SỬA LẠI BÀN THỜ CHÚA
I Các vua 18:1-40
Không như tín đồ của các tôn giáo đời nầy, Cơ Đốc nhân sau khi được cứu, Chúa sẽ biến đổi tấm lòng người đó trở nên đền thờ Chúa ngự. Cả Đức Chúa Cha,
Đức Chúa Con đều ở với con cái Chúa qua Đức Thánh Linh, như lời Chúa
dạy: “Chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống. Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ.”
(II Côr 6:16) Vì thế, một khi con cái Chúa sa sút yếu đuối thì đền thờ
lòng bị nguội lạnh hoặc khi đời sống tâm linh bị phá sản thì đền thờ
lòng cũng bị sập đổ hoang tàn. I Các vua 18:1-40 cho chúng ta thấy tình
trạng bội đạo của dân Y-sơ-ra-ên thời A-háp – Giê-sa-bên thật là đáng
sợ. Cả đền thờ Giê-ru-sa-lem lẫn đời sống tâm linh của dân sự đều bị
hoang tàn. Chúa đã sai tiên tri Ê-li đến để sửa lại bàn Chúa ở giữa dân
sự. Tiên tri Ê-li vâng lời Chúa ra mắt vua A-háp và cả dân sự
Y-sơ-ra-ên. “Bấy giờ, Bấy giờ, Ê-li nói với cả dân sự rằng: Hãy đến gần ta, dân sự bèn đến gần người. Đoạn, Ê-li sửa lại cái bàn thờ của Đức Giê-hô-va bị phá hủy.” (IVua 18:30)
Có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ: Tại sao một dân tộc chứng kiến vô số phép
lạ, được Chúa chăm sóc chu đáo và gìn giữ khỏi quân thù cách kỳ diệu,
lại có thể chối Chúa và bội đạo thậm tệ đến nỗi phải sai đầy tớ Chúa đến
sửa lại bàn thờ cho họ như vậy?
I. LÝ DO Ê-LI SỬA LẠI BÀN THỜ CHÚA.
Có hai lý do chính:
1. Vua A-háp đã phá đổ bàn thờ Chúa.
Hành động vua A-háp và hoàng hậu Giê-sa-bên phá đổ bàn thờ Chúa đã đưa dân
Y-sơ-ra-ên đến tình trạng bội đạo tập thể. Theo I Vua 18:18,19-30, kể từ
khi vua A-háp cưới Giê-sa-bên về làm hoàng hậu vương quốc Y-sơ-ra-ên,
bà đã xúi giục chồng lập nhiều đền miếu cho hai tà thần Ba-anh và
Át-tạt-tê trên khắp đất Y-sơ-ra-ên, thậm chí còn lập ngay trong đền thờ
Đức Chúa Trời. Vốn là một người sùng bái tà thần, Giê-sa-bên đã biến
mình trở thành giáo sĩ truyền bá tà đạo trên thánh địa. Như vậy, nhìn
chung trên cả vương quốc Y-sơ-ra-ên chẳng còn nơi nào thờ phượng Chúa,
mặc dầu trên khắp xứ còn 100 tiên tri và “7.000 người môi họ chưa hôn Ba-anh và Át-tạt-tê.” Nhưng tất cả đều đang ẩn mình. Tình hình tôn giáo Y-sơ-ra-ên lúc ấy thật thảm hại.
2. Không còn sự thờ phượng và tế lễ cho Chúa.
Hằng năm theo luật Môi-se, dân Y-sơ-ra-ên phải dâng cho Chúa nhiều của lễ và
thờ phượng trong đền thờ, nhưng kể từ khi A-háp lên ngôi, các cuộc thờ
phượng không còn nữa. Mối thông công giữa Chúa và dân sự cũng bị cắt
đứt, các của lễ cũng không còn được dâng lên. Các kỳ lễ lớn mà Chúa đã
truyền dân sự phải giữ đời đời cũng chấm dứt. Vì thế dân sự càng ngày
càng xa cách Chúa, mất phước. Đất nước đang trong cơn hạn hán. Đã ba năm
không một giọt sương hay mưa rơi xuống đất. Súc vật chết dần chết mòn,
lương thực khan hiếm. Dân sự chẳng có gì để ăn và nước cũng không đủ
uống. Cuộc sống khốn khổ vô cùng. Có lẽ nhiều người trong dân sự nhớ lại
lời cảnh cáo của Chúa trong Phục truyền luật lệ ký 28:1-5, 16-24.. đồng
thời họ cũng nhận thức rằng tà thần Ba-anh và Át-tạt-tê chẳng đem lại
cho họ một điều phước nhỏ nhoi nào, nhưng họ đã lỡ phế bỏ bàn thờ Chúa
làm sao khôi phục lại. Vì vậy, Chúa sai tiên tri Ê-li đến giúp dân sự
sửa lại bàn thờ Chúa.
II. CÁCH THỨC SỬA LẠI BÀN THỜ CHÚA.
Có hai điều Ê-li phải làm để sửa lại bàn thờ Chúa:
1. Dẹp bỏ bàn thờ tà thần Ba-anh và Át-tạt-tê .
Đây là việc làm vô cùng khó khăn và nguy hiểm, có thể đổi bằng mạng sống.
