DÀNH THỜI GIỜ Ở VỚI CHÚA
Trong quyển sách của Andrew Murray bàn về sự cầu nguyện, ông thuật lại câu chuyện vị chủ tọa một hội đồng mục sư đã nêu lên trước hội đồng một câu hỏi như sau: “Ai trong quý vị ở đây cầu nguyện ba mươi phút mỗi ngày, xin đưa tay lên”. Trong tất cả số người tham dự, chỉ có một cánh tay đưa lên! Kế đến, vị chủ tọa yêu cầu tất cả những ai cầu nguyện mười lăm phút một ngày đưa tay lên. Phân nửa số người tham dự đưa tay lên. Khi ông hỏi ai cầu nguyện năm phút mỗi ngày, thì số người còn lại đưa tay lên. Đó không phải là tình trạng giữa vòng chúng ta ngày nay sao? Tất cả chúng ta cần tự hỏi chính mình câu hỏi này: “Mỗi ngày tôi dành bao nhiêu thì giờ ở với Chúa?” Nhu cầu quan trọng nhất giữa vòng các Cơ Đốc nhân ngày nay là dành thì giờ mỗi ngày đọc Kinh Thánh và cầu nguyện trong sự hiện diện của Chúa.
Trong lãnh vực thuộc thể, hằng ngày chúng ta cần dành thì giờ ăn uống để nuôi dưỡng thân thể. Chúng ta cần dành nhiều thì giờ hơn biết bao để được nuôi dưỡng về mặt thuộc linh bằng cách ăn những thức ăn thuộc linh. Theo tình trạng hiện nay hầu như mọi Cơ Đốc nhân đều biết cách nghiên cứu, học thuộc lòng, suy gẫm và tra xem Kinh Thánh để có được kiến thức, nhưng rất ít người biết cách đến với Lời Đức Chúa Trời để vui hưởng Chúa và tiếp nhận sự nuôi dưỡng thuộc linh.
Là những người có Đức Chúa Trời sống bên trong mình, chúng ta cần dành riêng một ít thì giờ mỗi ngày đến với Lời Đức Chúa Trời để vui hưởng Ngài, nuôi mình nơi Ngài và tiếp nhận sự nuôi dưỡng thuộc linh. Qua kinh nghiệm và lời chứng của nhiều người, rõ ràng mỗi ngày chúng ta cần dành ít nhất ba mươi phút ở với Chúa để tiếp xúc với Ngài và được Ngài làm cho mạnh mẽ. Trong khoảng thời gian ấy chúng ta cần đọc và cầu nguyện, và việc đó không thể thực hiện đầy đủ trong mười phút. Cần có thời gian lâu hơn để đọc và cầu nguyện cách đúng đắn. Thậm chí nửa giờ đọc và cầu nguyện còn quá ngắn ngủi, nhưng chắc chắn chúng ta có thể dành nửa giờ với Chúa mỗi ngày để đọc–cầu nguyện Lời Ngài, và thì giờ tốt nhất để đọc–cầu nguyện là vào buổi sáng.
Trong ba mươi phút ấy chúng ta phải quên đi kiến thức, bài giảng, phong trào hay công tác v.v… Chúng ta phải quên mọi điều ấy đi và hoàn toàn chú tâm vào việc dành thì giờ ở trong sự hiện diện của Chúa cách đúng đắn và đầy đủ. Là con cái của Đức Chúa Trời, đây là kinh nghiệm đầu tiên và chính yếu mà mọi Cơ Đốc nhân cần bước vào hằng ngày. Ít nhất trong ba mươi phút mỗi ngày, chúng ta phải học tập không sử dụng tâm trí quá nhiều, nhưng đơn giản vận dụng linh mình trong việc đọc–cầu nguyện. Cơ Đốc nhân nào không dành được ba mươi phút mỗi ngày để ở trong sự hiện diện của Chúa thì không thể khỏe mạnh hay thuộc linh cách đúng đắn được. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Có người nào không ăn uống mỗi ngày mà khỏe mạnh được không?
Nếu chúng ta thực hành điều này một thời gian, Chúa sẽ hành động và làm cho chúng ta thay đổi nhiều ở bề trong. Chúng ta sẽ kinh nghiệm Đấng Christ sâu xa hơn và cuối cùng chúng ta sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên những người khác. Toàn bộ tình trạng giữa vòng chúng ta sẽ thay đổi tận gốc rễ, không nhờ sự dạy dỗ, nghiên cứu và khuyên bảo, nhưng nhờ tiếp xúc với Chúa.
