6 Câu Hỏi Cần Hỏi Khi Học Kinh Thánh Theo Nhóm
Lời của Đức Chúa Trời là nguồn sức mạnh tâm linh, sự khích lệ và sự khôn ngoan của một nhóm nhỏ.
Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.
2 Ti-mô-thê 3:16-17
Nếu chúng ta đang cố gắng giảng dạy, sửa chữa, huấn luyện, hoặc khuyến khích lẫn nhau cho sự trưởng thành trong Đấng Christ, thì Kinh thánh là quyển sách chúng ta cần. Một điều chắc chắn rằng, việc học Kinh thánh không phải là điều duy nhất (hoặc thậm chí là điều chính) chúng ta làm trong một nhóm nhỏ, nhưng nếu không có nó, một nhóm nhỏ sẽ mất đi hơi thở có ý nghĩa quan trọng trong sự duy trì và phát triển.
Học Kinh thánh trong một nhóm nhỏ có thể là cách tốt nhất hoặc cũng là cách tệ nhất để học Kinh thánh. Nó có thể là tốt nhất bởi vì bạn có thể được hưởng lợi từ những cái nhìn sâu sắc và sự kinh nghiệm đầy dẫy Thánh Linh của các tín hữu khác. Nó cũng có thể là tệ nhất vì nhiều lý do khác nhau.
Đó có thể là một anh chàng luôn chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận, hầu như không cho phép bất cứ ai khác để chia sẻ một cái gì đó hoặc đặt câu hỏi. Hoặc là cô gái có cách bày tỏ cảm xúc không mấy liên quan với ý nghĩa của phân đoạn Kinh thánh đang học. Hoặc nó có thể là người luôn luôn hỏi những câu hỏi ngoài lề, không thích hợp và đưa toàn bộ cuộc thảo luận ra ngoài lề quá lâu. Hoặc có thể là ba hoặc bốn người yên lặng không bao giờ nói nhiều hơn hai hoặc ba từ, ngay cả khi bạn đã khuyến khích họ.
Một cách để học Kinh Thánh cùng nhau
Học kinh thánh trong nhóm có thể là một thử thách, nhưng mang lại phần thưởng bổ ích. Kinh thánh mang lại cho chúng ta những phương cách cho các mối quan hệ trong nhóm nhỏ, cái mà chúng ta sẽ không bao giờ có được bằng cách khác. Nó tác động vào cộng đồng Tin lành một cách trực tiếp với năng quyền vô song.
Nếu bạn muốn học Kinh thánh với nhóm của mình, hoặc đã từng thử nghiệm không thành công trong quá khứ thì bạn nên thử phương pháp Thụy Điển (Swedish). Phương pháp học Kinh Thánh này thực ra không có gì quá đặc biệt. Nó được đặt tên như vậy, bởi vì bà Ada Lum, người rất đam mê đọc và nghiên cứu Kinh thánh, đã áp dụng phương pháp này lần đầu tiên trong một nhóm sinh viên người Thụy Điển. Cho dù bạn đọc Kinh thánh một mình, hoặc với một người khác, hoặc trong một nhóm nhỏ, thì phương pháp này yêu cầu bạn xem xét năm điểm cho mỗi phân đoạn Kinh thánh cụ thể.
Một trong những ưu thế của phương pháp này khi so sánh với các phương pháp khác đó là người hướng dẫn không phải chuẩn bị quá nhiều trước buổi nhóm. Nó được dựa trên sự khám phá và đối thoại tương hỗ lẫn nhau. Sẽ thật hữu ích khi có một người mở đầu và dẫn dắt các cuộc đối thoại, nhưng phương thức này sẽ phát huy hiệu quả mạnh mẽ với sự tham gia của tất cả các thành viên trong nhóm, mỗi một người phát hiện và đóng góp một điều gì đó trong năm điểm được nêu ra ở phía dưới.
Năm điểm này được miêu tả bằng những biểu tượng khác nhau, đó là: Cái bóng đèn, Dấu hỏi chấm, Cây thập tự giá, Mũi tên và Bong bóng đối thoại. Tôi sẽ giải thích năm điểm này dựa trên câu Kinh Thánh trong 2 Ti-mô-thê 3:16-17.
