DƯỚI CHÂN THẦY
Tác Giả
SADHU SUNDAR SINGH
Cuộc đời của Sadhu Sundar Singh
Bản dịch của Mục Sư và bà Arthur Parker từ nguyên tác tiếng Urdu do nhà xuất bản Fleming Revell, London xuất bản năm 1922
Ghi chú của dịch giả
Quyển sách nhỏ nầy được xuất bản đầu tiên bằng tiếng Urdu tại Ấn-độ, đồng thời cũng có một bản dịch tiếng Anh đi kèm.
Trong khi chuẩn bị bản dịch nầy, chúng tôi may mắn được hợp tác với chính tác giả, cùng với ông thực hiện một số sửa đổi nhằm mục đích loại bỏ những chổ tối nghĩa, thêm thắt một số điểm quan trọng và làm sáng tỏ những nơi nào cần thiết. Trong khi cố gắng thực hiện việc dịch thuật cẩn thận, nơi nào cần chúng tôi vẫn áp dụng cách dịch thoát để lột được nghĩa, đồng thời chúng tôi cẩn thận duy trì tinh thần cốt tủy và ý nghĩa nguyên thủy của bản chính.
Đối với những người được may mắn gặp Sadhu khi ông làm việc. Nhìn ông ngồi trên đất giữa đám đông người vây quanh cả nam lẫn nữ thuộc mọi thành phần hỏi han ông các vấn đề, ta thấy được hình ảnh đông-phương. Khó ai có thể quên được phong cách của ông trong những trường hợp đó. Cách diễn đạt đơn sơ và gần với đời thường của ông thường lột trần cốt lõi của một vấn đề tâm linh, tính hài hước ý nhị của ông thỉnh thoảng dấy lên những tràng cười thích thú, rồi lại lắng xuống trong một cảm giác kính cẩn khi người ta cảm nhận được ý nghĩa sâu nhiệm của lời giải đáp của ông.
Con người của ông, với một nhân cách thuần nhã, uy nghiêm, để lại một ấn tượng không phai trong trí người gặp. Không những ông chỉ để lại một hình ảnh thân mến trong ký ức, ông còn là một động lực thúc đẩy đời sống cho nhiều người hội tụ cùng với ông ngồi dưới chân Thầy.
Quyển sách nhỏ nầy xuất phát từ một tâm hồn đã được sửa dạy và tinh luyện bởi kinh nghiệm và sự suy niệm trong nguyện cầu, nó đã được Chúa của tình yêu và thương xót lựa chọn để bày tỏ Ngài bằng cuộc sống cũng như bằng lời nói.
Arthur Parker và Rebeca Parker
Lời tựa:
Tiếng phán: “Các ngươi gọi ta bằng Thầy bằng Chúa; các ngươi nói phải, vì ta thật vậy.” (Giăng 13:13)
“Hãy gánh lấy ách của ta và học theo ta, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghĩ.” (Ma-thi-ơ 11:29)
Trên đời nầy không có gì hoàn hảo không thể chê trách hoặc bình phẩm. Ánh măt trời đem cho chúng ta ánh sáng và hơi ấm cũng không tránh khỏi có những điểm đen, mặc dù những khuyết điểm đó nó không bỏ thường nhật của nó. Đối với chúng ta cũng vậy, tiếp tục thực hiện những công việc giao thác cho chúng ta bằng tất cả khả năng của mình và cố gắng không ngừng thì sẽ làm cho đời sống chúng ta kết quả.
Khi Thầy bày tỏ những lẽ thật trình bày trong sách nầy cho tôi thì những lẽ thật ấy ảnh hưởng rất sâu đậm trên đời sống tôi, những điều tôi học được tôi có dùng một phần trong các bài giảng và những buổi nói chuyện tại Âu Châu, Mỹ Châu, Phi Châu, Úc Châu, và Á Châu. Theo nhiều yêu cầu của nhiều bạn hữu, nay tôi đã sưu tập lại thành quyển sách nhỏ nầy, và mặc dầu có thể có nhiều khuyết điểm khi phát hành, tôi tin rằng những người đọc sách nầy với tinh thần cầu nguyện và một tâm trí không thiên kiến sẽ nhận được phúc hạnh như tôi đã từng nhận.
Những lẽ thật tôi nhận được tôi không thể nào diễn đạt nếu không dùng ngụ ngôn, bằng cách dùng ngụ ngôn công việc của tôi trở nên tương đối dễ dàng.
