Bài 47
SỰ ĂN NĂN
LỜI GIỚI THIỆU:
Dưới thời Cựu ước, con người sống theo luật pháp, mỗi khi phạm tội người ta xưng ta mình đồng thời dâng một tế lễ và rồi thường là tái phạm những tội lỗi đó.
Sự ăn năn của Tin lành là sự xây bỏ khỏi tội lỗi và quay về với Đức Chúa Trời. Công vụ 20:21 “Giảng cho người Giu-đa như cho người Gờ- réc về sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời và đức trong Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa chúng ta.”
Sự ăn năn nầy được gọi là “Sự ăn năn để được sự sống.” Bởi vì tâm trí mới không chỉ lìa khỏi điều xấu, nhưng còn nhận được sự sống mới trong Đấng Christ.
– Công 11:18 “Vậy Đức Chúa Trời cũng ban sự ăn năn cho người ngoại để họ được sự sống.” Sự ăn năn nầy cũng được gọi là sự ăn năn để được cứu rỗi vốn là mục đích của sự ăn năn.
– 2 Cô-rinh-tô 7:10 “Vì sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải dẫn đến sự cứu rỗi linh hồn.” Khi một ăn năn tội có nghĩa là người đó thay đổi thái độ đối với tội, không quay về với tội mà quay về với Thượng đế.
I. ĐỊNH NGHĨA SỰ ĂN NĂN :
1. Tiêu cực: Sự ăn năn không chỉ là đau buồn về tội lỗi, có nhiều người khóc lóc về tội lỗi nhưng không hề ăn năn vì lập tức sau đó lại phạm tội y như cũ (ví dụ: người say rượu). Làm việc công đức, đền tội không phải là ăn năn vì nó khiến cho người có tội tưởng rằng nhờ công đức để họ hưởng được sự cứu rỗi và điều đó thường ngăn cản sự ăn năn thật. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt và Ê-sau tỏ ra đau buồn về tội lỗi nhưng không ăn năn. Hê-bơ-rơ 12:17 “Người muốn cha mình chúc phước cho thì lại bĩ bỏ vì dầu người khóc lóc cầu xin, cũng chẳng đổi được ý cha mình đã định rồi. Đau buồn, khóc lóc thường đi kèm sự ăn năn thống hối, nhưng tự thân nó không phải là sự ăn năn.
2. Tích cực: Đó là sự thay đổi tâm trí dẫn đến sự thay đổi thái độ. Ma-thi-ơ 21:28-32, cậu con trai lúc đầu không chịu đi vào vườn nho, nhưng về sau ăn năn, đổi ý và ra đi làm việc trong vườn nho.
II. SỰ CẦN THIẾT CỦA SỰ ĂN NĂN :
1. Mọi người cần ăn năn vì mọi người đều phạm tội trước mặt Đức Chúa Trời. Bài giảng đầu tiên của Chúa Jêsus sau khi chịu báp-têm và cám dỗ là sự ăn năn. Ma-thi-ơ 4:17 “Hãy ăn năn vì Nước Trời đã gần.” Lu-ca 13:3 “Chúa Jêsus dạy: Nếu không ăn năn thì hết thảy sẽ hư mất như vậy.”
2. Sự ăn năn đến trước sự tin: Mác 1:15 “Hãy ăn năn và tin đạo Tin lành.”
3. Sự ăn năn đến trước sự tha thứ: Lu-ca 24:47 “và người ta đã nhơn danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sử ăn năn để được tha tội.”
4. Sự ăn năn đến trước sự qui đạo: Công 3:19 “Các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi.”
5. Đức Chúa Trời truyền lịnh về sự ăn năn: Công vụ 17:30 “Vậy thì Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu muội đó mà nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn năn.”
III. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ ĂN NĂN :
Sự ăn năn là đề tài nổi bật trong Kinh thánh, được nhắc đến hơn 100 lần trong Kinh thánh. Sự ăn năn là chủ đề giảng dạy của Giăng Báp-tít. Ma-thi-ơ 3:1,2 “Hãy ăn năn… ”
Khi Chúa Jêsus sai các môn đồ ra đi giảng đạo, Ngài truyền cho họ phải giảng về sự ăn năn. Mác 6:12. Sau Lễ Ngũ tuần,các môn đồ đã rao giảng về sự ăn năn. Công vụ 2:38 “Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh đức Chúa Jêsus chịu báp-têm để được tha tội mình rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh. Đây cũng là sứ điệp của Phao-lô. Công vụ 20:21. Gánh nặng trong lòng Đức Chúa Trời là mọi người đều phải ăn năn. II Phi 3:9 “Ngài không muốn cho mọi người chết mất song muốn cho mọi người đều ăn năn.” Không chịu vâng lời Đức Chúa Trời trong sự ăn năn sẽ dẫn đến sự hư mất. Lu-ca 13:3 “Nếu các ngươi không ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy.”
