NHỮNG TƯỚNG LÃNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Chương Ba: Evan Roberts
“NHÀ PHẤN HƯNG XỨ WALES”
Theo ý của tôi, câu chuyện về nhà phấn hưng trẻ tuổi từ xứ Wales, Evan Robert, là sự nghiên cứu buồn nhất mà tôi tiến hành về các Tướng Lãnh. Vị diễn giả trẻ tuổi từ mỏ than của miền Nam xứ Wales đã có một thời kỳ không thể nhầm lẫn trong cuộc phấn hưng khắp thế giới được giao cho mình. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm, khải tượng giới hạn, và sự kiểm soát của thế lực ma quỷ, chức vụ tuyệt vời của cậu đã bị rút ngắn trước thời hạn. Trước khi chúng ta tìm hiểu về cuộc đời của cậu, hãy thật hiểu rõ rằng những lẽ thật được trình bày ở đây không nhằm mục đích phê phán. Những bài học tôi đem ra ánh sáng mang tính xây dựng được lồng vào để thế hệ của chúng ta có thể học cách gìn giữ tấm lòng mình, mặc lấy sự xức dầu, và thành công chiến thắng trong sức nóng của ngọn lửa phấn hưng.
SỰ THẬT BỊ DÍNH ĐẦY BỤI THAN
Evan John Roberts sinh ngày 8 tháng Sáu năm 1878, trong một gia đình Giám lý, tin vào học thuyết John Calvin của Henry và Hannah Roberts. Tôi tin rằng “tinh thần của nhà phấn hưng” đã được xây dựng ngay tức thì bên trong con người của cậu. Cha mẹ của Evan có ảnh hưởng rất lớn trong việc nuôi dưỡng tinh thần và bản chất đó bên trong cậu. Bản chất của cậu là một người xuất sắc và nhạy cảm. Gia đình cậu được biết đến vì lòng yêu mến Lời Chúa và làm việc chăm chỉ. Mỗi thành viên trong gia đình, cho dù còn nhỏ, đều nổi tiếng là người am hiểu Kinh Thánh.
Tôi muốn nêu ra một ý ở đây: Hỡi các bậc cha mẹ, hãy để con cái mình tham gia vào sự vận hành của Đức Chúa Trời. Tôi không thể nhấn mạnh rằng việc dạy dỗ và huấn luyện con cái của quý vị trong những điều thuộc về Chúa quan trọng đến thế nào. Chúng cần biết cách cầu nguyện, cách học Lời Chúa, cách để ngồi dưới sự xức dầu. Hãy dạy chúng thờ phượng Chúa cùng với quý vị, và hãy chỉ cho chúng cách để thờ phượng. Ngọn lửa phấn hưng chết vì cớ nhiều bậc cha mẹ đã để con mình trong trường mầm non thay vì mang chúng vào trong sự vận hành của Chúa. Trường mầm non là một phước hạnh cho việc chăm sóc trẻ thơ và trẻ nhỏ. Nhưng có thời điểm chúng có thể hiểu được cách cư xử đúng và có thể được vào trong buổi nhóm phấn hưng.
Cơn phấn hưng làm sao có thể tiếp tục nếu thiếu sự chuyển giao? Nhiều cuộc phấn hưng trong quá khứ và một số nhà phấn hưng đã không chiếu cố đến thế hệ kế tiếp. Kết quả là, Chúa phải tìm kiếm một thế hệ khác để nhen lại ngọn lửa mà lẽ ra không nên bị dập tắt. Nhiều cuộc phấn hưng không cần phải chấm dứt. Cuộc phấn hưng lẽ ra phải được tiếp tục. Ngọn lửa của Chúa phải được chuyển giao cho mỗi thế hệ mới. Nhiều đứa trẻ dễ uốn nắn và nhạy bén, muốn học hỏi. Chúng giống như miếng bọt biển háo hức rút hết mọi thứ bạn chia sẻ với chúng. Vì vậy, hãy là người thầy của chúng. Nếu bạn có con, trách nhiệm tin kính trong việc chuyển giao ngọn lửa của Đức Chúa Trời cho chúng nằm trong tay bạn. Và thật rõ ràng khi gia đình của Evan Roberts đã nhận lấy trách nhiệm này một cách nghiêm túc.
Tính cách vững vàng của Evan là kết quả của sự dạy dỗ trong gia đình cậu. Khi còn rất nhỏ, cha của Evan bị thương trong một vụ tai nạn ở mỏ than. Vì vậy, cha của Evan đã đem cậu ra khỏi trường để giúp ông trong các hầm mỏ. Evan chưa bao giờ phàn nàn.
Không lâu sau, Evan đã phát triển thói quen học thuộc lòng Kinh Thánh của gia đình mình. Lúc nào cậu cũng mang theo Kinh Thánh. Có người thuật lại rằng thậm chí cậu giấu Kinh Thánh của mình trong những kẽ nứt của mỏ than trong lúc làm việc. Một ngày nọ, một vụ hỏa hoạn lớn đốt sạch mọi thứ trong hướng đi của nó – trừ Kinh Thánh của cậu bé Evan. Các trang giấy chỉ bị cháy sém, vì vậy, cậu tiếp tục mang nó mỗi ngày và học thuộc lòng Kinh Thánh. Mỗi buổi sáng, Evan đứng ngay cửa của mỏ than để đưa một câu Kinh Thánh nào đó cho mỗi người thợ đi ngang để họ suy gẫm trong ngày làm việc của mình. Sau đó, khi cậu bé Evan nhìn thấy họ vào buổi tối, cậu sẽ hỏi: “Anh tìm thấy lẽ thật nào trong câu Kinh Thánh đó?”1 Khi những người đàn ông làm việc cực nhọc này đi ngang cậu bé dính đầy bụi than, họ không hề biết rằng Chúa sẽ sử dụng cậu để thay đổi quốc gia của họ như thế nào.
“CHÚA GIÊ-XU SẼ LÀM GÌ?”
Evan rất khác so với những cậu bé bằng tuổi mình. Cậu chưa bao giờ tham gia trong các môn thể thao, các trò giải trí hay đùa giỡn thô tục. Hằng ngày, cậu làm việc trong hầm mỏ, sau đó trở về nhà và đi một dặm đến Hội Thánh Moriah Chapel. Vào năm mười ba tuổi, Evan kinh nghiệm sự gặp gỡ đầu tiên của mình với Chúa. Đó là lúc Evan hứa nguyện dâng chính mình nhiều hơn cho công việc Chúa. Một câu nói đơn giản nhưng sâu sắc được nói ra từ bục giảng của Hội Thánh Moriah Chapel đã thay đổi cuộc đời của Evan. Câu nói “Chúa Giê-xu sẽ làm gì?” trở thành nỗi ám ảnh của cậu. Cậu tự hỏi lần nữa: “Tôi đã làm gì cho Chúa Giê-xu?” khi cậu hiến dâng chính mình cho công việc của Chúa.
Evan quá mãnh liệt trong việc dâng cuộc đời mình cho Chúa đến nỗi cậu đọc mọi thứ liên quan đến Chúa. Cậu dùng tiền mình kiếm được để mua nhạc cụ mà về sau cậu đã học cách chơi. Thực ra, cậu có thể thành công trong hầu hết mọi thứ cậu tra tay vào vì cậu đặt cả tấm lòng mình vào điều đó. Cậu xuất sắc trong một thời gian học nghề kinh doanh được mang đến cho cậu, và cậu vượt trội trong tính cách cá nhân. Cậu cũng là một nhà văn viết nhiều tác phẩm, rất nhiều bài thơ và bài văn của cậu được in trong tờ báo địa phương.
Trong khi những người khác cùng tuổi cậu thích thú với việc hẹn hò thì Evan lại thích ở trong Hội Thánh thảo luận Kinh Thánh với những người nam khác. Không lâu sau, các trưởng lão của Hội Thánh giao cho cậu trách nhiệm bắt đầu một nhóm thảo luận hàng tuần cho những thanh niên giống như cậu. Nhưng những thời gian vui vẻ này kết thúc đột ngột khi mỏ than Evan làm việc bị nổ. Những người nam độc thân là những người đầu tiên được giảm bớt trách nhiệm của mình. Vì vậy, vào năm 1898, Evan bắt đầu làm việc trong Mountain Ash, một thị trấn phía bắc của nơi cậu sinh sống. Cậu rời khỏi nhà mà không hề biết gì về sự chuẩn bị thuộc linh mà mình có được.
“TÔI ĐANG CHÁY VÀ ĐANG CHỜ ĐỢI MỘT DẤU HIỆU”
Vào thời điểm đó, chỉ một số ít người hiểu được quyền năng của sự cầu nguyện. Hầu hết những người đến nhóm như một cam kết về đạo đức, thay vì là một sự cam kết thuộc linh. Nhưng Evan không như thế. Vì lòng khao khát Chúa cách lạ thường, Evan đã dành thời gian nhiệt thành trong sự cầu nguyện và cầu thay. Cậu cầu nguyện nhiều đến nỗi khi đến năm hai mươi tuổi, cậu được một số người biết đến như một “kẻ mất trí thần bí”2. Các câu chuyện về cậu được truyền đi khắp nơi. Có nhiều lời xì xầm về việc nhìn thấy cậu đứng “như xuất thần” bên đường trong khi thốt ra những tiếng thở dài sâu kín khi miệng cậu cứ mấp máy không ra tiếng gì cả.3 Cũng có người nói rằng cậu suy gẫm Lời Chúa quá lâu đến nỗi cậu thường bỏ lỡ bữa tối. Thỉnh thoảng cậu thức đến nửa đêm để thảo luận và cầu nguyện với một người bạn về sự phấn hưng.
Nhiều mục sư lo lắng đã đến gặp Evan về cách hành xử không bình thường của cậu. Cậu chỉ trả lời họ rằng: “Nhưng Thánh Linh khuấy động con.” Trong suốt thời gian đó, nhiều người bạn cũng giới thiệu với cậu một bác sĩ chuyên khoa người Mỹ, bác sĩ Hughes. Vị bác sĩ này bảo các bạn của Evan rằng cậu đang bị “mắc chứng cuồng tôn giáo”. Một Cơ Đốc Nhân đã nói về Evan:
“Chúng tôi thường có một buổi đọc Kinh Thánh và cầu nguyện trước khi tắt đèn đi ngủ. Sau đó, tôi có thể nghe Evan kêu xin và rên siết trong Thánh Linh. Tôi không thể hiểu điều anh nói với Chúa là gì, một nỗi sợ thánh nào đó đã ngăn tôi hỏi anh.”
