HÃY THÁO BỎ NHỮNG XIỀNG XÍCH CỦA BẠN
Một nhóm người hay đùa giỡn ác ý tặng cho người bạn một dây xích sắt to cột thêm một hòn sắt nặng 50 cân ở đầu dây nữa. Họ xích đầu dây kia vào chân anh bạn ấy rồi ném chìa khóa đi. Họ trêu anh ta: “Nào! Bây giờ xem anh chạy nhanh cỡ nào!”, không do dự, người bị xiềng bê hòn sắt lên, kẹp vào nách và bắt đầu đi, không lấy gì làm khó khăn lắm. Toét miệng cười, anh ta nói: “Cám ơn các bạn rất nhiều. Đây đúng là thứ tôi luôn ao ước đấy, dây xích với hòn sắt của riêng tôi”.
Bạn đã từng gặp ai thích bị xiềng chưa. Có lẽ tôi nên hỏi: Bạn có thích bị xiềng không? Trong thư gởi cho người Hê-bơ-rơ, tác giả viết: “Chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta” (HeDt 12:1).
Hầu hết Cơ Đốc nhân chúng ta đã bỏ đi những tội lỗi tỏ tường như trộm cắp, giết người, ngoại tình. Còn những gì chúng ta chưa từ bỏ thường được giấu trong trí và trong lòng. Đó có thể là thái độ của chúng ta đối với những tay trộm cắp, giết người và ngoại tình.
Chúa Giê-xu chỉ cho chúng ta biết nguồn gốc những vấn đề của chúng ta nằm trong những tư tưởng kín giấu không thấy được trong lòng chúng ta. Ngài nói: “Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối và lộng ngôn” (Mat Mt 15:19).
Giống anh bạn mang xiềng xích có hòn sắt, chúng ta bảo rằng có thể sống thoải mái với những gánh nặng thêm vào. Chúng ta bào chữa: “Tôi chỉ là một con người với những yếu đuối nhưng ít ra tôi cũng không đến nỗi tồi tệ như người kia”. Chúng ta có thể làm thế trong một thời gian ngắn nhưng rồi sẽ có ngày Đức Chúa Trời buộc chúng ta phải chú ý đến sự yếu đuối của chúng ta.
Trong nhiều năm tôi phải tranh chiến với những tư tưởng bất chính, những giấc mơ dâm dục. Điều nầy làm tôi luôn luôn có mặc cảm tội lỗi và tôi cầu xin Chúa tha thứ, giải thoát tôi khỏi sự cám dỗ, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Đó là cái vòng lẩn quẩn và tôi nghĩ chắc mình phải sống với nó suốt đời.
Rồi một ngày kia tôi nhận ra rằng điều nan giải nhất với con người chúng ta chính là điều Đức Chúa Trời muốn làm cho chúng ta. Nếu tôi thật sự muốn từ bỏ những tư tưởng bất chính của mình, Chúa sẽ cất bỏ chúng và thay vào đó những tư tưởng của Christ. “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” (Phi Pl 2:5).
Dĩ nhiên tôi lập tức thưa với Chúa: “Chúa biết là con chỉ muốn có những tư tưởng thánh khiết”. Nhưng rồi một ý tưởng nẩy sinh: “Tôi có sẵn lòng để cho tất cả tư tưởng của mình được chiếu trên một màn ảnh cho mọi người thấy không?”
Tôi thấy người nóng bừng lên. Nếu tôi muốn giữ lại một tư tưởng xấu, chỉ trong giây lát thôi, trước khi từ bỏ nó thì sao? Bất ngờ tôi thấy mình không còn dám chắc là sẵn sàng dâng mọi tư tưởng cho Chúa.
Vấn đề của tôi không còn là một tội lỗi tôi không ngăn chặn được, nhưng là một tội lỗi mà tôi không chắc rằng mình có muốn ngăn chặn nó. Trước đây, tôi tự coi mình như một nạn nhân không may của ma quỉ và nài xin Chúa giải thoát. Bây giờ Ngài cho biết là tôi có thể được giải thoát ngay tức khắc nếu tôi thật lòng muốn. Lẽ thật trong những lời Gia-cơ nói bừng lên trong trí tôi: “Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình”.
