[:en]
ĐỔI MỚI TÂM TRÍ
Trong Kinh Thánh, có hai cách dịch chữ tâm trí: một vài chỗ dịch là “tâm trí”, và những chỗ khác dịch là “sự hiểu biết”. Nhưng trong tiếng Hi-lạp, từ ngữ này là nous. Từ ngữ nous này được dùng hai mươi bốn lần trong Tân Ước. Các câu Kinh Thánh tham khảo sẽ được liệt kê trong phần dưới đây*.
[*La. 1:28; 7:23, 25; 11:34; 12:2; 14:5; 17:9; 1 Cô. 1:10; 2:16; 14:14-15, 19; Êph. 4:17, 23; Phil. 4:7; Côl. 2:18; 1 Ti. 6:5; 2 Ti. 3:8; Tít 1:15; 2 Tê. 2:2; Khải. 13:18; Lu. 24:45.]
Sau phần ấy, chúng ta sẽ thấy nous liên hệ thế nào với các tín đồ. Tín đồ cần có một nous được đổi mới. Chỉ khi ấy họ mới có thể tấn tới trước mặt Đức Chúa Trời, chỉ khi ấy họ mới có thể tiến bộ trong bước đường thuộc linh.
Con người gồm có ba phần: linh, hồn và thân. Kinh Thánh cho chúng ta biết con người không chỉ có linh, nhưng cũng có thân thể; không những có linh và thân thể, mà còn có hồn nữa. Tại sao người ta phải có hồn, dầu đã có linh và thân thể? Hồn nằm giữa linh và thân thể, và là môi giới giữa linh và thân thể. Hồn là phần xen vào giữa. Khi muốn bày tỏ mọi sự cho chúng ta, Đức Chúa Trời bày tỏ qua trực giác của linh. Linh ban cho chúng ta một cảm thức về Đức Chúa Trời, linh làm cho chúng ta có khả năng thông công với Đức Chúa Trời và cảm nhận về Đức Chúa Trời. thân thể được Đức Chúa Trời ban cho chúng ta để liên lạc với thế giới; nhờ thân thể, chúng ta cảm biết được mọi sự trong thế giới. Đức Chúa Trời cũng ban cho chúng ta một hồn. Hồn cho chúng ta ý thức về mình, nhờ đó chúng ta tự cảm biết chính mình. Con người không giống các thiên sứ vì các thiên sứ chỉ có linh mà không có thân thể. Con người có linh và thân thể. Hồn của chúng ta, tức khu vực đệm, ở giữa linh và thân thể. Mọi sự của linh và thân thể chúng ta đều được bày tỏ qua hồn.
TẤM LÒNG CON NGƯỜI
Nhân tiện, tôi muốn bày tỏ tấm lòng con người là gì để chúng ta có thể hiểu tâm trí của con người là gì. Theo Kinh Thánh, điều chúng ta thường gọi là tấm lòng chính là lương tâm con người trong nhân linh cộng với tâm trí trong hồn của họ. Đó là tấm lòng. Linh là cơ quan thông công với Đức Chúa Trời, để gần gũi thân thiết với Đức Chúa Trời, để hiểu biết ý muốn của Đức Chúa Trời, và để biết Đức Chúa Trời. Tấm lòng là “cơ quan quản lý” của linh, bày tỏ mọi sự trong linh. Mọi sự linh có đều được tấm lòng bày tỏ. Tấm lòng bao gồm lương tâm cộng với tâm trí con người. Cả Kinh Thánh nói về tấm lòng theo cách ấy. Vì vậy, tấm lòng là điểm tác động hỗ tương của linh và hồn, là nơi tiếp giáp, là ngã tư. Tấm lòng giống như tổng đài của công ty điện thoại, là nơi mọi đường dây giao nhau và mọi cuộc điện đàm đều đi qua đó. Bất cứ điều gì muốn vào trong linh đều phải qua tấm lòng trước khi vào linh. Bất cứ điều gì từ linh bày tỏ ra cũng phải đi qua tấm lòng, vì tấm lòng là nơi tác động hỗ tương, là điểm tiếp xúc, và là nơi tiếp nhận hỗ tương. Linh chạm đến hồn nhờ tấm lòng. Hồn, bao gồm những gì nó cảm nhận từ bên ngoài, đến với tấm lòng và từ tấm lòng chuyển qua linh. Nhân cách chúng ta nằm tại đó; đó là bản ngã thật của chúng ta và là “cái tôi” thật sự của chúng ta. Tấm lòng là điểm nối kết của linh và hồn. Vì vậy, tấm lòng là “cái tôi”. Chúng ta phải đọc Kinh Thánh để tìm ra những gì Kinh Thánh nói về tấm lòng. Sau đó, chúng ta sẽ thấy tấm lòng liên quan đến mình như thế nào và tấm lòng chiếm một vị trí quan trọng ra sao. Xin chúng ta đọc một vài câu Kinh Thánh liên quan đến tấm lòng.
Thi Thiên 4:4 chép: “… Trên giường mình hãy suy gẫm trong lòng, và làm thinh”. Nói cách khác, tấm lòng của anh em là chính anh em. Vì vậy, anh em thông công với nó, giống như ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Lòng bàn luận với miệng”.
Châm-ngôn 4:23 chép: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”. “Giữ tấm lòng” nên dịch là “canh giữ tấm lòng”. Chữ “nguồn” nên dịch là “lối ra”. Anh em nên canh giữ tấm lòng mình, vì đó là lối ra của sự sống. Mọi bông trái con người mang ở bên ngoài đều phát xuất từ tấm lòng. Đó là lý do vì sao tôi nói rằng tấm lòng là chính con người.
Ma-thi-ơ 12:34-35 chép: “Ớ dòng dõi rắn độc kia, các ngươi vốn là ác, thể nào nói điều thiện được? Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Người thiện do chứa thiện mà phát ra điều thiện, kẻ ác do chứa ác mà phát ra điều ác”. Chúa Giê-su nói rằng do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra, vì tấm lòng là chính con người. Vì vậy, người thiện do chứa điều thiện trong lòng mà sinh ra điều thiện, và người ác do chứa điều ác trong lòng mà sinh ra điều ác. Vì vậy, tội lỗi và những hành vi độc ác mà một tội nhân vi phạm tất cả đều ra từ tấm lòng. Tấm lòng là sự hòa lẫn của linh và hồn. Vậy, mọi điều ác đều ra từ tấm lòng.
Ma-thi-ơ 15:18-19 chép: “Duy những điều ra từ miệng là phát từ lòng, ấy là điều làm ô uế người. Vì từ lòng mà ra những ác tưởng, tàn sát, ngoại tình, gian dâm, trộm cắp, chứng dối, và lộng ngôn”. Những gì ra từ tấm lòng thì ô uế vì những gì ở bên trong con người là ô uế.
Có một điều rất thú vị, mặc dầu con người gồm có ba phần (linh, hồn và thân), khi Kinh Thánh nói về sự tái sinh của chúng ta, Kinh Thánh không nói Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một hồn mới, nhưng nói rằng Ngài ban cho chúng ta một linh mới và lòng mới. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một linh mới khiến chúng ta có thể thông công với Ngài, và làm cho linh chết được phục hồi chức năng. Đức Chúa Trời cũng ban cho chúng ta một lòng mới, khiến chúng ta có một cuộc sống mới trên đất với những khuynh hướng mới.
Mặc dầu có điều gì đó tương đồng giữa linh và tấm lòng, Kinh Thánh vẫn giữ một biên giới giữa hai điều này để không có sự lẫn lộn. Ê-xê-chi-ên 36:26 chép: “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần (nguyên văn: linh) mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt”. Đức Chúa Trời không phán: “Ta sẽ ban cho các ngươi một linh mới và một hồn mới”. Theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, cơ quan hồn không cần được thay đổi. Nhân cách của con người cũng không cần phải thay đổi. Tuy nhiên, tấm lòng của con người thật cần thay đổi vì các dòng chảy của sự sống ra từ lòng người. Đó là lý do vì sao tấm lòng cần được sửa đổi.
Điều gì xảy ra cho linh và lòng của một tín đồ khi người ấy phạm tội? Thi Thiên 51:10 chép: “Đức Chúa Trời ôi, xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần linh (nguyên văn: linh) ngay thẳng”. Câu này nói về tấm lòng và linh. Lòng và linh là những gì Đức Chúa Trời quan tâm. Nếu lòng của một tín đồ bị ô uế, người ấy nên xin Đức Chúa Trời tạo nên trong mình một lòng trong sạch và một linh ngay thẳng. Vì vậy, lòng chúng ta cần phải trong sạch và linh chúng ta cần phải ngay thẳng.
Kinh Thánh nhấn mạnh đến tấm lòng để làm cho chúng ta thấy vị trí quan trọng mà tấm lòng chiếm chỗ trong Kinh Thánh. Tấm lòng rất quan trọng vì là bản ngã thật của chúng ta. Tình trạng của tấm lòng là tình trạng thật của chúng ta. Tấm lòng là nguồn sự sống con người. Tấm lòng bao gồm lương tâm trong linh và tâm trí trong hồn. Chúng ta thông công với Đức Chúa Trời nhờ linh, nhưng Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng của chúng ta. Trong đời sống chúng ta, tấm lòng là yếu tố quan trọng nhất. Chúng ta nói mình được cứu, nhưng chính xác là chúng ta được cứu như thế nào? Ấy là nhờ tin trong lòng. Làm thế nào chúng ta hầu việc Đức Chúa Trời? Chúng ta hầu việc Ngài từ tấm lòng mình. Đức Chúa Trời ban phước cho loại người nào? Ngài ban phước cho những ai có lòng ngay thẳng. Trong tương lai, Đức Chúa Trời sẽ phán xét phần nào của con người? Đức Chúa Trời sẽ phán xét những điều ẩn giấu trong lòng người. Vì vậy, để đến trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta phải có một tấm lòng tốt. Nhưng để có một tấm lòng tốt, chúng ta phải có một tâm trí tốt. Vì vậy, hôm nay tôi muốn đặc biệt nói về nous.
MỐI LIÊN HỆ GIỮA NOUS VÀ MỘT CƠ ĐỐC NHÂN
Nous có liên hệ như thế nào đến cuộc sống, công việc, sự hầu việc Đức Chúa Trời, bước đi v.v… của một Cơ Đốc nhân? Những ai tin Chúa Giê-su thì có một linh mới và một lòng mới. Đây là một sự thật không thể nào bị phá đổ. Dầu mạnh hay yếu, người tín đồ cũng sanh bởi Đức Chúa Trời, có một linh mới và một lòng mới. Đó là lý do vì sao họ có thể yêu thương người khác, hầu việc Đức Chúa Trời, và làm mọi điều từ tấm lòng mình. Nhưng dầu đó là lòng mới, phần thuộc về nous của tấm lòng chưa được đổi mới. Theo lý luận con người, một người thường nghĩ rằng vì lòng đã được làm cho mới lại, lương tâm và tâm trí, vốn được bao gồm trong tấm lòng, chắc hẳn cũng được đổi mới. Không phải như vậy. Chẳng hạn như phần lương tâm trong tấm lòng trở nên mới khi chúng ta được cứu, nhưng không nhất thiết sau đó nó sẽ luôn luôn mới, hoặc mới luôn mỗi ngày. Khi chúng ta mua một cái áo, nó còn mới nguyên, nhưng nó sẽ không cứ mới mãi. Chúng ta phải bỏ ra công sức để giữ cho nó luôn luôn mới. Khi anh em được cứu, tâm trí của anh em mới mẻ. Nhưng không nhất thiết là tâm trí ấy vẫn mới luôn sau một thời gian. Đó là kinh nghiệm chung đối với nhiều tín đồ. Tôi xin nói với anh em rằng khi một người tin Chúa và được cứu, lương tâm người ấy mới mẻ. Chức năng của lương tâm người ấy được phục hồi trở lại tình trạng ban đầu, để bây giờ người ấy ghét tội lỗi và không thích phạm tội. Nhưng lương tâm có được giữ mới luôn như vậy không? Không, không thể được. Nếu người ấy phạm tội, nếu dung túng tội lỗi nhiều lần mà không nghe theo lương tâm mình, sau khi phạm tội nhiều lần, lương tâm không còn cáo trách nữa, nó sẽ mất chức năng của mình đi. Lương tâm có thể đánh mất cảm giác và tình trạng được đổi mới, tâm trí cũng y như vậy. Do đó, tôi muốn nói đến vấn đề nous vì điều này liên hệ chặt chẽ đến địa vị và đời sống của tín đồ.
NOUS LÀ GÌ?
