Bài 11
SỰ THÀNH TÍN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
I. ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG THÀNH TÍN :
Phục truyền 7:9: “Vậy, nên phải nhận biết rằng Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi, ấy là Đức Chúa Trời, tức Đức Chúa Trời thành tín, giữa sự giao ước và nhân từ đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vậng giữ các điều răn Ngài”
I Côrinhtô 1:9: “Đức Chúa Trời là thành tín …” Hai câu nầy và nhiều câu khác cho biết một trong các thuộc tánh của Đức Chúa Trời là thành tín (Phục 32:4; Êsai 49:7; ICôr 5:24;IITês 3:3)
II. THÀNH TÍN LÀ GÌ?
Thành tín là luôn giữ lời hứa, không bao giờ thay đổi. Thành tín còn có nghĩa là chống đỡ,bảo vệ, cung cấp. Một người thành tín là một người đáng tin cậy, vì người đó có quyền chống đỡ, bảo vệ cung cấp cho chúng ta.
Thi thiên 119:86: “Các điều răng Chúa là thành tín ;Thiên hạ dùng sự giả dối bắt bớ tôi; xin Chúa giúp đỡ tôi”. Bởi Chúa là thành tín, Ngài giúp đỡ chúng ta luôn luôn.
Mathiơ 24:45-46: “Ai là đầy tớ trung tín và không ngoan, mà người chủ đặt cai trị đầy tớ mình, đặng cho đồ ăn đúng giờ”. Phước cho người đầy tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy! “Đứng về phương diện chúng ta là người phục vụ Chúa cũng phải trung tín và thành thật, lúc nào cũng sốt sắng, làm hết sức mình để bất cứ lúc nào Chúa đến cũng thấy chúng ta như vậy. Thành thật và trung tín là như thế (Mat25:21-23).
III. SỰ THÀNH TÍN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐẾN MỨC ĐỘ NÀO?
1-Sự thành tín của Chúa lớn lắm.
Cathương 3:23: “Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm. Chúng ta đặt yêu cầu nầy trong bối cảnh lịch sử của nó, để hiểu đúng ý Chúa muốn nói. Đức Chúa Trời đã dùng Tiên tri Giêrêmi cảnh cáo dân Ysơraên về tội thờ hình tượng, ăn ở bại hoại, nếu không kịp thời sửa lại, Chúa sẽ đày họ qua Babylôn 70 năm. Dân Ysơraên không tin, đến kỳ đã định, Chúa cho quân đội Babylôn đến vay thành Giêrusalem và triệt hạ, cướp tất cả mọi vật trong Đền thờ, kể cả hòm giao ước. Giêrêmi khóc! Cathương là một bài ca ta thán củaGiêrêmi khóc dân Ysơraên. Dầu khóc Giêrêmi cũng phải ca ngợi sự Thành tín của Chúa là lớn lắm, Ngài thành tín ban phước cho kẻ nào sống đẹp lòng Chúa, nhưng cũng đoán xét kẻ nào sống theo ý riêng. Sự thành tín đòi hỏi Ngài thực hiện sự công bình cho mọi người, giáng họa cũng như ban phước.
2-Sự thành tín của Chúa đến tận đâu?
Thithiên 36:5: “Hỡi Đức Giêhôva, sự nhơn từ Ngài ở trên các từng trời; sự thành tín Ngài đến tận các mây”.
Sự thành tín của Ngài bao la cao cả, lâu dài. Nơi nào chúng ta cũng thấy sự thành tín của Chúa. Ngài đã hứa, Ngài đã làm. Chúng ta rất tin cậy Ngài (Thi 89:2).
3-Mọi việc của Chúa được thực hiện một cách thành tín.
Thi thiên 33:4: “Vì lời Đức Giêhôva là ngay thẳng, các việc Ngài đều làm cách thành tín” . Ngài đã hứa với Ápraham sẽ cho ông một dòng dõi như sao tên trời, như cát bãi biển, thì Ngài đã làm đúng như vậy. Ngài đã hứa với dân Ysơraên, sẽ cho họ xứ Canan làm cơ nghiệp thì Ngài cũng đã thực hiện. Ngài đã hứa cho nhân loại một cứu Chúa thì Ngài cũng đã làm gần hai ngàn năm trước đây. Tất cả lời hứa của Chúa đều đã thực hiện, vì Ngài thành tín. Chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy lời hứa trong Kinh thánh (Khải21:5; ITim1:15)
IV SỰ THÀNH TÍN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC THỰC HIỆN :
1-Ngài giữ trọn lời hứa của Ngài.
