Bài 35
SỰ TÁI SANH (Giăng 3:1-10)
Tái sanh là một giáo lý rất quan trọng, do chính Chúa Giêxu đề cập với Nicôđem. Là con cái của Chúa, chúng ta phải hiểu sự Tái sanh, phải kinh nghiệm sự Tái sanh, cũng giải thích được sự Tái sanh cho người khác.
I. Ý NGHĨA CỦA SỰ TÁI SANH:
Sự xưng công bình làm thay đổi địa vị. Sự Tái sanh thay đổi tâm tánh. Tái sanh không phải trở vào lòng mẹ, sanh lần thứ hai như Nicôđem đã hỏi Chúa. Giả định rằng người ta có thể trở vào lòng mẹ, sanh lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, và đến thứ mười cũng vô ích mà thôi. “Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt”, nên dầu có sanh ra đến bao nhiêu lần cũng hoàn toàn xác thịt, mà xác thịt không được cứu rỗi, không được vào nước Đức Chúa Trời.
Vậy Tái sanh là gì ?
1-Được sanh bởi Đức Chúa Trời.
Giăng 1:12-13: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin Ngài, là kẻ chẳng phải sanh bởi khí Huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy”. Chúng ta được sanh lần thứ nhất bởi cha mẹ, chúng ta là con của cha mẹ, dự phần bản tánh của cha mẹ, hưởng cơ nghiệp của cha mẹ. Hễ gì của cha mẹ cũng là của con. Bây giờ chúng ta được sanh bởi Đức Chúa Trời, làm con của Ngài, dự phần bản tánh của Ngài, giống như Ngài, hưởng cơ nghiệp của Ngài và bất cứ gì của Ngài cũng là của chúng ta.
2-Được dựng nên mới.
IICôrinhtô 5:17: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thí nấy là người dựng nên mới, những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới”. Người tin Chúa Giêxu thì được Ngài tái tạo. Ngài đã tạo chúng ta lần thứ nhất trong lòng mẹ. Bây giờ Ngài tái tạo chúng ta bởi quyền năng của Thánh Linh. Khi một người được tái tạo như vậy là bắt đầu một cuộc sống mới. Chúng ta được sanh bởi cha mẹ thì hưởng được sự sống cũ từ Ađam và Êva lưu truyền, là sự sống bại hoại của con người đến chỗ hư mất, trầm luân. Chúng ta được Đức Chúa Trời tái tạo để hưởng được sự sống mới, sự sống đời đời, thích hiệp với Thiên Đàng.
3-Được lòng mới và Thần mới.
Êxêchiên 36:26-27: “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt Thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt. Ta sẽ đặt Thần Ta trong các ngươi, và khiến các ngươi noi theo luật lệ Ta, thì các ngươi sẽ giữ mạng lệnh Ta và làm theo”. Loài người không thể nào giữ mạng lệnh của Chúa. Khi dân Ysơraên được Chúa ban luật pháp là 10 điều răn, Ngài viết trên bảng đá, nhưng khi Môise chưa đem luật pháp đến cho họ, thì họ đã phạm tội thờ lạy con bò bằng vàng. Nếu không được tái sanh, chẳng có một người nào ăn ở đẹp lòng Đức Chúa Trời, chẳng có một người nào giữ được luật pháp của Ngài. Chúa bảo rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta lòng mới, Thần mới, cất lòng bằng đá, lòng chai lì, lòng xấu xa, bại hoại khỏi chúng ta. Ngài không ghi tạc Luật pháp vào bảng đá, vào Kinh Thánh nầy, nhưng vào lòng, vào trí của chúng ta, làm cho Luật Pháp đó trở thành sự sống của chúng ta, khiến chúng ta thích thú mà ăn ở theo luập pháp của Chúa.
Về loài vật, nếu là chim, nó bay trên trời, nếu là cá, nó lội dưới nước, nếu là thú vật nào, nó đi trên đất. Chúng nó sống đúng theo luật lệ mà Đấng Tạo Hoá đã đặt trong mỗi loài. Con chim thích bay trên trời, con cá lội dưới nước, con thú thích đi trên đất, vì sự sống của chúng nó là như vậy. Con người bại hoại xấu xa, không thể nào làm theo Luật pháp Thánh của Chúa, cho đến khi chúng ta được Ngài ghi tạc luật ấy vào lòng.