Tôi cầu mong rằng Đức Chúa Trời Đấng đã ban phước cho tôi qua những lẽ thật nầy bởi tình yêu, sự thương xót của Ngài cũng sẽ ban phước cho quí vị độc giả.
Tôi tớ hèn hạ của quí vị,
Sundar Singh
Phần Mở Đầu
KHẢI TƯỢNG THỨ NHẤT
Một đêm kia tôi đi vào rừng một mình để cầu nguyện, tôi ngồi trên một tảng đá và trình bày trước mặt Đức Chúa Trời những nhu cầu sâu thẳm của tôi, và khẩn cầu Ngài giúp đỡ. Sau một thỏi gian ngắn, tôi thấy một người nghèo tiến đến phía tôi, tôi nghĩ đó là người đến để xin tôi giúp đỡ vì ông ta đang đói và lạnh. Tôi bảo ông, “Tôi rất nghèo, ngoài cái chăn nầy tôi không có gì cả. Ông nên đi vào làng gần đây mà xin người ta giúp đỡ.” Và kìa! ngay trong khi tôi còn đang nói lời đó, ông như một tia chớp phóng ra, và đổ xuống những giọt ơn phước rào rạt, rồi lập tức biến mất. Than ôi! Trước đó tôi mới nhớ ra rằng đó chính là Thầy yêu dấu của tôi đã đến không phải để xin một tạo vật nghèo hèn như tôi, nhưng để ban phước và làm cho tôi giàu có ( II Cô-rin-tô 8: 9), tôi đã ngất đi, khóc lóc và than thở cho sự ngu muội thiếu sáng suốt của tôi.
KHẢI TƯỢNG THỨ HAI
Vào một ngày kia khi làm xong công việc, tôi lại đi vào rừng để cầu nguyện và ngồi trên tảng đá cũ và bắt đầu suy nghĩ xem tôi nên cầu xin những ơn phước nào. Trong khi nghĩ ngợi như vậy tôi thấy hình như có một người đến và đứng cạnh tôi. Theo cách ăn mặc và ăn nói của người đó, người đó có vẻ là một tôi tớ đáng kính, tận tụy với Đức Chúa Trời; nhưng con mắt ông ta láo liên đầy vẻ xảo quyệt, và khi ông ta nói hình như ông thở ra mùi của hòa ngục. Ông ta đến nói với tôi, “Thưa tôn sư, xin tha lỗi cho tôi đã quấy rầy giờ cầu nguyện của ngài, xen vào thì giờ riêng tư của ngài; nhưng bổn phận của con người là tìm cách giúp ích cho người khác thăng tiến, bởi vậy tôi đến đây để đặt một vấn đề quan trọng trước mặt ngài. Cuộc sống thanh bần và vô kỷ của ngài đã ghi ấn tượng sâu đậm chẳng những trên tôi mà còn trên vô số những người thành kính khác. Nhưng mặc dầu ngài đã hy sinh cả thể xác lẫn linh hồn cho người khác nhân danh Thượng-đế, ngài vẫn chưa được người ta nhìn nhận. Ý tôi muốn nói là nếu ngài là tín đồ cơ-đốc thì chỉ có vài ngàn cơ-đốc nhân chịu ảnh hưởng của ngài, trong số đó có người còn nghi ngờ ngài. Nếu ngài trở thành một người Ấn-Giáo hay Hồi-Giáo, và trở thành một lãnh tụ vĩ đại thì có phải tốt hơn không? người ta đang tìm kiếm một thủ lãnh tinh thần như vậy. Nếu ngài chịu chấp nhận đề nghị của tôi, thì 310.000.000 người Ấn-Giáo và Hồi Giáo sẽ trở thành đệ tử của ngài, và tôn kính ngài.” Tôi vừa nghe xong những lời đó thì miệng tôi bỗng thốt ra những lời nầy, “Hỡi Satan! Hãy đi khỏi đây. Ta biết ngay rằng ngươi chỉ là muông sói đội lốt cừu! ngươi chỉ muốn ta bỏ thập tự giá và con đường hẹp dẫn đến sự sống, và chọn lấy con đường khoảng khoát của sự chết. Thì ta, chính thầy ta, số phận và phần thưởng của ta, Ngài đã hiến sự sống mình vì ta; vì vậy ta cũng phải dâng hiến hy sinh sự sống của ta và tất cả những gì ta có cho Ngài vì Ngài là tất cả mọi sự cho ta. Vậy ngươi hãy đi đi. Ta không có phần gì với ngươi.”
