Câu gốc của bài học:
“Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy” (Giăng 4:23).
1. Thờ phượng Ðức Chúa Trời là gì?
Thờ phượng Ðức Chúa Trời là dùng linh hồn tâm trí và thân thể để chiêm ngưỡng, ca ngợi, cảm tạ, cầu nguyện, dâng hiến, tương thông và phục vụ Ðức Chúa Trời.
“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Ðức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Ðức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma 12:1).
2. Loài người biết thờ phượng Ðức Chúa Trời từ khi nào?
Từ khi tổ phụ loài người được dựng nên, họ đã thờ phượng Ðức Chúa Trời qua sự vâng phục, tương thông với Ngài (Sáng 2:19-20) và dâng tế lễ cho Ngài.
“A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Ðức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người” (Sáng Thế Ký 4:4).
3. Tại sao loài người không tiếp tục thờ phượng Chúa như tổ phụ mình?
Vì A-đam và Ê-va, tổ phụ của loài người phạm tội nên dòng dõi họ càng lúc càng bại hoại, xa cách Ðức Chúa Trời và thờ lạy thần tượng do mình tạo ra hoặc điểu thú côn trùng.
“Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại; họ đã đổi vinh hiển của Ðức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng” (Rô-ma 1:22-23).
4. Trong thời Cựu Ước, con người thờ phượng Ðức Chúa Trời bằng cách nào?
a. Họ lập bàn thờ bằng đá và dâng các con sinh trên đó.
“Nô-ê lập một bàn thờ cho Ðức Giê-hô-va. Người bắt các súc vật thanh sạch, các loài chim thanh sạch, bày của lễ thiêu dâng lên bàn thờ” (Sáng Thế Ký 8:20).
b. Khi đi trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên thờ phượng Ðức Chúa Trời trong đền tạm.
“Họ sẽ làm cho ta một đền thánh và ta sẽ ở giữa họ” (Xuất Ê-díp-tô 25:8).
c. Sau đó dân Y-sơ-ra-ên cất cho Chúa một đền thờ tại Giê-ru-sa-lem và thờ phượng.
“Nguyện mắt của Chúa ngày và đem đoái xem nhà nầy, là chỗ mà Chúa đã phán rằng: Danh ta sẽ ngự tại đó, đặng nghe lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa hướng nơi này mà cầu” (1 Vua 8:29).
5. Trong thời đại Hội Thánh, Chúa Giê-xu dạy con người thờ phượng Ðức Chúa Trời như thế nào?
Từ khi Chúa Giê-xu chịu chết vì nhân loại trên thập tự giá và sống lại thì sự thờ phượng không còn tại bàn thờ bằng đá hoặc tại đền thờ Giê-ru-sa-lem nữa, vì các nơi ấy chỉ làm tượng trưng cho Chúa Giê-xu. Chúng ta phải thờ phượng Ðức Chúa Trời bằng tâm thần và lẽ thật như Chúa Giê-xu đã dạy.
“Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy” (Giăng 4:23).
Sự thờ phượng được thực hiện qua:
a. Sự cầu nguyện
“Khi lấy sách, bốn con sanh vật và hai mươi bốn trưởng lão bèn sấp mình xuống trước mặt Chiên Con, mỗi kẻ cầm một cây đờn và những hình vàng đầy hương; đó là những lời cầu nguyện của các thánh” (Khải huyền 5:8).
b. Ca ngợi, hát thánh ca, làm chứng ơn phước
“Vậy, hãy cậy Ðức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Ðức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra” (Hê-bơ-rơ 13:15).
c. Dâng hiến
“Chớ quên việc lành và lòng bố thí, và sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Ðức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:16).
d. Ðọc và giảng Kinh Thánh
“Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, chúng ta đang nhóm lại để bẻ bánh; Phao-lô phải đi ngày mai, nên người nói chuyện với các môn đồ, và cứ giảng luôn cho đến nữa đêm” (Công vụ 20:7)
6. Chúng ta nên thờ phượng Ðức Chúa Trời ở những nơi nào?
Chúng ta có thể thờ phượng ở bất cứ nơi nào, thí dụ như:
a. Trong tù
“Lối nửa đêm, Phao-lô và Si-la đương cầu nguyện, hát ngợi khen Ðức Chúa Trời; và những tù phạm đều nghe” (Công vụ 16:25).
b. Dưới hiên cửa
“Người ấy đang cầm tay Phi-e-rơ và Giăng, thì cả dân chúng lấy làm lạ, chạy đến cùng các người đóởnơi hiên cửa gọi là Sa-lô-môn” (Công vụ 3:11).
c. Trên hoang đảo
“Tôi là Giăng, là anh em và bạn của các anh em về hoạn nạn, về nước, về sự nhịn nhục trong Ðức Chúa Jêsus, tôi đã ở trong đảo gọi là Bát-mô, vì cớ lời Ðức Chúa Trời và chứng của Ðức Chúa Jêsus. Nhằm ngày của Chúa, tôi được Ðức Thánh Linh cảm hóa, nghe đằng sau có tiếng kêu vang, như tiếng loa” (Khải huyền 1:9-10),
Nhưng để tiện cho việc thờ phượng, chúng ta nên:
a. Thờ phượng riêng – Trong nơi thanh vắng
b. Thờ phượng gia đình hay gia đình lễ bái – Mọi người trong gia đình họp lại trong nhà lúc yên tĩnh để thờ phượng Chúa.
c. Thờ phượng của Hội thánh – Mỗi tín hữu cùng đến nhà thờ thờ phượng Chúa để gây dựng đức tin cho nhau.
“Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà” (Công vụ 2:46).
“Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê-bơ-rơ 10:25).
7. Chúng ta nên có hình tượng của Chúa để dễ suy niệm về Ngài trong khi thờ phượng không?
Chúng ta tuyệt đối không được dùng các hình tượng trong sự thờ phượng Ðức Chúa Trời, vì:
a. Vi phạm điều răn thứ hai:
“Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất” (Xuất Ê-díp-tô 20:4).
b. Chúa rủa sả hình tượng và những kẻ thờ lạy hình tượng.
“Hình tượng chúng nó bằng bạc bằng vàng, Là công việc tay người ta làm ra. Hình tượng có miệng mà không nói; Có mắt mà chẳng thấy; Có tai mà không nghe; Có lỗ mũi mà chẳng ngửi; Có tay, nhưng không rờ-rẫm; Có chơn, nào biết bước đi; Cuống họng nó chẳng ra tiếng nào. Phàm kẻ nào làm hình tượng, và nhờ cậy nơi nó. Ðều giống như nó” (Thi Thiên 115:4-8).
c. Làm hình tượng Chúa là xúc phạm đến bản tánh thiêng liêng, vô hạn của Ngài.
“Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Ðức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên. Vậy thì, Ðức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu muội đó, mà nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn năn” (Công vụ 17:29-30).