Đavít nói trong Thi thiên 51:10: “Đức Chúa Trời ôi, xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng”. Chúng ta hãy tha thiết nài xin Chúa như Đavít, chúngh ta sẽ lấy làm thích thú ăn ở theo Luập pháp của Chúa. Chúng ta không phải cố gằng đi Nhà Thờ, đọc Kinh Thánh, Cầu nguyện, Dâng tiền, nhưng chúng ta lấy làm sung sướng sinh hoạt như thế. Giả định khi nào chúng ta không còn dâng tiền, không còn cầu nguyện, không còn đọc Kinh Thánh, nói chung là không còn sinh hoạt thuộc linh, là Hội Thánh chết. Sinh hoạt đó như chim bay trên trời, như cá lội dưới nước, như thú đi trên đất.
4-Được sống lại với Đấng Christ.
Êphêsô 2:5: “Nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu”. Trước kia chúng ta sanh ra trong tội lỗi, đắm chìm trong tội lỗi, chết trong tội lỗi. Nhưng nhờ ân điển của Chúa Giêxu, chúng ta được sống lại với Ngài trong cuộc đời mới. Khi xuống nước chịu Báptêm, chúng ta phải long trọng tuyên bố rằng: “Tôi đã chết và chôn dưới mồ mả của lễ Báptêm nầy, và khi tôi lên khỏi nước là tôi được sống lại với Đấng Christ trong cuộc đời mới. Từ đây không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi, và tôi sống trong Ngài”. Đó là ý nghĩa của sự tái sanh (Gal 2:20).
5-Lột bỏ người cũ mà mặc lấy người mới.
Êphêsô 4:22-24: “Rằng anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là ngươi bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật”. Phaolô nói về hai giai đoạn trong đời chúng ta: Đời cũ và đời mới. Bây giờ chúng ta không có phép ăn ở theo đời cũ như người thế gian nữa, mà phải lột bỏ nó đi để mặc lấy người mới, sống một đời mới. Ađam và Êva đã lột bỏ cái áo bằng lá vả, để mặc cái áo bằng da chiên mà Đức Chúa Trời đã may cho.
Các nhà sinh học nói về con bướm. Con bướm vốn là con sâu bò dưới đất, ăn lá cây, hình thù ghê gớm, không ai muốn nhìn. Khi sâu đã lớn, nó vào trong kén. Sau một thời gian, nó ra khỏi đó và biến thành con bướm. Con sâu và con bướm khác nhau rất xa, khi đã trở thành con bướm thì nó bay trên không, hút nhụy hoa với hình dung đẹp đẽ. Sâu và bướm là một con, nhưng có hai giai đoạn trong cuộc sống nó. Chúng ta cũng thế, trước kia là con sâu, nhưng bây giờ trong Đấng Christ chúng ta là con bướm. Phaolô bảo rằng: “Phải mặc lấy người mới là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự Thánh Khiết”. Người đã tin Chúa được tái sanh thì có cách ăn ở giống như Đức Chúa Trời, như con giống cha, về sự Thánh Khiết và Công bình.
6-Được từ tối tăm qua sáng láng.
IPhierơ 2:9: “Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức Thầy Tế Lễ nhà vua, là dân Thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài”. Tái sanh là thoát khỏi tối tăm qua nơi sáng láng. Chúng ta đã được sanh ra trong nơi tối tăm, sống trong tối tăm, chết cũng trong nơi tối tăm. Nhưng Đức Chúa Giêxu đã giải phóng chúng ta khỏi nơi tối tăm mà đưa vào nước sáng láng. Tái sanh là từ cũ qua mới, từ chết qua sống, từ tối qua sáng. Halêlugia !
7-Được dự phần bản tánh Đức Chúa Trời.
IIPhierơ 1:4: “Bởi vinh hiển nhân đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bản tánh Đức Chúa Trời”. Cha mẹ sanh con không những truyền đạt cho nó sự sống, nhưng cũng truyền đạt bản tánh của mình nữa. Cha nào con nấy, con giống cha không những về thân hình mà cũng về tâm tánh. Cũng vậy, người được Tái sanh là con cái Đức Chúa Trời, dự phần bản tánh Thánh khiết của Ngài. Đó là lý do chúng ta tự nhiên ham mến các sự ở trên, ước ao quê hương trên trời mà xem thường mọi sự thuộc trần gian.
