Sống bởi mọi Lời của Đức Chúa Trời
Ma-thi-ơ 4 có mối liên hệ với Giăng 6, chỗ mà Chúa trích dẫn trong chương 8 sách Phục Truyền Luật Lệ Ký và nói về Ma-na: “Đức Chúa Giê-su đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4). “Vậy, Ngài có hạ ngươi xuống, làm cho ngươi bị đói, đoạn cho ăn ma-na mà ngươi và tổ phụ ngươi chưa hề biết, để khiến ngươi biết rằng loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Chúa mà ra” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:3).
Trong đời sống hằng ngày và trong nếp sống Hội Thánh, anh em có sống bởi Lời Chúa không? Anh em có thể sống thiếu tiếng phán của Ngài không? Mỗi ngày Ngài có nói với anh em không? Lời Chúa cũng giống như ba buổi ăn hằng ngày mà nhờ đó mà anh em sống. Nếu không ăn, anh em sẽ có nhiều khó khăn khi làm việc. Còn đối với lĩnh vực tâm linh thì sao? Anh em có sống bởi Lời phán của Chúa không? Hay anh em có thể sống được khi thiếu Lời Ngài? Anh em phải ăn Lời Chúa trong đời sống hằng ngày của anh em. Hãy thưa với Ngài: “Chúa ơi, Chúa phải nói với con. Khi con đến với Lời Chúa, con muốn nghe tiếng Chúa, chạm đến Chúa và tiếp nhận Lời Ngài như là thức ăn của con!” Điều này hoàn toàn phù hợp với điều mà tiên tri Giê-rê-mi đã nói: “Tôi vừa nghe những Lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; Lời Ngài là sự vui mừng hớn hở của lòng tôi vậy. Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời vạn quân, vì tôi được xưng bằng danh Ngài” (Giê-rê-mi 15:16).
Chúa đã phán trong Giăng 6:63: “Ấy là Thánh Linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những Lời Ta phán cùng các ngươi đều là Thánh Linh và sự sống“. Các anh em thanh thiếu niên hãy tập thói quen đến với Lời Đức Chúa Trời hằng sống vào buổi sáng và buổi tối; vì nếu không, anh em không thể sống bởi sự sống của Ngài được. Nếu thiếu Lời hằng sống của Ngài, không ai có thể sống bởi Ngài và đi bởi Thánh Linh được. Dù anh em có là Cơ Đốc nhân đã 30 năm và ở trong Hội Thánh đi nữa nhưng chưa học cách để sống bởi Lời Chúa thì anh em vẫn không có sự sống. Anh em có thể là Cơ Đốc nhân lâu năm, nhưng anh em vẫn sống bởi sức của riêng mình. Khi Chúa Giê-su sống trên đất, Ngài đã sống bởi mỗi Lời của Đức Chúa Trời. Không có đường tắt và cũng không có đường nào tốt hơn là sống bởi Lời Chúa. Kinh Thánh là quyển sách của sự sống.
Lời Chúa là thức ăn của chúng ta
Trong 1.Cô-rinh-tô 3, Phao-lô nói: “Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi; đến bây giờ cũng chưa chịu được, vì anh em hãy còn thuộc về xác thịt” (câu 2). Đối với Phao-lô, Lời Chúa là thức ăn chân thật. Thật ngạc nhiên khi Phao-lô không đưa cho chúng ta bài giảng nào ở đây cả. Những gì ông chia sẻ với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô là thức ăn thuộc linh – ông cho họ thức ăn. Lời mà Phao-lô nói với họ là hiện thực của chính ông. Nếu không thì làm sao Phao-lô có thể nói những lời như vậy được? Lời Chúa tác động trong ông và là sự sống cho ông. Điều mà ông chia sẻ với Hội Thánh là một điều gì đó sống động và hữu cơ. Ông không giảng thần học cho Hội Thánh mà ông phân phát thức ăn. Còn đối với người nghe thì sao? Đối với họ thì Lời Chúa là gì? Lời Chúa là lương thực của họ, một cái gì đó sống động và có quyền năng. 1.Phi-e-rơ 2:2-3 nói: “hãy ham thích sữa thuộc linh tinh khiết của Lời Chúa, như trẻ con mới sanh vậy, hầu cho anh em nhờ đó có thể trưởng thành trong sự cứu rỗi, nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào“. Tôi đã thưởng thức điều Phi-e-rơ nói ở đây: “sữa thuộc linh tinh khiết của Lời Chúa“. Đối với các sứ đồ, Lời Chúa thật sự là một điều gì đó rất sống động. Mọi anh em thanh thiếu niên cần phải có khao khát này! Phi-e-rơ nói về việc nếm mùi vị. Chúng