Tôi phải xấu hổ thừa nhận rằng thật sự tôi đã thích thú với những tư tưởng kín giấu nầy. Dứt bỏ chúng thật ra không dễ dàng, Sa-tan cứ luôn miệng thì thầm vào tai tôi là kể từ giờ phút nầy trở đi đời sống tôi sẽ buồn tẻ. Cuối cùng tôi có thể nói: “Lạy Chúa, con cám ơn Ngài vì tất cả những ý nghĩ nầy đã dạy con biết sự thật về chính con. Bây giờ, xin Ngài tha thứ cho con, xin hãy chiếm hữu tâm trí con. Con xin dâng cho Ngài và nếu muốn chiếu lên màn ảnh những tư tưởng của con thì con cũng bằng lòng, chỉ xin cho con có tâm trí của Đấng Christ”.
Luôn luôn là vậy, những lời thì thầm của Sa-tan là hoàn toàn vô căn cứ. Thay vì buồn chán, tôi đã kinh nghiệm sự nhẹ nhàng tuyệt vời; và từ đó, bất cứ khi nào tôi nhìn thấy một cô gái đẹp, tôi chỉ còn cảm thấy tràn ngập niềm vui và lòng biết ơn. Mỗi khi tôi ý thức được niềm vui mới, trong sạch mà Chúa ban cho, nước mắt tôi trào ra. Bây giờ tôi có thể thưởng thức được vẻ đẹp nơi những tạo vật của Đức Chúa Trời mà trước đây đã bị những tư tưởng không xứng đáng của tôi làm hoen ố đi.
Tôi muốn chia xẻ sự tự do mới của mình với các nam tín hữu trong Hội Thánh, và khi chuẩn bị cho buổi họp mặt ấy thì sự đen tối nặng nề bao trùm căn phòng. Dường như chính ma quỉ bước vào và nói: “Đừng nói về vấn đề đó, đây là lãnh vực của ta, đừng xen vào!”
Khi đứng trước các tín hữu, cổ họng tôi khô lại và nói ra một cách khó khăn. Nhưng tôi có thể kể cho họ thử thách mà chính tôi từng trải, nhiều người đã theo tôi mà dâng cho Chúa tư tưởng của họ.
Ngày hôm sau, Mary và tôi bay đến Indiana trong một chuyến đi diễn thuyết. Ở đó chúng tôi gặp Gene và Vivian Leak, những người bạn tốt. Gene dẫn tôi ra nông trại của ông để xem một thiết bị mới: một cái quạt khổng lồ để sấy khô. Tôi cúi xuống quan sát kỹ, lúc đó Gene vặn quạt và một con chuột núp trong đó bị xé tan, nguyên cả đống đó văng vào người tôi. Khi máu me, ruột gan bắn vào cả mặt mũi lẫn miệng và chảy xuống áo sơ-mi sạch sẽ của tôi, dường như tôi nghe tiếng ma quỉ ranh mãnh nói trong tai tôi: “Đó là điều ngươi phải gánh chịu vì đã dám xâm phạm lãnh thổ của ta khi định làm sạch lòng của mọi người”.
Tôi cảm nhận với nỗi vui mừng to lớn: Sa-tan có thể làm tôi dơ bẩn bên ngoài nhưng Đấng Christ đã làm tôi sạch bên trong.
