Hoithanh.com – Khi giải phóng dân Ysơraên ra khỏi xứ Ê díp tô, Ngài đưa họ đến từng trải hết sức màu nhiệm: đi qua Biển Đỏ như đi trên đất cạn. Sau đó, họ tiến đến sa mạc Sinai. Tại đây, ĐCT đã kêu gọi Môi se lên núi Sinai và ban cho ông mệnh lệnh dựng Đền Tạm theo sự chỉ dẫn của Ngài. Gọi là Đền Tạm vì đây là đền thờ có thể tháo dỡ và di chuyển được, đến một địa điểm nào đó, khi được lệnh họ phải tháo dỡ và lắp ráp dựng lên.
Đền tạm không chỉ là khuôn mẫu của sự thờ phượng dưới đất mà còn là hình bóng của sự thờ phượng trên trời. Hêbơrơ 8:5: “Sự thờ phượng đó chẳng qua là hình và bóng của những sự trên trời mà thôi, cũng như Môise khi gần dựng Đền Tạm, thì ĐCT phán bảo rằng: Hãy cẩn thận, làm mọi việc theo như kiểu mẫu đã chỉ cho ngươi tại trên núi”
Đền Tạm là một biểu tượng gồm 2 phương diện:
1. Đền tạm được lắp ráp ngay giữa các lều trại của dân sự nói lên sự hiện diện của ĐCT ở giữa họ
2. Đền tạm nói lên phương cách linh nghiệm ĐCT sắm sửa cho loài người để họ có thể đến gần Ngài, nếu không thì họ không thể ra mắt Chúa trong sự thánh khiết, uy nghiêm và toàn thiện của Ngài được
CẤU TRÚC ĐỀN TẠM (Xuất 25-40;Hê 9:1-10 ) chia làm 2 phần:
I. Sân ngoài ( hành lang bên ngoài )
1. Cửa vào
2. Bàn thờ bằng đồng ( bàn thờ của lễ thiêu )
3. Thùng rửa ( Chậu rửa )
II. Lều tạm ( Đền Tạm )
- 1. Nơi thánh
- Bàn bánh trần thiết
- Chân đèn bằng vàng
- Bàn thờ xông hương
- Bức màn ngăn cách giữa nơi thánh và nơi chí thánh
- 2. Nơi chí thánh
Hòm giao ước ( bản luật pháp Môise, gậy trổ hoa của Arôn, bình đựng mana bằng vàng )
- Vài chi tiết khác: Mái che trên Đền Tạm, Thịt sinh tế, Huyết, Chức tế lễ
- CHI TIẾT:
Có thể nói Đền Tạm là bức tranh về sự thờ phượng của chúng ta. Mỗi phần của Đền Tạm có ý nghĩa biểu tượng riêng cho Cơ Đốc Nhân ngày nay. Khi chúng ta đi xuyên qua Đền Tạm, trước tiên đến sân ngoài ( hành lang bên ngoài ) sau đó đến nơi thánh rồi nơi chí thánh.
I. Hành lang bên ngoài ( Xuất 27:1-19; Hê 10:1-11 )
Đền Tạm luôn được lắp ráp xây mặt về phía Đông. Xung quanh Đền Tạm có 1 hàng rào bao quanh dài khoảng 50m, rộng khoảng 25m, cao khoảng 2,5m làm bằng những tấm bố vi bằng vải gai giăng trên các trụ cách nhau khoảng 2,5m, có đinh và nuông trụ bằng bạc, cùng lỗ trụ bằng đồng. Người ta đi vào sân ngoài Đền Tạm qua 1 cái cửa làm bằng vải gai mịn, chỉ xanh, đỏ điều và đỏ sậm. Trong hành lang có 2 vật thánh là bàn thờ bằng đồng ( bàn thờ của lễ thiêu ) và cái chậu ( thùng rửa )
- Cái cửa: Cửa vào hành lang rộng khoảng 10m. Mọi người Do Thái có thể vào cửa này. Đôi khi toàn thể các gia đình hay toàn thể cộng đồng đến tụ họp nơi cửa này. (Lê 8:1-5) . Đó là nơi mà các sinh hoạt cộng đồng thường diễn ra. Đối với chúng ta ngày nay, nó là biểu tượng cho 2 điều:
- Tượng trưng cho Chúa Jesus:
Giăng 10:7-9: “ Đức Chúa Jesus phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, Ta là CỬA của chiên… Ta là CÁI CỬA, nếu ai bởi Ta mà vào thì sẽ được cứu rỗi, họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ”
Đền tạm nói lên sự hiện diện của ĐCT ở giữa dân sự Ngài, muốn bước vào đó thì dân sự bắt buộc phải qua cái CỬA này. Điều này lại càng quan trọng với chúng ta ngày nay, để bước vào mối tương giao với ĐCT, chúng ta phải bước vào cái CỬA mang tên Jesus. CỬA ấy không chỉ dẫn chúng ta đến với các vật dụng tiếp theo mà dẫn chúng ta đến với sự cứu rỗi, đến với đồng cỏ. Vậy nên, quyết định đến cùng Chúa Jesus là điều cần thiết cho chúng ta
- CỬA vào mở rộng này chỉ rằng đường đến với sự thờ phượng ĐCT rộng mở cho tất cả mọi người. Giăng 6:37: “ Phàm những kẻ Cha cho Ta sẽ đến cùng Ta, kẻ đến cùng Ta thì Ta không bỏ ra ngoài đâu ”. Qua Chúa Jesus, bất kỳ ai muốn đến cùng ĐCT đều có thể đến. Ngài luôn luôn chào đón chúng ta bước vào sự hiện diện Ngài.
