Bài 31
SỰ LINH CẢM CỦA KINH THÁNH.
LỜI GIỚI THIỆU:
Tác giả của Kinh Thánh là Đức Thánh Linh, nội dung của Kinh Thánh là sự khải thị đầy uy quyền bằng văn tự về bản tính và mục đích của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh là sách căn bản để chúng ta biết về Đức Chúa Trời, là sách giáo khoa về các chân lý Thiên thượng, là sách chỉ nam cho sự sống đời đời.
Chữ Kinh Thánh “Bible” được xuất xứ từ tiếng Hy-lạp “biblos” nghĩa là “một cuốn sách.” Danh từ Kinh Thánh được diễn tả bằng các từ liệu khác như: sách Thánh, Lời của Đức Chúa Trời. Lu-ca 4:17, II Cô-rinh-tô 3:14, Mác 12:10, Ma-thi-ơ 22:29, Hê-bơ-rơ 4:12. Kinh Thánh là thư viện gồm 66 sách, chia làm hai phần chính: Cựu ước 39 sách và Tân ước gồm 27 sách. Kinh Thánh được viết bởi 36-40 người, trải qua thời gian 1600 năm, vối các thành phần nhân sự khác nhau ở các vùng khác nhau trên thế giới.
Sự hiệp nhất của Kinh Thánh là bằng cớ tốt đẹp nhất về sự linh cảm thiêng liêng của Kinh Thánh. Rất nhiều người viết chung một quyển sách, thế mà không hề mâu thuẫn hau là cả một phép lạ. Phép lạ này chỉ có thể giải thích bằng một bàn tay điều khiển chung của một tác giả bậc thầy cao cả.
Chủ đề của Thánh Linh là Đấng Christ. Cựu ước nguyên văn viết bằng tiếng Hy-bá-lai với một phần sách Đa-ni-ên và E-xơ-ra viết bằng tiếng A-ram, còn Tân ước viết bằng tiếng Hy-lạp.
I. Ý NGHĨA CỦA SỰ LINH CẢM.
“Sự linh cảm có nghĩa là sự kiểm soát siêu nhiên của Đức Chúa Trời trên việc sáng tác Cựu ước và Tân ước.” (Robert Lee).
Kinh Thánh được Đức Thánh Linh hà hơi “theo pneustos “2 Ti-mô-thê 3:16 “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn….”
” Sự linh cảm là sự hà hơi mạnh mẽ có ý thức của Đức Chúa Trời vào con người giúp họ nói ra Lẽ thật. Đó chính là Đức Chúa Trời nói qua con người” (Williams Evans)
2 Phi-e-rơ 1:21 “Vì không có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng chính Chúa Thánh Linh đã cảm ứng họ nói ra lời của Thượng Đế.” Đức Thánh Linh đã hiện diện cách lạ lùng, bảo đảm sự chính xác của các bản văn. Các thánh nhân của Đức Chúa Trời được Đức Thánh linh che phủ, đã viết theo mạng lịnh của Ngài nhờ đó, họ tránh được các sự sai lầm khi ghi chép lại những điều họ biết hay không biết.
II. CÁC LÝ THUYẾT KHÁC NHAU VỀ SỰ LINH CẢM.
Chúng ta tò mò muốn biết chính xác làm thể nào Thánh Linh Đức Chúa Trời ban Thánh kinh. Một số tác giả ghi chép lại lịch sử mà họ chứng kiến, một số khác ghi chép lại những việc đã xảy ra rất lâu trong quá khứ (Môi-se và sự sáng tạo), một số những người khác viết lời tiên tri.
A. Sự khải thị: Một số người nghĩ rằng các tác giả có sự hiện thấy khi xuất thần và chỉ ghi chép lại từng chữ, từng tiếng phần Thánh kinh mà Chúa đã khải thị cho họ. Chúng ta thừa nhận rằng nhiều tác giả đã viết lời tiên tri, nhưng chúng ta không thừa nhận lý thuyết nầy về sự linh cảm, vì nó không cho phép các người viết quyền lựa chọn các từ ngữ mà họ viết gì cả. Sự học thức và trí óc lý luận của Phao-lô được thấy rõ ràng trong cả sách Rô-ma và sách Ga-la-ti.
