Bài số 18: CÁI TÔI XÁC THỊT, CÁI BẢN NGÃ
(Sưu tầm)
RÔ-MA 6:5-7: “Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau: vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa. Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi.”
Nếu phải có một lời nhắc nhở đối với những bạn còn mới mẻ trên đường thuộc linh về bản ngã, thì tôi sẽ xin phép được có hai lời nhắc nhở nầy:
I-Thứ nhứt là sự chết về bản ngã, hay xác thịt, phải là một sự chết toàn diện, bao gồm hết mọi phương diện của đời sống. Một đôi Cơ-đốc nhân trẻ -ý tôi muốn nói đến đến những người mới tin Chúa- có sự lầm tưởng rằng khi phó nộp bản ngã mình để được cùng đóng đinh với Đấng Christ trên thập tự giá, họ sẽ phải chết về những gì xấu và ác trong đời sống họ mả thôi. Điều nầy có nghĩa là những tánh gian dâm, ô uế, luông tuồng,…ganh gổ, say sưa, mê ăn uống,..(Ga-la-ti 5:19-21) cùng các sự khác như tham lam, ích kỷ, thô lỗ, lười biếng…thì phải đóng đinh, chớ còn những điều tốt đẹp đạo đức đã sở đắc được hay “vốn sẵn tư trời” như thương người, rộng rãi, lịch thiệp, hoạt bát, mau mắn…thì phải để lại đặng dâng cho Chúa và hầu việc Chúa, chớ đem đóng đinh thì thật là quá uổng; Nhưng tường như vậy là lầm, bởi vì:
1. Việc bản ngã hay người cũ của mỗi Cơ-đốc nhân bị đóng đinh cùng với Đức Chúa Jêsus, tức là trong Chúa Jêsus trên thập tự giá, là một sự kiện lịch sử khách quan, được thực hiện một lần duy nhất trong đời, mà Kinh Thánh gọi là “một lần đủ cả” (Rô-ma 6:10, Hê-bơ-rơ 10:10), chớ không phải là một ý niệm đạo đức trong tâm trí chúng ta mà chúng ta có thể tách phần tốt và phần xấu riêng ra được. Khi một người bị đóng đinh hay bị giết chết, dù bằng bất cứ một cách nào, thì không phải chỉ những phần thấp hèn hay khuyết tật trên thân thể của người mới phải chết, mà là toàn thể thân thể người, nghĩa là mọi chi thể của người, cũng đều phải bị giết chết cả.
2. Đức Chúa Trời luôn luôn xem bản ngã là một kẻ thù chí tử, như dân A-ma-léc mà Ngài phải luôn luôn tranh chiến từ đời nọ qua đời kia (Xuất 17:16). Ngài tranh chiến để tiêu diệt mọi phần tử của toàn thể dân A-ma-léc, chớ không phải tranh chiến để diệt một phần dân nầy, còn phần còn lại sẽ dong tha để giáo huấn và sử dụng. Đối với Ngài, toàn thể bản ngã là bại hoại, xấu và ác, vô phương cải thiện. Không hề bị lầm lẫn như loài người, Ngài không thấy điều gì tốt nơi bản ngã đã từng phạm tội và bị rủa sả tại vườn Ê-đen. Đối với Ngài mọi điều thuộc về bản ngã, dù từ nơi tổ tiên truyền lại, hay do thủ đắc được từ đạo đức thế nhân, đều là kẻ thù chí tử của Ngài và con cái Ngài.
3. Mà thật vậy, không phải chỉ những điều xấu của bản ngã, ngay cả những điều dường như tốt đẹp, đạo đức trong con người cũ của ta cũng đã và sẽ dự phần xô chúng ta vào hầm hư mất một cách độc ác. Ấy chính những điều mà chúng ta kể như là lòng nhơn ái bao la, sự công bằng, đức hy sinh, tánh trong sạch, lòng rộng rãi, sự quên mình, mà nhiều người tin rằng họ có sẵn dư dật đã hình thành trong họ một một nền tự nghĩa, khiến họ không bao giờ cảm xúc mình là một tội nhơn khốn nạn, không bao giờ có thể ăn năn một cách thành thật về tội, và như thế họ cũng bác bỏ luôn mọi công lao của “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” 1Ti-mô-thê 1:15. Thực tế là, bất cứ thời nào và ở đâu cũng vậy, làm chứng về ơn cứu rỗi cho “các nhà đạo đức” bao giờ cũng gay go hơn là giảng đạo cho các tội nhơn.