- Bàn thờ bằng đồng ( bàn thờ của lễ thiêu ) Xuất 38:1-2: Bên trong cái cửa rộng này là 1 bàn thờ làm bằng gỗ Sitim bọc đồng. Đây là vật thể lớn nhất trong đền tạm, cao khoảng 1,40m rộng khoảng 0,8m. Bàn thờ này rỗng và được đổ đầy đất. Chừng nửa bề cao có cái bờ chạy bốn phía để các thầy tế lễ đứng lên trên. Bàn thờ được đặt ở phía Bắc Đền Tạm gần lối vào hành lang. Nó có ý nghĩa rất quan trọng trong sự thờ phượng của người Do Thái. Người ta đem những con thú tốt nhất đến, tại đó con sinh bị giết. Trong lễ nghi này huyết con thú phải đổ ra để làm sinh tế chuộc tội như là 1 của lễ dâng lên cho ĐCT. Đền Tạm nhận tất cả mọi sự đổ huyết này dường như rất khó chịu cho chúng ta ngày nay. Nhưng tin mừng cho chúng ta là trên thập tự giá Đức Chúa Jesus đã trở thành sinh tế một lần đủ cả cho chúng ta. Việc giết chết thú vật làm sinh tế không còn nữa. Chúng ta không còn dâng thú vật bèn là dâng chính mình, dâng những điều tốt nhất của chúng ta cho ĐCT. Roma 12:1-2: “Vậy hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của ĐCT khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh đẹp lòng ĐCT, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của ĐCT là thể nào”. Sự thờ phượng bao gồm việc đặt toàn bộ đời sống mình lên bàn thờ ( kế hoạch, thời gian, gia đình, công việc, thú tiêu khiển…) và nói rằng: “Nhưng không theo ý con mà xin theo ý Cha” (Math 26:39). Không giống những thầy tế lễ ngày nay chúng ta không còn lên trên bàn thờ bọc đồng nữa mà chỉ đơn sơ cuối xuống trên đầu gối mình mà thưa rằng: “Lạy Chúa, con thuộc về Ngài. Xin hãy làm chủ đời con. Con xin dâng chính mình con cho Ngài. Xin Ngài hãy cho con biết Ngài muốn con làm điều chi.”
Sau khi chúng ta quyết định đến cùng Chúa Jesus chúng ta phải sẵn sàng dâng cho Ngài điều mình chiếm hữu và thuộc về mình. Người Do Thái đã mang đến nhiều sinh tế chứ không chỉ một. Đây là hành động của sự phục tùng. Không 1 ai trừ ĐCT hiểu trọn vẹn cái giá của sự đầu phục của chúng ta. Đền Tạm vừa là nơi thờ phượng vừa là nơi của sự chết. Phải chết là điều đau đớn. Đôi khi điều này phải từ bỏ những điều nhất định. Luca 9:23 lời Chúa kêu gọi: “Nếu ai muốn theo Ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta”. Bàn thờ bằng đồng là hình bóng cho sự chết của Chúa Jesus trên thập giá. Ngài là tấm gương cho sự đầu phục ĐCT của chúng ta hôm nay. Philip 2:7-8: “Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự”. Vậy nên chúng ta hãy ra ngoài trại quân đặng đi tới cùng Ngài, đồng chịu sỉ nhục. (Hêb 13:13)
- Thịt sinh tế: ĐCT nói rất rõ rang về việc sẽ làm gì cho thịt sinh tế. Lúc đốt trên bàn thờ, lúc đốt bên ngoài trại quân. Trong các tình huống khác, thầy tế lễ và người dâng tế lễ cùng chia sẻ thịt con sinh. Những đòi hỏi phức tạp này đã được ứng nghiệm trong của lễ của Chúa Jesus. Ngài đã vì cớ chúng ta phó chính mình cho ĐCT như của dâng và của tế lễ (Êphêso 5:2). Điều này cũng là sự bày tỏ về đòi hỏi của ĐCT mà hết thảy mọi người thờ phượng phải làm theo cách chính xác ý muốn Ngài, bởi vì con người sống theo ý riêng không thể nào làm đẹp lòng ĐCT được. Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jesus một lần đủ cả.(Hêb 10:10)
- Thùng rửa (chậu rửa) (Xuất 30:18-21;Heb 10:22)
Là cái thùng lớn bằng đồng để chứa nước, dùng cho các thầy tế lễ rửa chân tay trước khi thi hành chức vụ nơi bàn thờ hoặc hội mạc. Điều này nói lên ý nghĩa về sự thanh tẩy khi thờ phượng; chúng ta phải có tâm linh thanh sạch và tinh khiết trước mặt ĐCT. Chúng ta không thể có mối thông công với ĐCT nếu chúng ta không sẵn sàng để được thanh tẩy.
