Không có lời khen tặng nào đối với người tin Chúa Giê-xu quý hơn là bảo rằng người ấy thật là kính sợ Chúa. Người ấy có thể là một người cha hay mẹ chu đáo cẩn thận, một người phục vụ trong nhà thờ hăng say, một người năng nổ trong việc nói về Chúa cho người khác nghe, hoặc là một nhà lãnh đạo tài ba; nhưng những điều ấy sẽ không đáng kể gì nếu người ấy chưa phải là một người kính sợ Chúa.
Bài 1
Tác giả: Nguyễn Sinh
Giá Trị Thật
Sự luyện tập thể chất cũng hữu ích phần nào, nhưng luyện tập thánh khiết có giá trị về đủ mọi mặt, vì hưởng được lời hứa cho đời sống hiện tại và tương lai. I Ti-mô-thê 4:8
Không có lời khen tặng nào đối với người tin Chúa Giê-xu quý hơn là bảo rằng người ấy thật là kính sợ Chúa. Người ấy có thể là một người cha hay mẹ chu đáo cẩn thận, một người phục vụ trong nhà thờ hăng say, một người năng nổ trong việc nói về Chúa cho người khác nghe, hoặc là một nhà lãnh đạo tài ba; nhưng những điều ấy sẽ không đáng kể gì nếu người ấy chưa phải là một người kính sợ Chúa.
Các từ kính sợ Chúa và tin kính Chúa thực ra chỉ thấy xuất hiện vài lần trong Kinh Thánh Tân Ước, tuy nhiên toàn bộ Kinh Thánh là sách nói về tin kính Chúa. Khi nào các từ này xuất hiện là mang theo ý nghĩa và huấn lệnh cho chúng ta.
Khi Phao-lô muốn cô đọng ý nghĩa của đời người tin Chúa trong một câu ngắn, ông tập trung vào từ tin kính Chúa. Ông bảo chúng ta rằng ân điển của Đức Chúa Trời dạy chúng ta khẳng định chối tư đối với lối sống không tin kính Chúa và tham dục trần gian, và phải sống đời tự chế ngự, ngay thẳng và kính sợ Chúa trong khi chúng ta chờ đợi sự hiện ra của Chúa Giê-xu. (Tít 2:11-13). Khi Phao-lô nghĩ về công việc của ông là sứ đồ của Chúa Giê-xu, ông nói rằng ông đã được Chúa gọi để tăng cường đức tin cho những người được Chúa chọn và giúp họ tiến lên trong hiểu biết về chân lý là điều dẫn đến sự tin kính Chúa (Tít 1:1).
Trong lá thư thứ nhất gửi cho Ti-mô-thê, Phao-lô nhấn mạnh về sự tin kính. Chúng ta được dạy là phải cầu nguyện cho những người cầm quyền, để chúng ta có thể sống đời an bình và yên lặng trong sự tin kính và thánh khiết. Chúng ta phải tự huấn luyện cho được kính sợ Chúa. Chúng ta phải theo đuổi con đường tin kính – từ theo đuổi mang ý nghĩa là cố gắng không mệt mỏi và kiên trì tiến tới. Sự tin kính với sự thỏa lòng được kể là có lợi lớn, và cuối cùng, Sự tin kính có giá trị cho mọi sự việc, vì giữ được lời hứa của cuộc đời hiện tại và cuộc đời tương lai.
Khi nói về việc trông chờ ngày Chúa trở lại giữa lúc trái đất và mọi công trình trên đất đều bị phá hủy, câu hỏi đặt ra là, chúng ta phải chuẩn bị như thế nào, Phi-e-rơ đáp là chúng ta phải sống cuộc đời thánh khiết và kính sợ Chúa. (2 Phi-e-rơ 3:10-12). Trong lá thư Phi-e-rơ, ông đã dùng sự cố bất ngờ nhất trong suốt lịch sử để khơi dậy bổn phận của người tin Chúa, đó là sống thánh khiết và kính sợ Chúa.
Như thế chúng ta thấy rằng sự tin kính Chúa không phải là chuyện cao sang muốn cũng được không cũng được của một số người tin Chúa đặc biệt nào đó trong một thời quá vãng hay là một số bậc thánh cao trọng trong hiện tại. Đây chính là ưu quyền và bổn phận của mỗi người tín đồ phải theo đuổi sự tin kính, tập tành tin kính Chúa, nghiên cứu cẩn thận về việc thực hành sự tin kính Chúa. Chúng ta không cần đến bất cứ một khả năng hay dụng cụ đặc biệt nào. Phi-e-rơ bảo rằng, Chúa đã ban cho mỗi chúng ta mọi điều cần để sống và sống tin kính (2 Phi-e-rơ 1:3). Người tín đồ tầm thường đến đâu cũng có tất cả những gì người ấy cần, và người tín đồ tài ba nhất cũng phải sử dụng cùng những phương tiện đó trong việc thực hành sự tin kính Chúa.
Như thế sự tin kính Chúa là gì? Những dấu hiệu của một người kính sợ Chúa là gì? Làm thế nào một người có thể trở thành kính sợ Chúa được?
Bạn nghĩ về điều gì khi nghe nói đến tin kính Chúa?
Các câu trả lời dù khác nhau, luôn luôn nói lên một vài ý niệm về đức tính của người tin Chúa như nói rằng tin kính tức là giống Đức Chúa Trời, giống Chúa Giê-xu, hay trái của Thánh Linh Sự tin kính Chúa như thế chắc chắn là bao gồm cả đức tính của người tin Chúa, nhưng hơn thế nữa. Sự tin kính Chúa còn một khía cạnh căn bản hơn là đức tính kính sợ Chúa. Thực ra đó chính là nền móng mà đức tính thánh khiết được xây lên trên.
Sự sùng kính trong hành động.
Kinh Thánh cho chúng ta một vài dầu mối về sự tin kính Chúa ngay trên các trang đầu tiên. Sáng Thế Ký 5:21-24 cho biết về Hê-nóc, là cha của Mê-tu-sê-la. Trong ba câu ngắn tóm tắt cuộc đời Hê-nóc, Môi-se đã hai lần mô tả Hê-nóc là ‘cùng đi với Đức Chúa Trời.’ Tác giả của thư Hê-bơ-rơ đặt Hê-nóc vào danh sách các anh hùng đức tin trong chương 11, nhưng nhìn Hê-nóc qua một khía cạnh hơi khác. Hê-nóc được mô tả ở đó là ‘người vừa lòng Chúa’ Ta thấy có hai đầu mối quan trọng: Hê-nóc cùng đi với Chúa và Hê-nóc sống vừa lòng Chúa. Căn cứ vào hai câu mô tả này thì trung tâm cuộc đời Hê-nóc là Chúa. Chúa là diểm nổi bật nhất, là ngôi sao rực sáng trong đời sống Hê-nóc.
Hê-nóc cùng đi với Chúa; Hê-nóc ưa thích được tương giao với Chúa và ông sống vừa lòng Chúa. Nói đúng ra, Hê-nóc sùng kính Chúa. Đây chính là ý nghĩa của sự tin kính Chúa. Từ tin kính Chúa trong kinh Tân Ước, trong
nguyên nghĩa mang theo ý niệm về một thái độ riêng đối với Chúa đưa đến các kết quả làm Chúa vừa lòng. Thái độ riêng đối với Chúa đó ta gọi là sùng kính Chúa. Nhưng đây là sùng kính trong hành động.
Đây không phải chỉ là một loại cảm xúc sốt sắng và xúc động về Chúa, là loại cảm xúc chúng ta thường có khi hát lại một bài thánh ca cũ hay là một đoản ca thờ phượng mới. Cũng không phải là hướng về Chúa trong một
giờ riêng tư đọc Kinh Thánh và cầu nguyện mà ta gọi là giờ yên lặng (devotions). Mặc dù giờ yên lặng ấy rất là quan trọng đối với một người kính sợ Chúa, chúng ta không thể coi đó là tất cả sự sùng kính đối với Chúa.
Tập trung vào Chúa
Sùng kính không phải là một hoạt động mà là một thái độ đối với Chúa. Thái độ này gồm có ba yếu tố chính, đó là:
Kính sợ Chúa
Yêu kính Chúa
Thèm khát Chúa.
Cả ba yếu tố này đều tập trung vào Chúa. Việc thực hành tin kính Chúa là một cuộc thực tập hay giữ kỷ luật tập trung tư tưởng và đời sống vào Chúa. Từ thái độ hướng về Chúa này phát sinh ra đức tính và hành vi mà chúng ta thường gọi là tin kính Chúa. Chúng ta thường hay cố phát triển đức tính và hành vi của người tin Chúa mà không chịu để thì giờ phát triển sùng kính tập trung vào Chúa. Chúng ta cố làm cho Chúa vừa lòng mà không chịu bỏ thì giờ bước đi cùng với Chúa và phát triển một tương quan với Ngài. Đây là việc không thể nào thực hiện được. Sùng kính theo nghĩa rộng liên quan đến hành động cũng như thái độ.
William Law dạy rằng:
Sùng kính xác định một cuộc đời đã hiến trao hay dâng lên cho Chúa. Cuộc đời ấy kính sợ Chúa, không sống theo ý riêng hay cách thức và tinh thần của thế gian, nhưng chỉ theo ý Chúa, việc gì cũng đặt vào quan điểm của Chúa, phục vụ Chúa trong mọi lĩnh vực, người khiến tất cả một sự việc trong đời mình trở thành những phần thờ kính Chúa bằng cách nhân danh Chúa mà làm mọi việc và tự đặt mình dưới những lệ luật thích ứng với vinh quang của Chúa.
Lời dạy của William Law bao gồm tất cả mọi lĩnh vực. Người sùng kính Chúa đặt Chúa ở trung tâm của tư duy. Ngay những bổn phận tầm thường nhất cũng làm với chủ ý là đem vinh quang về cho Chúa. Lời Phao-lô dạy người Cô-rinh-tô ngày xưa thật rõ, bất cứ làm điều gì, hoặc ăn hay uống cũng vì vinh quang của Chúa mà làm.
Dĩ nhiên là một lối sống tập trung vào Chúa như thế không thể nào phát triển và duy trì bên ngoài một nền tảng sùng kính Chúa vững chắc được. Chỉ người nào có một tương giao riêng tư và mạnh đối với Chúa, mới có thể giữ một cam kết như thế mà không bị gò bó hay là hình thức quá. Giăng dạy rằng, các mệnh lệnh của Chúa không phải là gánh nặng. Một cuộc đời sùng kính Chúa không chán chường nhưng rất thật vì người kính sợ Chúa thì việc trước tiên là phải sùng kính Chúa.
Sùng kính Chúa như thế chính là chủ yếu của đức tính tin kính. Sự sùng kính này phải là động lực duy nhất cho các hành vi làm vừa lòng Chúa. Đây là động lực phân biệt rõ người kính sợ Chúa và người thánh thiện, hoặc
là người nhân đức và người cuồng nhiệt. Người kính sợ Chúa là người thánh thiện, nhân đức và cuồng nhiệt vì người ấy sùng kính Chúa. Cuộc đời người ấy lên một chiều kích phản ánh mọi dấu ấn của Chúa.
Buồn thay nhiều người tin Chúa mà không có cái hào quang tin kính trong đời sống. Những người ấy có thể có tài, hay rất bận rộn trong công việc của Chúa, có khi còn thành công trong nhiều hoạt động của đạo Chúa nữa, nhưng vẫn chưa phải là người kính sợ Chúa. Tại sao vậy? Vì những người ấy không sùng kính Chúa. Họ có thể chuyên tâm về một tầm nhìn, hay cho một công việc phục vụ Chúa, hay cho chính danh tiếng của người
ấy là tín đồ Chúa, nhưng không cho Chúa.
Tin kính Chúa là điều cao hơn đức tính của người tin Chúa. Vì đức tính của người tin Chúa xuất phát từ sự sùng kính Chúa. Và sùng kính Chúa thì luôn luôn sản sinh ra đức tính kính sợ Chúa.
Khi chúng ta đào sâu vào ba yếu tố chính của sự sùng kính Chúa, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả, dù riêng hay chung đều hướng vào việc làm vừa lòng Chúa. Như thế định nghĩa về tin kính Chúa chúng ta dùng trong loạt bài
học này là sự sùng kính Chúa đưa đến kết quả là một cuộc đời sống vừa lòng Chúa.
Trong những bài học đầu chúng ta sẽ tập trung vào sự sùng kính Chúa, tìm hiểu cho rõ ý nghĩa và tại sao phát sinh kết quả là đức tính của người tin Chúa. Các bài học sau sẽ tập trung vào các đặc điểm của một đời tin kính Chúa. Nhưng chúng ta không bao giờ quên rằng sùng kính Chúa là mạch chính của đức tính người tin Chúa và chỉ có nền tảng đó cuộc đời người tin Chúa mới có thể thành công mà thôi.
Thờ Kính Chúa
Lạy Chúa, ai là kẻ không kính sợ và không ngợi khen danh Ngài? Vì một mình Ngài là thánh, mọi dân tộc sẽ đến thờ lạy trước mặt Ngài, vì các sự đoán xét Ngài đã được tỏ ra. (Khải Huyền 15:4).
Hê-nóc bước đi với Chúa và Hê-nóc sống vừa lòng Chúa. Việc đi với Chúa nói lên mối tương giao của Hê-nóc với Chúa, hay là lòng sùng kính của ông đối với Chúa; việc sống vừa lòng Chúa cho thấy thái độ xuất phát từ mối tương giao ấy. Không ai có thể tạo dựng một khuôn mẫu về thái độ của người tin Chúa mà không đặt cơ sở trên một sự sùng kính Chúa. Thực hành đời sống thánh khiết vì vậy việc làm trước tiên là vun xới một tương giao mật thiết với Chúa và từ đó phát triển một cuộc đời sống làm vừa lòng Chúa. Quan niệm của ta về Chúa như thế nào và tương giao của ta với Chúa xác định nên hành vi hay sống đạo của ta.
Sùng kính Chúa gồm có ba yếu tố cơ bản, đó là: kính sợ Chúa, kính yêu Chúa và thèm khát Chúa. Ta mường tượng ra một hình tam giác tượng trưng cho lòng sùng kính Chúa, trong đó có ba đỉnh. Hai đỉnh thấp là kính sợ Chúa và kính yêu Chúa, điểm thứ ba trên cao là thèm khát Chúa. Nghĩa là kính sợ Chúa và kính yêu Chúa tạo thành nền móng cho sự sùng kính trong khi đó sự thèm khát Chúa là biểu lộ cao nhất của sự sùng kính.
Ta sẽ bắt đầu với hình ảnh người tín đồ kính sợ Chúa.
Cố Giáo sư John Murray nói rằng, Kính sợ Chúa là linh hồn của đời sống thành khiết đạo đức. Tuy nhiên kính sợ Chúa là một ý niệm có vẻ cổ lỗ và lỗi thời đối với nhiều người ngày nay. Đã có một thời người tin Chúa trung tín được mệnh danh là một người kính sợ Chúa. Ngày nay có người còn sợ bị chê cười khi mang danh hiệu ấy. Nhiều người cho rằng kính sợ Chúa là một ý niệm của thời Cựu Ước, đã chìm vào quá khứ khi mạc khải về tình thương của Chúa được thể hiện qua Chúa Giê-xu.
Đành rằng ý niệm về kính sợ Chúa nói rất nhiều trong Cựu Ước, nếu cho là không quan trọng đối với Tân Ước, là điều sai lầm. Một trong những điều phước hạnh nhất của giao ước mới là trồng sâu trong lòng người tin Chúa sự kính sợ Chúa. Trong Giê-rê-mi 32:40 có ghi lời Chúa rằng: Ta sẽ lập giao ước đời đời với chúng nó rằng: Ta sẽ không xây khỏi chúng nó dể làm phước cho; và Ta sẽ đặt sự kính sợ Ta vào lòng, để chúng nó không còn lìa bỏ Ta.
Công vụ 9:31 ghi: Hội thánh trong cả xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê và xứ Sa-ma-ri được hưởng sự bình an, gây dựng và đi trong đường kính sợ Chúa, lại nhờ Thánh Linh vùa giúp thì số người của hội được thêm lên.
Phao-lô cũng như Phi-e-rơ đều đặt kính sợ Chúa làm động cơ cho đời sống thánh thiện và công nghĩa. Riêng Chúa Giê-xu, được tiên tri trước rằng: Ngài lấy sự kính sợ Đức Giê-hô-va làm vui. Ngay Chúa Giê-xu, trong thân xác con người cũng đã ưa thích kính sợ Chúa Cha, như vậy chúng ta lại càng đáng phải để tâm vun xới đức tínhnày trong mỗi đời sống chúng ta là dường nào.
Kinh Thánh dùng từ kính sợ Chúa theo hai cách khác biệt; một đàng là lo sợ kinh hãi, và một đàng là tôn kính, nể vì và khiếp sợ.
Kính sợ trong nghĩa lo sợ kinh hãi phát sinh do sự nhận thức về sự phán xét tội của Chúa sắp xẩy ra. Khi A-đam phạm tội, ông ta trốn Chúa vì sợ. Mặc dù hình thức kính sợ Chúa này đáng phải là thái độ của mỗi một người chưa được cứu, vì sống mỗi ngày như đối tượng của cơn thịnh nộ của Chúa. Phao-lô nói lên đặc tính của nhân loại vô đạo là: Chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời trước mắt chúng nó. (Rô-ma 3:18).
Người tin Chúa là đã được giải phóng khỏi nỗi sợ cơn thịnh nộ của Chúa (1 Giăng 4:18). Nhưng ta nên nhớ rằng người tín đồ vẫn không được thoát khỏi biện pháp kỷ luật của Chúa đối với hành vi tội lỗi của ngưòi ấy, và
theo nghĩa này, người ấy vẫn sợ Chúa. Người ấy phải kính sợ và run rẩy để thực hiện hay làm sự cứu rỗi mình như Phi-líp 2:12 đã dạy; Phi-e-rơ thì bảo rằng người ấy phải sống đời như khách lạ trong niềm kính sợ (1 Phi-e-rơ 1:17).
Tuy nhiên với tư cách là con của Chúa, ý nghĩa chính của kính sợ Chúa phải là sùng bái và kính trọng, cung kính và kỉnh kiền. Đây chính là linh hồn của đời sống tin kính Chúa. Thái độ này xuất phát từ lòng tôn thờ và yêu mến, kính trọng và tôn sùng. Kính sợ hiểu theo cách này không có nghĩa là tập trung vào cơn thịnh nộ của Chúa, nhưng chú trọng vào vinh quang, thánh khiết và đức siêu việt của Ngài. Có thể cũng tuơng tự như sự sùng kính của một thần dân trung thành trước một ông vua, dù rằng sự kính sợ một vị vua trần gian khó có thể so được phần nào với Chúa là đấng chủ tể, Vua của các vị vua và Chúa của mọi chúa tể.
Các thiên sứ trong dị tượng của Ê-sai chương sáu minh chứng sự sùng kính này khi họ có hai cánh che mặt trước mặt Chúa vinh quang. Ê-sai và Phi-e-rơ cũng đều nói lên thái độ kinh sợ của họ khi đối diện với vinh quang của một Đấng Thánh là Chúa. Ta càng thấy rõ hơn trong thái độ của sứ đồ Giăng khi thấy dị tượng ghi ở Khải Thị 1:17. Lúc ấy khi nhìn thấy vinh quang rạng ngời thiên thượng của Chúa, Giăng đã ngã xuống như chết.
Không ai có thể sùng kính Chúa nếu chưa đầy lòng kính sợ Chúa. Trong ý thức sâu nhiệm về sùng bái và kính trọng, cung kính và kỉnh kiền xuất phát từ tâm hồn chúng ta mà sự thờ phượng và tôn vinh Chúa đạt đến chỗ sùng kính thật. Người tín đồ khiêm cung, kính sợ Chúa thấy vinh quang siêu việt, vẻ uy nghi và thánh khiết của Chúa trước khi thấy Chúa là Đấng đầy tình yêu, thương xót và nhân từ.
Trong tâm hồn của người kính sợ Chúa có một căng thẳng giữa khiêm cung kỉnh kiền đối với Chúa trong vinh quang rạng ngời và đồng thời lại có lòng tin cậy như đứa trẻ đối với người Cha thiên thượng. Không có cái căng
thẳng này, lòng tin cậy như con đối với cha sẽ dễ suy giảm và trở thành tầm thường. Một trong những tội nặng của người tin Chúa ngày nay có thể là những lời xưng hô quá gia đình của chúng ta đối với Chúa khi cầu nguyện mà không suy nghĩ. Không thánh nhân nào trong Kinh Thánh có thái độ như thế. Họ luôn luôn đối đáp với Chúa trong thái độ khiêm cung.
Cùng một tác giả dạy ta là Vững lòng đến gần ngôi ơn phước cũng dạy ta là phải thờ kính Chúa với lòng sùng bái kỉnh kiền, vì Chúa chúng ta là ngọn lửa thiêu cháy (Hê-bơ-rơ 10:19 và 12:28-29).
Phao-lô vừa dạy chúng ta là Thánh Linh ở trong chúng ta khiến chúng ta kêu lên A-ba, lạy Cha lại vừa bảo Chúa chúng ta ở nơi ánh sáng không ai đến gần được. (Rô-ma 8:15 và 1 Ti-mô-thê 6:16).
Chúng ta cần bắt đầu phục hồi lại ý thức về kỉnh kiền và khiêm cung sâu xa đối với Chúa trong đời thường. Chúng ta cần nhìn lên Chúa trong cái uy nghi vô cùng chỉ thuộc riêng về một mình Chúa là Đấng Tạo Hóa và Chủ Tể Cao cả của toàn vũ trụ này. Có một khoảng cách vô cùng trong giá trị và sự tôn quý giữa Chúa, Đấng Tạo Hóa và con người là tạo vật, mặc dù con người được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa. Sự kính sợ Chúa chính là cái cảm nhận về khoảng cách này – không phải là đẩy xa con người xuống, nhưng là suy tôn Chúa lên cao.
Ngay cả những người đã được cứu chuộc lên thiên đàng cũng vẫn kính sợ Chúa. Khải Huyền 15:3-4 ghi:
Chúng hát bài ca Môi-se, là tôi tớ Đức Chúa Trời, và bài ca Chiên Con, mà rằng: Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời Toàn năng, công việc Chúa lớn lao và lạ lùng thay! Hỡi Vua của muôn đời, đường lối Chúa là công bình và chơn thật!
