Bài 65
SỰ THÔNG CÔNG CƠ ĐỐC
LỜI GIỚI THIỆU:
I Giăng 1:7 “nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng láng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng láng, thì chúng ta giao thông cùng nhau.”
I Giăng 1:3″… hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha và với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ.”
Ý nghĩa thế tục của sự thông công ở đây liên hệ đến tình bằng hữu: Tình đồng chí,
tình bạn thân. Trong Anh văn, chữ thông công là fellowship. Có người nói: Fellowship nghĩa là “two fellows in the same ship ” (hai người ở trên cùng một chuyến tàu). Thật ra, điều nầy không đúng vì các hành khách trê cùng một chiếc thuyền có khi không thể nói chuyện với nhau được vì họ không có cái gì chung với nhau.
(Người Việt nam có câu: đồng hội đồng thuyền” để diễn tả người chung lý tưởng ở thế gian).
Nhưng, sự thông công Cơ đốc còn có ý nghĩa sâu xa hơn, ngọt ngào hơn sự thông công thế tục rất nhiều. Sự thông công Cơ đốc là sự giao thông thiêng liêng, là sự cùng chia xẻ, cùng tham dự, cùng thông phần với nhau.
Các sinh viên trong một Đại học có thông công với nhau vì họ có ít điều chung với nhau (cùng trường, cùng sở thích), nhưng sự thông công Cơ đốc có tính độc đáo hơn nhiều, nó liên hệ nhiều hơn, nó bao gồm đến cả cuộc đời chung: Mọi người tín đồ đều có cùng một Cha (Giăng 1:13), được mua chuộc bằng cùng một giá (1 Cô-rinh-tô 6:20) là thành viên của cùng một thân thể (Cô-lô-se 1:18), được dạy dỗ bởi cùng một Thánh Linh (Giăng 16:13), cùng bước đi trên một con đường (2 Cô-rinh-tô 5:7), cùng phục vụ một chủ (Ma-thi-ơ 23:8), cùng thừa hưởng chung một gia tài, một cơ nghiệp (Rô-ma 8:17).
I. NỀN TẢNG CỦA SỰ THÔNG CÔNG :
Bước đi trong sự sáng là điều kiện của sự thông công (I Giăng 1:7). Tội lỗi phá vỡ sự thông công: Sự thông công có thể được phục hồi nhờ sự ăn năn và xưng tội.
Ê-sai 59:2 “Ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời.”
I Giăng 1: 7b cung ứng cho ta công thức của sự phục hồi mối thông công nhờ huyết báu của Đấng Christ tẩy sạch mọi tội dơ chúng ta.
Huyết báu của Chúa không tự động rửa sạch, nhưng nếu chúng ta xưng tội mình, ăn năn nhìn nhận mình có tội thì huyết Chúa có linh nghiệm tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta. (I Giăng 1:9).
Bước đi trong sự sáng có nghĩa là bước đi trong sự vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời, hằng ngày bước theo chân Chúa. Bước theo chân Chúa chúng ta sẽ không phạm tội.
(I Phi-e-rơ 2:21,22).
Sự thông công còn căn cứ trên mối liên hệ thân mật trong tình gia đình đối với Đấng Christ và gia quyến của Ngài.
Nếu hai người không đồng ý với nhau, thì há cùng đi chung được sao? (A-mốt 3:3).
Chắc chắn là không. Họ phải đồng ý với nhau trên:
1. Nơi gặp gỡ thập tự giá.
2. Hướng đi về thiên đàng.
3. Mục đích sự thánh khiết với Đấng Christ.
4. Tốc độ bước đi theo dấu chân của Chúa.
II. CHÚNG TA THÔNG CÔNG VỚI AI?
1. Với Đức Cha và Đức Con:
– I Giăng 1:3. Chúng ta được sinh ra trong gia đình của Đức Chúa Trời, và thành viên thực sự của gia đình chúng ta phải có sự thông công từ lòng đến lòng.
– 1 Cô-rinh-tô 1:9 “Đức Chúa Trời là thành tín. Ngài đã gọi anh em được thông công với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.” Sự kêu gọi căn bản là để thông công hơn là hy sinh hay phục vụ.