Giăng 13:8: “Đức Chúa Jesus đáp rằng: Nếu ta không rửa cho ngươi thì ngươi chẳng có phần chi với ta hết”
Hêb 10:22 : “Chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong mà đến gần Chúa”
Thùng rửa được làm thành bởi các tấm gương bằng đồng đánh bóng mà những người nữ Ysơraên dâng hiến. Nước để tẩy rửa đổ vào trong thùng. Mặc dù huấn thị thiên thượng mà ĐCT dành cho việc cất Đền Tạm rất chi tiết, xong kích cỡ của chậu rửa lại được bỏ qua. Đây là một lời chừng đẹp đẽ về tâm tánh của ĐCT, tình yêu và ân điển Ngài không đo lường được. Ngài sẵn sàng tha thứ và biến đổi những ai thật lòng tìm kiếm Ngài với tinh thần ăn năn.
Hình bóng đẹp đẽ của thùng rửa phán với chúng ta về lời ĐCT có tác dụng tẩy sạch và làm tươi tỉnh linh hồn chúng ta:
Êphêsô 5:25-26: “…Đấng Christ đã yêu Hội Thánh phó chính mình vì Hội Thánh, để khiến Hội nên Thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch”
Thi 19:7: “Luật pháp của Đức Giê hô va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại…”
ĐCT rửa sạch chúng ta bằng lời của Ngài. Thông tin, báo chi, phim ảnh, không có tác dụng làm sạch mà chúng chỉ gây thêm lo lắng sợ hãi, vẫn đục cho tâm trí chúng ta. Nhưng lời ĐCT là nguồn phước và là sự thanh tẩy cho linh hồn của chúng ta. Vì thế chúng ta cần phải đọc và suy ngẫm lời Chúa mỗi ngày
Thi 1:1-3: “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ kẻ nhạo bang. Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê hô va và suy ngẫm luật pháp ấy ngày và đêm. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước sanh bông trái theo thì tiết, lá nó cũng chẳng tàn héo, mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng”
Các tấm gương đã được dâng hiến bởi những người nữ Ysơraên để làm thùng rửa minh họa về lời Chúa trong đời sống chúng ta. Gương không chỉ cho chúng ta thấy khuyết điểm mà còn giúp chúng ta sửa khuyết điểm ấy. Trong khi đối diện với gương chúng ta có thể sửa soạn chính mình và làm cho mình đẹp hơn. Điều này xảy ra tương tự khi chúng ta đọc hoặc lắng nghe lời Chúa. Đức Thánh Linh bày tỏ tình trạng tấm lòng chúng ta trước mặt ĐCT. Lời Chúa phán xét chúng ta và đi vào chỗ mà người khác không thể vạch trần ra được. Hêb 4:12-13: “Vì lời ĐCT là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươn hai lưỡi thấu vào đến đỗi chia hồn linh cốt tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. Chẳng có vật nào giấu kín được trước mặt Chúa nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mặt Đấng mà chúng ta phải thưa lại”
Thùng rửa với tấm gương bằng đồng phản ánh sự ô uế của các thầy tế lễ đồng thời cung cấp nước để tẩy sạch họ. Cũng vậy lời Chúa chỉ cho chúng ta thấy những điều cần thay đổi và dẫn chúng ta đến với sự ăn năn. Hãy xem xét chính mình chúng ta qua chiếc gương lời Chúa, hãy đọc và suy ngẫm lời Chúa mỗi ngày.