Lạy Chúa, ai là kẻ không kính sợ và không ngợi khen danh Ngài? Vì một mình Ngài là thánh, mọi dân tộc sẽ đến thờ lạy trước mặt Ngài, vì các sự đoán xét Ngài đã được tỏ ra.
Ta nhận thấy sự sùng bái của họ tập trung vào các thuộc tính của Chúa như là quyền năng, công chính và thánh khiết. Đây chính là uy nghi của Chúa khiến phát xuất trong lòng ta một sự khiêm cung đối với Ngài. Đây cũng là thái độ khiêm cung của dân tộc Israel khi họ thấy quyền năng của Chúa thi thố trên đất Ai-cập. Xuất 14:31 ghi: Dân Y-sơ-ra-ên thấy việc lớn lao mà Đức Giê-hô-va đã làm cho người Ê-díp-tô, nên kính sợ Ngài, tin Ngài và Môi-se, là tôi tớ Ngài.
Dân tộc Israel đã cùng với Môi-se hát bài ca ngợi Chúa có câu như sau: Hỡi Đức Giê-hô-va! trong vòng các thần, ai giống như Ngài? Trong sự thánh khiết, ai được vinh hiển như Ngài. Đáng sợ, đáng khen,hay làm các phép lạ? (Xuất 15:11).
Như thế kính sợ Chúa cũng là tôn xưng tính độc nhất tuyệt đối của Ngài, xác nhận uy nghi, thánh khiết, vinh quang và quyền năng của Ngài.
Chúng ta không đủ lời để mô tả vinh quang vô cùng của Chúa đã được trình bầy trong Kinh Thánh. Vì ngay các lời mô tả đó cũng không cho ta thấy rõ hình ảnh của Ngài. Nhưng một ngày kia mỗi chúng ta sẽ thấy Chúa thật sự, và chúng ta sẽ kính sợ Chúa theo đúng ý nghĩa của từ kính sợ. Cũng hướng về ngày gặp Chúa như vậy mà Phi-e-rơ mới căn dặn dân Chúa là phải sống đời thánh khiết và kính sợ Chúa ngay từ hiện tại. Chúa đang chuẩn
bị chúng ta cho cuộc sống trên trời để sống với Chúa vĩnh hằng. Vì vậy Ngài muốn chúng ta trưởng thành cả về mặt thánh khiết lẫn mặt tin kính Chúa. Chúa muốn chúng ta trở nên như Chúa và khiêm cung tôn thờ Chúa vĩnh hăng. Chúng ta phải học sống như thế ngay bây giờ.
Thông thường người ta dường như nói nhiều về tình thương của Chúa đến nỗi có khi không đề cập đến sự kính sợ Chúa. Chính vì thế mà chúng ta không tôn kinh và sùng bái Ngài đúng mức độ. Chúng ta cần tôn cao tình yêu Chúa, nhưng dù chúng ta chú trọng về tình thương và đức nhân từ, chúng ta đừng bao giờ quên sự uy nghi và thánh khiết tuyệt đối của Ngài.
Không những phải có một ý niệm đúng về sự kính sợ Chúa mới khiến ta thờ phượng Chúa đúng cách, sự kính sợ ấy cũng còn điều hòa hành vi và sống đạo của ta nữa.
John Murray nói: Chúng ta thờ gì và thờ ai định ra thái độ của chúng ta.
Mục sư Albert N. Martin nói rằng: Những yếu tố chính trong sự kính sợ Chúa là:
1. Quan niệm đúng về đức tính của Chúa
2. Có ý thức rõ rệt về sự có mặt của Chúa
3. Thường xuyên ý thức về bổn phận của mình đối với Chúa.
Nếu chúng ta có một cảm thức nào đó về sự thánh khiết vô cùng và sự ghét tội của Chúa, cộng với một ý thức rõ rệt về hiện diện của Chúa trong mọi hành động của mình, ngay cả trong tư duy, thì một niềm kính sợ như thế chắc chắn phải ảnh hưởng và điều hợp lối sống của chúng ta.
Cũng y như vâng lời Chúa tức là yêu mến Ngài, thì vâng lời Chúa cũng là kính sợ Ngài vậy.
Phục truyền 6:2 ghi: Hầu cho ngươi kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, trọn đời, ngươi và con cháu ngươi vâng giữ các luật lệ và điều răn của Ngài mà ta truyền cho ngươi, để ngươi được sống lâu ngày.
Lê-vi-ký 19 nói đến một loạt những lệ luật cho nước Israel khi họ vào đất hứa. Từ chương này, Chúa Giê-xu đã trích dẫn. Trong chương ấy các thành ngữ: Ta là Giê-hô-va và Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi được
ghi đên 16 lần. Qua việc nhắc đi nhắc lại các danh hiệu của Chúa, Chúa muốn dân Chúa phải ghi nhớ và vâng lời để có lòng kính thờ và kính sợ Chúa.
Như thế, sự kính sợ Chúa phải đưa đến một động cơ thúc đẩy ta vâng lời Chúa. Nếu chúng ta thật sự sùng bái Chúa, chúng ta sẽ vâng lời Ngài, vì mỗi hành động không vâng lời đều là sự xúc phạm đến bản chất tôn quý và
uy nghi của Chúa.
Kính Yêu Chúa
Chỉ người nào thật sự kính sợ Chúa mới nếm biết tình thương của Chúa. Nguời ấy nhìn ra khoảng cách vô cùng giữa một bên là Chúa thánh khiết và một bên là một tạo vật tội lỗi, và tình thương đã bắc cầu qua vực sâu ấy nhờ cái chết của Chúa Giê-xu. Tình thương của Chúa đối với chúng ta có nhiều mặt, nhưng Ngài đã thể hiện cao cả nhất bằng cách sai Con Ngài chịu chết thay tội cho chúng ta. Tất cả các khía cạnh khác của tình yêu ấy đều là thứ yếu so với việc này, và nói cho đúng ra là cũng do cái chết của Chúa Giê-xu mà chúng ta mới hưởng được cả.
Sứ đồ Giăng dạy: Chúa là tình thương (1 Giăng 4:8). Ông giải thích câu này: Đây là cách thức Chúa tỏ bày tình thương của Ngài cho chúng ta: Ngài đã sai con Trai độc nhất của Ngài vào trần gian để chúng ta có thể nhờ Ngài mà được sống. Tình thương ấy như thế này: Không phải chúng ta thương yêu Chúa, nhưng Chúa đã yêu chúng ta và sai con Ngài làm sinh tế chuộc tội lỗi cho chúng ta. ( 1 Giăng 4:9-10).
Một người thật sự kính sợ Chúa không bao giờ quên rằng chính mình đã một lần là đối tượng của cơn thịnh nộ đúng và thánh của Chúa. Người ấy không bao giờ quên rằng Chúa Giê-xu đã đến trong trần gian này để cứu vớt tội nhân, và người ấy cũng đồng một ý nghĩ như Phao-lô rằng chính mình là tội nhân xấu nhất. Nhưng rồi người ấy nhìn lên thập tự giá và thấy Chúa Giê-xu làm sinh tế chuộc tội cho mình. Người ấy thấy Chúa Giê-xu mang hết tội lỗi của người ấy trên thân Ngài, và cơn thịnh nộ của Chúa, đáng lẽ người ấy là tội nhân phải chịu, đã trút hết lên con thánh của Chúa là Giê-xu. Đây là cái nhìn lên Gô-gô-tha, cái nhìn vào tình thương của Chúa.
Tình thương của Chúa sẽ không có nghĩa gì bên ngoài Gô-gô-tha. Và Gô-gô-tha cũng không có ý nghĩa nào bên ngoài cơn thịnh nộ công chính và thánh của Chúa. Chúa Giê xu không chết để ban cho chúng ta bình an và một mục đích sống, Ngài đã chết để cứu chúng ta thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thượng Đế. Ngài chết để cho chúng ta được tái ngộ với Chúa Thánh đã từng cách ngăn với chúng ta vì tội lỗi của chúng ta. Chúa Giê xu chết để chuộc chúng ta khỏi án phạt tội – đó là sự trừng phạt hủy diệt đời đời, hoàn toàn ngăn cách với Chúa. Chúa chết để chúng ta vốn là đối tượng của cơn thịnh nộ Chúa, trở thành những kẻ kế tự và đồng kế tự với Ngài, nhờ ân sủng ban cho.
Chúng ta càng kính sợ Chúa bao nhiêu thì lại càng cảm kích tình yêu của Chúa bấy nhiêu. Chúng ta càng nhìn thấy Chúa trong uy nghi, thánh khiết và vinh quang siêu việt vô cùng của Ngài, thì chúng ta lại càng chiêm ngắm tình yêu của Chúa đã tuôn đổ trên Gô-gô-tha với ngạc nhiên lạ lùng.
Nhưng ngược lại, chúng ta càng cảm kích tình yêu của Chúa trong Chúa Cứu Thế bao nhiêu, chúng ta lại càng khiêm cung sùng kính Chúa sâu xa bấy nhiêu. Chúng ta phải nhìn thấy Chúa trong vinh quang của toàn bộ bản chất của Ngài, nghĩa là đức thánh thiện cũng như đức thánh khiết, vì chúng ta phải suy tôn vinh quang, tôn quý và sùng kính xứng đáng cho Ngài. Tác giả Thi-thiên nắm bắt đựơc chân lý này khi ông ta nói với Chúa rằng: Lạy
Chúa Hằng Hữu, nếu Ngài cố chấp sự gian ác, thì Chúa ôi, ai sẽ còn sống? Nhưng Chúa có lòng tha thứ để người ta kính sợ Chúa. (Thi-thiên 130:3-4). Tác giả này thờ phượng Chúa với thái độ khiêm cung và kính sợ vì sự tha thứ của Chúa. Trong sự thực hành thánh khiết của chúng ta, chúng ta cũng phải làm sao cho sự kính sợ cũng như sự cảm nhận tình yêu Chúa cùng gia tăng. Đây là hai yếu tố cơ bản làm nền tảng cho sự sùng kính Chúa của chúng ta.
Việc ý thức về tình yêu của Chúa đối với chúng ta trong Chúa Cứu Thế phải được cá nhân hóa để trở thành nền móng cơ bản cho tam giác sùng kính Chúa của chúng ta. Vì tin rằng “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian”
không, không đủ đâu. Ta phải nắm vững rằng Chúa thương yêu cá nhân tôi, một cách riêng biệt mới được. Chính vì ý thức về tình yêu của Chúa đối với riêng mình mà tâm hồn chúng ta mới được lôi kéo vào chỗ sùng kính Ngài.
Ý thức của chúng ta về tình yêu của Chúa cũng phải thường xuyên gia tăng. Chúng ta càng trưởng thành trong đời tin kính Chúa, lại càng ý thức được nhiều hơn về đức thánh khiết của Chúa và tình trạng đầy tội lỗi của mình. Trong thư thứ nhất gửi cho Ti-mô-thê, Phao-lô đã phản ánh đức nhân từ của Chúa khi Ngài bổ nhiệm ông làm người truyền bá Phúc âm. Ông nhắc lại khi trước ông vốn là một người hay thóa mạ, người đi bách hại và rất hung tợn. Con người đó không còn nữa vì thuộc về quá khứ. Nhưng khi ông tiếp tục phản ánh về ân sủng của Chúa, thì ông nói đến kinh nghiệm trong hiện tại. “Chúa Giê-xu đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, trong những kẻ đó, tôi đứng đầu.” (1 Ti-mô-thê 1:15). Ông không còn nghĩ về quá khứ của mình, khi bách hại Chúa, nhưng nghĩ về kinh nghiệm hiện tại mỗi ngày, đó là với tư cách người tín đồ của Chúa mà sống không đạt đến ý muốn Chúa dành cho mình.
Ông không nghĩ dến các tín đồ khác là những người chúng ta biết là thua xa Phao-lô trong trình độ sùng kính Chúa và trong đức tính thánh thiện. Phao-lô không mất thì giờ cố làm cho mình thỏa mãn bằng cách so sánh mình với những người kém trưởng thành hơn. Ông so mình với tiêu chuẩn của Chúa và vì vậy thấy mình là kẻ đứng đầu các tội nhân.
Qua cảm thức hiện tại về tội của mình, Phao-lô thấy được tình yêu Chúa dành cho mình. Càng gia tăng hiểu biết về ý chỉ hoàn hảo của Chúa, ông càng thấy tình trạng tội lỗi của mình, và càng hiểu được tình yêu của Chúa khi sai con Ngài là Chúa Cứu Thế để hi sinh cho chính ông.
Càng thấy rõ tình thương của Chúa, lòng ông lại càng hướng về sự sùng kính Đấng đã thương yêu ông như thế.
Nếu tình thương của Chúa đối với chúng ta phải là nền tảng vững chắc cho sùng kính, chúng ta còn phải nhận định rằng tình yêu ấy hoàn toàn là ân sủng, nghĩa là chỉ do công nghiệp của Chúa Giê-xu và tràn đến chúng ta qua việc chúng ta được kết hợp với Ngài. Trên căn bản này, tình thưiơng của Chúa không bao giờ thay đổi mặc dù chúng ta có làm gì chăng nữa. Trong kinh nghiệm hàng ngày, chúng ta vẫn có những trồi sụt về tâm linh –
phạm tội, thất bại, nản lòng, những điều này thường khiến chúng ta thắc mắc về tình thương của Chúa. Sở dĩ như thế là vì chúng ta cứ nghĩ rằng tình yêu của Chúa có điều kiện nào đó. Chúng ta có khi không dám tin rằng tình yêu của Chúa là hoàn toàn đặt trên cơ sở công việc đã hoàn tất của Chúa Giê-xu cho chúng ta.
Kín sâu trong tâm hồn ta, ta phải nắm vững chân lý huyền diệu rằng, những thất bại về tâm linh của chúng ta không ảnh hưởng gì tới tình yêu của Chúa cả. Tình yêu Chúa không biến động theo kinh nghiệm của chúng ta đâu. Chúng ta cần nắm vững chân lý là chúng ta đã được Chúa chấp nhận, thương yêu chỉ vì lý do duy nhất là chúng ta được hợp làm một với Con của Ngài.
Đây là lý do làm cho Phao-lô rất mừng rỡ trong tình yêu của Chúa. Rô-ma đoạn 8 ông đã đặt một loạt các câu hỏi và trả lời một cách đắc thắng như sau:
31 Đã vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao? Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?
32 Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?
33 Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời là Đấng xưng công bình những kẻ ấy.
34 Ai sẽ lên án họ ư? Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa. Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta.
35 Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ? có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo chăng?
36 Như có chép rằng: Vì cớ Ngài, chúng tôi bị giết cả ngày; Họ coi chúng tôi như chiên định đem đến hàng làm thịt.
37 Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần.
38 Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép,
39 bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta.
Một nhận thức như thế về tình yêu riêng và vô điều kiện của Chúa có thể nào đưa ta đến chỗ sống buông thả được chăng? Không bao giờ. Ngược lại, sẽ làm cho ta thêm lòng sùng kính đối với Chúa. Lòng sùng kính ấy rất năng động chứ không phải chỉ là một cảm tình nồng thắm đối với Chúa mà thôi.
Phao-lô chứng nghiệm rằng tình yêu của Chúa Cứu Thế đối với chúng ta đã bắt buộc ông không thể nào sống cho chính mình nữa được, nhưng sống cho Đấng đã chết vì mình và đã phục sinh. (2Cô-rinh-tô 5:14-15). Từ “bắt buộc” Phao-lô dùng trong câu này là một động tự rất mạnh. Nó có nghĩa là ép buộc đủ mọi chiều để đưa ai vào một hành động nào đó. Có lẽ không mấy người tin Chúa có được sâu nhiệm như Phao-lô, nhưng đây phải là mục tiêu của mỗi người. Đây chính là sức mạnh thôi thúc của tình yêu Chúa đã dành cho chúng ta.
Sứ đồ Giăng cũng nói tương tự như thế khi ông bảo: Chúng ta yêu vì Chúa đã yêu chúng ta trước. (1 Giăng 4:19). Tình yêu ở đây dù là dành cho Chúa hay dành cho người khác thì cũng được thúc đẩy bằng nhận thức rằng, Chúa yêu chúng ta.
Như thế chúng ta thấy rằng sùng kính Chúa khởi đầu với kính sợ Chúa – với quan điểm của Kinh Thánh về sự oai nghi và thánh khiết của Chúa khiến cho phải khiêm cung và sợ Ngài. Kính sợ Chúa dẫn dến một cảm kích về
tình yêu của Chúa thể hiện qua cái chết hi sinh chuộc tội của Chúa Giê-xu. Khi chúng ta càng chiêm ngắm uy nghi, thánh khiết và tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ dần được đưa đến tuyệt điểm của tam giác sùng kính, đó là thèm khát Chúa.
Thèm Khát Chúa
Sự tin kính chân thật có quan hệ đến sự cảm mến và làm sống lại trong ta một ước muốn được gặp gỡ và tâm giao với Chúa. Hơn thế nữa, ta còn cảm thấy mong đợi Chúa. Tác giả Thi Thiên 42 mô tả nỗi mong đợi Chúa của ông ta bằng những câu thơ: Đức Chúa Trời ôi! Linh hồn tôi mơ ước Chúa, như con nai cái thèm khát suối
nước. Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời là thần hằng sống. Khi nào tôi sẽ được đến gặp Đức Chúa Trời tôi? (Thi Thiên 42:1,2). Đó chính là tâm sự của người kính sợ Chúa.
Vua Đa-vít cũng tỏ bày niềm ước muốn về Chúa như sau: Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều, và sẽ tìm kiếm điều ấy! Ấy là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Đức Giê-hô-va để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Chúa và cầu hỏi trong đến Ngài. (Thi Thiên 27:4). Dĩ nhiên là vẻ đẹp của Chúa không phải là hình sắc nhưng là các đức độ của Ngài. Đa-vít thích được sống trong uy nghi, vĩ đại, thánh khiết, thiện lành của Chúa. Nhưng hơn thế nữa, Đa-vít muốn được gặp Chúa. Đa-vít từng nói: Lạy Đức Chúa Trời, Chúa là thần của tôi, vừa sáng tôi tìm cầu Chúa trong một đất khô khan cực nhọc chẳng có nước, linh hồn tôi khát khao Chúa, thân thể tôi mong mỏi về Chúa. (Thi Thiên 63:1).
Sứ đồ Phao-lô cũng kinh nghiệm sự khát khao về Chúa, ông nói: Cho đến nỗi tôi được biết Ngài… (Phi Líp 3:10). Đây là cái biết về một Đấng thần linh quyền năng, đáng kính sợ, thánh khiết, vô cùng. Kinh nghiệm biết Chúa, gặp gỡ Chúa, tâm giao với Ngài không bao giờ thỏa mãn cả.
Có lẽ ý niệm về khao khát Chúa xem như lạ tai đối với một số người ngày nay. Người ta thường nghĩ đến phục vụ Chúa, bận rộn công việc Chúa. Có thể là cũng có giờ yên tĩnh để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Nhưng chưa
chắc đã có lòng trông mong khao khát gặp Chúa tức là tương giao thâm sâu, chiêm ngưỡng hiện diện của Chúa. Có người còn cho như thế là quá huyền ảo hay là thần bí hoặc cuồng tín, không thực tế.
Nhưng ai thực tế cho bằng sứ đồ Phao-lô? Ai bận rộn với bao nhiêu công việc của quốc gia cho bằng Đa-vít? Dù trách nhiệm nhiều và đa đoan, cả Phao-lô và Đa-vít đều trông mong khao khát kinh nghiệm gặp gỡ tương giao sâu nhiệm với Chúa. Kinh Thánh cho thấy rõ rằng đây chính là điều Chúa muốn chúng ta làm. Từ những trang đầu tiên cho đến trang cuối cùng, Kinh Thánh đều chú trọng vào việc tương giao này. Ngay trong chương 3 của Sáng Thế Ký Chúa bước vào vườn Ê-đen tìm gọi A-đam để tương giao với Ngài. Trong Khải Huyền 21 khi Giăng thấy hiện tượng về thành Giê-ru-sa-lem mới từ trời ban xuống, ông nghe có tiếng Chúa nói rằng: Nầy đền tạm của Đức Chúa Trời sẽ ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. (Khải Huyến 21:3). Như thế trong cõi vĩnh hằng, chương trình của Chúa là tương giao với dân của Chúa.
Hiện nay, Chúa Giê-xu cũng phán dạy chúng ta như khi xưa Ngài nói với Hội Thánh Lao-đi-xê rằng: Nầy Ta đứng bên ngoài gõ cửa. Nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào và ăn bữa với người và người với Ta. (Khải 3:20). Trong văn hóa thời tác giả Giăng thì ăn chung là tương giao, vì vậy Chúa Giê-xu mời gọi chúng ta mở tâm hồn mình đón tiếp Chúa để Chúa có thể tương giao thân mật với chúng ta. Chúa muốn chúng ta biết Ngài rõ hơn vì vậy lòng trông mong khao khát đã được đặt trong tâm hồn của chúng ta.
Trong cuộc sống người kính sợ Chúa lòng khao khát Chúa sẽ phát sinh ra một hào quang ấm áp. Sự tin kính chân thật không bao giờ khô cằn và lạnh lẽo. Người dành thì giờ tương giao với Chúa sẽ tỏa ra vinh quang của Chúa trong một thái độ luôn luôn nồng thắm, mời gọi, chứ không lạnh lùng và xa cách.
Lòng mong ước Chúa cũng sản sinh ra ước muốn tôn vinh Chúa và làm cho Chúa vui lòng. Phao-lô nói đến ước ao biết Chúa bằng lời lẽ như khi nói đến được giống như Chúa. Giống như Chúa chính là mục tiêu Chúa muốn cho mỗi chúng ta đạt đến và cũng là công việc Thánh Linh mong thực hiện. Tiên tri Ê-sai viết: Đương ban đêm linh hồn tôi ao ước Ngài, phải thần linh tôi sẽ thiết tha tìm Ngài; vì khi những sự phán xét Ngài làm ra trên đất, dân cư của thế gian đều học sự công bình. (Ê-sai 26:9). Trước đó, tác giả viết: Danh Ngài là sự ghi nhớ Ngài, vốn là sự ao ước của linh hồn chúng tôi. (Ê-sai 26:8). Danh Ngài trong câu này là vinh quang, danh tiếng của Chúa. Tác giả không thể phân tách giữa sự khao khát vinh quang của Chúa và khao khát chính Chúa. Hai điều ao ước này đi chung với nhau.
