BÀI VIẾT TĂNG TRƯỞNG TÂM LINH CHO CẤP LẢNH ĐẠO THUỘC LINH
Điều kiện để làm người uy quyền đại diện cho Đức Chúa Trời. (Bài số 4)
( sưu tầm)
Chúng ta sẽ xem xét loại người nào mà Đức Chúa Trời dùng làm người uy quyền đại diện của Ngài. Để làm uy quyền đại diện của Chúa , người ấy( ngoài việc nhận biết uy quyền và thuận phục uy quyền ) phải hội đủ các điều kiện khác :
1/ Nhận biết rõ rằng mọi uy quyền đều xuất phát từ Đức Chúa Trời.
Mọi uy quyền đại diện phải ghi nhớ rằng mọi uy quyền đều xuất phát từ Đức Chúa Trời ,chính Ngài đã thiết lập mọi uy quyền. Không có một uy quyền nào vốn ở trong con người nào, và không ai có thể tự chỉ định mình làm uy quyền. Những ý kiến riêng của chúng ta không thể trở nên luật lệ cho những người khác, và các ý kiến, quan điểm, đề nghị riêng của chúng ta không đáng để những người khác quý trọng, chúng ta không có gì trội hơn người ở dưới chúng ta. Ngày nay có rất nhiều người thích làm lãnh đạo Hội thánh mà không hiểu biết chút gì về uy quyền nhưng lại yêu thích hành quyền nên tìm kiếm quyền hành. Thật ra uy quyền thật sự là do Đức Chúa Trời thiết lập và chỉ định, chỉ có uy quyền như vậy mới có thể đòi hỏi người khác thuận phục. Một người không thể tự cho là có quyền trong chính mình chỉ vì mình đã trở nên người lãnh đạo. Giáo hội có thể phong chức Mục sư cho loài người, nhưng uy quyền có được do Đức Chúa Trời chỉ định. Người của Giáo hội có uy quyền của Giáo hội trên giáo dân. Còn Người được Đức Chúa Trời ban cho uy quyền làm người đại diện uy quyền của Đức Chúa Trời là người của Đức Chúa Trời có uy quyền trên con cái Chúa là công dân Nước Thiên đàng. Hai điều này khác biệt biết bao. Trong năm ân tứ chức vụ mà Chúa đã lập : Mục sư, Sứ Đồ, Tiên Tri, Giáo Sư và Thày Giảng Tin lành thì Giáo hội có thể phong chức Mục Sư, Giáo Sư, ( à ngày nay bá tánh còn đẻ ra thêm thánh chức “Tiến Sĩ ” nữa ) nhưng chưa có Giáo hội nào phong chức ” Tiên Tri ” cả và thậm chí Việt Nam không tin rằng chức vụ Tiên Tri và Sứ Đồ còn tồn tại, dù Kinh Thánh Ê-phê-sô 4:11 đã nói rõ ràng về việc này. Một người dù cho có mang chức vụ Mục sư Tiến sĩ gì gì đi nữa, họ phải ghi nhớ rằng họ chỉ là người đại diện uy quyền cho Giáo hội hoặc đại diện cho Đức Chúa Trời, họ không hề có uy quyền trong chính mình. Đó là một nan đề cơ bản giữa vòng chúng ta ngày nay.
