thi Thiên 69:10) Êli, Êxơra, Nêhêmi, Êxơtê, Đaniên, tất cả những người này đều đã kiêng ăn trong những lúc có cần.
Những thí dụ về việc kiêng ăn và cầu nguyện đã làm thay đổi hướng đi của một dân tộc cũng có thể được tìm thấy suốt trong lịch sử. Vào năm 1756, vua nước Anh đã kêu gọi một ngày cầu nguyện nghiêm túc và kiêng ăn vì cớ cuộc xâm lược do quân Pháp đe dọa.
Về ngày đó, John Wesley đã viết trong nhật ký của ông như vầy:
“Ngày kiêng ăn là một ngày vinh diệu, một nơi như Luân Đôn hiếm khi nào có được bộ mặt như thế kể từ Thời Trùng Hưng (1660-1685) , mỗi một nhà thờ trong thành phố đều đầy tràn người và một sự trang nghiêm long trọng hiện diện trên từng gương mặt. Chắc chắn Đức Chúa Trời đã nghe lời cầu nguyện, và điều đó hẳn sẽ còn là điều làm kéo dài sự yên tĩnh của chúng tôi. “
Sau đó, ông đã thêm một câu chú thích ở cuối trang “Sự hạ mình đã biến thành niềm vui mừng của đất nước vì sự đe dọa xâm lăng của quân Pháp đã bị ngăn chặn” 3*
Năm 1862, vua Charles đệ II của nước Anh dọa sẽ lấy đi Bảng Hiến Chương Massachusetts nếu thuộc địa này không chịu điều chỉnh hoặc thay thế các Mục sư của họ bằng hàng giáo phẩm theo chế độ Giám mục quản lý (Episcopal). Khi thuộc địa đã bỏ phiếu nhất trí không tuân thủ, nhà vua nổi cơn thịnh nộ thề sẽ cử Đại tá Percy Kirk “khát máu” cùng năm ngàn quân lính để đập tan sự chống đối.
Khi Increase Mather, một vị Mục sư đứng đầu nghe tin này, ông giam mình trong văn phòng và dành trọn một ngày quì gối kiêng ăn cầu nguyện cho tình huống nghiêm trọng của thuộc địa. Cuối cùng, gánh nặng của Mather được cất khỏi ông, thay vào đó là một cảm nhận bình an, vui mừng.
Hai tháng sau đó tin tức đến cho biết Charles đệ II đã chết do chứng ngập máu (vỡ động mạch não). Người em của vua, là James đệ II đã lên ngôi, và Đại tá Kirk sẽ không kéo quân đến. Cái chết của Charles đệ II đã được truy ra vào đúng ngày mà Mục sư Mather dành ra để kiêng ăn cầu nguyện. 4*
Vào tháng 5/1944, quân Đức tràn vào Hòa Lan và tấn công nước Bỉ, đánh đuổi các lực lượng chống đối của Pháp, Anh và quân Bỉ ra biển. Quân Đức đuổi theo quân Pháp và Anh vượt qua biên giới nước Pháp bằng một đợt tấn công trên không bằng xe tăng và bằng vệ binh “chớp nhoáng”, bắt gần bốn trăm ngàn quân lính Đồng Minh tại Dunkirk.
Trong sự tuyệt vọng, Anh và Pháp đã kêu gọi một ngày cầu nguyện toàn quốc cho các binh sĩ Anh và Pháp đang bị kẹt cách vô hi vọng. Vào ngày 26/5, vị Tổng Giám Mục thuộc Caterbury đã lãnh đạo các buổi cầu nguyện từ Tu viện Wesminster; Đài BBC đã phát đi buổi nhóm cho khắp đất nước. Các nhà thờ và nhà hội ở khắp nơi đều mở cửa để cầu nguyện. Bàng hoàng trước tình cảnh ngặt nghèo của binh sĩ mình, người dân Anh đã ngưng tất cả mọi hoạt động để cầu nguyện. Lần đầu tiên trong ký ức của những người còn sống, khu chợ Petticoat nổi tiếng nay hoàn toàn vắng lặng trong ngày Chúa Nhật để cho những người buôn bán nơi chợ có thể tham gia vào việc cầu nguyện.
