Ở đây cũng có sự phát triển theo hướng tiêu cực. Dân Chúa đã không vâng phục Ngài. Dân Israel thời trước đã bị tù đày sang Ba-by-lôn như trong bản đồ này. Họ đã từng ở Giê-ru-sa-lem, nơi mà Đức Chúa Trời chọn. Nhưng vì họ phản bội Đức Chúa Trời và không đi theo Ngài nữa nên Đức Chúa Trời phải cho quân Ba-by-lôn đến để phá hủy tất cả và dân Chúa bị lưu đày sang Ba-by-lôn. Câu Kinh Thánh này cho chúng ta biết không phải ngẫu nhiên mà quân Ba-by-lôn đến, mà dân Giu-đa bị lưu đày sang Ba-by-lôn vì phản bội Đức Chúa Trời. Như vậy Ba-by-lôn là hậu quả của việc dân Chúa bất trung, không vâng phục Đức Chúa Trời và đã chọn con đường riêng của mình. Điều quan trọng cần biết là 70 năm sau đó, vua Si-ru sau khi chinh phục Ba-by-lôn đã cho phép người Giu-đa quay trở về Giê-ru-sa-lem để xây lại thành và đền thờ cho Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chỉ có một phần dân sót ít ỏi đã nghe theo lời kêu gọi này, còn đa số người Giu-đa đã ở lại Ba-by-lôn. Vì sau 70 năm, họ đã thích nghi và cảm thấy rất thoải mái ở đó, họ không muốn trở về Giê-ru-sa-lem để xây lại đền thờ cho Đức Chúa Trời, vì lúc đó Giê-ru-sa-lem chỉ là một đống đổ nát . Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta ngày hôm nay.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét 5 đặc điểm của Ba-by-lôn mà Khải Huyền chương 17 và 18 mô tả. Qua đó, chúng ta cũng so sánh với Giê-ru-sa-lem. Trong bài này, chúng ta không muốn phân tích lịch sử hay nói đến người khác mà nói đến chúng ta. Khi nói đến Giê-ru-sa-lem thì câu hỏi được đặt ra là chúng ta phải làm gì để có thể trở thành Cô Dâu mà Đức Chúa Trời muốn cưới và trở thành Hội Thánh mà Đức Chúa Trời đẹp lòng.
Đạo đức giả và sự gian dối
Điểm đầu tiên mà Khải Huyền 17 nói đến là đạo đức giả và sự gian dối. “Người đàn bà mặc áo đỏ tía và đỏ điều, trang sức bằng vàng, đá quý và ngọc trai; tay cầm một chén vàng chứa đầy những thứ gớm ghiếc và ô uế của sự gian dâm nó” (câu 4). Người đàn bà này có vẻ bên ngoài rất tốt đẹp, có vàng, đá, ngọc trai. Tuy nhiên khi Giăng nhìn vào trong cái chén vàng thì toàn những điều gớm ghiếc và ô uế của sự gian dâm. Bây giờ, chúng ta hãy nhìn lại lời mà Chúa Giê-su đã nói với những người Pha-ri-si và thầy dạy luật trong Ma-thi-ơ 23: “Khốn cho các ngươi, những thầy dạy luật và những người Pha-ri-si, là những kẻ đạo đức giả! Vì các ngươi chùi rửa bên ngoài chén dĩa, nhưng bên trong thì đầy dẫy sự cướp bóc và tham lam” (câu 25). Ở đây, Chúa nói với những người lãnh đạo tôn giáo chứ không phải nói với những người không tin. Lúc đó, ai cũng nghĩ họ luôn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và luôn đi đúng đường. Nhưng không phải như vậy, Chúa Giê-su nói với những người lãnh đạo Do Thái giáo: “Khốn cho các ngươi, những thầy dạy luật và những người Pha-ri-si, là những kẻ đạo đức giả!”. Tại sao Ngài gọi là những kẻ đạo đức giả. Tại vì họ chùi rửa bên ngoài chén dĩa, nhưng bên trong họ thì đầy dẫy sự cướp bóc và tham lam. Cái chén vàng của con điếm lớn Ba-by-lôn bên ngoài nhìn rất đẹp. Qua đây, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta vấn đề lớn đầu tiên của dân Chúa là nếu nhìn bề ngoài thì có vẻ tốt đẹp, vì họ cầu nguyện và đi nhóm trong nhà hội. Cũng như chúng ta đi lễ thờ phượng Chúa và làm nhiều việc tôn giáo. Tuy nhiên, vì Chúa có thể nhìn vào lòng họ nên Chúa nói là bên trong họ đầy sự cướp bóc và tham lam. Như vậy, bên trong Ba-by-lôn đầy những sự thối nát.