Nous được nói đến trong Tân Ước chính xác có nghĩa là gì? Chúng ta có thể xem xét vấn đề ấy từ ba phương diện. Con người có não bộ. Đó là nói về phương diện sinh lý học. Nói theo phương diện tâm lý, chúng ta cũng có nous. Hơn nữa, nói theo phương diện thuộc linh, chúng ta có trực giác. Mọi sự liên quan đến phương diện thuộc thể đều liên hệ đến não. Mọi sự liên quan đến phương diện trí tuệ đều liên hệ đến nous. Tuy nhiên, tôi không dám nói nous là tâm trí, mặc dầu phần lớn của tâm trí là nous. Linh của chúng ta nhận được cảm giác từ Đức Chúa Trời nhờ trực giác. Khi ấy, hồn của chúng ta nhờ nous mà giải thích trực giác, để chúng ta hiểu được những gì đã truyền đạt cho mình. Mặc dầu chúng ta biết ý muốn của Đức Chúa Trời nhờ trực giác, nhưng trực giác này không có lý luận và thứ tự. Vì vậy, chúng ta cần nous để diễn tả những gì trực giác biết được.
Tôi xin nói điều này một cách chính xác hơn. Con người có ba quan năng để tiếp nhận kiến thức: (1) với thân thể, đó là não bộ; (2) với linh, đó là trực giác; (3) với hồn, đó là nous. Tuy nhiên, nous cũng bị trực giác điều khiển. Chúng ta đều biết khi giải phẫu não, người ta chỉ thấy một chất màu xám và trắng. Đó là não. Còn trực giác thì sao? Có lúc chúng ta cảm thấy mình có trực giác, có lúc thì không. Dường như có một điều gì đó thúc giục chúng ta và đôi khi ngăn cản chúng ta. Đó là trực giác ở bên trong. Nous chúng ta nằm ở giữa não bộ và trực giác. Nous diễn tả những gì trực giác muốn nói và giúp cho não được dễ dàng trong việc suy nghĩ và diễn tả. Cho dầu trực giác của một tín đồ mạnh mẽ bao nhiêu và não bộ tốt đến đâu, nếu nous bị trục trặc, người ấy sẽ sống mà không theo một nguyên tắc nào từ sáng đến tối. Ngay cả trong sự giảng dạy, người ấy không thể diễn tả những gì ở trong mình. Từ sáng đến tối người ấy sẽ sống cách khờ dại. Tình trạng này là do nous chưa được đổi mới.
NOUS CỦA TỘI NHÂN
Bây giờ tôi muốn nói về nous của tội nhân. La Mã 1:28 nói rằng họ có một nous vô dụng hay phóng đãng. Ê-phê-sô 4:17 nói họ có một nous hư không. Cô-lô-se 2:18 nói họ có một nous xác thịt. 2 Ti-mô-thê 3:8 nói họ có một nous bại hoại. Tít 1:15 nói họ có một nous ô uế. Đó là tình trạng “nous” của các tội nhân. Từ khi được cứu, anh em đã thoát khỏi tình trạng đó. Anh em hãy cố gắng nhớ lại trước khi được cứu, anh em đối với Đức Chúa Trời như thế nào. Tình trạng nous của tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời ra sao? Giả sử có một tội nhân ngu dại hơn hết, hoàn toàn không biết gì cả. Một khi anh em bắt đầu nói với người ấy về Đức Chúa Trời, người ấy sẽ đưa ra nhiều lời tranh luận. Người ấy sẽ nói anh em sai lầm về điều này, điều kia. Người ấy sẽ ương ngạnh nói rằng không có Đức Chúa Trời. Thật kỳ lạ, người khờ dại này sẽ đưa ra nhiều lời tranh luận rằng không có Đức Chúa Trời. Bởi vì lòng người ấy quá tối tăm, nous của người ấy cũng tối tăm và chết chóc. Hơn nữa, linh người ấy hoàn toàn ở trong bóng tối. Người ấy không cách nào nhận biết Đức Chúa Trời. Người ấy không hiểu gì về lẽ thật của Đức Chúa Trời. Nhưng vẫn có thể đưa ra nhiều lý lẽ để tranh cãi vì nous của anh trụy lạc, bại hoại, ô uế và hư không. Đó là tình trạng của một người rất ngu dại trong thế gian. Hơn nữa, nếu anh em nói về Đức Chúa Trời với một người khôn ngoan, triết lý, họ có thể hiểu và biết hết mọi điều nhưng vẫn không tin Đức Chúa Trời. Có thể họ cũng tìm ra nhiều lập luận để tranh cãi. Cả người khôn ngoan lẫn người ngu dại đều chống đối Đức Chúa Trời như nhau. Mặc dầu hai loại người này có trí thông minh khác nhau và có nhiều điều cách biệt nhau một trời một vực, nhưng tâm trí và mục đích của họ giống nhau trong việc không tin cậy Đức Chúa Trời. Về tình trạng ấy, không có lý do nào khác hơn là sự kiện nous của họ tối tăm và linh của họ đã chết. Vì nous của họ tối tăm, họ không thể thấy ánh sáng của Đức Chúa Trời. Tư tưởng của họ phóng túng và họ không [suy nghĩ] theo con đường đúng đắn. Vì vậy, về những người chưa được cứu, Đức Chúa Trời phán rằng thần của đời này đã làm cho mắt của lòng họ bị mù lòa. Lòng họ tối tăm và ánh sáng phúc âm không thể chiếu sáng trên họ. Dầu biết triết lý và nhiều điều khác, họ không biết gì về Đức Chúa Trời. Họ có thể biết một vài sự dạy dỗ của Kinh Thánh theo văn tự, nhưng không thể bước vào chiều sâu của sự dạy dỗ cách sáng tỏ và xuyên suốt, cũng không thể hiểu biết Đức Chúa Trời một cách rõ ràng.
NOUS VÀ SỰ CỨU RỖI
Được cứu có nghĩa là gì? Đó là biết Đức Chúa Trời. “Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha, tức là Chân Thần duy nhất, cùng Giê-su Christ mà Cha đã sai đến” (Gi. 17:3). Sự sống đời đời là khả năng nhận biết Đức Chúa Trời. Được cứu nghĩa là gì? Đó không phải là khả năng nói một số giáo lý, nhưng là khả năng biết Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta mời một người uyên bác nhất thế giới nói chuyện với một tín đồ mới, là người mới được cứu, người trí thức ấy có thể trình bày hàng trăm lý lẽ để tranh luận chống lại sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Người mới tin ấy không thắng được cuộc tranh luận, nhưng anh có thể nói: “Tôi biết tôi có sự sống đời đời. Tôi biết mình được cứu”. Đó là sự khác biệt giữa hai người. Nous của người chưa được cứu kia bị khóa chặt và không có ánh sáng. Một khi được cứu, nous của người ấy sẽ có ánh sáng và nhận biết Đức Chúa Trời. Lần đầu tiên khi nghe phúc âm rao giảng trong quyền năng, nhiều người được mở mắt, nhận biết mình là tội nhân và Giê-su Christ là Cứu Chúa của mình. Mặc dầu vẫn không thể hiểu cách đầy đủ bằng lý luận của mình, nhưng họ có một sự nhận biết nào đó và có thể nói: “Tôi biết mình đã nhận được ánh sáng lớn. Tôi biết mình là tội nhân và Giê-su Christ là Cứu Chúa tôi. Tôi biết mình đã được cứu”. Sự hiểu biết này là công tác của nous.
Tất cả những gì Đức Chúa Trời muốn ban cho chúng ta trong trực giác đều được truyền đến não nhờ nous. Một khi Đức Chúa Trời chuyển động trong trực giác của một người thuộc linh sống trước mặt Ngài, ngay lập tức trong nous có một sự ghi nhận và não của người ấy sẽ hiểu ngay. Sau khi được cứu, chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời. Ba phần này: trực giác, nous và não liên kết với nhau và hoạt động cách tự phát. Chỉ vì phải phân tích nên chúng ta mới đề cập đến chúng cách riêng rẽ.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ ĐỔI MỚI NOUS
Khi được cứu, nous của chúng ta được soi sáng. Chúng ta nghĩ có lòng mới là đủ rồi, nhưng Kinh Thánh không những nói về lòng mới, mà còn nói rằng nous cần được đổi mới. Điều này rất sáng tỏ trong bản dịch Kinh Thánh tiếng Anh. (Ở vài chỗ, bản dịch tiếng Anh sáng tỏ hơn bản dịch tiếng Hoa nhiều, trong khi ở những chỗ khác, bản dịch tiếng Hoa lại tốt hơn bản dịch tiếng Anh). Nous của chúng ta mới mẻ vào thời điểm chúng ta được cứu. Nhưng nó có được đổi mới không? Phần hướng về Đức Chúa Trời đã được soi sáng, nhưng còn những phần khác thì sao? Tôi e rằng sau khi được cứu, nous của nhiều người chưa được đổi mới. Nous của họ vẫn y như khi họ chưa được cứu. Tôi muốn nói thật thẳng thắn: ngày nay tư tưởng của nhiều tín đồ vẫn giống y như tư tưởng của tội nhân. Tôi thường cảm nhận rằng linh và lòng của nhiều tín đồ thì mới nhưng nous của họ thì không. Nous của họ y như nous của các tội nhân. Nếu nous của các tín đồ chưa được đổi mới, thì họ đừng mong mình được hữu dụng trong tay Đức Chúa Trời. Vì vậy, nous của chúng ta không những cần phải mới mẻ, mà còn cần được đổi mới. Nan đề của chúng ta ngày nay là: khi được cứu, chúng ta có một khải thị lớn lao; nhưng từ khi được cứu, nous của chúng ta chưa được đổi mới. Được cứu là sự khải thị lớn nhất trong đời sống chúng ta. Nhưng chúng ta có tiếp tục nhận được khải thị lớn lao nào khác hơn khi được cứu không? Tôi e rằng nhiều người không có khải thị lớn lao nào khác hơn. Chắc chắn khải thị về sự cứu rỗi là khải thị lớn lao nhất đời người. Đó là khải thị mà chúng ta sẽ đem vào cõi đời đời. Nhưng chúng ta có tiếp tục nhận lãnh những khải thị mới mẻ không? Khi bắt đầu tin Chúa, vì sao chúng ta được soi sáng để xưng nhận tội mình? Vì sao chúng ta không sợ bị bắt bớ? Vì sao chúng ta để cho cha mẹ và cả thế giới chống đối mình và vì sao chúng ta bằng lòng từ bỏ thế gian? Đó là vì nous làm cho chúng ta hiểu được sự cứu rỗi, xưng nhận tội lỗi, từ bỏ thế gian, và để cho cha mẹ bắt bớ mình. Nếu ánh sáng của nous chiếu soi hằng ngày trong đời sống mình, chúng ta không thể nào ở trong tình trạng giống như ngày hôm nay. Chúng ta sẽ thật sự có một cuộc sống ở trong sự soi sáng.
Có một thiếu nữ từng yêu thế gian tha thiết và dầu có được gì cũng không chịu từ bỏ thế gian. Một ngày kia, cô nghe một người giảng trong Hội thánh. Sự giảng dạy ấy không có gì hấp dẫn, nhưng câu Kinh Thánh ông ấy đọc: “Sự thắng thế gian, ấy là đức tin của chúng ta” (1 Gi. 5:4) thì thật là lôi cuốn. Lời này bắt lấy thiếu nữ ấy. Cô nghe ông ấy lặp lại câu này bảy, tám lần: “Sự thắng thế gian, ấy là đức tin của chúng ta”. Suốt đời cô chưa từng biết thế nào là thế gian. Nhưng ngày hôm ấy, cô nhận biết thế gian là gì. Vào hôm ấy, cô từ bỏ thế gian. Nhận thức này là sự hiểu biết của nous. Nhiều người không thể từ bỏ mọi sự vì nous của họ chưa được soi sáng để thấy thấu suốt thế gian. Những vấn đề khác, chẳng hạn như nghe giảng, hay làm việc cho Chúa cũng không ích lợi gì nếu nous không hợp tác. Mỗi khi nghe giảng, chúng ta cần sự hợp tác của nous. Trước khi được cứu, chúng ta không muốn tin dầu người ta có cố gắng thuyết phục chúng ta bằng nhiều lý lẽ. Nhưng một ngày kia chúng ta tin vì nous của chúng ta nhận biết một điều gì đó, và sự nhận biết ấy không thể bị lật đổ. “Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha, tức là Chân Thần duy nhất, cùng Giê-su Christ mà Cha đã sai đến” (Gi. 17:3). Các chức năng của nous là gì? Các chức năng của nous bao gồm khả năng suy nghĩ, phán đoán và quan sát
TÌNH TRẠNG NOUS CHƯA ĐƯỢC ĐỔI MỚI
Tình trạng nous chưa được đổi mới là gì? Chúng ta sẽ thảo luận về tình trạng này theo ba phương diện: (1) đối với con người, (2) đối với Đức Chúa Trời, và (3) đối với chính mình. Nous của chúng ta có được đổi mới hay không có thể được xác định theo ba phương diện: đối với con người, đối với Đức Chúa Trời và đối với chính chúng ta. Điều này được xác định do cách chúng ta kiểm soát tư tưởng của mình. (Xin lưu ý nous là từ ngữ được chuyển thẳng từ nguyên ngữ. Từ ngữ này rất khó giải thích. Nếu dịch là “tâm trí”, vẫn không diễn tả được nguyên nghĩa cách đầy đủ. Nous gồm có khả năng hiểu biết và các tư tưởng. Ý nghĩa nguyên thủy của từ ngữ này không thể diễn tả được nếu chỉ đơn giản dịch là “sự hiểu biết” hay “tư tưởng”. Vì vậy, tôi không có cách nào khác hơn là thường xuyên dùng chữ nous).
