Bài 2
Bài Cầu Nguyện Mẫu
Lạy Cha chúng con ở trên trời
Danh Cha được thánh,
Nước Cha được đến,
Ý Cha được nên, ở đất như trời.
Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày.
Xin tha tội lỗi cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con.
Xin chớ để chúng con bị cám dỗ mà cứu chúng con khỏi điều ác!
Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men. (Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:9-13).
Đây không phải là bài cầu nguyện để chúng ta học thuộc lòng và tụng niệm nhưng đây là KHUÔN MẪU Chúa dạy để chúng ta theo đó mà cầu nguyện. Bài cầu nguyện nầy dạy chúng ta những điều sau:
1. Đối tượng cầu nguyện. Khi cầu nguyện, chúng ta gọi Chúa là Cha: “Lạy CHA chúng con ở trên trời.” Điều nầy cho thấy cầu nguyện là một quan hệ mật thiết như quan hệ cha con. Chúng ta đến với Chúa chẳng những để cầu xin nhưng cũng để giãi bày tâm sự, chuyện trò thân mật.
2. Người cầu nguyện. Khi cầu nguyện chúng ta xưng “CHÚNG CON” cho thấy chúng ta không phải là người duy nhất cầu xin nhưng cùng với nhiều người khác cùng gọi Chúa là Cha. Cầu nguyện “Lạy Cha CHÚNG CON ở trên trời” vì vậy đồng thời cũng nhắc chúng ta về mối quan hệ với người chung quanh. Chúng ta phải sống và cư xử với nhau như anh em một nhà vì chúng ta có cùng một Cha trên trời.
3. Nơi chốn chúng ta hướng về để cầu nguyện. Chúa dạy chúng ta cầu nguyện “Lạy Cha chúng con Ở TRÊN TRỜI.” Trời là nơi Chúa ngự, đồng thời cũng hàm ý Chúa là Đấng vĩ đại, cao cả, cầm quyền trên cả cõi vũ trụ. Chúng ta đến với Chúa như một người Cha nhân từ nhưng đồng thời cũng là một người Cha vĩ đại, có đầy đủ quyền năng để cứu chúng ta.
4. Nội dung lời cầu nguyện:
a. Cho Chúa: “Danh Cha được thánh, nước Cha được đến, ý Cha được nên ở đất như trời.”
Mở đầu lời cầu nguyện là một lời suy tôn, ca ngợi. Đồng thời đây cũng là cách chúng ta hứa sống thế nào để danh Chúa được thánh, nước Chúa được đến và ý Chúa được nên.
DANH Chúa là nói đến chính Chúa. Cầu nguyện “danh Cha được thánh” không có nghĩa là cầu nguyện để Chúa được thánh (vì Chúa lúc nào cũng thánh), nhưng để nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa là Đấng thánh khiết, chúng ta phải sống thế nào để chính chúng ta và người khác không coi thường đức thánh khiết của Chúa.
NƯỚC Chúa nói đến quyền cai trị của Chúa. Cầu nguyện cho “nước Cha được đến” nghĩa là cầu nguyện cho có nhiều người thần phục dưới quyền của Chúa. Nước Chúa sẽ đến hoàn toàn trong ngày Ngài trở lại trần gian cho nên cầu nguyện “nước Cha được đến” cũng hàm ý trông mong Chúa mau trở lại.
Cầu nguyện “Ý Cha được nên ở đất như trời” nghĩa là chúng ta mong muốn chương trình và ý định của Chúa được thành tựu trên trần gian nầy như đã được thành tựu trên trời. Cầu nguyện như vậy cũng hàm ý là chúng ta sẵn sàng làm theo ý của Chúa.
Cầu nguyện là ca tụng danh Chúa, nước Chúa và ý Chúa, đồng thời cũng tự nhắc mình hãy tôn trọng Chúa, thần phục Chúa, trông mong Chúa trở lại và sẵn sàng làm theo ý muốn của Ngài.
b. Cho mình:
Chúa dạy chúng ta xin ba điều: Nhu cầu vật chất (“Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày”). Nhu cầu tâm linh (“Xin tha tội lỗi cho chúng con”). Nhu cầu được bảo vệ (“Xin chớ để chúng con bị cám dỗ mà cứu chúng con khỏi điều ác”).