4. Đức Chúa Trời cũng không chịu nỗi “mùi” của các của lễ dâng lên từ sự công bình riêng của bản ngã. Mọi của lễ có mùi thơm và mọi bông trái tốt lành dâng lên cho Ngài trong đời sống Cơ-đốc nhân đều phải là thành quả do chỉ duy nhứt một mình Đức Thánh Linh thực hiện trong và qua một đời sống mới. Công tác của Đức Thánh Linh trong chúng ta là không ngừng đổi mới chúng ta, tức là không ngừng làm chết mọi công việc của người cũ, và hành động liên tục trong người mới để hoàn tất chương trình đời đời mà Đức Chúa Cha đã dự định thực hiện trong đời sống ta và qua đời sống ta.
Sách Sa-mu-ên thứ nhứt đoạn 15 có thuật lại câu chuyện buồn thảm về vị vua thứ nhứt của Y-sơ-ra-ên, tức là Vua Sau-lơ. Lệnh truyền cho Vua là “hãy đi đánh dân A-ma-léc và diệt hết mọi vật thuộc về chúng nó”, nhưng Sau-lơ đã không vâng lời. Ông ta chỉ “diệt hết những vật chi xấu và không giá trị” và “chọn trong của cướp, chiên và bò, là vật tốt nhứt về của đáng tận diệt,” đặng dâng cho Đức Giê-hô-va. Hành động được kể là “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va” đó của Sau-lơ đã đem lại những hậu quả khủng khiếp cho cả ngôi báu lẫn dòng dõi của ông. Cũng cần nhắc lại rằng, vào giờ chót của cuộc đời Sau-lơ và con trai ông, kẻ kết liễu mạng sống hai người lại cũng chính là “con của một người A-ma-léc”(2Sa-mu-ên 1:13-16).
Ước mong tấm gương trên sẽ mãi mãi là lời nhắc nhở không thể quên được cho linh hồn chúng ta về sự chết sâu xa và triệt để đối với bản ngã.
II-Điều thứ hai là chúng ta phải chết về bản ngã mỗi ngày. Phao-lô nói: “Hỡi anh em, tôi chết hằng ngày,” 1Cô-rinh-tô 15:31. Bạn sẽ hỏi: Trước đã nói: Việc Đức Chúa Jêsus chịu chết trên thập tự giá và chôn trong phần mộ là một sự kiện lịch sử. Bản ngã bị đóng dinh cùng với Đức Chúa Jêsus và chết trong Đức Chúa Jêsus một lần đủ cả là một sự kiện lịch sử đã diễn ra xong rồi; mà nay lại nói phải “chết hằng ngày” thì nghĩa làm sao?
Hay là có thể Bạn cũng sẽ hỏi: Nếu sự chết về người cũ của tôi là một sự kiện lịch sử khách quan, nghĩa là dù tôi biết về việc đó hay tôi chẳng biết, tôi ghét người cũ hay yêu người cũ, thì nó cũng đã chết rồi, người cũ không thực sự hiện hữu nữa, sao nay tôi còn bận tâm đến nó làm chi?
Tôi xin phép Bạn được trả lời: Ở đây chúng ta đang bàn đến một vấn đề rất căn bản của Cơ-đốc giáo, đó là vấn đề đức tin. Tất cả mọi công trình lịch sử mà Đức Chúa Jêsus đã thực hiện cho chúng ta, chỉ có thể kết quả cho đời sống chúng ta, trở trành kinh nghiệm trong đời sống chúng ta, và dem phúc lợi vào trong đời sống chúng ta, là khi nào chúng ta TIN mà thôi. Thì quả đúng như Bạn nói. Đồng chịu đóng đinh và đồng chết với và chết trong Đức Chúa Jêsus về về bản ngã, tức con người cũ là một sự kiện dứt khoát của lịch sử. Tuy nhiên, để cho sự đóng đinh và sự chết về bản ngã thực sự có giá trị trên đời sống ta, thì ta phải “TIN” nó, tức là ta phải thể hiện hay hiện thực nó trong từng giây phút trên đời sống hằng ngày của ta.
