Bạn Có Tin Vào Sự Phục Sinh Không?
Edith Burns vốn là một tin kính Chúa hết lòng, bà sống ở San Antonio, Texas. Bà đang là một bệnh nhân của bác sĩ Will Phillips, một vị bác sĩ rất tài năng và có tấm lòng bác ái. Bác sĩ Will cũng rất yêu mến Edith Burns. Một buổi sáng nọ, ông bước vào văn phòng với tấm lòng đầy nặng trĩu, đó là vì bệnh tình của Edith Burns thật trầm trọng. Khi ông vừa đến, Edith đang ngồi ở phòng đợi, trên tay là cuốn Kinh Thánh bìa đen dày cộm, bà đang sốt sắng nói chuyện với một bà mẹ trẻ ngồi bên cạnh.
Edith Burns có một thói quen khi giới thiệu mình như thế này: “Xin chào, tôi tên là Edith Burns. Cho tôi hỏi chị có tin vào sự Phục Sinh của Chúa không vậy?” Rồi bà sẽ giải thích ý nghĩa của lễ Phục sinh, và bằng cách đó, đã có rất nhiều người được cứu. Bác sĩ Phillips bước vào phòng, ông gặp cô y tá Beverly. Beverly đã gặp Edith lần đầu khi cô đo huyết áp cho Edith. Lúc đó, Edith đã làm quen bằng cách quen thuộc của mình: “Tôi tên là Edith Burns. Không biết cô có tin vào sự Phục Sinh của Chúa không?” Beverly trả lời, “Sao bà lại hỏi tôi vậy? Vâng, tôi tin.” Edith đáp, “Ô tốt quá, thế cô tin lễ Phục Sinh có ý nghĩa thế nào?” Beverly nói, “À, sẽ có những quả trứng, rồi đến nhà thờ và diện đồ đẹp.”
Edith cố gắng giải thích cho Beverly về ý nghĩa thật sự của lễ Phục Sinh, và cuối cùng bà đã hướng dẫn cô đến sự hiểu biết Chúa Jêsus Christ và tin nhận Ngài. Bác sĩ Phillips nói, “Beverly, khoan hãy gọi Edith vào văn phòng tôi đã. Tôi tin rằng thế nào bà ấy cũng sẽ nói chuyện về Chúa thêm với ai đó trong phòng đợi.” Sau khi được gọi vào, Edith ngồi đối diện với bác sĩ Phillips, bà nhìn bác sĩ và nói, “Bác sĩ Will này, sao ông có vẻ buồn bã thế? Ông đã đọc Kinh Thánh hôm nay chưa đấy? Ông đã cầu nguyện chưa?” “Bác sĩ Phillips trả lời nhẹ nhàng, Bà Edith, tôi là bác sĩ, còn bà là bệnh nhân đấy nhé.” Rồi với tấm lòng nặng nề, ông nói, “Kết quả xét nghiệm của bà đã có đây, nó cho biết bà đã mang bệnh ung thư, Edith ạ, tôi thật buồn khi phải nói rằng bà sẽ không sống được lâu nữa.”
Edith trả lời, “Sao thế bác sĩ Will Philipps, thật đáng xấu hổ chưa? Sao ông lại phải buồn? Chẳng lẽ ông nghĩ rằng Chúa đã sai lầm sao? Ông vừa mới cho tôi biết rằng tôi sẽ được gặp Chúa Jêsus yêu dấu, sẽ gặp lại chồng tôi, và những bạn bè thân yêu. Ông vừa thông báo cho tôi biết sắp sửa được mừng Chúa Phục Sinh mãi mãi, thế mà bây giờ ông lại thấy khó khăn khi đưa cho tôi tấm vé để về với Ngài!” Bác sĩ Phillips nghĩ thầm, “Ôi, Edith thật là một phụ nữ vĩ đại làm sao!”
Sau hôm đó, Edith vẫn tiếp tục đến phòng khám của bác sĩ Phillips mỗi ngày.
Rồi Giáng Sinh đến, phòng khám của bác sĩ Phillips đóng cửa cho đến ngày 3 tháng 1. Ngày đầu năm mới, Edith không đến. Trưa hôm đó, bà gọi cho bác sĩ và bảo rằng bà muốn nhập viện trong những ngày tới, “Will à, tôi sắp sửa về nhà nơi Thiên đàng rồi, nên tôi muốn ông hãy xếp những bệnh nhân nữ nào cần biết về ngày lễ Phục Sinh ở gần phòng của tôi.”