IV. TÍNH CHẤT CỦA SỰ ĂN NĂN :
1. Đụng đến tư duy: Ma-thi-ơ 21:29 “Tôi không đi, nhưng sau ăn năn rồi đi.” Cậu bé đó đã đổi ý, thay đổi tư tưởng và quan điểm. Sự ăn năn là cuộc cách mạng đụng đến thái độ và quan điểm của ta đối với tội lỗi và sự công bình. Sự ăn năn ạy ta phải ghét tội và học biết yêu sự thánh khiết, công bình. Đứa con trai hoang đàng đã ăn năn, anh ta đã đổi ý về cuộc sống tha phương và đã quyết định quay về nhà cha, xin làm người đầy tớ. Khi Phi-e-rơ kêu gọi người Do thái nhân dịp Lễ Ngũ tuần. Ông kêu gọi họ ăn năn nghĩa là họ phải thay đổi tâm trí của họ về Đấng Christ. Từ chỗ cho Ngài chỉ là một người bình thường, một tay phạm thượng hoặc một tay lừa đảo đến việc thừa nhận Ngài làm con Đức Chúa Trời, Đấng Cứu rỗi thế gian.
2. Đụng đến cảm tình: 2 Cô-rinh-tô 7:9 “mừng và sự buồn rầu làm cho anh em sanh lòng hối cải.” Thường thường, tình cảm giữ một vai trò quan trọng trong sự ăn năn, ăn năn là cuộc chiến khó khăn.
– Lu-ca 10:13 “Hai thành ấy (Ty-rơ và Si-đôn) đã mặc áo gai và đội tro mà ăn năn từ lâu.”
– Lu-ca 7:44 “nhưng người đã lấy nước mắt thấm ướt chân ta, rồi lấy tóc mình mà chùi” (tỏ ra sự ăn năn).
– Người thâu thuế trong Lu-ca 18:13 đấm ngực biểu lộ ăn năn.
– Từ ngữ Hy lạp nói về sự ăn năn có nghĩa là rất mực quan tâm.
– Tiếng Hê-bơ-rơ nói về sự ăn năn có nghĩa là thổn thức bồi hồi, than khóc (diễn tả nỗi buồn).
– Thi 38:18 “Tôi sẽ xưng gian ác tôi ra, tôi buồn rầu vì tội lỗi tôi.”
3. Đụng đến ý chí: Tiếng Hê-bơ-rơ chỉ về sự ăn năn cũng có nghĩa là quay lại. Lu-ca 15:18, 20 đứa con hoang đàng nói: “Ta sẽ trỗi dậy…… và anh ta đã trỗi dậy.” Sự ăn năn là một biến cố kèm theo một kinh nghiệm thay đổi về quan điểm. Phao-lô dạy về sự ăn năn như là một kinh nghiệm hơn là một hành động đơn thuần (trỗi dậy và ra đi). Sự ăn năn là một hành động có hai chiều: 1) Quay khỏi tội lỗi và 2) Quay về với Chúa. Quay khỏi tội lỗi mà không quay về với Đức chúa Trời là sự cải cách chứ không phải là sự tái tạo. I Tê-sa-lô-ni-ca 1:9 “thế nào đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, bỏ hình tượng đặng thờ Đức Chúa Trời.” Công vụ 26:18″… từ quyền lực của quỉ Sa-tan mà đến Đức Chúa Trời.”
V. SỰ ĂN NĂN ĐƯỢC TẠO THÀNH NHƯ THẾ NÀO :
Đây căn bản chính là một món quà của Đức Chúa Trời :
– Công vụ 11:18 “Vậy Đức Chúa Trời cũng đã ban sự ăn năn cho người ngoại để họ được sống.”
– 2 Ti-mô-thê 2:25 “mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật.” Sự ăn năn là một đặc ân mà Đức Chúa Trời là Cha ban cho chúng ta. Khi người ta nghe nói sứ điệp của Tin lành thì Đức Thánh Linh cáo trách tội lỗi của họ và kết quả là mỗi cá nhân có một niềm mơ ước lớn lao là ăn năn tội lỗi của mình. Giô-na đã rao giảng sự ăn năn cho dân thành Ni-ni-ve, họ đã tin sứ điệp đó và quay trở về với Đức Chúa Trời.
– Rô-ma 2:4 “mà không nhận biết lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đem người đến sự ăn năn sao? .”
– Khải 3:19 “Phàm những kẻ ta yêu thì ta quở trách sửa phạt vậy hãy có lòng sốt sắng và ăn năn đi.”
Đức Chúa Trời thường dùng sự sửa phạt và quở trách để khiến chúng ta ăn năn tội lỗi.
VI. NHỮNG KẾT QUẢ CỦA SỰ ĂN NĂN:
1. Cả thiên đàng đều vui mừng:
– Lu-ca 15:10 “Ta nói cùng các ngươi, trước mặt thiên sứ của Đức chúa Trời cũng vậy, sẽ mừng rỡ cho một kẻ có tội ăn năn.”
2. Đem lại sự tha thứ tội:
– Ê-sai 55:7 “Kẻ ác khá bỏ đường mình, người bất nghĩa khá bỏ các ý tưởng, hãy trở lại cùng Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ thương xót cho, hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thứ dồi dào.”
– Công vụ 3:19 “Vậy các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi.”
Sự ăn năn không phải tạo nên cho người có tội một công đức để được tha thứ, nhưng đó chính là một điều kiện để được tha thứ.
Sự ăn năn sửa soạn cho một người sự tha thứ, nhưng sau khi ăn năn rồi, chúng ta vẫn còn không xứng đáng với tình yêu thương và sự tha thứ của Đức Chúa Trời.
3. Đức Thánh Linh được đổ ra trên người ăn năn:
– Công vụ 2:38 “Hãy ăn năn… và các ngươi sẽ nhận lãnh ân tứ của Đức Thánh Linh.”
KẾT LUẬN:
Dầu đã là con cái Chúa, ta cũng không bao giờ ngừng ăn năn.