B. Sự soi sáng: Đức Thánh Linh soi sáng cho người viết thấy những biến cố trong hình ảnh thuộc linh, và rồi họ viết xuống theo lời văn và cách viết của họ. Chúng ta tin rằng không phải chỉ những tư tưởng được linh cảm mà cả các từ ngữ cũng được linh cảm. Đức Chúa Trời cho cho phép người viết sử dụng kiến thức và từ ngữ riêng, bày tỏ nhân cách riêng của họ. Tuy nhiên, chúng ta không chấp nhận lý thuyết này vì không diễn tả đầy đủ ý nghĩa sự linh cảm của Thánh kinh không chỉ là kết quả những suy tư của con người về Đức Chúa Trời, nhưng chính Đức Chúa Trời còn hà hơi vào con người để họ ghi chép lại các tư tưởng của Đức Chúa Trời nữa.
C. Đọc chính tả: Đức Chúa Trời đọc Kinh thánh cho người ta viết ra giấy, như một viên chức đọc diễn văn cho người thư ký đánh máy. Lý thuyết này giảm thiểu ý nghĩa của sự linh cảm xuống chỉ còn là công việc quá máy móc. Chúng ta không chấp nhận lý thuyết này vì các nhân vật như: Đa-vít, Môi-se và Phi-e-rơ đều biểu hiện cá tính rõ ràng của họ trong bản văn họ viết. Lu-ca là bác sĩ đã dùng các thuật ngữ y khoa trong Lu-ca 8:44 (huyết cầm lại), Đa-vít là người chăn chiên đã viết về các con chiên, các dụng cụ của người chăn chiên cách chính xác. (cây trượng, cây gậy, trành ném đá…).
D. Sự linh cảm tự nhiên: Lý thuyết này ca ngợi thiên tài của con người, và phủ nhận yếu tố siêu nhân, mầu nhiệm và đặc biệt trong sự linh cảm. Điều này giảm giá của Thánh kinh xuống thành các tác phẩm đặc biệt như các tác phẩm của Shakkespeare, Milton, Khổng tử hay Jose Rizal. Sự linh cảm còn hơn thế nữa, đó thực sự là “lời Đức Chúa Trời phán.” Chúng ta phủ nhận lý thuyết này vì nó chủ trương “Kinh thánh có chứa lời Đức Chúa Trời” trong khi chúng ta tin Kinh thánh là lời Đức Chúa Trời.
E. Sự linh cảm phổ biến cho các tín hữu: Chúng ta đều là con cái của Đức Chúa Trời, từng hồi từng lúc chúng ta được Chúa cảm ứng viết nên một cuốn sách hay một bài thơ, hoặc cảm ứng làm điều nầy, điều khác. Nếu lý thuyết nầy đúng thì chúng ta có thể trông đợi một cuốn Kinh thánh mới, vào bất kỳ lúc nào. Sự linh cảm Kinh thánh còn hơn thế nữa, đó là sự linh cảm đặc biệt, xác định cho công tác đặc biệt là viết Thánh kinh, sứ điệp của Đức Chúa Trời dành cho loài người mà thôi.
F. Sự linh cảm có tính máy móc: Con người trở thành những cái máy và chép lại dưới sự cảm thúc lạ lùng về những điều mà cả chính họ không hiểu được. Chúng ta chối bỏ lý thuyết này, vì chúng ta thấy rõ bản tính yêu thương của sứ đồ Giăng trong các thơ tín của ông, bản tính nghiêm nghị của Gia-cơ, bản tính nóng nảy của Phi-e-rơ trong các thơ tín của ông.
