Ngôi Lời chính là Đức Chúa Trời
Dựa trên nền tảng này, chúng ta đọc tiếp trong Giăng 1: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” (câu 1). Thời còn trẻ, khi đọc Kinh Thánh tôi đã nghĩ, câu này sao lạ quá. Ai có thể hiểu câu này được? Nhưng một thời gian sau tôi nhận ra rằng, không cần phải có nhiều giải thích cho nó. Lời mà không có Đức Chúa Trời thì không có giá trị. Những gì mà chúng ta cần không phải là Lời nói về Đức Chúa Trời mà là Lời ở cùng Đức Chúa Trời. Nếu thiếu Đức Chúa Trời thì Lời không có chức năng gì cả. Như vậy khi anh em đến với Lời Chúa, anh em phải ý thức rằng mình phải chạm đến Đức Chúa Trời. Tôi không muốn hiểu biết điều gì về Đức Chúa Trời, tôi muốn chính Đức Chúa Trời. Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời! Mỗi khi đến với Lời Chúa, tôi luôn ý thức rằng Lời ở cùng Đức Chúa Trời.
Nhưng Lời không chỉ ở cùng Đức Chúa Trời mà Lời còn là chính Đức Chúa Trời! Điều này có lạ không? Thật ra nó rất tuyệt vời. Tôi tin Đức Chúa Trời ban cho chúng ta câu này để cảnh báo chúng ta, vì hoàn toàn có khả năng là chúng ta đến với Lời nhưng Đức Chúa Trời lại không có ở đó. Ban đầu đã có Ngôi Lời. Như vậy đã đủ chưa? Vẫn chưa! Anh em phải đi tiếp. Lời Chúa phải là Đức Chúa Trời. Lời Chúa là gì đối với anh em? Anh em có thể đọc Lời Chúa mỗi ngày, nhưng Lời Chúa có phải là Đức Chúa Trời hằng sống đối với anh em không? Hay anh em chỉ muốn có sự dạy dỗ và kiến thức về Chúa mà thôi? Anh em có thật lòng chỉ muốn Đức Chúa Trời hằng sống không? Lời Chúa đối với anh em phải là chính Đức Chúa Trời hằng sống. Nghĩa là anh em phải đi xuyên qua Lời để chạm đến Đức Chúa Trời hằng sống. Chỉ có khi đó, Lời mới có quyền năng và là sự sống cho anh em.
Trong câu 3 Giăng nói: “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài“. Ngôi Lời thật là đầy quyền năng! Mọi vật đều được tạo ra bởi Ngài, bởi Lời Chúa. Lời của Ngài đã làm mọi vật trở nên hiện hữu, vì Lời là chính Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của mọi vật! Tuy nhiên, chúng ta thiếu thốn rất nhiều đặc tính thuộc linh. Ví dụ, hiểu biết của anh em về tình yêu, về sự nhẫn nại, hay sự nên thánh không mang lại cho anh em hiện thực về những đặc tính này. Làm thế nào mà chúng ta nhận được nó? Chỉ khi anh em tự mình chạm được Đức Chúa Trời trong Lời Chúa thì những đặc tính này mới trở thành hiện thực trong anh em. Sự sống trong Lời Chúa làm nên hiện thực, gọi hiện thực trở nên hiện hữu.
Lời của sự sống ban cho ánh sáng
“Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề thắng được sự sáng” (câu 4-5). Có thật nhiều tối tăm bên trong chúng ta và xung quanh chúng ta. Nếu không có ánh sáng, anh em chẳng thắng được bóng tối. Hiểu biết không thể thắng bóng tối, không có quyền năng đối với bóng tối. Chỉ có ánh sáng mới đẩy lùi được bóng tối. Anh em đừng bị nhầm lẫn về điều này! Anh em phải nói với Chúa bằng cả tấm lòng: “Lạy Chúa, con cần sự sống của Ngài, ngoài ra con không cần gì cả”.