Dù ở trong thế gian hay trong Hội thánh, hoặc trong công việc Chúa, chúng ta phải luôn nhớ rằng chúng ta tuyệt đối không có uy quyền nào trong chính mình. Chúng ta chỉ là người đại diện uy quyền, mọi uy quyền ra từ Đức Chúa Trời. Không có yếu tố nội tại nào ở trong chính chúng ta để phân biệt chúng ta với những người khác hay ban cho chúng ta quyền làm một người có quyền hành để hành quyền trên những người khác. Một người của Đức Chúa Trời trở nên uy quyền vì người ấy hiểu biết ý chỉ của Đức Chúa Trời tâm trí của Đức Chúa Trời và những tư tưởng của Đức Chúa Trời. Một người không thể trở nên uy quyền chỉ nhờ dựa vào bằng cấp, ý kiến riêng, bởi vì không ai có thể khiến người khác thuận phục ý kiến riêng, ý muốn riêng của mình. Đức Chúa Trời kêu gọi và chỉ định một người làm người đại diện uy quyền của Ngài vì người ấy thuận phục và hiểu biết ý chỉ,tư tưởng của Ngài hơn chứ không phải vì người ấy có bằng cấp cao hơn, nhiều ý kiến hay hơn, khôn khéo hơn. Thật ra loại người nhiều ý kiến , nhiều bằng cấp, khôn khéo xã giao và xem mình là uy quyền rồi tự áp đặt chính mình lên trên người khác là loại người tôi sợ nhất, ma quỷ tôi không sợ nhưng sợ hạng người đó. Không người nào chưa học biết thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời hoặc không biết về ý chỉ của Ngài lại có thể trở nên uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. Giả sứ, một người đại diện cho một công ty lớn để thương lượng công việc với những người khác, người ấy không thể nêu lên đề nghị theo ý kiến riêng của mình, người ấy không thể đưa ra lời hứa dựa vào ý thích riêng của mình và cũng không thể tự mình ký hợp đồng. Trước hết, người ấy phải tìm biết ý muốn của Giám đốc, kế hoạch của ông cùng đường lối và điều kiện để người ấy có thể ký hợp đồng. Tương tự như vậy, một người muốn làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời, thì trước hết người ấy phải hiểu biết ý muốn Chúa, đường lối và kế hoạch của Ngài rồi mới có thể thi hành uy quyền của Đức Chúa Trời trong Hội thánh và trong công tác. Để làm người đại diện cho Chúa, người ấy phải thân quen với Chúa và Chúa quen người ấy. Ngày nay có nhiều lãnh đạo mà Chúa chẳng quen biết bao giờ vì họ ban hành nhiều điều mà Chúa không ban hành.
Nếu Đức Chúa Trời không công nhận những gì họ đã nói với các anh chị em khác thì họ sẽ bị bỏ mặc mà tự đại diện cho chính họ chứ không thể đại diện cho Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao chúng ta phải hiểu biết ý chỉ của Chúa và nhân danh Chúa thi hành ý chỉ ấy. Kinh thánh nói : ” Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào. ” ( Ê-phê-sô 5:17). Ngày nay có nhiều người làm lãnh đạo cao cấp của Giáo hội nhưng lại không hề biết ý muốn của Chúa và thậm chí họ không nghe được tiếng Chúa. Chúa Jesus phán :” Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó và nó theo ta” ( Giăng 10:27). Đức Chúa Trời không bao giờ giao uy quyền của Ngài cho một con chiên bị điếc làm uy quyền đại diện ,cũng như không thể ủy quyền cho kẻ không nhận biết ý muốn và đường lối của Ngài. Vậy nên ngày nay có rất nhiều uy quyền không đến từ Đức Chúa Trời mà đến từ Giáo hội và con người, khiến dân sự khốn khổ.
2/ Học tập từ bỏ bản ngã .
