Nguồn: Mục sư HUY LÊ, HT Báp tít Ân Điển
Một câu chuyện ngụ ngôn đông phương kể rằng… Vào đêm nọ, người lữ khách bộ hành trên sa mạc gặp hai vị thần – Sợ Hãi và Dịch Bệnh. Hai thần này đang trên đường đến thành phố phía trước để giết mười ngàn người. Người lữ khách tò mò hỏi thần Dịch Bệnh rằng có phải chính ông ta sẽ thực hiện việc giết chóc. Dịch Bệnh trả lời: “Ồ, không đâu. Ta sẽ chỉ giết vài trăm người thôi. Số còn lại là do Sợ Hãi, bạn ta, xử lý.”
。。。
Sợ hãi là phản xạ tự nhiên và tất yếu của con người, đặc biệt là khi đối diện với những mối đe dọa trước mắt. Nhưng khi nỗi sợ kiểm soát chúng ta, nó khiến chúng ta cảm nhận tồi tệ hơn về tình thế, đánh giá nghiêm trọng hơn về vấn đề; và nó gây ra những phản ứng thái quá, dù là nhận thức hay vô thức. Khi nó kiểm soát chúng ta, nỗi sợ có thể trở thành một “sát thủ,” dù không giết chết chúng ta ngay, nhưng có thể cướp mất của chúng ta nhiều thứ.
? Nỗi sợ cướp mất tự do. Reuters kể về hàng ngàn người nghèo Hong Kong tự nhốt mình cả ngày trong những “căn nhà quan tài” có diện tích chỉ 2 mét vuông vì sợ lây nhiễm virus corona. Khi bị nỗi sợ kiểm soát, chúng ta không chỉ nhốt mình về phương diện vật lý; chúng ta còn giam hãm mình trong suy nghĩ tiêu cực và thái độ bi quan. Chúng ta nhìn gì cũng tưởng đến vi trùng, nghe gì cũng nghĩ đến tin xấu, làm gì cũng lo đến nguy cơ… Nỗi sợ khiến cuộc sống như đình trệ, cộng đồng như mất sức sống, và cá nhân như rời rã khỏi cộng đồng.
Đúng như điều cố Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt từng nói: “Điều duy nhất chúng ta phải sợ là chính nỗi sợ – nỗi sợ hãi không tên, không đúng, không đáng, làm tê liệt những nỗ lực cần thiết để chuyển từ thoái sang tiến.”
? Nỗi sợ cướp mất tình thương. May mắn khi giữa những cơn khủng hoảng, đây đó có không ít người giàu lòng nhân ái sẵn sàng bày tỏ tình thương với những ai gặp khó khăn trong cộng đồng. Nhưng khi bị nỗi sợ kiểm soát, con người thường bày tỏ điều ngược lại. Chúng ta có thể trở nên hờ hững, kỳ thị và thậm chí thù địch với đồng loại.
Câu chuyện những người Ukraine bị xua đuổi ngay trên quê hương mình là một ví dụ buồn. Đoàn người trên những chiếc xe bus từ Vũ Hán, Trung Quốc về một bệnh viện cách ly tại quê nhà Ukraine đã bị đám đông người địa phương chào đón bằng những hòn đá chống đối và chối bỏ.
? Nỗi sợ cướp mất đức tin. Có những anh hùng đức tin thất bại trước nỗi sợ giữa cơn hoạn nạn để trong thoáng chốc đức tin của họ như không hề tồn tại.
Tiên tri can đảm Ê-li vừa chiến thắng trên đỉnh cao, chạy trốn và đòi chết sau lời hăm dọa của một người đàn bà. Sứ đồ mạnh mẽ Phi-e-rơ đang bước đi trên mặt biển, kinh hoảng và suy sụp khi thấy những con sóng từ bốn bề nổi lên. Trong một cơn bão khác, các môn đồ đã hoảng sợ dù Chúa quyền năng đang ở cùng thuyền với họ. Đến nỗi Ngài phải thốt lên: “Đức tin các ngươi ở đâu?”