Còn Giê-ru-sa-lem, cô dâu của Chiên Con, thì như thế nào? Khải Huyền 21 cho biết “thành thì bằng vàng ròng, như thủy tinh trong suốt. Các nền móng của tường thành được trang trí bằng mọi thứ đá quý… Mười hai cổng là mười hai khối ngọc trai… Tất cả những gì ô uế cũng như những kẻ làm điều ghê tởm và gian dối đều không được vào thành” (Khải Huyền 21:18-21, 27). Như vậy, nhìn vào hai thành thì đều thấy có vàng. Nhưng Ba-by-lôn thì chỉ trang trí vàng ở bên ngoài, còn bên trong thì hoàn toàn thối nát. Trái lại, Giê-ru-sa-lem thì hoàn toàn làm bằng vàng. Thậm chí Kinh Thánh còn nói là trong như thủy tinh, có nghĩa là người ta có thể nhìn xuyên qua và không có điều gì giấu kín cả. Vàng trong Kinh Thánh tượng trưng cho bản chất của Đức Chúa Trời. Ba-by-lôn bọc vàng ở bên ngoài có nghĩa là nhìn bề ngoài người ta nghĩ nó tốt đẹp và có vẻ như Ba-by-lôn từ Đức Chúa Trời mà ra. Nhưng Giê-ru-sa-lem thực sự có bản chất của Đức Chúa Trời ở bên trong. “Tất cả những gì ô uế cũng như những kẻ làm điều ghê tởm và gian dối đều không được vào thành”. Có nghĩa là trong một Hội Thánh, Cô Dâu, mà Đức Chúa Trời muốn có thì không được có bất kỳ sự ô uế hay gian dối nào. Vì Đức Chúa Trời biết loài người chúng ta vẫn còn những điều này ở bên trong, nên Ngài yêu cầu chúng ta: “Vậy, anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả dối và ghen tị cùng mọi lời nói xấu” (1.Phi-e-rơ 2:1). Như vậy, điều quan trọng đầu tiên mà chúng ta phải thấy là Ba-by-lôn không ở xa chúng ta như chúng ta đã nghĩ. Nếu chúng ta trung thực thì sẽ thấy nhiều lúc bên ngoài chúng ta cầu nguyện, hay làm gì cho Chúa, nhưng lòng chúng ta thì ở nơi khác. Chúng ta cũng hay phát hiện những điều giả dối, xảo trá ở trong mình. Vậy, chúng ta phải bỏ những điều này để có thể trở thành Cô Dâu.
Sự gian dâm: không trung thành và pha trộn
Điểm thứ hai chính là sự gian dâm của Ba-by-lôn, vì nó là con điếm lớn. Gian dâm có nghĩa là không trung thành và pha trộn với nhiều thứ khác. Khải Huyền 17 nói về con điếm: “các vua trên đất đã phạm tội gian dâm với nó” (câu 2). Lịch sử giáo hội 2000 năm qua, nhất là trong thời Trung Cổ, cho thấy dân Chúa đã pha trộn nhiều với quyền lực chính trị, như ở đây nói là “các vua trên đất”. Hội Thánh mà Đức Chúa Trời muốn có thì không có liên quan gì đến chính trị. Trong Kinh Thánh, từ “gian dâm” có nghĩa là thờ hình tượng. Có lẽ nhiều người trong chúng ta nghĩ mình không thờ hình tượng. Nhưng khi nhìn vào cái hình này, chúng ta phải biết rằng ngày nay nhiều tín đồ đang phạm tội thờ hình tượng, như thờ Ma-ri-a trong hình này. Chúng ta đừng nghĩ điều này xa vời với dân Chúa. Ngày nay có hàng triệu Cơ Đốc nhân thực sự tin Chúa, nhưng lại thờ rất nhiều thần hay thánh khác. Đức Chúa Trời gọi điều này là sự gian dâm. Đó cũng là đặc điểm nổi bật của Ba-by-lôn.