II. CẦN YẾU CỦA SỰ TÁI SANH:
Ý nghĩa của sự tái sanh như vậy, nên rất cần mọi người tái sanh. Chúa đã bảo Nicôđem: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu một người chẳng sanh lại thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời”. Không thể có một con đường nào khác để vào nước Đức Chúa Trời (Giăng 3:3,5,7). Vì:
1-Lòng người bại hoại.
Giêrêmi 17:9: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật và rất xấu”. Chúng ta không thể thấy mặt mình, nếu không nhờ gương soi. Nếu không được tái sanh, không bao giờ được cứu rỗi, không bao giờ được làm con Đức Chúa Trời, không bao giờ có hi vọng vào Thiên đàng.
Có người hỏi: “Tôi không nhờ Đức Chúa Trời để được Tái sanh, nhưng cố gắng ăn ở giống như con cái Ngài, thì tôi có được vào nước Thiên đàng không?” – không ! Tại sao? Thí dụ: Trong thành phố có một nhà triệu phú, nên tôi cố gắng ăn ở giống như con của ông. Tôi bắt chước đúng trăm phần trăm. Có phải vì cớ đó mà tôi được hưởng gia tài của ông không? Cũng một thể ấy, dầu ai cố gắng ăn ở giống như người Tin Lành, vẫn xuống địa ngục mà thôi, vì người đó không phải là con của Đức Chúa Trời. Giả định như vậy không có ai nhờ sức mình ăn ở đạo đức được đâu.
Kinh thánh bảo rằng: “Người Êthiôbi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn đó chăng? Nếu được, thì các ngươi là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được” (Giê 13:23). Con beo không thể đổi được vằn của nó, người da đen không thể đổi thành da trắng, thì con người tội lỗi cũng không thể ăn ở Thánh khiết. Nên phải được Tái sanh. Ngay cả Nicôđem là người Do thái chính gốc, thuộc phái Pharisi, là phái tốt nhất bấy giờ, là giáo sư, nghĩa là ông có đủ điều kiện để vào Nước Trời theo ông tưởng. Nhưng Chúa bảo: “Các ngươi phải Tái sanh”.
2-Thiên đàng dành cho người được Tái sanh.
Nếu Thiên đàng dành chứa những người không được Tái sanh, họ sẽ biết Thiên đàng thành địa ngục. Ngược lại, nếu Đức Chúa Trời đem những người tội lỗi vào Thiên đàng thì họ sẽ thưa: “Lạy Chúa, xin cho con xuống địa ngục, vì Thiên đàng không thích hợp với con”. Tín đồ thích nhóm trong nhà nhỏ hẹp, hát trong khám tù, trong rừng núi, nhưng không phải là Tín đồ thì thích đứng xếp hàng mua vé hát, dù trời nắng hay mưa bão.
Khi dân Ysơraên được giải phóng khỏi Aicập thì có một số người nhân cơ hội chạy theo, mặc dầu họ không phải là người Ysơraên. Kinh thánh gọi là dân tạp, chính họ đã xúi dục dân Ysơraên trở lại Aicập. Họ chán Mana, họ oán nước từ hòn đá, chán những gì có giá trị thuộc linh, mà chỉ thích ăn uống vui chơi. Nếu chúng ta không được Tái sanh, thì đi Nhà thờ chán, đọc Kinh thánh chán, nghe giảng cũng chán, vì nó không thích hiệp bản chất của mình.
Con cọp trong chuồng sắt với con cọp ngoài rừng không khác nhau. Có người nhìn con cọp uể oải trong chuồng thì nói: “Con cọp hiền quá hả. Nếu ngày nào nó được thả ra, có lẽ nó không làm hại ai đâu”. Người ấy lầm quá, cọp vẫn là cọp, dầu nhốt nó bao nhiên năm thì nó vẫn là cọp, nhốt nó thì làm cho nó dữ tợn. Con chó thả rông là con chó hiền, con chó bị cột thì dữ lắm, vì nó tức bực.