ICácvua 8:23-24: “Lạy Giêhôva Đức Chúa Trời của Ysơraên ! Họặc trên trời cao kia, hoặc dưới đất thấp nầy, chẳng có một thần nào giống như Chúa. Chúa giữ sự giao ước và lòng nhân từ với kẻ tôi tớ Chúa, là kẻ nào hết lòng đi ở trước mặt Chúa. Đối cùng tôi tớ Chúa, là Đavít, cha tôi, Chúa có giữ lời Ngài đã hứa với người. Thật, hễ điều chi miệng Chúa phán, thì tay Chúa đã làm hoàn thành, y như chúng tôi thấy ngày nay”. Salômôn đứng trước dân Ysơraên trong ngày lễ khánh thành Đền thờ mà nói lên câu nầy để chúng minh sự thành tín của Chúa.
Thi thiên 49:34-35: “Ta sẽ không hề bội giao ước Ta, cũng chẳng đối lời đã ra khỏi miệng Ta. Ta đã chỉ sự thánh Ta mà thề một lần, cũng sẽ không hề nói dối với Đavít”. Lời hứa của Chúa là một lời thề. Bất cứ lời nào ra từ miệng Chúa đều không thể không ứng nghiệm, vì Ngài không thể nói dối, không thể thất tín (Thi 119:89-90; Hêb 10:23).
2-Ngài bênh vực giải cứu các đầy tớ Ngài.
Thi thiên 89:24: “Song sự thành tín và sự nhân từ Ta sẽ ở cùng người ;Nhơn danh Ta, sừng ngươi sẽ được ngước lên”. Đức Chúa Trời thành tín, không bỏ kẻ nào trung thành theo Ngài, Ngài làm cho sừng của họ ngước lên, tức là sức mạnh được dồi dào, sẵn sàng đương đầu ma quỷ và chiến thắng ma quỷ.
IPhierơ4:19: “Vậy, những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn cho Đấng tạo hóa thành tín. Đây là câu kết của đoạn thứ tư. Cả đoạn, Phierơ nói về Hội Thánh đang ở trong lò lửa thử thách và khuyên ai nấy hãy vui mừng nhảy nhót mà trung thành theo chúa cho đến cuối cùng. Nếu tin cậy Chúa, chúng ta sẽ vững vàng trong mọi cảnh ngộ, sẵn sàng bày tỏ nếp sống đạo đức của mình ra. Sự thành tín của Chúa là một sức mạnh để chúng ta chịu đựng mọi sự thử thách. Hãy ngước đầu lên với ma quỷ và phó mình trong tay của Đức Chúa Trời thành tín.
3-Ngài ở gần dân sự của Ngài.
Giêrêmi 51:5: “Ysơraên cùng Giuđa chẳng bị lìa bỏ bởi Đức Chúa Trời mình, bởi Đức Giêhôva vạn quân; dầu đất chúng nó đầy tội lỗi nghịch cùng Đấng Thánh của Ysơraên”. Ngài sẵn sàng sửa trị họ, nhưng không bao giờ lìa bỏ họ, vì giao ước mà Ngài đã lập cùng tổ phụ họ. Dầu họ bất trung, song Chúa vẫn Thành tín (ISam 12:22; IITim2:13).
4-Ngài không để điều gì quá sức chịu đựng của chúng ta.
ICôrinhtô 10:13: “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đường cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” . Sự cám dỗ hay là sự thử thách cũng vậy, chúng ta thường nghĩ rằng tôi bị cám dỗ quá sức, nên không chịu nỗi. Đức Chúa Trời là thành tín, nên Ngài không bao giờ để sự thử thách hoặc cám dỗ quá sức chịu đựng của chúng ta ;khi quá sức, Ngài tức thì mở đường cho chúng ta ra khỏi.