Dù nhiều người không hiểu phương cách của Evan, nhưng quyền năng thuộc linh mà cậu bày tỏ thật không thể nhầm lẫn. Một lần nọ, cậu đi đến Builith Wells để dự một buổi nhóm cầu nguyện mà cậu được mời đến. Tấm lòng của mọi người đã tan chảy vào lúc quyền năng được bày tỏ trong lời cầu nguyện của Evan. Sau buổi nhóm, vị mục sư đến gặp Evan và khuyên cậu hãy cân nhắc về chức vụ trọn thời gian.
Evan suy xét về điều đó và vâng theo tiếng gọi. Qua Hội Thánh của cậu, cậu phải giảng hai lần trong mười hai Hội Thánh cùng hệ phái, và các bài giảng của cậu đã được ủng hộ rất nhiều. Cậu đã kể cho một người bạn của mình rằng bí mật thiên đàng của cậu là: “Hãy xin sẽ được. Hãy thực hành một đức tin trọn vẹn và rõ ràng nơi lời hứa của Chúa về Thánh Linh.”5
Trong giai đoạn này, Evan đã viết thư cho một người bạn và nói: “Tôi đã cầu xin Chúa sẽ báp tem cho anh và tôi bằng Đức Thánh Linh.”6 Không lâu sau đó, cậu được đầy dẫy Thánh Linh đến nỗi chiếc giường của cậu bị rung. Sau đó, cậu được đánh thức mỗi đêm đến 1 giờ sáng để “tiếp tục mối thông công thiên thượng”. Cậu cầu nguyện bốn giờ đồng hồ, sau đó đi ngủ thêm 4 tiếng từ lúc 5 giờ, rồi cầu nguyện từ 9 giờ cho đến 12 giờ trưa.”
Vào tháng Mười Hai năm 1903, Evan nhận biết trong lòng rằng Chúa đã có chương trình cho một cuộc phấn hưng lớn cho cộng đồng xứ Wales. Trong lúc giảng tại Moriah, ông đã nói: “Tôi đã giơ tay ra và chạm vào ngọn lửa. Tôi đang cháy và đang chờ đợi một dấu hiệu.”7
Tôi xin đưa ra ý kiến ở đây. Cuộc phấn hưng phải ở trong lòng của bạn trước khi nó đến trên thế giới này. Mỗi cuộc phấn hưng không liên quan gì đến người sau cùng, nhưng nó liên quan đến người mang nó đến.
Nhà nguyện Moriah
Trong suốt thời gian này, các hệ phái ở xứ Wales đều đang cầu nguyện cho sự phấn hưng. Nhà nguyện Moriah có tín lý mạnh mẽ của John Calvin, vì vậy Evan cũng được dạy dỗ kỹ càng về tín lý của “con người, tội lỗi, và sự cứu rỗi.” Nhiều sinh viên trường Kinh Thánh buộc phải lắng nghe những diễn giả nổi tiếng trong hệ phái của họ và bắt chước phong cách giảng của họ. Nhưng Evan là một ngoại lệ. Dù ông được nhận vào trường Kinh Thánh, nhưng ông không thể hoàn thành việc học của mình vì lòng mong ước nung nóng rao giảng và cầu nguyện.
“XIN UỐN NẮN CHÚNG CON. XIN UỐN NẮN CHÚNG CON”
Đối với Evan Roberts, năm 1904 là một năm tranh chiến lớn. Ông bị giằng xé giữa việc làm theo điều mọi người mong đợi và việc đi theo điều ông cảm nhận là Thánh Linh Đức Chúa Trời muốn ông làm.
Sidney Evans, người bạn thân nhất của ông, đã tham dự một buổi cầu nguyện và quay trở về đầy phấn khởi. Ông nói với Evan cách mà ông đã hoàn toàn phó dâng đời mình cho công việc Chúa. Nhưng Evan phản ứng cách lạ thường. Ông sợ rằng mình không thể nhận được sự đầy trọn của Thánh Linh, ông đã bị trầm cảm – một cách mà nhiều người biết về ông trong suốt thời gian chức vụ. Ông suy nghĩ quá nhiều đến điều này đến nỗi không ai có thể yên ủi ông.
Sau đó, vào tháng Chín, những người bạn của Evan thuyết phục ông cùng đi với họ để nghe một nhà truyền giáo khổ hạnh tên là Seth Joshua. Dẫu không biết Evan, mục sư Joshua đã cầu nguyện nhiều năm xin Chúa dấy lên một “Ê-li-sê” khác từ một người ban đầu và “phủ trên người đó bởi quyền năng.”9 Và Joshua đã nhận được chính xác điều ông cầu xin. Khi cơn phấn hưng mạnh mẽ đến qua sự lãnh đạo của Evan Roberts, những diễn giả vĩ đại và cao quý của nước Anh và xứ Wales đã bị ép ngồi dưới chân của những thợ mỏ thô bạo và chăm chỉ để nhìn xem những công việc diệu kỳ của Chúa.
Evan vẫn giữ im lặng trong suốt buổi nhóm của Joshua. Nhưng khi vị mục sư bắt đầu cầu nguyện: “Xin uốn nắn chúng con! Xin uốn nắn chúng con!” Tâm linh Evan khuấy động bên trong. Sau buổi nhóm, cả nhóm đến nhà của Joshua để dùng điểm tâm, nhưng Evan từ chối không ăn. Ông cực kỳ căng thẳng và nghiêm nghị. Ông sợ rằng Đức Thánh Linh sẽ đến trên ông và ông không thể tiếp nhận Ngài. Vì thế, một lần nữa, Evan đặt mình vào tình trạng trầm cảm.
Theo quan điểm của tôi, điều này bày tỏ chàng trai trẻ này hiểu nhầm về đường lối của Đức Thánh Linh. Áp lực căng thẳng không bình thường mà ông đặt trên mình chỉ dẫn đến sự sai lầm về sau này. Đức Thánh Linh sẽ không bao giờ áp đặt chính Ngài trên bất kỳ ai cả. Ngài sẽ không bao giờ ban cho bạn một điều gì đó mà bạn không thể đón nhận hay bảo bạn phải làm điều nào đó mà bạn không thể làm. Đức Thánh Linh không phải là Đấng tra tấn linh hồn bạn, điều khiển bạn, hay áp đặt bạn vào sự cô lập. Ngài đến để ban quyền năng cho bạn để làm công việc Ngài. Chúa đến để chuyển giao sự dạn dĩ, nhạy bén và năng lực của Ngài. Mọi điều chúng ta cần phải làm là nói rằng: “Đức Thánh Linh ơi, xin Ngài hãy đến.” Nếu cuộc đời chúng ta cần sự điều chỉnh, Chúa sẽ bày tỏ những lãnh vực đó cùng với chương trình của Ngài để làm cho chúng được lớn lên. Vương quốc thiên đàng là công chính, bình an và vui mừng. Còn bất kỳ điều gì khác sẽ khiến bạn mất cân bằng.
Evan rời khỏi nhóm bạn của mình và quay trở về nhà thờ nơi mục sư Joshua tổ chức buổi nhóm. Trong lúc ở đó, ông bắt đầu đáp ứng với lời cầu nguyện lúc đầu của Joshua bằng việc kêu lớn với Chúa rằng: “Xin uốn nắn con! Xin uốn nắn con!” Trong lời cầu nguyện đầu phục hoàn toàn này, ông nhận được sự mặc khải về tình yêu của Chúa. Evan đầu phục theo ý muốn của Chúa trong ngày hôm đó và để lòng thương xót của Chúa đổ đầy ông. Kể về kinh nghiệm này, về sau ông đã nói: “Chính Chúa, trong việc tuôn đổ tình yêu của Ngài đã bắt phục tôi… Sau khi tôi được “bắt phục”, một làn sóng bình an và vui mừng đổ đầy trong lòng tôi.”10 Bây giờ, Evan cảm thấy sẵn sàng để trở thành sứ giả của Chúa.
Dù nhiều lần, dường như Evan Roberts không được thúc đẩy đến những điều thuộc về Chúa một cách tự nhiên, nhưng cũng có thể nói rằng ông mang lấy một tình yêu thương lớn lao cho Đức Thánh Linh và sự vận hành của Ngài trên đất này.
MỘT CÁNH TAY VƯƠN RA TỪ MẶT TRĂNG
Evan không phải là người thường được ban cho nhiều khải tượng. Ông nhận khải tượng đầu tiên vào tháng Mười năm 1904.
Trong lúc đang đi dạo trong vườn với Sidney Evans, Evan để ý thấy Sidney đang mê mẩn ngắm nhìn mặt trăng. Vì vậy, Evan nhìn lên trời và hỏi: “Anh đang nhìn gì thế? Anh thấy gì?” Bất thình lình, Evan cũng nhìn nữa. Ông nhìn thấy một cánh tay dường như đang vươn ra từ mặt trăng, vươn đến xứ Wales.
Evan đã từng nhiệt thành cầu nguyện cho hàng trăm ngàn linh hồn được thêm vào Vương quốc Chúa, và ông nhận được khải tượng hiếm có này như một câu trả lời trực tiếp cho sự cầu nguyện của ông. Bây giờ, thậm chí ông càng quyết tâm hơn trong việc bắt đầu chức vụ của mình. Ông đã sẵn sàng để dâng tất cả thời gian và tiền bạc của mình cho công tác đặt trước mặt ông. Câu nói của ông: “Chúng ta không thể làm gì nếu không có Đức Thánh Linh”11, đã đặt thứ tự ưu tiên cho phần còn lại trong chức vụ của Evan.
Thỉnh thoảng điều đó hiệu quả, trong khi những lần khác lại mang tính quá khích.
