Kinh Thánh dành rất nhiều câu để dạy con dân Ngài về cách dùng môi miệng và lời nói của mình thế nào hầu cho đời sống được phước hạnh.
Người Nữ Với Lời Nói
Kinh Thánh dành rất nhiều câu để dạy con dân Ngài về cách dùng môi miệng và lời nói của mình thế nào hầu cho đời sống được phước hạnh.
Chúa sinh ra ta ai cũng có miệng để ăn và để nói cả. Ngoài chức năng ăn để nuôi dưỡng thân thể ra, miệng còn dùng để nói năng, giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày.
Nói thì ai mà không nói được, chỉ trừ những người bị câm mà thôi. Thế nhưng nói như thế nào, nói làm sao để chính mình được phước và người khác được khích lệ, nâng đỡ, thì đó là một điều mà mỗi chúng ta nên suy nghĩ, nhất là những chị em phụ nữ là những người hay bị người ta nghĩ là nói nhiều và ít suy nghĩ khi nói.
Cách tốt nhất để chúng ta biết sử dụng lời nói được tốt đẹp và ích lợi là suy gẫm và làm theo lời Kinh Thánh đã dạy ta về lời nói. Châm ngôn là một sách dạy con dân Ngài về cách nói năng nhiều hơn hết các sách khác. Nếu quý chị em chịu dành thì giờ để đọc sách Châm ngôn và suy nghĩ, học tập làm theo những sự dạy dỗ đó, chắc chắn, Chúa sẽ ban cho quý chị em có một môi miệng thật tuyệt vời với những lời đẹp đẽ, có ích vô cùng.
Châm ngôn 10: 19 là một câu rất hay, dạy mỗi chúng ta nên ít lời và biết cầm giữ môi miệng của mình, vì đó là một người khôn ngoan: “Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu. Nhưng ai cầm giữ miệng mình là người khôn ngoan.”. Châm ngôn 15: 1 dạy ta cách dùng lời nói để làm nguôi cơn giận của người khác, ấy là nói lời nhẹ nhàng, êm dịu: “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận. Còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm.” Rất nhiều khi quý chị em chúng ta nói lung tung, không đúng lúc, đúng chỗ, gây ra nhiều phiền toái cho người khác. Ngược lại, nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm sẽ đem lại sự vui vẻ, tốt đẹp cho người nghe thật nhiều: “Miệng hay đáp giỏi khiến người vui vẻ. Và lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao!” (Châm ngôn 15: 23). Chúng ta dễ buông ra những lời dữ và có ác ý, và khi chúng ta làm như thế là trước hết, chúng ta đang tự làm dơ môi miệng và chính tấm lòng của mình (hàm huyết phún nhơn, tiên ô tự khẩu). Châm ngôn 16: 24 dạy ta: “Lời lành giống như tàng ong, ngon ngọt cho tâm hồn, và khỏe mạnh cho xương cốt.” Khi nói lời lành, tâm hồn ta sẽ tươi tỉnh và khoẻ mạnh. Quý chị em thường hay bị người ta xem là những người hay ngồi lê đôi mách, không kín miệng, nên khi có chuyện gì thì “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay ” mất rồi. Những người như thế sẽ khó được người ta tin cẩn mà dùng vào việc gì, bởi đó không phải là hạng người đáng tin cậy. Cần khắc phục điều đó, vì Châm ngôn lên án hạng người như vậy: “Kẻ đi thèo lẻo tỏ ra đều kín đáo. Còn ai có lòng trung tín giữ kín công việc.” (Châm ngôn 11: 13), “Kẻ nào đi thèo lẻo bày tỏ đều kín đáo. Vậy, chớ giao thông với kẻ hay hở môi quá.” (Châm ngôn 20: 19). Người ta sợ súng đạn ít hơn là sợ một người phụ nữ hay tranh cạnh, gây gổ, sinh sự. Bởi vậy, cho nên, người ta thà là ở một nơi xó góc nhà hay là ở nơi sa mạc hoang vắng còn hơn là chung sống với một người nữ như thế: “Thà ở nơi xó góc nhà, hơn là ở chung nhà với một người đàn bà hay tranh cạnh.” (Châm ngôn 21: 9), “Thà ở nơi vắng vẻ, hơn là ở với một một người đàn bà hay tranh cạnh và nóng giận.” (Châm ngôn 21: 19), “Thà ở một góc trên mái nhà, hơn là ở chung nhà với người đàn bà hay tranh cạnh.” (Châm ngôn 25: 24), “Một máng xối giột luôn luôn trong ngày mưa lớn, và một người đàn bà hay tranh cạnh, cả hai đều y như nhau.” (Châm ngôn 27: 15).
Sách Châm ngôn dành đến 4 câu để lưu ý người khác phải tránh xa một người nữ hay tranh cạnh, hẳn đó là điều mà mỗi chị em chúng ta nên cẩn thận giữ mình để không bao giờ trở thành một người nữ bị người khác xa lánh. Một hạng người nữa mà Châm ngôn cảnh báo cho chúng ta đừng trở thành một con người như vậy, đó là hạng người hấp tấp, bộp chộp trong lời nói của mình, tức nói mà chẳng chịu suy nghĩ trước, cứ nói càng, nói bậy, nói lung tung. Hạng người như vậy tệ hơn cả một người ngu muội nữa đó quý chị em: “Con có thấy kẻ hốp tốp trong lời nói mình chăng? Một kẻ ngu muội còn có sự trông cậy hơn hắn.” (Châm ngôn 29: 20).
Lời nói ra, tưởng bình thường, nhưng xem ra rất là quan trọng, quan trọng đến nổi có quyền đến sự sống sự chết của con người chúng ta: “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi.” (Châm ngôn 18: 21). Vậy, tất cả mọi người, nhất là quý chị em phụ nữ chúng ta hãy nhờ ơn và sức của Chúa mà giữ lấy môi miệng của mình, vì giữ lấy môi miệng của mình chính là giữ lấy linh hồn của mình vậy: “Ai giữ lấy miệng và lưỡi mình. Giữ linh hồn mình khỏi hoạn nạn.” (Châm ngôn 21: 23).
Quý chị em thân mến ơi! Là những người phụ nữ Cơ đốc, hãy học biết cách sử dụng lời nói của mình để được sống trong phước hạnh và đem phước hạnh đến cho người khác nữa quý chị em nhé. Nguyện Chúa ban cho quý chị em trước khi nói năng, đối đáp với người khác hãy ghi nhớ câu châm ngôn quý báu được chép trong Châm ngôn 31: 26 rằng: “Nàng mở miệng ra cách khôn ngoan. Phép tắc nhơn từ ở nơi lưỡi nàng.” để những lời mỗi chị em nói ra đều là những lời nói tốt đẹp, ích lợi và có giá trị, hầu danh Chúa được vinh hiển.
Chúc quý chị em hưởng được nhiều niềm vui và hạnh phuớc từ Chúa ban cho, nhất là hưởng được nhiều niềm vui và hạnh phước từ và qua lời nói của chính mình.
Nguyễn – Đình – Bùi – Thị
(Quảng Nam, Việt Nam)