II.Đền tạm
Đền Tạm xây về phía Đông là một chiếc lều hình chữ nhật dài khoảng 14m rộng khoảng 5m làm bằng những tấm ván bằng gỗ Sitim có màn phủ kín. 20 tấm ở phía Bắc, 20 tấm ở phía Nam, 6 tấm ở phía Tây, đầu mỗi tấm ván có 2 cái mộng để tra vào 2 lỗ mộng bằng bạc. Các tấm ván được liên kết với nhau bởi 5 cây xà ngang chạy qua các khoen bằng vàng ở trên các tấm ván. Có 10 bức màn mỗi bức dài khoảng 12m rộng 2m làm bằng vải gai mịn. Những bức màn này được gắn kết với nhau bằng nhiều móc vàng làm thành 1 tấm. Tấm màn nguyên này do 10 bức màn hợp thành dài khoảng 18m ở phía Đông và phía Tây, 13m ở phía Bắc và phía Nam còn khoảng 9m rủ xuống góc phía Tây. Bức màn này giăng trên các tấm ván bọc kín làm thành vách đền tạm
Bên trong có 2 phần: nơi thánh là phần rộng hơn chỉ có các thầy tế lễ con cháu Arôn mới được phép vào nơi thánh để thi hành chức vụ của họ đối với ĐCT. Bên trong nơi thánh chứa 3 đồ vật: bàn bánh trần thiết, chân đèn bằng vàng, bàn thờ xông hương. Một bức màn căng ngang ngăn cách nơi thánh và nơi chí thánh. Nơi chí thánh thì nhỏ hơn nơi thánh. Mỗi năm thầy tế lễ thượng phẩm được vào đó một lần vào đại lễ Chuộc tội. Trong nơi chí thánh có hòm giao ước và nắp thi ân với cherubim bằng vàng. Sự vinh hiển của ĐCT ở trên nắp thi ân ấy.( Hêb 10:19-20)
1.Nơi thánh (Xuất 40:1-38; Hê 9;10)
Trái ngược với quang cảnh đông đúc bên ngoài hành lang, bên trong nơi thánh rất ít người được vào, chỉ có những thầy tế lễ đã được chuẩn bị sẵn sàng mới được vào. Biểu tượng ở đây thật rõ ràng: một Cơ Đốc Nhân chỉ thích vào nơi sân ngoài của mối tương giao của họ với Chúa như những con người không trưởng thành, họ lớn lên ở sân ngoài, họ không bao giờ học biết được niềm vui của sự thờ phượng chặt chẽ. Suốt cả từng trải thuộc linh của họ, họ ưu thích những gì nhận từ nơi ĐCT hơn điều họ có thể dâng cho Ngài. Họ không bao giờ biết cách phục vụ ĐCT và phục vụ người khác. Khi thầy tế lễ bước ra khỏi sân ngoài bận rộn để vào nơi thánh, họ bước vào nơi yên tĩnh. Trong căn phòng ấy có thể có hơn 1 người nhưng có sự yên tĩnh thánh khiết ở đó. Các thầy tế lễ bước vào nơi thánh hằng ngày. Cũng vậy sự thờ phượng phải là từng trải hằng ngày của chúng ta. Chúng ta thật sự thờ phượng ĐCT khi dành trọn 1 thời giờ để bước ra khỏi sinh hoạt của cuộc sống và biệt riêng để tìm kiếm ĐCT.
- Bàn bánh trần thiết( Xuất 25:23-30): Được đặt ở phía Bắc nơi thánh là một cái bàn nhỏ dài khoảng 90cm rộng 48cm cao 80cm làm bằng gỗ Sitim bọc vàng bên trên để 12 ổ bánh trần thiết, bánh bày luôn như vậy mỗi ngày, đến ngày Sabát thì phải đổi bánh mới. Ở trong sự hiện diện của ĐCT sự thờ phượng không bao giờ trở thành cũ kỹ hay cổ hủ .
Ca thương 3:23: “Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Chúa là lớn lắm”
Hình ảnh về bàn bánh trần thiết với 12 ổ bánh tượng trưng cho sự hiệp nhất trọn vẹn trong thân thể. Và cũng tượng trưng cho sự cung ứng của ĐCT với dân sự Ngài. Chúa Jesus phán: “ Ta là bánh hằng sống, ai đến cùng Ta chẳng hề đói và ai tin Ta chẳng hề khát” (Giăng 6:35) không có loại thức ăn nào làm thỏa mãn linh hồn chúng ta, Chúa Jesus là bánh thật của chúng ta. Chúng ta có đang dự phần với bánh này chăng ? Chất bổ dưỡng ngon ngọt nhất trên đời này chỉ được tìm thấy trong phòng cầu nguyện. Nếu chúng ta thôi không ăn nuốt từ Thánh Linh và lời Ngài, chúng ta sẽ trở nên yếu đuối và sống trong hình thức Cơ Đốc đáng thương và vô vị.
- Chân đèn bằng vàng ( Xuất 25:31; 30:7-8): Trong nơi thánh không có cửa sổ, chân đèn bằng vàng là ánh sáng duy nhất trong đền tạm. Chân đèn làm bằng ròng, có một thân chính giữa, mỗi bên có 3 ngọn đèn. Đèn bởi thắp bởi lọ dầu ô li ve tốt nhất các thầy tế lễ phải thức canh để giữ cho đèn không bao giờ tắt.