Vì nóng cháy cho Đức Thánh Linh, đôi khi Evan dường như đảm nhiệm sự bênh vực cá nhân cho Ngài. Một lần nọ trong lúc ngồi trong buổi nhóm, ông nhảy lên, cắt ngang bài giảng, và lên án những người trong hội chúng đã không thành thật và hết lòng.12 Những người bạn của ông lo lắng, trong khi những người khác dán nhãn cho ông là một kẻ mất trí. Cũng nhanh như lúc Evan chuyển sang quá khích, ông thường cũng bình tĩnh và hướng dẫn những người xung quanh về cách để có được sự bình an với Chúa.
CÁC CHÌA KHÓA THẤT LẠC
Cuối cùng, Evan cũng có được sự ủng hộ để bắt đầu một loạt buổi nhóm nhỏ. Điều bắt đầu vào ngày 31 tháng Mười như một buổi nhóm nhỏ của Hội Thánh đã phát triển thành một cơn phấn hưng lớn và kéo dài hai tuần!
Cả nhóm bắt đầu với vài tín hữu hết lòng chăm chú lắng nghe sứ điệp của Evan. Thay vì đứng đằng sau bục giảng, nhà phấn hưng trẻ tuổi này đi lên đi xuống lối đi giữa của nhà thờ, giảng và đặt câu hỏi cho những người ngồi trên ghế. Điều này chưa ai biết đến trong thời của ông. Mục tiêu của những buổi nhóm ban đầu đó là để dốc sức huấn luyện những người cầu thay cho cơn phấn hưng sắp xảy ra. Evan thành công trong mục tiêu của mình. Ông tin rằng cơn phấn hưng sẽ đến qua sự nhận biết về Đức Thánh Linh và người đó phải “đồng làm việc” với Thánh Linh để có thể vận hành trong quyền năng của Ngài. Ngay cả thiếu nhi cũng được huấn luyện để cầu nguyện vào buổi sáng và buổi tối để xin Chúa “sai Thánh Linh đến với Hội Thánh Moriah vì cớ Chúa Giê-xu Christ!”
Không lâu sau, các buổi nhóm trở nên sôi nổi, và Evan gửi lời đến trường Kinh Thánh xin thêm nhân lực. Nhiều sự khuấy động cầu thay mạnh mẽ lan khắp căn phòng trong mỗi buổi nhóm, và nhiều lần các buổi nhóm kéo dài quá nửa đêm. Một lần nọ, Evan cầu nguyện cả đêm với một hội chúng và không trở về nhà mãi đến sáng hôm sau. Nhóm nhỏ cầu thay này được dẫn dắt bởi nhà truyền giáo trẻ tuổi đã thay đổi cả cộng đồng đó. Một số buổi nhóm kéo dài đến 4 giờ sáng với nhiều đám đông tụ họp bên ngoài cho buổi cầu nguyện lúc 6 giờ sáng. Hai năm sau, tất cả mọi người ở xứ Wales đều biết đến tên của Evan Roberts.
Trong cơn gió lốc phấn hưng này, Evan không muốn được công nhận là người lãnh đạo của cơn phấn hưng. Ông kịch liệt phản đối bất kỳ người nào tìm đến ông theo cách như thế và thậm chí ông từ chối được chụp hình. Có người nói, một lần nọ ông thậm chí trốn phía sau bục giảng khi một thợ chụp ảnh tạp chí bước vào buổi nhóm với một cái máy chụp hình. Kết quả là, những tấm hình chúng ta có về Evan đều là của gia đình.
Tháng Hai, 1905
Các buổi nhóm của Evan được đánh dấu bằng việc cười, khóc, nhảy múa, vui mừng và tan vỡ.13Không lâu sau, nhiều tờ báo bắt đầu kể về những điều đó, và cơn phấn hưng trở thành câu chuyện của quốc gia. Một số phóng viên cũng tin Chúa trong các buổi nhóm. Cơn phấn hưng lan ra nhanh chóng khắp xứ Wales. Không lâu sau, các quán rượu và rạp chiếu phim đều đóng cửa. Những người từng hành nghề mại dâm bắt đầu theo học Kinh Thánh. Nhiều người bắt đầu trả nợ lâu đời của họ. Và những người từ phung phí tiền bạc cách ích kỷ cho rượu chè đột nhiên làm việc chăm chỉ và giúp đỡ gia đình mình. Các buổi nhóm phấn hưng ở xứ Wales không có ban hát hay nghi lễ đặc biệt. Không có dâng hiến, không có thánh ca, không có các ban ngành, không có người hướng dẫn hát, không có quảng cáo. Những người lãnh đạo từ các hệ phái đói khát Chúa đều đến tham dự các buổi nhóm. Có người thuật lại rằng trong một thành phố, tất cả các mục sư đều trao đổi bục giảng của mình trong một ngày nhằm cố gắng phá vỡ các bức tường hệ phái và thiết lập sự hiệp một. Ngay cả những người nữ cũng được chào đón để dự phần. Cho đến thời điểm này, những người phụ nữ xứ Wales từng bị cấm không được tham gia vào vai trò công khai nào trong Hội Thánh, nhưng bây giờ có thể nhìn thấy họ cầu nguyện và ngợi khen cách cởi mở. Cuối cùng, Evan thậm chí khích lệ phá bỏ những rào cản chủng tộc và quốc gia.
Cơn phấn hưng xứ Wales được thiết lập trên bốn điểm: (1) Xưng mọi tội mình nhận biết, (2) Tra xét mọi điều thầm kín và những điều đáng ngờ, (3) xưng nhận Chúa Giê-xu một cách công khai, (4) Cam kết bằng lời rằng bạn sẽ hoàn toàn vâng lời Đức Thánh Linh.
Evan Roberts đã khám phá ra những chìa khóa dẫn đến phấn hưng. Và nếu những chìa khóa này là quan trọng vào thời bấy giờ, thì ngày nay chắc chắn chúng cũng là điều quan trọng. Tôi tin rằng “sự ăn năn” là một từ mà ngày nay đã bị lu mờ. Nó đã bị mất nhiều ý nghĩa có liên quan đến các vấn đề xã hội và thái độ sai trật. Nhiều người quá bị cuốn theo luật về ân điển và lòng thương xót của Chúa đến nỗi họ bỏ qua phần còn lại trong luật pháp của Ngài. Ân điển và thương xót không cho phép chúng ta sống bất cứ cách nào mà mình muốn. Chúng ta không sống dưới ân điển và sự thương xót rẻ tiền. Sự công chính mà chúng ta nhận được khi tin Chúa được mua bởi huyết của Chúa Giê-xu – một cái giá lớn đến nỗi không đủ lời diễn tả. Nếu chúng ta không vâng lời, chúng ta sẽ không nhận được. Sự ăn năn mang chúng ta vào trong vương quốc Đức Chúa Trời, và ăn năn giữ chúng ta cứ tiếp tục di chuyển với đám mây của Ngài.
Cũng vậy, chúng ta phải yêu mến Chúa hơn bất cứ điều gì khác. Khi tôi còn nhỏ, tôi cảm thấy mình phải ngừng chơi bóng rổ. Không có gì sai với bóng rổ cả. Nhưng vào thời điểm đó, tôi biết điều Chúa kêu gọi tôi làm, và dường như tôi thích bóng rổ hơn việc cầu nguyện. Vì vậy, tôi đã ngừng chơi bóng rổ. Chúa đã sắp đặt một chương trình cho cuộc đời tôi. Tôi đồng ý với điều đó, và sự cầu nguyện trở thành sức mạnh thúc đẩy cuộc sống tôi. Việc tận hưởng cuộc sống là điều tốt. Bạn chỉ cần bảo đảm rằng mình không yêu mến cuộc sống này hơn Chúa thôi.
“CHÚA KHIẾN TÔI TRỞ NÊN MẠNH MẼ VÀ TRƯỢNG PHU”
Các buổi nhóm của Roberts không giống như bất kỳ buổi nhóm từng có ở xứ Wales. Một buổi nhóm nọ bắt đầu với hai cô gái đứng trên bục giảng. Một người cầu nguyện và kêu gọi mọi người hãy đầu phục Đức Thánh Linh. Sau đó, người kia bắt đầu làm chứng bằng lời hát trước khi khóc. Họ gọi điều này là “làm nóng bầu không khí.”14 Nếu hội chúng thắc mắc vì sao Evan Roberts không lên sân khấu sau khi hai cô gái đó kết thúc, họ chỉ cần nhìn vào ông. Ông đang quỳ gối, khóc lóc và nài xin Chúa. Nhiều người nói rằng không phải nhờ tài hùng biện của Evan Roberts mà làm tan vỡ những người đàn ông khác – nhưng là do những giọt nước mắt của ông. Trong quyển sách Con đường Azusa, Frank Bartleman đã trích dẫn một câu nói của một nhân chứng: “Roberts có thể ngã trên bục giảng trong sự đau đớn tột cùng, trong khi nhiều người trong đám đông ngất đi.”
Điều thường thấy trong các buổi nhóm của Evan là nhiều thành viên trong hội chúng đột nhiên quỳ gối và lớn tiếng cầu nguyện. Những làn sóng vui mừng và đau buồn cứ tuôn đổ vào hội chúng. Nhiều người nữ quỳ gối xuống và nhiều người nam nằm ở giữa lối đi khóc lóc, cười lớn và cầu nguyện. Trong những lúc đó, không có phần đọc Kinh Thánh hay chơi nhạc. Một vài người được cảm động đứng lên và hát thánh ca. Thậm chí hội chúng đắm chìm trong sự hiện diện của Chúa đến nỗi họ quên về nhà để ăn tối. Điều này chưa từng được biết ở miền Nam xứ Wales vào thời đó. Ngày tháng trôi qua, buổi nhóm tối trở thành buổi cầu nguyện liên tục. Mọi người có thể thấy Evan đi lên đi xuống lối đi ở giữa nhà thờ, vung tay, vỗ tay và nhảy lên nhảy xuống.
Dù sự thành công của ông đã trở thành chủ đề của cả nước, nhiều người vẫn không biết nên nghĩ gì về Evan Roberts. Họ từng quen với cái nhìn bùng cháy của những diễn giả thời xưa, và Evan lại chưa bao giờ cất cao giọng của mình. Đôi khi ông được gọi là “diễn giả im lặng”. Nếu Evan không cảm nhận sự xức dầu để giảng, ông sẽ im lặng. Một lần nọ, Evan ngồi trên hàng ghế đầu ba hay bốn giờ đồng hồ, sau đó chỉ đứng lên giảng trong 15 phút.