Tôn giáo (Cơ Đốc giáo) ngày nay đang ở trong hiểm họa giống như Do Thái giáo thời Chúa Giê-su vậy. Họ đã từng dạy Kinh Thánh, thậm chí họ là những chuyên gia Kinh Thánh, nhưng họ lại thiếu sự sống đích thật. Sự sống này là chính Đức Chúa Trời – sự sống mà cũng đồng thời là ánh sáng.
Trong 1.Giăng 1:1 chúng ta đọc: “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã chạm, về Lời sự sống“. Khi Chúa xuống thế gian, nhiều người đã thấy Ngài, đã nghe Ngài, nhưng họ lại bỏ qua sự sống vĩnh hằng. Họ đã chạm được bề ngoài của người này, nhưng họ không nhận ra được chính người này là sự sống của Đức Chúa Trời. Chỉ một số ít nhận ra được vua của sự sống; Giăng là một trong đó. Ông nói: “vì sự sống đã bày tỏ ra, chúng tôi có thấy, và đang làm chứng cho, chúng tôi rao truyền cho anh em sự sống đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Cha và đã bày tỏ ra cho chúng tôi rồi” (1.Giăng 1:2). Trong Phúc Âm của mình, Giăng nói rằng, Lời đã trở nên xác thịt và sống giữa họ trong Chúa Cứu Thế Giê-su. Nghĩa là, Chúa Giê-su chính là sự sống của Đức Chúa Trời và các môn đệ đã thực sự kinh nghiệm sự sống ấy. Họ đã nhận ra được con người này chính là Đức Chúa Trời hằng sống. Mỗi lần Ngài làm hay nói điều gì đó, quyền năng đã phát ra từ Ngài. Sự sống của Đức Chúa Trời đã được biểu lộ một cách hoàn toàn. Các môn đệ đã thấy được sự thánh thiện, sự công chính, quyền năng thiên thượng và sự vinh hiển của Ngài. Mọi điều liên quan đến sự sống đã được biểu lộ trong con người của Chúa Cứu Thế Giê-su. Tôi tin nhiều người trong chúng ta không thể nào tưởng tượng được rằng Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta, chính là sự sống. Tuy nhiên các môn đệ đã thấy tất cả mọi điều mà Chúa Giê-su biểu lộ là sự sống.
Anh em phải thật sự nhận ra được điều mà Kinh Thánh muốn ban cho mình. Lời Chúa ban cho anh em điều gì khi anh em đọc trong lúc tĩnh nguyện buổi sáng? Lời Chúa có soi sáng anh em không? Lời Chúa có làm anh em mạnh mẽ không? Lời Chúa có tác động đến anh em và làm anh em mạnh mẽ cả ngày không? Xin đừng đọc Kinh Thánh chỉ như một thói quen: Anh em đọc Kinh Thánh xong, đóng lại, nói “Amen” và đó là tất cả. Xin đừng quên rằng: Anh em phải chạm đến Chúa trong lúc đọc!
Chúa Giê-su là bánh của sự sống
Trong Giăng 6, Chúa phán về bánh từ trời xuống: “Bởi vì bánh Đức Chúa Trời là bánh từ trên trời giáng xuống, ban sự sống cho thế gian. Chúng thưa rằng: Lạy Chúa, xin ban bánh đó cho chúng tôi luôn luôn! Đức Chúa Giê-su phán rằng: Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng Ta chẳng hề đói, và ai tin Ta chẳng hề khát” (câu 33-35). Sự sống này không tách rời khỏi Chúa. Ngài chính là bánh của sự sống mà chúng ta phải ăn mỗi ngày. Chúng ta khó có thể giải thích được điều này. Thật ra không ai có thể giải thích được; chính anh em phải “thấy”. Khi anh em nhận ra rằng, Chúa cũng như Lời Đức Chúa Trời là bánh của sự sống thì anh em cũng sẽ đến với Lời với thái độ đúng đắn. Anh em phải có sự đói khát và phải sử dụng tâm linh và đức tin để chạm đến Lời hằng sống. Đừng sử dụng cái đầu của mình để học Lời Chúa như những người dạy Kinh Thánh. Tôi biết tất cả chúng ta đều rất thích học. Vì thế, người ta cũng thích gọi một số buổi nhóm là “học Kinh Thánh”. Ai cũng thích đến buổi học Kinh Thánh. Một số nơi lại gọi là “học sự sống”. Dù anh em có gọi nó là gì đi nữa, thì nó chỉ liên quan đến sự học thôi. Mọi người đều thích học Kinh Thánh, nhưng còn việc ăn Lời Chúa thì sao? Khi anh em nói với người ta là anh em có buổi học Kinh Thánh thì ai cũng thích đến. Nhưng nếu anh em bảo họ là anh em ăn Lời Chúa trong buổi nhóm, thì họ không hiểu được anh em ám chỉ gì. Có lẽ, người ta không thích đến dự một buổi nhóm mà trong đó ai cũng ăn Lời Chúa. Trong trường hợp họ hỏi anh em ám chỉ điều gì với việc ăn Lời Chúa, anh em có một cơ hội tốt để chia sẻ với họ về Giăng 6 – Chúa là bánh của sự sống và chúng ta thưởng thức Chúa Giê-su như là thức ăn của chúng ta.
