Trong số năm của lễ chính trong sách Lê-vi Ký (của lễ thiêu, của lễ thức ăn, của lễ hòa bình, của lễ chuộc tội lỗi và của lễ chuộc sự vấp phạm), của lễ hòa bình được đặt ở giữa bốn của lễ khác. Hòa bình là một yếu tố quan trọng trong Kinh Thánh. Hòa bình là cái gì đó nhiều hơn là không có tranh cãi nhau hay xung đột. Trong khi người ta không cãi nhau công khai, nhưng họ có thể đang đối mặt với nhau hoặc kiềm nén cảm xúc của mình, điều này không phải là hòa bình thực sự. Nếu trong gia đình không có hòa bình thì thật là đau khổ. Nhưng nó sẽ nghiêm trọng như thế nào nếu con người không có hòa bình với Đức Chúa Trời!
Hòa bình với Đức Chúa Trời
Sau khi loài người sa ngã, tội lỗi đã đi vào trong loài người. Con người không chỉ làm nhiều điều phạm tội với Đức Chúa Trời, mà còn trở thành kẻ thù của Ngài (Rô-ma 5:10). Từ thời A-đam và E-va sa ngã đến ngày nay, không có hòa bình trên trái đất nữa. Lịch sử của thế giới này là lịch sử của bạo lực và chiến tranh. Không có hòa bình. Loài người sa ngã không bao giờ có hòa bình được (Giê-rê-mi 12:12b; Ê-sai 48:22). Đáng buồn là ngay cả trong số các Cơ Đốc nhân cũng có rất nhiều cuộc mâu thuẫn, tranh đấu và chia rẽ. Anh em hãy nghĩ lại xem mình thường xuyên làm những điều xúc phạm Đức Chúa Trời, coi thường Lời của Ngài và đã nổi loạn với Ngài nhiều như thế nào. Vậy làm thế nào chúng ta có được hòa bình với Đức Chúa Trời?
Hòa bình với Đức Chúa Trời nhờ Giê-su Christ
Rô-ma 5:1 nói rằng: “Vậy, khi đã được xưng công bình bởi đức tin, chúng ta có hòa bình với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su Christ của chúng ta”. Ngài là hòa bình của chúng ta. Câu 10 tiếp tục: “Vì nếu khi chúng ta là kẻ thù, chúng ta đã được hòa giải với Đức Chúa Trời nhờ sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã được hòa giải rồi, chúng ta lại càng được cứu nhờ sự sống của Con Ngài là dường nào”. Đấng Christ là của lễ hòa bình để hòa giải chúng ta hoàn toàn với Đức Chúa Trời thông qua sự chết của Ngài trên thập tự giá để mang lại hòa bình cho chúng ta. Đây là lý do Phúc Âm được biết đến như là Phúc Âm của hòa bình (Rô-ma 10:15; Ê-phê-sô 2:17; 6:15).
Giê-su Christ là Đấng duy nhất có đủ tiêu chuẩn để làm nên hòa bình giữa con người và Đức Chúa Trời vì Ngài là Đấng công bình duy nhất. Ngài đã trở thành người, không có tội lỗi, để thực hiện mọi đòi hỏi công chính của luật pháp của Đức Chúa Trời, và Ngài gánh tội lỗi của thế giới lên chính Ngài. Ngài là Đấng trung gian duy nhất giữa Đức Chúa Trời và con người (1.Ti-mô-thê 2:5). Giăng cũng nói Ngài là tế lễ chuộc tội lỗi cho chúng ta (1.Giăng 2:2).
Ê-phê-sô 2:11-18 là đoạn tốt nhất trong Tân Ước để giúp chúng ta hiểu về của lễ hòa bình. Bởi sự chết trên thập tự giá, Chúa Giê-su đã lấy đi sự thù nghịch giữa người Do Thái và các dân ngoại bằng cách hủy bỏ những điều lệ của luật pháp. Ngài cũng đóng đinh con người cũ và tạo ra con người mới trong chính Ngài, và qua đó làm nên hòa bình (câu 15). Trong người mới, không có người Do Thái cũng không có dân ngoại, nhưng Đấng Christ là tất cả trong tất cả. Đây là cách duy nhất để làm nên hòa bình. Chúng ta cần phải lột bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới để trải nghiệm hòa bình tuyệt vời này.