Có điều gì bạn đã cố từ bỏ mà không được chăng? Có thể đó là điều thấy rõ được như rượu, thuốc lá, ma túy; hay không rõ lắm như xem video quá nhiều, đọc những sách bậy bạ hay nghe những bài hát nhảm nhí. Bất cứ là gì thì vấn đề cũng bắt nguồn từ tư tưởng bạn. Giới y học cũng phải đồng ý với Chúa Giê-xu về điều nầy, họ có thể dùng sức mạnh để cất bỏ rượu, thuốc lá, ma túy và ngay cả những ca-lô-ri dư thừa ra khỏi một người, nhưng khi mà “thói nghiện tâm lý” vẫn còn thì người đó sẽ chứng nào tật nấy khi có cơ hội đầu tiên. “Thói nghiện tâm lý” là một từ ngữ chỉ một điều gì đó mà tâm lý và lòng chúng ta không chịu từ bỏ.
Hãy thành thật với chính bạn và với Đức Chúa Trời. Bạn có kín đáo thích thú sự yếu đuối của mình không? Bạn có cố từ bỏ nhưng đồng thời vẫn suy nghĩ và tơ tưởng đến nó không?
Bạn có thật sự muốn từ bỏ không? Hãy trắc nghiệm sự thành thật của chính bạn đi. Bạn có thể thưa với Chúa: “Hãy đưa những tư tưởng của con lên màn ảnh để cho vợ con, hàng xóm, bạn bè con có thể biết con nghĩ những gì”. Khi một tư tưởng xấu xa xuất hiện – và nó sẽ xuất hiện để thử bạn đấy – hãy tưởng tượng nó được đưa lên màn ảnh. Hãy thú tội với Chúa và nói: “Con xin từ bỏ tư tưởng nầy. Con sẽ không nghĩ đến nữa. Nhất quyết không!”.
Hãy quyết tâm suy nghĩ về một điều gì khác. Như Phao-lô khuyên: “Phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến” (4:8).
Khi Chúa thấy bạn dốc lòng mong muốn từ bỏ điều đang trói buộc, Ngài sẽ thêm đức tin để bạn có thể làm được. Một tín hữu trong Hội Thánh chúng tôi đấu tranh với bản thân để bỏ thuốc lá. Một ngày kia ông nhận ra Chúa đang nói với ông: “Đừng trì hoãn nữa. Ta đã kiên nhẫn lâu rồi, hôm nay là ngày ta muốn con từ bỏ thói xấu đó đi”. Đang lái xe đến nhà thờ ông liền dừng xe lại bên dường và cúi đầu cầu nguyện :“Chúa ơi, con muốn biết đây có phải chính Ngài phán với con không, nếu đúng vậy thì con biết Ngài có thể chữa cho con khỏi tật hút thuốc khi con dâng nó cho Ngài”. Ông yên lặng, cúi đầu và nghĩ: “Chúa ơi, con rất muốn thấy một dấu hiệu tỏ ra chính Ngài đang phán”.
Ngay khi đó một xe tuần tiễu ngừng lại và viên cảnh sát đến gần. Việc này không có gì bất thường, nhưng viên cảnh sát hỏi: “Ông đang cầu nguyện à?”. Khi người tín đồ gật đầu, viên cảnh sát điềm tĩnh nói: “Có gì phiền nếu tôi lên xe và cầu nguyện với ông không?”. Đây có phải là sự ngẫu nhiên không?
Chúa không tỏ dấu hiệu cho mọi người nhưng Ngài thường làm điều đó khi đức tin chúng ta yếu đuối mà lòng chúng ta thì khao khát. Những dấu hiệu không phải để chúng ta tin tưởng vào quyền năng của Chúa nhưng được dùng để khích lệ khi chúng ta quyết định tin.
Nếu chúng ta đã thử lối trắc nghiệm đưa lên màn ảnh tư tưởng của chúng ta và lại quyết định không muốn từ bỏ những ý nghĩ thầm kín đó thì mọi người không thể tin rằng vấn đề của chúng ta là do tội lỗi không chịu buông tha, nhưng chúng ta biết rằng chính chúng ta là người không chịu từ bỏ tội lỗi. Sự từ chối đầu phục của chúng ta trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn với sự thật phơi bày ra. ”…Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, thì tự chấp chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ” (RoRm 2:5).
