Bài 12
SỰ VÔ TỘI CỦA ĐẤNG CHRIST.
LỜI GIỚI THIỆU:
Chúng ta đã học biết Chúa Jêsus được sinh ra vô nhiễm nguyên tội không có bản tính tội lỗi, do sự kiện Ngài giáng sinh bởi trinh nữ, sự việc nầy không theo công lệ loài người.
Trong bài học nầy, chúng ta bước thêm một bước và tỏ rằng Chúa Jêsus đã sống cả đời vô tội. Ngài sống và chết không dính dấp một tội nào. Sự thật,Chúa Jêsus không phải là người pha nữa Trời, nữa người. Ngài là con người thực và là Trời thực, không phải là sự trộn lẫn giữa 2 bản tính.
Hai bản tính của Chúa Jêsus được phân biệt trong mọi khía cạnh. Ngài là người lý tưởng, Ngài là người bình thường nhưng trọn vẹn, Ngài vô tội.
I. Ý NGHĨA SỰ VÔ TỘI CỦA ĐẤNG CHRIST.
Sự vô tội là một mơ ước làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Hê-bơ-rơ 10:7 “Tôi đến làm theo ý muốn Chúa”; Giăng 14;7 “Ta đã làm xong công việc Cha giao cho Ta.” Tội là chủ trương đối nghịch ý chí Chúa và thỏa hiệp với con đường tội lỗi. Tội ở bên ngoài (dối, cắp, giết người) nhưng cũng ở bên trong nữa. Ma-thi-ơ 15:19 tư tưởng xấu trong lòng là gốc rễ của hành động xấu. Chúa Jêsus vô tội cả trong lẫn ngoài. Ngài hoàn toàn Thánh ở trong mọi giờ, mọi lúc. Hê-bơ-rơ 7:26 mô tả sự vô tội của Đấng Christ. Phi-e-rơ mô tả sự vô tội nầy như chiên con không tì, không vít 1 Phi-e-rơ 1:19. Ý tưởng nầy lại xuất hiện ở Hê-bơ-rơ 9:14.
II. SỰ KIỆN VÔ TỘI CỦA ĐẤNG CHRIST.
Trong Công vụ 4:27-30. Mô tả con trẻ thánh nghĩa là từ nhỏ Chúa là người Thánh, vô tội. ma quỉ thừa Chúa Jêsus là Đấng thánh của Đức Chúa Trời (Mác 1:24, Lu-ca 4:34)
Bằng cớ mạnh mẽ nhất về sự vô tội của Đấng Christ không phải là lời chứng của ma quỉ nhưng là Lời hằng sống của Đức Chúa Trời. Chúng ta tin Lời của Đức Chúa Trời là thật.
I Phi-e-rơ 2:21,22.
I Giăng 3:5.
2 Cô-rinh-tô 5:21.
Hê-bơ-rơ 4:15.
I Giăng 3:3.
III. LỜI CHỨNG LIÊN HỆ ĐẾN SỰ VÔ TỘI CỦA ĐẤNG CHRIST.
1. Chúa tự chứng. Ngài thấy tội nơi người khác nhưng tự thấy mình vô tội. Giăng 8:46. Chúa chưa hề thú tội hay xin tha tội. Ngài không hề có tư tưởng xấu nào.
2. Pontius Pilate là người xét xử Chúa Jêsus và nói: Ta không thấy người có tội lỗi chi cả Giăng 18:38.
3. Bà vợ Phi-lát: Là vợ của quan tổng trấn La mã, chưa hề có quan hệ gì với Chúa, nhưng bà nằm mơ và nói với chồng: Đừng làm hại người thánh và công bình đó (Ma-thi-ơ 27:19).
4. Tên cướp trên thập tự giá Lu-ca 23:41.
5. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là một môn đệ thân cận, ăn ngủ gần Chúa và nói chuyện với Ngài. Sau khi đã phản bội nộp Chúa với 30 miếng bạc đã tự chứng “tôi đã phạm tội với huyết vô tội “Ma-thi-ơ 27:4.
6. Đội trưởng lính La mã Lu-ca 23:47. Một người cứng cỏi chỉ huy cuộc hành hình đã chứng: Thật là một người công bình.
IV. CÁC LÝ LẼ CHỐNG LẠI SỰ VÔ TỘI CỦA CHÚA JÊSUS.
1. Một số người từ chối sự vô tội.
2. Một số người nghĩ rằng vì Chúa bị cám dỗ nên Ngài phải mắc tội. – Sự cám dỗ tự nó không phải là tội, chính sự chiều theo cám dỗ mới là tội. Chúa Jêsus bị cám dỗ đủ cách nhưng Ngài không sa vào chước cám dỗ.
3. Một số lý luận rằng theo sự cám dỗ trong Ma-thi-ơ 4:1-14 rằng nếu Jêsus là trọn lành thì sự cám dỗ không thực tế. Làm thế nào một Người trọn vẹn có thể bị cám dỗ? A-đam và Ê-va được dựng nên trọn vẹn không có nguyên tội, họ bị cám dỗ và đã sa ngã, điều đó cho thấy sự cám dỗ là thật, thật ngay cả đối với người trọn vẹn.