G. Sự linh cảm tư tưởng: Lý thuyết này nói rằng Đức Chúa Trời ban cho người viết tư tưởng chính, và rồi họ được tự do diễn tả những tư tưởng đó theo ngôn ngữ mà họ nghĩ là tốt nhất. Chúng ta từ khước lý thuyết này, vì chúng ta tin rằng mỗi lời, mỗi chữ đều được phê chuẩn, chấp nhận bởi tác giả tối cao là Đức Chúa Trời.
H. Linh cảm từng lời, từng dấu chấm phết: Lý thuyết này cho rằng mỗi một chữ đều được linh cảm, một số khác còn đi xa hơn cho rằng từ dấu chấm, phết trong Kinh thánh cũng đều được Đức Chúa Trời linh cảm. Rõ ràng việc này không đúng vì trong nguyên văn không có chữ hoa và không có dấu ngắt câu.
I. Linh cảm từng phần: Một số phần trong Kinh thánh được linh cảm, ngụ ý rằng Kinh thánh chứa lời Đức Chúa Trời. Chúng ta khước từ lý thuyết này vì II Ti-mô-thê 3:16 nói rằng “Cả Kinh thánh đều bởi Đức Chúa Trời soi dẫn.” Lý thuyết này để cho mọi người được tự do lựa chọn và phê phán “phần nào được linh cảm” phần nào không, khiến cho người đọc hoang mang, bất định và hoàn toàn bối rối, không thể chấp nhận được.
III. SỰ GIẢI THÍCH ĐÚNG ĐẮN: SỰ LINH CẢM ĐẦY TRỌN.
Chúng ta tin rằng cả Kinh thánh đều được linh cảm đầy đủ như nhau, căn cứ trên lời tự chứng của II Ti-mô-thê 3:16, không có phần nào là không được linh cảm. Chúng ta không biết rõ sự linh cảm như thế nào, nhưng chúng ta tin rằng mỗi người viết Kinh thánh đều được tự do sử dụng nhân cách, sự học thức, kinh nghiệm của mình với một số những giới hạn nào đó. Đức Thánh Linh kiểm soát, canh giữ mỗi tư tưởng, mỗi câu,mỗi lời để bảo đảm cho lời Chúa được chính xác, không sai lầm.
IV. KINH THÁNH TỰ CHỨNG LÀ ĐƯỢC LINH CẢM.
1. Cho các người viết: 2 Phi-e-rơ 1:21.
2. Cho các tác phẩm: II Ti-mô-thê 3:16.
3. Cho các lời, các chữ: I Cô-rinh-tô 2:13, 2 Phi-e-rơ 3:2, Giu-đe 17.
V. NHỮNG ĐIỀU CẦN NHỚ LIÊN QUAN ĐẾN SỰ LINH CẢM.
Các bản dịch không được linh cảm. Các bản chép tay có thể sai sót. Không một nguyên bản nào còn lại cho đến ngày nay, nhưng các bản chép tay cổ đã khám phá được thì rất giống nhau.
Kinh thánh ghi lại đúng các sự kiện đã xảy ra: chẳng hạn A-na-nia nói dối, và lời nói dối đó được ghi chép lại: hoặc các thầy thông giáo nói rằng Chúa Jêsus bị quỷ ám, bị điên và lời nói dối nầy cũng được chép lại y như vậy.
KẾT LUẬN:
Chúng ta chấp nhận Kinh thánh là Lời vô ngộ của Đức Chúa Trời, Kinh điển 66 sách là hoàn tất, đầy đủ,chúng ta Không thừa nhận cách ngụy kinh và các sách nào khác được linh cảm.
Kinh thánh nguyên bản sẽ là tiêu biểu phán xét trong ngày cuối cùng Giăng 12:48. Chúng ta hãy đọc Kinh thánh mỗi ngày, và vâng theo sứ điệp Thánh Kinh trong cuộc sống hằng ngày.
Dân sự Chúa phải gìn giữ Kinh Thánh cẩn thận và sử dụng cách kính trọng, vì đây là sách của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Chúng ta hãy vui mừng phấn khởi vì Đức Chúa Trời đã phán, và chúng ta hãy cố gắng nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh, bước đi trong ánh sáng sự khải thị của Kinh thánh.