Kết quả là dường như điều tai họa lại trở thành phép lạ. Vì một lý do nào đó không giải thích được, Hiller đã tạm dừng cuộc tiến công bằng loại xe tăng chết người của ông ta; trong ba ngày Biển Măng-sơ thông thường gió giật mạnh thì nay yên tịnh trong khi người Anh sơ tán binh sĩ. Mặc dầu có những cuộc tấn công dữ dội trên không trung vì quân Đức vẫn dội bom, 848 chiếc thuyền của Anh, Pháp, Hòa Lan và Bỉ đã cứu được khoảng 340.000 binh sĩ Đồng minh trong chín ngày. Bất cứ thứ gì nổi được, nào là tàu kéo, thuyền buồm, du thuyền, tàu hải quân, đều ra khơi trên biển Măng-sơ để đưa các binh sĩ bị kẹt trở về Anh Quốc.
Trên cơ sở hiểu biết của tôi về những sự kiện cầu nguyện khẩn cấp như vậy, tôi có thể mạnh dạn thừa nhận rằng vai trò quan trọng nhất mà Anh và Pháp đã nắm giữ trong việc bảo đảm cuộc sơ tán thành công, bất chấp những điều kiện bất khả thi chính là nhờ dân chúng, vì nhiều người trong dân chúng đã kiêng ăn và cầu nguyện, hạ mình xuống trước mặt Chúa và tìm kiếm sự trợ giúp của Ngài trong thời điểm khủng hoảng.
Trong Cuộc Chiến Kéo Dài Sáu Ngày vào năm 1967, vị Giáo Trưởng Do Thái đã công bố một ngày kiêng ăn có liên quan đến cuộc chiến giữa những người Do Thái với những người Ả rập. 5* Ysơraen đã nhanh chóng giành chiến thắng, và trong một giây phút mang ý nghĩa lớn lao của lời tiên tri, họ đã tái chiếm quyền kiểm soát trên cả thủ đô Jêrusalem.
Vào tháng sáu năm 1994, hơn một triệu Cơ Đốc nhân ở khắp Nam Triều Tiên đã nhóm họp lại trong bảy mươi thành phố để cầu nguyện cho Tin Lành được rao giảng trên khắp đất nước của họ, cho việc hoàn thành Đại mạng lịnh truyền giáo và việc tái thống nhất Bắc và Nam Hàn.
Tôi đã được mời để nói chuyện tại Hoida Plaza Seoul, nơi có hơn 700.000 người nhóm lại trong kỳ tập họp kéo dài bốn tiếng đồng hồ để ca ngợi Chúa, kiêng ăn và cầu thay. Thật là một buổi họp mặt cầu nguyện sốt sắng nhất mà tôi từng được tham dự. Nhiều người trong số các Cơ Đốc nhân tham dự các buổi nhóm cầu nguyện khắp thành phố đã kiêng ăn từ nhiều ngày trước và sau sự kiện này. Buổi nhóm tại Yoida Plaza khiến tôi nhớ đến những lần trước đó vào năm 1974 và 1980, tôi nói chuyện ở đó khi có những đám đông từ hai đến ba triệu người tụ tập lại mỗi chiều trong nhiều ngày.
Không bao lâu sau khi có các buổi nhóm ấy, vị Tổng thống Bắc Triều Tiên đã chết một cách bất ngờ. Nhiều người tin rằng cái chết của ông ta là một bước quan trọng để tiến đến việc tái thống nhất hai vùng đất nước của họ và là một kết quả trực tiếp của việc kiêng ăn cầu nguyện.
