400 NĂM YÊN LẶNG
Lúc lịch sử Cựu Ước kết thúc, đã có 2 đợt người Do Thái hồi hương từ cuộc lưu đày ở Ba-by-lôn. Đợt thứ nhì sau đợt thứ nhất 80 năm. Họ về sinh sống yên ổn trong quê hương mình, với việc thực hiện các nghi lễ thờ phượng Đức Chúa Trời tại ngôi Đền Thờ đã được xây dựng lại, tuy không nguy nga tráng lệ như Đền Thờ thời vua Sa-lô-môn. Trong suốt 400 năm sau đó cho đến khi Chúa Jesus ra đời, không có nhà tiên tri nào nói hoặc viết Kinh Thánh. Thiên đàng hoàn toàn im lặng. Không có lời tiên tri từ thiên đàng được truyền đạt cho con người. Đó được gọi là “giai đoạn yên lặng”. Giai đoạn này chỉ chấm dứt khi thiên sứ của Chúa hiện ra cho thầy tế lễ Xa-cha-ri trong đền thờ Giê-ru-sa-lem để báo tin về sự sinh ra của Giăng Báp-tít, là sứ giả báo tin về sự đến của Chúa Jesus. Điều này đã được tiên tri Ma-la-chi nói vào 400 năm trước và được ứng nghiệm trong sách Ma-thi-ơ của Tân Ước.
Lịch sử của giai đoạn 400 năm yên lặng này theo sát bố cục của các đế quốc trên thế giới, là Ba-by-lôn, Mê-đi Ba Tư, Hy Lạp và La Mã, là các đề tài trong giấc chiêm bao của vua Nê-bu-cát-nết-sa về pho tượng khổng lồ mà tiên tri Đa-ni-ên đã giải nghĩa. Điều không thể tránh khỏi là dân Do Thái phải lần lượt tiếp xúc với tất cả các đế quốc ấy.
Cựu Ước khép lại với quyền đô hộ hùng mạnh của đế quốc Ba Tư trên một vùng lãnh thổ rộng lớn của thế giới. Tuy nhiên Ba Tư không thành công trong việc bành trướng sang phía Tây vào Châu Âu.
Vào năm 333 B.C., Alexander Đại Đế, quốc vương của nước Macedonia, đã liên minh với Hy Lạp và lật đổ đế quốc Ba Tư. Tiên tri Đa-ni-ên có ký thuật về Alexander Đại Đế từ 200 năm trước đó.
Vào năm 332 B.C., Alexander Đại Đế thăm viếng thành Giê-ru-sa-lem. Ông được người dân Do Thái cho biết rằng ông đã được Đức Chúa Trời nói đến trong lời tiên tri của Đa-ni-ên 200 năm trước đó. Vì thế vua đã để thành Giê-ru-sa-lem tồn tại mà không tiêu diệt như các nơi khác mà vua đã đi qua và hủy phá.
Vào năm 323 B.C., Alexander Đại Đế chết ở Ba Tư. Do vua không có người nối ngôi nên đế quốc rộng lớn của vua bị phân xé thành 4 vương quốc: a) Macedonia, b) Ba Tư, c) Sy-ri & Lưỡng Hà, d) Ai Cập và phần cực Nam xứ Sy-ri. Trong đó, nước Giu-đa của Do Thái bị sáp nhập vào Ai Cập, thuộc phần cai trị của đại tướng Ptolemy. Toàn vùng lãnh thổ rộng lớn này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn hóa, chính trị và xã hội Hy Lạp trong một thời gian dài.
Vào năm 285 B.C., bộ Kinh Thánh Cựu Ước đã được dịch từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp. Đây là ngôn ngữ phổ biến rộng rãi nhất thời bấy giờ, giống như tiếng Anh ngày nay. Bản dịch Kinh Thánh này có tên là “Septuagint”, có nghĩa là “Bảy Mươi”, vì có 70 dịch giả lừng danh người Do Thái thực hiện công tác vĩ đại này.
Vào năm 203 B.C., vua Antiochus Đại Đế của Sy-ri nổi lên và chinh phục nhiều miền đất ở Tây Á. Vua chiếm xứ Giu-đa, là nơi dân Do Thái đang sinh sống sau 2 cuộc hồi hương.