C.S.Lewis, tác giả người Anh nói rằng: “Đức Chúa Trời thì thầm với chúng ta khi chúng ta vui, Ngài nói với lương tâm chúng ta, nhưng la to trong những lúc chúng ta đau đớn, hoạn nạn. Đó là cái loa của Ngài để đánh thức những người điếc”. Nếu Đức Chúa Trời không còn cách nào để thu hút sự chú ý của chúng ta thì Ngài phải dùng đến những biện pháp mạnh bạo hơn là chỉ nói nhỏ nhẹ.
Đấng Toàn Năng có đang làm bạn bối rối không? Ngài có lớn tiếng với bạn qua hoạn nạn không? Bạn có biết ơn Ngài về điều đó không? Đa-vít biết ơn Chúa: “Tôi đã bị hoạn nạn thật lấy làm phải, hầu cho học theo luật lệ của Chúa” (Thi Tv 119:71). Hiểu rằng Chúa cho chúng ta chịu hoạn nạn vì Ngài yêu chúng ta có khó không? Tác giả thư Hê-bơ-rơ nói: “Lại đã quên lời khuyên anh em như khuyên con rằng: Hỡi con, chớ dể ngươi sự sửa phạt của Chúa, và khi Chúa trách, chớ ngã lòng. Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt” (HeDt 12:5, 6).
Trước đây tôi thường nghĩ rằng những lời nầy quá cứng rắn và không hợp lý. Nhưng sau vài kinh nghiệm được Chúa uốn nắn trong đời sống mình, tôi nhận biết Chúa khuấy rối tôi vì Ngài quá yêu tôi nên không thể để tôi tiếp tục phản kháng Ngài và xa cách Ngài. Lòng tôi ước ao kinh nghiệm sự hiệp một với Đấng Christ. Nếu Đức Chúa Trời cho tôi gặp hoạn nạn hay ở trong những hoàn cảnh khó khăn để đem tôi đến gần Ngài hơn thì tôi chỉ có thể ngợi khen và cảm tạ Ngài vì những điều khiến tôi đau đớn đó đã lôi kéo sự chú ý của tôi.
Cách đây không lâu, một cặp vợ chồng gởi thư xin tôi cầu nguyện cho con trai họ đang chờ ngày ra tòa về tội ăn cắp. Con trai đã bỏ nhà ra đi khi 18 tuổi vì không chịu nổi những luật lệ của bố mẹ. Thoạt đầu họ buồn rầu và lo lắng lắm, nhưng có người đưa họ xem cuốn Từ Ngục Tù Đến Ca Ngợi. Họ quyết định dâng những nỗi lo lắng cùng với con trai họ cho Đức Chúa Trời và cám ơn Ngài về mọi hoàn cảnh Ngài đem đến trong đời sống con trai họ.
Ít lâu sau, con của họ dính líu vào một vụ ăn cắp, bị bắn rồi bị bắt. Cậu ta bị bắn mù một mắt nhưng vẫn nhất quyết là mình vô tội và xin được xét xử. Trong thời gian chờ đợi, anh ta dâng đời mình cho Chúa.
Trong thư, cha mẹ anh kể rằng anh được tòa xét là vô tội và hiện đã trở về nhà, họ vui mừng vì Chúa đã gìn giữ đời sống anh một cách đặc biệt. “Con chúng tôi thường nói: Cảm tạ Chúa vì con bị mất một mắt. Thà mất một mắt còn hơn cả thân thể vào địa ngục” (Mat Mt 5:29).
Đức Chúa Trời không thường sử dụng những biện pháp như vậy để thu hút sự chú ý của chúng ta. Nhưng nếu Ngài phải hành động như vậy để cứu chúng ta khỏi bị hư mất hoàn toàn thì chúng ta có lý do để vui mừng. Những đau đớn, thử thách của chúng ta là những bằng chứng tình yêu Ngài đối với chúng ta. Ngài muốn giải thoát chúng ta khỏi từng tội lỗi nhỏ vương vấn quanh chân chúng ta vì nó làm chúng ta vấp ngã và không hiệp một với Cha trên trời.