1. Cái bóng đèn
Cái bóng đèn tượng trưng cho một điều gì đó „tỏa sáng“ trong phân đoạn Kinh thánh – cái gì đó mới mẻ, tươi mới. Bạn đang bế tắc ở một vấn đề nào đó? Mỗi lần đọc Kinh thánh, Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ cho chúng ta những điều mà chúng ta bỏ quên và chỉ cho những điều chúng ta chưa bao giờ thấy trước đây.
Khi học Kinh thánh trong nhóm nhỏ Chúa sẽ bày tỏ những điều khác nhau cho mỗi một thành viên, làm gia tăng bội phần sự nhận thức và học hỏi trong nhóm. Đức Chúa Trời không bày tỏ cho chúng ta một vấn đề theo ý nghĩa khác nhau, nhưng Ngài muốn chúng ta nhận thức được ý nghĩa thực sự duy nhất của vấn đề đó từ nhiều khía cạnh khác nhau, qua đó giúp chúng ta thấy được sự ảnh hưởng và áp dụng không giới hạn của sự bày tỏ này.
Ví dụ về bóng đèn: Cả Kinh thánh là có ích, chứ không chỉ riêng một vài phân đoạn nào đó mà tôi thấy có ích cho mình. Một trong những thử thách của việc đọc Kinh Thánh đó là hỏi Chúa chỉ cho chúng ta lợi ích Thuộc linh của mỗi một từ mà Ngài ban cho chúng ta.
2. Dấu chấm hỏi
Những câu Kinh thánh này có nêu lên bất kỳ câu hỏi nào khi bạn đọc chúng? Bạn có cảm thấy phân vân trước một từ hoặc câu nào đó, hoặc có sự liên hệ đến một phân đoạn khác trong Kinh thánh, hay một vấn đề cụ thể trong Thần học.
Với mỗi câu hỏi bạn đặt ra, hãy cố gắng tự mình tìm câu trả lời trước khi nhờ đến sự giúp đỡ của ai đó khác. Một vài sự học hỏi sâu nhiệm và kín đáo sẽ đến khi chúng ta thúc ép bản thân tìm kiếm câu trả lời cho chính câu hỏi của chúng ta. Câu trả lời có thể nằm ở chính câu Kinh thánh hoặc chương, quyển sách ta đang đọc, hoặc Chúa sẽ dẫn suy nghĩ của ta đến với câu hoặc phân đoạn nào đó trong Kinh thánh. Hãy dừng lại, cầu nguyện, hỏi Chúa và làm cố gắng hết sức mình. Sau đó hãy tìm tới các thành viên khác trong nhóm để có được những cái nhìn khác.
Ví dụ về dấu chấm hỏi: Tại sao sứ đồ Phao-lô lại liệt kê những lợi ích và cách sử dụng Kinh thánh như ở trong 2 Ti-mô-thê 3:16-17? Có lý do gì mà chúng được sắp xếp theo thứ tự như vậy không?
3. Thập tự giá
Biểu tượng Thập tự giá không có trong phiên bản gốc của phương pháp Swedish , nhưng đã được thêm vào để hướng sự tập trung trong việc đọc Kinh thánh về phía Chúa. Chúng ta nhìn thấy hình ảnh của Chúa ở đâu trong những câu Kinh thánh này? Chẳng phải Chúa Giê-xu đã nói rằng cả Kinh thánh được chép về Ngài:
Đoạn, Ngài phán rằng: Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm.
Lu-ca 24:44
Điều gì trong phân đoạn Kinh thánh đang học giúp bạn thấy được hình ảnh Chúa và cây Thập tự giá nhiều hơn? Điều gì đã làm cho bạn cảm thấy yêu Chúa hơn?
Ví dụ về Cây thập tự giá: Chúa Giê-xu đã chết trên Thập tự giá và Kinh Thánh được viết nên bởi sự soi dẫn của Đức Chúa Trời , qua đó mà chúng ta không chỉ được cứu mà còn được trở nên một cách „trọn vẹn“. Đức Chúa Trời cứu chúng ta để làm chúng ta ngày càng được gia tăng, hoàn thiện và trở nên giống như Chúa Giê-xu.