2. Với các tín hữu khác:
I Giăng 1:3,7 Thông công với các sứ đồ, các môn đồ, các tín hữu. Các Cơ đốc nhân đều yêu thích được cùng nhau nói chuyện, cùng nhau cầu nguyện, ca hát cùng nhau, khóc cùng nhau, mọi sự cùng nhau. Các Cơ đốc nhân đều thích cùng nhau nói về mọi việc của Đấng Christ và chia xẻ lời làm chứng về kinh nghiệm theo Chúa của nhau. Chúng ta rất cần sự thông công cùng nhau này để tăng cường sức mạnh thuộc linh và khuyến khích nhau trên đường theo Chúa. Một Cơ đốc nhân cô độc có thể bị thiếu đói và mất dẫn sức sống thuộc linh.
Vậy trước hết ta hãy tìm kiếm sự thông công với Chúa trong sự cầu nguyện và đọc Kinh thánh, rồi ta hãy thông công với các con trai con gái khác của Ngài. Sự thông công phản ánh trong gương mặt các thánh đồ.
III. TẠI SAO TA PHẢI THÔNG CÔNG VỚI NGƯỜI KHÁC?
Hê-bơ-rơ 10:25 “Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm.”
Sự thông công là luật lệ đã được Đức Chúa Trời qui định cho loài người. Đức Chúa Trời dựng nên loài người để lao động 6 ngày và nghỉ ngày thứ bảy để để nghỉ ngơi, thông công và thờ phượng.
Đức Chúa Trời thừa nhận nguyên tắc này trong sự sáng tạo vì Ngài phán trong Sáng 2:18 “Người đàn ông ở một mình thì không tốt, ta sẽ làm nên một người giúp đỡ giống như nó.” Câu này chỉ về sự hôn nhân, nhưng nó cũng rất đúng với sự tăng trưởng của người tín đồ Cơ đốc.
Chúa Jêsus đã nhìn nhận nguyên tắc này khi Ngài sai các môn đồ ra đi từng cặp từng đôi. Mác 6:7. Thật ra, cũng có số ít tín đồ được trưởng thành trong khi sống một mình ở trong tù, nhưng đây chỉ là trường hợp ngoại lệ.
IV. CHÚNG TA CÓ SỰ THÔNG CÔNG NHƯ THẾ NÀO?
Thông thường chúng ta có sự thông công với nhau trong giờ thờ phượng của Hội thánh tại nhà thờ, nhưng chúng ta cũng có sự thông công trong buổi nhóm cầu nguyện, các buổi làm chứng…
Các sinh viên Đại học có sự thông công với nhau trong các nhóm học Kinh thánh và tiểu tổ cầu nguyện.
Sự thông công thường ngọt ngào nhất khi hai, ba người nhóm nhau lại như Chúa Jêsus dạy trong Ma-thi-ơ 18:20. Hai người đi cùng chuyến xe cũng có sự thông công vui vẻ. Hai tín đồ cùng làm một sở cũng có sự thông công với nhau. Chính Chúa Jêsus và hai môn đồ trên đường về làng Em-ma-út có sự thông công tuyệt vời. (Lu-ca 24:32). Chúa Jêsus đến gần họ và lòng họ được ấm áp, nóng nảy. Đây là sự thông công Cơ đốc. Công vụ 2:42 “Vả, những người ấy bền giữ lời dạy các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh và sự cầu nguyện.” Hội thánh đầu tiên sốt sắng thông công với Chúa và với nhau. Họ xem đó là điều tối cần.
Sự thông công không thể thụ động, nghĩa là không phải chỉ là đến dự một buổi nhóm. Sự thông công thực sự là khi ta đóng góp một cái gì đó cho buổi nhóm, nghĩa là “ban cho và nhận lãnh.”
V. MỤC ĐÍCH CỦA SỰ THÔNG CÔNG :
1. Gây dựng cho nhau: Ngay cả khi ta không cần sự thông công gây dựng, ta cũng mắc nợ gây dựng người khác. Trong quá trình gây dựng người khác, ta cũng được phước.
2. An ủi lẫn nhau trong những giờ phút khó khăn trong cuộc sống. Nhiều nụ cười, cái bắt tay nồng ấm cũng làm nhẹ bớt gánh nặng và mối ưu tư trong lòng người khác. Chúng ta hãy cùng làm cho gánh nặng người khác vơi bớt đi.