Một trong những tội lỗi tinh vi nhất chúng ta dễ vướng mắc là thái độ chỉ trích. Tôi tin rằng thái độ nầy gây ra nhiều đau đớn hơn tất cả những căn bệnh thân thể hợp lại. Nó làm đổ vỡ những cuộc hôn nhân, khiến con cái lìa bỏ gia đình và các nhóm chia rẽ. Con người trở nên bệnh tật khi tinh thần bị tổn thương quá nhiều do bị chỉ trích thường xuyên. Một số người rơi vào những chứng bệnh tâm thần, số khác thì phạm tội ác và quay ra uống rượu, dùng ma túy, ăn uống quá độ hoặc trở thành những người không hòa nhập được với xã hội hay những người thất bại kinh niên chỉ vì người ta cứ nhai đi nhai lại với họ rằng bất cứ điều gì họ làm cũng sai hết.
Toàn xã hội xấu đi do nọc độc chết người của sự chỉ trích. Chỉ trích thâm nhập vào gia đình, lớp học, nhà thờ, các phương tiện thông tin, chính trị và quan hệ quốc tế.
Tất cả chúng ta đều biết một lời phê bình chỉ trích có thể làm hỏng trọn một ngày của chúng ta, nhưng những người tuôn ra lời chỉ trích lại thường cảm thấy họ làm điều đúng. Chúng ta thường tự nhủ rằng chúng ta chỉ trích vì muốn nói lên sự thật và muốn giúp đỡ người khác mà thôi.
Tôi đã nhận hàng ngàn lá thư tiêu biểu cho quan điểm nầy.
Kính gửi Mục sư Carothers,
Chồng tôi chỉ chịu đi nhà thờ khi tôi năn nỉ anh ấy, rồi một ngày kia tôi khám phá ra anh ấy lén lút hút thuốc. Tôi đã nói đi nói lại rằng hút thuốc là sai nhưng anh ấy không chịu nghe. Rồi mẹ tôi đã đưa cho tôi xem cuốn Từ Ngục Tù Đến Ca Ngợi. Tôi quyết định thử cám ơn Chúa về thói quen của chồng tôi thay vì than phiền. Thế rồi tôi khám phá ra rằng chính tôi cũng có một thói quen: mỗi ngày tôi xem chương trình nhạc kịch trên truyền hình trong một giờ, tôi không muốn bất cứ điều gì cản trở giờ xem chương trình truyền hình của tôi. Tôi lấy quyền gì để chỉ trích chồng khi chính tôi cũng vướng phải một thói quen xấu? Tôi dâng thói quen đó cho Chúa và bắt đầu dùng thì giờ đó mỗi ngày để cầu nguyện và cảm tạ Chúa cho chồng tôi. Trong vòng một tuần, anh ấy trở về, cho biết đã bỏ hút thuốc và đã quay lại với Chúa.
Hầu hết những lá thư tôi nhận được đều có một kết thúc tốt đẹp, nhưng trong hồ sơ của tôi cũng có rất nhiều thư kể ra những công sức vô ích bỏ ra để cầu nguyện và ngợi khen trong khi người chồng, người vợ hoặc người con bỏ nhà ra đi vẫn không trở về hay vẫn cứ nghiện ngập rượu chè, ma túy. Thường thì một nhận xét cay đắng hay một thái độ than van trong lá thư giúp ta nhận ra lý do của sự thất bại đó.
Chúa Giê-xu gọi sự chỉ trích là giết người. Ngài cũng nói: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người” (GiGa 8:7). Những lời nói tiêu cực, chỉ trích, kết tội có thể hủy phá con người y như ném đá họ vậy.
Chỉ trích rất nguy hiểm cho những ai thích chỉ trích. Chúa Giê-xu nói: “Các ngươi đừng đoán xét ai để mình khỏi bị đoán xét. Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy” (Mat Mt 7:1-2).