Cũng trong ngày đó, hầu hết mọi người thường quen với những diễn giả có khuôn mặt mộc và trang nghiêm. Nhưng Evan luôn ngược lại. Khuôn mặt của ông luôn tươi cười. Một lần nọ, khi một mục sư đọc từ một danh sách ba mươi ba người tin Chúa, Evan khoanh tay lại và la lên: “Điều này không tuyệt vời sao?”
Kết quả của cơn phấn hưng, nhiều cửa hàng địa phương không có đủ Kinh Thánh trong tiệm. Ngành công nghiệp khai thác than cũng mang một dáng vẻ mới. Những con ngựa thồ từng được huấn luyện trước đây để đáp ứng với sự hướng dẫn bao gồm lời tục tĩu. Nhưng bây giờ, với nhóm người thợ mỏ được tái sanh, họ nhận thấy những con ngựa của mình cần phải được huấn luyện lại vì các con vật không biết cách tuân theo mạng lệnh thông thường mà không có lời chửi rủa trong đó.
Dĩ nhiên, có một mối lo thường lệ. Mọi người xì xào vì cớ dường như không có trật tự trong giờ nhóm. Và Evan làm việc ngày đêm không ngưng nghỉ. Một lần nọ, khi được hỏi về điều này, ông trả lời:
“Mệt ư? Không lần nào cả. Chúa đã khiến tôi trở nên mạnh mẽ và trượng phu. Tôi có thể đương đầu với hàng ngàn người. Thân thể tôi đầy năng lượng ngày và đêm và tôi không ngủ trước khi tôi trở lại trong các buổi nhóm lần nữa.”15
Có một tư liệu thực tế ghi lại rằng Evan Roberts ngủ và ăn rất ít trong suốt hai tháng đầu của cuộc phấn hưng lớn này. Thực tế, ông chỉ ngủ hai hay ba tiếng mỗi đêm.
HÃY NGHE ĐIỀU NÀY: NGHỈ NGƠI
Để có thể tiếp tục bước đi trong Thánh Linh, chúng ta phải vâng theo các quy luật chung mà Chúa đã thiết lập. Một trong những quy luật đó là chăm sóc thân thể của chúng ta. Dẫu sự thật rằng Thánh Linh là Đấng vĩ đại hơn xác thịt, nhưng nếu chúng ta không chăm lo cho phần xác trong lúc còn trên đất này thì thân thể sẽ bị suy yếu, hoặc thậm chí sẽ chết. Nếu thân thể này chết, phần tâm linh phải rời đi. Chúa đã thiết lập quy luật chung này để nói rằng thân thể chúng ta cần sự nghỉ ngơi và thức ăn đầy đủ. Chính Chúa cũng nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy sau công cuộc sáng tạo, thiết lập nguyên tắc này cho chúng ta.
Khi tôi đang ở trong sự xức dầu, sự xức dầu đó ảnh hưởng trên mọi phần của tôi. Thân thể tôi cảm thấy mạnh mẽ, và tâm trí tôi đầu phục với ý muốn Chúa. Vì sao? Vì sự xức dầu mang đến sự sống. Tuy nhiên, các nhu cầu thể chất của cơ thể tôi vẫn tiếp tục, cho dù có sự xức dầu hay không. Máu của tôi vẫn cần ô-xy và chất dinh dưỡng, và tâm trí tôi vẫn cần nghỉ ngơi. Chúng ta chưa ở trong thân thể đã được làm cho vinh hiển. Vì vậy, những nhà phấn hưng trưởng thành phải học cách chăm lo cho thân thể của mình. Bạn có thể sống vậy với tâm linh mình, vận hành trong sự xức dầu, và có sự nghỉ ngơi mà bạn cần. Đức Thánh Linh sẽ không bao giờ thúc ép bạn – Ngài dẫn dắt bạn. Bạn không thể đi theo Chúa và lắng nghe Ngài một cách chính xác nếu cơ thể của bạn kiệt quệ và mệt nhoài. Áp lực và nhu cầu lúc nào cũng có khi phấn hưng xảy ra vì con người sẽ nhận biết được tình trạng thuộc linh của mình. Một nhà phấn hưng cần phải biết cách lãnh đạo và nghỉ ngơi để có thể tiếp tục là công cụ đầy sự sống của Chúa. Tôi tin rằng một trong những lý do chính mà chức vụ của Evan Roberts bị rút ngắn là vì ông đã không học biết nguyên tắc này.
Evan đã sớm bày tỏ nhiều dấu hiệu căng thẳng về cảm xúc. Nhưng bất kể sự quá tải đó, ông vẫn tiếp tục đi từ thị trấn này đến thị trấn khác và khuyên nài cư dân ở đó nghĩ về người hư mất.
Bất cứ khi nào những người bạn khích lệ ông nghỉ ngơi thì ông đều phản ứng dữ dội với họ. Dù thân thể ông nhanh chóng suy yếu, quyền năng Chúa vẫn tiếp tục đáp ứng với sự đói khát của mọi người. Một tờ báo đã tường thuật rằng trong lúc một số người la lớn với sự cáo trách thì một số khác run lên.16
BÀY TỎ SỰ THIÊN THƯỢNG
Thật là một trải nghiệm siêu nhiên khi ở trong buổi nhóm của Evan Roberts. Ông có khả năng dẫn đưa vào sự hiện diện của Đức Thánh Linh gần như là một sức mạnh hữu hình. Ông khiến những người đến Hội Thánh bình thường ý thức về thế giới thuộc linh, đặc biệt trong khía cạnh tinh sạch và thánh khiết đối với Chúa. Vì hiếm khi giảng, nên Evan để cho ba nữ ca sĩ – Annie Davies, Maggie Davies, và S. A. Jones – đi cùng với ông. Nhiều lần, họ hát cho hội chúng nghe một sứ điệp được Chúa cảm động. Evan sẽ quở trách bất kỳ ai cố gắng làm im lặng tiếng hát đó. Ông tin rằng Đức Thánh Linh cần phải có vai trò chính yếu và không ai có quyền xen ngang Ngài. Ông cảm thấy rằng nếu làm như vậy sẽ mời gọi một dạng thẩm quyền và sự kiểm soát sai trật.
Đối với Evan, Đức Thánh Linh không phải là một thế lực không thể nhìn thấy, nhưng là một Đấng Thánh cần được ngợi khen và tôn cao trong quyền của Ngài và phải được vâng phục hoàn toàn. Thậm chí có thời điểm khi một hay hai người trong hội chúng không dự phần, Evan sẽ đứng dậy và nói: “Thánh Linh không thể ở với chúng ta lúc này.”17 Sau đó, nhiều lần ông sẽ rời khỏi buổi nhóm.
Nhiều dân cư từ các thị trấn địa phương và những cộng đồng lân cận thường đổ xô vào các tòa nhà có buổi nhóm của Evan. Trong một thị trấn có dân số ba ngàn người, hơn một ngàn người sẽ tham dự buổi nhóm. Nếu họ không đến sớm để có ghế ngồi, thì những người còn lại bên ngoài chỉ có thể xem thoáng qua. Điều đáng ngạc nhiên, nhiều phóng viên báo chí ghi rằng nhiều cộng đồng chưa từng nhìn thấy nhiều du khách như khi Evan Roberts vào thị trấn.
Chẳng mấy chốc, tiếng nói của cơn phấn hưng này lan đến nhiều quốc gia khác. Nhiều người từ Nam Phi, Nga, Ấn Độ, Ai-len, Na-uy, Canada, và Hà Lan đều kéo đến xứ Wales. Một nhóm người Mỹ đã đến chỉ để nói: “Tôi đã ở đó khi các phép lạ xảy ra.”18 Nhiều người đến mang theo một phần của cuộc phấn hưng này trở về quốc gia của họ. Trong suốt thời gian đó, một nhà truyền giáo và là nhà báo của California tên là Frank Bartleman đã viết thư cho Evan và hỏi làm thế nào để mang cơn phấn hưng đến nước Mỹ. Evan trao đổi qua lại nhiều lần với Bartleman, mỗi lần liệt kê các nguyên tắc cho sự phấn hưng trong khi khích lệ ông hãy theo đuổi điều đó, và bảo đảm với ông về lời cầu nguyện của những người ở xứ Wales. Bartleman về sau trở thành công cụ trong việc ghi lại những sự kiện Phấn hưng ở Đường Azusa được bắt đầu tại miền Nam California năm 1906. Không hề nghi ngờ rằng cuộc phấn hưng ở xứ Wales đã bắt đầu một sự đói khát Chúa trênkhắp thế giới.
Bà Roberts, Evan Roberts Home Loughor, Ông. Roberts, Ông Evan Roberts
Đài kỷ niệm Roberts
Nhà phấn hưng xứ Wales
Roberts và những nữ ca sĩ của ông
Evan Roberts ngồi ở hàng ghế sau với bạn của ông.
HOANG MANG VÀ SUY SỤP
Vào năm 1905, tâm trí Evan Roberts trở nên hoang mang. Ông thường nói rằng ông muốn bước vào “sự chịu khổ của Chúa.” Đôi khi, ông bắt đầu buổi nhóm với sự nhẹ nhàng và vui mừng, rồi đột nhiên nhảy lên, vẫy tay, và quở trách gay gắt những người không có tấm lòng trong sạch. Sau đó, ông đe dọa rằng sẽ rời khỏi buổi nhóm. Ông nói với bạn của mình, Sidney Evans, rằng ông e ngại mình nói những lời không đến từ Chúa. Ông đã nghe nhiều tiếng nói, và đôi khi ông không biết chắc rằng tiếng nói nào là của Chúa và tiếng nói nào là của ông.19 Ông cũng liên tục tra xét mình xem có tội nào chưa xưng ra hay không. Nỗi sợ lớn nhất của ông là mọi người sẽ tôn cao ông thay vì tôn cao Chúa.
