Bài 36
SỰ SA NGÃ CỦA LOÀI NGƯỜI
LỜI GIỚI THIỆU:
Ngoài Cơ đốc giáo, các tôn giáo khác đều nói đến sự sa ngã của loài người. Những câu chuyện đó của họ thường bị bóp méo, không chính xác nhưng họ đều thừa nhận đó là một sự kiện xấu xa, đáng sợ. Thuyết tiến hóa chỉ gây thêm vấn đề rắc rối hơn là giải quyết vấn đề. Nếu sách Sáng thế ký không đúng sự thật thì làm sao giải thích tình trạng hư hoại đạo đức và tội lỗi của loài người?
Các tôn giáo khác không có quan niệm cao cả về Đức Chúa Trời như chúng ta, vì thế khoảng xa cách giữa tội nhân và Đức Chúa Trời càng lớn lao hơn chúng ta rất nhiều. Đối với một số người thì một Đấng Thượng Đế vô tội, thánh thiện cho phép tội lỗi và Sa-tan vào vườn Ê-đen là việc không thích hợp chút nào. Câu trả lời cho câu hỏi nầy được khóa chặt vào các việc mầu nhiệm của Đức Chúa Trời. Sáng thế ký 3 đã đưa ra toàn bộ câu chuyện về sự thất bại bi đát nầy trong lịch sử nhân loại. Câu chuyện nầy không phải kể lại sự xuất hiện của tội lỗi trong thế gian, vũ trụ vì lúc bây giờ Sa-tan đã phạm tội rồi và đã bị ném khỏi Thiên Đàng. Ê-xê-chi-ên 28:12-15, Ê-sai 14:9-14. Câu chuyện nầy kể lại thế nào tội lỗi xâm nhập vào vòng nhân loại và khiến chúng ta phạm tội.
Một số người xem câu chuyện nầy như một chuyện ngụ ngôn, thật ra, câu chuyện không đơn giản như thế đâu. Một số người xem đó như là một huyền thoại, chúng ta tin Kinh Thánh là Lời vô ngộ của Đức Chúa Trời, nên chúng ta tin câu chuyện nầy là thật, và dĩ nhiên đây là thực tế rất phù hợp với hiện trạng của nhân loại. Cây cỏ, gai góc đầy dẫy và mồ hôi ướt đẫm trên trán của người lao động, nhắc nhở chúng ta nhớ, biết câu chuyện nầy là thật.
I. TÁC NHÂN CỦA SỰ SA NGÃ. Sáng 3:1.
Sa-tan hành động qua con rắn. Đây là một sự kiện đáng để ý vì các con rắn đã và sẽ còn là đối tượng sợ hãi của mọi người, và con người cũng làm cho rắn sợ hãi nữa.
II. SỰ QUỈ QUYỆT CỦA SA TAN.
Sa-tan không xuất hiện trong hình dạng cá nhân của nó, nó đã xuất hiện như một con rắn đẹp. Một số người như Josephus nói rằng con rắn là con vật duy nhất có khả năng nói ngoài con người. Nếu điều nầy là đúng, Ê-va có lẽ nghĩ rằng chính con rắn đang nói với bà. Sa-tan đã khởi sự tấn công khi A-đam và Ê-va ở xa nhau. (sự hiệp một, đoàn kết có sức mạnh mà ma quỷ cũng phải sợ). Sa-tan tấn công phái yếu và nó nắm lấy cơ hội khi Ê-va ở gần cây cấm. Sa-tan đã cám dỗ qua những sở thích hợp lý, những ước muốn về thức ăn và sự hiểu biết. Sa-tan bắt đầu tấn công bằng việc gieo sự hoài nghi về Lời của Đức Chúa Trời: “Nầy, Đức Chúa Trời há có phán?.”Sa-tan nói rằng cây cấm sẽ khiến loài người biết điều thiện và điều ác, nhưng nó không hề nói với bà là bà sẽ đánh mất khả năng làm điều thiện.