Sau khi nghe những lời đó thì hắn ta bỏ đi càu nhàu và rít lên những tiếng giận dữ. Còn tôi, tuôn trào nước mắt, và trút đổ linh hồn mình ra trước Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện, “Kính lạy Chúa là Đức Chúa Trời của con, Ngài là tất cả mọi sự trong mọi sự của con, là sự sống trong cuộc sống con, là thần linh của tâm linh con, xin hãy thương xót nhìn xuống con và đổ đầy Thánh Linh của Ngài trong linh con để tâm hồn con không còn chỗ nào cho tình thương những điều gì khác ngoài ra Ngài. Con không tìm kiếm bất cứ một ân tứ nào khác nơi Ngài ngoài ra chính mình Ngài, là Đấng ban sự sống và tất cả mọi ơn phước trên đời. Con không cầu xin Ngài ban cho con cái gì thuộc về thế gian, con cũng không cầu xin Ngài ban cho con thiên đàng, nhưng con chỉ mong muốn có Ngài, ước ao được gặp Ngài, được ở nơi Ngài ở; vì nơi nào có Ngài đó là thiên đàng. Cơn đói khát của tâm hồn con chỉ có Ngài là Đấng sản sinh ra, là Đấng sinh thành ra con mới có thể làm thoả mãn được. Ôi, kính lạy Đấng Tạo Hóa của con! Ngài đã tạo dựng tâm hồn con cho chỉ riêng Ngài mà thôi, không phải cho thứ gì khác hay ai khác; bởi vậy tâm hồn con không thể nào được an nghĩ hay được thảnh thơi nếu không ở trong Ngài. Bởi vì Ngài đã tạo dựng nó, Ngài đặt trong nó sự khao khát được an nghĩ nầy. Xin hãy cất khỏi lòng con tất cả những gì đối nghịch Ngài, và xin bước vào và ngự trị ở đó mãi mãi. Amen!”
Khi tôi cầu nguyện xong đứng lên thì tôi nhìn thấy một Đấng rực rỡ với luồng ánh sáng toả ra rất là đẹp đẽ, đứng trước mặt tôi. Dầu Ngài không nói tiếng nào, và vì mắt tôi đẫm lệ tôi không thể thấy Ngài một cách rõ ràng, từ nơi Ngài phát ra những tia sáng giống như chớp nhoáng đầy tình yêu với sức sống rất mãnh liệt tràn vào lòng tôi và dầm thấm linh hồn tôi. Lập tức tôi biết ngay rằng chính Chúa Cứu Thế yêu dấu của tôi đang đứng trước mặt tôi. Tôi liền đứng dậy khỏi tảng đá nơi tôi đang ngồi và phủ phục dưới chân Ngài. Ngài đang cầm trong tay Ngài chiếc chìa khóa của lòng tôi. Ngài mở căn buồng bên trong lòng tôi bằng chiếc chìa khoá của tình yêu Ngài, và làm tràn đầy căn phòng đó bằng sự hiện diện của Ngài, đến nỗi tôi nhìn bất cứ đâu từ trong ra ngoài, tôi cũng chỉ thấy một mình Ngài mà thôi.
Lúc ấy tôi mới hiểu được tấm lòng con người chính là ngai và kinh đô của Đức Chúa Trời, và biết rằng khi Ngài bước vào ngự tại đó, thì thiên đường bắt đầu. Trong những giây phút ngắn ngủi đó Ngài tràn đầy lòng tôi, và nói những lời kỳ diệu, mà dầu tôi có viết cả hàng bao nhiêu pho sách cũng không thể nào kể hết được. Bởi vì những điều thuộc về thiên đàng chỉ có thể giải thích được bằng ngôn ngữ thiên đàng, mà ngôn ngữ trần gian không đủ để diễn tả được. Dầu vậy tôi sẽ cố gắng ghi lại một vài điều thuộc về thiên đường qua khải tượng mà vị Thầy đã ban cho tôi. Nơi tảng đá tôi ngồi trước kia thì chính Ngài ngồi lên đó, còn tôi thì ngồi dưới chân Ngài và tại đây bắt đầu cuộc đàm thoại giữa thầy và trò như sau đây.