Giữa cơn bão dịch bệnh Corona, có thể có hai thái cực trong vận dụng đức tin. Một là, lấy đức tin bảo vệ mình là đủ, không cần đến những biện pháp phòng bệnh đã được khuyến cáo. Hai là, áp dụng những biện pháp phòng bệnh như là sự đảm bảo tuyệt đối và duy nhất, như thể đức tin chẳng có giá trị gì trong hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta có thể nhanh chóng phê phán hai thái cực ấy: Cuồng tín đến mức vô lý, và, duy lý đến mức vô tín. Nhưng vấn đề là chúng ta có thật sự tin vào quyền năng siêu việt của Đức Chúa Trời không? Và nếu tin, chúng ta thể hiện niềm tin đó như thế nào?
✝️
Đức Chúa Trời hẳn biết sợ hãi là một nỗi ám ảnh của con người, cho nên Kinh Thánh có hàng trăm câu chứa đựng những từ: Chớ sợ chi, Đừng kinh hãi, Chớ run sợ, Đừng kinh khiếp, Chớ kinh khủng, Đừng sợ hãi…
Đó không phải là những mạng lệnh sáo rỗng hay một liệu pháp tâm lý. Những người tin cậy Đức Chúa Trời có thể thật sự kinh nghiệm mình được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi.
❤️ Trước hết, chúng ta không còn sợ hãi vì điều đáng sợ hơn hết đã được xử lý – “Đại dịch” tội lỗi cùng hậu quả kinh khiếp của nó là sự chết, cả trong đời này lẫn đời sau. Khi tin Chúa Giê-xu “đã vì tội lỗi của chúng ta mà bị vết, vì gian ác của chúng ta mà bị thương (Ê-sai 53:5), chúng ta không còn phải sợ hãi hậu quả “của tội lỗi là sự chết; nhưng [nhận được] sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời” (Rô-ma 6:26), và không còn ở dưới “cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:36).
❤️ Kế đến, chúng ta không còn sợ hãi khi biết rằng “Dù khi [chúng ta] đi trong trũng bóng chết…, Chúa ở cùng [chúng ta]” (Thi Thiên 23:4); như chính lời Ngài phán với chúng ta: “Ta sẽ chẳng lìa con, chẳng bỏ con đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5). Thật yên lòng khi biết Đức Chúa Trời chúng ta tin cậy là Đấng Toàn Năng: “Chính Ngài đã dùng quyền năng lớn lao và cánh tay quyền uy mà dựng nên trời và đất! Không có việc gì khó quá cho Ngài” (Giê-rê-mi 32:17). Thật vững tâm khi biết Đấng Toàn Năng ấy ngày đêm “gìn giữ [chúng ta], không hề chợp mắt cũng không buồn ngủ” (Thi Thiên 121:4). Thật bình an khi biết chúng ta rất “quý trọng” với Chúa, không điều gì xảy ra với chúng ta nằm ngoài sự kiểm soát của Ngài (Ma-thi-ơ 10:29-31); và bất chấp điều gì xảy ra, “mọi sự hiệp lại làm ích cho [chúng ta] những ai yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:28).
❤️ Cuối cùng, chúng ta không còn sợ hãi vì chúng ta có “một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời” (Hê-bơ-rơ 11:16), và Chúa Giê-xu đang “chuẩn bị cho [chúng ta] một chỗ,” để đến một ngày chúng ta sẽ được ở với Ngài tại đó đời đời (Giăng 14:1-3). Từ bây giờ đến lúc ấy, chúng ta không phải sợ hãi vì bất kỳ “hoạn nạn, khốn cùng… sự chết, sự sống…, việc hiện tại, việc tương lai…, cũng không thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 8:35-38).
。。。
Người tin nơi Đức Chúa Trời không chủ quan trước những mối nguy, nhưng bởi đức tin chúng ta sẽ không bi quan; và bởi đức tin lớn, chúng ta còn có thể lạc quan.
Như nhà rao giảng Tin Lành trứ danh Charles H. Spurgeon đã nói: “Đức tin nhỏ sẽ đem linh hồn bạn đến thiên đàng, nhưng đức tin lớn sẽ đem thiên đàng vào tâm hồn bạn.”
Amen!
?️
❝Ta để sự bình an lại cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Sự bình an Ta cho các con không giống như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi.❞
Giăng 14:27 [TTHĐ]