Điều kiện cơ bản thứ hai của một uy quyền đại diện là học tập chối bỏ chính mình, hạ gục ” Cái Tôi ” là cái đáng ghét. Trước khi được sáng tỏ ý chỉ của Chúa, một người không nên mở miệng và không nên thi hành uy quyền. Một uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời phải tự sát bản ngã, giết chết cái tôi của mình, mới có thể làm tôi tớ của Đức Chúa Trời. Tôi sợ hãi rằng người duy nhất trên thế giới quý trọng ý kiến của tôi là chính tôi. Cũng vậy, người duy nhất quý trọng ý kiến của anh em là chính anh em. Nếu anh chị em nghĩ rằng ý kiến của mình là tốt nhất ,Đức Chúa Trời và mọi người quý trọng ý kiến của anh chị em thì anh chị em đang sống trong mộng, mơ giữa ban ngày. Vậy đừng quá đơn phương áp đặt ý kiến của mình lên người khác. Tôi sợ những người hay ý kiến ý cò, tôi sợ những người quá chủ quan. Ngày nay có nhiều người thích làm cố vấn cho Đức Chúa Trời, họ hay đặt câu hỏi vặn vẹo Chúa , tại sao thế này ? Tại sao thế kia , tại sao Chúa để sự việc xảy ra như vậy ? Đức Chúa Trời không bao giờ ủy thác uy quyền của Ngài cho bất cứ ai còn sống theo bản ngã xác thịt. Bản ngã xác thịt thường có ý muốn riêng, nó là kẻ thù của Thánh Linh. Trước hết, Chúa phải hạ gục bản ngã của chúng ta rồi mới trao uy quyền của Ngài cho chúng ta. Bất cứ ai chưa té ngã tại “Đa-mách” để xác thịt bị mù lòa và phủ phục trước ánh sáng của Chúa Jesus thì không thể làm tôi tớ của Chúa mang vác uy quyền và trách nhiệm. Một người phải nhận được sự xử lý của Đức Chúa Trời và sự phá vỡ con người bề ngoài để con người tâm linh bề trong hoàn toàn thuận phục Chúa. Người ấy phải bị Chúa sửa trị roi vọt, và vết thương không bao giờ lành hẳn, sự khôn ngoan riêng, ý kiến riêng, ý tưởng riêng của người ấy phải bị đập tan và phá vỡ. Một người như vậy tự phát sẽ được phóng thích khỏi ý riêng và quan niệm riêng của mình. Ai đã trải qua sự sửa trị của Đức Chúa Trời sẽ là người sống trong sự kính sợ trước mặt Chúa. Người đó sẽ không còn dám phát biểu hay hành động bất cẩn nữa và luôn sợ phạm lỗi lầm. Hễ vết thương của Đức Chúa Trời còn lưu lại trên người ấy, thì người ấy sẽ cảm thấy đau đớn ngay khi tự ý chuyển động và nói năng tự phát, và không cần ai nhắc nhở người ấy về vết thương của mình. Khi một người bị thương tích thì người khác không cần khuyên người ấy đi chậm, tự nhiên người ấy sẽ bước chậm lại. Chúng ta không cần gì hơn là sự chết bản ngã của mình bằng quyền năng của Đức Chúa Trời. Đôi khi Chúa cho phép vài điều xảy ra để người ta theo ý riêng, tự đâm đầu vào tường cho đến khi nứt sọ và xương cốt rã rời và bản ngã xác thịt chết đi rồi Chúa mới giải cứu. Đức Chúa Trời để cho chúng ta bị thương tích do ý riêng để ngay khi chúng ta tự ý chuyển động đều sẽ bị cảm thấy đau đớn. Đó là cách để giải cứu chúng ta khỏi bản ngã xác thịt của mình. Những người lãnh đạo làm uy quyền đại diện của Chúa phải học tập đừng nêu ý kiến riêng của mình. Họ không được có thói quen tự ý can thiệp vào công việc của người khác. Kinh thánh nói rằng :” Nếu ngươi ngừa giữ chân mình trong ngày Sa-bát , không làm vừa ý mình trong ngày thánh của ta….nếu ngươi tôn trọng ngày đó, không đi đường riêng mình, không theo ý riêng mình và không nói lời riêng mình, bấy giờ ngươi sẽ lấy Đức Giê -hô-va làm vui thích, ta sẽ làm cho ngươi cỡi lên các nơi cao trên đất và lấy sản nghiệp của Gia-cốp,tổ phụ ngươi mà nuôi ngươi vì miệng Đức Giê hô va đã phán vậy ” ( Ê sai 58:13-14).
