Một cuộc sống hoang phí ở thế gian
Ví dụ này tiếp theo rằng: “… ở đó, người em ăn chơi hoang đàng, tiêu sạch gia tài mình” (Lu-ca 15:13). Kinh Thánh mô tả tình trạng loài người sa ngã tội lỗi như sau: “họ theo sự hư không của ý tưởng mình … và vì lòng họ cứng cỏi nên trí khôn tối tăm, xa cách sự sống của Thượng Đế. Họ đã mất cả sự cảm biết, đành bỏ mình trong một đời buông lung, đem lòng mê đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô uế” (Ê-phê-sô 4:17-19).
Bởi vì bị trở nên xa lạ với Thượng Đế, con người tiêu phí cuộc sống quí báu của mình. Nhiều thanh niên đốt cháy tuổi trẻ và cuộc sống bằng ma túy và bị cuốn hút theo lối sống hoang đàng trái đạo đức. Cũng có những người suốt đời chỉ biết có duy nhất là sự nghiệp, họ làm việc đến cạn sức cũng chỉ để gầy dựng sự nghiệp. Tuy nhiên con đường này, thường dẫn đến kết cuộc đau thương là ly dị và gia đình tan vỡ. Nhiều người sống để tích lũy sự giàu có, nhưng chính Sa-lô-môn đã nói rằng: “Con há liếc mắt vào sự giàu có sao? Nó đã chẳng còn nữa rồi; vì nó quả hẳn có mọc cánh, và bay lên trên trời như chim ưng vậy” (Châm ngôn 23:5). Có ai đã có thể biết trước rằng vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 hàng ngàn người đã rời bỏ cuộc sống của mình chỉ trong một thời gian ngắn? Hay ai có thể dự đoán được sự sụp đổ đột ngột của thị trường chứng khoán đã gây thiệt hại cho tài sản của nhiều người?
Sự sống của một người vẫn luôn là tài sản quí giá nhất của người đó, sự sống đó không phụ thuộc vào số lượng tài sản mà người đó sở hữu nhiều hay ít. Môi-se nói rằng: “Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi. Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thi thiên 90:10, 12). Một tấm lòng khôn ngoan là một tấm lòng biết tìm kiếm Thượng Đế hằng sống và tìm kiếm Chúa Cứu Thế Giê-su. Nó hoàn toàn khác hẳn một tấm lòng tối tăm, mù quáng, cứng cỏi và không hay biết gì. Lý do mà chúng ta ở thế gian này chính là để chúng ta tìm kiếm Thượng Đế và tìm được Ngài (Công vụ các sứ đồ 17:26-27).
Mọi sự đều đến cuối cùng
“Khi đã xài hết của rồi, trong xứ xảy có cơn đói lớn; nó mới bị nghèo thiếu” (Lu-ka 15:14).
Mọi điều tốt lành sẽ kết thúc vào một ngày nào đó. Không có một cái gì ở thế gian này chắc chắn hoặc kéo dài mãi mãi được, dù đó là sức khỏe chúng ta, công việc, kinh tế, hay sự sống của con người. Và khi sự kết thúc gần kề, con người lại đơn độc, và chỉ còn có thể trông cậy chính mình. Người đó còn có thể trông cậy vào ai và ở nơi nào nữa? Nhiều người thích có nhiều bạn bè trong lúc giàu có hay thành công. Nhưng vào một lúc nào đó, khi đánh mất tất cả thì phần lớn bạn bè cũng sẽ rời xa. Hiện tượng này bộc lộ bản chất giả dối và ích kỷ của con người, cũng như hoàn cảnh sống của người con lầm lạc ở đây: “nhưng chẳng ai cho hắn gì cả“.
Ăn năn và quay lại với Cha, Thượng Đế
“Vậy nó mới tỉnh ngộ, mà rằng: Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha, mà rằng: Thưa cha, tôi đã phạm tội với Trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy. Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha mình. Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn” (Lu-ca 15:17-20).