Chương I
PHẦN 1
CÁCH THẾ BIỂU HIỆN SỰ HIỆN DIỆN CỦA Đức Chúa Trời
Môn đệ :
_ Kính thưa Thầy là Nguồn Của Sự Sống ! Tại sao Ngài giấu mặt Ngài khỏi những kẻ tôn thờ Ngài, và không cho đôi mắt những kẻ ao ước ngắm xem Ngài được vui thỏa
Thầy:
_1. Hỡi con chân thật của Ta, hạnh phúc thật không tuỳ thuộc vào những điều mắt thấy, nhưng đến từ mắt tâm linh và tấm lòng. Tại xứ Palestine hàng ngàn người đã nhìn thấy Ta, nhưng không có ai trong họ nhận được hạnh phúc thật. Con mắt trần tục chỉ có thể nhận biết được những điều trần tục, bởi vì con mắt xác thịt chẳng có thể nhìn được Thượng-đế bất tử và các Đấng thiêng liêng. Chẳng hạn chính con không thể nào nhìn được tâm linh của con, vậy thì làm sao con có thể nhìn được Đấng Tạo Hóa? Nhưng khi con mắt tâm linh mở ra, thì chắc chắn con có thể thấy được Đấng Thần Linh (Giăng 4:24), và những gì con thấy được nơi Ta không phải con thấy bằng mắt xác thịt, nhưng thấy bằng đôi mắt tâm linh.
Nếu, như con nói, hàng ngàn người đã thấy Ta tại Palestine vậy thì tất cả những người đó điều có con mắt tâm linh mở ra chăng, hay chính Ta đã trở thành con người tử vong? Câu trả lời là, Không! Ta đã mang lấy thể xác tử vong để Ta có thể trả giá chuộc tội lỗi cho nhân loại; và khi công tác cứu chuộc đã hoàn tất cho tội nhân (Giăng 19:30), lúc đó những gì bất tử sẽ biến đổi, những gì tử vong sẽ biến ra vinh quang. Như vậy sau khi phục sinh chỉ những kẻ nào đã nhận được nhãn quang tâm linh mới có thể thấy được Ta (Công Vụ 10: 40-41).
- 2. Nhiều người trong thế gian nầy biết về Ta, nhưng họ không biết Ta; đó là vì họ không có một mối liên hệ mật thiết với Ta, bởi vậy họ không có đức tin chân thật nơi Ta và không chấp nhận Ta là Chúa và Đấng Cứu Chuộc họ.
Cũng như có người nào đó nói với một người mù từ thuở sinh ra: về các màu sắc như đỏ, xanh, vàng. người mù tuyệt đối không biết được vẻ đẹp của các màu sắc đó, anh ta không thể nào định được giá trị của chúng nó; bởi vì anh ta chỉ biết về chúng và biết những tên gọi khác nhau của chúng. Nhưng đối với màu sắc chúng ta không thể nào quan niệm được ra sao cho đến khi mắt anh ta sáng ra. Cũng một cách ấy trước khi đôi mắt tâm linh của người ta được mở ra, thì dầu người đó có học thức bao nhiêu đi nữa, họ cũng không thể biết Ta, họ không thể nhìn thấy vinh quang của Ta, người ấy chẳng có thể hiểu rằng Ta là hiện thân của Thượng-đế.
- 3. Có nhiều người tín đồ ý thức được sự hiện diện của Ta trong lòng họ đem lại sự sống và bình an cho tâm linh nhưng không thể nhìn thấy Ta một cách rõ ràng. Cũng như con mắt có thể thấy được nhiều thứ, nhưng khi có người nhỏ thuốc vào mắt thì mắt không thấy được, nhưng người ấy cảm biết được sự hiện diện của thuốc làm sạch bên trong mắt và giúp cho thị giác được sáng sủa hơn.
- 4. Sự bình an thật phát sinh từ sự hiện diện của Ta trong tấm lòng của những người tin, họ không thể nào thấy được nhưng cảm nhận được quyền năng của sự hiện diện đó và sung sướng trong sự cảm nhận đó. Họ cũng không thể nào thấy bằng mắt trần cái hạnh phúc trong tâm trí hoặc tấm lòng khi họ vui hưởng sự bình an trong sự hiện diện của ta. Nó cũng giống như cái lưỡi và miếng thịt ngon ngọt. Khả năng của vị giác nằm trong lưỡi giống như cái cảm giác ngọt lưỡi nhận biết được cả hai điều vô hình. Cũng vậy Ta ban cho con cái Ta sự sống và niềm vui bằng mana giấu kín, mà thế gian với tất cả sự khôn ngoan của nó không biết và cũng không thể nào biết được (Khải Huyền 2:7).