Cha mẹ đừng bao giờ bảo con: “Bay phải đi Nhà thờ, phải đọc Kinh Thánh, phải cầu nguyện, nếu không tao không cho ăn”. Con đi mà giậm chân vì bực. Đó là chúng ta nhốt con cọp trong chuồng mà thôi. Phải biến thành con chiên, thì không cần nhốt nó nữa. Chúng ta không nên buộc con mình làm điều gì mà nó không muốn, để rồi than rằng: “Con tôi hồi nhỏ đi Nhà thờ, làm mọi sự, bây giờ nó bỏ Chúa, ăn ở như người thế gian”. Tại sao? – Đó là con cọp ra khỏi chuồng. Khi ở dưới quyền cha mẹ, nó chưa được Tái sanh mà cha mẹ bắt nó phải làm, phải làm. Nó chờ đợi một ngày nào nó ra khỏi nhà, chừng đó nó sẽ dữ hơn ai hết. Không cần nhốt con cọp trong chuồng, mà phải biến nó thành con chiên. Cha mẹ không thể tin Chúa thay con, cha mẹ được cứu rỗi nhờ tin Chúa Giêxu, con muốn được cứu, cũng phải tin Chúa như vậy. Cha mẹ có quyền rầy con, đánh con, nhưng không có hiệu lực bằng khóc với con. Đó là không nhốt con cọp trong chuồng, nhưng biến con cọp thành con chiên. Khi lớn lên, con đi đâu mặc kệ, vì đã biết Chúa, tôn thờ Chúa và phục vụ Chúa.
Có một câu chuyện để dạy các em thiếu nhi về sự tái sanh: Có hai ông bà giàu lắm, mà không con. Ngày nọ, họ mua một con heo rất đẹp đem về, tắm rửa sạch, mặc áo mới, để nó ngủ trên cái giường gần giường của ông bà, và cho nó ăn những thức ăn mà ông bà thường ăn. Sau ba tháng, ông bà thí nghiệm, dẫn con heo đi chơi. Khi có một có bầy heo lăn lóc trong vũng bùn bên vệ đường. Con heo quên hết mọi sự, nó nhảy xuống vui vẻ với các bạn nó. Hơn một giờ, con heo lên. Ông bà giận nó la rầy nó dữ tợn. Con heo khóc lóc, hứa sẽ không bao giờ dám làm như vậy nữa. Thế là ông bà cởi chiếc áo nó bỏ đi, và may một chiếc áo mới, tắm rửa sạch sẽ, trở lại địa vị cũ. Con heo tiếp tục ở trong nhà ông bà bình thường. Sau ba tháng, ông bà đưa con heo đi chơi vào một buổi chiều tàn. Bấy giờ, con heo thấy một đám heo đang chơi trong bùn, nó nén lòng để không sa vào đó. Ông bà dẫn nó đi một đỗi xa, khi đến đó thì có một bầy heo đông hơn, nó không giữ mình được và cuối cùng nó nhảy xuống vũng bùn. Ông bà đem nó về tắm rửa sạch sẽ và cảnh cáo nó mạnh mẽ. Con heo khóc lóc đắng cay trên giường cho đến khuya. Khi mòn mỏi quá nó ngủ và chiêm bao thấy một bà tiên từ trên mây đi xuống, tay phải cầm một chiếc gươm, tay trái cầm một trái tim của chiên. Bà tiên đến bên giường của heo, mổ bụng, lấy trái tim của nó quăng đi và đặt trái tim của chiên vào. Con heo tỉnh dậy, thấy trong người thay đổi. Mặc dầu nó là con heo, nhưng trái tim của nó không phải là con heo mà là con chiên. Con chiên và con heo khác nhau. Con heo thích vũng bùn, con chiên thì thích sạch sẽ, thậm chí chỗ nào có nước nó cũng không đến gần. Vì vậy, kể từ đó ông bà không còn lo gì cho con heo nữa, vì nó đã hoàn toàn thay đổi từ tấm lòng của con heo trở thành tấm lòng của con chiên. Nó bắt đầu sống như con chiên chứ không còn sống như con heo nữa.
III. BÍ QUYẾT CỦA SỰ TÁI SINH:
1-Nhận mình có tội.
Giăng 3:14-15: “Xưa Môise treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời”. Chúa Giêxu mượn hình ảnh con rắn bị treo lên cây sáo trong thời Môise, để chỉ về chính mình Ngài chịu chết vì chúng ta trên Thập tự giá. Trong đời nầy, rắn là con thú khốn nạn hơn hết, nó bị rủa sả từ buổi sáng thế, phải đi bằng bụng và ăn bụi đất trọn cả ngày. Chúa mượn con rắn để chỉ về Ngài vì tất cả chúng ta là con rắn đó. Nên Chúa Giêxu đã mang lấy tội lỗi của chúng ta, chịu sự rủa sả thay cho chúng ta. Nhận biết mình là một tội nhân khốn nạn là bước thứ nhất để được Tái sanh (Luca 18:13).