Tội lỗi của người khác ví như cọng rác và thái độ chỉ trích của chúng ta như một cây đà. Chúng ta càng nói và nghĩ về những lỗi lầm, thất bại của người khác và càng cố gắng để sửa đổi họ thì chúng ta càng phạm tội.
Chỉ còn cách nhờ Chúa nhổ cây đà khỏi mắt chúng ta, chúng ta mới có thể giúp đỡ anh em chúng ta bỏ cọng rác. Mục đích là loại bỏ cả cây đà lẫn cộng rác – nhưng phải theo thứ tự trên.
Thừa nhận thái độ chỉ trích của chúng ta là bước đầu tiên nhưng điều đó thật không dễ dàng. Thấy lỗi lầm của người khác là thói quen ăn sâu trong lòng hầu hết chúng ta. Khi nhìn người khác, ý tưởng đầu tiên nẩy sinh trong trí chúng ta thường là tiêu cực. Chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng người khác cần sự tha thứ của Chúa hơn là chúng ta – một triệu chứng rõ ràng là có cây đà chỉ trích nhô ra từ mắt chúng ta. Ngoài gia đình và những người cộng sự thân thiết nhất, chúng ta thường che giấu những tư tưởng chỉ trích đằng sau những lời lẽ tâng bốc những người chúng ta không thích. “Chúng đều dùng lời dối trá mà nói lẫn nhau. Lấy môi dua nịnh và hai lòng, mà trò chuyện nhau” (Thi Tv 12:2). Hãy thử tưởng tượng bất cứ người nào bạn nói chuyện bạn cũng có thể trông thấy những gì bạn nghĩ về họ trên màn ảnh phía trên đầu bạn! Điều nầy chắc hẳn sẽ nhanh chóng phơi bày thái độ chỉ trích của chúng ta.
Những tác hại của sự chỉ trích được bày tỏ rõ hơn hết trong hàng triệu gia đình vốn đã thành địa ngục do những lời nói và thái độ xấu xa. Dường như chúng ta thường làm tổn thương những người mà chúng ta nghĩ rằng mình yêu mến. Mỗi ngày có biết bao người muốn kể cho tôi nghe về những sai trái của các người thân trong gia đình họ. Tôi thường đáp lại: “Đức Chúa Trời muốn chữa lành gia đình bạn bắt đầu ngay từ chính bạn nếu bạn sẵn sàng ngừng chỉ trích để tạ ơn Chúa dù tình trạng hiện tại của gia đình là như vậy”.
Chúng ta phải thấy rõ bản chất của sự chỉ trích là tội lỗi khủng khiếp. Chúng ta phải xin Chúa tha thứ và dâng tư tưởng mình cho Ngài. Ngài đầy dẫy trong chúng ta tình yêu đối với những người mà ta thường chỉ trích. Thế nên khi một ý tưởng bắt lỗi ai thoáng qua tâm trí, chúng ta phải khước từ nó và thay vào đó, làm theo lời khuyên của Phao-lô: ”…Điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhơn đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến” (Phi Pl 4:8).
Khi bắt đầu nghĩ đến những điểm hay của người khác thì điều lạ lùng là chẳng bao lâu chúng ta sẽ thán phục, tán thưởng và cảm tạ Chúa về họ. Chẳng bao lâu những lỗi lầm của họ sẽ không còn nghiêm trọng như trước. Với thái độ thay đổi của chúng ta, Đức Chúa Trời có thể đưa tay ra và cất bỏ cái rác trong mắt anh em chúng ta.
Ngoài những tư tưởng chỉ trích, chúng ta cũng phải dâng cho Chúa cái lưỡi của mình để Ngài kiểm soát. Đã bao lần bạn hối tiếc những điều bạn lỡ lời nói sao? Cái lưỡi đã gây bao rắc rối cho con người từ buổi đầu tiên. “Cái lưỡi là một quan thể nhỏ, mà khoe được những việc lớn, …đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lửa địa ngục đốt cháy… Cái lưỡi, không ai trị phục được nó, ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được: đầy dẫy những chất độc giết người” (Gia Gc 3:5, 6, 8).