Nous Chưa Được Đổi Mới Đối Với Con Người
Nếu nous của một người chưa được đổi mới, nous ấy sẽ có một vài kinh nghiệm đặc biệt trong sự đối xử với con người. Nếu nous của một người chưa được đổi mới, về mặt thiên nhiên, người ấy có những tư tưởng rất sai trật đối với người khác. Một điều rất ngộ nghĩnh là người ấy không bao giờ tin cậy ai cả, luôn luôn nghi ngờ người khác. Người ấy chỉ nói ra những lời phê phán, tư tưởng của người ấy tham gia vào việc “chẻ sợi tóc làm tư” để bắt lỗi và luôn luôn nói xấu về người khác. Chúng ta có thể khám phá nous của mình ra sao bằng cách tự hỏi xem mình có loại tư tưởng nào đối với người khác. Kinh Thánh nói Chúa Giê-su không bao giờ xét đoán ai theo những gì Ngài thấy và nghe. Ngài phán xét mọi sự theo cảm nhận của linh mình. Tuy nhiên, chúng ta xét đoán người khác chỉ theo những gì mình thấy và nghe. Thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể chứng minh mọi sự như Phao-lô đã nói. Nous của tín đồ hay phê phán là sai lầm. Có một câu Kinh Thánh rất quí báu trong Thư Phi-lê-môn; trong câu ấy, Phao-lô nói rằng Phi-lê-môn có đức tin đối với Chúa Giê-su Christ và đối với mọi thánh đồ. Nếu một tín đồ chê bai mọi người khác, nous của người ấy phải có gì trục trặc. Vì vậy, mỗi khi nhìn người khác hay nghe họ nói, chúng ta nên tự hỏi xem mình có nhận xét coi thường họ không.
Tôi biết một anh em luôn luôn coi rẻ những gì người khác cho anh. Ví dụ như nếu có ai cho anh một vật gì trị giá hai đô-la, anh sẽ nói nó chỉ đáng ba mươi xu. Nếu ai cho anh một món quà đáng giá ba mươi đô-la, anh sẽ nói món quà ấy chỉ đáng giá mười đô la. Anh ấy không phải là người duy nhất như vậy, nhiều tín đồ khác cũng có cùng một loại tâm trí như thế. Lý do là gì? Ấy là vì nous của họ thuộc về thế gian và cũ kỹ. Người thế gian luôn luôn nghĩ rằng người khác không tốt, người khác sai lầm, và cho rằng lời người ta nói ra luôn luôn có ẩn ý, giống như nhân trong bánh tét. Chúng ta không nên suy nghĩ như vậy. Lý do chúng ta có loại tư tưởng này là vì nous của mình chưa được đổi mới và Sa-tan cũng hành động đằng sau chúng ta. Nous chưa được đổi mới là nền tảng để Sa-tan hành động. Mọi sự từ A-đam đều có thể trở nên nền tảng để Sa-tan hoạt động.
Nous Chưa Được Đổi Mới Đối Với Đức Chúa Trời
Đời sống Cơ Đốc chúng ta không nhất thiết giống nhau trong thái độ đối với Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể thấy những đặc tính sau đây trong đời sống những tín đồ có nous chưa được đổi mới: họ không thể tin cậy Đức Chúa Trời, họ không thể biết Ngài như họ biết Chúa Giê-su là Cứu Chúa của mình, họ có nhiều nỗi nghi ngờ. Họ nghi ngờ quyền năng của Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan và lòng nhân ái của Ngài. Ba điểm này tạo nên thái độ của họ đối với Đức Chúa Trời: họ nghi ngờ quyền năng của Ngài, nghĩ rằng Ngài không có khả năng; họ nghi ngờ sự khôn ngoan của Ngài, nghĩ rằng Ngài sai lầm; và họ nghi ngờ lòng nhân ái của Ngài, nghĩ rằng Ngài không sẵn lòng.
Hơn nữa, họ không thể hiểu Kinh Thánh, không thể hiểu sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, nous của họ không sáng tỏ, và không thể nhận được ánh sáng của Đức Chúa Trời trong nous của mình. Đúng là họ được soi sáng khi hối cải. Nếu nous của họ được mở ra cho Đức Chúa Trời hằng ngày, thì ngày nay nous của họ đã không bất lực và đầy sự phê phán như vậy. Nếu có một nous mở ra, tất cả chúng ta đều sẽ nhận được nhiều sự soi sáng. Nếu chúng ta chỉ là một người đưa tin, chỉ chuyển cho người khác những gì mình nhận được mà không trực tiếp nhận được điều gì từ Đức Chúa Trời, nous của chúng ta chắc hẳn đã có gì sai trật. Nếu chỉ nương cậy người khác chuyển điều gì đó cho mình, và rồi đơn giản chuyển những gì ít oi mình đã nhận được cho những người khác, mà không nhận gì trực tiếp từ Đức Chúa Trời, thì chúng ta không hữu dụng bao nhiêu. Tôi không có ý nói chúng ta không cần nhận sự giúp đỡ từ người khác. Trái lại, tôi muốn nói rằng nếu chúng ta không nhận gì trực tiếp từ Đức Chúa Trời, nous của chúng ta đã có gì sai trật. Chính tôi rất muốn nhận sự giúp đỡ từ người khác. Hễ một người rao giảng nhận được lời [Chúa] trong nous nhờ sự soi sáng của Đức Chúa Trời, bài giảng của người ấy chắc chắn sẽ soi sáng nous của những người khác và giúp đỡ họ. Đó là lý do vì sao tôi nói mỗi người trong chúng ta cần nhận được một điều gì đó từ Đức Chúa Trời trong nous của mình.
Người có nous chưa đổi mới chắc chắn không thể biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Họ có thể lý luận chặt chẽ, nhưng không thể biết ý muốn của Đức Chúa Trời trong nous của mình. Họ cần biết ý muốn của Đức Chúa Trời như họ biết Đấng Christ là Con của Đức Chúa Trời và họ đã được cứu khi hối cải. Biết ý muốn của Đức Chúa Trời cần phải là vấn đề hiểu biết bên trong. Về việc nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời, có nhiều lúc chúng ta chỉ biết rằng một vấn đề nào đó là ý muốn của Ngài, nhưng không giải thích được lý do. Điều này cũng giống như sắp đặt một người quê mùa vừa mới được cứu tranh luận với một người vô tín nhưng rất uyên bác. Người hiểu biết nhiều có thể tranh luận suốt hai, ba giờ liền, và người quê mùa có lẽ không đưa ra được một lý lẽ nào để đáp lại, nhưng có thể nói người ấy biết mình đã được cứu. Việc nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời cũng giống như vậy.
Ngày nay, nhiều người không biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Sở dĩ họ không biết là vì họ không có cơ quan để nhận biết ý muốn Ngài. Hôm nay là Chúa Nhật, người ta có thể cho ngày này là ngày bận rộn nhất của các đài phát thanh trên cả thế giới. Tất cả những giáo phái lớn ở các nước Tây phương đều có chương trình phát thanh để truyền thanh các bài giảng của họ. Những làn sóng ra-đi-ô này đem âm thanh đến từ nơi rất xa. Vì sao chúng ta không thể nghe gì cả? Lý do duy nhất là vì chúng ta không có ra-đi-ô. Cũng vậy, ý muốn của Đức Chúa Trời phải rất rõ ràng. Nhưng vì không có cơ quan để nhận biết ý muốn Ngài, chúng ta không biết được ý muốn ấy. Chúng ta cần phải biết ý muốn Ngài cách dễ dàng như phân biệt lúa mì với cỏ lùng. Vì sao chúng ta không biết ý muốn Ngài? Bởi vì chúng ta không có cơ quan để nhận lãnh, bởi vì chúng ta không có một nous được đổi mới. Khi được cứu, nous của chúng ta mới mẻ, chúng ta nhận được khải thị từ Đức Chúa Trời. Nhưng không bao lâu sau, nó không còn tươi mới nữa.
Tư tưởng của chúng ta ngày nay ra sao? Tư tưởng của chúng ta đã trở nên bại hoại. Sau khi được cứu, chúng ta nghĩ rằng các Cơ Đốc nhân cần có tấm lòng mới. Chúng ta nghĩ rằng nếu lòng mình ấp ủ sự ghen ghét người khác, nếu mình phạm tội, nếu mình phạm tội gian dâm, thì chúng ta sẽ xúc phạm đến Đức Chúa Trời. Vì vậy chúng ta nghĩ mình nên giữ sao cho các động cơ khỏi bị sai trật. Tuy nhiên, chúng ta quên rằng tư tưởng của mình cũng phải đúng đắn. Tâm trí, ngôn ngữ và tư tưởng của chúng ta có giống như khi chúng ta chưa được cứu không? Hiện tại, tôi không bàn đến động cơ và ý định của lòng chúng ta. Tôi chỉ muốn hỏi về tình trạng tâm trí của chúng ta sau khi được cứu. Thật kỳ lạ vì trước khi một người được cứu, tâm trí của người ấy rất lộn xộn, và ngay cả sau khi được cứu, tư tưởng của người ấy vẫn y như cũ. Ngôn ngữ của người ấy cũng giống như khi mới được cứu. Tư tưởng của anh cũng y như trước. Nếu không thể thắng hơn tư tưởng của mình, chúng ta thất bại trong mọi sự.
Trong bức thư gửi cho Cô Dora Yu, có lần chị Barber viết những lời này: “Nếu Sa-tan có thể nắm lấy sinh hoạt tư tưởng của chúng ta, thì nó nắm cả cuộc đời chúng ta”. Đó là sự thật. Đừng nghĩ rằng mấy lời ngắn ngủi này đã được nói ra một cách khinh suất. Chị trải qua trên năm mươi năm kinh nghiệm sâu xa với Đức Chúa Trời trước khi nói những lời này. Anh em ơi, đừng nghĩ rằng một khi động cơ của chúng ta tốt, mọi sự đã ổn thỏa. Mặc dầu những người chúng ta suy nghĩ đến và những điều chúng ta nhận biết có thể thay đổi, nhưng nếu suy nghĩ và quan niệm của chúng ta đối với người khác giống như trước khi chúng ta được cứu, chúng ta sẽ vẫn quyết định y như trước. Nếu không thể thắng hơn tư tưởng của mình, chúng ta ở trong tay Sa-tan, và không có cách nào thắng hơn kẻ thù.
Nous Chưa Được Đổi Mới Đối Với Chính Mình Không Thể Chế Ngự Chính Tư Tưởng Của Mình
Một người có nous chưa đổi mới tuyệt đối không thể chế ngự chính tư tưởng của mình. Năng lực tâm trí của nhiều Cơ Đốc nhân bị phung phí. Nếu tay chúng ta chỉ có thể làm việc tám giờ một ngày, và nếu chúng ta làm những điều không thích đáng trong tám giờ này, thì chúng ta đã phung phí năng lực, và những gì chúng ta làm là một sự ngăn trở cho những việc đúng đắn. Cũng vậy, chúng ta chỉ có thể dùng tâm trí trong cùng một lượng thời gian như vậy mỗi ngày. Nếu phung phí tư tưởng mình cho những điều vô nghĩa và không đúng đắn, chúng ta sẽ không thể nghĩ đến một điều gì đúng đắn. Một anh em từng hỏi tôi: “Vì sao tôi không thể tập trung tư tưởng? Sau khi cầu nguyện năm phút, tâm trí tôi bắt đầu lang thang”. Tôi hỏi anh: “Tâm trí anh lang thang suốt ngày hay chỉ lang thang khi anh cầu nguyện?” Tôi có thể trả lời thay cho anh rằng suốt ngày tư tưởng của anh không bao giờ tập trung, chúng đi vòng quanh khắp thế giới. Tư tưởng của anh hoàn toàn lộn xộn. Nếu tâm trí chúng ta lộn xộn mười hai tiếng đồng hồ một ngày, làm thế nào chúng ta tập trung trong khi cầu nguyện? Nếu suốt ngày chúng ta không thể tập trung, thì tại sao lại lấy làm lạ vì mình không thể tập trung tư tưởng khi đọc Kinh Thánh hay cầu nguyện? Vì vậy, nếu nous mình chưa được đổi mới, chúng ta không thể chế ngự tư tưởng mình được. Các bạn ơi, một lần nữa, tôi phải nhấn mạnh rằng nếu không thể chế ngự tư tưởng của mình, chúng ta không hữu dụng bao nhiêu trong tay Đức Chúa Trời.
Người ta nói nếu tất cả sức nóng phát xuất từ mặt trời trong một ngày được thâu góp lại và tập trung vào tất cả các nhà máy trên đất, thì sẽ đủ cho tất cả các nhà máy sử dụng mười triệu năm. Nhưng người ta không thể sử dụng năng lượng mặt trời vì nó không tập trung vào một chỗ. Nếu chúng ta dùng kính phóng đại để hội tụ ánh sáng mặt trời, sức nóng có thể đốt cháy một ngón tay dưới mặt kính ấy. Thật đáng tiếc vì nhiều tín đồ phung phí tư tưởng mình trong sự hư không. Họ suy nghĩ ngày đêm nhưng không tạo ra được một điều gì tốt đẹp cả. Họ phung phí cả ngày trong những tư tưởng lộn xộn của mình. Không có gì lạ khi Đức Chúa Trời không thể dùng họ. Họ chỉ có thể là những tín đồ tốt khi nous của họ được đổi mới.