Khải huyền 1:20 Chúa Jesus bày tỏ: 7 chân đèn là 7 Hội Thánh nói cách khác Hội Thánh là sự sáng của thế gian này. Chúa Jesus cũng nói: “Các ngươi là sự sáng của thế gian…Sự sáng của các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy việc lành của các ngươi và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” ( Math 5:14-16). Chúng ta là ngọn đèn và là ánh sáng của thế gian, để giữ cho lửa không tắt chúng ta phải được chìm ngập trong sự xức dầu của Đức Thánh Linh, trong sự cầu nguyện, đồng thời chúng ta phải hướng đến bên ngoài bằng lời sự sống của ĐCT. Đèn không thể để dưới cái thùng được mà nó phải ở trên chân đèn. Mỗi 1 cá nhân với Hội Thánh địa phương cùng hướng đến thế gian hư mất bên ngoài, hoàn thành chức vụ mà Chúa giao phó, ban cho điều mình đã nhận lãnh, thì sự xức dầu của ĐCT sẽ gia tăng trong đời sống chúng ta. Chính sự xức dầu đó sẽ khiến chúng ta chiếu sáng trong thế gian tối tăm này.
- Bàn thờ xông hương ( Xuất 30:1-9): Là vật thánh cuối cùng trong nơi thánh. Nó được đặt phía trước bức màn phân cách nơi thánh và nơi chí thánh. Khác với bàn thờ ngoài hành lang, nó được làm bằng gỗ Sitim bọc vàng ròng. Phải xông hương trên đó luôn sáng chiều tối. Mùi thơm của hương thẩm thấu qua bức màn bay đến nơi hiện diện vinh hiển của ĐCT ở trên hòm giao ước. Hương tượng trưng cho lời cầu nguyện của các thánh đồ ( Khải huyền 5:8; 8:1-5 )
Khải huyền 8:3-4: “Đoạn 1 vị thiên sứ khác đến đứng bên bàn thờ, người cầm lư hương vàng, và được nhiều hương để dâng hương ấy trên bàn thờ bằng vàng ở trước ngôi với lời cầu nguyện của mỗi thánh đồ. Khói hương từ tay thiên sứ bay lên trước mặt ĐCT, với lời cầu nguyện của các thánh đồ”
Thi 141:2: “Nguyện lời cầu nguyện tôi thấu đến trước mặt Chúa như hương…”
Ngoài những lời cầu nguyện của chúng ta, lời ngợi khen, sự thờ phượng, ân tứ của chúng ta cũng được đặt ở trước mặt Chúa. ( Công 10:31 ). Bàn thờ xông hương liên kết chúng ta với chức vụ của Hội Thánh, ngợi khen, thờ phượng và thông công với ĐCT trong sự cầu nguyện. Đây là chức vụ hướng lên trên của chúng ta. Hội Thánh ban đầu đã hành động trong bầu không khí cầu nguyện và thờ phượng sâu nhiệm. Khi các môn đồ hầu việc Chúa, họ được ban cho những chỉ dẫn cần thiết để thi hành công việc Ngài ( Công 13:1-3 ). Trên con đường tiến đến đời sống Cơ Đốc đắc thắng, bàn thờ xông hương nối kết chúng ta với sự vinh hiển. Lời cầu nguyện bằng đức tin đánh dấu giai đoạn bắt đầu của đời sống Cơ Đốc. Khi chúng ta chấp nhận Phúc Âm không ngừng là phương tiện kỳ diệu nhất để đạt đến sự hiểu biết vinh hiển của ĐCT. ĐCT muốn có mối tương giao với chúng ta. Chúng ta không thể lơ là cầu thả trong mối quan hệ với ĐCT. Hãy dành thời giờ trước hết trong ngày cho Chúa. I Tesalonica 5:16-17: “Hãy vui mừng cầu nguyện không thôi” John Wesley từng nói : “Ông không bao giờ cầu nguyện quá 5 phút nhưng chưa bao giờ bước đi 5 phút mà không cầu nguyện” Moody cũng nói: “Cơ Đốc Nhân nào quỳ gối nhiều sẽ đứng vững nhiều hơn”. ĐCT dùng sự cầu nguyện để thánh hóa chúng ta. Cầu nguyện không phải là độc thoại mà là đối thoại cao quý, sự đối mặt của ĐCT thánh khiết. Khi chúng ta cầu nguyện, tâm linh của chúng ta mở ra trước công việc của Đức Thánh Linh là Đấng đem tiếng phán của ĐCT đến với chúng ta. Đền Tạm với bàn thờ xông hương tượng trưng cho lời cầu nguyện của các thánh đồ bay đến ngôi thi ân của ĐCT càng khích lệ chúng ta hơn trong đời sống cầu nguyện bởi vì không 1 lời cầu nguyện nào của chúng ta là phí phạm vô ích, đổ sông đổ biển vì tất cả được chứa đựng lại ở Ngôi vinh hiển.