Chúng ta phải trả giá để dành thì giờ ở với Chúa hầu được tăng trưởng về mặt thuộc linh. Mỗi sáng chúng ta không được yêu thích những giây phút nằm ngái ngủ thật lâu trên giường. Anh Watchman Nee từng bảo rằng nếu yêu quí cái giường của mình, chúng ta không bao giờ có thể yêu Chúa được. Đối với tất cả chúng ta, có một sự tranh chiến thật sự giữa việc lựa chọn Chúa với việc lựa chọn cái giường của mình.
Nhờ sự thương xót và ân điển của Chúa, nếu chúng ta ao ước và đồng ý dành thêm thì giờ hằng ngày ở trong sự hiện diện của Chúa, thì chúng ta sẽ làm gì? Bằng cách nào chúng ta có thể chạm đến Lời Đức Chúa Trời để được nuôi dưỡng và vui hưởng? Chúng ta chỉ phải học tập thực hành một điều – chúng ta phải hòa lẫn việc đọc Lời Chúa với sự cầu nguyện. Chúng ta phải tiếp xúc với Chúa bằng cách hòa lẫn việc đọc Kinh Thánh với lời cầu nguyện của mình, và hòa lẫn lời cầu nguyện của mình với những lời chúng ta đọc. Đó là lý do vì sao một từ ngữ mới, đọc–cầu nguyện, đã được sử dụng. Chúng ta phải đọc–cầu nguyện Lời Chúa.
Trước hết, hãy bắt đầu bằng cách tự phát dâng một lời cầu nguyện ngắn lên cho Chúa. Sau đó mở Kinh Thánh ra và bắt đầu đọc. Đang khi đọc, hãy đáp ứng với Chúa cách tự phát bằng những gì mình đọc. Đừng đọc quá nhiều câu, chẳng hạn như một đoạn hay một phân đoạn dài, rồi mới cầu nguyện. Đang khi đọc, hãy đáp ứng với Chúa bằng cách cầu nguyện. Đừng cố gắng cầu nguyện một câu dài, đừng cầu nguyện cho nhiều điều, và xin Chúa làm một điều gì đó cho mình. Chỉ đơn giản học tập cầu nguyện bằng chính những lời mình đọc. Lời cầu nguyện có giá trị, lời cầu nguyện tiếp xúc được với Chúa, ấy là lời thốt ra hay lời diễn tả những gì bề trong anh em đáp ứng khi đọc Lời Chúa.
Trong ba mươi phút dành riêng hằng ngày ấy, anh em đừng dùng để xin Chúa làm nhiều điều, nhưng chỉ cứ ở trong sự thông công với Ngài và vui hưởng Ngài. Chúng ta càng vui hưởng Ngài, Ngài càng thỏa lòng. Nếu chúng ta xin Chúa làm điều này, điều kia, Ngài sẽ nói: “Đứa con khờ dại của Ta ơi, con không cần cầu xin Ta làm tất cả những điều đó; Ta có khả năng giải quyết mọi sự; con chỉ hãy vui hưởng Ta mà thôi”.
Trong Tân Ước, Chúa Jesus nói Lời Đức Chúa Trời là thức ăn thuộc linh: “Ngài đáp: ‘Có chép rằng: Loài người sống chẳng những chỉ nhờ bánh thôi đâu, song cũng nhờ mọi lời ra từ miệng Đức Chúa Trời nữa’ ” (Mat. 4:4). Mỗi lời ra từ miệng Đức Chúa Trời là thức ăn thuộc linh để nuôi dưỡng chúng ta. Kinh Thánh khải thị ít nhất ba trường hợp về những người ăn Lời Đức Chúa Trời. Một là Giê-rê-mi, ông nói: “Tôi vừa nghe những lời Ngài thì đã ăn lấy rồi…” (Giê. 15:16). Lời tuyên bố này không theo quan niệm của loài người chúng ta. Nếu lời này không được viết trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình phải ăn Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể nói mình phải học hỏi Lời và nghiên cứu Lời. Cùng lắm là chúng ta nói mình phải tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ dùng từ ngữ ăn! Giê-rê-mi ăn Lời Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là ông nhận lãnh Lời vào trong mình, hấp thụ Lời và làm cho Lời thành ra một phần của chính mình.
Cũng trong câu ấy, Giê-rê-mi nói: “Lời Ngài là sự vui mừng hớn hở của lòng tôi vậy”. Đó là sự vui hưởng. Sau khi chúng ta ăn, Lời trở thành niềm vui và sự hớn hở. Chúng ta kinh nghiệm niềm vui ở bề trong và bày tỏ sự hớn hở ra bên ngoài. Lời Đức Chúa Trời là sự vui hưởng; sau khi chúng ta tiếp nhận và hấp thụ vào trong bản thể mình, Lời trở nên niềm vui bên trong chúng ta và sự hớn hở bên ngoài.