Xem Xét Quá Khứ Của Mình
Lỗi lầm lớn nhất của một tín đồ là suy nghĩ về quá khứ của mình. Các tín đồ nghĩ rằng nội hướng là điều tốt. Thật ra, nội hướng không thể giúp chúng ta biết chính mình. Không một tín đồ nào hiểu biết được về mình nhờ nội hướng. Sự nhận biết chính mình đến từ ánh sáng của Đức Chúa Trời; chỉ sau khi nhận được ánh sáng của Đức Chúa Trời, người ấy mới biết chính mình. (Tôi đã nói chi tiết về vấn đề nhận biết chính mình. Xin xem “Tự Biết Mình Và Ánh Sáng Của Đức Chúa Trời”). Tự phê bình, tự phân tích, hay bất cứ tư tưởng nào liên quan đến bản ngã, dầu tốt hay xấu, cũng làm cho tâm trí một người không an nghỉ được. Chúng ta không nên ngấm ngầm so sánh mình với người khác, cho dầu người ấy là ai. Mỗi khi nhìn vào chính mình, một tín đồ không thể tiến bộ được. Anh em hãy xem xét một người đang đi bộ trên đường, nếu nhìn vào mình, người ấy sẽ dừng lại không đi tới được nữa. Người ấy không thể vừa nhìn vào mình, đồng thời vừa bước tới. Vì vậy, ai nhìn vào chính mình là người hoặc đi lui hoặc đứng yên. Trong lãnh vực thuộc linh cũng vậy. Nếu luôn luôn xem xét chính mình, cuối cùng anh em sẽ nản lòng. Nếu không ai dẫn dắt anh em tiến tới, anh em sẽ tự đặt mình vào một vị trí nguy hiểm, thậm chí anh em có thể nghĩ rằng mình chưa được cứu, rằng mình đã phạm một tội không thể tha thứ được, hay Đức Chúa Trời đã từ bỏ mình rồi. Tất cả những điều này là hậu quả của sự nội hướng. Đó là tình trạng của một nous chưa được đổi mới.
Không Thể Cung Ứng Lời Đức Chúa Trời Cho Người Khác Cách Tốt Đẹp
Nếu nous của mình chưa được đổi mới, chúng ta không thể cung ứng cho người khác những gì Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Một vài tín đồ rất có khả năng ăn nói. Cho dầu có bàn luận đến bao nhiêu vấn đề chăng nữa, họ vẫn có thể nói đến từng vấn đề một với những lời lẽ thích hợp. Họ thật có khẩu tài. Nhưng khi anh em xin họ nói về những điều thuộc linh hay về lẽ thật, họ không thể giải thích rõ ràng thậm chí chỉ một điều cho người khác. Lý do là vì tâm trí họ không đủ điều kiện để được Đức Chúa Trời sử dụng. Tâm trí họ giống như cánh tay của một đứa bé, không thể mang một vật gì cân nặng quá năm ký. Nous của họ quá yếu. Dầu họ có nhiều tư tưởng, tất cả đều không có trật tự. Họ không thể hiểu những gì đến từ Đức Chúa Trời. Họ hiểu những gì mình nhận lãnh trong trực giác, nhưng không thể sắp đặt những gì mình hiểu thành một sự dạy dỗ đúng đắn để chia sẻ cho người khác. Đó là vì nous của họ chưa được đổi mới. Nếu Đức Chúa Trời muốn chúng ta nói ra Lời Ngài, chắc chắn Ngài sẽ ban cho chúng ta lời để nói. Dầu Ngài ban lời là điều thiết yếu, nhưng nếu một người không có nous được đổi mới, người ấy không thể diễn tả những gì mình nhận được ở bên trong. Giả sử một tín đồ có nous được soi sáng, nhưng không hoàn toàn được đổi mới, trong trường hợp đó, người ấy không thể sắp xếp Lời Đức Chúa Trời và cung ứng cho người khác. Chúng ta không thể xem một người như vậy là kiểu mẫu của mình và cũng không thể cho rằng được soi sáng một lần là đủ. Chúng ta cần phải hiểu biết ngày càng rõ ràng hơn và cần phải sử dụng được lời để diễn tả những gì mình biết ở bên trong hầu người khác có thể hiểu được.
Tín đồ cần có nous được đổi mới để dẫn dắt mình suốt những ngày sống ở trên đất. Nếu không, người ấy sẽ phải chịu mất mát và thiệt hại trong đời mình. Người ấy sẽ nghĩ sai về người khác, không thể hiểu được ý muốn của Đức Chúa Trời, cũng nghĩ sai về chính mình, không thể sống cuộc đời mình cách đúng đắn. Đó là lý do vì sao mọi người cần tìm kiếm một nous được đổi mới cách cụ thể. Những người trong thế giới này chỉ chia làm hai loại: người được cứu và người hư mất, người được tái sanh và người chưa được tái sanh, những người ở trong Đấng Christ và những người ở trong A-đam. Những sự khác biệt này là tuyệt đối, cả hai hoàn toàn không giống nhau. Cũng vậy, với nous của các tín đồ, cũng có nous được đổi mới và nous chưa được đổi mới. Có một biên giới tuyệt đối giữa hai điều này. Nếu chúng ta được cứu, nous của chúng ta cũng phải được đổi mới. Hơn nữa sự đổi mới nous không nên xảy ra chỉ một lần, nhưng nên xảy ra hằng ngày. Nếu như vậy, chúng ta sẽ rất sáng tỏ về ý muốn của Đức Chúa Trời.
Một ngày kia, ông Moody đang đi trên đường. Thình lình, ông vào nhà của một người hàng xóm và xin phép cho ông lên lầu. Chủ nhà đồng ý, ông lên lầu và cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Đức Chúa Trời ôi, xin tay Ngài hãy dừng lại. Quá nhiều rồi, con không thể chịu được nữa”. Nếu hằng ngày, anh em có một nous được đổi mới, anh em sẽ thấy mình không thể chịu được những gì Đức Chúa Trời bày tỏ cho anh em về chính anh em qua nous của mình. Tôi xin nhắc lại, anh em nên làm điều này với một tấm lòng đơn thuần, y như anh em đã làm khi được tái sinh. Nếu sự tái sinh của anh em đã làm thay đổi đời sống mình, nous của anh em cũng cần được soi sáng cách rõ ràng và được đổi mới hằng ngày.
Anh em không nên nghĩ rằng tâm trí mình quá u tối. Đừng nghĩ rằng chỉ có những người thông minh theo thiên nhiên sẽ tăng trưởng và nhanh chóng hiểu lẽ thật của Đức Chúa Trời. Không có điều đó. Nếu một người tăng trưởng trong lẽ thật tùy theo sự thông minh thiên nhiên của mình, thì đó là một vấn đề hoàn toàn thuộc xác thịt. Sự tăng trưởng của bản thân anh em không liên quan gì với trí thông minh của anh em cả. Nếu nous của mình được đổi mới, anh em có thể hiểu được Đức Chúa Trời, và có thể biết mọi sự thuộc về Ngài. Người bên cạnh anh em có thể là người thông minh nhất và khôn ngoan nhất, nhưng không thể hiểu, chỉ có anh em mới hiểu được. Vì vậy, anh em nên cụ thể xin Đức Chúa Trời ban cho mình một nous được đổi mới. Nếu không, anh em không cách nào tiến tới. Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh rằng anh em phải đến với Đức Chúa Trời một cách dứt khoát để tìm kiếm điều này.
Trước khi tin Chúa, anh em không yêu thương người khác. Sau khi tin Chúa, anh em bắt đầu yêu thương những người khác nhiều hơn. Nếu không có một sự thay đổi như vậy trong anh em, tôi e rằng anh em chưa được cứu. Nếu đã được cứu, anh em chắc chắn sẽ thấy lòng mình thay đổi và có sự chuyển biến trong vấn đề yêu thương, chịu đựng và phục vụ. Trước đây anh em muốn mình được kể là quan trọng, nhưng bây giờ, anh em muốn thà phải chịu khổ, chịu bị lừa gạt và chịu đựng. Đó là vì anh em có một lòng mới. Những người khác cũng sẽ thấy sự thay đổi của anh em và nói rằng trước đây anh em thế đó nhưng bây giờ đã thay đổi. Nhưng vấn đề tôi đặt ra là: Có sự tiến bộ nào trong tư tưởng của anh em chưa? Có sự tiến bộ nào trong năng lực tâm trí của anh em chưa? Tư tưởng của anh em có trật tự hơn và tập trung hơn không? Hay chúng vẫn y như khi anh em chưa được cứu? Nếu vậy, nous của anh em vẫn chưa được đổi mới.
Cho dầu một tín đồ khôn ngoan hay khờ dại, người ấy nên biết tâm trí mình cũng như tấm lòng mình cần phải đúng đắn. Hơn nữa, trong nous của mình, người ấy cần phải có sự đổi mới y như vậy. Đức Chúa Trời không vị nể con người. Ngài hủy diệt sự khôn ngoan của người thông sáng và sự hiểu biết của người khôn khéo. Đức Chúa Trời đặt người khôn ngoan và người khờ dại ngang nhau. Nous của người khờ dại cần được đổi mới, và nous của người khôn ngoan cũng cần được đổi mới. Khi nào nous của mình được đổi mới, anh em mới có thể biết Đức Chúa Trời, hiểu ý muốn của Ngài, cảm nhận, phân tích và tổng hợp những gì Đức Chúa Trời ban cho anh em. Đó là những gì anh em chưa biết, hiểu và thấy, cũng như những gì anh em không thể nói ra hay phân tích trước kia. Hơn nữa, anh em có thể chạy cuộc đua ở trước mặt mình.
Thật vậy, sự khác biệt giữa một nous được đổi mới và một nous chưa được đổi mới cũng giống như sự khác biệt giữa một cánh cửa sổ sáng sủa, trong suốt với một cánh cửa sổ tối tăm, dơ bẩn. Nếu nous của một tín đồ chưa được đổi mới, người ấy không thể suy nghĩ hay làm việc như người có một nous được đổi mới. Nếu nous của người ấy được đổi mới, khả năng suy nghĩ của người ấy ít nhất sẽ hơn trước vài lần (nếu không phải là mười lần). Hơn nữa, năng lực tâm trí của người ấy sẽ được gia tăng nhiều. Nhưng nếu tư tưởng chưa được đổi mới, suy nghĩ của người ấy sẽ không được cải thiện vì tư tưởng của người ấy chết chóc. Y như có một sự khác biệt lớn lao giữa sự chết và sự sống, có một sự khác biệt lớn lao giữa một nous được đổi mới và một nous chưa được đổi mới. Sự khác biệt lớn lao giữa một nous được đổi mới với một nous chưa được đổi mới cũng giống như sự khác biệt lớn lao giữa trời và đất. Nếu chúng ta tha thiết và chuyên tâm xử lý nous của mình theo cách chúng ta đã làm đối với sự cứu rỗi của mình trong quá khứ, bầu trời của chúng ta sẽ luôn luôn trong sáng.
MỐI LIÊN HỆ GIỮA LINH VÀ NOUS
Đức Chúa Trời thông công với chúng ta qua linh chúng ta, chứ không phải qua hồn hay thân thể. Vì vậy, chúng ta luôn luôn cần giữ cho linh mình mở ra và không bị che khuất trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời để có được một mối thông công sống động với Ngài. Nhưng hôm nay, tôi muốn anh em chú ý đến mối liên hệ giữa linh và nous. Bất cứ khi nào nous khép kín, thì linh cũng khép kín. Nếu nous khép kín, Đức Chúa Trời không thể ban ánh sáng cho linh, vì dầu Ngài có ban ánh sáng cho linh chăng nữa, cũng sẽ không có đường dẫn để diễn tả những gì linh đã nhận được. Nếu cái đầu của một Cơ Đốc nhân bị bệnh, linh của người đó cũng bệnh. Sự đau yếu thân thể của một Cơ Đốc nhân sẽ không ảnh hưởng linh người ấy. Nhiều Cơ Đốc nhân đã nằm liệt giường nhiều năm mà vẫn hầu việc Đức Chúa Trời, vâng lời Ngài, và làm công tác cầu nguyện. Tuy nhiên, nếu nous của họ không đúng đắn thì linh của họ cũng sẽ không đúng đắn, vì nan đề trong đầu của họ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến linh họ.
Có hai phân đoạn trong Kinh Thánh cho chúng ta biết nous của tín đồ cần được đổi mới. Nếu nous của một người chưa được đổi mới, người ấy sẽ khó tiến tới. Chúng ta hãy xem xét những phân đoạn Kinh Thánh ấy.