- Màn ngăn cách ( Heb 10:19-22 ): Đối diện với bàn thờ xông hương là 1 bức màn để ngăn cách giữ nơi thánh và nơi chí thánh. Màn làm bằng vải gai mịn, chỉ xanh lơ, đỏ tía, đỏ sậm, có thêu hình chê ru bim cực xảo. Nó phân cách giữa nơi thánh và nơi chí thánh, nói cách khác nó ngăn cách giữa điện thiết triều của ĐCT và phòng chờ đợi của loài người. Nhưng khi Chúa Jesus chịu chết trên thập tự giá, bức màn này đã bị xé làm 2. Math 27:50-51: “Đức Chúa Jesus lại kêu 1 tiếng lớn nữa rồi trút linh hồn. Và này bức màn trong đền thờ bị xé ra làm 2 từ trên chí dưới”. Nơi chí thánh là 1 căn phòng bị che lại vốn là 1 nơi chết choc cho bất cứ ai ra vào trừ thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm vào 1 lần với huyết chuộc tội, thì nay đã trở nên 1 nơi rộng mở của sự sống và ơn phước cho bất cứ ai tin nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa. Bức màn bị xé ra làm 2 tượng trưng cho thân thể của Đức Chúa Jesus đã bị vỡ ra để vạch ra cho chúng ta 1 con đường mới và sống, để ai nấy có thể đến gần ĐCT.
Heb 10:19-20: “Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Chúa Jesus được dạn dĩ vào nơi rất thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài”. Ngày xưa bất kì ai bước qua bức màn vào nơi chí thánh mà không phải là thầy tế lễ thượng phẩm đều phải chết. Nhưng ngày nay hết thảy chúng ta đều đến gần ĐCT qua Đức Chúa Jesus.
Heb 4:16: “Vậy chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần”
II. Nơi chí Thánh
Rộng khoảng 8m, là một khối đều đặn ở phía Tây đền tạm hình dung cho nơi ngự thật của ĐCT. Mỗi năm thầy tế lễ và 1lần vào ngày lễ chuộc tội ( Xuất 24:7; 34:27) nó làm hình bóng về thiên đàng. Heb 9:24: “Vả Đấng Christ vào nơi thánh chẳng phải người làm ra theo kiểu mẫu nơi thánh thật
Vật dụng duy nhất trong phòng là hòm giao ước làm bằng gỗ Sitim bọc vàng. Trên đỉnh hòm là nắp thi ân nhận huyết của các của tế lễ. Tại đây chính sự hiện diện và vinh quang của ĐCT được tỏ bày trong hòm có bảng giao ước, gậy trổ hoa của Arôn và bình đựng mana bằng vàng.
Nắp thi ân đậy trên hòm giao ước làm bằng vàng nguyên khối, mỗi đầu có 1 chêrubim gắn liền với nắp, 2 chêrubim đối mặt nhau, xè cánh ra và nhìn xuống nắp thi ân. Nắp thi ân ở ngay trên bảng 10 điều răn hình dung cho nơi gặp gỡ của luật pháp và sự thương xót. Đó cũng là hình bóng về Đấng Christ. 2 chêrubim bày tỏ 1 cách sinh động rằng thiên thượng đặc biệt chú ý đến sự cứu chuộc loài người
Ở trên nắp thi ân huyết được rưới để tẩy sạch tội lỗi dân sự và bên trên huyết, sự vinh hiển của ĐCT được bày tỏ ra. Bức màn được xé ra làm 2 từ trên chí dưới chứng tỏ đây không phải là việc con người làm bèn là ĐCT Ngài mời gọi chúng ta bước vào các nơi trên trời 1 cách tự do qua Đức Chúa Jesus. Không ai được phép bước vào nơi chí thánh mà không bởi Chúa Cứu Thế – thầy tế lễ thượng phẩm của chúng ta, là Đấng mà sự hiện diện của Ngài đã được biểu trưng bởi hòm giao ước. Đời sống chúng ta có giá trị vượt trổi bởi vì Chúa Cứu Thế đã rảy trên chúng ta chính huyết của Ngài. Khi chúng ta bước vào nơi chí thánh và mối tương giao với ĐCT thánh khiết, chúng ta kinh ngạc khi khám phá rằng Chúa Jesus đã không ngừng cầu nguyện thế cho chúng ta. Ở trong nơi chí thánh chúng ta khám phá uy quyền được tượng trưng bởi cây gậy Arôn. Chúa Jesus tuôn đổ trên chúng ta sự sống của Ngài. Ngài là sức mạnh của sự sống lại đã ban cho chúng ta đắc thắng trên sự chết và Satan. Ở dưới Thầy chúng ta, chúng ta học biết các luật lệ của Ngài và nhận được sức mạnh để sống theo lời Ngài đã được chép trên bảng lòng chúng ta.