“Chúa Giê-su phán rằng: Ta là bánh của sự sống“. Mỗi khi anh em đến với Lời Chúa, anh em phải thưa với Ngài rằng: “Lạy Chúa, con muốn ăn bánh từ trời xuống”. Anh em cần phải có thói quen ăn Chúa trong Lời để có sự khát khao sự sống. Như vậy anh em sẽ có được mối quan hệ sống với Chúa, và Ngài sẽ nói với anh em, Thánh Linh của Ngài sẽ ban cho anh em quyền năng và sức mạnh, và anh em sẽ nhận ra rằng Lời Ngài hiệu nghiệm, nuôi dưỡng anh em và ban cho anh em sự sống vĩnh hằng.
Nếu không làm như vậy thì chúng ta chỉ dùng lý trí để đọc Lời Chúa theo cách tự nhiên để mở rộng hiểu biết thôi. Khi đọc Kinh Thánh, anh em rất muốn biết điều này, điều kia có nghĩa là gì, phải diễn dịch như thế nào, trong bản gốc tiếng Hy Lạp nói sao, và người khác nghĩ như thế nào. Nhưng mọi điều trên không ban cho anh em sự sống được. Một số người nói là nếu anh em không hiểu Kinh Thánh thì tại sao anh em phải đọc nó? Dĩ nhiên là có một số điều anh em hiểu và cũng có một số điều không hiểu. Nhưng tôi e rằng anh em không nhận được sự sống. Thật đơn giản để có hiểu biết, nhưng để có sự sống thì chính anh em phải đến với Chúa. Anh em phải ăn Ngài, phải giải thoát chính mình ra khỏi những văn tự trống rỗng, và phải vượt qua Lời đến với Chúa để chạm lấy Ngài. Tất cả những điều này chỉ tùy thuộc vào việc anh em muốn làm hay không. Điều này có thể kỳ lạ đối với chúng ta, nhưng nếu ăn Lời Chúa theo cách trên, chúng ta sẽ nhận được hiểu biết chân thật bởi ánh sáng và khải thị của Ngài.
Anh em đang tìm kiếm một phương pháp để đọc Kinh Thánh? Tôi chỉ có thể bảo anh em điều này: Chính xác là anh em muốn điều gì? Anh em có muốn chạm đến chính Đức Chúa Trời trong Lời Chúa không? Nếu thế thì Ngài sẽ đến với anh em và soi sáng anh em, vì Ngài chính là Đức Chúa Trời hằng sống. Thật lạ khi Kinh Thánh không chỉ cho chúng ta một cách thức nào cả. Nó chỉ tùy thuộc vào chuyện anh em đến với Lời Chúa như thế nào. Chính anh em phải đến với Chúa để nhận sự sống, phải thưa với Ngài rằng anh em không muốn điều gì khác ngoài việc chạm đến chính Ngài và nhận lãnh sự sống. Hãy cầu xin Chúa soi sáng và ban thức ăn cho anh em. Hãy nghĩ đến Lời của Chúa trong Ma-thi-ơ 7:7-8: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở“.