4. Mũi tên
Biểu tượng mũi tên biểu thị cho sự áp dụng cá nhân trên đời sống của chính chúng ta. Nhận biết và cam kết với những điều cảm nhận bằng Linh sẽ dẫn dắt chúng ta làm theo trong sự vâng phục (với lời của Chúa trong đoạn Kinh Thánh). Hãy lên kế hoạch và quyết định dứt khoát rằng chính bạn chứ không ai khác sẽ thực hiện điều đó trong tuần này. Việc học Kinh thánh ở nhiều nhóm nhỏ và cá nhân thiếu sự áp dụng thực tế của Kinh Thánh vào đời sống cá nhân người học. Một trong những cái hay của việc học Kinh thánh theo nhóm đó là sự gắn liền của trách nhiệm giải thích cho người khác. Nếu bạn chia sẻ một cách mạnh dạn sự áp dụng thực tế của mình qua từng bước (để tiến tới sự vâng phục với lời của Chúa), thì chắc chắn những người trong nhóm sẽ quan tâm theo dõi và hỏi về tình hình hiện tại của những áp dụng thực tế đó.
Ví dụ về mũi tên. Khi học Kinh Thánh một mình tôi thường hay đặt ra một số câu hỏi: 1) Chúa muốn dạy dỗ tôi điều gì; 2) Có phải Chúa đang muốn tôi không tiếp tục làm điều gì đó? 3) Có phải Chúa đang muốn sửa đổi những suy nghĩ và hành động sai lệch của tôi?; 4) Hoặc có phải Chúa đang trang bị cho tôi để sống hiệu quả hơn cho Ngài?
5. Bong bóng đối thoại
Bong bóng đối thoại biểu thị cho một điều gì đó để chia sẻ. Hãy viết tên của những người mà bạn nghĩ sẽ được gây dựng khi nghe những điều bạn nhận được trong Kinh thánh. Đó có thể là những điều bạn chia sẻ với các tín hữu khác, hoặc có thể là cách để chia sẻ phúc âm với thân hữu, những người chưa nhận biết Đức Chúa Trời. Bạn chia sẻ niềm vui mừng, sự bình an và sự trông cậy chắc chắn mình nhận được nơi Đức Chúa Trời với người khác bằng cách nào? Hãy xác định cụ thể người mà bạn muốn gặp trong tuần tới và suy nghĩ về thời điểm thích hợp để bạn có thể chia sẻ những điều cụ thể mà Chúa chỉ cho bạn với người đó.
Ví dụ về bong bóng đối thoại: Kinh thánh không chỉ là một quyển sách cũ kỹ chứa đầy lẽ thật và sự khôn ngoan. Nó thực sự thích hợp (có ích) cho đời sống hàng ngày của tôi (và cả của bạn). Chúa muốn chúng ta qua Kinh thánh học cách sống một cuộc sống trọn vẹn và đầy ý nghĩa.
Tại sao?
Một trong những câu hỏi cuối cùng tôi thích đặt ra khi đọc Kinh thánh trong nhóm đó là: Tại sao lại là những câu Kinh thánh này? Chúng ta cố gắng tóm tắt ý định của Chúa khi Ngài đưa những từ ngữ cụ thể này vào trong Kinh thánh. Có một vài cách để hỏi câu hỏi này. Tại sao phân đoạn này lại ở trong quyển sách đó? Kinh thánh sẽ bị thiếu hụt và mất đi ý nghĩa gì khi phân đoạn đó bị bỏ ra. Đâu là điểm chính mà tác giả muốn đề cập tới? Hãy cố gắng gói gọn câu trả lời của bạn trong 1 câu duy nhất.
Ví dụ cho câu hỏi tại sao: 2 Ti-mô-thê 3:16-17 có lẽ miêu tả nhiều hơn bất kỳ phân đoạn Kinh thánh nào mối liên hệ của Đức Chúa Trời với Lời của Ngài (được Chúa soi dẫn), và công bố sự liên quan (có ích) với tất cả sự sống của chúng ta. Sứ đồ Phao-lô (và Chúa) muốn chúng ta thấy năng quyền tuyệt đối của Kinh thánh, qua đó Đức Chúa Trời gây dựng mọi khía cạnh trong sự phát triển thuộc linh của chúng ta.
Chúng ta nhân rộng sự giàu có lời Chúa khi chúng ta đọc và chia sẻ Kinh thánh cùng nhau.
Dịch từ: DesiringGod.org
[:]