Bởi vì “TIN” theo như sự giảng giải và dạy dỗ bàng bạc trong cả Kinh Thánh, không phải chỉ là sự công nhận một sự kiện lịch sử hay một lý thuyết nào đó là đúng, là chân lý, hay thậm chí tin tưởng và mong ước một Lời Hứa nào đó của Kinh thánh đến nỗi thành ra một mối hy vọng, mà đức tin phải là sự diễn tả sự công nhận và mối hy vọng đó qua hành động và sự hành xử, trong từng chi tiết của cuộc sống hằng ngày chúng ta. Đức tin là sự ứng dụng lý thuyết vào đời sống, biến chân lý thành kinh nghiệm, biến Lời Hằng Sống của Chúa thành ra sự sống trong từng hoàn cảnh thực tế của ta.
Cho nên nay nếu mình đã biết chắc, biết rõ rẳng bản ngã của mình đã bị đóng dinh cùng và đã chết trong Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá, thì mình phải TIN sự kiện lịch sử có tánh cách chân lý nầy, bằng cách hiện thực nó cả trong đời sống thực tế hằng ngày của mình mỗi giây mỗi phút. Tiến sĩ A B Simpson có lần đã nói rằng hễ khi nào chúng ta tiếp nhận lời phán của Đức Chúa Trời rằng người cũ của chúng ta đã chết, mà thật là nó đã chết rồi, và hành xử như người đó đã chết, thì người đó thật sẽ chết, còn nếu chúng ta không tin Lời Chúa phán rằng nó chết -thì hậu quả là chúng ta sẽ hành xử như là nó đang sống- thì nó không chết được, và Tiến sĩ đã dùng Châm ngôn 23:7 để kết luận: “Vì hắn tưởng trong lòng thể nào, thì hắn quả thể ấy.”
Một nhà lãnh đạo của Hội Thánh Chúa tại Việt Nam lúc sanh thời có kể lại một kinh nghiệm về sự chết bản ngã thật hay. Ông nói rằng vào năm 1977, tức là hai năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, có một tín đồ nhơn cảnh “dậu đổ bìm leo”, đã cất công lặn lội từ Miền Tây lên đến tận nhà Cụ ở Sài gòn, để rồi, theo lời Cụ, trong gần hai tiếng đồng hồ “không ngừng lên án, chỉ trích Cụ về cả một cuộc đời chức vụ Cụ và sỉ nhục Cụ về những tội mà Cụ chưa hề phạm bao giờ”.
Cụ rất tức giận. Đã mấy lần Cụ toan ngưng người nầy lại để cho ông ta biết là ông ta nói sai, và rầy ông ta một trận vì Cụ hoàn toàn có quyền làm như thế. Nhưng đang khi người kia nói liên tục, và Cụ chưa có cơ hội chen vào, thì bỗng nhiên Cụ nghe một tiếng rất nhỏ nhẹ và êm dịu: Con ơi, Con quên rồi sao? Bản ngã xác thịt hay nóng giận và tự bênh vực mình xưa kia của con đã bị đóng đinh và đã chết cùng với Cứu Chúa của con rồi. Còn Đấng Christ hiện đang sống trong con thì “không đáp lại một lời” (Ma-thi-ơ 27:14). Đột nhiên Cụ cảm thấy mình hoàn toàn được giải cứu. Rồi tình yêu thương của Đức Thánh Linh bỗng tràn ngập trong lòng, Cụ mời người nầy uống nước, rồi Cụ ân cần thăm hỏi gia đình, con cái, trước khi tiển người nầy ra về như tiển một người bạn rất thân khiến ông ta, cũng giống như tổng đốc Phi-lát ngày xưa, lấy làm rất đổi ngạc nhiên.
Nhưng câu chuyện chưa chấm dứt. Cụ kể tiếp: Chỉ hơn một năm sau, vào một buổi chiều, cũng tại chính căn phòng đó, nhưng lần nầy ông ta không ngồi trên ghế mà ngồi bệch xuống đất, dưới chân Cụ ông khóc như mưa và xin Cụ tha thứ. Cụ không nói gì cả, trừ ra an ủi ông ta, còn ông ta thì không tiếc lời tự lên án mình về những sai lầm lúc trước, và hết lời bênh vực Cụ như một trạng sư có tài.
Sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Ðấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Ðấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20).