Như thế, sùng kính Chúa, tức là kính sợ Chúa, là thái độ khiêm cung kính sợ, sùng bái và tôn kính Chúa cùng với sự cảm nhận sâu xa trong tâm hồn về tình yêu của Chúa dành cho chúng trong sự chết chuộctội của Chúa Cứu Thế Jêus. Hai điều này bổ túc và tăng cường lẫn cho nhau, phát sinh ra trong linh hôn chúng ta một niềm khao khát mạnh mẽ đối với Đấng vừa oai nghi đáng sợ lại vừa hạ mình thương yêu và nhân từ.
Tập Tành Sự Tin Kính
Những lời hư ngụy phàm tục giống như chuyện bịa các bà già, thì hãy bỏ đi, và tập tành sự tin kính.
1 Ti-mô-thê 4:7.
Sứ đồ Phao-lô không dám tin tưởng Ti-mô-thê, đứa con tinh thần của mình, là một người tin kính đúng mực. Dù rằng Ti-mô-thê đã là bạn đồng hành và đồng công với ông trong nhiều năm, Phao-lô thấy vẫn cần căn dặn
Ti-mô-thê: tập tành sự tin kính.
Ti-mô-thê mà còn cần lời khuyên như thế thì mỗi chúng ta chắc chắn cũng phải nhận lời khuyên này cho mình.
Khi khuyến giục Ti-mô-thê như thế Phao-lô đã mượn một từ trong lĩnh vực thể thao. Động tự mà trong các bản dịch Kinh Thánh đã dịch là “thực tập”, “giữ kỷ luật”, hay là “rèn luyện” nguyên gốc là nói về hành động tập luyện của những người lực sĩ trẻ tuổi để chuẩn bị tham dự những cuộc tranh tài trong thời ấy. Sau đó từ này đã mang một ý nghĩa tổng quát về việc huấn luyện hay rèn tập cả thân thể lẫn tinh thần trong một tài năng nào đó.
Những nguyên tắc luyện tập
Có một vài nguyên tắc trong lời khuyên của Phao-lô cho Ti-mô-thê về việc “tập tành sự tin kính” mà ngày nay cũng có thể đem áp dụng cho chúng ta.
Trước tiên là trách nhiệm cá nhân. Phao-lô bảo rằng: con hãy tập tành. Ti-mô-thê có trách nhiệm về việc tiến bước trên đường tin kính. Ti-mô-thê không thể chỉ giao thác cho Chúa việc tiến bước đó rồi bỏ mặc, dù rằng ông chắc chắn đã hiểu rằng tiến độ nào ông đạt đuợc cũng là do Chúa đưa đến cả. Ti-mô-thê cũng có thể hiểu rằng chính mình phải thực hành phần của mình trong việc cứu rỗi với tin tưởng rằng Chúa đang hành động trong đời mình. Nhưng lời khuyên của Phao-lô về vấn đề tin kính là phải theo đuổi đến cùng.
Chúng ta là người tin Chúa thường rất cẩn thận và siêng năng trong công tác, trong sự nghiên cứu học hỏi, trong gia đình hay ngay cả trong trách nhiệm phục vụ Chúa nữa, nhưng chúng ta thường có vẻ lười biếng khi nói về rèn luyện trong đời sống tâm linh. Chúng ta thường cầu nguyện: Lạy Chúa xin khiến con thánh hóa và mong Chúa sẽ “đổ xuống” trên chúng ta một ít thánh khiết một cách huyền nhiệm như thế nào đó. Đúng là Chúa thực sự hành động một cách huyền nhiệm để thánh hóa chúng ta, nhưng Ngài không làm việc này tách rời khỏi sự hoàn thành trách nhiệm của mỗi chúng ta. Nghĩa là chúng ta phải tập tành hay là luyện tập cho trở thành thánh khiết.
Nguyên tắc thứ hai của
Phao-lô trong lời khuyên Ti-mô-thê là, mục tiêu của việc rèn luyện là đời sống tâm linh cá nhân tăng trưởng. Tại chỗ khác Phao-lô khuyên Ti-mô-thê tiến bước trong việc phụng vụ, nhưng mục tiêu ở đây là về sự sùng kính của Ti-mô-thê đối với Chúa và hành vi xuất phát từ sự sùng kính này. Dù rằng Ti-mô-thê là một mục sư có kinh nghiệm, phẩm tính tốt, Ti-mô-thê cũng vẫn cần tăng trưởng trong lĩnh vực tin kính – đó là kính sợ Chúa, cảm nhận tình yêu Chúa và khát khao gặp mặt Chúa cũng như tương giao với Ngài.
Nhiều người tin Chúa, sốt sắng hầu việc Chúa, làm nhiều công tác cho Ngài và tưởng như thế là đủ. Ta nên noi gương Hê-nóc.. Ông này là một người truyền đạo Chúa trong một thời kỳ vô đạo thịnh trị, nhưng trong mấy hàng tiểu sử của ông chỉ ghi “đồng đi cùng Đức Chúa Trời” Chúng ta tự tập rèn để làm gì? Có phải chúng ta chỉ tự tập rèn trong hoạt động của Hội Thánh hay là tự tập rèn ưu tiên về thánh hóa hay tin kính?
Nguyên tắc thứ ba
trong lời khuyến giục của Phao-lô cho Ti-mô-thê là tầm quan trọng của
những đức tính tối thiểu cần thiết cho việc huấn luyện. Có mấy đức tính
sau đây:
1. Giá của việc cam kết.
Điều cần thiết tối thiểu đầu tiên là cam kết.
Không ai có thể đạt đến trinh độ tranh tài ở thế vận hội hay ngay trong
quốc gia mà không bằng lòng cam kết trả một giá luyện tập cam go và
thường xuyên hằng ngày. Tương tự như thế, không ai có thể trở thành tin
kính thánh thiện mà không cam kết trả giá luyện tập tâm linh hằng ngày
theo như điều mà Chúa đã vạch vẽ ra cho sự tăng trưởng về tin kính thánh
thiện của chúng ta.
Ý niệm vê cam kết được nói đến nhiều lần trong Kinh Thánh.
Đa-vít nói: “vừa sáng tôi tìm cầu Chúa” (Thi-thiên 63:1)
Lời hứa của Chúa cho những tù nhân tại Ba-by-lôn là: Các ngươi sẽ tìm kiếm ta và gặp được khi các người tìm kiếm ta hết lòng. (Giê-rê-mi 29:13).
Phao-lô thì cam kết: chạy cho đến đích vì đã được Chúa giật lấy rồi (Phi-líp 3:12).
Hê-bơ-rơ dạy: Hãy tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai đưọc thấy Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 12:14).
Phi-e-rơ dạy: Vậy
nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhơn
đức, thêm cho nhơn đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm
cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tôn kính, thêm cho tôn
kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu
mến. (2Phi-e-rơ 1:5-7).
Như vậy ta thấy các tác giả Kinh Thánh đều khuyên ta phải cố gắng, phải cam kết, phải tiến lên.
Có một giá phải trả cho sự tin kính thánh thiện, vì đây không phải là thứ hàng rẻ tiền.
Từ
tập tành ở đây Phao-lô đã lựa chọn kỹ, đây là cố gắng trong kiên trì,
chịu khó và chăm chỉ siêng năng. Ông vẫn giữ hình ảnh những người lực sĩ
trẻ tuổi trau dồi thân thể để tranh tài đoạt lấy mão triều hư hỏng.
Nhưng người luyện tập trong đường tin kính sẽ có mão triều không hư nát,
vì tin kính thánh khiết có giá trị trong hiện tại cũng như đời sau. Vì
vậy ông khuyên Ti-mô-thê ngày xưa và chúng ta ngày nay hãy có loại cam
kết như thế để tập luyện cho thành thạo trong nếp sống tin kính thánh
thiện.
2. Học từ vị thầy uyên bác
Điều kiện tối thiểu thứ hai không
thể thiếu được, đó là một vị huấn luyện viên giỏi. Không có lực sĩ nào
dù khả năng tự nhiên có giỏi đến đâu chăng nữa, cũng không thể đạt được
đến thê vận hội nếu không có một người huấn luyện viên giỏi. Người ấy
sẽ đưa người lực sĩ đến tiêu chuẩn cao nhất và sửa chữa tất cả mọi lỗi
lầm dù nhỏ đến đâu. Chúng ta cũng vậy, chúng ta không thể tự tập tành
trong đường tin kính thánh khiết mà không nhờ đến sự dạy bảo và huấn
luyện của Thánh Linh. Thánh Linh đưa ta đến tiêu chuẩn cao nhất trong
khi Ngài dạy ,huấn luyện, sửa chữa chúng ta qua lời Chúa. Vì thế chúng
ta phải thường xuyên đến với lời dạy của Chúa nếu muốn tăng trưởng trong
đời tin kính thánh khiết.
Trong thư Tít 1:1 Phao-lô nói đến: Sự
thông hiểu lẽ thật là sự sinh lòng tin kính. Chúng ta không thể nào
lớn lên trong tin kính mà không có sự thông hiểu lẽ thật này. Lẽ thật ấy
chỉ co thể tìm thấy trong Kinh Thánh mà thôi, nhưng không phải là Kinh
Thánh từ chương mà là tri thức được Thánh Linh dạy khi Ngài áp dụng
những lẽ thật của Đức Chúa Trời cho tâm hồn chúng ta.
3. Thực tập và càng thực tập thêm
Điều kiện tối thiểu thứ ba trong
việc huấn luyện là thực tập. Chính thực tập mới thể hiện được những gì
cam kết và áp dụng những gì người huấn luyện dạy ta. Chỉ trong thực tập
người lực sĩ mới phát triển tài năng và xứng đáng tranh tài. Riêng chúng
ta thì thực tập tin kính thánh khiết làm chúng ta trở thành người
thánh. Không có con đường tắt nào cho một người muốn thành lực sĩ thế
vận, ngoài ra thực tập mỗi ngày đều đặn. Người tin Chúa cũng vậy, chúng
ta phải trung tín mỗi ngày đọc Kinh Thánh cầu nguyện, tương giao mật
thiết với Chúa thì mới mong trưởng thành trên đường tiến đến thánh hóa.
Phải thực tập tin kính cũng như người lực sĩ tập chạy mỗi ngày vậy.
Ta
phải tập kính sợ Chúa, nếu muốn trưởng thành về việc sùng kính Chúa.
Nếu chúng ta chấp nhận rằng những yếu tố chính trong việc kính sợ Chúa
là có quan niệm thật đúng về bản chất của Chúa, một nhận thức rõ ràng về
sự có mặt của Ngài, và thường xuyên chịu trách nhiệm về sống đạo trước
mặt Ngài, thì chúng ta phải làm cho tâm hồn tràn đầy những lời dạy của
Kinh Thánh về các điểm này và áp dụng vào đời sống cho đến khi nào ta
thật sự trở thành người kính sợ Chúa.
Nếu
chúng ta tin rằng khiêm tốn hạ mình là một đức tính của người kính sợ
Chúa, thì chúng ta phải thường xuyên chiêm nghiệm các phần Kinh Thánh
như Ê-sai 57:15 và Ê-sai 66:1-2 là
những câu Chúa ca ngợi sự khiêm tốn hạ mình. Chúng ta cũng cầu nguyện
để xin Thánh Linh áp dụng những điều đó trong đời mình, nghĩa là khiến
chúng ta thực sự khiêm nhường. Như thế là thực hành đời sống tin kính.
Đây không còn là chuyện lý thuyết nữa mà hoàn toàn thực hành. Phần
thưởng là Thánh Linh sẽ dần dần cải biến chúng ta trở nên người kính sợ
Chúa càng hơn.
Tập Tành Sự Tin Kính
(Phần hai)
Sử Dụng Lời Chúa
Có
nhiều bằng chứng cho ta thấy rằng lời Chúa đóng một vai trò then chốt
trong sự tăng trưởng đời sống thánh khiết của chúng ta. Như thế phần
thực tập quan trọng nhất trong sự sống thánh khiết phải là thời giờ ta
dành ra để học lời Chúa. Sử dụng giờ học Kinh Thánh ra sao còn tuỳ theo
phương pháp ta thu nhận lời Chúa.
Có người dùng phương pháp năm ngón tay của bàn tay để biểu tượng về năm phương pháp thu nhận lời Chúa, đó là: Nghe, đọc, học, ghi nhớ và suy gẫm. Các phương pháp như thế rất là quan trọng cho cuộc sống thánh khiết và cần phải xét kỹ từng phần.
Một trong những phuơng pháp tiếp thu lời Chúa là nghe.
Nghe lời Chúa dạy qua truyền đạo, mục sư, thày cô giáo. Chúng ta sống
trong một thời đại mà phương pháp thu nhận bằng thính giác bị nhiều
người coi nhẹ, cho là không hiệu quả để thu nhận chân lý thuộc linh. Đó
là một sai lầm nghiêm trọng. Chính Chúa Giê-xu cũng đã đưa đến cho hội
thánh của Ngài nhiều người có ân tứ dạy chân lý, nhắc cho ta nhớ những
bài học mà ta có thói quen hay quên, và khuyến khích ta đưa vào áp dụng
những gì đã thu nhận. Chúng ta cần nghe lời những người Chúa đưa đến cho
chúng ta vì mục đích giáo dục này.
Không
có ai dám bảo rằng mình đã thiêng liêng đủ và không cần nghe lời dạy
của người khác nữa. Hơn nữa, đa số chúng ta là người tin Chúa đều không
có khả năng hay thời gian để tự tìm ra “toàn bộ ý chỉ của Chúa”
(Công 20:27). Chúng ta cần ngồi xuống thường xuyên nghe lời dạy của
một người có ân tứ của Chúa và đã được huấn luyện để giải bầy lời Chúa
cho chúng ta nghe.
Một trong những lý do mà người ta cho là phương pháp nghe không hiệu quả là vì không theo đúng lời dạy trong Khải Huyền 1:3, Phước cho kẻ đọc và những kẻ nghe lời tiên tri này, và giữ theo điều đã viết ra đây.
Ngày nay người ta thường thích nghe cho vui chứ không phải nghe để học.
Nghe để được xúc động chứ không phải dể vâng lời làm theo. Người nghe
không chịu để vào lòng những gì đã nghe và đem áp dụng vào đời sống
thường ngày.
Người tin Chúa thời đại này cũng không mấy khác dân Chúa thời tiên tri Ê-xê-chi-ên, là những người Chúa bảo rằng: Dân ta đến cùng con, như họ vẫn thường làm, ngồi xuống nghe lời con giảng, không không áp dụng.
(Ê-xê-chi-ên 33:31). Chúa bảo Ê-xê-chi-ên lúc đó khác nào một ca sĩ có
tiếng hát hay và chơi đàn giỏi, vì chỉ làm cho họ vui thích chốc lát,
chứ họ không thực hành những gì họ được dạy.
Loại nghe lời Chúa đáng khuyến khích nhất là kiểu tín hữu tại Bê-rê. Công vụ Các sứ đồ 17:11 ghi: Sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh để xét lời giảng có thật không.
Những tín hữu tại Bê-rê không phải nghe rồi quên đi, cũng không nghe
cho vui. Họ nhận thấy rằng các vấn đề vĩnh hằng rất là nghiêm trọng, nên
họ nghe, học và áp dụng. Ta cũng nên để ý là vào thời ấy họ không có
Kinh Thánh in ra, mà chỉ ghi chép lời Kinh Thánh riêng cho mình, nhưng
họ nghiên cứu lời Phao-lô dạy thật đặc biệt. Ngày nay thì nhiều người
ra khỏi cửa nhà thờ đã quên hết những gì vừa nghe.
Phương pháp thứ hai trong viêc thu nhận lời Chúa là đọc.
Qua việc đọc Kinh Thánh chúng ta có dịp được học trực tiếp từ vị thầy
của các thầy dạy, là Thánh Linh. Ngoài lợi ích như khi học từ lời dạy
của người khác, khi ta được chính Thánh Linh phán trực tiếp với mình qua
những trang của lời Chúa, ta còn có niềm vui không thể nào so sánh
được.
Ta
đã xét việc He-nóc bước đi với Chúa, ngụ ý rằng ông ấy rất thích được
tương giao với Chúa. Đọc Kinh Thánh cũng làm cho ta thích thú khi giao
tiếp với Chúa vì Ngài phán với ta qua lời Ngài. Ngài khuyến khích, dạy
bảo và mặc khải Ngài cho chúng ta. Ngày xưa Môi-se được gặp Chúa và nói
chuyện trực tiếp với Ngài. Chúng ta không được cái diễm phúc ấy, nhưng
khi đọc Kinh Thánh riêng, Chúa cũng phán trực tiếp với ta. Việc thực
hành đời sống thánh khiết sẽ không đầy đủ nếu ta không có chương trình
đọc Kinh Thánh nào cả.
Một
giá trị khác của việc đọc Kinh Thánh là ta có dịp có được cái nhìn tổng
quát toàn bộ Kinh Thánh. Không có vị mục sư nào có thể hay là nên giảng
toàn bộ Kinh Thánh trong thời gian một hay hai năm. Nhưng người ta
khuyên rằng tất cả chúng ta đều có thể đọc hết cuốn Kinh Thánh trong
trọn một năm. Sách Hê-bơ-rơ chẳng hạn, ta đọc sẽ không hiểu gì mấy nếu
không biết rõ nhiệm vụ của thầy tư tế cũng như việc dâng sinh tế trong
Cựu Ứơc. Những lời dạy của các tác giả trong Tân Ước cũng trở thành
huyền bí, nếu ta không bao giờ đọc thượng hạ văn của những lời họ trích
ra từ Cựu Ước. Giáo lý về nguyên tội qua A-đam mà Phao-lô dạy trong
Rô-ma đoạn 5 không thể nào hiểu được nếu không đọc những việc xảy ra ghi
lại trong chương 3 của Sáng-thế-ký.
Không
có một chương trình đọc toàn bộ Kinh Thánh, thì không những ta thiếu
hiểu biết về tâm linh mà còn nghèo nàn trong tâm linh nữa. Có người nào
lại không học được gì từ đức tin của Áp-ra-ham, lòng yêu Chúa của
Đa-vít, thánh thiện của Đa-ni-ên, và thử thách của Gióp? Làm sao ta có
thể nên thánh mà không có cái cảm xúc trong Thi-thiên và khôn ngoan
thực tế của Châm Ngôn? Ta có thể học được vừa vẻ uy nghi lại cả đức
thành tín của Chúa ở nơi nào khác hơn là tiên tri Ê-sai? Nếu ta không
đọc hết Kinh Thánh theo định kỳ, ta sẽ không được biết những đoạn Kinh
Thánh tuyệt diệu trong Cựu Ước và Tân Ước.
Toàn
bộ Kinh Thánh đều có lợi cho chúng ta, ngay cả những đoạn xem như khó
hiểu nữa. Ta có thể chọn nhiều chương trình đọc Kinh Thánh để giúp ta
được quân bình và phù hợp trong việc đọc cũng như hiểu các đoạn Kinh
Thánh khó hiểu.
Phương pháp thứ ba trong việc thu nhận lời Chúa là nghiên cứu Kinh Thánh.
Đọc Kinh Thánh cho ta cái biết chiều rộng, nhưng nghiên cứu cho ta
chiều sâu. Giá trị của việc nghiên cứu Kinh Thánh ở chỗ dịp tiện đào sâu
vào một đoạn hay một đề tài nhiều hơn là khi đọc. Nghiên cứu Kinh
Thánh đòi hỏi siêng năng và tập trung tư tưởng. Vì nghiên cứu là phân
tích đoạn văn, so sánh Kinh Thánh với Kinh Thánh, đặt câu hỏi, nhận xét,
và cuối cùng sắp xếp những gì thu nhận được thành ra một trình bày hợp
lý. Khi ta ghi chép lại những điều ta học được, thường giúp tư tưởng ta
trong sáng hơn. Tất cả những viêc này làm cho tri thức vững mạnh và giúp
tăng trưởng trong tin kính Chúa.
Mỗi
người tin Chúa đều phải là học viên nghiên cứu Kinh Thánh. Tác giả thư
Hê-bơ-rơ trách những người Hê-bơ-rơ vì đáng lẽ họ đã có thể dạy cho
người khác, thế mà họ vẫn còn phải học những điều sơ đẳng về các lẽ
đạo. Họ vẫn cần sữa chứ chưa ăn thức ăn cứng được. Buồn thay, ngày nay
nhiều người tin Chúa cũng có thể lâm vào tình trạng ấu trĩ như vậy.
Có nhiều phương pháp học Kinh Thánh thích ứng cho mỗi trình độ. Tuy
nhiên cũng có những nguyên tắc nên đem áp dụng trong bất cứ phương pháp
nào. Các nguyên tắc này được ghi trong Châm Ngôn 2:1-5:
1. Hỡi con, nếu con tiếp nhận lời ta, Dành giữ mạng lịnh ta nơi lòng con,
2. Để lắng tai nghe sự khôn ngoan, Và chuyên lòng con về sự thông sáng;
3. Phải nếu con kêu cầu sự phân biện, Và cất tiếng lên cầu xin sự thông sáng,
4. Nếu con tìm nó như tiền bạc, Và kiếm nó như bửu vật ẩn bí,
5. Bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va, Và tìm được điều tri thức của Đức Chúa Trời.
Ta để ý đến những động từ dùng trong các câu Kinh Thánh này, đây chính là những nguyên tắc về nghiên cứu hay học Kinh Thánh:
1. Phải có lòng muốn học – tiếp nhận
2. Quyết tâm vâng lời – giữ
3. Kỷ luật – chuyên lòng
4. Cầu nguyện – kêu cầu, cất tiếng lên cầu xin
5. Chăm chỉ và kiên nhẫn – Tìm, kiếm
Kết quả của việc áp dụng các nguyên tắc này là câu 5,
Bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va,
Và tìm được điều tri thức của Đức Chúa Trời.
Như thế nếu chúng ta muốn tập luyện tin kính, thì phải đặt việc nghiên cứu Kinh Thánh ưu tiên trong đời sống.