Lý do vì sao nhiều Cơ Đốc nhân vẫn còn tranh đấu với nhau, chia rẽ nhiều như vậy bởi vì chúng ta đã không học để lột bỏ con người cũ và mặc lấy Đấng Christ, là con người mới, bằng cách được làm mới trong linh của tâm trí chúng ta (Ê-phê-sô 4:22-24). Phao-lô đã viết rằng Đấng Christ đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa người Do Thái và các dân ngoại. Tuy nhiên, Cơ Đốc nhân chúng ta đã xây dựng thêm nhiều bức tường khác để chia rẽ chúng ta với nhau: tường Công Giáo, tường giáo hội quốc gia, tường của các hệ phái, và thậm chí tường của cá nhân. Sau khi biết điều này là sai, để xoa dịu bản thân, chúng ta cố gắng thông công bằng cách tìm ra một số nền tảng chung và tạo ra một ảo tưởng về sự hiệp một. Đây không phải là kiểu hòa bình mà Đức Chúa Trời muốn. Nếu chúng ta làm như vậy, thì hòa bình này làm sự chết của Chúa trở nên vô ích. Nếu Chúa đã phá vỡ bức tường ngăn cách rồi, chúng ta không được xây thêm bất kỳ bức tường nào ở giữa chúng ta. Đó mới là hòa bình thật sự! Đấng Christ đã hòa giải chúng ta với Đức Chúa Trời trong một thân thể nhờ thập tự giá (Ê-phê-sô 2:16). Phúc Âm không chỉ là Chúa Giê-su đã chết trên thập tự giá để cất đi tội lỗi của thế giới như là của lễ chuộc tội lỗi của chúng ta (Giăng 1:29), nhưng còn hơn thế nữa, Ngài đã phá đổ bức tường của sự ngăn cách và sự thù nghịch trên thập tự giá, để chúng ta có thể có hòa bình với cả Đức Chúa Trời và với con người!
Nếu chúng ta tiếp tục sống trong con người cũ của chúng ta thì sẽ không bao giờ có hòa bình. Tất cả chúng ta hãy học để trải nghiệm rằng mình đã bị đóng đinh với Đấng Christ, để chúng ta có thể thực sự nói: không phải tôi (con người cũ) sống nữa mà Đấng Christ sống trong tôi. Đây là lý do phải có của lễ hòa bình, chúng ta cũng cần trải nghiệm của lễ chuộc tội lỗi. Cách Phao-lô đã sống là một tấm gương cho chúng ta. Ông nói “đối với tôi, sống là Đấng Christ” (Phi-líp 1:21).
Trong Ma-thi-ơ 5:9 Chúa nói rằng “Phước cho người hòa giải, vì sẽ được gọi là con của Đức Chúa Trời”. Hòa bình nên là một trong những đặc điểm chính của dân Chúa. Bất cứ nơi nào chúng ta đi, hòa bình phải đi cùng chúng ta. Khi Chúa hiện ra với môn đồ của Ngài, Ngài nói “bình an cho các ngươi” (Giăng 20:19,26). Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời của hòa bình!
Tất cả các của lễ được kết nối với nhau. Mặc dù về sự dạy dỗ, chúng ta có thể tách chúng ra, nhưng theo kinh nghiệm của chúng ta, tất cả của lễ đều kết nối với nhau. Để có hòa bình chúng ta cũng phải trải nghiệm của lễ chuộc tội lỗi và của lễ chuộc sự vấp phạm, cũng như của lễ thiêu và của lễ thức ăn. Có lẽ đây là lý do tại sao Đức Chúa Trời đặt của lễ hòa bình ở giữa năm của lễ.