Những cám dỗ ngoại cảnh này đã hút hết tâm trí của người con đến nỗi anh ta hoàn toàn quên mất cha mình. Điều này cũng xảy ra cho chúng ta: nhiều ảnh hưởng, mối quan hệ thế gian, sức ép từ mọi mặt đã làm tấm lòng của chúng ta đối với Thượng Đế trở nên chai sạn. Nhưng bạn có biết rằng sự nhân từ, nhịn nhục, khoan dung của Thượng Đế dẫn loài người chúng ta đến sự ăn năn không (Rô-ma 2:4)? Bởi tình yêu dành cho con người mà Thượng Đế dùng mọi tình huống trong cuộc sống để thức tỉnh chúng ta ra khỏi giấc ngủ say, chạm đến lòng chúng ta và làm mềm đi. Trong cuộc sống, tôi đã từng thấy nhiều người mỏi mòn, kiệt sức giống như người con lầm lạc trong câu chuyện này. Đến hồi cùng cực, khổ sở, anh ta mới đột nhiên thức tỉnh và kêu cầu cùng Thượng Đế.
Khi đã “tỉnh ngộ ra“, người con lầm lạc làm hai việc. Thứ nhất, anh ta ăn năn và nói rằng: “Thưa cha, tôi đã đặng tội với Trời và với cha“. Sau đó, anh hạ mình xuống: “tôi không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy“. Sự ăn năn và hạ mình thật quí giá đối với Thượng Đế! Ai muốn đến với Thượng Đế phải ăn năn và khiêm nhường như vậy.
Người cha mong chờ người con lầm lạc quay về
“Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha mình. Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn” (Lu-ca 15:20).
Thượng Đế là Chúa của sự nhân từ và yêu thương. Chúa mong đợi chúng ta quay lại với Chúa biết bao. Chúa mong muốn rằng mọi người đều được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật (1.Ti-mô-thê 2:4). Khi chúng ta ăn năn và quay lại với Chúa, lập tức Chúa sẽ vội vã đến với chúng ta và đón nhận chúng ta một cách mừng rỡ.
Trong ví dụ này chúng ta thấy một hình ảnh khác biệt giữa người cha và bạn bè của người con lầm lạc! Tất cả bạn bè đã giúp ích anh ta trong việc tiêu pha tiền bạc của anh; nhưng khi tiền bạc của anh đã cạn thì họ rời bỏ anh và không cho anh gì cả. Nhưng cha của anh ở nhà vẫn chờ đợi anh trở về. Ví dụ này cho chúng ta thấy tình yêu của Chúa Giê-su dành cho chúng ta. “Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn.” Thật là một hình ảnh cảm động! Chúng ta không cần phải bàn thêm về hình ảnh này nữa vì hình ảnh này đã tự giải thích cho chính nó rồi.
Đã một lần, Chúa Giê-su phán: “Phàm những kẻ Cha cho ta sẽ đến cùng ta, kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu” (Giăng 6:37). Bạn đừng chờ đợi nữa, hãy đến cùng Thượng Đế, nhờ cậy Chúa Cứu Thế Giê-su! Cũng như người con trai lầm lạc, không ai trong chúng ta xứng đáng cả. Nhưng vì tình yêu thiên thượng của Chúa dành cho chúng ta và vì Ngài có một kế hoạch với loài người chúng ta, Thượng Đế đã trả giá cho mọi tội lỗi và nợ của chúng ta bằng cách hy sinh chính con của mình là Chúa Cứu Thế Giê-su! Với tất cả sự vui mừng Ngài nhận lấy tất cả chúng ta trong Chúa Cứu Thế Giê-su. Chúa chờ đợi chúng ta đến với Ngài.
Mỗi người nên mạnh dạn đến với Thượng Đế qua Chúa Cứu Thế Giê-su, vì lời Chúa dạy rằng: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Thượng Đế, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Thượng Đế vậy” (Giăng 1:12-13).