ĐCT hiện diện ở khắp mọi nơi. Có những lúc và những nơi mà ở đó chúng ta cảm thấy sự hiện diện Ngài gần gũi chúng ta một cách đặc biệt. Nơi chí thánh là 1 chỗ như vậy. Để bước vào nơi chí thánh, chúng ta phải đi qua nơi thánh ( Xuất 26:31-33 ). Đó là nơi chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm mới vào được. Arôn thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên – việc ông vào nơi chí thánh được ghi lại ở ( Xuất 28:29-42 ) để đại diện cho dân sự trước mặt ĐCT. Ông là Thánh cho Đức Giê hô va và ông mang tội lỗi dân sự vào nơi chí thánh. Hình ảnh đó tượng trưng cho Đức Chúa Jesus – thầy tế lễ thượng phẩm trọn vẹn và toàn hảo của chúng ta ( Heb 7:26-28 ). Ngài đã gánh tội lỗi chúng ta trên cây gỗ và hiện nay Ngài đang cầu thay cho chúng ta trước ngôi ĐCT trong sự công bình và thánh khiết
Thầy tế lễ phải trải qua bước chuẩn bị để vào nơi chí thánh. Sự đầu phục và sự thanh tẩy là 1 phần của sự chuẩn bị ấy. Cũng vậy với chúng ta ngày nay để có thể kinh nghiệm sự hiện diện của ĐCT 1 cách mạnh mẽ ở trong nơi chí thánh, chúng ta phải xưng nhận tội lỗi mình, tiếp nhận sự tha thứ của ĐCT và vâng phục ý chỉ của Ngài. Chúng ta phải dẹp bỏ tự kỷ để Ngài làm chủ đời sống mình khi ấy sự thờ phượng của chúng ta là những gì Ngài muốn và chúng ta có thể tiếp cận Ngài với sự vui mừng và ngợi khen.
Trong nơi chí thánh không có cửa sổ nào. Trang bị duy nhất là hòm giao ước bày tỏ sự hiện diện của ĐCT không có điều gì làm sao lãng thầy tế lễ thượng phẩm khỏi sự thờ phượng thuần khiết trong sự hiện diện của ĐCT. Sự kêu gọi tương tự cho chúng ta ngày nay là những người thờ phượng, chúng ta nhận biết sự hiện diện vinh hiển của ĐCT, chúng ta chọn lựa tìm kiếm ĐCT và tận hưởng sự hiện diện của Ngài. Trong 1 thời giờ như vậy 1 môn đồ của cộng đồng bị lãng quên, không còn bận rộn, không còn ồn ào, không còn bị chi phối bởi việc này việc khác mà chỉ mình họ với Chúa. Chính giờ phút thiêng liêng ấy, người thờ phượng không cầu xin gì cả. Người ấy không thờ phượng để mong nhận ân huệ từ ĐCT mà học biết rằng niềm vui và sự hiện diện của Ngài có ý nghĩa biết bao.
- Huyết sinh tế ( Xuất 12:2-13 ; Lêvi 16:14-15 ; Heb 9:12-27 ): ĐCT cũng nói một cách dùng tế lễ như thế nào. Đôi lúc huyết phải rảy trên vật dụng Đền Tạm, thường là được rảy trên bàn thờ bằng đồng, vào ngày Đại lễ Chuộc tội, huyết được đem vào trong bức màn và được rảy trên nắp thi ân. Những nghi thức này được ứng nghiệm trong huyết của Chúa Jesus ( Math 26:26-28 )
Heb 9:11-14 “Nhưng Đấng Christ đã hiện đến, làm thầy tế lễ thượng phẩm của những sự tốt lành sau nầy;Ngài đã Vượt Qua đền tạm lớn hơn và trọn vẹn hơn, không phải tay người dựng ra, nghĩa là không thuộc về đời nầy; Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời.Vì nếu huyết của dê đực bò đực cùng tro bò cái tơ mà người ta rưới trên kẻ ô uế còn làm sạch được phần xác thịt họ và nên thánh thay, huống chi huyết của Đấng Christ, là Đấng nhờ Đức Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Đức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, là dường nào!”
Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch, không đổ huyết thì không có sự tha thứ ( Heb 9:22 ). Nhưng huyết của bò đực và dê đực thì không thể cất tội lỗi đi được ( Heb 10:4 ) còn huyết của con người đã trở nên băng hoại do tội lỗi bước vào, nên cần phải có huyết vô tội mới cứu chuộc được con người. Chúa Jesus đã dùng chính huyết mình, huyết vô tội và hoàn hảo làm của lễ 1 lần đủ cả và lập sự cứu chuộc đời đời. Nhờ huyết của Chúa Jesus mà mọi vi phạm chúng ta được xóa bỏ, tội lỗi chúng ta được thanh tẩy, chúng ta được sự cứu chuộc, sự bình an và sự nên thánh, chúng ta được xưng công bình và được giải hòa với ĐCT. Sự hy sinh và huyết của Đức Chúa Jesus đáp ứng mọi yêu cầu của luật pháp.
- Chức tế lễ: Thời Cựu Ước ĐCT đã lập chức tế lễ để đại diện cho dân sự trước mặt Ngài. Chức vụ của họ liên quan đến 1 hệ thống nghi thức phức tạp biểu tượng về những điều thuộc linh, là hình bóng cho những điều sau, chứ không phải là hình thật ( Heb 8:5 ; 10:1 )
Col 2:17 “ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.”