Khi cơn phấn hưng tiếp tục và nhiều nhu cầu dần xuất hiện, Evan bắt đầu vận hành trong nhiều ân tứ của Thánh Linh. Do thiếu hiểu biết, nhiều người gọi Evan là nhà ngoại cảm, vì họ không hiểu làm thế nào mà ông lại quá chính xác về mặt thuộc linh. Nhưng thay vì ngừng lại để dạy mọi người về các ân tứ Thánh Linh, Evan chỉ cứ tiếp tục vận hành trong những điều đó.
Đôi lúc, Evan đang giảng rồi đột ngột dừng lại. Ông nhìn lên ban công và la lên rằng có một ai đó cần sự cứu rỗi. Chỉ trong vài giây, có một người quỳ gối và kêu khóc trong sự ăn năn với Chúa. Điều này thường xảy ra trong các buổi nhóm của ông.
Thỉnh thoảng, Evan sẽ nêu lên một tội cụ thể nào đó đang có và kêu gọi sự ăn năn ngay tức thì. Những lần khác ông sẽ biết một người nào đó bên ngoài tòa nhà đang đau đớn trước mặt Chúa. Evan sẽ đột ngột rời khỏi tòa nhà, đi thẳng xuống đường và tìm ra người đó đang quỳ gối khóc lóc với Chúa.
Nhiều tiếng nói Evan nghe thấy bắt đầu quấy rầy ông rất nhiều. Nhưng thay vì nhận sự tư vấn từ những người lãnh đạo trưởng thành, ông chọn đi theo những dấu hiệu và phớt lờ trạng thái bực bội bên trong. Chính thời điểm này là lúc Evan Roberts trải qua sự suy sụp cảm xúc lần đầu tiên của ông. Ông bị ép phải ở trong nhà của một người bạn và hủy bỏ các buổi nhóm.
“CÁC CHƯỚNG NGẠI VẬT ĐANG ĐẾN… VÀ ĐANG ĐI”
Khi mọi người nghe về việc hủy bỏ buổi nhóm của ông, họ bị tổn thương và bị xúc phạm. Dù vẫn còn nhiều mệt mỏi, Evan đã bị ảnh hưởng bởi áp lực của họ và sắp xếp lại buổi nhóm.
Nhưng như dự kiến, tại buổi nhóm ông đã loáng choáng trong tâm trí và quở trách đám đông gay gắt. Thậm chí, ông bắt đầu nêu ra “các chướng ngại vật đang đến” và “các chướng ngại vật đang đi”. Mọi người trở nên quan tâm nhiều hơn đến sự xung đột khi ông đề cập đến lòng khao khát Chúa của họ. Sau điều đó, nhiều lời phàn nàn và chỉ trích vây xung quanh Evan từ mọi phía trong xứ Wales. Họ gọi ông là “nhà thôi miên”, “kẻ thích phô trương” và “kẻ tà đạo”. Bằng sự trả thù, Evan bắt đầu kết tội toàn thể hội chúng vì tấm lòng nguội lạnh của một hay hai người bày tỏ trong giờ nhóm của ông. Một lần kia, thậm chí ông đã loại bỏ “linh hồn” của một người và ngăn cấm bất kỳ ai cầu nguyện cho anh ta.
Sự buộc tội và chỉ trích lan rất nhanh. Mỗi ngày đều có thêm những lời cáo buộc mới, đầy cay đắng trong các tờ báo và thư từ. Và mỗi buổi nhóm mới đều đầy những người theo thuyết bất khả tri hay công kích là những kẻ gọi ông là “người mang lửa giả dối” hay “kẻ phỉ báng”. Nhiều người bạn cố gắng bào chữa cho những hành động của ông, nói rằng ông là mục sư còn trẻ, thiếu kinh nghiệm và khó tránh khỏi việc “phạm sai lầm của người trẻ.”
Không lâu sau, Evan Roberts trải qua sự suy sụp về cảm xúc và thể xác một lần nữa. Như nhiều kẻ chỉ trích ông mong muốn, Evan đã hủy mọi buổi nhóm của mình. Ông bị cho là không cân bằng, và những người tin Chúa trong cơn phấn hưng bắt đầu tự hỏi là họ có bị Sa- tan lừa dối hay không. Để đối phó với sự bùng phát đó, một nhà tâm lý học đã kiểm tra việc Evan đã đưa ra lời nhận xét này: “Các cơ quan của chúng ta không thể hỗ trợ những căng thẳng và cú sốc tàn bạo thế này, gây chấn động các dây thần kinh và làm cho trí não và thân thể này kiệt quệ.”20 Với điều này, Evan đã im lặng trong một thời kỳ.
VINH QUANG LỚN THÌ CĂNG THẲNG NHIỀU
Không để bị thua kém bởi những người phê bình, công chúng ủng hộ vẫn gửi tràn ngập các yêu cầu cho thư ký của Evan để xin Evan đến giúp đỡ. Sau một thời gian nghỉ ngơi ngắn, ông chấp nhận những lời mời, và ông công bố một kế hoạch các buổi nhóm trên nhiều tờ báo.
Vào ngày nhóm đầu tiên của ông, các con đường đều đầy ắp người. Hàng trăm người đến từ sớm để có chỗ ngồi. Khi giờ nhóm chuẩn bị bắt đầu, thư ký của ông bước lên và đọc lời của Evan: “Hãy nói với mọi người rằng tôi sẽ không đến buổi nhóm này. Thánh Linh ngăn không cho tôi đến và tôi không thể nói.”21 Có nhiều tiếng kêu khóc trong thất vọng và giận dữ. Thậm chí nhiều người bạn của Evan cũng không thể giúp đỡ được “sự dẫn dắt này của Thánh Linh”.
Evan tự nhốt mình trong phòng để dành thời gian đọc Lời Chúa và cầu nguyện. Sau một kỳ nghỉ ngắn khác, ông trở lại với chức vụ công khai. Lần này các kết quả trông giống như những ngày đầu của cuộc phấn hưng. Evan thấy mình giống như “vị sứ giả đặc biệt của Chúa, người sẽ khuấy động nhiều Hội Thánh cho nhiệm vụ cứu dân tộc này.”22
Một lần nữa, sự chỉ trích gay gắt nổi lên. Không còn được biết đến vì sự mềm mại của mình nữa, Evan đã công khai quở trách những người lãnh đạo và nói về một Hội Thánh cụ thể mà ông đang chăm sóc rằng nó không “được thiết lập trên Vầng Đá.” Một đòn nặng nề giáng trên buổi nhóm của các quý ông trong cùng Hội Thánh này khi Evan thay thế cho vị mục sư vắng mặt, đứng trước hàng trăm người nam đang bối rối. Khi ông đến, ông không bước lên bục giảng, nhưng chọn cách ngồi im lặng trên ghế của mình trong hai giờ đồng hồ. Khi những mục sư ở đó bắt đầu chỉ trích công khai, Evan đứng dậy và ra khỏi Hội Thánh. Khi vị mục sư quay trở lại, ông đã thề rằng các buổi nhóm sẽ tiếp tục trong sự bình an và nài xin các mục sư hãy hành xử một cách bình an. Khi Evan lên diễn đàn tối hôm đó, ông cười và hô hào họ hãy học theo Người Chăn thật trong Ê-xê-chi-ên 34.23
Vì tình trạng sa sút của ông, những tổn thương về cảm xúc trở nên khó chữa lành hơn. Ông cảm thấy bị quấy rầy rất nhiều bởi những điều nhỏ nhặt. Ông quá nhạy cảm khi nghe nói về những người tin Chúa “hùa theo ma quỷ” hay “đi theo những người chữa lành hay các nữ tiên tri.” Hậu quả là, ông bị trầm cảm trong hầu hết thời gian.
Thời điểm khủng hoảng trong sự sa sút của Evan Roberts đến khi ông trở về phía Bắc xứ Wales vào mùa hè năm 1906. Ông được mời đến tham dự một hội nghị Phục sinh kiểu Keswick dành cho các mục sư và nhà lãnh đạo Hội Thánh. Chính lúc ở đó, Evan nói về điều mà ông đã gọi là “gánh nặng mới” của mình, đó là việc đồng nhất với Đấng Christ qua sự chịu khổ.24 Không lâu sau, một lần nữa ông trở nên vô cùng kiệt sức và suy nhược.
GIÊ-SA-BÊN XEN VÀO
Tại buổi nhóm ở Keswick, bà Jessie Penn-Lewis đã tự giới thiệu mình với Evan. Bà Penn-Lewis là một phụ nữ giàu có và có ảnh hưởng trong xã hội ở nước Anh. Bà cũng là một mục sư, nhưng chức vụ của bà đã bị người dân xứ Wales khinh dễ về các xung đột tín lý nghiêm trọng. Họ khước từ sự dạy dỗ “chịu khổ” của bà và hủy bỏ chức vụ của bà trong đất nước của họ.
Khi bà Penn-Lewis nghe về sứ điệp trên thập tự giá của Evan, bà kết thân với ông để có được sự chấp nhận của ông. Và bà kể với bạn bè mình rằng bà cảm thấy Evan “đã bị quá tan vỡ và cần một sự giải thoát nào đó.”25 Sau đó, bà thuyết phục Evan về vị trí của mình trong khi nêu ra sự dạy dỗ xuất sắc của ông và sự thiếu công bằng mà ông đang chịu đựng vì cớ điều đó. Trong tình trạng yếu đuối của mình, Evan không chống nổi ảnh hưởng của bà. Chưa đến một tháng sau khi đồng hành cùng Penn-Lewis, Evan đã phải chịu lần suy nhược thần kinh nghiêm trọng thứ tư.
Ông Bà Penn-Lewis
Những lá thư mới được khám phá gần đây cho thấy Penn- Lewis đã có những động cơ kín đáo với Evan Roberts. Bà dùng tên của ông nhiều lần trong khi bào chữa cho phương cách và niềm tin của mình. Bà cũng nói với nhiều mục sư ở xứ Wales rằng bà quá bị tổn thương bởi ý kiến của họ về bà và tín lý của bà rằng bà sẽ không quay lại đất nước của họ nữa. Và bà nói thêm rằng tốt nhất Evan nên ra khỏi xứ Wales, vì giống như bà, ông “quá tan vỡ nên không thể làm được gì.”26 Sau khi Penn-Lewis nói điều này, Roberts đã bị chuyển đi cách nhanh chóng và im lặng bằng tàu lửa ra khỏi quê nhà yêu dấu và nơi ông được kêu gọi. Penn-Lewis cùng với chồng bà đã đem Evan rút về điền trang của họ ở Anh, có tên là Woodlands. Sau đó, họ xây dựng căn nhà mới theo nhu cầu của Evan Roberts. Họ xây cho ông một phòng ngủ, một phòng cầu nguyện và một cầu thang riêng cho ông. Chính nơi đó là nơi mà nhà truyền giáo vĩ đại bị bệnh liệt giường.