LỜI GIẢI THÍCH
Ê-phê-sô 4:17-24 chép: “Vậy, này là điều tôi nói và làm chứng trong Chúa rằng, anh em chớ nên bước đi như dân Ngoại bước đi theo sự hư không của nous họ nữa; bị tối tăm trong dianoia của mình (tiếng Hi-lạp, có nghĩa là sự hiểu biết) xa cách sự sống của Đức Chúa Trời vì sự ngu dốt trong họ, do lòng cứng cỏi của họ. Họ đã chai lì, gieo mình vào sự buông tuồng, để làm mọi thứ ô uế không hề chán. Nhưng anh em đã không học Đấng Christ như vậy, nếu thật sự anh em đã nghe Ngài và được dạy dỗ trong Ngài theo như thực tại ở trong Giê-su, rằng anh em đã cởi bỏ người cũ theo lối sống trước kia của mình, là người đang bị bại hoại bởi tư dục lừa dối, anh em phải được đổi mới trong linh của nous anh em và mặc lấy người mới, là người đã được dựng nên theo Đức Chúa Trời trong sự công chính và sự thánh khiết của thực tại” (RcV).
Trong phân đoạn Kinh Thánh trên, nous được đề cập hai lần. Chúng ta cần phải chú ý đến từ ngữ nous này.
Câu 18 chép: “Họ bị tối tăm trong sự hiểu biết của mình”. Sự hiểu biết theo nguyên văn là dianoia. Từ ngữ này có cùng một gốc với từ ngữ nous trong câu 17, nhưng thay đổi một chút từ chữ gốc để thành từ ngữ dianoia. Cho nên ý nghĩa từ câu 17 đến câu 18 là: “Anh em không còn bước đi như dân Ngoại, theo sự hư không của nous họ nữa, bị tối tăm trong dianoia của mình”. Có gì khác biệt giữa nous và dianoia? Nous là một cơ quan; dianoia là một loại chức năng. Điều này cũng giống như nói rằng mắt là một cơ quan, trong khi thấy là một chức năng của mắt. Vì vậy, mắt là một vật thể, trong khi thấy là một chức năng của vật thể ấy. Nous là cơ quan, trong khi dianoia là chức năng. Nous là cơ quan, và câu 17 nói về bản chất của cơ quan này. Dianoia là chức năng, và câu 18 nói về chức năng của cơ quan.
Câu 18 chép: “Xa cách sự sống của Đức Chúa Trời vì sự ngu dốt trong họ, vì sự cứng cỏi của lòng họ”. Từ ngữ “lòng” trong câu này là “cái tôi” thật sự, tức là bản ngã, là nhân cách riêng của một người.
Câu 19 chép: “Họ đã chai lì”. Ý nghĩa của nguyên văn ở đây là họ đã mất tất cả cảm giác và trở nên tê cứng. Từ ngữ này được các bác sĩ y khoa dùng rất thường xuyên. Tất cả các bác sĩ đều biết vết thương của bệnh nhân thường đau đớn, nhưng khi sự đau đớn vượt quá một mức độ nào đó, người ấy không còn cảm thấy đau đớn nữa. Mặc dầu vết thương vẫn còn sưng lên, người bị thương hoàn toàn mất cảm giác về sự đau đớn ấy. Câu này có nghĩa là họ không còn cảm xúc gì nữa, tức là lòng họ cứng cỏi đến nỗi mất hết mọi cảm giác.
Trong câu 22, chúng ta có câu “Anh em phải cởi bỏ người cũ theo lối sống trước kia của mình”. Ở đây có nghĩa là vì anh em đã nghe và đã được dạy dỗ trong Ngài là thực tại ở trong Giê-su, người cũ của anh em đã bị cởi bỏ, v.v… anh em nên làm những điều được ghi trong các câu 25-32.
“Người cũ,… là người đang bị bại hoại bởi tư dục lừa dối” (c. 22). Theo nguyên ngữ, ở đây có nghĩa là: “Người cũ, do tư dục của sự lừa dối đang hướng về sự bại hoại”.
“Anh em phải được đổi mới trong linh của nous (từ ngữ Hi-lạp, có nghĩa là tâm trí) anh em” (c. 23). Đó là phần nối tiếp của câu trước, liên quan đến thực tại trong Giê-su, tức là những gì các tín đồ đã nhận được trong Đấng Christ. Chúng ta không những phải cởi bỏ người cũ, nhưng cần đổi mới linh của nous mình thường xuyên. Ý nghĩa của nguyên văn ở đây là liên tục được đổi mới giống như người cũ liên tục bị bại hoại.
Câu 24: “Và mặc lấy người mới, là người đã được dựng nên theo Đức Chúa Trời trong sự công chính và sự thánh khiết của thực tại”. “Mặc lấy người mới” trong nguyên văn có thể dịch là “đã mặc lấy người mới”. Điều này tương ứng với câu 22. Câu 24 cũng nói về những sự thật chúng ta có trong Chúa. Các câu 22 đến 24 đều là những sự thật chúng ta có trong Đấng Christ. Dựa trên những câu này, câu 25 và những câu sau đưa ra mạng lệnh và khuyên bảo chúng ta nên làm những gì.
Trong phân đoạn này, chúng ta thấy ba điều đặc biệt quan trọng: (1) sự sống thuộc linh của chúng ta, (2) lòng của chúng ta, và (3) nous của chúng ta. Câu 17 nói về nous, câu 18 nói về dianoia, tức là chức năng của nous, một điều có liên quan đến nous. Câu 18 chép: “Xa cách sự sống của Đức Chúa Trời”. Điều này có nghĩa là linh bị khép kín và không còn thông công với Đức Chúa Trời được. Không những dân Ngoại như vậy, mà các Cơ Đốc nhân cũng có thể có một linh khép kín. “Sự cứng cỏi của lòng họ” trong câu 18 chỉ về tấm lòng. “Họ đã chai lì” trong câu 19 chỉ về sự tê cóng và mất cảm giác trong lòng người. Tóm lại, phân đoạn này đề cập đến tình trạng của ba điều: nous, linh và tấm lòng.
TẤM LÒNG BỊ BẠI HOẠI TRƯỚC HẾT
Chúng ta hãy chú ý đến câu 17 và 18, là hai câu nói rằng nous của dân Ngoại bị bại hoại do sự hư không, và tấm lòng bị cứng cỏi và xa cách sự sống của Đức Chúa Trời. Một dân Ngoại bị bại hoại đến nỗi mất hết cảm giác. Nhưng sự bại hoại này thật sự bắt đầu từ đâu? Nếu biết sự bại hoại bắt đầu từ đâu, chúng ta sẽ giải quyết phần đó trước. Có phải nous của con người trở nên bại hoại trước không? Hay sự sống hoặc tấm lòng bị bại hoại trước? Nếu biết phần nào trở nên bại hoại trước, chúng ta sẽ xử lý phần đó cách thích hợp. Nếu bệnh bắt đầu phát ra từ tấm lòng, chúng ta cần phải xử lý tấm lòng trước hết; nếu nó bắt đầu từ nous, chúng ta cần phải xử lý nous trước; nếu nó bắt đầu từ sự sống, chúng ta cần phải xử lý sự sống trước hết. Câu 17 và 18 cho chúng ta thấy thứ tự của sự bại hoại đến với ba điều này. Vị sứ đồ bảo chúng ta chớ nên bước đi theo sự hư không của nous. (Sự hư không của nous giống như cái mà người Hoa gọi là “cung điện trên trời” hay người Tây phương gọi là “lâu đài trên không”). Chúng ta không nên bước đi như dân Ngoại bước đi vì chức năng và tư tưởng của nous họ bị tối tăm. Chức năng của nous họ bị tối tăm vì dân Ngoại xa cách sự sống của Đức Chúa Trời, và họ xa cách sự sống của Đức Chúa Trời vì họ không hiểu biết và cứng lòng. Vì vậy, nan đề bắt đầu từ tấm lòng. Vì tấm lòng cứng cỏi, một người xa cách sự sống của Đức Chúa Trời, và vì người ấy xa cách sự sống của Đức Chúa Trời, nên dianoia bị tăm tối. Anh chị em ơi, nguyên nhân của mọi bệnh tật nằm ở tấm lòng. Tôi thường nói với các đồng công rằng chẳng phải đầu óc của người ta không đúng đắn, mà chính tấm lòng họ không đúng đắn. Người ta luôn luôn nghĩ đầu óc con người không đúng đắn, nhưng tôi xin nói không phải thế, tấm lòng của họ mới là không đúng đắn.
LÒNG DÂN NGOẠI KHÔNG MUỐN TIN
Không phải bài giảng trước nói rằng đầu óc người ta chứ không phải tấm lòng họ không đúng đắn sao? Phải, nhưng đó là vấn đề khác. Vấn đề ở đây thì liên quan đến đạo đức. Nếu một người muốn đúng đắn trong hành vi, trước hết tấm lòng người ấy phải đúng đắn. Anh em biết vì sao dân Ngoại không tin Chúa Giê-su và tranh luận nhiều điều không? Có phải vì chúng ta không có đủ lý lẽ để thuyết phục họ tin Đức Chúa Trời hay Đấng Christ không? Không, chúng ta có lý lẽ. Thi Thiên 14:1 chép: “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng chẳng có Đức Chúa Trời”. Họ không tin vì họ nói trong lòng rằng không có Đức Chúa Trời, chứ không phải vì họ không có khả năng tin. Chúa hỏi người Do Thái vì sao họ không tin Ngài và không đến cùng Ngài để nhận sự sống. Đó là vấn đề của tấm lòng, không phải vấn đề của trí tuệ. Ấy là lòng họ không tin.
Tôi có thể đưa ra nhiều lý lẽ về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời để nói chuyện với một số người không tin Ngài. Họ trả lời bằng cách nói rằng điều ấy nghe rất hợp lý. Sau đó tôi có thể nói với họ lý do nào Chúa là Cứu Chúa. Một lần nữa, họ trả lời rằng điều tôi nói nghe rất hợp lý. Nhưng như vậy không đủ để làm cho họ tin. Không phải đầu óc người ta không đúng đắn, mà tấm lòng họ không đúng đắn. Phao-lô nói: “Nếu… lòng ngươi tin… thì ngươi sẽ được cứu” (La. 10:9). Chúa Giê-su cũng phán: “… Hễ ai… nếu trong lòng chẳng hồ nghi… nhưng tin đã nhận được, thì các ngươi chắc được điều ấy” (Mác 11:23-24). Đầu óc không phải là nan đề; đó không phải là vấn đề. Điều thiết yếu là cần có một tấm lòng để tin. Tấm lòng là “cái tôi” thật sự của chúng ta, là con người chúng ta. Đó là lý do vì sao Kinh Thánh nói về “lòng ác vô tín” (Hê. 3:12), thay vì “đầu óc ác vô tín”. Tấm lòng đã bị bại hoại chứ không phải đầu óc. Đó là lý do vì sao người ta không tin để được cứu. Tấm lòng đã trở nên không đúng đắn. Hậu quả là nous cũng đã trở nên không đúng đắn.
MỐI LIÊN HỆ GIỮA ĐỘNG CƠ VÀ NOUS CỦA MỘT CƠ ĐỐC NH N
Không những dân Ngoại, mà Cơ Đốc nhân cũng vậy. Nhiều Cơ Đốc nhân không biết ý muốn của Đức Chúa Trời, họ không muốn vâng lời Đức Chúa Trời và không hiểu Kinh Thánh gì cả. Sở dĩ họ như vậy là vì tấm lòng của họ bệnh hoạn. Một nous xấu chỉ là triệu chứng, nguyên nhân của nous xấu là tấm lòng xấu. Tôi không có ý nói rằng nous không bị bệnh, điều chính yếu tôi nhấn mạnh ở đây là tấm lòng bị bệnh trước. Vì vậy, trước hết tấm lòng phải trở nên đúng đắn trước khi hành động của nous được điều chỉnh. Nếu chỉ giải quyết triệu chứng thì cũng vô ích; cách duy nhất để chữa trị nan đề này là giải quyết tận gốc.
Về Sự Vâng Phục
Chúng ta hãy lấy báp-têm làm ví dụ. Lẽ thật này được bày tỏ cho chúng ta cách thật rõ ràng và chính xác trong Kinh Thánh. Nhiều Cơ Đốc nhân không vâng theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, họ tạo nên nhiều sự khác biệt không phải vì tâm trí họ có nan đề mà vì tấm lòng họ có nan đề. Giả sử một tín đồ nghe rằng báp-têm là điều phù hợp với Kinh Thánh và là điều Đức Chúa Trời truyền dạy cách rõ ràng. Khi nghe về báp-têm và tra xem Kinh Thánh, người ấy sẽ tìm ra ý muốn của Đức Chúa Trời và vâng lời; người ấy nói: “Đức Chúa Trời ôi, điều này đến từ Ngài, con sẵn lòng vâng lời”. Nhưng nếu sau khi nghe về báp-têm, một tín đồ khác không chịu vâng lời, bác bỏ báp-têm, cho rằng đó là điều vô nghĩa, người ấy sẽ không hiểu dầu sau đó có đọc Kinh Thánh. Về sau khi nghe những người khác nói về lẽ thật này, người ấy sẽ bị thúc giục như một luật sư tại tòa án, không quan tâm xem phía bên kia có hợp lý hay không, mà chỉ quan tâm đến lý lẽ của mình. Động cơ thứ nhất của một luật sư là đánh bại đối phương trong cuộc tranh luận. Vì vậy, khi có những nan đề dấy lên, vấn đề không phải là tình trạng của đầu óc, mà là động cơ có đúng đắn hay không.