Chức tế lễ của Đấng Christ đã làm trọn khuôn mẫu của chức vụ này vì Ngài là vị thượng tế đặc biệt giống như Menchixeđec ( Heb 7 ) không như những thầy tế lễ Lêvi. Những thầy Lêvi phạm tội còn Chúa Jesus thì không. Những thầy Lêvi chỉ phục vụ khi họ còn sống, trong khi Chúa Jesus chúng ta đã từ kẻ chết sống lại và thiết lập chức tế lễ đời đời. Những thầy Lêvi dâng sinh tế cho họ và cho dân chúng. Chúa Jesus không cần dâng sinh tế cho Ngài, ngược lại Ngài dâng chính mình Ngài làm của lễ chuộc tội cho loài người. Con người tội lỗi không thể tiếp cận ĐCT thánh khiết. Qua Chúa Jesus, ĐCT đã mở ra con đường hầu cho loài người được tha thứ và đến gần Ngài.
Heb 7:23-28: “Vả lại, số thầy tế lễ rất nhiều, vì sự chết nên không giữ luôn được chức vụ. Nhưng Ngài, vì hằng có đời đời, nên giữ lấy chức tế lễ không hề đổi thay. Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy.Ấy đó thật là thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta có cần dùng, thánh khiết, không tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội, được cất lên cao hơn các từng trời: không như những thầy tế lễ thượng phẩm khác, cần phải hằng ngày dâng tế lễ, trước vì tội mình, sau vì tội dân;Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ.Vì luật pháp lập những người vốn yếu đuối làm thầy tế lễ thượng phẩm;nhưng lời thề có sau luật pháp thì lập Con, là Đấng đã nên trọn lành đời đời.”
“Ấy vậy, vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời, thì hãy bền giữ đạo chúng ta đã nhận tin. Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội.Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng.” ( Heb 4:14-16 ) Chúng ta được kêu gọi để đến gần ĐCT để dâng tế lễ bằng lời ngợi khen bởi môi miếng xưng danh Ngài ra ( Heb 13:15 ) và dâng chính mình làm của lễ sống và thánh làm đẹp lòng ĐCT ( Ro 12:1 )
- KẾT LUẬN
Đền Tạm tiêu biểu cho Đức Chúa Jesus và đã được hoàn toàn ứng nghiệm nơi Ngài. Chúa Jesus là Đền Tạm cho dân Ngài thờ phượng ĐCT, Chúa Jesus là thầy tế lễ thượng phẩm đã đổ huyết ra chuộc tội chúng ta và được phục sinh đi vào nơi rất thánh trên trời trước sự hiện diện ĐCT, Ngài đã mở ra con đường để chúng ta đến gần ĐCT.
Đền Tạm cũng bày tỏ cho chúng ta khuôn mẫu của sự thờ phượng trên trời. ĐCT không muốn chúng ta chỉ dừng lại ở sự thờ phường ồn ào ngoài sân ngoài ( hành lang ) Ngài muốn chúng ta bước vào nơi thánh bằng lời cầu nguyện như 1 thức hương dâng lên Ngài, để nhận lãnh lời Ngài làm linh lương nuôi sống đời sống thuộc linh của chúng ta. Để đem lời Ngài đến với thế giới hư mất và chiếu sáng liên tục trong thế gian này. Không dừng lại ở đấy Ngài muốn đưa chúng ta vào chiều kích cao hơn tại nơi chí thánh, chỉ mình chúng ta với Chúa, tại nơi đó không còn cầu xin nữa mà chúng ta tiếp nhận sự vinh hiển Ngài từng trải sự hiện diện Ngài đầy dẫy trong đời sống chúng ta
Đền Tạm nhắc nhở chúng ta:
– Chỉ trong Chúa Jesus chúng ta mới có thể tiếp cận ĐCT
– Chúng ta có thể tin rằng Chúa Jesus có thể giúp chúng ta vượt qua những khó khăn tồi tệ nhất trong đời vì Ngài đã đi qua con đường đó rồi ( Heb 4:15-16 )
Đền Tạm vừa là nơi thờ phượng vừa là nơi sự chết tại đó con sinh bị giết. Tại đó chúng ta cũng thấy được chính Chúa Jesus đã bị nộp vì tội chúng ta và chết vì sự gian ác của chúng ta. Chúng ta nên sống và chết với lòng hy sinh can đảm như Chúa đã làm, không chỉ chết thuộc thể mà chết về xác thịt, về lòng ham mê trần thế, chết về bản ngã con người cũ, và từ bỏ những điều mình thích để sống cho ĐCT.
ĐỨC CHÚA JESUS CHRIST HÔM QUA NGÀY NAY VÀ CHO ĐẾN ĐỜI ĐỜI KHÔNG HỀ THAY ĐỔI. ( HEB 13:8 )
SV Lê Thị Diễm Kiều – Trường Thần học Quốc tế Agape