Bây giờ chúng ta đến với của lễ cuối trong Lê-vi Ký, đó là của lễ chuộc sự vấp phạm. Của lễ này xử lý các tội mà chúng ta đã phạm như nói dối, thù hận, ghen tị, đố kỵ xung đột và tất cả mọi biểu lộ của việc làm xác thịt được nhắc đến trong Ga-la-ti 5:19-21. Khi chúng ta còn trong quá trình trưởng thành thuộc linh và chưa đạt đến sự trọn vẹn, chúng ta vẫn còn phạm tội. Vì lý do này, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta của lễ chuộc sự vấp phạm. 1.Giăng 2:1-2 nói rằng: “Hỡi các con bé nhỏ của ta, ta viết cho các con những điều nầy để các con không phạm tội. Nhưng nếu có ai phạm tội thì chúng ta có Đấng biện hộ ở nơi Cha là Giê-su Christ, Đấng công bình. Chính Ngài là của lễ chuộc tội cho chúng ta, không những vì tội của chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội của cả thế gian nữa”. Khi chết trên thập tự giá, Đấng Christ đã trả tiền chuộc cho mọi tội của chúng ta. Ê-sai 53 là một chương tuyệt vời trong Kinh Thánh. 700 năm trước khi Chúa đến, trong chương này, Ê-sai đã nói tiên tri về sự cứu chuộc của Giê-su Christ trên thập tự giá cho chúng ta. Phi-e-rơ đã giải thích điều đó bằng một câu: “Ngài mang các tội chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, để chúng ta chết đối với tội lỗi và sống cho sự công bình; nhờ những vết thương của Ngài mà anh em được chữa lành” (1.Phi-e-rơ 2:24). Vào mỗi tuần tại Bàn Chúa, chúng ta được nhắc về thân thể của Ngài đã bị vỡ ra trên thập tự giá, huyết của Ngài đã đổ ra để tha thứ cho tội lỗi của chúng ta. Của lễ chuộc sự vấp phạm nhấn mạnh đến sự tha thứ và tẩy sạch tội lỗi của chúng ta bằng huyết báu của Chúa Giê-su Christ.
Sự tha thứ và tẩy sạch của Đức Chúa Trời bởi huyết báu của Chúa Giê-su
Thông điệp đầu tiên của Giăng trong thư của ông là: “… Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bất cứ bóng tối nào. Nếu chúng ta nói mình được thông công với Ngài mà vẫn bước đi trong bóng tối thì chúng ta nói dối và không làm theo sự thật” (1.Giăng 1:5-6). Cơ Đốc nhân chúng ta không nên đi trong bóng tối. Người ta đi trong bóng tối để cố giấu tội của mình. Nếu làm như vậy thì sẽ không được thông công với Cha. Nhưng chúng ta là con cái của ánh sáng, nên chúng ta phải là những người bước đi trong ánh sáng. Nếu chúng ta ở trong ánh sáng, mọi tội của chúng ta sẽ được phơi bày, đó là điều tốt. Giăng nói: “…Nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng cũng như chính Ngài ở trong ánh sáng, thì chúng ta được thông công với nhau, và huyết của Giê-su Christ, Con Ngài, tẩy sạch mọi tội của chúng ta” (1.Giăng 1:7). Không có tội nào mà không thể được rửa sạch bằng huyết của Chúa Giê-su Christ chúng ta.
Giăng nói tiếp: “nếu chúng ta nói mình không có tội thì chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (câu 8), nhưng “nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công bình sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều không công bình” (câu 9). Để kinh nghiệm của lễ chuộc sự vấp phạm, nghĩa là được tha thứ và rửa sạch tội, chúng ta cần phải xưng tội với Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta. Thật là không khôn ngoan khi chúng ta che giấu tội của mình với Ngài, vì Ngài thấy mọi việc đã được thực hiện trong bí mật. Đức Chúa Trời là Đấng dò xét tâm trí và tấm lòng của con người. Xưng tội không chỉ là thừa nhận rằng anh em đã làm sai, nhưng cần phải thật sự ăn năn. Từ “ăn năn” có nghĩa là quay trở lại, chứ không chỉ là cảm giác hối hận về điều mình đã làm, rồi sau đó lại phạm tội đó một lần nữa. Giăng 8:11 là một ví dụ tốt, sau khi Chúa đã tha thứ cho người đàn bà ngoại tình, Ngài đã nói với bà ấy “…Hãy đi và đừng phạm tội nữa”. Một tấm lòng ăn năn thật sự sẽ luôn quay lưng lại với con đường tội lỗi và có sự thay đổi 180 độ.