Malachi 3:3: “Ngài sẽ ngồi như kẻ luyện bạc và làm cho sạch”. Khi một thợ luyện đã bỏ bạc hay vàng vào một nồi đốt thì đốt lửa lên để vàng bạc tan chảy ra và hết cáu cặn của nó. Con mắt của người thợ luyện luôn luôn nhìn vào nồi để biết lúc nào xong. Cũng vậy, Chúa cho sự thử thách hoặc cám dỗ đến để rèn luyện chúng ta khỏi những cám dỗ dễ vấn vương như cáu cặn, hầu cho chúng ta được tinh ròng thánh khiết. Chiếc đồng hồ trên tay của chúng ta nhỏ lắm, nhưng rất đắt tiền, vì các bộ phận của nó đều rất nhỏ song rất chắc chắn. Nó đã qua nhiều lửa thử luyện và chịu được, nên trở thành có giá trị hơn cả một khối sắt. Nếu không chịu thử thách và cám dỗ, thì chúng ta không bao giờ được Chúa dùng trong bất cứ việc gì, có chăng cũng quá tầm thường. Vì vậy, chúng ta đừng bối rối khi phải đương đầu với cám dỗ hay thử thách, chỉ xin Chúa cho mình chịu được để trở thành đắc dụng trong tay của Ngài.
5-Ngài làm trọn chương trình của Ngài đối với chúng ta.
ITêsalônica 5:23-24: “Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Giêxu Chirst chúng ta đến! Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó”. Việc đó là việc gì? -Là làm cho chúng ta được nên thánh trọn vẹn cả ba phần :Tâm thần, Linh hồn, thân thể cho đến ngày Chúa Giêxu tái lâm, Ngài sẽ không thấy một vết tích nào trong chúng ta. Ngài tiếp tục làm cho chúng ta đến khi trọn vẹn, vì Ngài là thành tín. Ngài không bao giờ bằng lòng cho chúng ta ăn ở như người chưa tin, mà lúc nào cũng sẵn sàng làm bất cứ việc gì để đưa chúng ta vào một đời sống thánh khiết, chuẩn bị xứng đáng vào nước thiên đàng thánh khiết. Chúa có một chương trình tốt đẹp trọn vẹn đối với đời sống mỗi người. Ngài đã thực hiện, đang thực hiện và sẽ còn thực hiện. Chúng ta thường thích cuộc sống tầm thường, nên đòi hỏi được sống ngang hàng với những người tội lỗi hoặc yếu đuối nguội lạnh. đừng đặt họ làm tiêu chuẩn của đời mình, mà phải đặt Chúa làm tiêu chuẩn, Ngài bảo chúng ta phải giống Ngài trong sự công bình và thánh khiết, chớ không cho chúng ta phải giống người này,người nọ.
Có một người sống cuộc đời hết sức đạo đức, được bạn bè khen : “Anh giống như thánh Augustine ngày xưa”
Được khen như vậy đáng lẽ ông phải mừng lắm, nhưng ông buồn nói : “Người ta không khen tôi giống như Cha tôi ở trên trời, mà chỉ khen tôi giống như thánh Augustine !. Giống như người, dầu là tốt nhất cũng chưa làm chúng ta thỏa nguyện, cho đến khi chúng ta giống như Cha chúng ta ở trên trời. Đó là chương trình, là mục tiêu mà Ngài theo đuổi (Mat5:48).
6-Ngài sử trị con các Ngài.
Thithiên 119:75: “Hỡi Đức Giêhôva, tôi biết rằng sự đoán xét của Ngài là công bình. Và ấy là bởi sự thành tín mà Ngài làm cho tôi bị khổ nạn”. Vì Chúa là thành tín, nên không sử trị con cái của Ngài khi họ phạm sai lầm. Ngài muốn đem họ đến con đường hạnh phúc, đi trong sự kình sợ Ngài, nên bất cứ ai đi con đường sai lầm thì Ngài làm đủ mọi cách để đem người đó trở về.
Thi thiên 23:4: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào ;vì Chúa ở cùng tôi : Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi”. Cây trượng để đánh thú dữ và cây gậy để khi thấy chiên đi sai đường thì móc nó trở lại. Chúa sử dụng cây trượng đối với kẻ thù và cây gậy đối với bầy chiên. Nếu khi nào chúng ta phạm tội, mà không thấy cánh tay của Chúa đụng đến mình để đem mình trở lại, tức là không thấy cái roi của Chúa sửa trị mình, thì phải chăng Chúa bỏ mình tôi? Chúa nói với Samuên về Saulơ : “Ta đã lìa bỏ nó” (ISam 16:1). Dầu Saulơ bắt bớ Đavít một cách tàn nhẫn, Chúa không đụng đến ông nữa. Ngài chỉ bảo vệ Đavít. Vì thế, mỗi lúc Saulơ càng đi xuống, xuống, xuống mãi cho đến lúc quỳ lụy một bà bóng. Không ngờ một người Ysơraên được Chúa xức dầu làm vua, đầy dẫy thánh linh, nói tiên tri, lại đến nỗi như vậy. Nếu con tôi nói một lời xấu, tôi trách liền, nhưng những đứa ngoài đường kia nói xấu gấp 10 lần con tôi, tôi cũng làm ngơ, vì chúng không phải con tôi. Người trồng nho lúc nào cũng có sẵn cái kéo trong tay để tỉa sửa, hầu cho nho được kết quả hơn, thì Chúa cũng có cái kéo thuộc linh trong tay, và sẵn sàng tỉa sửa những gì sai quấy trong đời sống chúng ta, để được kết quả nhiều hơn.