Các bậc làm cha làm mẹ có ý tốt thường cảm thấy phải nói đi nói lại cho những đứa con ở tuổi thiếu niên những lời khuyên nhủ dù họ biết chẳng ích lợi gì. Họ có biết đâu trong 99% trường hợp những lời nói của họ chỉ làm cho bọn trẻ tệ hơn. Hậu quả tai hại của việc lắm lời – dù là có ý tốt – được thấy rõ trong quan hệ gia đình, nhưng với bạn bè, công việc, qua điện thoại và trên tòa giảng chúng ta cũng làm y như vậy. Những người Cơ Đốc lắm lời đã làm cho nhiều người xa cách Chúa.
Có thể chúng ta vẫn sai khi nói ra những điều tốt và thật, “chớ nói vào lỗ tai kẻ ngu muội, vì nó sẽ khinh dể sự khôn ngoan của các lời con” (ChCn 23:9). Có lẽ cần nói với kẻ ngu muội một đôi điều, nhưng khi đã không chịu nghe thì không nên nói với họ nữa.
Việc chúng ta buộc phải nói cho người khác những gì mình nghĩ là họ phải biết, không đến từ Đức Chúa Trời nhưng từ thái độ chỉ trích dựa trên sự công bình riêng của chúng ta, và mỗi lời chúng ta “xây dựng” họ chỉ gây buồn phiền, đau đớn và bất hòa. Chúa Giê-xu không bao giờ lắm lời, Ngài biết khi nào nên nói và khi nào nên bày tỏ tình yêu bằng cách khác. Ngài nói với các môn đồ: “Vả, ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói; vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà các ngươi sẽ bị phạt” (Mat Mt 12:36, 37). Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trước mặt Chúa và được nghe lại tất cả những lời thiếu suy nghĩ và hư không bạn đã thốt ra! Suy nghĩ nầy giúp chúng ta chín chắn hơn.
“Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình” (Gia Gc 3:2). Nếu chúng ta tuôn ra bất cứ điều suy nghĩ trong đầu thì hành động chúng ta có lẽ cũng hỗn loạn như vậy.
Bạn có phải là người ít lời không? Nếu bạn không biết, có lẽ bạn nên hỏi một người bạn thành thật của mình. Hầu hết chúng ta vô ý để cho miệng lưỡi hoạt động liên tục. Nhưng những người khác thì nhận ra – sự lắm lời của chúng ta có thể làm tổn thương hay gây chán ngấy, và những lời tràng giang đại hải của chúng ta có thể làm tối nghĩa những gì ta thật sự muốn nói. Đức Chúa Trời cho chúng ta khả năng suy nghĩ và nói, trước tiên là để chúng ta có thể trò chuyện với Ngài và với người khác, nhưng hầu hết chúng ta dùng sai đặc ân tuyệt vời nầy.
Dù bạn là người ít lời hay lắm lời, nếu bạn đã sử dụng sai lời nói thì xin Đức Chúa Trời tha thứ cho bạn. Ngài có thể thay đổi những lời chỉ trích, chán chường của chúng ta thành những câu yêu thương, khích lệ. Những lời nói huyên thuyên hay những câu nói lắp vô ích có thể trở thành những câu nói rõ ràng và ý nghĩa. Hãy để lời cầu nguyện của Đa-vít thành lời cầu nguyện của bạn: “Hỡi Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, và là Đấng Cứu Chuộc tôi. Nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!” (Thi Tv 19:14).