Sau khi Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta, Ngài cũng rửa sạch chúng ta bằng huyết báu của Chúa Giê-su, Con Ngài. Nếu Đức Chúa Trời chỉ tha thứ mà không rửa sạch, dấu vết của tội lỗi sẽ luôn nhắc anh em nhớ về nó. Điều này tạo cho kẻ thù cái cớ để kiện cáo anh em. Nhưng nếu anh em được rửa sạch, mọi dấu vết sẽ biến mất. Đó là lý do mà Lời Chúa nói rằng: “và huyết của Giê-su Christ, Con Ngài, tẩy sạch mọi tội của chúng ta”. Đây là một sự thật tuyệt vời trong giao ước mới, nơi mà Đức Chúa Trời nói “Ta sẽ chẳng còn nhớ đến các tội và những điều vô luật pháp của họ nữa.” (Hê-bơ-rơ 8:12; 10:17).
Giả sử cháu trai của anh em không chịu nghe lời. Sau khi đã làm bẩn quần áo của mình, cháu thú nhận và xin lỗi. Nếu anh em chỉ nói “ông tha lỗi cho con” thì như vậy có đủ không? Không, chỉ như vậy thì chưa đủ; vì quần áo vẫn còn bẩn nên cần phải được giặt sạch. Anh em không thể đưa cháu đi học với bộ quần áo bẩn kia (Xa-cha-ri 3:1-5). Cũng giống như vậy, Chúa phải rửa sạch chúng ta hoàn toàn khỏi mọi tội của mình. Và không chỉ như vậy, Hê-bơ-rơ 9:14 nói rằng: “huống chi huyết của Đấng Christ… sẽ tẩy sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, để phục vụ Đức Chúa Trời hằng sống”. Sự ô uế của tội lỗi cắt đứt chúng ta khỏi sự thông công với Đức Chúa Trời, nhưng của lễ chuộc sự vấp phạm thì phục hồi sự thông công này.
Việc bồi thường
Một khía cạnh khác của của lễ chuộc tội lỗi đó là việc bồi thường. Nếu một người ăn cắp 500 usd từ một người bạn, rồi nói với rằng: “Hãy tha thứ cho tôi, tôi đã lấy cắp 500 usd của bạn”. Theo của lễ chuộc sự vấp phạm, người này phải trả lại số tiền ăn cắp và trả thêm 20% nữa. Đây là sự công bình của Đức Chúa Trời. Chỉ xin tha thứ thì không đủ; chỉ trả lại số tiền đã ăn cắp thì cũng không đủ; mà người đó phải trả thêm 20% số tiền đã lấy. Đây là quy định về việc bồi thường trong của lễ chuộc sự vấp phạm (Lê-vi Ký 5:15-16). Nếu chúng ta không làm như vậy thì khi Chúa trở lại, Ngài sẽ yêu cầu chúng ta trả lại lãi suất nhiều hơn. Càng giữ tiền lâu hơn thì chúng ta càng phải trả lãi suất nhiều hơn. Quy định về việc bồi thường này cho thấy Đức Chúa Trời của chúng ta là công bình như thế nào!
Vào cuối Kinh Thánh trong sách Khải Huyền 19:8, cô dâu của Đấng Christ được mặc áo sáng ngời và tinh sạch bằng vải gai mịn. Áo choàng bằng vải gai mịn tuyệt vời này là các việc làm công bình của các thánh đồ. Để đạt được mục tiêu này, tất cả chúng ta cần phải kinh nghiệm cả hai của lễ chuộc tội lỗi và của lễ chuộc sự vấp phạm. Xin Chúa thương xót chúng ta và giúp chúng ta siêng năng trải nghiệm tất cả các của lễ trong đời sống hằng ngày để chúng ta có thể dâng lên cho Cha khi cùng nhau đến thờ phượng Ngài.
(Dịch từ sách “Christ as Spiritual Sacrifices Acceptable to God” của Thechurchinfountainvalley.org)