Vì lúc bấy giờ hoàng hậu Giê-sa-bên đang cuồng nhiệt truyền bá sự thờ
lạy Ba-anh và Át-tạt-tê . Bà giết các tôi tớ Chúa và bách hại không
thương tiếc những ai trung thành với Đức Chúa Trời. Vì thế, những ai
muốn khôi phục lại bàn thờ Chúa thì sẽ đối đầu trực tiếp với Giê-sa-bên
và 850 tiên tri của hai tà thần đang ăn chung bàn với hoàng hậu (IVua
18:19).
Việc trước tiên tiên tri Ê-li phải làm là dẹp bỏ bàn thờ tà thần. Nếu lập
bàn thờ Chúa bên cạnh bàn thờ tà thần thì Chúa chẳng đẹp lòng, vì Ngài
là Đấng kị tà (Xuất 20:5, II Côr 6:16). Một số con cái Chúa chưa hiểu
nên muốn dung hòa giữa tà thần hình tượng với Chúa, nghĩa là thờ Chúa
nhưng hình tượng cũng không bỏ. Tôi muốn nói đến những hình tượng trong
lòng. Tất cả đều phải loại bỏ để đền thờ lòng được thánh sạch, như thế
Chúa mới vui ngự vào. Ngày nào những hình tượng kia còn tồn đọng trong
tâm trí lòng dạ chúng ta, thì ngày đó bàn thờ Chúa trong lòng chúng ta
vẫn chưa được sửa lại.
2. Khiến lửa từ trơi rơi xuống thiêu hóa của lễ.
Lúc bấy giờ nhiều người trong dân sự không thể phân biệt Ba-anh là Đức Chúa
Trời hay Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Nên Ê-li phải đặt ra một dấu hiệu
để dân sự nhận biết Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Dấu hiệu đó tỏ ra trong
việc dâng của tế lễ bằng bò. Các tiên tri Ba-anh chọn một con, tiên tri
Ê-li chọn một con. Tiên tri Ê-li nhường cho các tiên tri Ba-anh làm
trước: “Các ngươi hãy chọn một con bò đực, làm nó trước đi vì các ngươi đông, nhưng chớ châm lửa.” (c.25)
Thật nghịch lý, thường ít người phải làm trước mới phải. Tại sao 450
tiên tri Ba-anh đông người mà lại làm trước? Ê-li biết rõ họ rất mê tín
nên cho họ làm trước để khỏi đổ thừa lý do nầy lý do nọ. Vì vậy, chỉ
trong thời gian ngắn họ đã làm xong con bò và sắp ngay ngắn lên bàn thờ.
Thế là từ sáng đến trưa họ kêu cầu Ba-anh, nhưng chẳng thấy Ba-anh nào
đáp lời. Đến trưa Ê-li nhạo họ hãy kêu to hơn, chắc thần đang đi chơi
đâu đó sẽ nghe hoặc đang ngủ sẽ thức dậy! Trời đã về chiều mà vẫn chưa
thấy gì, các tiên tri Ba-anh bắt đầu lấy dao rạch vào người cho máu chảy
ra lai láng để mong được thần nhậm lời. Nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Đến giờ dâng của lễ chay ban chiều (Xuất 29:38), tiên tri Ê-li đến sửa soạn
bàn thờ và của lễ, rồi bắt đầu kêu cầu Chúa. Chẳng mấy chốc lửa từ trời
giáng xuống thiêu hóa của lễ và làm khô hết nước xung quanh bàn thờ,
khiến triều đình A-háp, các tiên tri Ba-anh và dân sự đều kinh ngạc. Lập
tức 450 tiên tri Ba-anh bị bắt và giết sạch! Hãy chú ý chỉ có 450 tiên
tri của Ba-anh dám thách đấu với tiên tri Ê-li. Còn 400 tiên tri của
Át-tạt-tê không tham gia. Sở dĩ các tiên tri Ba-anh dám thách đấu là vì
họ dựa vào triều đình A-háp – Giê-sa-bên, ngoài ra họ còn tin rằng trên
núi Cạt-mên Ba-anh có thể giáng lửa. Theo Unger’s Bible Dictionary,
trước khi Y-sơ-ra-ên chinh phục đất hứa, người Ca-na-an thường dâng tế
lễ cho Ba-anh trên núi Cạt-mên. Thêm nữa Ba-anh là nam thần với biểu
tượng Mặt trời nên họ càng tin Ba-anh có thể giáng lửa xuống. Nhưng họ
đã lầm, trước hiện diện Chúa không tà thần hoặc con người nào đứng nổi.