- 5. Khi người ta bị đau ốm, thì vị giác của lưỡi bị ảnh hưởng, trong thỏi gian đó dầu thức ăn có ngon ngọt đến đâu đem cho người bệnh, người ấy cũng thấy đắng miệng. Cũng vậy tội lỗi ảnh hưởng đến vị giác đối với những vấn đề tâm linh. Trong những trường hợp như vậy, lời Ta và sự hiện diện của Ta không còn hấp dẫn đối với tội nhân, thay vì nhờ đó mà được phước thì họ lại lý luận và phê phán những điều đó.
- 6. Như một bà mẹ kia ẩn trốn trong một ngôi vườn đầy những bụi rậm, đứa bé con của bà chạy đi tìm mẹ khắp nơi vừa đi, vừa khóc. Nó đi khắp khu vườn nhưng không thể tìm được mẹ. Một người đầy tớ bảo nó, “Cưng ơi, đừng khóc! Hãy coi những trái xoài chín ở trên cây và biết bao nhiêu hoa đẹp ở trong vườn. Đến đây, ta sẽ hái cho con những thứ đó.” Nhưng đứa trẻ la lớn, “Không! Không! Con chỉ muốn mẹ con. Đồ ăn của mẹ cho con ngon hơn tất cả những trái xoài chín nầy, tình thương của bà dịu dàng hơn tất cả những bông hoa nầy. người đầy tớ tiếp, “con không biết rằng tất cả ngôi vườn nầy là của con, vì tất cả những gì mẹ con có điều là của con. Không! Con chỉ muốn mẹ con thôi!” Khi bà mẹ núp trong bụi cây nghe vậy, bà vụt chạy ra ẳm đứa con lên ngực mình, hôn lia lịa, thì ngôi vườn trở thành một thiên đường cho đứa bé. Cũng một thể ấy con cái Ta không thể tìm thấy niềm vui chân thật trong ngôi vườn thế gian vĩ đại nầy đầy dẫy những thứ đẹp đẽ đáng yêu, cho đến khi họ gặp được Ta. Ta là Emmanuel, Ta luôn luôn ở với họ, và tỏ cho họ biết Ta (Giăng 14:21).
- 7. Cũng như miếng xốp nằm trong nước, thì nước thấm trọn cả miếng xốp, nhưng nước không phải là miếng xốp và miếng xốp không phải là nước, chúng vẫn là 2 thứ khác biệt, cũng vậy con cái Ta ở trong Ta và Ta ở trong họ. Đây không phải là phiếm thần giáo, nhưng đó là nước Đức Chúa Trời, nước ấy thành hình trong lòng những con người ở trong thế gian nầy; và cũng như nước thấm đầy miếng xốp, Ta ở trong mọi nơi và trong mọi sự, nhưng họ không phải là Ta (Luca 17:21).
- 8. Hãy cầm lấy một hòn than, dù ngươi có rửa cách nào đi nữa, nó cũng không thể nào mất được màu đen, nhưng hãy để lửa thiêu đốt nó thì màu đen sẽ biến mất. Cũng vậy khi tội nhân nhận lãnh Đức Thánh Linh (Ngài cũng là Đức Chúa Cha và chính Ta, bởi vì Đức Chúa Cha với Ta là một), ấy là báp têm bằng lửa, thì tất cả màu đen của tội lỗi sẽ biến mất, và người ấy sẽ trở thành ánh sáng của thế gian (Ma-thi-ơ 3:11, 14). Giống như lửa trong cục than, Ta ở trong con cái Ta và họ ở trong Ta, và Ta tỏ mình cho thế gian.
PHẦN 2
Môn đệ:
_Thưa Thầy, nếu Thầy thị hiện chính mình một cách đặc biệt cho thế gian, người ta sẽ không còn nghi ngờ sự hiện hữu của Thượng-đế và thần tánh của Ngài, nhưng tất cả mọi người sẽ tin và đi trong đường công chính.