3/ Những người làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời cần phải có một điều kiện thứ ba :
Những người làm uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời cần phải có một điều kiện thứ ba : “Phải có sự tương giao liên tục và mật thiết với Chúa”. Phải nghe được tiếng Chúa và phân biệt ý tưởng, ý nào của mình và ý nào của Chúa. Một số người lãnh đạo đầy dẫy ý kiến về mọi sự. Mỗi khi ai có ý kiến , người đó phải mang ý kiến đó đến với Chúa và tìm hiểu xem ý kiến như vậy là của xác thịt hay thuộc về Thánh Linh. Nhờ đó , Đức Chúa Trời sẽ dần dần mặc khải nỗi ao ước của lòng Ngài cho người ấy. Đối với nhiều người, nan đề căn bản là họ mở miệng ra mà chưa từng đến gần Đức Chúa Trời. Họ bày tỏ ý kiến của họ cách bừa bãi, phát ngôn cho Chúa cách thiếu suy nghĩ vì họ xa cách Đức Chúa Trời. Một người càng dễ dàng dùng Danh Chúa để phát ngôn thì điều đó càng chứng tỏ là người đó xa cách Chúa. Một Bộ Trưởng đi chung với Tổng Thống của một quốc gia chắc chắn không dám tự ý nói năng bừa bãi. Cũng vậy, chỉ những người gần gũi với Chúa mới kính sợ và tôn trọng Ngài trong ăn nói và cư xử. Họ không dám hành động phóng túng và không dám dùng Danh Chúa mà nói năng khinh suất. Một người ít nghe tiếng Chúa sẽ nói rất nhiều. Khi nghe tiếng Chúa nhiều hơn thì sẽ nói ít đi ,và khi quá gần gũi Chúa liên tục thì sẽ câm miệng lại không còn dám nói gì nữa, mà chỉ mở miệng khi Chúa truyền bảo. Ai liên tục tương giao với Chúa sẽ không vội vàng mở miệng, vì người ấy biết có Lời chép rằng :” Chớ vội mở miệng ra và lòng ngươi chớ lật đật nói lời trước mặt Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời ở trên trời, còn ngươi ở dưới đất. Vậy nên ngươi khá ít lời. Hễ lo lắng nhiều ắt sanh ra chiêm bao còn nhiều lời thì sanh ra sự ngu dại.”( Truyền đạo 5:2-3). Mà ” Kẻ ngu muội hay nói nhiều lời” ( Truyền đạo 10:14).
Không một nan đề nào nghiêm trọng hơn việc một tôi tớ của Chúa hấp tấp nói ra khi người đó chưa biết chắc chắn về ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể sáng tỏ ý chỉ của Chúa khi chúng ta tìm kiếm Ngài, sống gần bên Chúa và liên tục tương giao với Đức Thánh Linh. Chúng ta phải học tập nghe tiếng Chúa , hiểu ý Chúa và nhìn thấy công việc Chúa làm . Tất cả những khả năng đó đều có được nhờ mật thiết tương giao với Chúa liên tục mỗi ngày. Nan đề lớn của Hội thánh ngày nay ấy là các Mục sư lãnh đạo quá bận rộn công tác mà không còn thời gian để tương giao với Chúa. Họ hầu việc dân sự và con người nhiều hơn là hầu việc Chúa. Họ nói nói chuyện và lắng nghe tiếng con người quá nhiều mà không còn thời gian nói chuyện với Chúa hoặc lắng nghe tiếng Chúa. Chỉ những người học tập sống trong sự hiện diện của Chúa, biết ý chỉ của Ngài ,họ mới có thể nói với các anh chị em. Khi các nan đề dấy lên giữa vòng các thánh đồ hay trong hội thánh, người ấy sẽ biết phải làm những gì vì họ biết ý Chúa. Tất cả những ai làm người đại diện uy quyền của Đức Chúa Trời đều phải sống trước mặt Đức Chúa Trời mỗi ngày và học tập tương giao liên tục với Thánh Linh. Khi nói với các thánh đồ trong Hội thánh, anh em đừng để bản ngã của mình xen vào trong lời nói nhưng phải tin chắc rằng có uy quyền ở đằng sau lời nói của mình. Đừng tự lừa dối mình mà nghĩ rằng anh em có uy quyền gì trong chính mình. Phải mãi mãi ghi nhớ rằng Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất có uy quyền và không ai khác có uy quyền. Kinh thánh nói rõ ràng rằng mọi uy quyền đều thuộc về Đức Chúa Trời.