Vào năm 167 B.C., với trọn quyền cai trị trên đất Giu-đa, vua Antiochus Epiphanes (con của Antiochus Đại Đế) thực hiện những cuộc bách hại dân Do Thái thật gay gắt và tàn ác, buộc họ làm nhiều điều trái với luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho họ qua Môi-se. Vua bắt dân Do Thái theo tôn giáo và văn hóa Hy Lạp. Ông còn cho xây dựng đền thờ thần Zeus và buộc dân Do Thái tôn thờ. Những người không vâng theo thì bị xử tử. Đã có rất nhiều người Do Thái tử vì đạo trong thời gian này. Vua này đã từng được đề cập như là “cái sừng nhỏ” trong sách tiên tri Đa-ni-ên được viết trước đó hơn 300 năm.
Có các anh em Maccabees, do phẫn uất về sự bách hại của vua Antiochus Epiphanese, đã tập hợp một nhóm người Do Thái cùng nổi dậy khởi nghĩa. Sau thời gian dài tranh đấu quyết liệt, có nhiều máu đổ và hy sinh, nhưng được Đức Chúa Trời tiếp sức, dân Do Thái đã chiến thắng.
Năm 63 B.C., người La Mã, với sự lãnh đạo của Đại tướng Pompey, xâm chiếm xứ Giu-đa của dân Do Thái. Người Do Thái vẫn được ở trong đất của mình nhưng ở dưới sự cai trị của chính quyền La Mã và phải nộp thuế cho La Mã hàng năm. Tình hình này kéo dài cho đến khi Chúa Jesus giáng sinh trong Tân Ước.
Vào năm 40 B.C., chính quyền La-mã chỉ định Hê-rốt (Herod the Great) làm vua nước Giu-đa của Do Thái. Đây là một vua tàn ác và nhiều mưu mô. Vua gây nhiều cuộc tàn sát đẫm máu cả trong triều đình lẫn ngoài xã hội để đạt mục đích giữ vững quyền lực của mình. Các câu chuyện về vua sẽ được tiếp tục trong nhiều năm sau khi Chúa Jesus giáng sinh trong Tân Ước.
Vào năm 31 B.C., Sê-sa Au-gút-tơ (Caesar Augustus) trở thành hoàng đế La Mã. Ông chính là cháu, con nuôi, và người kế thừa của đại danh tướng La Mã Julius Caesar.
Vào năm 19 B.C., Hê-rốt Đại Đế bắt đầu khởi công xây dựng đền thờ Giê-ru-sa-lem. Việc xây dựng kéo dài nhiều năm sau khi Chúa giáng sinh trong Tân Ước.
Tình hình thế giới lúc bấy giờ là sự thống nhất về các phương diện chính trị, xã hội và văn hóa của thế giới xung quanh Địa Trung Hải dưới quyền đô hộ của La Mã. Đế quốc La Mã thôn tính các nước xung quanh tuy có những chính sách hà khắc nhưng nhìn chung cũng duy trì một trật tự, hòa bình, văn minh và thịnh vượng trong khoảng 200 năm. Nhìn từ khía cạnh chương trình của Đức Chúa Trời thì những điều này đang dọn đường cho việc Chúa Cứu Thế Jesus ra đời trong Tân Ước.
Bên cạnh một chính quyền ổn định, đế quốc La Mã cũng xây dựng một cơ sở hạ tầng hiện đại, các phương tiện giao thông an toàn và thuận lợi. Đường bộ và đường biển được tổ chức quy củ, giúp cho quân đội, viên chức, và cả thương nhân, khách du lịch, và các triết gia, các giáo sư đi các nơi truyền bá các tư tưởng mới của họ. Lúc này, những người dân Do Thái không chỉ sinh sống ở vùng đất Giu-đa của họ mà họ tản lạc khắp nơi và sinh sống quanh khu vực Địa Trung Hải. Tại mỗi thành phố mà họ đến, họ đều lập khu định cư riêng của người Do Thái (tập tục này vẫn được họ duy trì trong thời đại hiện nay). Riêng ở Alexandria, Ai Cập, thời đó đã có đến một triệu người Do Thái đến định cư. Đó là một sự chuẩn bị sẵn sàng để tin tức về Chúa Cứu Thế sẽ được dân Do Thái truyền bá đến khắp chốn gần xa trên thế giới trong tương lai.
https://trello.com/c/yHBCoQTr/16-400-năm-yên-lặng