Hội Thánh Sạt-đe
Sạt-đe là Hội Thánh kế tiếp. Từ “Sạt-đe” có nghĩa là phần còn sót lại. Sau khi Hội Thánh bị sa ngã trầm trọng, Đức Chúa Trời phải kêu gọi một phần dân còn sót lại để Ngài khôi phục lại Hội Thánh của Ngài. Chúa nói với Sạt-đe: “ngươi có tiếng là sống nhưng lại là chết”. Tại sao như vậy? Công cuộc Cải Chánh Giáo Hội có tiếng là sống nhưng những gì còn lại sau đó như truyền thống, tổ chức,.. thì là sự chết. Vào năm 1517, Martin Luther bắt đầu cải chánh giáo hội. Lúc đó những gì Đức Chúa Trời bày tỏ cho ông chính là sự sống. Đó chính là công việc của Thánh Linh để phá vỡ quyền lực bóng tối của Sa-tan trong thời Trung Cổ. Trong hình ở đầu bài, tại nghị viện Worms, Luther đã đứng trước hoàng đế để làm chứng rằng “Tôi đứng ở đây, và tôi không thể làm khác được. Đức Chúa Trời đã giúp tôi như vậy đó. Amen!”. Lúc đó Luther đã không thể nào chối bỏ được những gì mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho ông. Điều này thực sự quí giá và cũng là chương trình của Đức Chúa Trời, và nó là sự sống. Một năm sau, ông đã dịch sách Tân Ước, và trong những năm kế, ông dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Đức. Qua đó, ông đã mở quyển Kinh Thánh cho toàn bộ người dân Đức để cho họ thấy được lẽ thật. Nhiều sự dạy dỗ và những điều sâu nhiệm của Sa-tan trong giáo hội đã được phơi bày ra.
Tuy nhiên, công cuộc Cải Chánh lại phát triển theo hướng chính trị. Danh xưng “Kháng Cách” (người Việt thường gọi là “Tin Lành”) xuất phát từ nghị viện Speyer. Cũng tại nghị viện này, các thủ lãnh Đức đã nổi dậy chống lại hoàng đế. Sau đó là đến nước Anh. Chúng ta thấy rằng chưa đầy 15 năm sau khi Martin Luther công bố 95 luận đề thì đã hình thành hai giáo hội quốc giáo là Giáo hội Anh và Giáo hội Đức. Đó không phải là điều Chúa muốn. Chúa không muốn có quốc giáo và cũng không muốn Hội Thánh của Ngài trở thành một tổ chức. Ngoài ra, giáo hội Tin Lành đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các truyền thống của Công Giáo. Đó là lý do mà Chúa nói là “ngươi đã chết”.
Trong thư này còn ghi “Ta không thấy công việc của ngươi là trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời Ta”. Kết quả của cuộc Cải Chánh Tin Lành là con người được xưng công bình bởi đức tin chứ không phải là làm việc gì đó để được tha tội. Tuy nhiên, Hê-bơ-rơ 6:1 nói rằng:“Vì vậy, chúng ta phải bỏ qua các bài học sơ đẳng về Đấng Christ mà tiến tới sự trưởng thành, không đặt lại nền tảng cho sự ăn năn từ bỏ các công việc chết, đức tin Đức Chúa Trời”. Có nghĩa là chính Kinh Thánh gọi lẽ thật về sự xưng công bình bởi đức tin chỉ mới là nền tảng thôi. Vì nó mới chỉ là cái nền, nên chúng ta phải rời cái nền này để tiến tới sự trưởng thành. Vấn đề này vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay. Chúng ta thấy ngày nay đa số các Hội Thánh chỉ dạy dỗ về sự cứu rỗi và việc xưng công bình bởi đức tin. Như vậy, tình trạng thuộc linh không tiến lên mà dừng lại. Đó chính là một cái nhà tù mà Sa-tan đã tạo ra để Hội Thánh không thể nào đạt được sự trưởng thành. Do đó, Chúa Giê-su nói công việc Sạt-đe là không trọn vẹn, không thể đạt đến sự trưởng thành và không đi về đích được. Vì thế, Đức Chúa Trời phải luôn đánh thức Hội Thánh. Ở đây ghi là “hãy tỉnh thức”. Sạt-đe không chỉ bao gồm các giáo hội quốc giáo hay các giáo hội lớn mà còn liên quan đến tất cả các cuộc phục hưng sau cuộc Cải Chánh. Ví dụ như giáo hội Báp-típ, vào đầu thế kỷ 17, họ nhận ra rằng làm báp-tem cho trẻ em trong các giáo hội quốc giáo không được Đức Chúa Trời chấp nhận, là trái với lời Đức Chúa Trời nên họ đã can đảm đứng về lẽ thật này và họ rất sống động. Tiếc rằng, họ không tiếp tục đi tiếp mà đã dừng lại ở đó, không đạt đến sự trưởng thành. Vào thế kỷ thứ 18, xuất hiện phong trào Thánh Khiết mà điển hình là Wesley, người lập ra giáo hội Giám Lý ngày nay. Phong trào này rất mạnh mẽ. Người ta đã nhận ra con người không chỉ được cứu rỗi mà phải được đổi mới hoàn toàn bởi Thánh Linh, phải kinh nghiệm được sự cứu rỗi trọn vẹn và phải nên thánh. Đây là một việc làm rất tuyệt vời của Chúa. Các cuộc phục hưng này đã dẫn đến việc hình thành rất nhiều giáo hội độc lập và các hệ phái mà ngày nay chúng ta có thể thấy khắp nơi.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là sự phục hồi trọn vẹn của Hội Thánh lúc đó đã không xảy ra. Trong Hội Thánh đó còn thiếu chức tế lễ thánh, mọi Cơ Đốc nhân đều là thầy tế lễ, và mọi tín đồ phải học để phục vụ Đức Chúa Trời. Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn thấy người ta phục vụ Chúa để được trả lương, vẫn có chức mục sư và tiền bạc đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều nhóm vẫn làm báp-tem cho trẻ em. Hội Thánh còn bị ảnh hưởng nhiều bởi thế giới này, sử dụng nhiều phương pháp của thế giới . Đó cũng là sự gian dâm thuộc linh, vẫn còn sự pha trộn giữa Hội Thánh với thế giới. Ngày nay, Sạt-de bao gồm nhiều nhóm đã từng được Đức Chúa Trời phục hưng. Họ nhận ra một lẽ thật nào đó rồi làm theo. Nhưng sau đó họ dừng lại, không muốn tiến về đích, nên họ không tiến lên được.
Nhìn vào sơ đồ này, chúng ta thấy vào năm 1517 có sự tiến bộ. Ngày nay, sau cuộc Cải Chánh có rất nhiều hệ phái, các giáo hội độc lập và có nhiều sự chia rẽ. Đó không phải là điều Chúa muốn. Chúa vẫn chưa đạt được những điều mà Chúa muốn có trong Hội Thánh của Ngài. Tiếc là ngày nay đa số Cơ Đốc nhân chỉ dừng lại ở đây, đặc biệt là ở Đức. Ở Đức thì không có nhiều người ở Thi-a-ti-rơ, mà có nhiều Cơ Đốc nhân đã được tái sinh. Nhưng ở Đức có rất nhiều hệ phái Sạt-đe. Họ đã từng được Đức Chúa Trời phấn hưng, từng rất sống động nhưng bây giờ đã trở nên chết và không thể đi về đích được. Như vậy là Sạt-đe bao gồm các hệ phái, các nhóm độc lập bắt nguồn từ thế kỷ thứ 16.