Thầy:
1. Hỡi con, Ta biết rõ tình trạng bên trong của con người, và tuỳ theo nhu cầu của mỗi tấm lòng Ta tỏ mình cho họ; Ta đã đem người ta vào con đường công chính, không có cách gì tốt hơn là bày tỏ chính mình Ta. Vì loài người Ta đã trở thành con người để họ biết Đức Chúa Trời, không phải như một Đấng xa lạ đáng sợ, nhưng đầy tình thương và giống như họ thay vì họ giống Ngài và được tạo dựng theo hình ảnh Ngài.
Con người có một ước muốn tự nhiên được nhìn thấy Đấng mình tin và yêu mến. Nhưng không ai có thể thấy Đức Chúa Cha được, bởi vì bản thể của Ngài là bất khả niệm, và ai muốn hiểu biết Ngài thì phải có cùng bản thể với Ngài. Nhưng con người là một tạo vật khả niệm, và như vậy họ không thể nào thấy được Đức Chúa Trời. Tuy nhiên bởi vì Đức Chúa Trời là Tình Yêu và Ngài đã ban cho con người khả năng yêu thương, cho nên để làm thọa mãn nỗi khao khát yêu thương đó, Ngài đã mang lấy hình hài con người có thể nhận biết được. Như vậy Ngài đã trở thành người, để tất cả con cái Ngài cùng các thiên sứ thánh có thể thấy Ngài và vui hưởng Ngài (Cô-lô-se 1:15, 2:9). Bởi vậy Ta đã nói rằng ai thấy Ta tức là đã thấy Cha (Giăng 14:9-10). Mặc dầu khi mang lấy hình thể con người, Ta được gọi là Con, Ta vẫn là Cha mãi mãi (Ê-sai 9:6).
2. Ta và Cha và Đức Thánh Linh là một. Giống như trong mặt trời có cả hơi nóng và ánh sáng, nhưng ánh sáng không phải là hơi nóng, và hơi nóng không phải là ánh sáng, nhưng cả hai là một, chúng mang những hình thái khác nhau cũng vậy Ta và Đức Thánh Linh ra từ Đức Chúa Cha mang ánh sáng và hơi nóng cho thế gian. Thánh Linh, tức là báp têm bằng lửa, đốt thiêu ra tro tất cả những gì tội lỗi vi phạm trong tấm lòng người tin, làm cho họ được tinh sạch và thánh khiết. Ta là Ánh Sáng Thật (Giăng 1:9, 8:12), làm tiêu tan mọi ước muốn đen tối và xấu xa, và hướng dẫn họ trong đường công chính cuối cùng đem họ vào nhà đời đời. Tuy nhiên chúng ta không phải là ba nhưng là một, cũng như mặt trời chỉ có một mà thôi.
3. Những năng lực, những khả năng tốt đẹp và những gì có giá trị mà Đức Chúa Trời ban cho con người cần phải được đem ra thực hành, nếu không chúng sẽ dần dần tàn lụi và chết đi. Cũng vậy, nếu đức tin không thật sự chú mục vào Đức Chúa Trời Hằng Sống, khi va chạm với tội lỗi nó sẽ tan rã và biến thành hoài nghi. Thường thường chúng ta nghe người ta nói như thế nầy, “Nếu nỗi nghi ngờ nầy trong tôi được cất đi thì tôi sẵn sàng tin.” Nói vậy cũng như một người bị gãy chân yêu cầu bác sĩ cất cơn đau của mình đi trước khi sửa chữa cái chân. Làm như vậy là điên dại, bởi vì cơn đau là do chân gãy mà ra, khi nào cái chân được chữa lành thì tự nhiên cơn đau sẽ hết. Cũng vậy bởi tội lỗi, mối liên hệ của con người với Đức Chúa Trời bị cắt đứt, và sự nghi ngờ tức là những cơn đau thuộc linh đã nổi lên. Như vậy ta cần nối lại sự liên hiệp với Đức Chúa Trời trước hết, rồi những nỗi nghi ngờ về thần tính của Ta và sự thực hữu của Đức Chúa Trời tự nhiên sẽ tan biến. Khi đó thay vì cơn đau thì một niềm bình an kỳ diệu sẽ đến, sự bình an mà thế gian không thể cho cũng không lấy đi được. Như vậy bởi vì Ta đã mang xác thịt, hầu cho Đức Chúa Trời và con người què quặt đáng thương có thể liên hiệp trở lại, và để họ được hưởng hạnh phúc với Ngài nơi thiên-đàng mãi mãi.