Có
người hỏi rằng, muốn nghiên cứu hay học Kinh Thánh chuyên sâu nhưng tìm
đâu ra thì giờ? Một vị bác sĩ, trưởng khoa trong một nhà thương lớn
đã nói câu này: Ta luôn luôn tìm được thời giờ cho điều việc gì quan
trọng hơn cả. Việc thực hành dời sống tin kính đạo đức đối với bạn có
quan trọng nhất hay không? Có quan trọng hơn là xem truyền hình, đọc
sách báo, giải trí và hằng chục việc khác mà ta vẫn tìm được thời giờ
để làm hay không? Một lần nữa ta phải trở lại với một khâu then chốt của
việc huấn luyện, đó là phải có cam kết.
Phương pháp thứ tư trong việc thu nhận kiến thức về Kinh Thánh là học thuộc lòng. Một câu Kinh Thánh dạy học thuộc lòng mà nhiều người đã thuộc là:
Thi Thiên 119:11: Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa. Chữ giấu trong câu Kinh Thánh này có thể hiểu là chứa, trữ.
Châm Ngôn 7:1 ghi: Hỡi con, hãy giữ các lời ta và giấu nơi lòng các mạng lệnh ta. Châm Ngôn 10:14 cũng ghi: Người khôn ngoan dành để sự tri thức..
Thi Thiên 31:19 chép: Sự nhân từ mà Chúa đã dành cho người kính sợ Chúa…” Tất cả các khúc Kinh Thánh vừa kể đều sử dụng từ giấu trong Thi Thiên 119:11.
Ý chính cũng chỉ là nhớ lời Chúa trong tâm hồn để trong tương lai có
thể sử dụng. Đó là những lúc phải đối diện với cám dỗ và phải dùng lời
Chúa mà thóat cám dỗ.
Nhưng
lời Chúa giấu trong lòng còn hữu dụng hơn là giữ cho chúng ta khỏi phạm
tội, vì học thuộc lòng lời Chúa khiến ta tăng trưởng trong mọi lĩnh
vực của đời sống tin kính. Trong việc thực hành đời sống tin kính Chúa
nó giúp ta lớn lên trong việc sùng kính Chúa và trong đức tính giống như
Chúa để làm vừa lòng Chúa.
Phương pháp thứ năm để thu nhận lời Chúa là suy niệm.
Từ suy niệm dùng trong Kinh Thánh Cựu Ước có nghĩa là thì thầm, hay là
tự nói với mình. Khi ta suy niệm lời Chúa, ta tự nói với mình về lời
Chúa, lặp lại trong tâm trí ta những ý nghĩa, những hàm ý và các áp dụng
cho đời sống mình. Giấu lời Chúa trong lòng để có thể suy niệm, như thế
mới đạt đến mục đích. Vì nếu chỉ học thuộc lòng lời Chúa không, thì chỉ
mới chứa trong óc. Khi suy niệm những lời Kinh Thánh đã học thuộc lòng,
hiểu biết của ta mở rộng, đụng chạm đến tình cảm của ta và ra lệnh cho ý
chí. Đây chính là tiến trình giấu lời Chúa trong lòng. Nhưng nếu tiến
trình giấu lời Chúa chủ yếu là để suy niệm thì học thuộc lòng Kinh
Thánh là bước đầu của suy niệm. Suy niệm lời Chúa được truyền dạy trong
Giô-suê 1:8: Quyển sách luật pháp này chớ xa
miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi
điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường
mình, và mới được phước. Suy gẫm ngày và đêm chứ không phải chỉ
trong giờ tĩnh nguyện riêng mà thôi. Làm sao có thể suy gẫm ngày và đêm
mà không thuộc lòng những câu Kinh Thánh căn bản?
Trong
phần đầu của tập nghiên cứu này chúng ta đã định nghĩa tin kính là sự
sùng kính Chúa, đưa đến một cuộc đời làm Chúa vừa lòng. Một trong những
đoạn trong Kinh Thánh mô tả tâm hồn của người tin kính Chúa đầy đủ nhất
là Thi Thiên 119. Trong suốt 176 câu, tác giả đều
nói đến quan hệ của đời mình với lời Chúa, và Chúa là Đấng phán dạy các
lời ấy. Tác giả nhắc đi nhắc lại luật lệ Chúa, giềng mối Chúa, chứng
cớ Chúa v.v. Đối với nhà thơ tác giả của các Thi Thiên thì luật lệ
Chúa không phải là những mệnh lệnh lạnh lùng của một đấng thần linh xa
vời vợi, nhưng là lời hằng sống của Chúa là Đấng tác giả kính mến, tìm
kiếm và mong mỏi làm vừa lòng.
Bước
đi với Chúa tức là thông công, tương giao với Ngài. Lời Chúa chắc chắn
là cần thiết và căn bản cho cuộc trao đổi giữa ta và Chúa. Muốn cho
Chúa vui lòng ta cần biết ý chỉ của Ngài, tức là ý Chúa muốn ta sống như
thế nào. Lời Chúa là cách duy nhất để Chúa truyền ý chỉ hay những gì
Ngài muốn cho chúng ta biết. Như thế không thể nào thực hành đời sống
thánh khiết mà không thu nhận lời Chúa thường xuyên, đều đặn và quân
bình trong đời sống ta.
Phao-lô dạy: Hãy tập tành sự tin kính.
Chúng ta đều có trách nhiệm tự luyện tập hay tập tành đó. Chúng ta phụ
thuộc vào Chúa để có sức lực thiên thượng, nhưng chúng ta có trách
nhiệm, chúng ta không thụ động trong tiến trình thánh hóa. Mục đích
chính của chúng ta là tin kính Chúa hết lòng – không phải chỉ là đủ
trình độ để phục vụ, nhưng là tập trung vào việc sùng kính Chúa và phát
triển đức tính của Chúa. Chúng ta rất muốn phát triển khả năng phục vụ
Chúa, nhưng trong việc huấn luyện để trở thành người tin kính Chúa hết
lòng chúng ta phải tập trung vào việc tương giao giữa ta và Chúa.
Huấn
luyện trong tin kính Chúa hết lòng đòi hỏi phải có cam kết, việc huấn
luyện của Thánh Linh qua lời Chúa và phần thực hành của ta.
Chúng ta có sẵn sàng nhận trách nhiệm và lập cam kết không?
Ta hãy xét đến câu Kinh Thánh này: Sự tin kính có ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời này và đời sau. Một câu khác, Tin kính và thỏa lòng là mối lợi lớn.” Chính vì vậy mà ta phải tiến lên trên đường tin kính, thánh hóa xứng đáng cho Chúa.
Đào Sâu Hơn Trong việc
Sùng Kính Chúa
“Tôi hết lòng tìm cầu Chúa, chớ để tôi lạc các điều răn Chúa.”
Thi Thiên 119:10
Kinh
Thánh định nghĩa người không tin là người hoàn toàn vô đạo. Phao-lô bảo
cho người La-mã biết rằng họ không kính sợ Chúa, chống nghịch Chúa,
không muốn thuận phục luật Chúa và không thể nào làm cho Chúa vừa lòng.
Đây là đặc tính của cả những người vô tín nhưng có đời sống luân lý tốt
lành và những người hư hỏng xấu xa. Nhóm người thứ nhất tôn thờ một vị
thần của chính đầu óc họ nghĩ ra, không phải Chân Thần của Kinh Thánh.
Khi nào nghe nói về Thượng Đế, Chủ Tể của vũ trụ, họ thường có phản ứng
chống đối mạnh hơn là những người không tin mà công khai sống trong tội.
Vào
lúc chúng ta được cứu, Chúa đã nhờ Thánh Linh giải quyết vấn đề của
tinh thần vô đạo trong chúng ta. Chúa cho chúng ta một lòng mới và thúc
giục chúng ta vâng lời dạy của Ngài. Chúa ban cho chúng ta một tấm lòng
chuyên nhất, và cảm ứng chúng ta cho biết kính sợ Ngài, và Ngài tuôn đổ
tình thương trong lòng chúng ta khiến chúng ta bắt đầu cảm kích về tình
thương đó. Tất cả những điều này được gói ghém trong những ân phúc của
cuộc tái sinh, ta có thể nói rằng tất cả những điều mà người tin Chúa
sở hữu là một lòng sùng kính Chúa cơ bản. Không ai tin Chúa thật mà lại
không có điều này. Công việc của Thánh Linh trong việc tái tạo đảm bảo
điều ấy. Chúa đã ban cho chúng ta mọi điều chúng ta cần cho đời sống và
nếp sống tin kính thánh khiết.
Nhưng
dù tất cả chúng ta là người tin Chúa đã có căn bản tập trung vào Chúa
như một phần không thể thiếu được trong đời sống tâm linh, chúng ta cũng
vẫn phải làm cho sự sùng kính này gia tăng. Vì chính chúng ta phải tập
tành sự tin kính, chúng ta phải cố gắng gia tăng tin kính thánh hóa
trong niềm tin của mình. Lớn lên trong tin kính thánh thiện tức là gia
tăng cả về lòng sùng kính Chúa lẫn việc giống như Chúa trong bản chất
của Ngài.
Ta
đã nói đến sùng kính Chúa như hình tam giác mà ba đỉnh là kính sợ Chúa,
kính yêu Chúa và khao khát Chúa. Làm cho sùng kính gia tăng hay lớn lên
tức là làm cho các lĩnh vực này lớn lên vậy. Như tam giác có ba cạnh
bằng nhau, ta cũng phải làm cho ba đỉnh bằng nhau như thế. Nghĩa là làm
cho việc kính sợ Chúa, yêu Chúa và khát khao Chúa được quân bình. Vì
nếu không sự sùng kính sẽ không quân bình.
Nhưng
khi tìm cách làm cho việc kính sợ Chúa gia tăng mà không gia tăng sự
cảm kích của chúng ta đối với tình yêu của Chúa, ta có thể thấy Chúa xa
vời và nghiêm nghị. Hoặc là cố tìm cách gia tăng hiểu biết về tình yêu
của Chúa mà không gia tăng lòng kỉnh kiềng, có thể đưa đến chỗ thấy Chúa
như người cha thương yêu, hay khoan dung và chẳng quan tâm gì đến tội
của mình nữa. Đây là thái độ của nhiều người ngày nay.
Như thế đặc tính của việc tăng trưởng trong sự sùng kính Chúa chính là sự quân bình về ba mặt cơ bản của sùng kính, đó là: Kính sợ, Kính yêu và Khát khao. Một đặc tính căn bản nữa là sự phụ thuộc vào Đức Thánh Linh để làm cho sự tăng trưởng này thể hiện. Phao-lô từng nói trong I Cô-rinh-tô 3:7 rằng: Vậy, người trồng kẻ tưới đều không ra gì, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên.
Chúng ta phải biết trồng và tưới tuỳ theo những ân tứ Chúa dành sẵn cho
mình, nhưng chỉ một mình Chúa mới làm cho tăng trưởng sự sùng kính tận
bên trong lòng chúng ta.
Cầu nguyện cho tăng trưởng
Chúng
ta biểu lộ sự phụ thuộc vào Chúa bằng cách cầu nguyện để Ngài khiến
chúng ta tăng trưởng trong sự sùng kính Chúa. Vua Đa-vít cầu nguyện: Lạy
Đức Giê-hô-va, xin hãy chỉ dạy tôi biết đường lối Ngài thì tôi sẽ theo
sự chân thật của Ngài, xin khiến tôi một lòng kính sợ danh Ngài (Thi-thiên 86:11). Phao-lô cầu nguyện cho tín hữu Ê-phê-sô:
(Ê-phê-sô 3: 16-19)
16 tôi cầu xin Ngài tùy sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng;
17 đến nỗi Đấng Christ nhơn đức tin mà ngự trong lòng anh em;
18
để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng
các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể
nào,
19
và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông
biết, hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.
Nếu
chúng ta thật sự cam kết theo đuổi con đường thánh hóa thì đời sống cầu
nguyện phải phản ánh điều đó. Chúng ta sẽ thường xuyên cầu xin Chúa gia
tăng trong chúng ta lòng kính sợ Chúa, sâu nhiệm hơn trong việc hiểu
biết tình yêu của Chúa, và thêm lên lòng khao khát sự tương giao với
Chúa. Những câu Kinh Thánh vừa trích có thể dùng trong lời cầu nguyện
của mình..
Suy niệm Chúa
Chúng
ta đã nói đến tầm quan trọng của lời Chúa trong phát triển sự tin kính
thánh hóa. Lời Chúa cũng giúp chúng ta đặc biệt trong ba lĩnh vực của
sự sùng kính, đó là Kính sợ, Kính yêu và Khao khát Chúa.
Mặc
dù toàn bộ Kinh Thánh dạy chúng ta về kính sợ Chúa, tuy nhiên có những
đoạn đặc biệt giúp chúng ta trong việc khiến chúng ta chú ý về uy nghi
và đức thánh khiết của Chúa, các đoạn như thế thúc giục lòng chúng ta
kính sợ Chúa. Các đoạn đó là:
1. Dạy về sự thánh khiết của Chúa: Ê-sai 6 và Khải Huyền 4.
2. Dạy về vĩ đại của Chúa: Ê-sai 40
3. Dạy về đức toàn tri và toàn diện của Chúa: Thi-thiên 139
4. Dạy về uy nghi của Chúa: Khải-huyền 1:10-17 và 5.
Các
phần Kinh Thánh vừa kể chỉ là đề nghị, các bạn có thể tìm được những
phần khác cũng tương tự và thích ứng cho các bạn. Hãy sử dụng các khúc
Kinh Thánh này vì Chúa dùng Kinh Thánh để tạo ra trong tâm hồn ta một
cảm thức về kỉnh kiền và sùng mộ đối với Chúa khiến chúng ta phải kính
sợ Ngài. Nếu không chịu suy niệm những khúc Kinh Thánh đặc biệt dạy ta
về lòng kính sợ Chúa thì có cầu nguyện bao lâu cho được gia tăng lòng
kính sợ Chúa cũng vô ích.
Cũng có những khúc Kinh Thánh giúp ta tăng trưởng trong việc ý thức về tình yêu của Chúa đối với mỗi chúng ta, như Thi-thiên 103, Ê-sai 53, La-mã 5:6-11, Ê-phê-sô 2:1-10, 2 Cô-rinh-tô 5:14-21, 1 Ti-mô-thê 1:15-16, và 1 Giăng 4:9-11.
Nhưng
suy niệm về các đoạn Kinh Thánh này cũng chưa đủ. Thánh Linh phải khiến
cho Lời Chúa sống động trong tâm hồn chúng ta để làm tăng trưởng, vì
vậy ta cần cầu nguyện và xin Thánh Linh hành động. Suy niệm không, hay
cầu nguyện không cũng không đủ để lớn lên trong việc sùng kính Chúa. Ta
phải phối hợp cả hai.
Thờ Phượng Chúa
Vẫn
còn một phần khác cũng quan trọng trong việc thực hành sùng kính Chúa,
đó là thờ phượng. Thờ phượng Chúa là hành động đặc biệt nhằm dâng lên
cho Chúa vinh quang, oai quyền, tôn kính và xứng đáng thuộc về Ngài. Khải Huyền 4:8-11 và 5:9-14 cho
chúng ta những dẫn chứng rõ ràng về việc thờ phượng xẩy ra ở trên trời
và chúng ta cũng có thể mô phỏng ở dưới đất này. Ta nên thực hành việc
thờ phượng hằng ngày, trong giờ tĩnh tâm với Chúa. Trước khi đọc Kinh
Thánh, ta dành ít phút phản ánh một trong những đức tính của Chúa hay là
suy niệm một khúc Kinh Thánh nói về Ngài và rồi ca ngợi Chúa vì đức
tính đó. Trong giây phút thờ phượng đó ta nên quỳ gối với sự kỉnh kiền,
kính sợ và tôn thờ. Thờ phượng là vấn đề của tấm lòng, không phải của
hình thức, tuy nhiên Kinh Thánh thường nhắc ta về việc quỳ gối như là
một cử chỉ tôn thờ và kính trọng.
Thi Thiên 5: 7 Còn tôi, nhờ sự nhân từ dư dật của Chúa, tôi sẽ vào nhà Chúa, lấy lòng kính sợ Chúa mà thờ lạy trước đền thánh của Ngài. Thờ lạy trong câu này là cúi xuống hay quỳ xuống. Thi thiên 95:6 dạy: Hãy đến, cúi xuống mà thờ lạy; Hãy quỳ gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo-hóa chúng tôi!
Phao-lô dạy rằng một ngày kia: Mọi
đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất thảy đều quỳ xuống, và mọi
lưỡi thảy đều xưng Chúa Giê-xu là Chúa mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức
Chúa Cha. Phi-líp 2:10.
Dĩ nhiên cũng nhiều trường hợp ta không thể quỳ gối cúi đầu trước Chúa, nhưng trong giờ tĩnh tâm, ta nên làm như thế.
Tương Giao với Chúa
Chúng
ta vừa nói đến tầm quan trọng của cầu nguyện, suy niệm lời Chúa và có
thì giờ dành riêng để thờ phượng Chúa trong giờ tĩnh tâm. Từ “tĩnh tâm” thường
được dùng để tả vẽ một thời gian thường xuyên và đặc biệt mỗi ngày mà
ta dành ra để gặp gỡ Chúa qua lời Ngài và qua sự cầu nguyện. Một trong
những ưu quyền của một người tin Chúa là được tương giao, hội ngộ với
Chúa Toàn Năng. Chúng ta thực hiện việc này bằng cách nghe Chúa nói với
chúng ta qua lời Kinh Thánh và thưa chuyện cùng Chúa qua lời cầu nguyện
của mình.
Có
nhiều việc ta muốn thực hiện trong giờ tĩnh tâm, như đọc suốt qua Kinh
Thánh trong một năm và cầu nguyện theo các yêu cầu. Nhưng mục đích chính
của giờ tĩnh tâm là tương giao với Chúa. Tức là phát triển một cuộc
trao đổi riêng với Chúa và tăng trưởng sùng kính đối với Ngài.
Tôi
đọc Kinh Thánh rồi sau đó thưa với Chúa về những gì tôi đọc. Chúa nói
với tôi qua Kinh Thánh và tôi thưa với Ngài qua lời cầu nguyện.
Khi
đã tôn thờ và trao đổi với Chúa, tôi sẽ điểm qua những nhu cầu tôi cần
xin Chúa. Thứ tự này giúp tôi chuẩn bị lời cầu nguyện xác đáng hơn.
Trắc Nghiệm Sau Cùng
Cho
đến đây, chúng ta đã xem xét những hoạt động đặc biệt nhằm giúp chúng
ta tăng trưởng trong việc sùng kính Chúa, đó là cầu nguyện, suy niệm lời
Kinh Thánh , thờ phượng và thực hiện giờ tĩnh tâm. Còn một lĩnh vực
nữa, không phải là hoạt động nhưng là thái độ. Đó là thuận phục ý chỉ của Chúa.
Đây chính là trắc nghiệm sau cùng của lòng kính sợ Chúa và là đáp ứng
đúng nhất đối với tình yêu của Chúa dành cho chúng ta. Chúa từng nói rõ
rằng chúng ta kính sợ Chúa bằng cách tuân giữ mọi điều răn dạy của Chúa
(Phục Truyền 6:1-2), Châm Ngôn dạy: Kính sợ Đức Giê-hô-va là ghét điều ác (Châm
ngôn 8:13). Tôi có thể biết tôi có thật sự kính sợ Chúa không bằng cách
xét xem tôi có ghét điều ác và có lòng ước ao vâng theo lời răn dạy của
Chúa tuyệt đối hay không.
Vào
thời Nê-hê-mi, những người Do-thái quyền quý và quan chức đã bất tuân
lệnh Chúa mà vay tiền của người bản xứ. Nê-hê-mi đã bảo họ: Điều anh em làm không được tốt. Anh em không kính sợ Chúa để cho khỏi bị sỉ nhục giữa các dân tộc thù nghịch với chúng ta sao?
(Nê-hê-mi 5:9). Nghĩa là vì sợ bị người ta chê cười mà bất tuân lệnh
Chúa. Nếu không kính sợ Chúa, không ai nghĩ rằng vâng lời răn dạy của
Chúa là hữu ích. Nhưng nếu chúng ta thực sự kính sợ Chúa, chúng ta sẽ
luôn luôn kỉnh kiền và sẽ vâng phục Ngài. Mức độ vâng phục Chúa của
chúng ta sẽ đứng ngang bằng mức độ kính sợ Chúa.
Tương
tự như thế Phao-lô xác nhận rằng tình yêu của Chúa đã ép buộc ông phải
sống không phải cho riêng mình, nhưng cho Chúa là Đấng đã chết vì mình.
Khi Chúa bắt đầu trả lời ta về việc xin cho được thể hiện sâu xa hơn
tình yêu của Ngài, thì một phương cách Chúa hay dùng là khiến chúng ta
càng thấy rõ hơn về tình trạng đầy tội lỗi của mình. Gần cuối đời mà
Phao-lô vẫn nói: Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội – trong số đó, ta là đầu.
(1 Ti-mô-thê 1:15). Chúng ta nhận thấy tội của chúng ta là người đã
tin Chúa, có lẽ không ghê gớm bằng khi chưa tin, nhưng cũng rất kinh
tởm trước mắt Chúa vì nghịch lại sự hiểu biết và ân sủng. Vì là người
tin Chúa, chúng ta biết rõ hơn và chúng ta cũng biết tình thương của
Chúa, thế mà vẫn cố ý phạm tội. Lúc ấy chúng ta trở về chân thập giá và
nhận ra rằng Chúa Giê-xu phải mang cả những tội lỗi mà ta cố ý phạm đó
trên thân Ngài và bị treo trên thập giá, và nhận định về tình thương vô
cùng ấy bắt buộc ta phải đối xử với những tội đó và tiêu diệt chúng. Như
thế cả sự kính sợ Chúa lẫn lòng yêu Chúa đã động viên chúng ta vâng
phục Chúa và sự vâng phục ấy chứng nghiệm rằng trong đời sống ta thực sự
có sự kính sợ và kính yêu đối với Chúa thật.