Hãy dâng miệng lưỡi bạn cho Chúa – xin Ngài cầm giữ và sử dụng nó. Khi thấy cần nói bạn hãy hỏi: “Chúa ơi, điều con muốn nói có thật sự cần không?”. Nếu chúng ta yên lặng chờ đợi Ngài, Chúa sẽ ban những lời thích hợp để chúng ta nói những câu nhân từ, khích lệ, nâng đỡ, đáp ứng trực tiếp nhu cầu của mọi người theo cách mà chúng ta không bao giờ làm được với trí óc bình thường của chúng ta.
Có lần một phụ nữ giận dữ viết cho tôi, rằng tôi không nên phí thì giờ để viết những cuốn sách ngu xuẩn. Bà kể rằng bà đã dại dột thử cảm tạ Chúa nhưng không có kết quả gì. Đứa con bà sinh ra chậm phát triển và tất cả những lời cầu nguyện hay ngợi khen chẳng hề thay đổi tình trạng của nó, “Vậy thì tại sao ông lại mất thì giờ để kể những câu chuyện buồn cười như thế?”.
Tôi có thể giải thích bằng hàng ngàn lời lẽ rằng bà đã hiểu lầm những quyển sách tôi viết. Nhưng thay vì làm vậy, tôi thưa với Chúa xem có thể giúp bà ta điều chi. Trong trí tôi “thấy” hình ảnh một phụ nữ mang thai đi mua sắm, bị ngã và bị thương. Tôi thấy chồng bà giận dữ vì bà đã đi ra ngoài một mình. Khi đứa bé sinh ra bị chậm phát triển, người chồng đổ lỗi cho người vợ.
Hình ảnh sống động đến nỗi tôi mô tả trong lá thư trả lời cho bà ta, bà ta lập tức hồi âm. Tôi đã nói đúng sự việc đã xảy ra và điều nầy khiến bà ta tin Đức Chúa Trời thật sự quan tâm và biết rõ mọi hoàn cảnh của bà. Không phải trí thông minh của tôi hay cách khéo dùng từ đã gây ấn tượng trên bà mà là lời giải đáp của Đức Chúa Trời cho bà và cho tôi.
Hãy nghĩ đến thành quả của cái lưỡi khi chúng ta để Chúa kiểm soát nó. Lúc đó những người chúng ta nói chuyện sẽ lắng nghe thay vì quay đi. Đức Chúa Trời sẽ nói qua chúng ta và họ sẽ nghe lời Ngài.
Kể từ nay bạn có thể là người luôn luôn khích lệ mọi người bằng lời nói. Gặp bạn, họ sẽ vui mừng vì biết bạn luôn luôn có lời tử tế và yêu thương. Chồng bạn vội trở về nhà, vợ bạn nôn nóng gặp bạn, con bạn đem bạn nó về nhà sau buổi học vì nhà bạn là nơi ấm áp đầy tình thương và luôn nói những điều tốt về người khác. Các đồng nghiệp, bạn bè hay khách hàng tìm gặp bạn vì những lời nói giúp họ cảm thấy vui tươi chứ không thất vọng, chán nản.
Sự hiệp một với Đấng Christ ngày càng trở thành hiện thực khi chúng ta dâng tội lỗi kín giấu, tư tưởng và lời nói cho Ngài. Đức Thánh Linh có thể liên tục chiếm hữu những lãnh vực mới đó trong đời sống chúng ta. Với tấm lòng trong sạch và cái lưỡi đầu phục, sự ngợi khen ngày càng có ý nghĩa phong phú và sâu xa hơn. Bây giờ chúng ta có thể cùng nói với Đa-vít: “Khi tôi học các đoán ngữ công bình của Chúa, thì tôi sẽ lấy lòng ngay thẳng mà ngợi khen Chúa” (19:7). “Hỡi người công bình, hãy vui vẻ và hớn hở nơi Đức Giê-hô-va! Ớ các người có lòng ngay thẳng, hãy reo mừng” (32:11).
Sự công bình và ngay thẳng là điều kiện cho sự ngợi khen thật, nhưng chúng ta không thể tự mình đạt những điều nầy. Đó là tặng vật rộng rãi của Đức Chúa Trời cho một tấm lòng ăn năn.