2-Tin nhận Giêxu làm Cứu Chúa.
Tin Chúa Giêxu đã chết vì mình trên Thập tự giá. Ngài đã từ trời Giáng thế, trở thành một em bé nằm trong máng cỏ, Ngài lớn lên trong một gia đình nghèo nàn hơn hết, không có sỉ nhục nào bằng vì cớ tội lỗi của chúng ta ở Naxarét. Ngài đã chịu chết một cách sỉ nhục hơn hết và đã sống lại. Đó là bước thứ hai để được tái sanh.
3-Nhờ Thánh Linh.
Giăng 3:7-8: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, người nghe tiếng động, nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy”. Gió mầu nhiệm lắm, không ai bắt nó trong tay được, nó không màu sắc, không có hình dạng, nhưng sức mạnh của gió rất phi thường. Nếu một cơn bão xảy ra thì nhà sập, cây ngã, đá lăn, cát bay. Sức mạnh của Thánh Linh là như vậy. Nếu chúng ta hạ mình đầu phục, thì Thánh linh sẽ tái tạo chúng ta trở nên con cái Đức Chúa Trời. Điều đó rất huyền nhiệm, không cắt nghĩa được, nhưng là một thực sự. Chúng ta vẫn là tội nhân, nhưng từ khi tin chúa, chúng ta đã được thay đổi hoàn toàn, những sự cũ đã qua đi, mọi sự đều trở nên mới. Đó là quyền năng của Thánh Linh tái tạo.
IV. DẤU HIỆU CỦA SỰ TÁI SANH:
Nếu không có các dấu hiệu nầy, chúng ta nghi ngờ không biết mình đã được tái sanh chưa:
1-Từ bỏ tội lỗi.
IPhierơ 2:1: “Vậy anh em đã từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian xảo, mọi thứ giả trá, lòng ghen ghét và sự nói hành”. Một người được tái sanh thì ghê gớm tội lỗi, xa lánh tội, kể nó là kẻ thù không đội trời chung. Chúng ta sẵn sàng bỏ tội, xây một bức tường cao giữa mình với tội, đào một hố sâu giữa mình với tội, làm cho hai bên không thể gặp nhau được nữa, cũng như “phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng ta khỏi xa chúng ta bấy nhiêu” (Thi 103:12).
2-Ham thích sữa thiêng liêng của Đạo.
IPhierơ 2:2: “Thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn”. Mỗi đứa trẻ mới sanh thì ham thích sữa mẹ, mỗi lần nó khóc là đòi sữa mẹ, Nếu ai là con cái của Chúa thì cũng thích Lời của Ngài như vậy. Có những cô cậu Thiếu Niên tin Chúa, bị cha mẹ đánh đập, xé Kinh thánh, đổi ra khỏi nhà, nhưng rồi họ cũng tìm Kinh thánh đọc. Tại sao? Họ ham thích Kinh thánh như trẻ con mới đẻ thích sữa. Có đứa trẻ nào mới sanh mà đòi hút thuốc? đòi ăn trầu? đòi uống rượu không? . Nếu có những đứa trẻ như vậy là ma quỷ chứ không phải là con.
3-Lớn lên trong Chúa.
IPhierơ 2:2b: “Hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn”. Một đứa trẻ ham thích sữa mẹ thì lớn lên, một tín đồ ham thích Lời Chúa cũng vậy. Có người khoe rằng tôi tin Chúa từ thời ông nầy, ông kia, là Tín đồ kỳ Cựu. Nhưng người đó có được cứu hay chưa? Nếu người đó chưa lớn lên trong Chúa, chưa đạt đến mức trưởng thành, nếu người đó chưa được cứu thì có một đời thuộc linh què quặt.
4-Nếm biết Chúa là ngọt ngào.
IPhierơ 2:3: “Nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào”. Đây là dấu hiệu quan trọng. Chúng ta theo Chúa suốt đời, Chúa đi đâu chúng ta theo đó như Thánh ca số 329. Tại sao? – Chúng ta thấy Chúa ngọt ngào quá, đến nỗi trời long đất lỡ, cũng không làm cho chúng ta bỏ Chúa được.