Một cuộc trông mong sâu xa hơn
Khi
ta tập trung vào việc tăng trưởng của sự sùng kính và kỉnh kiền đối với
Chúa và trong sự hiểu biết về tình thương của Chúa đối với mình, chúng
ta sẽ thấy rằng sự thèm khát về Chúa trong ta gia tăng. Khi ta chiêm
ngắm vẻ đẹp của Chúa, ta lại càng thèm khát tìm gặp Chúa thường hơn. Khi
ta càng ngày càng ý thức được về tình thương cứu chuộc của Chúa thì ta
lại càng muốn biết Ngài sâu nhiệm hơn. Chúng ta có thể cầu xin Chúa cho
mình được thèm khát Chúa nhiều hơn như ao ước của Phao-lô trong Phi-líp 3:10 Cho
đến nỗi tôi được biết Ngài và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự
thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự
chết Ngài. Hoặc là Ê-sai 26:9 Đương
ban đêm, linh hồn tôi đã ao ước Ngài; phải, thần linh trong tôi sẽ
thiết tha tìm Ngài; vì khi những sự phán xét Ngài làm ra trên đất, dân
cư của thế gian đều học sự công bình.
Một
trong những điều huyền diệu về Chúa là Ngài vô cùng vô hạn trong mọi
đức tính vinh quang của Ngài vì thế thèm khát của chúng ta về mạc khải
bản chất của Chúa không bao giờ ngừng lại. Càng đến gần Chúa ta lại càng
thèm khát Chúa hơn nữa. Càng thèm khát Chúa lại càng muốn tương giao
với Chúa và kinh nghiệm hiện diện của Ngài. Và càng thèm khát và tương
giao với Ngài ta lại càng muốn trở nên giống như Ngài. Phao-lô ngày xưa
ao ước biết Chúa rõ hơn để có thể trở nên giống như Chúa.
Tin kính Chúa là: Tập trung vào Chúa, hoặc là sùng kính Chúa và trở nên giống như Chúa hay là mang lấy đức tính của người tin Chúa.
Thực
hành nếp sống thánh khiết vừa là thực hành sự sùng kính Chúa, lại vừa
thực hành một nếp sống làm Chúa vừa lòng và phản ánh bản tính của Chúa
cho người khác.
Chúng
ta sẽ nói đến đức tính của Chúa mà chúng ta cần biểu lộ. Nhưng chúng ta
chỉ có thể tạo dựng đức tính giống như Chúa trên căn bản hết lòng sùng
kính Chúa. Chúa phải là tâm điểm của đời sống chúng ta nếu chúng ta muốn
có một đức tính và hành vi tin kính thánh thiện.
Nhiều
người chú trọng quá nhiều về cơ sở bên ngoài của đức tính và hành vi mà
không bỏ thì giờ xây dựng nền tảng sùng kính Chúa bên trong. Thái độ
này thường tạo hậu quả là thiên về luật lệ hoặc là quá cứng nhắc lạnh
lùng, tệ hơn nữa là tự cao tự đại. Dĩ nhiên là nền móng cho việc sùng
kính Chúa và cơ sở cho một đời sống vừa lòng Chúa phải được phát triển
đồng thời và không thể tách rời.
Ý
nghĩ về thực hành có thể làm chúng ta chán nản, cũng như khi phải tập
qua các nốt nhạc trước khi đờn dương cầm, điều này chán thật, nhưng nếu
không tập, không thể nào đánh đàn nhanh được. Nhưng tập đàn là khác mà
thực tập nếp sống thánh khiết hoàn toàn khác, vì kết quả sẽ không thể
lường được.
Hạ Mình
“vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên.”
Lu-ca 18:14
Sùng
kính đối với Chúa là sắc thái đầu tiên của tin kính thánh thiện; thánh
tính là thứ hai. Câu hỏi đặt ra là hạ mình có phải là một thánh tính,
vì hạ mình là một tính chất của loài thọ tạo, không phải là của Đấng Tạo
Hóa. Nhưng ta chỉ biết một điều là Chúa khuyến giục con dân Chúa hạ
mình, và Ngài rất ưa thánh tính đó.
Hai khúc Kinh Thánh trong Ê-sai cho chúng ta thấy rõ Chúa rất ưa thích kẻ hạ mình. Ê-sai 57:15 ghi:
Đấng cao cả, ở nơi đời đời vô cùng, danh Ngài là Thánh, có phán như
vầy: Ta ngự trong nơi cao và thánh, với người có lòng ăn năn đau đớn và
khiêm nhường, đặng làm tươi tỉnh thần linh của những kẻ khiêm nhường, và
làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn.
Trong khi đó Ê-sai 66:1-2 ghi: Đức
Giê-hô-va phán như vầy: Trời là ngai ta, đất là bệ chơn ta. Các ngươi
sẽ xây nhà thể nào cho ta? Các ngươi sẽ lấy nơi nào làm chỗ nghỉ ngơi
cho ta? Đức Giê-hô-va phán: Mọi sự nầy đều bởi tay ta làm ra, và có
như vậy. Nầy là kẻ mà ta đoái đến: tức là kẻ nghèo khó, có lòng ăn năn
đau đớn, nghe lời nói ta mà run.
Không những Chúa khuyến khích hạ mình trong dân Chúa, chính Ngài còn bày tỏ đức hạ mình trong hình hài con người nữa. Phi-líp 2: 8 ghi: Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.
Chúa Giê-xu đã nêu gương hạ mình tuyệt điểm khi Ngài chịu chết trên
thập giá vì chúng ta, không những thế, trong suốt cuộc đời, Chúa lúc nào
cũng hạ mình. Chúa sinh ra trong một hoàn cảnh rất là hạ mình, Ngài
thuận phục cha mẹ người trần gian, Chúa còn kêu gọi mọi người đến với
Chúa đê học gương nhu mì khiêm nhường. Chúa từng nói Ngài đến để phục
vụ. Ngài cũng từng đóng vai tôi tớ rửa chân cho các môn đệ của Ngài, và
một người môn đệ đã phản Ngài. Chúa từng dạy: Ai hạ mình xuống sẽ được nhắc cao lên.
Câu hỏi: Hạ
mình có phải là một thánh tính? nghĩa là có phải đặc tính của Đức Chúa
Trời không? có thể đặt ra, nhưng không ai dám hỏi rằng hạ mình có phải
là một tính chất của Chúa Giê-xu hay không? Vì vậy chúng ta có gương
sáng hạ mình của Chúa và có thể thực hiện được như thế.
Lời
hứa cho những kẻ biết thật sự hạ mình rất nhiều. Đấng cao cả đời đời,
vô cùng vô tận hứa là sẽ ở với kẻ hạ mình, quý trọng họ, ban cho họ ân
sủng, nâng họ lên cao và tôn vinh họ (Ê-sai 57:15 và 66:2, Gia-cơ 4:6,
1 Phi-e-rơ 5:6 và Lu-ca 18:14). Hạ mình mở lối cho tất cả các thánh
tính khác. Nó là đất tốt cho các thánh tính của trái Thánh Linh được mọc
lên.
Hạ
mình biểu lộ ra trong tương giao của chúng ta, cũng như đối với Chúa
và lời của Ngài. Hạ mình đối với những cuộc thử thách và phước hạnh mà
ta gặp hay khả năng và những thành công mà ta được ban phước, hạ mình
đối với người khác. Hạ mình cũng như tình thương, không định nghĩa cho
đầy đủ được, nhưng có thể hiểu và áp dụng vào đời sống hằng ngày.
Hạ mình trước Chúa
Hạ
mình đối với Chúa cũng gần với kính sợ Chúa: nó bắt đầu bằng một quan
điểm về cá nhân Chúa. Khi ta thấy Chúa oai nghi, đáng sợ, thánh khiết,
chúng ta bắt buộc phải hạ mình. Trong Kinh Thánh mỗi khi con người có
vinh hạnh nhìn thấy vinh quang của Ngài, thì con người ấy hạ mình.
Môi-se sấp mặt xuống đất mà tôn thờ, Ê-sai kêu lên “Khốn nạn cho tôi!”;
Ê-xê-chi-ên cúi mặt xuống; Giăng ngã xuống chân Chúa như chết. Ngay
bốn sinh vật ở trên trời trong Khải Huyền cũng cúi xuống trước ngôi của
chiên con vinh hiển.
Hạ
mình trong mọi lĩnh vực đời sống, trong mọi tương giao với người đều
bắt đầu bằng một quan niệm chính xác về Chúa là Đấng vô hạn, đời đời
trong oai nghi và thánh khiết. Chúng ta phải hạ mình dưới tay quyền
năng của Chúa để tiến đến mọi cuộc trao đổi và tương giao với Ngài. Khi
nào mối giao hảo của ta với người khác tốt đẹp và hoàn cảnh thuận lợi,
chúng ta phải hạ mình để nhận những phước hạnh từ tay nhân từ của Ngài.
Khi người khác ngược đãi ta và hoàn cảnh thất lợi, chúng ta phải hạ mình
để chấp nhận như là những điều này đến từ Cha khôn ngoan và thương yêu ở
trên trời.
Hạ
mình trước Chúa là cơ bản cho tất cả mọi mối tương giao trong đời.
Chúng ta không thể nào kinh nghiệm hạ mình trong bất cứ tương giao nào
khác cho đến khi chúng ta kinh nghiệm được một sự hạ mình sâu xa trong
thái độ đối với Chúa. Khi ấy chúng ta tự cảm nhận mình là một tạo vật
đầy tội lỗi xấu xa tiếp cận với một Đấng oai nghi thánh khiết vô cùng vô
tận, chúng ta cũng không dám so sánh mình với một người nào cả. Cho
đến khi nào chúng ta ý thức được chỗ đứng thấp hèn của mình trước Chúa
là một chỗ bền vững thì chúng ta mới tránh được các cám dỗ về kiêu hãnh
và đua tranh.
Run rẩy trước Lời Chúa
Người
thật sự hạ mình trước Chúa cũng là người hạ mình trước Lời Chúa. Đức
Chúa Trời phán rằng Ngài đoái đến những kẻ hạ mình, có tinh thần thống
hối, nghe Lời Chúa mà run sợ.
Trong IICác-Vua có ghi chuyện vua Giô-si-a như sau: Vua
vừa nghe các lời của sách luật pháp, liền xé quần áo mình. Đoạn, vua
truyền lịnh cho thầy tế lễ Hinh-kia, cho A-hi-ca, con trai Sa-phan, cho
Ac-bồ, con trai Mi-ca-gia, đầy tớ của vua, mà rằng: Hãy đi cầu vấn Đức
Giê-hô-va cho ta, cho dân sự, và cho cả Giu-đa, về các lời của sách mới
tìm được. Vì cơn giận của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng chúng ta thật là
lớn lao, tại tổ phụ chúng ta không có nghe theo các lời của sách này, và
không làm theo điều đã truyền phán cho chúng ta.
Vua
Giô-si-a nhận ra rằng lời Chúa là ý chỉ của Ngài được trình bầy ra, và
phải tuân hành, nếu không sẽ bị Chúa phán xét. Vì Giô-si-a run sợ
trước lời Chúa, ông hạ mình, và xác nhận tội lỗi của dân Chúa, và Chúa
đã nghe lời ông. Giô-si-a không lý luận nhưng chỉ tuân hành.
Chúng
ta cần phát triển lối hạ mình này đối với Kinh Thánh. Khi chúng ta dò
xem Kinh Thánh, chúng ta phải để cho Kinh Thánh tra xét chúng ta, phán
xét tính tình và hành vi của mình. Chúng ta phải coi lời Chúa không
những chỉ là một nguồn tri thức về Chúa, nhưng còn là sự biểu lộ ý chỉ
của Chúa cho đời sống hằng ngày của chúng ta nữa. Kinh Thánh không
những gia tăng tri thức nhưng còn dẫn dắt hành vi nữa. Chúng ta dường
như thường đến với Kinh Thánh để gia tăng kiến thức về Kinh Thánh. Đúng
là chúng ta cần gia tăng tri thức tâm linh, nhưng còn cần vâng theo ý
chỉ của Chúa nữa. Phao-lô từng cầu xin Chúa đổ đầy tri thức về ý chỉ
của Chúa cho tín hữu Cô-lô-se, để họ có thể sống một đời sống xứng đáng
cho Chúa và làm vừa lòng Chúa trong mọi phương diện. Ông muốn họ biết ý
chỉ của Chúa để họ vâng lời và làm vừa lòng Ngài.
Do ân sủng của Chúa
Khi
một người tin Chúa thật sự hạ mình trước Chúa và lời Chúa, người ấy sẽ
hạ mình về những ân tứ, khả năng và thành công của chính mình nữa.
Người ấy sẽ nhận thấy rằng tất cả những gì người ấy có hay làm được đều
đến từ tay Chúa cả.
Khía
cạnh hạ mình này thực sự bắt đầu từ khi ta hiểu rõ về sự cứu rỗi của
chính mình. Tất cả mọi người tin Chúa chân thật đều biết rõ rằng chúng
ta được cứu là hoàn toàn nhờ ân sủng của Chúa, chứ không do một công
việc nào của chính mình cả. Nhưng chúng ta cũng vẫn nghĩ rằng mình cũng
có đóng góp vào đó ít nhiều chứ không phải là không. Chúng ta cho rằng
mình cũng khá khôn ngoan, hay là biết đáp ứng đối với tiếng gọi của Chúa
chứ không như người khác.
Thái
độ hạ mình của chúng ta về phương diện cứu rỗi phải tiếp tục đến chỗ
công nhận rằng bất cứ điều gì trong khả năng của chúng ta và những gì
thành công đều là kết quả của ân sủng Chúa ban. Chúng ta chỉ được giao
thác để quản lý cho Chúa mà thôi. Tất cả những gì tôi có hay đạt được là
để tôn vinh Chúa mà thôi.
Phao-lô từng viết: Nhưng
tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho
tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các
người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi.
(1 Cô-rinh-tô 15:10). Ta thấy Phao-lô cho rằng ngay cả khi ông siêng
năng và làm được nhiều việc cũng là nhờ Ân sủng của Chúa.
Nhiều
khi ta nghe có người nói rằng đã từng dạy trường Chủ Nhật suốt 10 năm,
hay trung tín đi cầu nguyện mấy chục năm, và bây giờ thấy mệt mỏi. Nhưng
nên nhớ rằng tất cả những gì ta làm được là do ân sủng của Chúa, ân
sủng của Chúa không bao giờ mệt mỏi. Nếu ta sống trong ân sủng và cảm
nhận như thế, ta sẽ hạ mình tiếp tục phục vụ Chúa mãi mãi.
Thuận phục, phục vụ và vinh dự
Một
người tin Chúa biết hạ mình trước Chúa cũng là người hạ mình trước
người khác. Việc hạ mình này thể hiện qua cử chỉ thuận phục lẫn nhau.
Phao-lô dạy: Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau. Ê-phê-sô 5:21.
Phi-e-rơ dạy: Cũng
khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão. Hết thảy đối đãi với
nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ
kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường. 1 Phi-e-rơ 5:5.
Còn Gia-cơ tin rằng vâng phục lẫn nhau là khôn ngoan từ trên ban xuống, ông viết: Nhưng sự
khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa
thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không
có sự hai lòng và giả hình. Gia-cơ 3:17.
Nhưng
thuận phục hay vâng phục lẫn nhau là gì? Phải chăng lúc nào mình cũng
phải vâng theo ý kiến hay mệnh lệnh của người khác? Thuận phục đây là
nói về đức khiêm tốn bằng lòng nghe lời khuyên bảo cũng như lời sửa sai
của người khác. Có tinh thần cầu tiến, hạ mình nhận lỗi khi được phê
bình chỉ trích.
Gương chứng về thuận phục nhau của A-bô-lô và Phi-e-rơ đáng cho chúng ta quan tâm.
A-bô-lô
là một học giả, có tài hùng biện, đã tin Chúa, nhưng tri thức của ông
về Chúa chưa đầy đủ, ông chỉ biết đến báp tem ăn năn của Giăng mà thôi.
Khi vợ chồng Priscilla và Aquila nghe A-bô-lô giảng tại Ê-phê-sô, họ đã
mời ông về nhà để giải bày đường lối của Chúa đầy đủ hơn. A-bô-lô hạ
mình thuận phục nghe những điều mình chưa biết. Khi A-bô-lô muốn đi
truyền giáo cho các vùng A-chai, thì mọi người tại Ê-phê-sô đều hân
hoan khuyến khích ông.
Phao-lô
có lần công khai chỉ trích Phi-e-rơ về thái độ không chân thật của ông
ta trong việc ăn uống. Phi-e-rơ không chống lại, mà nhận lời quở trách
và thay đổi lối cư xử. Phi-e-rơ đã bằng lòng nghe lời chỉ trích của một
người trẻ tuổi và tin Chúa sau mình.
Dĩ
nhiên là thuận phục lời dạy hay phê bình chỉ trích của người khác rất
là khó khăn, nhưng Phao-lô cho biết rằng đó là một trong những bằng cớ
là được tràn đầy Thánh Linh. Hạ mình là một quả trái của Thánh Linh
trong tâm hồn chúng ta. Nhưng quả trái này không tự nhiên mà đến, vì
rất cần nỗ lực và quyết tâm từ phía chúng ta. Thánh Linh không làm cho
chúng ta hạ mình, nhưng Ngài giúp chúng ta hạ mình trong những trường
hợp khó khăn.
Chúa Giê-xu là gương sáng nhất trong việc hạ mình để phục vụ và Ngài cũng dạy chúng ta phải phục vụ nhau.
Một trong những cách chứng tỏ hạ mình là tôn trọng người khác. Phao-lô dạy nhiều về việc Coi người khác tôn trọng hơn mình. Chúa Giê-xu cũng thường quở trách bọn tu sĩ Pha-ri-si là kiêu căng, thường hay tìm chỗ ngồi cao trong đám hội.
Nếu
chúng ta muốn hưởng được phước hạnh Chúa dành cho kẻ khiêm nhường, hạ
mình, chúng ta cần phải thực hiện hạ mình trong tương giao của chúng ta
mỗi ngày với người khác.
Thực hành hạ mình
Sau đây là một số những đề nghị trong việc học hạ mình.
Trước tiên
ta cần làm mới lại tâm trí mình. Cách hay nhất là học thuộc lòng một
hay nhiều khúc Kinh Thánh mà bạn thấy cần cho mình để được thay đổi.
Thứ hai là xưng nhận những thái độ kiêu căng của mình, theo như Thánh Linh hướng dẫn, và cầu xin Thánh Linh thay đổi nội tâm của mình.
Cuối cùng, làm đủ cách để hạ mình vâng phục Chúa, và thuận phục đối với người khác trong cách đối xử hằng ngày.
Trở Thành Giống Như Chúa
Vậy
anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu
của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm
nhường, mềm mại, nhịn nhục.
Cô-lô-se 3:12.
Việc tin kính Chúa có hai đặc trưng phân biệt nhưng bổ túc cho nhau, và
người muốn học tập trên đường tin kính Chúa cũng phải theo đuổi cả hai
với cùng một nhiệt tâm. Đặc trưng thứ nhất là sự tập trung vào Chúa, ta
gọi là sùng kính Chúa; đặc trưng thứ hai là giống như Chúa, ta gọi là
phẩm tính của người tin Chúa. Phẩm tính của người tin Chúa phải phản
ánh bản chất của Chúa. Phẩm tính ấy xuất phát từ sự sùng mộ Chúa và trên
thực tế xác nhận tính hiện thực của việc sùng mộ đó.
Chúng
ta có thể biểu lộ một sự kỉnh kiền đối với Chúa; chúng ta có thể hướng
tâm hồn trong việc thờ phượng Chúa; nhưng chúng ta minh chứng sự sùng
kính chính đáng nhất của mình đối với Chúa bằng ước muốn tha thiết và
thành thật cố gắng nỗ lực cho trở thành giống như Chúa. Phao-lô không
những muốn biết Chúa, nhưng còn muốn trở nên giống như Ngài và ông dồn
hết tâm lực vào mục tiêu đó.
Chúng
ta đã nghiên cứu về việc thực hành đời sống tin kính thánh thiện, và đã
nhấn mạnh về khía cạnh sùng kính Chúa, tức là tập trung tất cả vào
Chúa. Bây giờ chúng ta chú ý vào việc giống như Chúa – tức là phát triển
đức tính như Chúa. Những điểm đặc trưng trong đức tính của một người
tin kính Chúa là gì? Phao-lô đã liệt kê trong thư Ga-la-ti 5:22-23.
Tuy nhiên không phải chỉ có thế. Bất cứ những phẩm tính nào được Kinh
Thánh đề cập đến, xứng đáng cho người tin Chúa, đều được coi là quả
trái của Thánh Linh cả, miễn là bằng chứng của quả trái đó là một kết
quả chỉ do hoạt động của Thánh Linh trong lòng chúng ta. Vì thế cùng
với các phẩm tính ghi trong Ga-la-ti chương 5 như yêu thương, vui mừng,
bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ, ta
còn có thể thêm các phẩm tính khác như: thánh khiết, hạ mình, thương
xót, chịu đựng, thỏa lòng, cảm tạ, ân cần, thành thật và nhẫn nại nữa.
Đây
là một dãy những phẩm tính không mấy dễ áp dụng được, xét về phương
diện thực tế, nếu ta tự mình cố thực hiện. Nhưng đây là quả trái của
Thánh Linh, kết quả của việc Thánh Linh hành động trong ta. Nói vậy
không có nghĩa là ta chẳng có trách nhiệm nào cả trong việc phát triển
đức tính của người tin Chúa, nhưng là chúng ta hoàn thành được trách
nhiệm dưới sự hướng dẫn của Chúa và năng lực Chúa ban cho. Chính là
trong chiều kích tâm linh này mà đức tính của người tin Chúa có thể hình
thành, và duy chỉ trong chiều kích tâm linh này mới không làm chúng ta
nản chí và thất bại trong ước muốn được thể hiện những đức tính tin
kính thánh khiết trong cuộc đời chúng ta.
Chúng
ta sẽ nghiên cứu một số các phẩm tính này trong các bài sau. Tuy nhiên
có một số nguyên tắc căn bản áp dụng cho mọi hình thức của đức tính
thánh khiết.
1. Động Cơ Thúc Đẩy Đúng
Nguyên tắc thứ nhất của đức tính thánh khiết là: Sùng kính Chúa là động cơ duy nhất chấp nhận được cho mọi hành động làm cho Chúa vừa lòng. Việc
sùng kính này có thể tự biểu lộ trong một số cách khác nhau. Chúng ta
có thể có một ước ao chân thành là để làm Chúa vừa lòng hay là tôn vinh
Chúa; chúng ta có thể làm hay không làm một hành động đặc biệt nào đó vì
yêu Chúa, hay vì cảm thấy rằng Chúa xứng đáng cho ta vâng theo lời
Chúa dạy. Tuy nhiên động cơ thúc đẩy từ phát biểu, nếu tập trung vào
Chúa, thì nó phát xuất từ lòng sùng kính của ta đối với Chúa và Chúa
chấp nhận được.