Về Việc Nghe Giảng
Về việc nghe giảng thì cũng đúng như vậy. Khi một người nào đó rao giảng một điều khác với niềm tin và sự thực hành của mình, chúng ta nên hỏi Đức Chúa Trời xem lời người ấy nói có thật sự sai trật không. Nếu lời giảng của người ấy không sai trật, thì chúng ta có sai trật ở điểm nào đó không? Nếu chúng ta học khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời, lòng chúng ta sẽ đúng đắn. Do đó, dầu nhiều lúc tư tưởng của chúng ta không đúng đắn, nhưng tâm trí của chúng ta sẽ không luôn luôn sai trật. Tuy nhiên, nếu động cơ của chúng ta không đúng đắn và chỉ muốn tranh luận, chúng ta sẽ luôn luôn tìm được một vài câu Kinh Thánh để chống đối lẽ thật mà những người khác giảng dạy. Nhiều Cơ Đốc nhân nghiên cứu Kinh Thánh giống như một luật sư nghiên cứu sách luật, họ chỉ nhắm mục đích bảo vệ những lý lẽ của mình. Vì vậy, động cơ của họ bại hoại trước, chứ không phải tâm trí họ. Trước hết, họ có khuynh hướng tham lam trong lòng, sau đó tâm trí họ và cả bản thể họ bị lôi kéo vào hiểm họa tham lam.
Về Việc Đọc Kinh Thánh
Giữa vòng anh chị em chúng ta, có ai mà tâm trí mình không thể hiểu Kinh Thánh không? Tôi muốn nói rằng chúng ta không thể hiểu Kinh Thánh vì lòng chúng ta không đúng đắn. Linh sẽ dẫn dắt chúng ta vào mọi lẽ thật. Tôi thường thắc mắc vì sao một số người hiểu Kinh Thánh cách quá nghèo nàn. Lý do là vì những điều lòng họ hướng đến không đúng đắn. Có lẽ họ quá chủ quan. Hậu quả là nous của họ không thể nhận được ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời. Tấm lòng trở nên bại hoại, và nous cũng bại hoại theo. Nếu tấm lòng không bình tịnh và quân bình, tâm trí sẽ trở nên bại hoại. Có người nói rằng Ê-va không sa ngã vì ăn trái cấm, nhưng vì động cơ của bà không đúng đắn từ đầu. Khi nói chuyện với Sa-tan, lòng bà không thỏa mãn với Đức Chúa Trời và đã bại hoại rồi. Ngay sau đó, Sáng Thế Ký chương 6 nói rằng mỗi sự tưởng tượng của ý tưởng lòng người luôn luôn chỉ là gian ác. Nous đã bại hoại sau khi tấm lòng bại hoại.
Một anh em Tây Phương đã nói rằng trước khi Ê-va ăn trái cấm, bà đã sa ngã rồi. Khi bà nói thêm câu “ngươi cũng chớ nên đụng đến” trong lúc đối thoại với Sa-tan, thì lòng bà đã không đúng đắn. Đến Sáng Thế Ký chương 6, Đức Chúa Trời tuyên bố sự tưởng tượng của ý tưởng lòng người luôn luôn chỉ là gian ác. Trước hết, tấm lòng không đúng đắn, thứ hai, con người xa cách sự sống của Đức Chúa Trời, và cuối cùng, sự tưởng tượng của ý tưởng con người trở nên hoàn toàn gian ác. Bất cứ Cơ Đốc nhân nào có tấm lòng đúng đắn đều có thể đọc Kinh Thánh; họ có thể nhận được ánh sáng của Đức Chúa Trời từ Kinh Thánh, có thể biết ý muốn của Đức Chúa Trời cách dễ dàng, và có thể nhận được ân điển đầy trọn từ Đức Chúa Trời.
Về Việc Lắng Nghe Người Khác
Nếu muốn biết lòng một người có đúng đắn và tâm trí họ có ngay thẳng không, anh em chỉ cần nói chuyện với người ấy. Ai có thể nghe tốt là người có tâm trí tốt. Tâm trí của một số Cơ Đốc nhân giống như bánh xe cứ xoay suốt ngày, và họ không thể nghe những gì người khác nói với mình. Y như bánh xe bắn đất lên khi nó xoay, những Cơ Đốc nhân này chỉ nêu lên những câu hỏi mà không tiếp nhận lẽ thật. Tình trạng này cho thấy tâm trí của họ không đúng đắn. Tâm trí không đúng đắn vì tấm lòng không đúng đắn. Nếu một người thích xen vào làm gián đoạn cuộc đối thoại của người khác, đó cũng là dấu hiệu của một tấm lòng “bệnh hoạn”. Khi nghe người khác nói, thỉnh thoảng chúng ta có thể thêm vào một vài nhận xét để bày tỏ mình đồng ý hay không, nhưng thường xuyên làm gián đoạn là dấu hiệu tấm lòng “bị bệnh”.
Nếu những tư tưởng đi qua tâm trí anh em cứ quay cuồng suốt ngày, nous của anh em chắc hẳn đã “bị bệnh”. Trong tình trạng ấy, một người không thể lắng nghe người khác, thậm chí anh không thể lắng nghe Đức Chúa Trời phán. Gốc rễ của căn bệnh này nằm trong tấm lòng. Một tấm lòng công chính riêng, tự tin, một tấm lòng tin nơi sự khôn khéo của mình, hay một thành kiến nào đó trong lòng làm cho người ấy không thể lắng nghe người khác. Không thể lắng nghe người khác là một căn bệnh của nous. Nhưng gốc rễ của căn bệnh này là tấm lòng không đúng đắn. Cho dầu có nghe điều gì chăng nữa, chúng ta cũng phải chuyển điều mình nghe cho người bề trong rồi mới có thể hiểu được. Công tác chuyển giao này tương đối giống như công việc dịch một ngôn ngữ. Đối với những người không hiểu tiếng Anh, trước hết lời phải được dịch ra tiếng Hoa rồi họ mới hiểu được. Công việc “dịch thuật” trong chúng ta diễn ra cách nhanh chóng. Nếu người nào không thể hiểu những gì người khác nói, điều đó có nghĩa là nous của người ấy không thể thông dịch được. Nếu một người hiểu lầm những gì người khác nói, điều đó có nghĩa là nous đã dịch sai. Có lần khi rao giảng tại một nơi nọ, tôi nói với người ta rằng con người được cứu không nhờ công việc, nhưng nhờ những gì Đấng Christ đã hoàn thành. Trong số các thính giả có hai người theo Lão giáo. Sau khi nghe tôi giảng, họ nói với những người khác: “Ông ấy chỉ khuyên người ta làm lành!” Nhiều người đã đầy ắp ở bên trong, họ không thể tiếp nhận lời Đức Chúa Trời. Nếu không dốc đổ những gì chứa bên trong mình ra, chúng ta không thể hiểu được Lời Đức Chúa Trời. Lòng chúng ta phải khiêm nhường như lòng của một đứa bé, sẵn sàng được dạy dỗ trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta phải nói với Ngài: “Đức Chúa Trời ôi, con không biết những gì người này nói là tốt hay xấu, đúng hay sai. Con cầu xin Ngài ban cho con sự phán đoán, để con biết đâu là đúng và đâu là sai”. Nhờ đó, chúng ta sẽ hiểu và thấy những gì Đức Chúa Trời muốn chúng ta thấy. Nhiều người nghĩ rằng tình trạng không hiểu được lẽ thật là căn bệnh của tâm trí. Thật ra, nguyên nhân cơ bản là căn bệnh của tấm lòng.
Về Các Tư Tưởng
Một số người dùng đầu óc suy nghĩ quá nhiều, những người khác thì đầu óc trống rỗng và không suy nghĩ gì cả. Đôi khi người ta biếng nhác ở bên trong, họ không muốn suy nghĩ quá nhiều. Thỉnh thoảng người ta cảm thấy tâm trí mình đờ đẫn và không thể suy nghĩ đúng đắn. Tình trạng tâm trí của Cơ Đốc nhân chính yếu rơi vào hai loại: hoặc suy nghĩ không ngừng, hoặc biếng nhác và không suy nghĩ gì cả. Một số tín đồ có trí nhớ rất kém, họ chỉ biết nhờ vào sổ tay hằng ngày của mình. Cá nhân tôi không chống đối việc ghi sổ tay hằng ngày. Nhưng nếu một tín đồ chỉ nương cậy vào sổ tay hằng ngày của mình để ghi nhớ các sự việc, đầu óc người ấy chắc hẳn đã bị bệnh rồi. Chị Penn-Lewis nói rằng các tín đồ không nên nô lệ cho sổ tay hằng ngày. Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều có những lúc quên. Chúng ta quên những gì không tạo nên ấn tượng sâu đậm trong tâm trí mình. Đó là điều tự nhiên. Nhưng nếu ấn tượng sâu đậm đủ, mà chúng ta vẫn không thể nhớ, thì chắc hẳn đã có điều gì trục trặc rồi. Làm người mắc bệnh hay quên hoặc quên các sự việc cách quá dễ dàng là bất thường. Nếu chúng ta không thể hướng dẫn tư tưởng mình, đó là triệu chứng của một tâm trí bệnh hoạn. Chỉ khi nào chúng ta bị bại, tay chân chúng ta mới không sử dụng được. Cũng vậy, lý do duy nhất chúng ta không vận dụng được tâm trí là vì nó bị bệnh. Khi một người không thể suy nghĩ cho chính mình và chỉ có thể hành động theo ý kiến của người khác, người ấy trở nên một người thụ động về phương diện tâm trí. Tâm trí không thể suy nghĩ là tâm trí bệnh hoạn, và tín đồ nào có tâm trí không ngừng suy nghĩ cũng bệnh hoạn. Suy nghĩ liên tục nói lên tình trạng tâm trí không thể dừng lại, trong khi không suy nghĩ được nói lên tình trạng tâm trí không thể chuyển động. Cả hai đều sai trật. Một số người có tâm trí đờ đẫn và dường như bị cột trói, họ không thể suy nghĩ gì cả. Tình trạng này cũng bệnh hoạn giống như tình trạng không thể dừng các tư tưởng lại.
HIỂM HỌA CỦA MỘT NOUS CHƯA ĐƯỢC ĐỔI MỚI
Tôi chỉ mới đề cập đến một vài tình trạng của một nous bệnh hoạn. Gốc rễ của mọi bệnh tật có thể truy nguyên về tình trạng của tấm lòng. Lý do tâm trí nhiều người bị trì trệ hoặc đờ đẫn là vì họ biếng nhác trong tấm lòng. Điều này cũng giống như những bệnh nhân trở nên quen thuộc với bệnh tật đến nỗi cuối cùng họ thích bị bệnh. Họ muốn bị bệnh hơn là chỗi dậy làm việc. Nhiều lúc tâm trí quá mệt mỏi, không thể suy nghĩ hay làm việc, nó cần được nghỉ ngơi. Nhưng nếu một người luôn luôn không thích làm việc, tấm lòng người ấy chắc hẳn rất biếng nhác. Khi tâm trí một người suy nghĩ quá nhiều hay không suy nghĩ gì cả, đó là triệu chứng nous đã bị bệnh.
Trong Ê-phê-sô 4:18, vị sứ đồ nói rằng do sự cứng cỏi của tấm lòng mà dân Ngoại xa cách sự sống của Đức Chúa Trời và ánh sáng của Ngài không thể chiếu vào nous của họ. Vì ánh sáng của sự sống Đức Chúa Trời không thể chiếu vào nous của họ, nên nous bị tối tăm, và chức năng của nous cũng bị tối tăm. Tình trạng của nous họ là do sự cứng cỏi của lòng họ. Đó là tình trạng của dân Ngoại. Trước mặt Đức Chúa Trời, tín đồ có nguy cơ rơi vào tình trạng giống như dân Ngoại.
SỰ ĐỔI MỚI CỦA NOUS
Chúng ta muốn biết làm thế nào để nous của mình được đổi mới. Chúng ta có sự sống mới. Chúng ta cũng có tấm lòng mới. Ít nhất nous của chúng ta đã được đổi mới một lần và ít nhất đã được Đức Chúa Trời soi sáng một lần. Bây giờ điều chúng ta cần phải làm là mở nous của mình ra cho Đức Chúa Trời hằng ngày, để có thể nhận được mọi sự từ Ngài, biết ý muốn Ngài, hiểu ao ước của lòng Ngài, và hiểu sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Đó là điều hôm nay chúng tôi nhấn mạnh. Anh em ơi, anh em muốn hiểu ý chỉ của Đức Chúa Trời không? Anh em muốn hiểu niềm ao ước của Đức Chúa Trời không? Anh em muốn hiểu sự dạy dỗ của Kinh Thánh không? Nếu muốn, nous của anh em cần được đổi mới.