Của lễ đưa qua đưa lại và của lễ giơ lên
Của lễ đưa qua đưa lại và của lễ giơ lên được nhắc đến cùng với của lễ hòa bình. Hai phần này của của lễ hòa bình được dành cho A-rôn và các con trai ông. Của lễ đưa qua đưa lại tượng trưng cho sức mạnh của sự phục sinh, và của lễ giơ lên biểu thị cho sự thăng thiên. Cái ức của của lễ đưa qua đưa lại biểu thị cho tình yêu của Đấng Christ. Lý do tại sao không hòa bình giữa con cái Đức Chúa Trời là vì sự chết vẫn còn hoạt động trong chúng ta, nơi nào mà sự chết đang hoạt động thì ở đó không có khả năng để yêu (luật của sự chết trong Rô-ma 7). Như vậy, chúng ta cần tình yêu của Đấng Christ thông qua sức mạnh phục sinh của Ngài để nuốt chửng sự chết. Theo Nhã Ca 8:6, tình yêu cũng mạnh như sự chết, và thậm chí còn mạnh hơn cả sự chết, vì không điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đấng Christ (Rô-ma 8:38-39). Điều này nói đến tình yêu của Đấng Christ đã chiến thắng sự chết, bởi vì tình yêu của con người thì bị ảnh hưởng bởi sự chết. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của Đấng Christ, Ngài đã vì bạn hữu mà hy sinh mạng sống của mình (Giăng 15:13). Chúng ta cũng cần kinh nghiệm Đấng Christ đã thăng thiên, Ngài đang ngồi trên ngai vàng, còn tất cả kẻ thù và mọi sự đã được đặt dưới chân Ngài. Phao-lô nói rằng chúng ta đã được sống lại cùng với Ngài và đã ngồi cùng với Ngài ở các nơi trên trời (Ê-phê-sô 2:6). Để trải nghiệm được hòa bình, chúng ta cần nhờ Đấng Christ đã thăng thiên để chiến thắng kẻ thù. Đây là lý do tại sao của lễ đưa qua đưa lại và của lễ giơ lên được kết nối với của lễ hòa bình. Nhờ của lễ hòa bình tuyệt vời này, chúng ta được hoàn toàn hòa giải với Đức Chúa Trời và có hòa bình với nhau.
Hòa bình là đặc trưng của mọi điều Đức Chúa Trời làm
Ê-sai đã nói tiên tri về Đấng Christ và gọi Ngài là Chúa của hòa bình (Ê-sai 9:6). Chúa Giê-su Christ đến để “đưa chân chúng ta đi đường hòa bình” (Lu-ca 1:79) và mang hòa bình đến trên trái đất này (Lu-ca 2:14). Trên thập tự giá, Ngài đã đóng đinh con người cũ, đã loại bỏ sự thù nghịch và các điều lệ qua thân thể của Ngài, phá vỡ bức tường của sự ngăn cách, và tạo ra con người mới trong chính Ngài, và làm nên hòa bình. Ngài là hòa bình của chúng ta (Ê-phê-sô 2:14-18) và đã hòa giải chúng ta với Đức Chúa Trời! Ngợi khen Chúa vì Phúc Âm của hòa bình.
Nếu tất cả chúng ta học cách lấy Đấng Christ làm của lễ hòa bình, chúng ta sẽ trở thành những người hòa giải (Ma-thi-ơ 5:9) và là con của hòa bình (Lu-ca 10:5-6), “phải làm hết sức mình, để Ngài thấy anh em ở trong hòa bình, không tì vết, không có gì trách được” (2.Phi-e-rơ 3:14). Hòa bình của Đức Chúa Trời sẽ cai trị trong lòng của chúng ta như Cô-lô-se 3:15 nói rằng: “Hãy để hòa bình của Đấng Christ ngự trị lòng anh em, là hòa bình mà anh em đã được gọi đến trong một thân thể, và hãy biết ơn”. Bằng cách này, Hội Thánh của Ngài ngày nay sẽ là vương quốc công bình và hòa bình. Nguyện xin Chúa mở mắt chúng ta và ban cho chúng ta nhiều kinh nghiệm với của lễ hòa bình này!
(Dịch từ sách “Christ as Spiritual Sacrifices Acceptable to God” của Thechurchinfountainvalley.org)