Rất
tiếc là thường khi những động cơ thúc đẩy tập trung vào chúng ta hơn là
vào Chúa. Chúng ta muốn có danh tiếng trước mọi người, hay là muốn cảm
thấy bằng lòng về chính mình. Hoặc là chúng ta có thể muốn đạt đến một
đời sống thanh cao đạo đức hay làm việc thiện lành vì từ tấm bé đã được
giáo dục như thế. Nhưng động cơ như thế không quan hệ gì đến Chúa và
cũng không được Chúa chấp nhận.
Khi
Giô-sép bị vợ Phô-ti-pha cám dỗ, ông ta không từ chối trên căn bản là:
“Nếu tôi làm như thế, chủ biết, chủ sẽ chặt đầu tôi.” Nhưng Giô-sép
bảo:“Làm sao tôi dám phạm một điều đại ác như thế và phạm tội với Chúa?”
(Sáng 39:9). Động cơ thúc đẩy Giô-sép trong đạo đức là tập trung vào
Chúa, và vì thế được Chúa chấp nhận.
Khi
Chúa ra lệnh cho Áp-ha-ham dâng Y-sắc làm tế lễ, Ngài đã thử động cơ
thúc đẩy của Áp-ra-ham. Khi Ngài ngăn cản con dao của Áp-ra-ham không
đâm xuống Y-sắc, Chúa nói: “Bây giờ ta biết ngươi kính sợ Chúa, vì người
đã không từ chối ta con trai của ngươi, đứa con duy nhất.” (Sáng
22:12). Chính là động cơ kính sợ Chúa đã khiến Áp-ra-ham vâng theo lệnh
Chúa truyền để làm một việc vô cùng khó khăn. Chúng ta thường gọi sự
vâng lời của Áp-ra-ham là đức tin của ông. Chính là do đức tin mà
Áp-ra-ham có thể dâng Y-sắc làm của tế lễ, nhưng đông cơ thúc đẩy ông
là lòng kính sợ Chúa. Chính vì động cơ đó mà Chúa chấp nhận và ca ngợi
ông..
Đọc
trong Kinh Tân Ước ta thấy động cơ hướng về Chúa được nhấn mạnh nhiều
lần. Chúa Giê-xu dạy rằng, tất cả Luật Lệ Chúa và Lời Tiên Tri đều căn
bản trên hai điều răn, dó là yêu Chúa và yêu người bên cạnh mình.
(Ma-thi-ơ 22:37-40). Không những hai điều răn ấy tóm tắt toàn bộ 10
điều răn, nhưng tất cả các điều răn đều căn cứ vào động cơ “yêu” mới có
thể thực hiện được. Sự lo sợ về các hậu quả có thể ngăn chúng ta không
dám làm các hành động lộ ra bên ngoài như giết người hay gian dâm, nhưng
chỉ có sự kính yêu Chúa và thương yêu người mới thật sự giữ chúng ta
không phạm các tội này ngay trong tư tưởng.
Trong
ICô-rinh-tô 10:31 Phao-lô dạy rằng, dù ăn hay uống, cũng vì vinh quang
của Chúa mà làm. Việc ăn uống rất là tầm thường, tuy nhiên ta cũng được
dạy là phải ăn uống với động cơ thúc đẩy hướng về Chúa, hay là vì Chúa.
Phi-e-rơ còn dạy rằng, tất cả chúng ta đều phải phục thể chế quyền hành của loài người “vì danh Chúa” (I Phi-e-rơ 2:13).
Phao-lô
còn dạy thêm: “Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau” (Ê-phê-sô
5:21) Nghĩa là động cơ sống an hòa với người khác cũng là vì kính sợ
Chúa.
Tóm lại, tất cả mọi hành vi của chúng ta nếu muốn được Chúa chấp nhận, thì phải thực hiện trong ý thức về sùng kính Chúa.
Nguồn Năng Lực
Nguyên
tắc thứ hai về đức tính thánh khiết là: Quyền năng để thực hiện một đời
sống tin kính thánh khiết đến từ Chúa Giê-xu, Đấng phục sinh từ cõi
chết. Phao-lô dạy: Không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ
việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng tài năng của chúng tôi dến
từ Đức Chúa Trời. (2 Cô-rinh-tô 3:5). Và Ấy cũng là vì đó mà tôi làm việc, nhờ sức Ngài giúp đỡ mà chiến đấu, là sức hành động cách có quyền trong tôi.” (Cô-lô-se 1:29).
Khi nói về sức mạnh chịu đựng và bằng lòng với mọi hoàn cảnh, Phao-lô nói: Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi (Phi-líp 4:13).
Nếu
nguồn sức mạnh cho đời sống tin kính thánh thiện là trong Chúa Giê-xu
thì phương cách để kinh nghiệm quyền năng đó là tương giao với Chúa. Đây
là lời dạy của Chúa Giê-xu trong Giăng 15 khi Ngài dùng hình ảnh cành
nho và cây nho. Chỉ ở trong Chúa ta mới sản sinh được những bông trái
của đức tính thánh khiết. Phao-lô diễn tả cuộc tương giao này là sống trong Đấng Christ Ông bảo: Anh
em đã nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu thể nào, thì hãy bước đi trong Ngài thể
ấy; hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức tin làm cho bền vững, tuỳ
theo anh em đã được dạy, và hãy dư dật trong sự cảm tạ. (Cô-lô-se 2:6,7). Tại đây Phao-lô cho biết rằng tất cả khôn ngoan và quyền năng cho một cuộc đời tin Chúa tìm thấy trong Chúa Cứu Thế chứ không phải trong các triết lý hay đạo đức của đời.
Tương
giao với Chúa cũng duy trì đưọc nhờ chiêm ngắm vinh quang của Chúa Cứu
Thế trong lời của Ngài. Trong 2 Cô-rinh-tô 3:18 Phao-lô bảo rằng: chiêm
ngắm Chúa Giê-xu thì sẽ dần dần được biến đổi, trở thành giống như
Chúa. Chiêm ngắm vinh quang của Chúa trong lời Ngài không phải chỉ xét
về nhân đạo của Chúa trong Phúc Âm. Chiêm ngắm đây là xét về đức tính,
phẩm tính và ý chí của Chúa trong mỗi trang Kinh Thánh. Khi chúng ta xem
xét về Chúa như vậy, chúng ta duy trì mối tương giao với Chúa qua lời
Chúa dạy, chúng ta được biến đổi dần dần thành ra giống như Chúa nhiều
hơn; chúng ta được Thánh Linh ban cho năng lực để cũng dần dần bày tỏ ra
những phẩm tính của đức tính thánh khiết.
Trách nhiệm và Sự Phụ Thuộc
Nguyên
tắc thứ ba của đức tính thánh khiết là: Dù rằng năng lực của đức tính
thánh khiết đến từ Chúa Cứu Thế, trách nhiệm phát triển và trình bày
dức tính đó là thuộc chúng ta. Nguyên tắc này xem ra khó nhất trong việc
hiểu và áp dụng. Một ngày nào đó chúng ta cảm thấy phải có trách nhiệm
và tìm cách sống một cuộc đời thánh khiết do chính sức mạnh của ý chí
mình. Ngày hôm sau đó, nhận thấy rằng chính chúng ta không đáng tin
cậy, nên giao tất cả cho Chúa và trút bỏ trách nhiệm. Như thế không
đúng. Kinh Thánh dạy ta vừa chịu trách nhiệm hoàn toàn, lại vừa phụ
thuộc hoàn toàn vào Chúa.
Phao-lô dạy: Hỡi
những kẻ yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những
khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng măt, hãy càng hơn
nữa mà lấy lòng sợ sệt làm nên sự cứu chuộc mình. Ấy chính Đức Chúa
Trời cảm động lòng anh em, vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.
(Phi-líp 2:12-13). Phao-lô ra lệnh cho mọi người phải làm nhiều nhiệm
vụ, nhưng ông bảo, họ có thể làm được nhờ quyền năng Chúa cảm động thúc
đẩy. Như thế, chúng ta có trách nhiệm, nhưng năng lực thực hiện là do
Chúa cung cấp.
Cởi Áo và Mặc Áo.
Nguyên
tắc thứ tư liên quan đến đức tính tin kính thánh khiết là: Việc phát
triển đức tính tin kính thánh khiết phụ thuộc vào vừa việc cởi bỏ và mặc
vào một số những tính tình.
Phao-lô dạy: Anh
em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư
hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, và mặc
lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời,
trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật. (Ê-phê-sô 4:22-24).
Trong
những câu tiếp theo (4:28-5:4) Phao-lô đưa ra những áp dụng thực tế của
nguyên tắc này. Chúng ta phải trút bỏ sự giả trá và mặc lấy sụ chân
thật, phải trút bỏ tính trộm cắp, mặc lấy tính rộng rãi. Những lời nói
không trong lành phải thay bằng những lời xây dựng, hữu ích cho người
khác. Cay đắng, giận dữ, tức tối và nói xấu phải thay bằng nhân từ,
thương xót, và tha thứ. Những lời phàm tục hay ngụ ý xấu phải thay bằng
lời cảm tạ. Trong danh sách ghi ở Ga-la-ti chương 5, Phao-lô cũng ngụ ý
là phải bỏ đi rất nhiều tính xấu của con người cũ mà mặc lấy những tính
được gọi là trái của Thánh Linh của con người mới.
Phao-lô dạy trong Rô-ma 12:9 Hãy ghét điều dữ mà mến điều lành.
Dĩ nhiên là chúng ta phải làm chết những hành vi sai trái của xác thể
với sự trợ giúp của Thánh Linh. Nhưng chúng ta cũng phải mặc lấy lòng
thương xót, tính từ tốn, khiêm nhường, dịu dàng và kiên nhẫn cng với sự
giúp đỡ của Thánh Linh.
Cũng
như khi chúng ta học Kinh Thánh để có trách nhiệm cá nhân và lại hoàn
toàn phụ thuộc vào Chúa, tại đây chúng ta cũng cần quân bình trong lời
Chúa để cởi bỏ những gì và mặc lấy những gì cần cho mình. Nhiều người
chú trọng quá nhiều về mặt rũ bỏ những tính xấu của bản chất tội. Những
người ấy thường rất đúng mực về phương diện đạo đức, nhưng thiếu những
phẩm tính quý như: yêu thương, niềm vui và thương xót. Khi một người bạn
bị sa ngã vào tội, những người đạo đức này không tìm cách giúp cho
người ấy hồi phục, mà tìm đủ cách loại bỏ. Nhiều hội thánh chỉ biết với
ra ngoài đưa người vào với Chúa, nhưng không biết cách hồi phục người
trong Hội Thánh đã sa ngã lầm lạc. Đó là khi mọi người chỉ nghĩ đến việc
trút bỏ mà quên phải mặc vào.
Mặt
khác, nếu chúng ta chú trọng vào những phẩm tính như thương yêu và
thương xót mà bỏ qua việc giải quyết các thói xấu và bản chất tội ác,
thì tai hại cũng tương tự. Ngày nay người ta có khuynh hướng tập trung
tất cả vào việc khuyến khích và xây dựng lẫn nhau. Tuy nhiên đừng quên
làm cho chết những việc làm của xác thịt và bản chất con người cũ.
Chúng ta cần trút bỏ những tính tình xấu xa của người cũ và mặc lấy những phẩm tính quý giá của con người mới.
Tăng Trưởng Quân Bình
Nguyên
tắc thứ năm về đức tính tin kính thánh khiết là: Chúng ta phải theo
đuổi cuộc tăng trưởng trong mọi lĩnh vực được coi là trái của Thánh
Linh. Điều này bao gồm những phẩm tính như thương xót, chịu đựng và hạ
mình, là những phẩm tính không kể trong trái Thánh Linh ghi ở Ga-la-ti
5, nhưng vẫn là kết của của công tác Thánh Linh trong đời sống chúng ta.
Đức tính tin kính thánh khiết phải quân bình. Nghĩa là chú trọng toàn
bộ ân sủng đã nêu lên trong Kinh Thánh như là đặc tính của người tin
kính Chúa.
Chúng
ta thường có khuynh hướng tập trung đời sống mình vào những phẩm tính
dường như thích hợp nhất đối với tính khí riêng của mình. Nhưng trái của
Thánh Linh không phải là vấn đề tính khí; đó là kết quả của việc người
tín đồ tìm cách tăng trưởng dưới sự hướng dẫn và trợ giúp của Thánh Linh
trong mọi lĩnh vực của đức tính người tin kính Chúa.
Theo ông tổ y khoa là Hipocrates, người Hi-lạp, thì chúng ta có bốn loại tính khí, đó là:
1. Lạc quan.
Loại người có tính khí này dễ đáp ứng với lời căn dặn là phải vui mừng
trong Chúa hay là có lòng thương người và dễ xúc động. Nhưng đồng thời
người ấy cũng thấy khó tự kiềm chế hay là trung thành với trách nhiệm.
Người loại này phải cầu nguyện tha thiết hơn và tranh đấu siêng năng
hơn cho đạt đến các ân sủng quý giá. Trên tất cả, người loại này phải
hiểu rằng các ân sủng của Chúa rất cần cho đời mình và rất khó biểu lộ
ra. Người loại này không nên thoái thác khi thiếu trung tín, đổ lỗi
rằng: vì tính khí tôi như vậy đó.
2. Bình thản.
Người có tính khí này thường dễ dàng đáp ứng với sự trung thành nhưng
có thể gặp khó khăn đối với trái vui mừng. Nhiệm vụ trung thành làm xong
nhưng không quan tâm nhiều đến niềm vui. Niềm vui trong Chúa thêm sức
lực cho ta có thể hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó khăn và cảm thấy thỏa
lòng.
3. Nóng tính.
Người có tính khí này thường không hiểu tại sao người khác gặp khó khăn
trong việc tự kiềm chế. Người mang tính này vì tự theo kỉ luật được nên
đức tính tin kính thánh khiết dường như tự nhiên thích hợp với người
ấy. Nhưng vì phải tỏ ra những phẩm tính của trái Thánh Linh người ấy có
thể than khóc vì thiếu kiên nhẫn và dịu dàng trong tương quan với người
khác.
4. Bi quan.
Người mang tính khí này thường nhậy cảm đối với nhu cầu của người khác
và thường hay hi sinh trong các mối giao hảo. Nhưng người ấy cũng lại có
khuynh hướng hay chỉ trích và không dễ tha thứ, vì vậy rất cần Thánh
Linh giúp trong nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu của người khác.
Trong
bài này ta không tỉ mỉ phân tích tính khí như kiểu tâm lý gia, nhưng
chỉ đưa ra các loại tính khí này và nhược điểm của nó để thấy rằng phẩm
tính của trái Thánh Linh rất cần đối với mọi người. Chúng ta cần trình
bầy các phẩm tính tin kính thánh khiết một cách quân bình. Một số phẩm
tính khó tăng trưởng hơn. Những phẩm tính này cần cầu nguyện và lưu ý
nhiều, và đó cũng là giá phải trả nếu ta muốn tăng trưởng trong việc
trở thành giống như Chúa.
Tăng Trưởng Tiệm Tiến
Nguyên tắc thứ sáu trong đức tính tin kính thánh khiết là, Tăng trưởng trong mọi lĩnh vực đều tiệm tiến và không bao giờ chấm dứt. Ngay
sứ đồ Phao-lô cũng công nhận nguyên tắc này trong đời ông. Khi nói về
lòng ước ao được biết Chúa Cứu Thế và trở nên giống như Ngài, ông nói: Ấy không phải tôi đã giật giải rồi hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đương chạy hầu cho giật được…
(Phi-líp 3:12). Nhũng lời này Phao-lô viết khi ông đang ngồi trong tù
và gần cuối cuộc đời sứ đồ của ông, ông vẫn tiến lên, làm đủ mọi cách
để gia tăng tri thức về Chúa và trở thành giống như Ngài.
Ta
cũng cần hiểu rõ rằng, trong nhiều lĩnh vực ta nghĩ mình đã trưởng
thành, ta vẫn luôn luôn cần tăng trưởng thêm nữa. Trong bức thư gởi cho
tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca ông khen ngợi họ là được Chúa dạy thương yêu
nhau và họ đã tỏ tình thương với mọi người trong khắp Ma-xê-đoan. Nhưng
Phao-lô không ngừng tại đó, ông bảo họ: Nhưng, hỡi anh em, chúng tôi khuyên anh em hằng tỏ lòng yêu thương đó thêm mãi,
(1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:10b). Tăng trưởng trong đức tính tin kính thánh
khiết không bao giờ chấm dứt cho đến khi ta đi ở với Chúa và biến đổi
thành ra giống như Ngài.
Như
thế tăng trưởng trong đức tính tin kính thánh khiết không những tiệm
tiến mà còn luôn luôn không chấm dứt, và đó là điều kiện cần thiết để
tồn tại trong cuộc sống tâm linh.
Nếu chúng ta muốn tăng trưởng trong đức tính tin kính thánh khiết, chúng ta sẽ không bao giờ ngừng lại, không bao giờ đứng yên.
Phao-lô
khi khuyên bảo Ti-mô-thê đã nhấn mạnh rất nhiều về việc “tập tành” đức
tính tin kính thánh khiết. Nguyên từ “tập tành” này Tân Ước đề cập
đến ba lần, đó là: 1 Ti-mô-thê 4:7 (tập tành); Hê-bơ-rơ 5:14 (dụng
tâm tư luyện tập) và 12:11 (những kẻ đã chịu luyện tập như vậy).
Riêng trong 2 Phi-e-rơ 2:14 ghi: cặp
mắt chúng nó đầy sự gian dâm, chúng nó phạm tội không bao giờ chán, dỗ
dành những người không vững lòng, chúng nó có lòng quen thói tham dục:
ấy là những con cái đáng rủa sả. Trong câu này, các chữ “Chúng nó có lòng quen thói tham dục” trong nguyên văn dùng từ “tập tành, luyện tập” và có thể đọc “Chúng nó lão luyện về tham dục”
Nghĩa là tập tành, luyện tập có hai phía, một phía là về đức tính tin
kính thánh khiết, phía đối nghịch là tập tành theo thói tham dục.
Chúng
ta đều tăng trưởng trong tính tình, trong cá tính mỗi ngày, nhưng tăng
trưởng theo chiều nào mới là quan trọng. Ta có tăng trưởng theo hướng
tin kính thánh khiết hay ngược lại? Tăng trưởng về tình thương hay tính
ích kỷ, khó khăn hay kiên nhẫn, tham dục hay hỉ xả, chân thành hay gian
trá, thánh khiết hay nhơ nhuốc? Mỗi ngày chúng ta tập luyện theo hướng
này hay hướng kia qua tư tưởng, lời nói, cử chỉ và hành động.
Việc này cũng được chỉ bảo trong La-mã 6:19 Tôi nói theo cách loài người, vì xác
thịt của anh em là yếu đuối. Vậy, anh em từng đặt chi thể mình làm tôi
sự ô uế gian ác đặng làm tội ác thể nào, thì bây giờ, hãy đặt chi thể
mình làm tôi sự công bình đặng làm nên thánh cũng thể ấy. Phao-lô
có ý nói rằng, người tin Chúa đã được giải thoát khỏi cảnh làm nô lệ cho
tội lỗi, nay phải đặt con người của mình làm nô lệ cho công chính thánh
thiện cũng như thế.
Ngày
nào chúng ta không thực hành nếp sống tin kính thánh thiện, thì ngày ấy
chúng ta đang khuôn rập theo sự vô đạo chung quanh mình. Chúng ta hãy
tiến lên, hãy theo cho kịp gương của Chúa.
Trong
những bài sau, chúng ta sẽ có dịp nói đến 12 thánh tính, tuy nhiên ta
cần nhớ rằng mục tiêu chính vẫn là nếp sống tin kính thánh thiện. Khi
ta học về 12 thánh tính, ta sẽ thấy mỗi thánh tính có nhiều cách áp
dụng. Ta có thể thấy có đến 20 cách áp dụng để tăng trưởng thánh tính.
Tuy nhiên ta cần cẩn thận đừng trải ra quá rộng, vì như thế nỗ lực sẽ
tản mát, phí phạm, không tập trung, nên không thấy tiến bộ gì mấy. Ma
quỷ sẽ nhân đó mà làm cho ta nản chí.
Sứ
dồ Phao-lô bảo rằng, người tin Chúa là người được Thánh Linh dắt dẫn
(Rô-ma 8:14 và Ga-la-ti 5:18) không phải vào những quyết định, nhưng là
vào các vấn đề thuộc hành vi và cá tính của cuộc đời. Nếu ta được Thánh
Linh dắt dân, ta phải làm cho chết các việc xấu xa của thân xác, và
không để cho các ước muốn của con người cũ được thỏa mãn.
Thánh
Linh dẫn chúng ta một cách khách quan qua giáo huấn tổng quát của lời
Chúa. Đó là lúc chúng ta học về ý chỉ của Ngài cho toàn thể những người
tin Chúa. Nhưng Thánh Linh cũng dẫn chúng ta một cách chủ quan khi Ngài
in sâu một số lời Kinh Thánh vào tâm trí chúng ta, áp dụng vào các hoàn
cảnh trong đời sống ta. Đây chính là cách Ngài chỉ cho chúng ta những
gì Ngài muốn chúng ta chú ý trong một thời điểm đặc biệt nào đó; cũng là
cách Ngài dẫn chúng ta đến chỗ thực hiện áp dụng điều nào ưu tiên.
Thỏa Lòng
Nhưng sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một điều lợi lớn.
1 Ti-mô-thê 6:6
Thỏa
lòng là một trong những đặc tính dễ nhận ra của một người tin kính
thánh thiện, vì một người như thế tâm hồn hướng về Chúa hơn là về của
cải hoặc địa vị hay quyền hành. Một người tin kính thánh thiện thật, là
người không chú trọng vào việc giàu có. Người ấy sở hữu những tài sản
bên trong là những thứ đem đến sang giàu vượt hẳn loại mà trần gian này
đem đến được.