Và thế là, họ đã làm như vậy, những người nữ bệnh nhân cứ lần lượt đến ở chung phòng với Edith. Rất nhiều phụ nữ được cứu. Mọi người, từ những nhân viên cho đến các bệnh nhân đều rất thích thú về Edith, và họ gọi bà bằng Edith Phục Sinh – mọi người, trừ ra Phyllis Cross, cô y tá trưởng.
Phyllis không bị tác động nào từ Edith vì cô ta là người vô thần. Cô vốn là một y tá quân đội. Cô đã biết quá nhiều, nghe quá nhiều. Cô ta đúng là một mẫu nữ quân nhân chính hiệu. Cô đã kết hôn ba lần, và là một phụ nữ cứng cỏi, khô khan, lạnh lùng, cô làm mọi việc dựa trên sách vở mà thôi.
Một buổi sáng nọ, hai y tá báo cáo rằng Edith bị bệnh. Edith bị cảm và Phyliss Cross phải vào thăm nom, chích thuốc cho bà. Khi cô bước vào, Edith mỉm cười thật tươi và nói, “Phyllis à, Đức Chúa Trời yêu thương cô lắm, tôi cũng yêu cô, và tôi vẫn hằng cầu nguyện cho cô.”
Phyllis Cross trả lời lạnh lùng, “Thế à, bà nên bỏ chuyện cầu nguyện cho tôi đi, nó chẳng có ích gì đâu. Tôi không quan tâm.” Edith trả lời, “Vâng tôi sẽ vẫn cầu nguyện cho cô, và tôi xin Chúa khoan đem tôi về nhà cho đến khi cô trở về với gia đình của Chúa.” Phyllis Cross nói, “Thế thì chắc bà chẳng bao giờ chết, vì chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra đâu,” nói rồi cô bước thẳng ra ngoài.
Mỗi ngày, khi Phyllis Cross vào phòng thăm, Edith đều nói, “Đức Chúa Trời yêu thương cô lắm, tôi cũng yêu cô và đang cầu nguyện cho cô.” Một ngày nọ, Phyllis Cross bị thôi thúc đi đến phòng của Edith. Cô bước vào phòng, ngồi xuống bên giường, và Edith nói, “Tôi thật mừng là cô đã đến, bởi vì tôi biết hôm nay là một ngày đặc biệt của cô.”
Phyllis Cross hỏi, “Bà Edith này, bà đã hỏi rất nhiều người ở đây cái câu hỏi, “Cô có tin vào sự Phục Sinh của Chúa không?”, thế mà bà chưa bao giờ hỏi tôi câu đó.”
Edith Burns lấy cuốn Kinh Thánh ra, chia sẻ với Phyllis Cross về lễ Phục Sinh, về câu chuyện Chúa Jêsus Christ đã chịu chết trên thập tự giá, đã chịu chôn và Ngài sống lại thể nào. Edith hỏi, “Phyllis này, cô có tin vào sự Phục Sinh của Chúa không? Cô có tin rằng Chúa Jêsus đang sống và Ngài đang muốn sống trong tấm lòng của cô không?” Sự cảm động đến trên Phyllis, cô trả lời, “Vâng, tôi tin, tôi tin hoàn toàn, và tôi ao ước Chúa tể trị cuộc sống tôi.” Và Phyllis cầu nguyện, mời Chúa Jêsus ngự vào lòng mình.
Hai ngày trước lễ Phục Sinh, khi Phyllis vào thì Edith hỏi, “Hôm nay là ngày gì thế, Phyllis?” “Sao thế Edith, hôm nay là ngày Thương Khó.” Ồ không phải đâu, với cô thì mỗi ngày đều sẽ là ngày Phục Sinh. Chúc mừng Phục Sinh, Phyllis!”
Hai ngày tiếp theo, vào Chúa nhật Phục Sinh, Phyllis Cross tạt ngang bệnh viện, làm một vài việc vặt còn lại và đi xuống tiệm hoa bên dưới, cô muốn mua tặng Edith vài bông Lili trắng và chúc mừng Phục Sinh. Khi cô vào phòng, Edith nằm trên giường, cuốn Kinh Thánh to bìa đen của bà ở trên đùi, tay để trên cuốn Kinh Thánh. Khuôn mặt bà như đang mỉm cười.
Khi Phyllis đến cầm lấy tay bà, cô nhận ra Edith đã qua đời.
Ngày hôm sau, khi đến văn phòng, Phyllis Cross nhìn thấy hai cô thực tập sinh nơi bàn, cô tiến đến và giới thiệu, “Xin chào, tôi tên là Phyllis Cross. Không biết các bạn có biết ý nghĩa của sự Phục Sinh không?”