Đời xưa, con cái Chúa bị đặt trước hai vấn đề:1 – Từ chối Chúa, được sự bình an. 2 – Giữ niềm tin, bị giết chết. Hàng triệu người nói rằng: “Làm sao tôi bỏ Chúa được, vì Ngài đã xả thân trên Thập tự giá vì tôi”. Họ chấp nhận cái chết, vì biết Chúa ngọt ngào, quí báu vô cùng. Hãy nghe lòng nàng Rutơ nói với mẹ chồng: “Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ. Vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó, mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ là dân sự của tôi, mẹ chết nơi nào, tôi muốn chết và được chôn nơi đó”. Hãy nói với Chúa như vậy. Không có sức mạnh nào ở trên trời hay dưới đất hay địa ngục có thể phân rẽ chúng ta với Chúa, vì Tình yêu của Ngài đã buộc chặt chúng ta với Ngài, đến nỗi chúng ta sẵn sàng sống chết với Ngài.
5-Không muốn phạm tội nữa.
IGiăng 3:9: “Ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội, vì hột giống của Đức Chúa Trờiở trong người, và người không thể phạm tội được, vì đã sanh bởi Đức Chúa Trời”. Đã sanh bởi Đức Chúa Trời thì có sự sống của Đức Chúa Trời, bản tánh Đức Chúa Trời ở trong mình. Vì vậy, một người được tái sanh không bao giờ muốn phạm tội, nếu có bị vấp phạm thì ăn năn ngay, chớ không bao giờ miệt mài trong tội lỗi, vì cảm xúc đau đớn lắm (Thi 51:8).
6-Thương yêu anh em mình.
IGiăng 3:14: “Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn chẳng ai yêu thì ở trong sự chết”. Yêu nhau là dấu hiệu rõ nhất về chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Anh em ruột thịt thì yêu nhau là lẽ đương nhiên, vì có mối tương quan mật thiết với nhau. Chúng ta tin Hội Thánh phổ thông, không những là nhữnh kẻ yêu Hội thánh trong cả nước Việt nam mà cũng yêu Hội thánh trong cả Thế giới. Chúng ta đều được cứu qua một dòng Huyết là Huyết cứu Chúa. Hội thánh trong cả Thế giới đang hướng về Việt nam mà cầu nguyện, vì họ yêu chúng ta, tha thiết nài xin Chúa bảo vệ chúng ta trung tín cho đến cuối cùng.
7-Thắng hơn thế gian.
IGiăng 5:4: “Vì hễ sự gì sanh bởi Đức Chúa Trời, thì thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta”. Ai sanh bởi Đức Chúa Trời thì không ham mến thế gian, không làm nô lệ cho nó. Bất cứ hoàn cảnh nào, con cái Chúa có một sức mạnh phi thường để đắc thắng. Môise đã bỏ cả cung điện ngai vàng Aicập để cùng dân Đức Chúa Trời bị hà hiếp. Nếu đã được Tái sanh, chúng ta xem miếng ăn, chiếc áo, vinh hoa phú quí của đời nầy không có nghĩa lý gì, cả vũ trụ là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời chúng ta. Hãy đứng thẳng lên chờ đợi Con Đức Chúa Trời sắp từ trời trở lại. Đừng hạ mình làm nô lệ cho thế gian, đừng ham mến nó, nhưng phải đắc thắng nó như Chúa Giêxu đã đắc thắng, như Hội Thánh trải qua các đời đã đắc thắng, họ dùng Huyết mình đóng ấn cho đức tin của mình.
Có bảy dấu hiệu làm chứng về một đời sống đã được Tái sanh.
Thi thiên 87:6: “Khi Đức Giêhôva biên các dân vào sổ, thì Ngài sẽ kể rằng: Kẻ nầy đã sanh tại Siôn”. Khi chúng ta được Tái sanh, trở nên con trai con gái Đức Chúa Trời, thì Ngài lập khai sanh cho chúng ta mà bảo rằng: “Kẻ nầy sanh tại Thiên đàng, con cái Đức Chúa Trời, công dân Thiên quốc”. Nói một cách dễ hiểu, nếu sáng nay có một em bé mới ra đời, thì khai vào sổ nhà nước con tôi tên gì ? Sanh tại đâu ? Ngày tháng năm nào ? Tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Tất cả mọi sự của Cha là của con Đức Chúa Trời, để không hổ thẹn mà gọi Ngài là Cha, và Ngài không hổ thẹn mà gọi chúng ta là con.