Chữ bằng lòng hay thỏa lòng có nghĩa là đầy đủ. Chữ thỏa lòng trong 1 Ti-mô-thê 6:6, chính là chữ “mọi điều cần dùng” và “đầy đủ” trong 2 Cô-rinh-tô 9:8. Ngay cả khi Chúa bảo Phao-lô “Ân điển ta đủ cho người rồi” Thì chữ đủ đây cũng là thỏa lòng.
Người
thỏa lòng kinh nghiệm sự cung ứng đầy đủ của Chúa cho nhu cầu của mình
và ân sủng của Chúa cho mọi hoàn cảnh. Người ấy tin rằng Chúa thực sự
sẽ cho người ấy đầy đủ mọi nhu cầu vật chất và Ngài sẽ hành động trong
mọi hoàn cảnh để đem lợi ích lại cho người ấy. Vì vậy mà Phao-lô nói
rằng: Tin kính và thỏa lòng là mối lợi lớn. Người tin kính
thánh thiện đã tìm được điều mà những người tham lam hay ganh tỵ, hoặc
là bất mãn luôn luôn trông mong tìm kiếm, nhưng không bao giờ tìm được.
Người ấy tìm thấy thỏa mãn và an nghỉ trong tâm hồn mình.
Thỏa
lòng trong Kinh Thánh thường liên quan tới của cải hay tiền bạc, nhưng
còn nhiều lĩnh vực khác trong đời sống mà ta cần thỏa mãn nữa.
Sau của cải, nhu cầu có lẽ cần thiết nhất của con người là chỗ đứng trong xã hội hay trong hội thánh của Chúa.
Thứ
ba là thỏa lòng trong hoàn cảnh, tin rằng Chúa an bài tất cả. Như giới
hạn trong thể xác, đau đớn, hàng xóm xấu, hay hoàn cảnh sống gặp thử
thách bách hại. Gặp các hoàn cảnh như thế, con người bình thường phải
lằm bằm than thở, vì sao Chúa thánh thiện mà lại để mình lâm vào hoàn
cảnh như thế.
Cám
dỗ đầu tiên trong lịch sử nhân loại là cám dỗ về bất mãn. Chúa đã cung
cấp cho A-đam và Ê-va tất cả mọi điều, còn hơn nhu cầu của hai người.
Chúa chỉ giữ lại một cây để nghiệm thử sự vâng phục của họ đối với Ngài.
Sa-tan đã dùng ngay cây đó để cám dỗ Ê-va bằng cách gieo ý nghĩ bất mãn
vào đầu óc bà. Nó gợi cho Ê-va thấy rằng Chúa thật sự không tốt đối với
hai người, vì còn ngăn cấm.
Sa-tan
áp dụng đúng chiến thuật đó đối với Chúa Giê-xu trong đồng hoang. Nó
muốn làm cho Chúa bất mãn vì không có lương thực, thèm khát địa vị và
quyền hành trong các nước thế gian.
Ngay
bản thân Sa-tan, căn cứ vào Ê-sai 14:12-15, thì cũng vì bất mãn mà hắn
bị sa ngã, hắn đã không bằng lòng địa vị Chúa ấn định cho hắn trong hàng
thiên sứ:
Hỡi
sao mai, con trai của sáng sớm kia, sao ngươi từ trời sa xuống! Hỡi kẻ
giày đạp các nước kia, ngươi bị chặt xuống đất là thể nào! Ngươi vẫn
bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao
Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. Ta sẽ
lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao. Nhưng ngươi
phải xuống nơi âm phủ, sa vào nơi vực thẳm!
Ta
nên để ý đến các câu chuyện bất mãn này, vì bất mãn là một trong những
tội do Sa-tan đưa đến để chống lại Chúa cũng như chính nó đã làm.
Bằng lòng với của cải
Một
trong những lời khuyên mạnh mẽ của Kinh Thánh là bằng lòng với của cải
mình có. Chúa coi việc thỏa lòng là quan trọng nên đã ra một lệnh cấm
tham lam, ngang với các điều cấm về giết người, trộm cắp và tà dâm.
Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-xu đã dặn kỹ, không thể vừa thờ Chúa lại vừa thờ tiền bạc.
Sau đó trong một lời dạy về việc tranh chấp của cải, Chúa bảo: Hãy giữ cẩn thận đừng tham lam; vì sự sống của người ta không phải cốt tại của cải mình dư dật đâu. Lu ca 12:15. Như thế Chúa có ý muốn ta tránh thái độ bất mãn.
Phao-lô trong lời khuyên Ti-mô-thê còn vạch rõ là phải chạy khỏi việc tham tiền và bất mãn về của cải: Bởi
chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà
bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn. Nhưng, hỡi con, là người của Đức
Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi, mà tìm điều công bình, tôn kính,
đức tin, yêu thương, nhịn nhục, mềm mại. (1 Tim 6:10-11).
Hê-bơ-rơ dạy: Chớ
tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có
phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu. Hê-bơ-rơ 13:5
Trong Kinh Thánh cựu ước có ghi lại nhiều gương xấu tham tiền mà hư hoại cả đời.
Muốn
tránh tham tiền bạc và tính bất mãn về của cải, ta cần học thuộc những
câu Kinh Thánh vừa trích dẫn và suy nghĩ kỹ về các câu này, và cầu xin
Chúa đưa đến những lĩnh vực nào mà ta đang bất mãn, và định ra phải giải
quyết từng bước như thế nào.
Bạn có thể bắt đầu với lời cầu xin ghi trong Thi Thiên 119:36-37: Xin
hãy khiến lòng tôi hướng về chứng cớ Chúa, Chớ đừng hướng về sự tham
lam. Xin xây mắt tôi khỏi xem những vật hư không, Làm tôi được sống
trong các đường lối Chúa.
Sau đây là một vài ý nghĩ có thể giúp ta sống thỏa lòng:
1. Tập trung tầm nhìn vào những giá trị thật của đời sống.
Chúa Giê-xu từng dạy rằng sự sống vĩnh hằng quý hơn tất cả mọi thứ trên đời. Trong Thi Thiên 19 Đa-vít nói rằng: lời Chúa quý hơn vàng. Sa-lô-môn dạy trong Châm Ngôn rằng: khôn ngoan quý hơn châu ngọc. Như thế ta cần lựa chọn những giá trị quý hơn vật chất.
2. Phục vụ Chúa qua việc phục vụ nhân loại là động cơ thúc đẩy Chúa chấp nhận trong công việc mà ta đảm trách trong đời.
Ta
cần tránh tham vọng ích kỷ cá nhân, và thay vào đó là tham vọng làm vừa
lòng Chúa trong mọi việc mình làm. Trong công việc ta làm ta chăm chỉ
và chuyên cần, không phải để được lương to, lợi nhuận nhiều hay gia tăng
mức bán, nhưng cốt sao cho Chúa bằng lòng.
3. Tất cả mọi điều ta có là do từ Chúa ban và kết quả của ân sủng Ngài. Vua Đa-vít ngày xưa đã xác nhận như thế: Hoặc
sự giàu có, hoặc sự vinh quang, đều do Chúa mà đến, và Chúa quản trị
trên muôn vật; quyền năng và thế lực ở nơi tay Chúa; tay Chúa khiến cho
được tôn trọng và ban sức mạnh cho mọi người. 1 Sử Ký 29:12.
Hạ
mình trước Chúa và thỏa lòng đối với của cải là hai đức tính bổ trợ lẫn
nhau. Nếu tôi xác minh rằng tất cả những gì tôi có bây giờ là do Chúa
ban cho và tôi biết ơn Chúa, thì tôi sẽ không còn có cảm nghĩ rằng tôi
đáng phải được nhiều hơn hay là mong được giàu có hơn.
4. Trong sự quan phòng của Chúa, Ngài cho người này nhiều của cải hơn người kia. Trong câu chuyện những người thợ được tuyển vào vườn nho hái nho, người chủ bảo rằng: Ta không có quyền sử dụng tiền của ta theo ý ta muốn hay sao? Hay ngươi ghen tức vì ta rộng lượng? Câu chuyện này cho ta thấy rằng Chúa có quyền ban phát cho ai bao nhiêu tùy ý Ngài, và chúng ta không có quyền chất vấn Ngài.
5. Những người Chúa ban phước cho dư dật tiền của lại có trách nhiệm nặng nề hơn.
Lu-ca 12:48 ghi: Song
đầy tớ không biết ý chủ, mà làm việc đáng phạt, thì bị đòn ít. Vì ai
được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho
nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn.
Phao-lô dạy Ti-mô-thê trong 1 Ti-mô-thê 6:17-18 như sau: Hãy
răn bảo kẻ giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy
nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa
Trời, là được mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng. Hãy
răn bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước đức, kíp ban phát và phân
chia của mình có.
Thỏa lòng thường đến với ta khi ta phân phát những gì mình có cho kẻ thiếu thốn.
Chúa ban ân sủng của Ngài dư dật để chúng ta cảm thấy thỏa lòng trong mọi khía cạnh của đời sống.
Thỏa Lòng với Địa Vị
Mặc
dù đã thắng được khá nhiều trong chiến trận về thỏa lòng với của cải
tiền bạc, một số người tin Chúa vẫn còn thua nhiều trong trận chiến thỏa
lòng với địa vị trong hội thánh của Chúa. Chúng ta muốn mình phải là ưu
tiên, hay ít nhất cũng nổi bật lên, nếu không sẽ ganh tỵ với những
người đã có các chức vụ hay là có thái độ: Tôi chẳng là ai cả. Chúa không sử dụng tôi. Chính vì muốn ngăn ngừa thái độ như thế mà Phao-lô đã viết: Vậy,
nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư
tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường, y theo lượng đức
tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người. Rô-ma 12:3.
Phao-lô
muốn những tín hữu tại Rô-ma nhận thức rằng Chúa đặt mỗi chúng ta như
các chi thể trong thân của Chúa theo ý Ngài muốn. Nhiệm vụ của chúng ta
không phải là quyết định những gì mình muốn trở thành hay muốn làm,
nhưng là tìm xem Chúa muốn mình trở thành người như thế nào và làm gì,
dựa trên căn bản và ân tứ và tài năng Chúa ban cho mình.
Thỏa
lòng không phải là được địa vị hàng đầu, nhưng trung tín làm trọn nhiệm
vụ mà Chúa đã kêu gọi mình làm trong thân thể của Chúa.
Phao-lô dạy: Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta. Không những chúng ta có các ân tứ hay tài năng khác nhau nhưng còn có khả năng khác nhau để sử dụng các ân tứ đó nữa.
Trong
ẩn dụ về các ta-lâng do Chúa kể, một đầy tớ được giao năm ta-lâng,
người khác hai, người thứ ba chỉ có một. Trách nhiệm của mỗi người quân
bình với số ta-lâng được giao. Người có hai ta-lâng làm lợi thêm hai
ta-lâng nữa đã được khen thưởng y như người nhận được năm ta-lâng và làm
lợi ra thêm năm ta-lâng. Người nhận được một ta-lâng, nếu làm lợi được
thêm một ta-lâng nữa thì cũng được khen thưởng không kém hai người kia,
nhưng anh ta đã đem chôn ta-lâng ấy.
Dù
chúng ta có nhiều ân tứ và tài năng hay chỉ có một, tài năng của chúng
ta được đặt vào một địa vị cao hay lúc nào cũng chỉ ở đằng sau kín giấu,
điểm quan trọng là các ân tứ và tài năng ấy đã ban cho chúng ta do ân
sủng của Chúa. Nghĩa là chúng ta không xứng đáng được ban cho tài năng
và ân tứ như thế; chúng ta không chiếm được mà chỉ được ban cho. Tôi
không xứng đáng được ở địa vị trong Hội Thánh Chúa, và nguời giữ chức vụ
cao trong nhà Chúa cũng không xứng đáng được giữ chức vụ đó. Mỗi chúng
ta đang ở địa vị nào là do ân sủng Chúa ban cho cả. Chúa có toàn quyền
đặt để mỗi người vào các chỗ đứng trong nhà Chúa.
Nhận thức này giúp tôi thấy rằng:
1.
Địa vị hay chỗ đứng của tôi trong Hội Thánh không phải do ngẫu nhiên,
do sự ưa thích hay không ưa thích của người khác, nhưng do quyết định
của Cha trên trời đầy khôn ngoan và thương yêu. Chúa có những chương
trình cho tôi để tôi phát triển với hi vọng và tương lai tốt đẹp.
2. Tôi không xứng đáng trong địa vị của tôi. Tuy nhiên dù chỗ đứng dó là gì đi nữa tôi sẽ nói như Phao-lô rằng: Phải,
ân điển đó đã ban cho tôi, là kẻ hèn hơn hết mọi thánh đồ, để rao
truyền cho dân ngoại sự giàu có không dò được của Đấng Christ. Ê-phê-sô 3:8.
3.
Mỗi cơ phận trong thân thể của Chúa đều cần thiết cả và mỗi cơ phận đều
có phần nhiệm khác nhau. Đối với Chúa và đối với thân thể của Chúa, tôi
rất quan trọng.
Khi tôi ý thức và nhận ra các điều này, không những tôi thỏa lòng, mà còn phấn khởi nữa. Phao-lô dạy rằng: Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được
dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời
đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo. Ê-phê-sô 2:10. Khi
nào ta nhận chỗ làm việc của mình trong nhà Chúa và cố gắng làm cho thật
tốt thì sẽ thấy thỏa lòng vì đó là cuộc đời phù hợp với mục đích của
Chúa.
Cảm Tạ
“Hãy
cảm tạ mà vào các cửa Ngài, Hãy ngợi khen mà vào hành lang Ngài. Khá
cảm tạ Ngài, chúc tụng danh của Ngài. Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự
nhơn từ Ngài hằng có mãi mãi, Và sự thành tín Ngài còn đến đời đời.”
Thi Thiên 100: 4,5
Một số các đức tính của người tin Chúa như thánh khiết, yêu thương và
thành tín là những thánh tính vì chúng phản ánh bản chất của Đức Chúa
Trời. Hay những tính tình giống như Chúa. Các đức tính khác gọi là thánh
tính vì công nhận và tôn cao bản chất của Chúa. Có những phẩm tính tập
trung vào Chúa để giúp chúng ta sùng kính Chúa. Như là hạ mình, thỏa
lòng và biết ơn hay cảm tạ. Trong đức tính hạ mình, chúng ta xác nhận
đức oai nghi của Chúa, trong đức tính thỏa lòng, chúng ta công nhận ân
sủng của Ngài, và trong đức tính biết ơn hay cảm tạ, chúng ta cảm kích
lòng tốt của Chúa.
Biết ơn Chúa là công nhận rằng Chúa trong đức thiện lành và thành tín
của Ngài đã cung ứng cho chúng ta mọi thứ và săn sóc chúng ta về cả thể
chất lẫn tâm linh. Như thế cũng có nghĩa là công nhận rằng mình hoàn
toàn phụ thuộc vào Chúa, vì tất cả chúng ta và những gì mình có đều đến
từ Chúa cả.
Tôn kính Chúa
Không cảm tạ Chúa là một tội rất nặng. Khi kể lại cuộc sống sa đọa của nhân loại trong Rô-ma 1, Phao-lô viết: Vì
họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa
Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không,
và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. Rô-ma 1:21. Tôn vinh Chúa là
công nhận oai quyền và vinh quang của Ngài. Cảm tạ Chúa là công nhận
rằng tay Chúa rất rộng rãi trong việc cung ứng nhu cầu và săn sóc cho
đời sống mỗi chúng ta. Khi nhân loại vì kiêu ngạo, không còn nể vì Chúa
và cảm tạ Ngài, Chúa đã phó mặc họ trong vô luân thường đạo lý và tội
ác. Chúa đoán phạt vì con người không tôn kính và cảm tạ Chúa. Nếu không
cảm tạ được kể là một tội nặng, thì ta cần phải vun xới một tinh thần
cảm tạ Chúa dầm thấm trong trọn đời chúng ta.
Trong Lu-ca 17:11-19 ghi câu chuyện về 10 người phung cùi được Chúa
chữa lành cả, nhưng chỉ có một người quay lại cảm tạ Chúa Giê-xu mà
thôi.
Câu chuyện đó như sau: Đức
Chúa Jêsus đương lên thành Giê-ru-sa-lem, trải qua bờ cõi xứ Sa-ma-ri
và Ga-li-lê. Nhằm khi vào làng kia, có mười người phung đến đón rước
Ngài, đứng đằng xa, lên tiếng rằng: Lạy Jêsus, lạy Thầy, xin thương xót
chúng tôi cùng! Khi Ngài thấy họ liền phán rằng: Hãy đi, tỏ mình cùng
thầy tế lễ. Họ đương đi thì phung lành hết thảy. Có một người trong bọn
họ thấy mình đã được sạch, bèn trở lại, lớn tiếng khen ngợi Đức Chúa
Trời; lại đến sấp mặt xuống đất, nơi chơn Đức Chúa Jêsus, mà tạ ơn
Ngài. Vả, người đó là người Sa-ma-ri. Đức Chúa Jêsus bèn cất tiếng phán
rằng: Không phải mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở
đâu? Chỉ có người ngoại quốc nầy trở lại ngợi khen Đức Chúa Trời ư! Ngài lại phán rằng: Đứng dậy đi; đức tin ngươi đã cứu ngươi.
Nhiều khi chúng ta cũng cư xử như chín người phung cùi kia. Chúng ta
rất háo hức muốn nhận, nhưng lại rất thờ ơ cảm tạ. Chúng ta cầu xin Chúa
can thiệp vào đời sống mình, nhưng đên khi có kết quả, chỉ chúc mừng
nhau hơn là cảm tạ Chúa. Khi một trong những chuyến du hành lên mặt
trăng của Hoa-kỳ cách đây ít lâu gặp trục trặc, nhân dân Mỹ được kêu gọi
cầu nguyện cho các nhà phi hành về trái đất an toàn. Tuy nhiên khi họ
về được mặt đất, người ta khen ngợi thành công của kỹ thuật và kỹ nghê
không gian của Hoa-kỳ. Không có một lời cảm tạ nào dâng lên Chúa cả. Đây
không phải là chuyện lạ lùng gì, vì đó là khuynh hướng tự nhiên của
nhân loại.
Câu chuyện mười người phung được chữa lành không những cho thấy bản
tính của con người, nhưng còn dạy chúng ta về Chúa nữa. Cảm tạ Chúa về
phước hạnh ta nhận được rất là quan trọng đối với Chúa. Chúa Giê-xu
hỏi: Không phải cả mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu?
Chúa Giê-xu rất quan tâm về việc chỉ có một người trở lại cảm ơn. Ngày
nay Chúa cũng rất quan tâm khi chúng ta không cảm tạ về những chuyện
thông thường cũng như những phước hạnh bất thường từ tay Chúa ban xuống
cho ta mỗi ngày.
Ngay cả các thiên sứ đứng chầu quanh ngôi Chúa cũng cảm tạ Ngài. Khải
Huyền 4:9 nói về việc các thiên sứ tôn vinh, ca ngợi và cảm tạ Chúa là
Đấng ngồi trên ngôi và sống mãi mãi. Chúa đã tạo dựng thiên sứ và con
người để tôn vinh và cảm tạ Ngài. Khi chúng ta không cảm tạ, chúng ta đã
không làm trọn mục đích Chúa tạo ra chúng ta.
Trong Kinh Thánh cảm tạ đuợc dạy vừa bằng giáo huấn lại vừa bằng gương sáng.
Trong 1 Sử Ký, người tộc Lê-vi tham dự vào việc thờ phượng trong đền
thờ phải đứng mỗi buổi sáng cảm tạ và ca ngợi Chúa. Thi Thiên có đến 35
lần nói về việc cảm tạ Chúa. Mười tám lần trong các thư tín, Phao-lô tỏ
bày lòng cảm tạ Chúa, và mười lần khác ông khuyên dạy người đọc phải cảm
tạ. Nói chung, có khoảng 140 lần trong Kinh Thánh dạy về việc cảm tạ
Chúa. Cảm tạ như thế không phải là một nguyên tắc nhỏ đối với Chúa.
Trong việc thực hành nếp sống tin kính thánh thiện thì cảm tạ vô cùng
cần thiết.
Một việc xảy ra trong đời Đa-ni-ên chứng tỏ việc cảm tạ Chúa đối với
ông rất quan trọng. Đó là khi Đa-ni-ên bị kẻ thù tìm cách hãm hại, xui
vua Đa-ri-út ra chỉ dụ cấm không được thờ phượng ai ngoài bản thân vua
trong suốt ba mươi ngày, trái lệnh sẽ bị đưa vào hang sư tử. Đa-ni-ên
sau khi nhìn thấy chỉ dụ, đã về nhà, mỗi ngày ba lần mở cửa sổ hướng về
Giê-ru-sa-lem cầu nguyện, cảm tạ Chúa đúng như thường lệ. Dĩ nhiên là
Đa-ni-ên cầu nguyên xin Chúa giải cứu, nhưng ông đặt nặng vấn đề cảm tạ
Chúa.
Phao-lô thường dạy là cầu nguyện phải đi đôi với cảm tạ:
Phi-líp 4:6 Chớ
lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin,
và sự tạ ơn và trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.
Cô-lô-se 2:6,7 Anh
em đã nhận Đức Chúa Jêsus Christ thể nào, thì hãy bước đi trong Ngài
thể ấy; hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức tin làm cho bền
vững, tùy theo anh em đã được dạy dỗ, và hãy dư dật trong sự cảm tạ.
Các mục đích của Cảm Tạ
Mục đích tiên khởi của việc cảm tạ Chúa là xác nhận đức thiện lành của Ngài và tôn kính Ngài. Thi Thiên 50:23 dạy: Kẻ
nào dâng sự cảm tạ làm của lễ, tôn vinh ta; Còn người nào đi theo đường
ngay thẳng, Ta sẽ cho thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Thi Thiên 106:1,2 cũng ghi: Ha-lê-lu-gia! Hãy ngợi khen Đức
Giê-hô-va, vì Ngài là thiện; Sự nhơn từ Ngài còn đến đời đời. Ai có thể
thuật các công việc quyền năng của Đức Giê-hô-va, Truyền ra hết sự ngợi
khen của Ngài?
Ma-thi-ơ 5:45 ghi: Bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.