Do đó tà thần Ba-anh trốn mất. Trong chỗ riêng tư, ma qủy có thể thi thố
một vài dấu lạ để lôi kéo thiên hạ thờ lạy nó. Nhưng khi có Chúa hiện
diện thì nó chào thua. Đó là lý do 400 tiên tri của Át-tạt-tê không tham
gia. Át-tạt-tê là nữ thần với biểu tượng là Mặt trăng, Nữ vương trên
trời hay còn gọi là cái sừng nhỏ, thần rừng. Đây là thần đứng đầu của
người Si-đôn. Những người thờ tà thần Át-tạt-tê tin rằng Át-tạt-tê có
thể làm cho mùa màng tốt tươi, đất đai mầu mỡ, đem lại sự thịnh vượng
cho con người ngay cả trong mùa hạ! Thế nhưng đã hơn ba năm bị hạn hán
Át-tạt-tê chẳng làm gì được. Vậy làm thế nào các tiên tri Át-tạt-tê dám
tham gia cuộc thách đấu?
Sau khi dân sự chứng kiến phép lạ lửa từ trời rơi xuống thiêu hóa của lễ của Ê-li, dân chúng lập tức tung hô: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời” và hiệp với tiên tri Ê-li bắt giết hết thảy 450 tiên tri của Ba-anh.
Dân tộc Việt Nam thờ lạy đủ thứ hình tượng và mê tín đủ điều, rất khó đem
họ về với Chúa, nhưng một khi Chúa thăm viếng và thi thố quyền năng, thì
họ cũng sẽ tung hô Chúa là Đức Chúa Trời Tạo hóa, là Thiên Phụ từ ái
của họ. Tôi con Chúa cần hạ mình ăn năn xưng tội để được Chúa thăm viếng
và thi thố nhiều phép lạ cứu vớt đồng bào đang hư mất.
III. KẾT QUẢ VIỆC SỬA LẠI BÀN THỜ CHÚA.
Có hai kết quả được tìm thấy trong I Vua 18 như sau:
1. Đem dân sự quay trở về cùng Chúa.
Câu 39 chép: “Thấy vậy, cả dân sự sấp mình xuống đất và la rằng: Giê-hô-va là Đức Chúa Trời! Giê-hô-va là Đức Chúa Trời!” Hãy chú ý chữ “cả”,
nghĩa là tất cả dân sự đều quay trở về với Chúa. Dân Y-sơ-ra-ên nổi
tiếng cứng trán, cứng lòng, nhưng qua phép lạ họ đều quy phục Chúa. Chỉ
có sự thăm viếng của Chúa mới thức tỉnh được Hội Thánh Chúa hiện nay và
đánh thức được tâm linh các tôi con Chúa đang miệt mài trong hư danh,
nhiều người đang bị lôi cuốn vào những cơn lốc tội ác của đời. Nhiều Cơ
Đốc nhân hữu danh vô thực, chỉ theo đạo nhưng chưa trải nghiệm sự tái
sanh, chính họ sẽ làm gương xấu giữa Hội Thánh lôi kéo nhiều người khác
vào đường tội ác. Nhưng người như vậy cần sớm quay trở lại với Chúa.
2. Đem cơn mưa đến cho dân sự (câu 41-46..)
Để đem cơn mưa đến cho dân sự, Ê-li phải chiến đấu trong sự cầu nguyện
không kém gì cuộc chiến đấu với 450 tiên tri Ba-anh trước đó. Tiên tri
Ê-li phải lên đỉnh cao nhứt của núi Cạt-mên qùy gối úp mặt xuống đất cầu
nguyện. Ông sai người đầy tớ chạy lên chạy xuống đến bảy lần mới thấy
một cụm mây bằng lòng bàn tay. Nhưng từ một cụm mây nhỏ ấy đã mang đến
một trận mưa lớn, tưới mát đất đai và dân sự Chúa sau ba năm rưỡi hạn
hán. Hội Thánh Chúa rất cần có những đầy tớ quyền năng có thể đem mưa ơn
phước đến cho đất nước và dân tộc nầy. Để được như vậy tôi con Chúa
phải sửa lại bàn thờ lòng của mỗi người, và dốc đổ trong sự cầu nguyện
giống như tiên tri Ê-li. Thời đại nào cũng vậy, trong khi nhân loại vui
chơi ăn uống, trác táng thỏa thích thì tôi con Chúa lại cần dành nhiều
thì giờ thờ phượng hầu việc Chúa và kiêng ăn cầu nguyện cho đồng bào
mình.
Thật cảm động biết bao, trong khi mọi người đều ăn uống no nê vui thỏa sau
những giờ chiến đấu căng thẳng, thì đầy tớ Chúa phải lên núi cầu nguyện
xin Chúa cho mưa đến. Khi trời đã mưa rồi thì đầy tớ Chúa phải chạy bộ
trước xe của vua A-háp về Gít-rê-ên. Tại sao Ê-li không đi trên xe của
vua A-háp? Tiên tri Ê-li thật là khôn ngoan, thà chạy bộ chứ không đi
chung xe của kẻ bội đạo phản nghịch Chúa, giết hại tôi con Chúa. Đáng
tiếc ngày nay có nhiều tôi con Chúa vì thiếu hiểu biết đã liên hiệp đời
và ngồi chung với kẻ nhạo báng nên đời sống mất phước và nêu gương xấu.
Bài học nầy thật đáng cho tôi con Chúa ghi nhớ để giữ mình.
Doulos