I CÁC VUA 21?
Trong lúc ở Woodlands, Penn-Lewis đến thăm Evan mỗi ngày. Evan kính cẩn lắng nghe khi bà kể với ông về các lỗi lầm và phán đoán sai mà bà cảm nhận ông đã làm trong lúc thi hành chức vụ. Nhưng Evan không thể nhận biết rằng mọi điều người phụ nữ này nói đều dựa trên quan điểm của bà.
Khi Penn-Lewis ngồi bên cạnh giường của Evan, bà đã hỏi ông về các ân tứ thuộc linh vận hành qua ông. Bà khẳng định rằng sự trầm cảm của Evan là nguyên nhân từ việc vận hành ân tứ thuộc linh này. Phản đối kịch liệt các ân tứ được ban cho Evan, Penn-Lewis đã thuyết giảng rằng nếu ông không hoàn toàn đóng đinh xác thịt thì ông bị lừa dối. Bị lên án quá nhiều, cuối cùng Evan đồng ý rằng tất cả những sự vận hành siêu nhiên mà ông đã kinh nghiệm không thể là điều thuộc về Chúa. Bên cạnh đó, việc làm bối rối đám đông, Evan cũng kết luận rằng ông đã bị lừa dối bởi những sự vận hành siêu nhiên đó.
Từ thời điểm này trở đi, Evan xác định từ sự tư vấn của bà Penn-Lewis rằng ông không còn tin vào bất kỳ sự vận hành siêu nhiên nào nữa. Và ông kết luận rằng để Đức Thánh Linh có thể hành động qua một tín hữu thì người đó phải có sự khôn ngoan và kinh nghiệm lớn hơn điều mà người đó sở hữu. Tình trạng suy sụp của nhà phấn hưng này vô cùng mỏng manh và càng bị nản lòng nhiều hơn bởi sự kích động và đâm chọt của Penn-Lewis.
Tôi tự hỏi liệu Evan có bao giờ suy nghĩ về hàng ngàn người đã trở về với Chúa và được tái sanh vì cớ những ân tứ đó không. Liệu ông có thể nhớ vô số người đến từ nhiều quốc gia để nhận được chức vụ của ông và mang nó về quốc gia của họ không? Không nghi ngờ gì khi ông đã nghe về những lời tường thuật tuyệt vời từ các quốc gia của họ.
Tôi tự hỏi liệu ông có nghĩ về rất nhiều người, khao khát được Chúa đụng chạm, những người đứng ngoài đường vì ông từng là người vô cùng trong sáng để Đức Thánh Linh sử dụng hay không. Ông có bao giờ suy nghĩ về việc thiếu nghỉ ngơi của mình – không phải thiếu lòng tận hiến – đã khiến ông hoang mang hay không? Ông có nghĩ về những sai lầm mình đã phạm phải từ việc kiệt sức đã kết thúc toàn bộ bông trái trong chức vụ của mình không?
Nếu Evan Roberts từng suy nghĩ về những điều này, thì suy nghĩ đó sẽ không bao giờ trở thành hành động. Do đó, sự trang bị thuộc linh đến như là kết quả của sự kêu gọi của ông đã bị hủy hoại nghiêm trọng cho bất kỳ sự bày tỏ nào trong tương lai.
CHỨC VỤ TRÊN TÒA GIẢNG? KHÔNG BAO GIỜ CÓ NỮA
Vì đối diện với quá nhiều sự phê bình về việc làm của mình với Evan, bà Penn-Lewis đã viết thư gửi cho một nhà phấn hưng đáng kính. Trong lá thư, bà kể rằng Evan Roberts cần phải “được bảo vệ an toàn” và ông đang tăng trưởng ở “mức tuyệt vời, nhìn thấy cách ông từng bị lạc lối như thế nào.” Về sau, bà viết cho vị mục sư đó, lần này kể rằng Evan đã tăng trưởng về mặt thuộc linh và bà có thể thấy hai người họ đều “được huấn luyện đặc biệt cho một công tác đặc biệt.”27
Theo quan điểm của tôi, dường như bà Penn-Lewis đang sử dụng sức mạnh và sự kêu gọi của Evan Roberts để quảng bá cho mình. Từ lý lịch trong quá khứ, bà không có sức mạnh, phẩm chất hay sự kêu gọi để làm điều này bằng sức riêng. Do đó, tôi nghĩ rằng bà cần một điều gì đó có thể chứng minh giá trị thuộc linh của bà. Và “điều đó” chính là Evan Roberts. Nếu bà có thể có được sự cộng tác với ông thì bà có thể san sẻ diễn đàn của ông.
Dù Evan vẫn bị cô lập ở nhà của Penn-Lewis, một mục sư và một người bạn được phép đến thăm ông. Khi họ tư vấn và cầu nguyện với ông, họ cảm thấy đã ảnh hưởng nhiều đến sự bình phục của ông. Tình yêu thương của họ đã khích lệ Evan về thuộc linh, nhưng vẫn phải qua một năm nữa trước khi nhà phấn hưng bị tan vỡ về mặt cảm xúc này có thể đứng dậy và bước đi.
Sau một năm, bác sĩ y khoa đã bảo Evan đừng đảm nhận chức vụ tòa giảng nữa. Ông có thể tư vấn thoải mái, nhưng ông được khuyên là không nên giảng nữa. Hiển nhiên, vì nhiều lý do khác ngoài lý do sức khỏe, Penn-Lewis đồng ý.
Không biết tình trạng thể lý của ông, nhiều người tin Chúa trong cuộc phấn hưng ở xứ Wales cảm thấy rất tổn thương. Họ cảm thấy bị người lãnh đạo bỏ rơi. Khoảng một năm sau, gia đình của Evan chuyển đến Woodlands, nhiều người bạn quan tâm đã nói rằng Penn-Lewis có tội trong việc lừa dối Evan và bà đã đi quá trong việc giấu giếm mối quan hệ của họ. Evan đáp trả sự chỉ trích của họ bằng việc nói rằng ông ở lại điền trang của bà là vì lựa chọn của ông. Ông cũng nói rằng Penn-Lewis là “người được Chúa sai đến” và công việc của bà chỉ có “những người trung tín của Chúa có đôi mắt được mở ra” mới có thể hiểu được.28 Nhưng buồn thay, với đôi mắt mở ra đó, chính Evan là người không chịu nhìn.
QUAN HỆ RUỘT THỊT CĂNG THẲNG
Không lâu sau, Evan bắt đầu từ chối các cuộc viếng thăm từ những bà con gần. Khi mẹ của ông trở bệnh nặng, tin tức đó không được truyền đến tai ông vì cớ tình trạng thần kinh của ông. Dường như quyết định đó là do Penn-Lewis đưa ra. Nhưng một lần nọ, khi cha của Evan đến gặp ông, thì lúc đó không phải do Penn-Lewis mà là chính Evan từ chối không nói chuyện với cha mình.
Lý do đưa ra cho việc không gặp cha mình là “ông đã được biệt riêng cho một nhiệm vụ thuộc linh cao cả và đã bị buộc phải quên đi những mối quan hệ ruột thịt.”29
Có một điểm quan trọng mà tôi muốn nêu ra tại đây. Đừng bao giờ cắt đứt với gia đình của bạn. Cho dù bạn gặp họ trực tiếp hay không thì điều đó chẳng liên quan. Nhiều người trong các bạn ở nơi mình ở hiện nay vì cớ lời cầu nguyện của gia đình bạn. Người xưa có câu:
“Một giọt máu đào hơn ao nước lã” thật đúng. Khi địa ngục chống lại bạn, bạn có thể trông mong tình yêu và sự chăm sóc nơi gia đình mình, đặc biệt nếu bạn được nuôi dưỡng trong một gia đình Cơ Đốc. Bằng việc cắt đứt mối quan hệ ruột thịt, bạn cắt đứt phần bạn có trong chính tài sản thừa kế của mình.
Vì lý do nào đó, dường như nhiều nhà phấn hưng có thể sai lầm trong lĩnh vực này, đặc biệt nếu họ cảm thấy gia đình không thuộc linh đủ cho họ. John Alexander Dowie đã trải qua điều tương tự. Thậm chí ông đã bỏ họ của mình trong một giai đoạn. Bạn không bao giờ trở nên quá thuộc linh đến nỗi bỏ qua Lời Chúa đã truyền lệnh: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi”— ấy là điều răn thứ nhất, có kèm theo lời hứa — để ngươi được phước và được sống lâu trên đất.” (Ê-phê-sô 6:2-3).
Theo Lời Chúa, nếu bạn làm hổ thẹn gia đình mình, thì bạn sẽ không được bình an và cuộc sống bạn sẽ bị rút ngắn. Nếu bạn cảm thấy mình quá thuộc linh đối với gia đình mình, thì hãy yêu thương họ theo mức độ của bạn. Đừng bao giờ bỏ rơi họ.
CHIẾN TRANH TRONG HÀNG NGŨ
Trong những năm cô lập này, Penn-Lewis dựa vào sự xức dầu của Evan Roberts và viết một số sách. Quyển đầu tiên, Chiến tranh với các Thánh đồ, được xuất bản năm 1913. Bà Penn-Lewis nói rằng quyển sách này được ra đời sau sáu năm cầu nguyện và thử nghiệm lẽ thật. Người ta cho rằng hai người đã cùng viết quyển sách này, nhưng bà nhận được sự công nhận. Và đúng như vậy. Dự định sẽ là một cuốn cẩm nang đầy đủ cho những vấn đề thuộc linh, thay vì vậy, nó trở thành một tác phẩm góp nhặt về sự lộn xộn thuộc linh.