Là những nguời được Chúa cứu chuộc, chúng ta càng phải dâng lời cảm tạ Chúa nhiều hơn. Ê-phê-sô 1:3 dạy: Ngợi
khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống
phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các
nơi trên trời,
Cảm tạ không những suy tôn ca ngợi Chúa nhưng còn giúp ta khiêm nhường
hạ mình nữa. Con người thường có khuynh hướng nhận lấy những vinh dự mà
đúng ra thuộc về Chúa. Trong vài trường hợp Chúa đã cảnh cáo dân Chúa
về thái độ này:
Phục Truyền 8:11-14 Ngươi
khá cẩn thận, e quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, không giữ gìn những
điều răn, mạng lịnh và luật lệ của Ngài, mà ngày nay ta truyền cho
ngươi chăng; lại
e sau khi đã ăn no nê, cất nhà tốt đặng ở, thấy bò chiên của mình thêm
nhiều lên, bạc, vàng, và mọi tài sản mình dư dật rồi, thì bấy giờ lòng
ngươi tự cao, quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng đã đem ngươi
ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức khỏi nhà nô lệ chăng.
Phao-lô luôn luôn tạ ơn Chúa vê những tiến bộ tâm linh của các hội
thánh do ông chăm sóc. Không bao giờ ông cho đó là công lao của mình.
Cảm tạ cũng làm đức tin của ta được phấn khích. Thi Thiên 50:14,15 dạy: Hãy
dâng sự cảm tạ làm của lễ cho Đức Chúa Trời, Và trả sự hứa nguyện ngươi
cho Đấng Chí cao; Trong ngày gian truân hãy kêu cầu cùng ta: Ta sẽ
giải cứu ngươi, và ngươi sẽ ngợi khen ta.
Ân huệ của Chúa khuyến khích ta tin rằng Chúa sẽ ban ân huệ cần thiết cho mình. Phao-lô cũng dạy trong Phi-lip 4:6-7: Chớ
lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin,
và sự tạ ơn và trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình
an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý
tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Nghĩa là tạ ơn giúp ta tin Chúa nhiều hơn và lại càng có dịp cảm tạ Chúa thêm nữa.
Cảm tạ còn giúp ta thỏa lòng nữa. Khi ta gặp những việc rất bất mãn
trong đời, nếu bỗng nhớ đến các ân huệ của Chúa và dâng lời cảm tạ, ta
sẽ thấy thỏa mãn ngay. Lý do là khi ta cảm tạ Chúa túc là ta công nhận
quyền tể trị của Ngài, và như thế ta có lý do dể bằng lòng với mọi việc
xảy ra, vì do Chúa đưa đến.
Khơi dậy một tâm hồn biết cảm tạ
Nền tảng cho thái độ cảm tạ là một cuộc đời tương giao mật thiết với
Chúa. Khi ta sống trong Chúa Giê-xu, khi ta thấy quyền năng Chúa hành
động trong chúng ta và qua chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Chúa trong
lúc khó khăn và nhận được sự tiếp cứu, đáp ứng của ta chắc chắn phải là
cảm tạ. Cũng như các đức tính khác, cảm tạ là kết quả của việc làm của
Thánh Linh trong đời sống chúng ta. Ngài ban cho tinh thần cảm tạ, nhưng
việc này thực hiện qua mối tương giao của chúng ta với Chúa Giê-xu.
Tuy nhiên, mặc dù thái độ cảm tạ là công việc của Thánh Linh, nó phải
là kết quả của nỗ lực cá nhân chúng ta nữa. Chúng ta phải vun xới thói
quen luôn luôn cảm tạ về mọi sự việc. Một cách chúng ta có thể làm được
việc này là thêm vào lời cảm tạ trước bữa ăn những lời tạ ơn về các
việc khác nữa. Một cách khác nữa là bắt đầu và chấm dứt một ngày bằng
lời cảm tạ. Thi Thiên 92:1,2 ghi: Hỡi Đấng Chí cao, lấy làm tốt mà ngợi
khen Đức Giê-hô-va, Và ca tụng danh của Ngài; Buổi sáng tỏ ra sự nhơn từ
Chúa, Và ban đêm truyền ra sự thành tín của Ngài,
Mỗi buổi sáng ta thức dậy ta cảm tạ Chúa về tình thương của Ngài bảo
đảm cho chúng ta bước vào một ngày mới. Khi ta đi ngủ, ta cảm tạ Chúa về
những điều chứng tỏ đức thành tín của Ngài suốt trong ngày.
Một cách thực tế nữa là viết ra các lời cầu xin, rồi ghi lại những đáp
ứng của Chúa. Mỗi tuần xem lại các điều Chúa đã trả lời và dâng lời cảm
tạ.
Ngoài ra ta có thể thường xuyên cảm tạ về các điều sau đây:
* Việc Chúa cứu vớt ta.
* Dịp tiện cho ta trưởng thành tâm linh
* Việc có Kinh Thánh để đọc
* Lời dạy và mối thông công trong Hội Thánh
* Những sách bồi bổ tâm linh
* Dịp tiện phục vụ Chúa và đồng bào
* Cha mẹ, vợ chồng, con cái
* Sức khỏe trong gia đình
* Nhu cầu vật chất được cung ứng
Còn nhiều điều khác nữa ta có thể thêm vào danh sách này. Ta nên lập
một danh sách tương tự và giữ làm đề mục cảm tạ. Ta có thể dành ra một
thời giờ chỉ để cảm tạ Chúa về những điều đã liệt kê ra.
Ta nên học thuộc các câu Kinh Thánh dạy về cảm tạ, và có thể nhắc lại
các câu đó trong khi cảm tạ, và xin Chúa cho mình có thái độ cảm tạ xứng
hợp.
Niềm Vui
Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy.
Rô-ma 14:17
Đôi
khi người tin Chúa nghĩ rằng hễ có công nghĩa và bình an là đủ rồi, và
ít khi quan tâm đến niềm vui, như trong câu Kinh Thánh trên đây. Thiếu
niềm vui không thể nào gọi là nước Đức Chúa Trời được.
Sự thực là, chỉ có người tin Chúa có lý do để vui, và mỗi người tin Chúa cũng phải tràn đầy niềm vui.
Niềm vui của người tin Chúa vừa là một đặc ân, lại vừa là một bổn phận. Chúa Giê-xu dạy: Ta đã đến cho chiên được sống và sống dư dật. Giăng 10:10. Sống dư dật đây là sống trong niềm vui thật.
Ngay trong đêm trước ngày bị hành quyết, Chúa Giê-xu đã đề cập đến
việc Chúa ao ước các môn đệ của Ngài có niềm vui hai lần. Chúa đã làm đủ
cách để chúng ta có niềm vui trọn vẹn.
Nhưng không phải chúng ta cứ ngồi trông chờ hoàn cảnh làm cho chúng ta vui. Chúng ta được truyền lệnh là phải Vui mừng trong Chúa luôn luôn ( Phi-líp 4:4) và Vui mừng mãi mãi
(1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16). Phao-lô nhắc lại lệnh này nhiều lần. Cũng như
các thánh tính khác, đây không phải là điều muốn có hay không cũng được,
nhưng người tin Chúa phải có quả trái là niềm vui toàn vẹn.
Có niềm vui chưa đủ, phải lớn lên trong niềm vui nữa. Một người tự
xưng là con của Thượng Đế toàn năng, Đấng sáng tạo vũ trụ và đem lại
phúc lợi cho loài người, thế mà lúc nào cũng có vẻ mặt u sầu thì thật là
mâu thuẫn. Nhưng nếu chân thành, ta phải nhận rằng đời sống không phải
cũng vui vẻ cả đâu. Cuộc đời còn nhiều mối lo lắng, xung khắc và căng
thẳng nữa, ta sẽ nói về những trở ngại của niềm vui đó.
Những trở ngại của niềm vui
Một trong những trở ngại cho niềm vui của ta là tội trong đời ta hay là thái độ tội lỗi trong tâm hồn ta. Niềm
vui chính của người tin Chúa bắt nguồn từ mối tương giao với Chúa. Tội
thường làm gián đọan mối thông công tương giao của ta với Chúa và niềm
vui có hiện diện của Ngài. Khi Đa-vít xưng tội gian dâm với Bát-sê-ba,
ông cầu nguyện: Xin ban lại cho tôi sự vui vẻ về sự cứu rỗi của Chúa, dùng thần linh sẵn sàng mà nâng đỡ tôi. Thi Thiên 51:12.
Thi Thiên 32:3-4 mô tả Đa-vít mất niềm vui khi ông bị tội lỗi làm cho
khổ sở. Khi nào chúng ta không kinh nghiệm được niềm vui, nên tra xét
lại tâm hồn và đời sống mình xem có tội lỗi nào không. Xem thử ta có làm
điều gì không vừa lòng Chúa và cần phải xưng nhận chăng? Hoặc là đôi
khi chúng ta giữ lại một thái độ tội lỗi, như ganh tỵ, ghen ghét, chỉ
trích hoặc là không tha thứ chăng? Quả (trái) vui mừng sẽ không xuất
hiện được khi nào các thái độ ấy quản trị trong tâm hồn ta. Bất cứ tội
lỗi nào, dù trong thái độ hay hành động đều phải giải quyết, nếu không
niềm vui sẽ không bao giờ có mặt trong đời ta được.
Một trở ngại khác nữa là niềm tin cậy đặt sai chỗ. Phao-lô vừa dạy: Hãy vui mừng trong Chúa, ông căn dặn thêm Không để lòng trông cậy trong xác thịt bao giờ
(Phi-líp 3:1,3c). Đây là nói về công việc thiện lành hay các thành đạt
về tôn giáo. Đối với người thời Phao-lô là chủ thuyết vị luật lệ tôn
giáo của người Do-thái-giáo. Đối với chúng ta ngày nay thì có thể là
các kỷ luật cá nhân như giờ tĩnh tâm, chương trình học thuộc lòng Kinh
Thánh hoặc là trung tín làm chứng đạo. Nghĩa là bât cứ điêu gì chúng ta
chú trọng vào và coi là cao quý hơn Chúa Giê-xu và ân sủng của Ngài, thì
đó là một trở ngại cho niêm vui thật. Một học giả nói rằng: Ngay cả thành công trong công việc phục vụ Chúa cũng trở thành cây sậy gãy, nếu ta dựa vào đó cho được an toàn.
Khi Chúa sai phái 70 môn đệ đi truyền giáo, họ trở về hân hoan khoe rằng: Lạy Chúa, ngay đến quỷ cũng phục chúng tôi khi nhân danh Chúa. Chúa Giê-xu đáp: Dù vậy đừng vui vì quỷ phục các ngươi, nhưng hãy hân hoan vì tên các ngươi đã được ghi chép trên trời.
(Lu-ca 10:17-20). Chúa không phê bình về niềm vui trong công vụ, nhưng
cảnh cáo về thái độ vui trong thành công của công vụ. Thành công trong
công vụ đến rồi đi, nhưng tên chúng ta vẫn được ghi lại trên trời đời
đời. Hoàn cảnh trong đời lên xuống, nhưng đảm bảo về việc ở với Chúa một
ngày nào đó là chuyện không thay đổi được. Niềm vui như vậy phải được
đặt cho đúng chỗ. Nghĩa là niềm vui đời đời chứ không phải tạm bợ căn cứ
vào thành bại trong đời.
Một trở ngại thứ ba cho niềm vui là sự sửa phạt hay biện pháp kỷ luật của Chúa dành cho con cái Ngài. Hê-bơ-rơ 12:11 ghi: Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một
cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái
công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy. Sửa
phạt không bao giờ là một kinh nghiệm vui được, vì nếu thế sẽ không đạt
được mục tiêu. Nếu ta không để ý đến mục tiêu, hay cảm thấy mình không
đáng bị trách phạt, thì việc sửa phạt sẽ đưa đến chỗ tủi thân.
Bí quyết duy trì niềm vui giữa cơn bị sửa phạt là phải nhớ rằng: Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu và về sau sinh ra bông trái công bình và bình an cho những nguời đã chịu rèn tập như thế. (Hê-bơ-rơ 12:6 và 11).
Thử thách đức tin là trở ngại thứ tư cho niềm vui. Thử
thách khác hẳn với sửa phạt, vì thử thách đức tin là để rèn luyện chứ
không phải đối xử với tội lỗi. Trong khôn ngoan vô tận, Đức Chúa Trời
cho phép những thử thách xẩy ra để phát triển tính kiên trì trong chúng
ta khiến chúng ta tập trung toàn thể hi vọng vào vinh quang sẽ thể hiện.
Thử thách có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, các vấn đề về sức
khỏe, khó khăn về tài chính, phê bình chỉ trích, chống đối khước từ và
ngay cả bách hại nữa, đều là thử thách. Dù dưới hình thức nào, và cường
độ ra sao, cũng chỉ có mục đích là làm sức mạnh của chúng ta tiến triển
hơn. Thường trong các chỗ luyện tập thể dục, người ta treo một câu
khuyến khích kiên nhẫn như: “Không đau, không lợi” hay tiếng Anh là “No
Pain, No Gain”. Đối với những người tập cử tạ thì mỗi lần bước vào
cửa, mấy chữ này dường như giúp họ nhiều hơn. Vì muốn cử được tạ nặng
hơn và làm cho cơ bắp săn hơn, tròn hơn. Trong đức tin cũng thế, Tin và
kiên trì chỉ có thể tăng trưởng khi có đau đớn và thử thách.
Thông thường chúng ta có phản ứng đối với thử thách cũng như ông Gióp.
Lúc mới bị thử thách, ông phản ứng bằng một câu nói rất tích cực, đó
là: Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va! Nhưng sau những cuộc đàm thoại với bè bạn, và thời gian trôi qua, Gióp mòn mỏi dần, trong chương 34:9, ông nói: Chẳng ích lợi chi cho loài người tìm kiếm điều vui thích mình nơi Đức Chúa Trời. Nhưng
dù đức tin của Gióp nao sờn, thành tín của Chúa vẫn không thay đổi.
Ngài vẫn ở với Gióp cho đến khi ông học được bài học về tính vĩ đại và
chủ tể của Chúa, lúc đó Chúa ban lại cho ông nhiều gấp hai lần khi
trước.
Đức thành tín của Chúa phải là mối an ủi cho chúng ta trong các hoàn cảnh thử thách. Ca thương 3:32 ghi: Dầu Ngài đã làm cho lo buồn, còn sẽ thương xót theo sự dư dật của lòng nhơn từ Ngài.
Những bước đi lên
Trước khi nói đến những bước thực tế để tạo nên một tinh thần vui vẻ
lạc quan, chúng ta cần nhớ rằng niềm vui hay vui mừng là một quả trái
của Thánh Linh, hiệu quả của công việc Thánh Linh trong tâm hồn ta.
Phao-lô dạy trong Rô-ma 15:13 rằng: Vậy
xin Đức Chúa Trời của sự trông cậy, làm cho anh em đầy dẫy mọi điều vui
vẻ và mọi điều bình an trong đức tin, hầu cho anh em nhờ quyền phép Đức
Thánh Linh được dư dật sự trông cậy!
Như vậy, nhờ Thánh Linh mà ta kinh nghiệm được niềm vui cứu rỗi và có thể vui ngay trong cơn thử thách.
Thánh Linh dùng lời của Ngài tạo ra niềm vui trong lòng chúng ta.
Rô-ma 15 cho thấy quan hệ giữa Chúa và lời của Ngài. Câu bốn nói về sự
chịu đựng và phấn khích từ lời Kinh Thánh, câu 5 nói rằng Chúa cung ứng
sức chịu đựng và cho niềm phấn khởi. Điều này không có gì lạ vì Chúa là
nguồn, Kinh Thánh là phương tiện. Đối với niềm vui cũng vậy. Câu 13 nói
về Chúa của hi vọng làm cho niềm vui và an bình tràn đây trong chúng ta
khi chúng ta hết lòng tin cậy Ngài. Làm thế nào chúng ta có thể mong
ước Chúa cho niềm vui và hi vọng? Câu trả lời hợp lý nhất là nhờ lời
Kinh Thánh.
Khi tôi kinh nghiệm thử thách, tôi nhớ lời Chúa trong thư Hê-bơ-rơ 12: 6: Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt.
Tôi sẽ không còn chán nản, nhưng được an ủi và niềm vui được tái tạo.
Khi tôi kinh nghiệm một thử thách khác khá nặng nề, tôi nhận được lời
Chúa trong Thi Thiên 50:15 như sau: Trong ngày gian truân hãy kêu cầu cùng ta: Ta sẽ giải cứu ngươi, và ngươi sẽ ngợi khen ta. Khi ta gặp tương lai đen tối rất khó vui trong Chúa, hãy nhớ Giê-rê-mi 29:11: Đức
Giê-hô-va phán: Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý
tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy
trong lúc cuối cùng của mình.
Trên đây là những lời Thánh Linh dùng để khuyến giục niềm vui trong
ta. Muốn hưởng được việc sử dụng Kinh Thánh này, ta cần đặt để những câu
đó trong tâm linh mình thường xuyên, và chiêm nghiệm, suy gẫm. Đây là
nhiệm vụ của chúng ta để cho niềm vui có thể duy trì.
Nhưng chúng ta vừa có trách nhiệm lại vừa phải hết lòng nương cậy vào
Chúa. Những lời Kinh Thánh này không phải lúc nào cũng hữu hiệu, vì có
những lúc hoàn cảnh quá gay gắt, không lời nào khuyên giải ta được,
những lúc đó ta cần hết lòng nương cậy Chúa, vì biết rằng Chúa thấu hiểu
tất cả và Ngài không bất lực bao giờ.
Ta cũng cần nhớ rằng, mục đích của vui tươi không phải là tạo nên một
cảm nghĩ dễ chịu thoải mái trong ta. Mục đích là tôn vinh Chúa bằng cách
minh chứng cho thế giới vô đạo rằng Cha thương yêu và thành tín trên
trời chăm sóc ta và cung ứng mọi nhu cầu cho ta.
Sau đây là một số những bước thực tế làm cho niềm vui xuất hiện trong đời ta:
1. Xưng nhận và từ bỏ tội.
Sự tha thứ của Chúa luôn luôn là điều kỳ diệu. Thay vì tiếp tục phạm
tội, nếu ta xưng tội thì Chúa thành tín tha thứ tất cả. Chúa tái tạo ta
trong tương quan giữa ta với Ngài và từ đó niềm vui xuất hiện. Không ai
mắc tội trước mặt Chúa mà lòng vui tươi được.
2. Hết lòng tin cậy Chúa.
Rô-ma 15:13 nói về việc Chúa làm cho niềm vui và an bình ngập tràn
trong lòng chúng ta. Đây là điều chắc chắn phải hết lòng tin. Bao nhiêu
lời hứa trong Kinh Thánh không khác gì hơn là giao ước Chúa đã lập với
dân Ngài về đức thành tín. Thành tín là đức tính làm cho các lời hứa có
giá trị. Khi một người đọc lời Chúa trong lúc khó khăn thử thách, người
ấy có thể không thấy tác dụng nào, nhưng khi bằng lòng quay lại tin cậy
đức thành tín của Chúa thì phép lạ xẩy ra.
3. Hãy có cái nhìn xa tận cuối cùng của đời sống.
Kinh Thánh nhiều lần nhắc rằng, điểm hội tụ của niềm vui phải tập
trung ở hi vọng về cơ nghiệp vĩnh hằng đang chò đợi ta trong Chúa Giê-xu
và sự hiển lộ vinh quang sau cùng của Ngài. Khi có cái nhìn xa như vậy
là ta có niềm vui, vì tên chúng ta đã được ghi chép trên trời. Có cái
nhìn thật xa cũng là noi gương Chúa Giê-xu, vì Hê-bơ-rơ 12:2 dạy: Nhìn
xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì
sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ
nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời.
4. Cảm tạ trong mọi hoàn cảnh.
Các hoàn cảnh này gồm hoàn cảnh dễ chịu cũng như khó khăn. Đây không
phải là cảm tạ về hoàn cảnh, nhưng cảm tạ trong hoàn cảnh. Dù vui hay
buồn, xấu hay tốt. Cảm tạ vì Chúa vẫn hành động trong mọi hoàn cảnh.
Cảm tạ vì Chúa đã giải cứu trong hoàn cảnh trước đây. Cảm tạ Chúa về
hoàn cảnh hiện tại, vì Chúa không để cho quá sức chịu đựng, và ơn Chúa
cho có thể chịu nổi.
Quả trái của niềm vui
1.
Một trong những kết quả của việc kinh nghiệm niềm vui là Chúa bằng
lòng.( Rô-ma 14:17-18). Nếu Chúa Giê-xu đến cho chúng ta niềm vui (sống
dư dật), nếu Thánh Linh làm việc trong chúng ta để phát sinh niềm vui,
thì khi ta sống không vui là phản lại mục đích của Chúa cho cuộc đời
chúng ta. Dĩ nhiên là có người bẩm sinh vui tính hơn người khác, nhưng
mỗi người tin Chúa cần thể hiện tất cả đức tính của mình một cách quân
bình, dù tính tình có vui hay buồn. Chúng ta cần trông nhìn lên Chúa và
áp dụng tất cả những phương tiện Ngài đã ban cho chúng ta để chúng ta
được vui trong Chúa luôn luôn.
2.
Kết quả thứ hai của niềm vui là được tăng cường về thể chất, tình cảm
và tâm linh. Nê-hê-mi nói với những người từ cuộc lưu đày hồi hương
rằng: Chớ buồn thảm, vì sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi. Nê-hê-mi 8:10.
Như vậy, lựa chọn thuộc về chúng ta, ta có thể trở thành một người tín
đồ vui tươi hay một người tin Chúa mà buồn thảm. Chúng ta có thể sống
cuộc đời chán nản, buồn phiền, hay mừng vui trong Chúa, vì tên đã được
Chúa ghi nhận trên trời và đây hi vọng về cuộc đời trong vĩnh hằng.
Nhưng ta cũng cần nhớ rằng mình vừa có bổn phận, lại vừa có đặc ân được
vui tươi. Sống buồn thảm là làm nhục cho Chúa và chối từ tình thương của
Ngài cũng như sự quan phòng của Chúa trên đời mình. Có niềm vui là
kinh nghiệm quyền năng của Thánh Linh trong ta và như tuyên bố với toàn
thế giới rằng: Chúa ta vẫn tể trị
Niềm vui là một quả trái của Thánh Linh. Đó là một kết quả công việc
của Ngài, nhưng cũng là một việc mà chúng ta phải thực hiện. Chúng ta
nhờ quyền năng của Chúa mà phải có niềm vui.
Amen!