Một điều khác của sự gian dâm đã đi vào trong dân Chúa là truyền thống. Chúa Giê-su đã từng nói với những người lãnh đạo tôn giáo thời đó rằng: “các ngươi đã vì truyền thống mình mà hủy bỏ lời của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 15:6). Đây là điều mà chúng ta có thể quan sát được trong Cơ Đốc giáo, 2000 năm qua đã có nhiều truyền thống đi vào trong giáo hội. Trong những tuần qua, tôi có nhiều cơ hội để nói chuyện với nhiều Cơ Đốc nhân. Tôi để ý là nếu người ta trích dẫn Lời Chúa và nói đó là chuẩn mực của chúng ta, thì hiếm có người nào đồng ý. Thậm chí một người nói với tôi: “Chúng ta không thể làm theo giống Kinh Thánh như vậy được mà phải xem xét truyền thống”. Đáng lẽ, Kinh Thánh phải là tiêu chuẩn duy nhất của chúng ta, nhưng truyền thống đã đi vào trong dân Đức Chúa Trời. Ví dụ nhiều tín đồ dùng chuỗi hạt để cầu nguyện. Rồi có nhiều người cho em bé chịu phép báp-tem. Kinh Thánh không bao giờ nói như vậy. Qua nhiều thế kỷ, người ta đã đem nhiều truyền thống như vậy vào trong Hội Thánh, những điều này không chỉ không có trong Kinh Thánh mà còn trái với Lời Đức Chúa Trời. Đó cũng là sự gian dâm. Gia-cơ nói với chúng ta “Hỡi những kẻ ngoại tình, anh em không biết làm bạn với thế giới là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao?” (Gia-cơ 4:4). “Kẻ ngoại tình” làm chúng ta nhớ lại hình ảnh người vợ không chung thủy. Sự pha trộn cũng là kết bạn với thế giới. Có nhiều điều của thế giới này đã pha trộn với dân Chúa. Kinh Thánh cho biết rằng Chúa Giê-su đã chuộc chúng ta và đã cứu chúng ta ra khỏi thế giới này. Ngài cũng từng nói rằng chúng ta không thuộc về thế giới này. Nhưng bởi sự gian dâm này mà ngày nay có rất nhiều thứ của thế giới này đã đi vào trong Hội Thánh.
Vì Phao-lô thấy sự pha trộn này nên ông nói với các tín đồ: “sự công chính và gian ác có kết hiệp với nhau được không? Ánh sáng và bóng tối có hiệp thông với nhau được không? Ðấng Christ và Bê-li-an [Sa-tan] có hòa hợp chăng? Hay người tin có chung phần gì với kẻ không tin? Có thể nào hiệp đền thờ Đức Chúa Trời lại với thần tượng sao?… Vì thế, hãy ra khỏi chúng, hãy biệt riêng các ngươi ra, Chúa phán, đừng động đến đồ ô uế, thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi” (2.Cô-rinh-tô 6:14-17). Thành Giê-ru-sa-lem được gọi là thành thánh Giê-ru-sa-lem. Trong Kinh Thánh, từ “thánh” có nghĩa là biệt riêng cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời muốn dân Ngài biệt riêng ra cho Ngài, không được pha trộn với thế giới này, với chính trị, truyền thống, hay với những gì không tương xứng với Ngài. Như vậy, nếu thấy những điều này ở giữa chúng ta phải làm gì? Kinh Thánh bảo: “hãy ra khỏi chúng”. Chúng ta phải biệt riêng mình và chống lại những điều đó vì Kinh Thánh gọi đó là sự gian dâm.