4. Đức Chúa Trời là tình thương, và Ngài đã đặt trong mỗi tạo vật sống khả năng thương yêu, nhưng đặc biệt là trong con người. Như vậy Đấng yêu thương đã ban cho chúng ta sự sống, lý trí và tình thương đáng cho chúng ta đền đáp bằng tình thương. Ngài muốn điều đó cho tất cả những kẻ được Ngài tạo dựng, và nếu tình yêu đó không được sử dụng đúng cách, nếu chúng ta không yêu thương Ngài với tất cả tấm lòng, linh hồn, tâm trí, và sức lực, thì tình thương đó rơi khỏi địa vị cao quí và trở thành ích kỷ. Như vậy nó sẽ đem lại tai họa cho chúng ta và cho các tạo vật khác của Đức Chúa Trời. Điều lạ là mỗi người vị kỷ sẽ trở thành kẻ tự đâm vào mình.
Ta cũng đã nói về điều nầy rằng, “Hãy yêu kẻ lân cận như mình.” Mặc dầu theo nghĩa rộng tất cả mọi người trên đời điều là lân cận của nhau, nhưng câu nầy nói đặc biệt đề cập đến những người sống bên cạnh nhau, bởi vì khi ở gần nhau chỉ một vài ngày thôi thì rất dễ sống hòa bình với nhau dầu rằng người ta không lấy gì làm thân thiện với nhau; nhưng trường hợp người đang sống gần con mà ngày này qua ngày khác cứ gây phiền toái cho con, thì thật là khó chịu nổi, khó chịu đựng được và yêu thương họ như chính mình. Nhưng một khi con đã thắng được cuộc phấn đấu lớn nầy thì con sẽ thấy dễ dàng yêu thương mọi người khác như chính mình. Khi một người yêu thương Đức Chúa Trời với tất cả tấm lòng, tâm trí, và linh hồn thì yêu người lân cận như chính mình thì không có gì là khó Nước Đức Chúa Trời được thiết lập vững vàng trong người ấy sẽ không hề cùng và người ấy sẽ được tan chảy và khuôn đúc trong lửa yêu thương, nắn đúc theo hình ảnh của Cha Thiên Thượng là Đấng đã tạo dựng người ấy.
5. Ta cũng hiển thị chính mình Ta bằng Lời Ta (Kinh-Thánh) cho những kẻ chân thành tìm kiếm Ta. Cũng như để cứu rỗi loài người Ta đã mặc lấy thể xác của con người, thì Lời Ta cũng vậy, là Thần Linh và Sự Sống (Giăng 6:63) được viết bằng ngôn ngữ của con người, nghĩa là trong đó có kết hợp cả yếu tố thần cảm lẫn yếu tố con người. Cũng như người ta không hiểu được Ta, họ cũng không hiểu được Lời-Ta. Khi hiểu được Lời Ta, không cần phải học các thứ cổ ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp, nhưng cần phải có sự hiệp thông với Đức Thánh Linh là Đấng ngự trong các vị tiên tri và sứ đồ những người đã viết ra Kinh Thánh. Hiển nhiên ngôn ngữ của Lời-Ta là thuộc linh, nên chỉ những kẻ nào được sanh bởi Thánh Linh mới có thể hiểu được trọn vẹn, dầu họ bị thế gian chỉ trích hay chỉ là một đứa bé, thì thứ ngôn ngữ thuộc linh đó là tiếng mẹ đẻ của họ nên họ hiểu dễ dàng. Nhưng nên nhớ rằng những kẻ có sự khôn ngoan của đời nầy không thể nào hiểu được Lời-Ta, bởi vì họ không có phần nào trong Thánh-Linh cả.
6. Trong quyển sách thiên nhiên mà chính Ta cũng là Tác-Giả, Ta đã hiển thị chính mình cách rõ ràng. Nhưng muốn đọc được sách nầy thì cũng phải có thị giác thuộc linh, thì người ta mới có thể gặp được Ta, nếu không họ sẽ có nguy cơ đi lạc thay vì gặp được Ta.