Trong phân đoạn Ê-phê-sô 4:17-24, vị sứ đồ nói rằng vì chúng ta đã nghe và đã được dạy dỗ thực tại trong Chúa Giê-su, chúng ta nên bày tỏ thực tại ấy một cách thực tế. Lời khuyên dạy của ông sau câu 24 dựa trên sự dạy dỗ của ông trong các câu từ 20 đến 24. Nói cách khác, các câu từ 20 đến 24 là những sự kiện các Cơ Đốc nhân sở hữu trong Chúa, và những câu sau cho chúng ta thấy cách cư xử Cơ Đốc nhân cần phải có dựa trên địa vị ấy. Hôm nay, tôi sẽ không nói về toàn bộ phân đoạn này. Nhưng tôi sẽ suy xét vấn đề đổi mới tâm trí và mối liên hệ của vấn đề này đối với con người cũ và mới, dựa trên địa vị của chúng ta trong Chúa trong phân đoạn này. Dựa theo sự kiện [đã hoàn thành], trong Đấng Christ chúng ta đã cởi bỏ người cũ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trong kinh nghiệm, chúng ta sẽ không thấy bóng dáng của con người cũ. Về mặt địa vị, nous của chúng ta đã được đổi mới. Nhưng điều này không có nghĩa chúng ta không cần đổi mới tâm trí thường xuyên. Đổi mới nous thường xuyên là điều cần thiết.
CỞI BỎ NGƯỜI CŨ THEO LỐI SỐNG TRƯỚC ĐÂY CỦA MÌNH
Câu 22-23 chép: “Anh em phải cởi bỏ người cũ theo lối sống trước kia của mình, là người đang bị bại hoại bởi tư dục lừa dối, anh em lại phải được đổi mới trong linh của nous mình”. Anh em hãy lưu ý nhóm chữ “linh của nous mình”. Có một mối liên hệ đặc biệt giữa nous và linh. Nếu muốn linh của nous mình được đổi mới, chúng ta phải cởi bỏ người cũ. Nếu không cởi bỏ người cũ trong kinh nghiệm mình, chúng ta không thể kinh nghiệm sự đổi mới của tâm trí.
Cởi bỏ người cũ là một vấn đề cụ thể, giống như một cánh cổng chúng ta đi ngang qua, chứ không phải một con đường mở rộng liên tục. Các tín đồ cần phải có một sự xử lý cụ thể và dứt khoát. Cánh cổng khác với con đường. Đậu kỳ thi tuyển vào trường là một cánh cổng, việc học sau khi đã vào trường là một con đường. Nếu muốn tự hỏi xem mình đã có một nous được đổi mới chưa, tín đồ chỉ cần hỏi xem mình có bao giờ cởi bỏ người cũ, lối sống trước đây và mặc lấy người mới cách cụ thể chưa. Xin lưu ý thêm một điều nữa: người cũ trong La Mã chương 6 được nhắc đến theo cách khác với ở đây. La Mã 6:6 nói về những sự kiện chúng ta có trong Chúa, câu ấy nói về người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh. Đó là lý do vì sao chúng ta chỉ phải kể và tin. Ê-phê-sô chương 4 không nói về sự kiện đóng đinh, nhưng về sự kiện cởi bỏ. Sự đóng đinh là một điều chúng ta cần tin vào, đó là vấn đề đức tin. Nhưng “cởi bỏ” là một điều của ý chí. Cởi bỏ một điều gì đó là một hành động của ý chí. Không những chúng ta phải tin rằng người cũ của mình đã bị đóng đinh, nhưng cũng phải vận dụng năng lực của ý chí để cởi bỏ con người cũ của mình. Nếu chỉ vận dụng đức tin mà không vận dụng ý chí để cất bỏ người cũ, thì sẽ không có hiệu quả. Chúng ta rất cần ý chí của mình như cần đức tin của mình vậy.
Phân đoạn này bày tỏ rằng nếu muốn sự hiểu biết và tâm trí của mình được đổi mới, chúng ta phải cởi bỏ người cũ cách cụ thể. Nếu muốn liên tục được đổi mới, chúng ta phải liên tục cởi bỏ. Y như chúng ta sử dụng ý chí để cởi bỏ y phục và ném chúng sang một bên, chúng ta cần vận dụng ý chí để cụ thể cởi bỏ người cũ và ném nó sang một bên. Mọi sự thuộc về con người cũ, dầu là lời nói, tư tưởng hay hành vi, đều cần được ném qua một bên cách cụ thể, chúng ta nên từ khước mọi điều tội lỗi, bất khiết, hay thuộc về bản ngã. Đồng thời chúng ta phải tìm kiếm Chúa với một tấm lòng đơn thuần và tin cậy Thánh Linh đổi mới nous của mình. Công tác đổi mới này thuộc về Thánh Linh. Nếu chúng ta cất bỏ những chướng ngại vật và tin cậy Ngài làm công tác đổi mới, Ngài sẽ dần dần đổi mới nous của chúng ta.
GIẢI QUYẾT TỘI LỖI TRONG LÒNG MÌNH
Chúng ta nên chú ý đến một vấn đề nữa: nan đề với nous con người phát xuất từ lòng họ, vì vậy, nếu nous phải được đổi mới, tấm lòng đầy thành kiến cũng phải được điều chỉnh. Mặc dầu sự điều chỉnh này không có nghĩa là vun trồng tấm lòng, tuy nhiên, ý tưởng ấy bao hàm trong sự điều chỉnh này. Động cơ không đúng đắn sẽ ngăn chận ánh sáng của Đức Chúa Trời. Một điều gì đó chỉ bé xíu bằng một chiếc lá nhỏ cũng có thể ngăn chận ánh sáng mặt trời. Chỉ cần một tội lỗi rất nhỏ cũng đủ ngăn chận ánh sáng của Đức Chúa Trời. Hầu hết mọi người đều có tội trong lòng. Một khi tội trong lòng được xử lý, mọi điều khác sẽ được giải quyết cách đúng đắn. Nếu người tín đồ có tấm lòng đúng đắn, họ sẽ có khả năng hiểu được ý muốn của Đức Chúa Trời. Tất cả những tín đồ không hiểu được ý muốn của Đức Chúa Trời đều ở trong tình trạng này, vì trước hết lòng họ không đúng đắn.
Ai bằng lòng thưa với Đức Chúa Trời: “Đức Chúa Trời ôi, nếu Ngài dạy dỗ con ngay giờ này, con xin cảm tạ Ngài. Nếu Ngài không dạy con ngay giờ này, con sẽ không nài nỉ” là người có thể được Đức Chúa Trời dạy dỗ. Khi một người lâu nay đã được Đức Chúa Trời dạy dỗ lắng nghe người khác giảng, người ấy sẽ hỏi: “Đức Chúa Trời ôi, con có sai lầm không? Điều ông ấy đang nói đúng hay sai?” Cách một người nghe giảng chứng minh tấm lòng người ấy có đúng đắn không.
Điều quí báu nhất về một nous được đổi mới là nous ấy có thể mở hoặc đóng các tư tưởng lại. Đối với Đức Chúa Trời, một nous được đổi mới có thể hiểu biết ý muốn Ngài; đối với chính mình, nó có thể điều khiển tâm trí và làm sáng tỏ tư tưởng mình; đối với người khác, nó có thể biện biệt, nhận lãnh, và hiểu lời của người khác.
MẶC LẤY NGƯỜI MỚI
Câu 24 chép: “Và mặc lấy người mới là người đã được dựng nên theo Đức Chúa Trời trong sự công chính và sự thánh khiết của thực tại” (RcV). Đó là cách cư xử của chúng ta về mặt tích cực. Nếu muốn đổi mới nous của mình, hay muốn nous của mình được đổi mới thường xuyên, chúng ta phải mặc lấy người mới trong kinh nghiệm của mình. Đó cũng là một hành động của ý chí. Mặc lấy người mới có nghĩa là gì? Người mới của chúng ta, theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, được tạo nên trong sự công chính và sự thánh khiết của thực tại. Nói cách khác, đặc điểm của người mới là công chính và thánh khiết của thực tại. Công chính là đường lối của Đức Chúa Trời, thánh khiết là bản chất của Đức Chúa Trời.
Chúng ta có thể nói về ba phương diện liên quan đến Đức Chúa Trời: (1) vinh quang, chỉ về chính Đức Chúa Trời, (2) thánh khiết, chỉ về bản chất của Đức Chúa Trời, và (3) sự công chính, chỉ về cách hành động của Ngài. Chúng ta được tạo nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, nhưng điều này chỉ giới hạn ở phương diện sự công chính và sự thánh khiết của Ngài, chúng ta không thể giống Đức Chúa Trời trong vinh quang Ngài, vì vinh quang liên hệ đến bản thể Đức Chúa Trời Tam Nhất. Chúng ta không thể là một phần của điều này. Nhưng chúng ta có sự công chính và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Vì vậy, nếu một tín đồ muốn giống như Đức Chúa Trời, người ấy cần phải để bản chất của Ngài xử lý mình theo cách của Ngài. Ngày nay, bao nhiêu tín đồ có những cảm nhận sâu xa về tội? Tôi xấu hổ mà nói rằng cảm nhận của tôi về tội chưa sâu xa đủ. Chị M.E. Barber hiểu sâu xa về tội và về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Thông thường, người ta chỉ cảm nhận về sự kiêu ngạo hay ganh ghét nhưng không biết sự kiêu ngạo hay ganh ghét là gì. Tuy nhiên, nếu đến với Chị Barber, anh em sẽ có một cảm nhận; nếu không đến với chị, anh em sẽ không có cảm nhận ấy. Chị ghét tội hơn hết, và xử lý tội cách triệt để. Chị đối xử với chính mình cách rất nghiêm khắc. Kết quả là chị cũng vô cùng ngay thẳng với người khác. Ngay giây phút đến trước mặt chị, một người liền cảm nhận kiêu ngạo và ghen ghét là gì. Chị thật sự biết Đức Chúa Trời. Đó là lý do vì sao tôi nói rằng nhiều lúc chúng ta không thể học lẽ thật qua sự giảng dạy của một người, nhưng học được lẽ thật mà người ấy thực hành.
Nếu nhường chỗ cho tội lỗi lần thứ nhất, thì đến lần thứ hai và thứ ba, anh em sẽ mất cảm nhận về tội. Vào lần thứ nhất, nếu anh em có thể gọi đích danh tội và thừa nhận tội là tội, nếu anh em có cái nhìn đúng đắn và thái độ đúng đắn đối với tội, và nếu anh em xử lý tội cách đúng đắn lần đầu, thì anh em sẽ xử lý được tội vào lần sau. Nếu lần đầu không kể tội là tội và xử lý nó, nhưng trái lại anh em xem việc mình nổi nóng là một điều bình thường đối với Cơ Đốc nhân, anh em sẽ phạm chính tội này vào lần sau. Ai không biết tội thì cũng không biết sự thánh khiết. Sự thánh khiết là gì? Sự thánh khiết là nhận biết tội. A-đam và Ê-va chỉ không hiểu biết và vô tư trước khi họ phạm tội; không phải họ thánh khiết. Chỉ có những ai biết tội mới biết ý nghĩa của sự thánh khiết.
Sự không công chính là gì? Bất cứ điều gì không đúng đắn đều là không công chính. Ban đầu, tôi không biết sự không công chính là gì. Một lần kia, tôi đọc một câu chuyện trên một tạp chí nói rằng có một người kia nghe ông nọ giảng trong một nhà thờ. Sau khi giảng xong, diễn giả bước xuống lối đi và đến ngồi kế bên thính giả ấy. Trong khi ngồi xuống, ông vô tình dẫm lên và làm dơ chiếc áo mưa của một thiếu phụ ngồi trước mặt mình. Ông đá chiếc áo mưa ấy sang một bên, không chùi sạch vết bẩn và cũng không xin lỗi chủ nhân của chiếc áo ấy. Người nghe bắt lỗi người giảng, nói rằng như vậy là không công chính. Không công chính là gì? Không công chính là mắc nợ một người nào đó. Cho dầu không đền bù sự thiệt hại cho thiếu phụ ấy, ít nhất ông cũng phải chùi vết bẩn cho bà, nếu không, trước mặt Đức Chúa Trời mãi mãi đó là một sự mắc nợ.
Vì vậy, nous liên quan đến cuộc sống của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời. Bất cứ khi nào nhượng bộ tội, chúng ta trở nên không công chính. Chúng ta không thể tương giao với Đức Chúa Trời, và nous của chúng ta bị tối tăm. Vì vậy, về mặt tiêu cực, chúng ta nên cất bỏ sự ô uế, những động cơ sai trật, sự không công chính, và về phương diện tích cực, hãy mặc lấy người mới. Anh em ơi, chúng ta phải vượt qua cổng này. Sự đổi mới của nous là một điều rất cụ thể. Đừng nghĩ rằng điều mình cần chỉ là lớn lên dần dần.