7-Ngài tha thứ cho kẻ ăn năn.
IGiăng 1:9: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác”. Halêlugia !Cảm tạ Chúa! Chúa không đòi hỏi chúng ta điều gì hết ngoài ra xưng tội mình, và lìa bỏ nó thì Chúa sẵn sàng tha thứ. Chúng ta phải hiểu điều nầy :Chúa sẵn sàng tha thứ và chờ đợi để tha thứ cho chúng ta hơn là chúng ta muốn được tha thứ. Cũng như người con hoang đàng chưa bao giờ nghĩ đến việc trở về với cha mình, song lúc nào cha cũng đã tựa cửa chờ con trở lại. Khi ra đi thì dễ, mà trở về không dễ đâu, vì vậy, đừng bao giờ nói rằng : “Tôi phạm tội, rồi tôi sẽ ăn năn, Chúa tha thứ”. Đúng một phương diện là khi chúng ta ăn năn Chúa sẵn sàng tha thứ, nhưng dễ ăn năn không? Ô, tôi dám quả quyết rằng không có gì khó bằng ăn năn. Ma quỷ, thế gian, tội lỗi làm cho lòng chúng ta cứng cỏi đến độ chai lì, và khi chúng ta muốn ăn năn cũng không dễ ăn năn. Có những lần Saulơ nhận xét lỗi mình, nói : “Hỡi Đavít, con ta …”. Nói như vậy thì nói mà không ăn năn; hối hận, hối tiếc mà không hối cải, sau mấy ngày lại tiếp tục tìm Đavít để giết (ISam 24:17-23;27:21-25). Không nên chờ đợi, chúng ta không biết mình chết lúc nào. Mỗi ngày chờ đợi la ømỗi ngày làm cho lòng chai lì, không ăn năn được nữa.
8-Ngài nhậm lời cầu nguyện của chúng ta.
Thi thiên 143:1: “Hỡi Đức Giêhôva, xin hãy nghe lời cầu nguyện tôi, lắng tai nghe sự nài xin của tôi. Nhơn sự thành tín và sự công bình Chúa, xin hãy đáp lại tôi. Chúa thành tín, công bình nên Ngài nghe lời khẩn nguyện của chúng ta. Chúng ta sốt sắng cầu nguyện vì biết chắc Chúa nhậm. Các tôn giáo trên thế giới cũng cầu nguyện. Tại một xứ bên Phi Châu, cứ bốn giờ sáng thì có tiếng còi nổi lên, rồi cả thành phố thổi còi để đánh thức người Hồi giáo cầu nguyện. Họ kêu la mà không bao giờ được đáp lại. Chúa bảo : “Ta sẽ nhậm lời họ trước khi kêu cầu Ta, họ còn nói Ta đã nghe rồi” (Êsai 65:24). Chúa nghiêng tai nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Khi một bệnh nhân nói nhỏ quá, nghe không rõ, muốn biết nhu cầu bệnh nhân, bác sĩ phải cúi xuống, nghiêng tai vào miệng của bệnh nhân để nghe, Đavít cũng nói vậy. Chúa chăm chú, sẵn sàng để nhậm lời cầu nguyện của chúng ta, vì Ngài là thành tín. Phaolô nói rằng Ngài nhậm lời khẩn nguyện của chúng ta hơn điều chúng ta cầu xin và ước ao, quá sức tưởng tượng (Êphê3:20).