Cũng có nhiều câu Kinh Thánh khác bày tỏ chính tư tưởng này cho chúng ta. Đa-vít nói: “Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!” (Thi. 119:103). Lời là sự vui hưởng và thậm chí Lời ngọt ngào, và chúng ta nếm thấy Lời ngon lành và thích thú hơn mật ong. Qua những câu Kinh Thánh ấy, chúng ta nhận thấy Lời Đức Chúa Trời không những để chúng ta học hỏi, mà còn để chúng ta nếm, ăn, vui hưởng và tiêu hóa.
Sau đó, trong 1 Phi-e-rơ 2:2-3 chúng ta thấy ăn Lời Chúa là nếm Chúa. “Thì hãy ham thích sữa thuộc linh tinh khiết như con đỏ mới đẻ, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà đạt đến sự cứu rỗi – nếu anh em thật đã nếm Chúa là nhân từ”. Trong câu 2 có sự ăn Lời Chúa và trong câu 3 có sự nếm Chúa. Khi ăn Lời Đức Chúa Trời như sự nuôi dưỡng thuộc linh cho mình, chúng ta nếm Chúa. Vì vậy, giống như Giê-rê-mi, chúng ta phải ăn Lời Chúa; rồi chúng ta sẽ vui hưởng Chúa và tiếp nhận sự nuôi dưỡng thuộc linh.
Một câu quan trọng khác là 1 Ti-mô-thê 4:6b: “thì con là chấp sự tốt của Christ Jesus… được nuôi bằng những lời của đức tin” (RcV). Có lẽ anh em đã ở trong Cơ Đốc giáo nhiều năm. Anh em có bao giờ nghĩ mình phải được nuôi dưỡng trong Lời Đức Chúa Trời không? Theo nguyên tắc chúng ta luôn luôn nghĩ mình phải được “dạy dỗ” trong Lời, bởi Lời và với Lời. Nhưng bao nhiêu Cơ Đốc nhân lưu ý đến từ ngữ nuôi dưỡng? Và bao nhiêu người từng nghe một sứ điệp nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc được nuôi dưỡng trong Lời?
Nhưng sứ đồ Phao-lô quan niệm rằng Lời Đức Chúa Trời là thức ăn để nuôi dưỡng con cái Đức Chúa Trời. Chúng ta phải được nuôi dưỡng trong Lời, chứ không chỉ được dạy dỗ mà thôi. Ngợi khen Chúa, được nuôi dưỡng! Ha-lê-lu-gia, chúng ta phải được Lời nuôi dưỡng, chứ không chỉ được văn tự dạy dỗ! Điều Phao-lô nhấn mạnh không phải là chúng ta cần được dạy dỗ bằng những kiến thức, nhưng chúng ta cần phải được nuôi dưỡng bằng sự phong phú của Lời.
Khi đến với Kinh Thánh chúng ta có ý định gì? Phải chăng suốt nhiều năm ý định của chúng ta là nhận biết, học hỏi, am hiểu một điều gì đó? Chúng ta quan niệm Kinh Thánh là sách dạy dỗ, đầy dẫy giáo lý. Vì thế, chúng ta đến với Lời Chúa với ý định tìm hiểu và học biết điều gì đó. Nhưng chúng ta không chỉ nên sử dụng tâm trí kỳ diệu của mình với sự hiểu biết huyền nhiệm của nó để hiểu Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta phải quên điều đó đi. Chúng ta không nên đánh giá tâm trí mình cao như vậy và quá quí trọng sự hiểu biết của mình như thế. Chúng ta cần làm những người mù lòa và thậm chí làm những người ngu dại, chỉ đến với Lời Chúa để vận dụng linh đọc–cầu nguyện. Hãy quên cách thức cũ kỹ của truyền thống đi!
Nếu không biết cách đọc–cầu nguyện, thì chúng ta sẽ cầu nguyện theo cách sau đây: trước hết, chúng ta dậy lúc sáng sớm và “cảm thấy” mình cần cầu nguyện. Rồi chúng ta sẽ cầu nguyện như thế này: “Chúa ơi, con cảm ơn Ngài vì Ngài thật tốt lành… vì Ngài đã ban cho con sự bình an… Ngài đã bảo vệ con khỏi mọi tai họa…” Rồi bất ngờ nhớ mình sắp lên đường đi đến một nơi nào đó, [chúng ta nói]: “Ôi, con sắp lên đường… Chúa ơi, xin thương xót con trong chuyến đi này… giữ gìn con được an toàn… khỏi tai nạn xe cộ…” Sau một lúc lưỡng lự, chúng ta cầu nguyện tiếp: “Con có một người bạn ở Việt Nam… Chúa ơi, xin Ngài nhớ đến anh ấy… xin Ngài nhớ đến anh Danh ở Việt Nam… và anh Tân ở Tây Đức… Chúa ơi, Tân đang ở đó… anh cần sự bảo vệ của Ngài…”
Chúng ta phải trả lời cách thành thật. Cầu nguyện như vậy có ích lợi gì cho chúng ta? Hầu hết các Cơ Đốc nhân đều cầu nguyện theo cách đó. Nhưng họ có nhận được sự nuôi dưỡng không? Họ có nhận được điều gì làm cho mình được đầy dẫy sự vui mừng ở bên trong và sự hớn hở ở bên ngoài không? Không!