Một năm sau khi quyển sách đó được xuất bản, Roberts đã lên án nó. Ông nói với bạn bè mình rằng nó đã là “một vũ khí thất bại làm xáo trộn và chia rẽ dân sự Chúa.”
Dù cuối cùng quan điểm của ông thay đổi, trong nhiều năm viết quyển Chiến tranh với các Thánh đồ, Evan dường như bị Penn-Lewis thôi miên khi nói rằng: “Tôi không biết có ai có đủ tầm hiểu biết về những điều thuộc linh như bà, bà thật sự là một nhà kỳ cựu về những điều thuộc về thiên đàng.”30 Vào giai đoạn bình phục của Evan, Penn-Lewis đã thuyết phục ông rằng những sự chịu khổ của ông là chương trình thiên thượng của Chúa nhằm trang bị ông để đánh trận với quyền lực Sa-tan và huấn luyện người khác để đánh trận nữa. Hậu quả là, bà thuyết phục ông chuyển ngữ sang tiếng Wales những sự mặc khải của bà về chiến trận và biên soạn nhiều cuốn sách nhỏ sang tiếng Anh.
Thật lạ lùng khi nhìn thấy cách mà một nhà phấn hưng quốc gia từ rất mạnh mẽ và đắc thắng bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, bây giờ lại có thể trở nên bị kiểm soát, bị đánh bại và lừa dối đến thế. Những câu chuyện trong Kinh Thánh về Ê-li và Giê-sa-bên, hay Sam- sôn và Đa-li-la, vẫn tiếp tục lặp lại trong suốt lịch sử.
NHỮNG BÀI GIẢNG TRONG BÓNG TỐI
Đội vừa mới thành lập bao gồm Roberts và Penn-Lewis cũng xuất bản một tạp chí có tên là Người thắng trận. Đây là ý tưởng của Penn-Lewis mà Evan đã viết một bài luận và bà đã viết phần còn lại của số báo đó. Từ cái nhìn của cá nhân tôi, tạp chí này chỉ là một công cụ khác trong nhu cầu kế tiếp của bà Penn-Lewis trong việc mang lại giá trị và sự nổi tiếng cho việc làm của bà. Nó tấn công vào các nhóm theo phong trào Ngũ Tuần ban đầu và liệt kê những hành động của họ như hành động của Sa-tan. Nhưng với một danh sách gửi thư của khoảng năm ngàn người, sự phân phát đi khắp khu vực đảo ở Đại Tây Dương, Châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Phi, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Penn-Lewis trở bệnh vào cuối năm 1913. Trong lúc bà vắng mặt, Evan đã viết hầu hết trong quyển tạp chí này. Nhiều tháng sau đó, khi sức khỏe đã bình phục, bà tuyên bố rằng sẽ kết thúc tạp chí này. Bà quyết định tổ chức cái gọi là “Hội nghị nhân sự Cơ Đốc” là nơi bà sẽ giảng. Trong những hội nghị này, Evan phải ở trong phòng cầu nguyện, thỉnh thoảng ông được cho phép tư vấn cho một nhóm người. Điều này được giải thích bởi thực tế là những bác sĩ y khoa đã bảo rằng ông đừng bao giờ đứng trên bục giảng nữa. Vì vậy, Evan vâng phục và dùng ân tứ của mình trong việc tư vấn. Một người từng ngồi trong nhóm tư vấn của ông đã nói: “Điều gây ấn tượng với tôi nhiều nhất là sự hiểu biết chính xác của Evan Roberts, vì ông hiếm khi mắc lỗi trong việc phán đoán và sự nhận thức thuộc linh của mình.”31
Làm thế nào mà một người từng bách chiến bách thắng trong quyền năng của Đức Thánh Linh, và ngần ngại trước bất kỳ ai đề nghị điều ngược lại, mà bây giờ lại bị giới hạn chỉ trong các buổi tư vấn ư?
Các hội nghị của Penn-Lewis cuối cùng trở nên ít được biết đến qua nhiều năm. Khi chúng lắng xuống, Evan tìm được lối thoát cho mình qua Trường Cầu Nguyện. Trường này xuất phát từ chương trình “Thức canh cầu nguyện” được bắt đầu trong Hội nghị Swansea vào năm 1908. Trong Trường Cầu Nguyện, Evan dạy về cách cầu thay cho gia đình, cho những người hầu việc Chúa và Hội Thánh. Và ông đã viết nhiều bài về các khía cạnh và mức độ khác nhau của sự cầu nguyện. Nhiều mục sư đã nhận xét rằng mọi điều họ biết về sự cầu nguyện đều xuất phát từ sự dạy dỗ của Evan.
Evan trở nên sống động khi ông chia sẻ về sự cầu nguyện. Ngôi trường đó lóe lên một ngọn lửa mới bên trong ông. Cuối cùng, ông đã ra khỏi chương trình Thức canh cầu nguyện và chuyển sang đời sống cầu nguyện cá nhân.
Một thời gian sau, nhiều người gặp lại ông trong phòng cầu nguyện của ông ở nhà của Penn-Lewis. Sau đó, ông rút ra khỏi nhóm và chọn cầu thay cách riêng tư trước mặt Chúa.
Một lần nọ Evan đã nói với một người bạn: “Tôi thích vươn đến một mức độ của sự cầu nguyện mà cuộc đời tôi sẽ là chẳng là gì ngoài một người cầu nguyện từ sáng đến tối.”32
Evan có vẻ vui mừng khi được gọi là cuộc đời của sự cầu thay. Chức vụ cầu nguyện của ông tập chú vào những người lãnh đạo Cơ Đốc và các tín hữu khắp thế giới. Khi một nhóm viên chức thuộc Cứu Thế Quân Pháp hỏi ông về trận chiến dữ dội, ông đáp:
“Trong Lu-ca không có nói rằng ‘hãy giảng đạo và đừng nản lòng’, nhưng nói rằng ‘hãy cầu nguyện và đừng nản lòng.’ Việc giảng không phải là điều khó. Nhưng khi bạn cầu nguyện, bạn đang ở một nơi cô độc nào đó, chiến đấu trong sự cầu nguyện chống lại các thế lực của sự tối tăm. Và bạn sẽ biết bí quyết của sự chiến thắng.”33
Tôi tin rằng câu nói này hỗ trợ cho lựa chọn của Evan trong việc rời khỏi chức vụ công khai. Thực ra, ông đã trở nên quá tách biệt với con người đến nỗi ông không còn liên hệ với con người nữa. Penn-Lewis đã viết về cách cư xử này của ông:
“Những người xung quanh ông không thể nào nói chuyện với ông – trừ khi ở trong cùng một nhà.”34
Evan Roberts vẫn cứ ở bên trong bức tường của nhà bà Penn-Lewis trong tám năm.
Cuộc đời của Evan Roberts rất phức tạp. Tôi thấy thật thú vị vì mặc dù Penn-Lewis lợi dụng ảnh hưởng trong chức vụ của Evan cho động cơ thầm kín của bà, Evan vẫn hiển nhiên cho phép điều đó. Ban đầu, có thể ông có ít sự lựa chọn vì tình trạng giống như tàn phế của mình. Tuy nhiên, nhà phấn hưng trẻ tuổi này vẫn ở trong nhà của bà ấy suốt tám năm. Và điều này khiến tôi có nhiều thắc mắc. Lẽ nào nhà của Penn-Lewis là một nơi an toàn cho ông sao? Có phải ông đã đánh mất mọi sự tự tin trong hình ảnh công chúng của ông? Vì sao ông không về nhà? Có phải những suy sụp về mặt cảm xúc khiến ông cảm thấy an ninh khi có một người khác kiểm soát không? Điều duy nhất chúng ta có thể kết luận chắc chắn là Evan Roberts đã lựa chọn rời khỏi vị trí tiền tuyến trong chức vụ. Và nhà của Penn-Lewis là nơi ông muốn ở.
“CHÚNG TA SẼ LẠI CÓ PHẤN HƯNG CHỨ?”
Không rõ lý do vì sao hay làm thế nào mà Penn-Lewis và Evan Roberts chia tay. Đầu tiên, vào năm 1920, ông không còn đóng góp vào những tác phẩm của bà nữa. Khi được hỏi về sự vắng mặt của ông, bà trả lời: “Thật đáng chú ý khi ông Roberts không thể dự phần trong công việc này lần nữa, nhưng công việc của ông đã được người khác đảm nhiệm.”35
Sau đó, vào khoảng giữa năm 1919 và 1921, Evan chuyển sang Brighton, ở Sussex. Ông đã mua một máy đánh chữ và bắt đầu viết nhiều quyển sách nhỏ. Nhưng chúng không được sắp xếp và có nhiều câu Kinh Thánh bị trích ra khỏi ngữ văn. Các quyển sách đó chưa bao giờ thành công.
Evan đã viết thư cho những người bạn ở quê nhà của ông để kể với họ rằng ông chưa từng quên tình thương và sự giúp đỡ của họ. Nước Anh và Wales bị chia cắt một cách chua chát vào thời điểm đó. Việc trở về quê hương không phải là điều dễ dàng nếu không được sự giúp đỡ và sự cho phép của các cư dân xứ Wales. Bên cạnh thực tế rằng Evan đã ra khỏi đất nước, những người tin Chúa trong cuộc phấn hưng ở xứ Wales đã bị sốc và nổi giận khi họ đọc quyển Chiến tranh với các Thánh đồ. Dường như đối với họ, người lãnh đạo của họ bây giờ đang đi ngược lại với mọi điều ông từng ủng hộ. Những người ở Wales bây giờ không biết suy nghĩ thế nào về nhà phấn hưng trẻ tuổi này. Họ nghĩ họ biết tấm lòng của ông, nhưng họ không thể lý giải những hành động của ông.
Evan đã gửi thư cho hệ phái của ông và một mục sư được chúc mừng vì nhận được vị trí mới trong hệ phái đó. Vị mục sư đó phấn khởi khi nhận lá thư và hỏi liệu ông có thể công bố nó để phá vỡ mười năm yên lặng của Evan được không. Evan đồng ý, và được mời quay trở về xứ Wales bất cứ khi nào thuận tiện cho ông. Evan đã làm như thế.