Việc Báo Trước Sự Đoán Phạt
Những xu hướng không tin kính và vô luật pháp đang gia tăng nhanh chóng ở đất nước chúng ta. Những tội lỗi đã dẫn đến Trận Lụt trong thời Nôê và sự hủy diệt thành Sôđôm và Gômôrơ đều được chấp thuận và lập lại trong xã hội của chúng ta. Rõ ràng nước Mỹ đã chín mùi sẵn sàng cho sự đoán phạt.
Nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ sai cơn đoán phạt đến mà không có sự báo trước thích đáng. Chúng ta nhìn thấy nhiều trường hợp đó trong Lời Ngài, như chuyện của Ađam và Êva, những người sống đồng thời với Nôê, chuyện của Lót liên quan đến số phận của Sôđôm và Gômôrơ, những người dân thành Ninive, dân tộc Ysơraen…Nhưng vì sao Đức Chúa Trời lại phải báo trước cho những kẻ mà Ngài sắp hủy diệt?
Sứ đồ Phierơ giải thích rằng “Chúa không chậm trễ lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn ” (II Phierơ 3:9)
Những sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trong quá khứ là những dấu hiệu dành cho chúng ta ngày nay “Sự đoán phạt của Chúa dành cho Ysơraen là một lời cảnh cáo” Derek Prince viết rằng, “đối với các quốc gia Tây phương chúng ta, là nơi có một nền tảng lâu đời về truyền thống Cơ Đốc, về sự hiểu biết lời Thánh kinh và Hội thánh có tổ chức. Có thể nào Đức Chúa Trời đang phán, mà chúng ta lại cũng điếc như dân Ysơraen?” 6*
Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót. Ngài sẽ rút lại cánh tay đoán phạt nếu dân tộc chúng ta bằng lòng xây bỏ đường lối xấu xa của mình. Trong cuốn “God’s Chosen Fast”, Tác giả Arthur viết rằng,
Đức Chúa Trời luôn có những luật lệ mềm dẻo đối với con người. Tội lỗi phải chịu sự hình phạt của nó, nhưng ăn năn gắn liền với sự thương xót. Chính Chúa đã tuyên bố về vấn đề này bằng những lời lẽ rõ ràng nhất, “Trong lúc nào ta sẽ nói về một dân tộc, một nước kia đặng nhổ đi, hủy đi, diệt đi, nếu nước mà ta nói đó xây bỏ điều ác mình, thì ta sẽ đổi ý ta đã toan giáng tai họa cho nó. ” (Giê Rê Mi 18:7, 8)
(Nhưng dẫu cho ) thiên đàng đã ban bố sắc lệnh và các bánh xe đã sẵn sàng chuyển động, thì vẫn còn một thứ vũ khí mạnh mẽ mà chúng ta có thể cậy đến. 8*
Thứ vũ khí mạnh đó chính là sự ăn năn, kiêng ăn và cầu nguyện. Đức Chúa Trời hứa rằng từ trên trời Ngài sẽ nghe, tha thứ tội chúng ta và cứu xứ khỏi tai vạ. (IISử Ký 7:4) Nếu chúng ta bằng lòng vâng theo lời kêu gọi đó với tư cách là một dân tộc.
Chẳng có điều gì khó đối với quyền năng siêu nhiên để ngăn chận những ngọn triều của sự đoán phạt đang tàn phá xứ sở chúng ta. Tôi tin rằng không điều gì khác có thể so sánh với sức mạnh siêu nhiên tuôn đổ ra khi chúng ta kiêng ăn và cầu nguyện. Chúng ta biết chắc chắn từ Hê Bơ Rơ 11:6 và từ kinh nghiệm cá nhân rằng Đức Chúa Trời hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.
(Trích chương 7 – “Sự Phục Hưng Hầu Đến”)
(Một trong những hội truyền giáo lớn nhất thế giới với hơn 26.000 nhân sự trọn thời gian ở tại hơn 191 Quốc Gia và vùng lãnh thổ)