Nhu cầu vật chất. Chúng ta có những nhu cầu thể xác và Chúa muốn chúng ta tùy thuộc nơi Ngài mỗi ngày. Chúa không bảo chúng ta xin thức ăn dư dật trọn năm nhưng mỗi ngày. Cầu xin thức ăn cũng hàm ý tất cả những nhu cầu vật chất khác như áo quần, nhà ở v.v….
Nhu cầu tâm linh. Quan hệ giữa chúng ta với Chúa sẽ bị trở ngại nếu có tội lỗi chen vào vì vậy chúng ta cần ơn tha thứ của Chúa mỗi ngày. Chúng ta cầu xin Chúa tha thứ trong ý thức là chúng ta cũng sẵn sàng tha thứ người khác dù họ có lỗi với chúng ta. Chúng ta tội lỗi xấu xa mà Chúa còn tha thứ, chúng ta cũng cần tha thứ người khác như vậy.
Nhu cầu được bảo vệ. Cám dỗ là điều chúng ta phải đối diện mỗi ngày. Cầu nguyện, “Xin chớ để chúng ta con bị cám dỗ” không có nghĩa là bảo Chúa đừng để cám dỗ đến với mình nhưng hàm ý xin Chúa giúp mình thắng cám dỗ: “Xin đừng để con bị cám dỗ đến độ rơi vào cạm bẫy của ma quỉ.” Lời cầu xin tiếp theo cho thấy rõ ý nầy: “Mà cứu chúng con khỏi điều ác.” Chữ “điều ác” cũng có thể dịch là người ác hay ma quỉ. Do đó, “Xin chớ để chúng con bị cám dỗ” cũng có nghĩa là “xin giải thoát chúng con khỏi bàn tay của ma quỉ.” Tự sức chúng tôi không thể nào đương đầu với ma quỉ, chúng ta chỉ có thể chiến thắng ma quỉ nhờ sức mạnh của Chúa.
Câu cuối cùng của bài cầu nguyện là lời suy tôn của người tín đồ ý thức rằng Chúa nắm quyền cai trị (“nước”), sức mạnh (“quyền”) và vinh quang (“vinh hiển”) cho đến muôn đời.
BÀI TẬP ÔN 2
1. Bài cầu nguyện chung là __________________ Chúa dạy để chúng ta theo đó cầu nguyện.
2. Cầu nguyện là một quan hệ mật thiết như quan hệ ______ ______________.
3. Cầu nguyện cũng nhắc chúng tôi về mối quan hệ với ______.
4. “Trời” là nơi Chúa ngự, đồng thời cũng hàm ý Chúa là Đấng _______________________________.
5. Nội dung bài cầu nguyện gồm hai phần chính:
(1) Cho ____________.
(2) Cho ____________.
6. Mở đầu lời cầu nguyện là một lời _____________. Đồng thời đây cũng là cách chúng ta hứa __________ để danh Chúa được ________, nước Chúa được ________ và ý Chúa được ______.
7. Cầu nguyện “Nước Cha được đến” cũng hàm ý trông mong ______ __________________________________.
8. Cầu nguyện “Ý Cha được nên” hàm ý chúng ta sẵn sàng _______ _________________________________.
9. Ba điều Chúa dạy chúng ta cầu xin cho chúng ta là:
(1) Nhu cầu ______________________.
(2) Nhu cầu ______________________.
(3) Nhu cầu ______________________.
10. Tại sao Chúa dạy chúng ta chỉ xin đồ ăn ĐỦ NGÀY mà thôi? _____________________________________________
11. Chúng ta cầu xin Chúa tha thứ trong ý thức là chúng ta cũng sẵn sàng ___________________ người khác.
12. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng ma quỉ nhờ ____________