MỐI LIÊN HỆ GIỮA NOUS VÀ LINH
Cách đây vài năm, tôi đọc thấy trên một tờ báo, Chị Penn-Lewis viết: “Nếu linh anh em bị bế tắc, đó là vì nous của anh em đã bị tắc nghẽn”. Nói cách khác, linh bị đóng kín vì nous bị đóng kín. Tôi đã thấy và quí những lời này, nhưng vào thời điểm ấy, sự sống thuộc linh của mình rất cạn cợt, tôi không thể hiểu lời ấy cách trọn vẹn. Ít lâu sau, tôi nhận biết những lời này thật là đúng biết bao. Nếu nous của một người bị đóng kín, linh của người ấy bắt buộc cũng phải bị đóng kín. Vì linh tự bày tỏ qua nous, linh sẽ không có lối ra nếu nous bị đóng kín. Mặc dầu dòng điện có năng lực, nếu dây tóc của bóng đèn bị đứt, sẽ không có ánh sáng. Điều này không có nghĩa là công ty điện đã hết điện lực, mà chỉ có nghĩa là điện không thể lưu thông qua bóng đèn. Cũng vậy, nếu nous của chúng ta bị đóng kín, linh chúng ta không có nơi nào để bày tỏ chính nó và không có quyền năng để tự bày tỏ nó ra. Tôi không biết có thể nói thêm điều gì nữa để dẫn anh em vào lẽ thật sâu xa này và giúp anh em có một nous được đổi mới. Nếu nous của anh em bị đóng kín, quyền năng thuộc linh của anh em không cách nào bày tỏ ra được.
Tôi không có ý nói rằng tâm trí anh em có thể giúp đỡ công tác của Đức Chúa Trời, điều gì ra từ tâm trí chỉ là năng lực của hồn. Nhưng nếu nous của một tín đồ không được đổi mới, linh người ấy sẽ không có lối ra, và Đức Chúa Trời không thể dùng người ấy được. Phi-e-rơ nói “Những người này chẳng phải say” (Công. 2:15). Nếu họ say, tâm trí họ không minh mẫn. Nếu tâm trí họ không minh mẫn, họ đã không có một linh mở ra để Đức Chúa Trời sử dụng. Theo tôi biết, những người được Đức Chúa Trời sử dụng cách lớn lao đều rất sáng suốt trong linh, trong sự hiểu biết, trong nous, trong sự suy nghĩ và lý luận. Lượng kiến thức họ có hoàn toàn là một vấn đề khác, không phải ai được Đức Chúa Trời sử dụng cũng đều có kiến thức lớn lao.
Nếu nous chúng ta được đổi mới, và sự hiểu biết của chúng ta nhạy bén, chúng ta có thể hiểu ý chỉ của Đức Chúa Trời, niềm ao ước của Ngài, và Kinh Thánh.
SỰ D NG MÌNH VÀ SỰ ĐỔI MỚI NOUS
La Mã 12:1-2 chép: “Vậy, anh em ơi, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời mà nài khuyên anh em hãy dâng thân thể của anh em làm sinh tế sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự phụng sự thuộc linh của anh em. Đừng khuôn rập theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới tâm trí của anh em, để thử nghiệm ý chỉ tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. Từ ngữ tâm trí trong nguyên văn là nous. Ở đây, sự đổi mới nous được đề cập một lần nữa. Phao-lô thúc giục những người khác hãy dâng thân thể họ cho Đức Chúa Trời và hầu việc Ngài. Sự đổi mới của nous dựa trên sự dâng mình.
Anh em ơi, có những điều nào kéo anh em xuống, giữ anh em lại và trói chặt anh em không? Nếu anh em có thể dâng những điều này cho Ngài và đặt chúng trên bàn thờ, nous được đổi mới của anh em sẽ nhận được sức mạnh gấp đôi từ nơi Đức Chúa Trời, và anh em sẽ hiểu niềm ao ước và ý muốn của Ngài; anh em sẽ có thể suy nghĩ và hiểu mọi điều về Đức Chúa Trời. Đồng thời, anh em cũng có thể ban phát những điều ấy cho người khác. Anh em nên thực hành điều này một cách rõ ràng trước mặt Đức Chúa Trời. Kết quả là “để thử nghiệm…” (Ý nghĩa của chữ để là “hầu”, “nhằm mục đích”). Kết quả là tâm trí của anh em sẽ hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời, và anh em sẽ thấy rõ ràng và thử nghiệm ý muốn của Đức Chúa Trời, là điều đẹp lòng Ngài.
Nhiều người nói cách hời hợt: “Tôi sẽ vâng lời, bất cứ là điều gì”. Thật ra, họ còn cách xa lời họ nói. Họ không biết mình đang nói gì. Khi Chúa sắp chết, Phi-e-rơ nói: “Dầu tôi cần phải chết với Thầy đi nữa, tôi hẳn chẳng chối Thầy đâu” (Mat. 26:35). Nhiều người giống như Phi-e-rơ. Họ không biết Đức Chúa Trời đang đòi hỏi họ điều gì. Họ hoàn toàn không biết Đức Chúa Trời yêu cầu gì nơi họ. Đó là lý do vì sao họ không bao giờ tiến bộ được. Nếu anh em muốn thấy đời sống thuộc linh của một tín đồ sâu bao nhiêu và tiến bộ bao nhiêu, chỉ cần khám phá xem Đức Chúa Trời đang yêu cầu gì nơi họ. Một tội nhân mới được cứu bỏ thuốc lá và đánh bạc v.v… Những điều này không thể kể là dấu hiệu của sự tăng trưởng sâu xa. Tất cả chúng ta đều biết rằng đó chỉ là một bước cơ bản trên con đường thuộc linh của một người được cứu. Ngay sau đó, người ấy nhận biết rằng sự ghen tị, kiêu ngạo v.v.. là xấu. Những dấu hiệu này cho thấy một sự tiến bộ sâu xa hơn. Hơn nữa, Đức Chúa Trời chỉ cho người ấy thấy trong công tác của mình, người ấy cần phải từ bỏ ý kiến riêng. Đó là một bước khác, sâu hơn. Tóm lại, sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời sâu hơn và gia tăng từng chút một. Một số Cơ Đốc nhân biết rằng mình không được hút thuốc hay đánh bạc. Những Cơ Đốc nhân khác biết rằng mình không được kiêu ngạo hay ghen ghét. Tuy nhiên, họ thường không biết gì hơn. Chúng ta phải dâng chính mình cho Đức Chúa Trời theo những .
NOUS SAU KHI ĐƯỢC ĐỔI MỚI
Ban đầu, nous của nhiều người giống như cánh cửa sổ nhà bếp bị dầu mỡ bao phủ. Sau khi nous được đổi mới, nó giống như một cánh cửa sổ bằng kính sạch sẽ, ánh sáng mặt trời có thể chiếu qua được. Một người có nous đổi mới sẽ càng ngày càng trở nên trong sáng hơn, sẽ hiểu những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi ngày càng hơn. Nous của người ấy sẽ trở nên sắc bén và nhanh nhẹn hơn, và người ấy sẽ rất sáng tỏ về những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi. Nhiều Cơ Đốc nhân không hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời vì họ không có cơ quan tiếp nhận đúng đắn. Họ chỉ có thể suy luận, phỏng đoán và giả định, mà không thể hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng nếu nous đổi mới, cơ quan này sẽ làm cho một người có thể hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời ngày càng rõ ràng hơn.
Phán Đoán
La Mã 14:5 chép: “Người này coi ngày này hơn ngày khác, kẻ kia coi mọi ngày là như nhau. Ai nấy đều phải định chắc trong tâm trí mình”. “Tâm trí” trong câu này nghĩa là nous. Phao-lô nói rằng người này coi ngày này hơn ngày kia, và người khác nghĩ rằng mọi ngày đều như nhau. Chúng ta nên nhờ vào đâu để phán đoán điều gì đúng và điều gì sai? Những điều đó được phán đoán bởi nous của chúng ta. Chúng ta có thể phán đoán cách rõ ràng nhờ nous của mình. Nếu có một nan đề về ý muốn của Đức Chúa Trời, điều đó có thể được quyết định cách sáng tỏ nhờ nous.
Hiểu Kinh Thánh
Lu-ca 24:45 chép: “Rồi Ngài mở tâm trí của họ để hiểu Kinh Thánh”. Theo nguyên văn, tâm trí ở đây là nous. Chúa Giê-su mở nous của họ. Vì sao Ngài làm như vậy? Ngài làm vậy để họ hiểu Kinh Thánh. Xin hãy nhớ rằng Chúa Giê-su phải mở nous của chúng ta rồi chúng ta mới có thể hiểu Kinh Thánh. Khi nous được mở ra, kết quả là chúng ta hiểu Kinh Thánh. Mỗi khi đọc Kinh Thánh, anh em phải nói với Đức Chúa Trời: “Con xin hạ mình xuống trước mặt Ngài như một đứa trẻ. Con không biết hay hiểu ý nghĩa của phân đoạn Kinh Thánh này. Xin Chúa ban ánh sáng cho con”. Đức Chúa Trời sẽ ban cho anh em sự hiểu biết hoặc cho anh em sở hữu lẽ thật của Ngài, dầu không hẳn là Ngài sẽ ban cho ngay lúc anh em đọc. Thỉnh thoảng nous của anh em được mở ra, và anh em hiểu lẽ thật trong khi đang đi dạo, làm việc, đi ngủ hay thức dậy. Một khi Đức Chúa Trời mở anh em ra, [sự hiểu biết của] anh em sẽ ngày càng trở nên có “hệ thống” hơn. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi cũng như của những người khác, Đức Chúa Trời không bao giờ ban một lẽ thật không trọn vẹn cho con người. Ban đầu, khi đọc Kinh Thánh, có thể chúng ta nhận được những phần rời rạc, nhưng về sau, chúng ta sẽ hiểu toàn bộ lẽ thật từ Đức Chúa Trời. Chẳng hạn như tôi biết một người trong Chúa được lẽ thật về uy quyền bắt lấy mình suốt bốn hoặc năm tháng. Đức Chúa Trời liên tục bày tỏ cho anh mọi sự trong Kinh Thánh liên quan đến lẽ thật về uy quyền. Tuy nhiên, anh cũng nhận được những điều khác trong giờ thức canh mỗi sáng.
Rao Giảng
Có người từng hỏi tôi: “Chúng ta có cần phải chuẩn bị trước khi rao giảng không?” Tôi đáp: “Một mặt, chúng ta không cần phải chuẩn bị. Mặt khác, chúng ta cần phải chuẩn bị mỗi ngày”. Chúng ta nên nhận lãnh từ Đức Chúa Trời mỗi ngày. Chúng ta nên nhận lãnh lẽ thật Đức Chúa Trời khải thị cho mình trong nous của mình luôn luôn. Sau một thời gian dài, thậm chí đôi khi sau một thời gian ngắn, chúng ta sẽ biết và hiểu toàn bộ lẽ thật. Một bài giảng không đến chỉ do hai giờ chuẩn bị. Loại chuẩn bị này là vô ích. Nhiều người thuộc linh nhận lãnh từ Đức Chúa Trời những lẽ thật quan trọng, có hệ thống, rõ ràng hằng năm. Đức Chúa Trời bày tỏ cho họ lẽ thật trong nous họ và dùng những lẽ thật ấy nâng đỡ họ. Đồng thời, Ngài giúp họ đem những lẽ thật ấy đến với người khác để giúp đỡ và nâng đỡ những người ấy.
ĐIỀU KHIỂN T M TRÍ
Liên hệ đến tiến trình đổi mới, chúng ta cần làm công việc của mình, và Đức Chúa Trời sẽ làm công việc của Ngài. Sự đổi mới có thể được thực hiện ngay lập tức, hoặc có thể không được thực hiện ngay lập tức, nhưng phát triển [tiệm tiến] như một đứa bé [lớn lên]. Điều quan trọng nhất là tâm trí đổi mới của một người ở dưới sự điều khiển của chính người ấy. Người ấy có thể dừng lại khi muốn, hoặc có thể suy nghĩ khi muốn suy nghĩ. Một người cần phải điều khiển được chính mình cách tự phát. Sau khi tâm trí được đổi mới, người ấy không nên để những tư tưởng bên ngoài điều khiển mình. Nếu những tư tưởng bên ngoài điều khiển một người, tâm trí người ấy sẽ trở nên bệnh hoạn. Điều này không có nghĩa là người ấy nên phân tích tư tưởng của mình. Nếu phân tích tư tưởng mình, tâm trí người ấy sẽ bị tổn hại nặng nề. Sự điều khiển này cần được thực hiện cách rất tự phát, tự phát như việc nháy mắt. Mi mắt mở và đóng cách tự phát, chúng ta không cần suy nghĩ hay ra lệnh. Về việc điều khiển tư tưởng, ban đầu có lẽ chúng ta phải nỗ lực phần nào. Nhưng sau một thời gian, chúng ta không cần phải nỗ lực nữa, sự điều khiển sẽ diễn ra cách tự phát. Chúng ta cần phải điều khiển tư tưởng của mình. Tuy nhiên, điều này nên được thực hiện cách tự phát và tự nhiên hơn hết. Chúng ta không cần phân tích hay trở nên nội hướng. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ bị tổn hại và rơi vào tình trạng nguy hiểm. Đó là điều chúng ta nên chú ý.
[:]