Phương cách đúng đắn là như thế này: trước hết hãy đến với Kinh Thánh để đọc–cầu nguyện. Không cần nhắm mắt lại. Hãy mở mắt nhìn vào Lời Chúa trong khi cầu nguyện. Trong cả sáu mươi sáu sách của Kinh Thánh chúng ta không thể tìm một câu nào nói rằng chúng ta nên nhắm mắt lại khi cầu nguyện. Nhưng có một câu nói Jesus ngước mắt lên trời mà rằng: “Cha ơi…” (Gi. 17:1). Ngài nhìn lên trời trong khi cầu nguyện! Chúng ta không nên tranh luận theo cách giáo lý, nhưng phải nhận biết mình không cần nhắm mắt khi cầu nguyện. Chỉ đơn giản nhìn vào trang sách in: “Ban đầu…” Rồi mắt nhìn vào Lời Chúa và cầu nguyện từ nơi sâu thẳm bên trong: “Ôi Chúa, ‘ban đầu!’ Chúa ơi, con ngợi khen Ngài ‘ban đầu có Lời’. Mặc dầu con không biết Lời là gì, Lời đã có tại đó, ngợi khen Ngài, Chúa ơi! ‘Ban đầu’ Ha-lê-lu-gia! ‘Ban đầu’! Ôi Chúa, ‘Ban đầu có Lời, và Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Lời là Đức Chúa Trời’ ”. Chỉ đơn giản thử cầu nguyện như vậy. Có thể anh em sẽ quay sang đọc một câu khác. “Cho nên hiện nay chẳng có sự định tội”. “Ôi Chúa, ‘hiện nay chẳng có sự định tội’. Ôi Chúa, ‘hiện nay chẳng có sự định tội’. A-men. ‘Hiện nay’. Ôi Chúa. ‘Hiện nay’. A-men! ‘Hiện nay chẳng có sự định tội’. Ngợi khen Chúa! Ha-lê-lu-gia! ‘Chẳng có sự định tội,’ ” v.v…
Đang khi đọc–cầu nguyện, chúng ta không cần sáng tác câu nào hay tạo nên một lời cầu nguyện nào. Chỉ đọc–cầu nguyện Lời. Cầu nguyện bằng các lời của Kinh Thánh y như đã được viết ra. Cuối cùng anh em sẽ thấy cả Kinh Thánh là một quyển sách cầu nguyện! Không những “Lời Cầu Nguyện của Chúa” mới là lời cầu nguyện, nhưng cả Kinh Thánh là lời cầu nguyện. Hãy mở bất cứ trang nào, dòng nào, lời nào và bắt đầu cầu nguyện bằng phần Kinh Thánh ấy. Nếu tiếp tục đọc–cầu nguyện như vậy khoảng ba mươi phút trong sự hiện diện của Chúa, anh em sẽ thấy mình được soi sáng, tưới mát, nuôi dưỡng, tươi mới, mạnh mẽ và thỏa mãn dường nào. Từ ba mươi phút ấy, anh em sẽ có một bữa điểm tâm thuộc linh để lại ảnh hưởng suốt cả ngày!
Mặc dầu có thể anh em không hiểu một phân đoạn Kinh Thánh nào đó, anh em vẫn được nuôi dưỡng, vì trong Lời Đức Chúa Trời thật sự có điều gì đó của Đức Chúa Trời. Lời Đức Chúa Trời là chính hơi thở của Ngài. (2 Ti-mô-thê 3:16 chép: “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời thở vào” – Hi văn).
Đừng chỉ cố gắng học Kinh Thánh. Chúng ta cần phải nhận biết đó là quyển sách sự sống, chứ không phải sách kiến thức. Sách ấy vào trong chúng ta và thậm chí cấu tạo nên chúng ta. Không có sự dạy dỗ, giáo lý hay kiến thức nào có thể đem Đấng Christ vào trong chúng ta đến mức độ ấy; chỉ bằng cách cầu nguyện như thế mà thôi. Vì vậy, tất cả chúng ta đều phải học cầu nguyện theo cách này. Cuối cùng chúng ta sẽ được đem ra khỏi chính mình, được dầm thấm Đấng Christ và được Linh lan tỏa trong chúng ta.