Lịch sử của Hội Thánh đã có nhiều bước phát triển sai lệch. Tuy vậy, cho đến hôm nay, Đức Chúa Trời vẫn luôn khôi phục lại Hội Thánh theo đúng kế hoạch của Ngài. Một bước quan trọng của sự khôi phục này chính là công cuộc Cải Chánh ở nước Đức cách đây đúng 500 năm. Nhưng đó có phải là kết thúc không? Kinh Thánh đã cho biết trước cụ thể từng bước phát triển của Hội Thánh trong 2000 năm qua, để hôm nay chúng ta có thể quyết định đi con đường của Đức Chúa Trời.
Lời mở đầu
Nhiều người biết năm nay là kỷ niệm 500 năm ngày Cải Chánh Giáo Hội. Trong hình này, Martin Luther đứng trước hoàng đế Karl V của nước Đức. Kể từ lúc đó, nước Đức và cả Châu Âu đã thay đổi rất nhiều. Điều này đã xảy ra như thế nào? Điều quan trọng hơn mà chúng ta phải thấy rằng Kinh Thánh đã cho biết trước từng bước phát triển của Hội Thánh trong 2000 năm qua.
Hôm nay, chúng ta đi đến sách Khải Huyền, sách ghi lại các khải thị mà Chúa đã ban cho sứ đồ Giăng khi ông bị lưu đày ở đảo Bát-mô. Ông là sứ đồ cuối cùng còn sống. Lúc đó, các Hội Thánh bị tản lạc khắp nơi và đang bị tụt dốc. Trong tình huống này, Chúa Giê-su đã chỉ ra cho Giăng biết những điều quan trọng. Tối nay, chúng ta muốn xem xét những điều này.
Một hôm, ông đã nghe tiếng người nói với mình nên quay lại xem thì thấy “ … bảy chân đèn bằng vàng, giữa những chân đèn có ai giống như Con Người mặc áo dài, thắt đai bằng vàng ngang ngực” (Khải huyền 1:13). Con Người và bảy chân đèn ở đây là trọng tâm của sách Khải Huyền. Con Người này chính là Chúa Giê-su. Tại sao chúng tôi lại thuyết trình về đức tin nơi Chúa Giê-su ở trong trường đại học? Chúng tôi không phải là những nhà thần học, cũng không quan trọng hiểu biết về Kinh Thánh. Tuy nhiên, chúng tôi có những kinh nghiệm giống như kinh nghiệm của sứ đồ Phao-lô, ông đã được Đức Chúa Trời kêu gọi và Ngài đã bày tỏ Chúa Giê-su trong ông. Đó là lời chứng mà tôi và những người trong nhóm Kinh Thánh đã làm chứng trong trường đại học. Đối với chúng tôi, điều quan trọng không phải là hiểu biết hay sự dạy dỗ về Kinh Thánh, mà là quen biết Chúa, trải nghiệm Ngài. Chính Giăng cũng đã thấy Chúa Giê-su ở đảo Bát-mô. Ông cũng đã thấy bảy chân đèn bằng vàng. Bảy chân đèn này hoàn toàn được làm bằng vàng. Cái hình này được xuất phát từ sách Xuất Ai Cập Ký, là một phần trong Lều Tạm mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ. Chân đèn này dùng để thắp sáng trong Đền Tạm. Đây không phải là chân đèn bình thường mà phức tạp hơn nhiều. Nó được làm bằng một khối vàng lớn, bao gồm nhiều nhánh đèn với nhiều nụ hoa và đài hoa hạnh nhân. Khải huyền 1:20 cho biết chân đèn này chính là Hội Thánh. Lúc đó, một thành phố chỉ có một Hội Thánh. Tại sao chân đèn này được gọi là Hội Thánh? Chúa Giê-su đã nói trong Ma-thi-ơ 5:14 “các ngươi là ánh sáng của thế giới”. Hội Thánh phải bày tỏ ánh sáng về Đức Chúa Trời và ý của Ngài. Chân đèn này không chỉ được bọc vàng mà được làm từ một khối vàng lớn. Có nghĩa là Hội Thánh của Đấng Christ phải được bản tính của Đức Chúa Trời, kinh nghiệm với Chúa, nhân tính của Chúa và sự công bằng của Ngài đổ đầy cách hoàn toàn. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem Hội Thánh ngày nay tương xứng với hình này như thế nào.
Bây giờ, chúng ta xem bảy thư mà Giăng gửi cho bảy Hội Thánh trong sách Khải Huyền. Ngày nay, bảy Hội Thánh này thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ. Tên của bảy Hội Thánh là tên của bảy thành phố: Ê-phê-sô, Si-miệc nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi và Lao-đi-xê. Bảy thư này đều có ý nghĩa, tất cả đều là lời của Chúa Giê-su, Ngài muốn khiển trách Hội Thánh của Ngài. Các thư này nói lên nguyên lý thuộc linh của Hội Thánh ngày nay. Bảy lá thư này đã nói tiên tri về toàn bộ sự phát triển Hội Thánh của Chúa trong 2000 năm qua. Chỉ cần 2 chương thôi nhưng đã mô tả được toàn bộ lịch sử phát triển của Hội Thánh trong 2000 năm qua. Thật là ấn tượng! Tại sao lại là số 7? Vì số 7 trong Kinh Thánh mô tả công việc trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Cũng như Đức Chúa Trời đã phục hồi lại trái đất trong bảy ngày thì bảy Hội Thánh cũng cho biết Đức Chúa Trời sẽ khôi phục lại Hội Thánh và làm nó trọn vẹn như thế nào. Các thư này rất quan trọng đối với chúng ta. Chúng ta phải hiểu và biết áp dụng nó.