III. SỰ THỬ NGHIỆM ĐỨC CHÚA TRỜI ĐẶT RA CHO A-ĐAM VÀ Ê-VA. Sáng 2:16 -17.
IV. NHỮNG BƯỚC DẪN ĐẾN SA NGÃ.
Ê-va đến quá gần cây cấm, đáng ra bà phải xa lánh nơi cám dỗ. Có lẽ bà đứng gần chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây cấm, ngưỡng mộ điều cấm chẳng bao lâu sẽ dẫn đến việc tham muốn sở hữu hoặc hưởng thụ điều cấm. Bà đã tranh luận, đàm phán, thương lượng với ma quỷ. Đừng bao giờ tiếp chuyện hay tranh luận với ma quỷ, ta chỉ nên trưng dẫn Kinh Thánh cho nó để chống cự nó mà thôi. Bà đã sửa đổi, và bỏ bớt ý nghĩa của chữ “tự do ” trong mạng lịnh nguyên thủy của Chúa. Bà giảm thiểu tầm quan trọng của lời Chúa. Đức Chúa Trời phán: “Ngươi chắc sẽ chết” còn Ê-va thì nói: “e sẽ chết chăng.”
Sáng 3:6: “Người nữ thấy trái cây đó bộ ăn ngon lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa.”
V. HẬU QUẢ TRỰC TIẾP.
Những hậu quả trực tiếp ngay sau sự sa ngã là:
1. Họ trở nên tội nhân. Sự sống thuộc linh của họ đã chết. Ê-phê-sô 2:1.
2. Mắt họ mở ra và họ biết mình lõa lồ.
3. Họ lấy lá vả che thân.
4. Họ đi trốn khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tội lỗi đã chia rẽ con người khỏi Đức Chúa Trời.
VI. ĐỨC CHÚA TRỜI CÔNG BỐ ÁN PHẠT. Sáng 3:14 -19.
1. Tên con rắn: Bị rủa sả hơn cả các thú đồng và các động vật. Nó phải bò bằng bụng và ăn bụi đất.
2. Trên người đàn bà: Đau đớn khi sinh nở, phục quyền của chồng.
3. Trên người đàn ông: Đất bị rủa sả sanh gai góc, cỏ hoang. Đời sống người buồn thảm, phải đổ mồ hôi mới có ăn. Bị chết và trở về với cát bụi.
VII. HẬU QUẢ LÂU DÀI CỦA SỰ SA NGÃ.
1. Mọi người không phân biệt ai đều trở thành tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời. Rô-ma 3: 10, 23; 5:12. Có thể khác nhau trong mức độ, nhưng không khác nhau trong sự kiện tội lỗi.
2. Cả thế giới nằm dưới án phạt thạnh nộ, rủa sả. Rô-ma 3:19; Ga-la-ti 3:10, Ê-phê-sô 2:3.
3. Những người không được tái sanh đều được xem như là con cái ma quỷ chớ không phải con cái của Đức Chúa Trời. Giăng 8:44. Bằng sự tái sanh chúng ta mới trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Giăng 1:12.
4. Cả thảy nhân loại đều bị Sa-tan bắt giữ làm nô lệ. II Cô-rinh-tô 4:4.
5. Toàn thể bản tính con người, cả về trí tuệ, đạo đức, thuộc linh, thuộc thể đều bị ảnh hưởng bởi tội lỗi.
– Trí khôn bị tối tăm Ê-phê-sô 4:18, I Cô-rinh-tô 2:14.
– Lòng bị lừa dối và gian ác Giê-rê-mi 17:9, 10.
– Tâm trí và lương tâm bị ô uế Sáng 6:5, Tít 1:15.
– Thể xác và tâm linh bị ô uế II Cô-rinh-tô 7:5.
– Ý chí bị yếu đuối Rô-ma 7:18.
– Chúng ta hoàn toàn đánh mất mọi phẩm giá giống như Đức Chúa Trời Rom 7:18.
KẾT LUẬN:
Con người sinh ra đã là tội nhân, thù nghịch với Đức Chúa Trời. Khi con người sa ngã, Đức Chúa Trời đã hứa ban Đấng Cứu Chuộc và kế hoạch cứu rỗi. Lời tiên tri nầy (Sáng 3:15) Đức Chúa Trời đã làm ứng nghiệm 4.000 năm sau trên thập tự giá. Đức Chúa Trời thay quần áo lá vả của A-đam bằng áo da chiên. Đây là hình ảnh sự cứu chuộc bằng máu, cần thiết cho sự cứu rỗi tội nhân.