Vào năm 1926, cha của Evan lâm bệnh. Khi Evan về thăm nhà, gia đình của ông đã tiếp đón. Tất cả các thành viên đều vui mừng gặp lại ông và bảo với ông rằng mọi điều đã được tha thứ. Và trong lúc ông ở đó, một số thành viên của một Hội Thánh nọ mời ông đến tổ chức một buổi nhóm. Hiển nhiên quên lời cảnh báo của các bác sĩ y khoa, Evan đã đứng lên giảng. Trong lúc hội chúng ngạc nhiên với vẻ bề ngoài tầm trung niên của ông, họ đã nhận ra quyền năng của Đức Thánh Linh vẫn ở trên Evan qua giọng nói của ông. Mọi người cảm thấy rất phấn khởi đến nỗi họ thì thầm cả khu vực phía Bắc xứ Wales: “Liệu chúng ta sẽ có phấn hưng nữa hay không?”
Bà Penn-Lewis qua đời vì bệnh phổi vào năm 1927. Evan đã rất mong chờ được về quê hương của mình ở xứ Wales trong một thời gian. Sau khi bà qua đời năm 1927, Evan trở về nhà mãi mãi. Thật thú vị khi lưu ý rằng dù ông bắt đầu viếng thăm xứ Wales, nhưng ông chưa bao giờ từ nước Anh dời đến đó mãi cho đến khi Penn-Lewis qua đời.
“CĂN PHÒNG TRÀN NGẬP ÁNH SÁNG”
Cha của Evan qua đời năm 1928, và tại tang lễ, Evan đã làm một điều khác thường. Khi cha của ông đang được khen ngợi một cách ủ rũ, đột nhiên ông ngắt ngang nghi lễ và nói: “Đây không phải là sự chết nhưng là một sự sống lại. Chúng ta hãy ghi nhớ lẽ thật này.” Vào ngày hôm đó, một người đã nhận xét: “Một điều gì đó giống như điện chạy qua chúng tôi. Một người cảm thấy nếu như mình đã đến đó thì có lẽ sẽ có một cuộc phấn hưng khác ngay tức thì và tại chỗ.”36
Thực tế, có một cuộc phấn hưng ngắn. Các chấp sự của Hội Thánh Moriah đã mời Evan dự phần trong một buổi nhóm đặc biệt. Khi ông quyết định giảng, tin tức lý thú này lan khắp xứ Wales. Nhiều du khách đổ vào miền Bắc xứ Wales, và dân địa phương chạy vào Hội Thánh sau giờ làm. Hai giờ trước khi buổi nhóm bắt đầu thì Hội Thánh đã đầy ắp người. Bên ngoài trên những con đường, một đám đông khác đã tụ họp lại. Những người trẻ háo hức nghe người mà cha mẹ của họ đã nói về một Evan bình tĩnh nói với đám đông. Sau đó, ông bước ra để nói chuyện với dòng người ở bên ngoài.
Trong suốt giai đoạn ngắn ngủi này, ông đến thăm nhiều nhà nguyện và cảnh báo chủ nghĩa vật chất nghẹt thở đang len lỏi vào Hội Thánh. Một lần kia, một cặp vợ chồng mang đứa con của họ đến gặp Evan trong phòng cầu nguyện của ông. Khi ông cầu nguyện cho đứa trẻ, “căn phòng tràn ngập ánh sáng và cảm nhận sự hiện diện của Thánh Linh.” Cha mẹ đứa bé bắt đầu cất cao giọng ngợi khen và thờ phượng Chúa. Chẳng mấy chốc, những người thợ gần đó nghe thấy và rời khỏi chỗ làm của họ để tham gia với nhóm người này. Nhiều người đi mua hàng ở quận đó cũng nghe tiếng chúc tụng và chạy đến tham gia. Khoảng một lúc, có một đám đông lớn tụ tập trên đường phố đến nỗi xe ngựa không thể đi qua được. Theo một người tận mắt chứng kiến, Evan đã cầu nguyện cho nhiều sự chữa lành và giải cứu và vận hành trong ân tứ tiên tri. Nhưng ông được cho là có công khai quở trách một ai đó cố nói tiếng lạ. Dẫu vậy, một số người vẫn nghĩ Evan Roberts đã trở thành người theo phong trào Ngũ Tuần.37 Nhiều sự chữa lành, nhiều người tin Chúa, và nhiều lời cầu nguyện được nhậm là điều được nói đến nhiều nhất về kết quả của cơn phấn hưng nhỏ này. Một năm sau, Evan Roberts hoàn toàn biến mất khỏi đời sống công chúng.
BÓNG CỦA SỰ THÀNH CÔNG
Đến năm 1931, Evan gần như là một người không ai nhớ đến. Ông ở trong căn phòng do bà Oswald Williams cung cấp. Bà không muốn điều gì từ Evan ngoài việc bảo đảm là ông được bình an trong tâm trí. Ông dành những năm cuối đời để viết thơ và thư gửi cho các mục sư. Ông viết nhật ký mỗi ngày và thích xem thể thao và xem hát. Vào tháng Năm năm 1949, lần đầu tiên Evan phải nằm trên giường cả ngày. Một chữ được viết vào tháng Chín năm 1950, một phần trong quyển nhật ký của ông. Chữ đó là “bệnh”.
Evan Roberts được chôn vào ngày 29 tháng Giêng năm 1951, năm bảy mươi hai tuổi. Ông được chôn trong phần đất của gia đình phía sau nhà nguyện Moriah ở miền Bắc xứ Wales. Nhiều năm sau, một cột kỷ niệm được dựng lên trước Hội Thánh Moriah để tưởng nhớ những nỗ lực của ông trong việc khuấy động cuộc phấn hưng.
Tang lễ đó trở thành một buổi tưởng nhớ. Hàng trăm người yêu mến Evan Roberts nhưng không gặp ông nhiều năm qua, đã đến tham dự và hát những bài thánh ca yêu thích của ông.
Trong số nhiều bài điếu nói về ông, lễ tưởng nhớ trong The Western Mail khen ngợi ông nhiều nhất. Trong đó ghi rằng:
“Ông là người đã kinh nghiệm nhiều điều kỳ lạ. Trong thời thanh xuân của ông, dường như ông đã nắm giữ quốc gia này trong lòng bày tay mình. Ông đã trải qua nhiều sự căng thẳng và nhiều thay đổi lớn về ý niệm và quan điểm nhưng lòng tin quyết của ông vẫn đứng vững đến cuối cùng.”
Thực tế, Evan Roberts là một nhà phấn hưng vĩ đại đã cầm giữ các chìa khóa của sự thức tỉnh thuộc linh. Ông đã mở ra một sự vận hành vĩ đại của Thánh Linh Đức Chúa Trời ở xứ Wales. Tuy nhiên, bốn mươi năm sau, không một dấu vết nào của cuộc phấn hưng này có thể được tìm thấy tại quê nhà của ông. Nó có thể vẫn còn như một kỷ niệm trong lòng của những người đã kinh nghiệm nó.
Nhưng, vì sao chỉ là “một kỷ niệm”?
Vì một người không thể mang nổi sức nặng của cuộc phấn hưng một mình. Ông có thể dẫn đầu một sự hành động của Chúa, nhưng những người khác cũng có phần của họ nữa. Nếu một sự vận hành của Chúa bị tan biến, thì một phần là vì mọi người không tiếp tục trong điều họ đã nhận được. Vì thế, chúng ta sẽ sai lầm khi chúng ta chỉ đổ lỗi cho người lãnh đạo.
Có rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp xoay quanh cuộc đời của Evan Roberts. Một số người cho rằng Evan được Chúa phong chức cho hai năm chức vụ công khai, sau đó được kêu gọi để dành phần đời còn lại trong sự cầu nguyện và cầu thay khắp thế giới. Nếu điều này thật sự đúng, tôi tin rằng ông sẽ qua đời như một người hạnh phúc. Nhưng bài thơ ảm đạm và ngã lòng được tìm thấy trong quyển nhật ký của ông. Trong những năm sáu mươi tuổi, ông tự hỏi liệu có còn mục đích gì trong cuộc đời mình nữa không. Phản ứng của ông là một sự pha trộn giữa “sự mất mát cá nhân, sự cô đơn và thất bại.”38 Dường như ông vẫn đang tìm kiếm phần mà mình cần phải tham dự vào.
Tôi tin rằng Evan Roberts đã mang đến những lẽ thật thuộc linh khiến cả thế giới rúng động, nhưng những lẽ thật thuộc linh đó chỉ ở trong lòng của ông. Dường như ông không thể tìm được chìa khóa cho sức mạnh về mặt cảm xúc của mình. Evan muốn tính khí của ông bị lu mờ trong bóng tối và nhiều lần ông đã nói: “Tôi không muốn được người khác biết đến.” Tuy nhiên, theo ý của tôi, điểm yếu trong tính tình của ông khiến ông bị nhìn thấy nhiều hơn là việc ông nhận lấy chỗ của mình trong vai trò lãnh đạo đầy uy quyền đến trong sự vận hành của Chúa.
Để mang lấy sức nặng đi kèm với việc dẫn đầu một cuộc phấn hưng – đặc biệt cho một quốc gia – tất cả ba phần của một con người – linh, hồn và thân – cần phải được mạnh mẽ. Vì vậy, như chúng ta có thể thấy từ cuộc đời của ông, có nhiều sự phấn hưng hơn sự mặc khải thuộc linh. Lòng đói khát thuộc linh và sự mặc khải luôn luôn ở nơi nó bắt đầu. Nhưng chúng ta không chỉ là những người thuộc linh. Thân thể và cảm xúc con người cũng phải được vững vàng qua Lời Chúa nhằm duy trì sự phấn hưng trên đất này.
Công việc của bạn cho Chúa không cần phải thất bại hay bị rút ngắn. Hãy làm cho thân thể của bạn khỏe mạnh, làm dịu tâm hồn bạn và để tâm linh bạn đầu phục chương trình của Chúa. Bạn có thể có cuộc phấn hưng trong quốc gia mình và vận hành nó một cách thành công!
https://ebookcodoc.com/nhung-tuong-lanh-cua-duc-chua-troi/chuong-ba-evan-roberts.html