Cũng như người mù dùng đầu ngón tay của mình thay cho con mắt, họ chỉ dùng xúc giác để đọc quyển sách, nhưng chỉ với xúc giác họ không thể nào biết rõ được hoàn toàn sự thật. Đó là cách nghiên cứu điều tra của những nhà hoài nghi, họ chỉ thấy những khuyết điểm thay vì sự toàn vẹn trong quyển sách thiên nhiên của Đức Chúa Trời. Những nhà phê bình thường hỏi : “Nếu quả thật Đấng Tạo Hóa toàn năng tạo dựng thế giới nầy tại sao có nhiều khuyết điểm như vậy, như bão tố, động đất, đau đớn, khổ sở, chết chóc v.v…?” Cái ngu dại của Lời chỉ trích đó cũng giống như một người ít học đứng nhìn một kiến trúc xây chưa xong hay là một bức tranh dở dang chê bai nó. Sau một thời gian khi anh ta thấy tòa nhà hay bức tranh được hoàn thành, anh ta mới hổ thẹn về sự dại dột của mình và cất tiếng ca ngợi. Cũng vậy, không phải chỉ một ngày Đức Chúa Trời ban cho thế giới hình thể hiện tại, cũng không phải một ngày mà thế giới có thể đạt đến điểm toàn vẹn. Toàn thể tạo vật đang hướng đến chỗ toàn vẹn, và nếu một người trần có thể nhìn xa được bằng con mắt của Đức Chúa Trời thấy được thế giới toàn vẹn không khuyết điểm xuất hiện, thì người đó phải cúi đầu trước mặt Ngài ca ngợi Ngài và nói rằng, “mọi sự điều tốt lành” (Sáng Thế Ký 1:31).
7. Tâm linh con người ở trong thân thể cũng giống như con gà ở trong vỏ trứng, nếu có cách nào bảo con gà đang ở trong vỏ trứng rằng bên ngoài nó có một thế giới vĩ đại với tất cả những hoa thơm, cỏ lạ, những trái cây ngon ngọt, có sông suối, núi non, và mẹ nó cũng đang ở trong thế giới đó; nó cũng sẽ thấy được thế giới đó khi được giải thoát khỏi cái vỏ trứng, thì nó không thể hiểu được hay tin được. Ngay cả nếu có người bảo nó rằng bộ lông, đôi mắt của nó bây giờ đã thành hình để sử dụng một ngày kia nó sẽ dùng để nhìn và để bay, thì chắc nó cũng không tin, và cũng không có cách nào để chứng minh cho nó được cho đến khi nó ra khỏi vỏ trứng.
Cũng một thể ấy nhiều người không biết chắc là có cuộc sống tương lai hay không; hay Đức Chúa Trời có thật hay không? Bởi vì họ không thể nào nhìn qua khỏi cái vỏ thể xác trần gian, những tư tưởng của họ giống như đôi cánh mỏng manh không thể nào đưa họ ra khỏi ranh giới hạn hẹp của trí não. Cái mắt yếu ớt của họ không thể nào khám phá được những kho tàng đời đời vô tận của Đức Chúa Trời đã sửa soạn cho những kẻ yêu mến Ngài (Ê-Sai 64:4,65:17). Điều kiện cần thiết để đạt được sự sống đời đời là thế nầy: Ấy là trong khi vẫn còn ở trong thân thể nầy chúng ta cần phải để đức tin nhận từ nơi Đức Thánh Linh hơi ấm của sự sống mà con gà con nhận được từ mẹ nó, nếu không thì sẽ có nguy cơ bị chết và hư mất đời đời.
8. Có nhiều người nói rằng sự vật hay là sự sống đã có một khởi đầu thì tất nhiên phải có điểm chấm dứt. Điều đó không đúng, bởi vì Đấng Toàn Năng đã có thể tự ý Ngài tạo dựng một sự vật từ chỗ không không, thì cũng bởi quyền năng của Lời-Ngài lại chẳng có thể ban được sự bất tử cho tạo vật của Ngài sao? Nếu không thì không thể gọi Ngài là Đấng Toàn Năng được. Sự sống trên đời nầy dường như chịu qui luật của sự hư hoại và huỷ diệt, bởi vì nó phụ thuộc vào những thứ nằm trong qui luật huỷ diệt và hư nát. Nhưng nếu sự sống đó thoát khỏi những ảnh hưởng biến dịch và hư nát, và được đặt dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời bất biến vĩnh cửu, là nguồn của sự sống đời đời, thì nó sẽ thoát được móng vuốt của sự chết và đạt được sự vĩnh cửu.
Về phần những kẻ nào tin Ta, “Ta ban cho họ sự sống đời đời, họ sẽ không bị hư mất, và chẳng ai cướp họ khỏi tay Ta” (Giăng 10:28).
“Ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng Đấng đã có, hiện có và còn đến” (Khải Huyền 1:8 ).