ta cần phải nếm mùi vị Lời của sự sống. Nếu anh em không có sự sống thì anh em còn có thứ gì nữa? Hãy suy gẫm điều này: Khi anh em đến với Lời Chúa thì anh em phải đến với Chúa để nếm sự sống. Đừng quan tâm đến hiểu biết, điều mà anh em sẽ nhận được sau đó. Anh em phải chọn sự sống trước tiên vì sự sống sẽ ban cho anh em ánh sáng, và sau đó hiểu biết của anh em sẽ đến từ sự sống. Đừng nói: “Ô, tôi muốn hiểu điều này điều nọ!” Chính Đức Thánh Linh sẽ dạy dỗ anh em. Sự xức dầu sẽ dạy dỗ anh em, và sự dạy dỗ này là chân thật và lành mạnh, sẽ không làm anh em bị lầm lạc. Đó chính là sữa tinh khiết của Lời Chúa mà anh em có thể tin cậy được.
Phao-lô nói trong 2.Ti-mô-thê 3:16: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời hà hơi (thần cảm), có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình“. Kinh Thánh được Chúa hà hơi, có nghĩa Kinh Thánh là hơi thở của Đức Chúa Trời. Khi anh em đọc Lời Chúa, anh em phải hít vào Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Hơi thở của Chúa không có gì khác hơn là Thánh Linh. Hãy nhớ rằng sau khi phục sinh, Chúa đã thổi hơi vào các môn đệ của mình (Giăng 20:22) và nói rằng: “Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh“. Đó chính là hơi thở của Đức Chúa Trời. Nếu anh em đến với Lời Chúa mà bỏ sót hơi thở của Đức Chúa Trời, anh em đã bỏ sót điều cốt yếu. Khi anh em đến với Lời Chúa, hãy nói với Chúa: “Lạy Chúa, con muốn hít vào Thánh Linh của Ngài!” Anh em nhận được gì từ Lời Chúa nếu anh em không chịu hít vào hơi thở của Đức Chúa Trời? Tuy Lời Chúa có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị nhưng nếu thiếu hơi thở thì Lời không còn sống động. Hãy nói với Chúa: “Lạy Chúa, xin thổi hơi vào trong con! Ngày qua ngày, con cần hơi thở của Chúa!” Như vậy thì Lời Chúa mới trở nên sống động đối với anh em.
Trong Cô-lô-se 3:16 chúng ta thấy: “Nguyền xin Lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thuộc linh mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời“. Và Thi Thiên 119 nói rằng: “Tôi đã giấu Lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa” (câu 11). Xin hãy lưu ý rằng Lời Chúa không phải là hiểu biết mà là sự sống gìn giữ anh em. Lời Chúa phải ở đầy trong tâm linh và trong trái tim anh em.
Ăn Lời Chúa bằng sự cầu nguyện
Phao-lô nói tiếp rằng: “Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là Lời Đức Chúa Trời. Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ” (Ê-phê-sô 6:17-18). Cách tốt nhất để đọc Lời Chúa là đọc trong sự cầu nguyện (cầu nguyện với Lời Chúa). Hãy học ít lại, nhưng cầu nguyện nhiều hơn! Một mặt anh em đọc, mặt khác anh em cầu nguyện. Cầu nguyện và đọc cùng lúc. Đọc cầu nguyện không chỉ có nghĩa là anh em nói “Amen” đối với Lời Chúa. Cầu nguyện ở đây có nghĩa là anh em mở lòng mình ra cho Chúa. Anh em nói với Chúa trong lúc đọc. Ví dụ, Phao-lô nói ở trong mấy câu trước: “Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài” (Ê-phê-sô 6:10). Khi đọc “phải làm mạnh dạn trong Chúa”, có lẽ anh em nghĩ: “Làm sao tôi có thể làm được điều này, tôi rất yếu đuối!” Thay vào đó anh em có thể cầu nguyện với Chúa một cách đơn sơ: “Phải làm mạnh dạn trong Chúa – Amen. Lạy Chúa, con tin Lời của Ngài! Hãy làm con mạnh dạn, con muốn kinh nghiệm câu này! Con muốn trở nên mạnh dạn trong Chúa!” Như thế, Thánh Linh sẽ vận hành trong anh em và anh em sẽ kinh nghiệm được quyền năng. Hay “Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời – Amen. Lạy Chúa, con muốn mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời!” Anh em không cần phải cầu nguyện phức tạp. Khi đọc Lời Chúa với một tâm linh đang cầu nguyện thì anh em sẽ có một sự khác biệt lớn. Đừng coi thường sự cầu nguyện như vậy!