4. Một số người nói, làm thế nào tội lỗi xâm nhập vào nơi không có hướng về tội ác hay yếu đuối đối với tội? A-đam và Ê-va đã phạm tội vì họ muốn trở thành như các vị thần, vì ý niệm trưởng thành và phát triển. Sự cám dỗ là thật và họ đã phạm tội, nếu Ngài muốn, vì Ngài là người trọn vẹn. Sự chiến thắng của Chúa là tuyệt đối và hoàn toàn vì Ngài không một lần nào đầu phục, chiều theo tội lỗi.
V. HẬU QUẢ VIỆC TỪ CHỐI SỰ VÔ TỘI CỦA JÊSUS:
Nếu Jêsus có tội, Ngài phải chịu chết trên thập giá vì tội của mình và chúng ta cứ ở trong tội lỗi. Nếu Jêsus có tội thì Ngài không phải là con Đức Chúa Trời hay là Chúa Cứu thế. Nếu Jêsus có tội thì Ngài không thể làm một sinh tế trên thập tự giá. Nếu Jêsus có tội thì Hội thánh Ngài được xây trên cát lún chẳng bao lâu sẽ bị hư hoại.
Khước từ sự vô tội của Đấng Christ là loại Đấng cứu thế và sự cứu rỗi ra khỏi loài người. Ngợi khen Đức Chúa Trời vì Kinh thánh nói rằng Chúa Jêsus vô tội và ngày nay chúng ta có sự cứu rỗi.
VI. SỰ BÀY TỎ TÍNH VÔ TỘI CỦA CHÚA JÊSUS:
Sự vô tội của Chúa Jêsus được thể hiện trong hai phương diện:
1. Tiêu cực: Ngài không bao giờ suy nghĩ, nói năng hoặc hành động tội lỗi nào.
2. Tích cực: Ngài luôn luôn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời trong tư tưởng, lời nói và việc làm.
Sự thánh khiết Ngài cũng có hai mặt:
1. Ngài yêu sự thánh khiết.
2. Ngài ghét tội lỗi.
Chúa Jêsus quân bình trọn vẹn vì Ngài làm trọn mọi khía cạnh của sự vô tội.
VII. KẾT QUẢ SỰ VÔ TỘI CỦA ĐẤNG CHRIST:
Là người vô tội Ngài là sự khải thị trọn vẹn về Đức Chúa Trời cho nhân loại. Là người vô tội, Ngài bảo đảm là Đấng trung bảo trọn vẹn. Ngài trở nên giống như loài người, chịu cám dỗ mọi bề và Ngài đã đắc thắng. Là người vô tội Ngài trở nên sinh tế được Đức Chúa Trời tiếp nhận trên thập giá đền tội chúng ta. “Ngài đi trước để lại chúng ta một gương hầu chúng ta noi dấu chơn Ngài I Phi-e-rơ 2:21-22. Con đường thiên đàng mở rộng trước mắt chúng ta nhờ Chúa Cứu thế vô tội.
KẾT LUẬN:
Chúng ta hãy trỗi dậy ca ngợi Đức Chúa Trời, vỉ ngài đã đến vô nhiễm nguyên tội và trở về trời không hề phạm tội vì Ngài sống đời sống đạo đức trọn lành.
Chúng ta hãy cúi đầu thờ phượng Chúa, ca ngợi, tôn thờ Ngài vì sự chiến thắng diệu kỳ nầy. Đây là sứ điệp kỳ diệu cho nhân loại đang bị trói buộc bởi xích xiềng tội lỗi, ham muốn, dục vọng xấu xa. Sự tự do và đắc thắng qua Chúa Cứu thế đắc thắng trọn vẹn.
Câu hỏi ôn:
1. Vì Jêsus có một mẹ là người và một Cha thiên thượng, vậy Ngài có bị trộn lẫn không? giải thích.
2. Sự vô tội của Đấng Christ có nghĩa gì?
3. Câu Kinh Thánh chính chứng minh Jêsus vô tội?
4. Kể 5 chứng nhân và lời chứng của họ về sự vô tội của Đấng Christ.
5. Chúa có thể phạm tội trong sự cám dỗ chép ở Ma-thi-ơ 4:1-14 không? tại sao?
6. Jêsus có phải là Đấng trọn lành duy nhất từng bị cám dỗ không? còn ai nữa?
7. Nếu tìm thấy tội lỗi nơi Đấng Christ thì các hậu quả sẽ ra sao?
8. Sự thể hiện hai mặt về sự vô tội của Đấng Christ là gì?
9. Kể tên 3 kết quả do sự vô tội của Đấng Christ mang lại?
10. Đây là giáo lý nhỏ hay lớn trong Kinh Thánh? tại sao?