3. Chia xẻ kinh nghiệm vì lợi ít chung, lời làm chứng của ta có thể ngăn cản người khác mắc phải lầm lỗi tương tự và chịu khổ như ta.
4. Bày tỏ niềm vui mừng để mọi người cùng chia ơn xẻ phước với ta Thi 50:15. Kết quả vui mừng của sự cầu nguyện sẽ khích lệ người khác sót sắng cầu nguyện.
5. Khóc với kẻ khóc. Rô-ma 12:15 thông công bằng nước mắt, bằng sự chia buồn.
6. Khích lệ anh em yếu đuối về những sự mầu nhiệm trong Lời của Đức Chúa Trời. Khi bạn học, bạn chia xẻ bài học, bài học sẽ được ghi nhớ thêm và bạn thích học hỏi thêm.
7. Nhắc nhở người sa ngã, yếu đuối ăn năn quay về cùng Chúa. Sự thông công của bạn sẽ nhắc người sa ngã nhớ đến những ngày quí báu trong Chúa khiến người đó được thúc giục ăn năn quay về với Chúa và được hưởng phước.
VI. TA KHÔNG NÊN THÔNG CÔNG VỚI AI?
1. Với ma quỉ: 1 Cô-rinh-tô 10:20 “Tôi không muốn anh em thông đồng với các quỉ.” Lời cảnh cáo nầy liên hệ đến việc tiếp xúc với thầy bói, đồng bóng, phù thủy, mọi hình thức cúng bái ma quỉ.
2. Các công việc vô ích của sự tối tăm: Ê-phê-sô 5:11 “Chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách chúng nó thì hơn.” Điều nầy liên quan đến các câu lạc bộ ban đêm, các quán rượu, các băng cướp, các tổ chức vô thần (Giăng 3:19)
3. Các người vô tín, các việc không công bình, các việc tối tăm, Bê-li-an và người vô đạo. Danh sách nầy được thấy ở II Cô-rinh-tô 6:14-16. Chúng ta có thể có liên hệ làm ăn với người chưa tin Chúa, nhưng không phải là liên hệ thuộc linh. Chúng ta phải làm chứng cho người chưa được cứu, nhưng không nên dự vào công việc xấu xa của họ.
Vậy tôi phải thông công với ai được? Tốt nhất và ngọt ngào nhất là nên thông công với những người có cùng một đức tin như tanhững người Tin lành thuần nhất, chính thống.
VII. CÁC KẾT QUẢ CỦA SỰ THÔNG CÔNG CƠ ĐỐC :
1. Chúng ta học được việc bước đi trong ánh sáng của sự vâng theo ý Chúa. I Giăng 1:17.
2. Chúng ta học được sự chịu khổ cùng nhau. Phi-líp 3:10.
3. Chúng ta học cách cùng nhau phục vụ Chúa. Cô-lô-se 4:7.
4. Chúng ta học cách an ủi lẫn nhau. 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:18.
5. Chúng ta học cách cầu nguyện cùng nhau. 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:25.
6. Chúng ta học cách mang gánh nặng cho nhau. Ga-la-ti 6:2.
7. Chúng ta học cách vui với kẻ vui. Rô-ma 12:15.
8. Chúng ta được càng ngày lớn lên và làm vinh danh Chúa. 2 Phi-e-rơ 3:18.
KẾT LUẬN:
Chúng ta hãy bắt đầu một ngày bằng sự thông công với Chúa trong giờ tĩnh nguyện, cầu nguyện và đọc Kinh thánh. Hãy suy gẫm Lời Chúa suốt ngày. Hãy để Chúa đầy dẫy tâm linh ta, trước ta. Tiếp tục thông công với anh em tín hữu cùng đức tin nhưng cũng thường tiếp xúc với người chưa tin để tìm cơ hội nói về Chúa cho họ để họ cũng được cứu. Có cái gì khác nhau giữa việc nghe bài giảng hay trong Ra-đi-ô với việc đi nhóm tại nhà thờ? Điều khác biệt căn bản là sự thông công. Nghe giảng trong Ra-đi-ô là tốt, nhưng sáng Chúa nhật phải đi nhà thờ để giao thông với Chúa và Hội thánh của Ngài.