Đầu năm 1984, truyền đạo Lê Phước Lạc mời tôi giảng cho lớp Thiếu Niên trong một phòng sau Nhà thờ. Tối thừ nhất có chừng 20 em nhóm lại, sau vài tuần, Thanh niên phá vách ngăn để họ cũng nhóm với Thiếu niên. Kế đó mấy cụ già, ông bà tráng niên cũng đến mỗi lúc một đông hơn. Phòng đã chật lắm, nên phải ra nhà thờ. Ban đầu chỉ giảng tối thứ năm, song không đủ chỗ, nên phải chia ra hai tối thứ tư và thứ năm mà chỉ một bài giảng. Đó là việc của Đức Chúa Trời làm. Ngài thành tín, Ngài làm hơn điều tôi cầu xin và ao ước. Tôi không bao giờ tưởng tôi còn đứng đây đến ngày hôm nay, tôi không bao giờ nghĩ có lớp bồi linh như thế nầy. Tôi phải hạ mình xuống thấp hơn, thấp hơn nữa để tôn vinh Ngài. Halêlugia !
Để kết thúc, chúng ta xem mấy lời làm chứng về Đức Chúa Trời 5 thành tín :
1-Lời làm chứng của Giôsuê, nhà lãnh tụ dân Ysơraên, đã dẫn họ vào xứ Canaan.
Giôsuê 21:45: “Trong các lời lành mà Đức Giêhôva đã phán cho nhà Ysơraên, chẳng có một lời nào là không thành :thảy đều ứng nghiệm hết “.
Giôsuê 23:14: “Nầy, ngày nay Ta phải đi đường cả thế gian phải đi. Vậy, hãy hết lòng hết ý nhận biết rằng trong các lời lành mà Giêhôva Đức Chúa Trời các ngươi đã phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết, thảy đều ứng nghiệm cho các ngươi ; thật chẳng có một lời nào sai hết”. ông lập lại : “Chẳng có một lời nào sai hết, thảy đều ứng nghiệm cho các ngươi”. Halêlugia!
2-Lời làm chứng của vua Salômôn.
ICác vua 8:56: “Đáng khen ngợi Đức Giêhôva là Đấng đã ban sự bình yêm cho dân Ysơraên của Ngài, tuỳ theo các lời Ngài đã hứa! Về các lời tốt lành mà Ngài đã cậy miệng Môise kẻ tôi tớ Ngài, phán ra, chẳng có một lời nào không ứng nghiệm”. Chẳng có một lời nào không ứng nghiệm! Chúa Giêxu phán : “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta không bao giờ qua đi” (Mat24:35). Lời Chúa đáng cho chúng ta tin cậy dường nào !
Bài học thực tế.
Thithiên 37:3: “Hãy tin cậy Đức Giêhôva và làm điều lành ; Khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài”. Nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài. Sự thành tín của Chúa được hình dung như một thức ăn, như một nguồn phứớc, như một nguồn suối tuôn tràn để nuôi chúng ta.
Nếu chúng ta muốn hiểu bối cảnh lịch sử của câu này thì phải trở lại Ápraham. Đức Chúa Trời đã kêu gọi Ápraham bỏ thành Urơ xứ Canh đê, đến tại Canaan. Chúa hiện ra và hứa ban xứ đó cho ông và dòng dõi ông. Nhưng một cơn thử thách xảy ra, tại Canaan có cơn đói kém. Nếu Ápraham cứ ở lại xem Chúa làm gì cho mình thì phước quá, nhưng Ápraham không nuôi mình bằng sự thành tín của Chúa. Thấy bao nhiêu người từ Canaan xuống Êdíptôâ, Ápraham và Sara cũng đi theo họ. Ápraham bắt đầu sợ người ta giết mình để đoạt vợ, vì Sara đẹp lắm. Tại sao dân Canaan còn gian ác hơn dân Êdíptô mà Ápraham không sợ? Đi khỏi ý muốn của Chúa thì thấy cô đơn, phải tự vệ và tự vệ bằng cách nói dối vợ là em gái mình, nửa dối nửa thật. Em gái cũng đúng mà vợ cũng đúng, là vì em một cha khác mẹ nhưng đã lấy làm vợ. Kết quả thật là tai hại và Đức Chúa Trời đã can thiệp. Pharaôn đòi Ápraham đến, trách rồi trục xuất. Mỗi chúng ta phải biết chắc nơi nào Chúa muốn mình ở, việc gì Chúa muốn mình làm, nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài. Chúng ta còn ngồi trong ngôi Nhà thờ nầy là nhờ chúng ta nuôi mình bằng sự thành tín của Chúa. Ngài là thành tín.