Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã có niềm đam mê du hành vũ trụ
Tôi đã nghiên cứu những quyển sách viết về sứ mạng của tàu không gian Apollo và đọc cách say mê tất cả những gì có thể đưa tôi đến gần với chuyến du hành không gian, kế hoạch, hay sự khéo léo đáng kinh ngạc của mọi thứ.
Tôi chỉ mới một tuổi khi Neil Armstrong và Buzz Aldrin thực hiện những bước đi đầu tiên đầy phấn khích trên bề mặt của Mặt Trăng.
Là một đứa trẻ, tôi mơ ước được làm điều tương tự – không hề bị nản lòng bởi khả năng làm toán kém, hay nỗi ám ảnh kinh hoàng bởi chứng sợ không gian kín.
Vô cùng nhỏ bé
Khi tôi 17 tuổi, thực tế khắc nghiệt đã chôn vùi những ước mơ đó từ lâu. Nhưng bố tôi, hẳn vẫn nhớ đến niềm đam mê với tất cả mọi thứ của NASA của con trai mình, đã đưa tôi đến nghe một cuộc nói chuyện của Jim Irwin, một nhà du hành vũ trụ đã dành 3 ngày sống trên Mặt Trăng vào năm 1971 là một phần nhiệm vụ của tàu không gian Apollo 15.
Irwin nổi tiếng khi là người đầu tiên lái chiếc LRV (Lunar Roving Vehicle) trên mặt trăng.
Trong suốt buổi nói chuyện với một đám đông nhỏ tại một câu lạc bộ bowling ở một thị trấn miền tây bắc New South Wales – nơi ít người biết về Irwin – ông đã chia sẻ một khoảnh khắc cá nhân có sự ảnh hưởng sâu sắc.
Đứng trên Mặt Trăng và nhìn về phía Trái Đất, Irwin đã có thể nhắm một mắt, giơ một ngón tay cái lên và che hết toàn bộ hành tinh – mọi ngọn núi, mọi thành phố, mọi người, mọi thung lũng, mọi đại dương.
Mọi thứ bị che khuất sau ngón tay cái của ông.
Irwin nói rằng nó khiến ông cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé.
Ông tiếp tục công bố rằng nhiều phi hành gia tham gia vào những sứ mạng đầu tiên quan sát và đi bộ trên Mặt Trăng đều có niềm tin vào tâm linh hoặc tôn giáo. Một số người vẫn có những khủng hoảng còn tồn tại và phải tranh đấu để hiểu được ý nghĩa cuộc sống của họ.
Khó khăn trong ngày trở về
Trở về với Trái Đất, không ngạc nhiên, là một quá trình rất khó khăn.
Charlie Duke, người thứ 10 trong số 12 người từng bước đi trên Mặt Trăng, hiểu rõ quá trình quay trở lại.
Theo cuốn sách có tên “Moondust” của Andrew Smith: Khi tìm hiểu về những người đáp xuống Trái Đất, Duke đã trở nên bất thường đến nỗi ông trở thành một mối đe dọa cho vợ con ông trong suốt thời gian dài. Cuối cùng, ông đã tìm được sự bình an qua niềm tin đặt nơi Đức Chúa Trời.
Tỉ lệ ly hôn của các phi hành gia rất cao.
Người đàn ông cuối cùng đặt chân lên Mặt Trăng, Gene Cernan, đã tóm tắt việc chống lại sự kích động sau khi đáp xuống mặt đất, nói rằng “thật khó để tìm lại được cảm xúc đó”.
Đó là một trải nghiệm quá sức chịu đựng, luôn bất ổn.
Bản thân Irwin đã có một niềm tin lâu dài càng trở nên sâu sắc và phong phú qua thời gian.
Một sự đáp ứng thuộc linh
Kỷ niệm 50 năm lần hạ cánh đầu tiên trên Mặt Trăng, tôi nhớ đến Buzz Aldrin, ngay sau thời khắc ngắn ngủi, táo bạo đi vào lịch sử đó, ông đã dừng lại và làm lễ Tiệc Thánh.
Trong sự tĩnh lặng sau khoảnh khắc hạ cánh đầy kịch tính, Aldrin đã gửi thông điệp về Trái Đất, “Đây là phi công LM. Tôi muốn nhân cơ hội này xin mọi người hãy lắng nghe, bất cứ ai ở bất cứ nơi nào có thể, xin hãy tạm dừng một lát và suy ngẫm về các sự kiện trong vài giờ qua và dâng lời tạ ơn theo cách của mỗi người”.
Rồi trong sự im lặng bao quanh, Aldrin đọc từ sách Tin Lành theo Giăng, “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được” – Giăng 15:5.
Đó là một điều đáng chú ý trong thời điểm con người đạt được thành tựu đáng kinh ngạc này, có lẽ là đỉnh cao của mọi nỗ lực khoa học vào thời điểm đó, một nhân vật chủ chốt trong sự kiện đã chạm đến thế giới thuộc linh để hiểu được ý nghĩa của trải nghiệm ấy.
Vượt trên cả những kế hoạch, tính toán, công nghệ phức tạp để đi xa đến thế, trong một khoảnh khắc tuyệt vời, con người có xu hướng tìm đến thế giới tâm linh để giải thích những gì đang xảy ra, đây là điều không thể phủ nhận; để đạt được những gì vượt quá chính chúng ta.
Ngay trong thời điểm đó, Aldrin đã thấy rõ sự bất lực của chính mình; có lẽ thế giới cần phụ thuộc vào một Đấng Tạo Hóa.
Sự hối tiếc của Aldrin
Aldrin đã hối tiếc về quyết định công khai buổi lễ Tiệc Thánh, vì ông cảm thấy điều đó không đại diện cho tất cả mọi người trên Trái Đất.
“Chúng tôi đã đại diện cho cả nhân loại để du hành vũ trụ – những người Cơ Đốc, Do Thái, Hồi giáo, những nhóm tôn giáo bộ lạc, những người theo thuyết bất khả tri, hoặc những người vô thần”, ông viết trong hồi ký năm 2010.
“Nhưng tại thời điểm đó, tôi không thể nghĩ ra cách nào tốt hơn để ghi nhận những trải nghiệm của tàu không gian Apollo 11 hơn là việc cảm tạ Chúa”.
Nhân loại khao khát tìm kiếm sự siêu việt
Đó là một nhóm nhỏ những người đã có cái nhìn hướng về hành tinh xanh từ Mặt Trăng, để đánh giá đúng giá trị và sự kỳ diệu của Trái Đất.
Đối với những ai đã có trải nghiệm đó trong khoảng thập niên 60 và 70, hầu như không có ngoại lệ, nó đã thay đổi họ cách triệt để.
Nhưng tất cả chúng ta đều có những khoảnh khắc kỳ diệu tuyệt vời – sự ra đời của một đứa trẻ, một ánh bình minh đôi khi khiến chúng ta nghẹt thở, một bức tranh có vẻ đẹp không tả siết, một khoảnh khắc trong buổi hòa nhạc, không báo trước, khiến chúng ta rơi nước mắt…
Và, khi những điều đó xảy ra, dường như không có sự chói sáng nào của công nghệ có thể giải thích trọn vẹn hoặc thay thế những cảm nhận đó, cũng như sự khao khát tìm kiếm sự siêu việt ám ảnh tâm hồn con người, cho dù có phóng ra bên ngoài vũ trụ, hay gắn liền với thế gian.
Dịch: NCMV
Nguồn: Abc.net.au
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com