Hê-bơ-rơ 4:2 nói: “Vì tin mừng này đã rao truyền cho chúng ta cũng như cho họ; những lời họ đã nghe không ích chi hết, vì trong khi nghe, chẳng lấy đức tin trộn lẫn với lời đó“. Làm thế nào anh em trộn lẫn Lời với đức tin được? Chính bằng sự cầu nguyện! Đây là một cách rất hiệu quả. Khi anh em cầu nguyện, anh em luyện tập tâm linh của đức tin mình. Như vậy, anh em trộn lẫn Lời Chúa với đức tin và Lời Chúa trở nên sống động với anh em.
Sau cùng tôi muốn nhắc đến 2.Phi-e-rơ 1: “Trên hết mọi sự, anh em phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh được giải nghĩa theo ý riêng của một người được” (câu 20). Hãy thận trọng với việc giải nghĩa Kinh Thánh của chính anh em. Tôi không nói là chúng ta không cần bất cứ sự giải nghĩa Kinh Thánh nào, nhưng khi đọc Lời Chúa, chúng ta không nên chỉ hiểu Kinh Thánh theo một cách nào đó. Anh em phải cầu nguyện. Anh em phải tôn trọng Lời của Đức Chúa Trời. Anh em phải kính sợ Đức Chúa Trời, như thế anh em mới không giải nghĩa Lời Chúa một cách bất cẩn. Hãy cầu xin Chúa soi sáng, dạy dỗ anh em. “Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi một người nào mà ra, nhưng ấy là Ngài Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (câu 21). Ngay cả sự hiểu biết của chúng ta về Lời Chúa cũng đến bởi Thánh Linh. Tất cả những người nói Lời Chúa đều nói bởi Thánh Linh. Như thế, người đọc Lời Chúa cũng phải đọc bằng Thánh Linh. Đây là một nguyên lý rất, rất quan trọng. Nếu anh em không chạm đến Thánh Linh, thì cuối cùng chỉ có những sự dạy dỗ kỳ quặc, chủ quan. Mỗi người có sự dạy dỗ của riêng mình và điều này sẽ gây ra nhiều rối loạn, nhiều nan đề trong Hội Thánh.
Chúng ta hãy đọc lời cảnh báo trong 1.Ti-mô-thê 6: “Nếu có người dạy dỗ những điều khác, không theo lời có ích của Chúa Cứu Thế Giê-su chúng ta và giáo huấn của sự tin kính, thì người đó đã lên mặt tự kiêu, không biết chi hết; nhưng có bệnh hay gạn hỏi, cãi lẫy, bởi đó sanh sự ghen ghét, tranh cạnh, gièm chê, nghi ngờ xấu xa” (câu 3-4). Phao-lô nói đến lời có ích (khỏe mạnh) của Đức Chúa Trời. Lời Chúa làm cho chúng ta khỏe mạnh về tâm linh và ban cho chúng ta sự sống, trong khi hiểu biết và sự dạy dỗ của con người chỉ tạo nên sự cãi lẫy, tranh cãi và làm cho anh em nghịch với Chúa. Nhưng mỗi lời tràn đầy sự sống sẽ làm anh em trở nên giống Đức Chúa Trời. Điều này rất quan trọng đối với nếp sống Hội Thánh. Nguyện xin Chúa giúp đỡ chúng ta có một thái độ đúng đắn với Lời của Ngài và quan trọng hơn cả là anh em thanh thiếu niên của chúng ta biết đến với Lời Chúa quý báu này mỗi ngày.