Bắt bớ các tín đồ trung thành
Khải Huyền 17 còn mô tả một đặc điểm khác của Ba-by-lôn: “Tôi thấy người đàn bà đó say máu các thánh đồ và máu các nhân chứng của Giê-su. Khi tôi thấy nó, tôi vô cùng kinh ngạc” (câu 6). Bây giờ chúng ta thấy thêm thứ gì ở trong cái chén mà người đàn bà uống. Chúa Giê-su cũng nói với những người lãnh đạo tôn giáo trong Ma-thi-ơ 23: “Vì thế, Ta sai các tiên tri, những người khôn ngoan, và các thầy dạy luật đến với các ngươi; trong những người ấy, người thì các ngươi giết và đóng đinh, người thì bị các ngươi đánh đập… bắt bớ…, để tất cả máu vô tội đã đổ ra trên đất… đổ lên trên các ngươi” (câu 23-35). Những điều này liên quan đến dân Đức Chúa Trời. Tại sao Ba-by-lôn lại say máu các thánh đồ? Lịch sử cho biết rằng rất nhiều Cơ Đốc nhân đã bị lùng bắt, bị giết hại và tra tấn bởi giáo hội Công Giáo La Mã. Chúng ta hãy suy nghĩ xem ai đã giết hại nhiều Cơ Đốc nhân như vậy? Không phải là những người không tin mà là bởi những người tự xưng là tín đồ. Vào thời Chúa Giê-su cũng vậy, ai đã giết Ngài? Đó là những người Pha-ri-si và các thầy dạy luật, mọi người nghĩ họ là tôi tớ của Đức Chúa Trời. Ngày nay chúng ta ở nước Đức không còn bị giết, bắt bớ hay tra tấn nữa. Tuy nhiên, trong những năm qua, chúng tôi thấy rằng người ta ngày càng chống đối chân lý. Cách đây vài tuần, chúng tôi phát thư mời và dán thông cáo cho buổi thuyết trình tại Vaihingen. Trong đó không có gì khác ngoài tựa đề của bài thuyết trình và lời Chúa. Những người chống đối chúng tôi nhiều nhất không phải là những người vô thần hay người không tin mà là nhà thờ, là những người theo tôn giáo. Người cho chúng tôi thuê chỗ thuyết trình đã kể rằng nhiều người đại diện nhà thờ đã gọi cho ông để cảnh báo và nói xấu đủ điều về chúng tôi nhằm ngăn chặn chúng tôi chia sẻ chân lý. Chúng tôi không có làm gì xấu xa cả, mà chỉ đọc Kinh Thánh và chia sẻ những chân lý trong đó thôi.
Chúng ta phải biết rằng ngày nay chân lý cũng bị chống đối và bắt bớ. Nếu chúng ta muốn là cô dâu của Chiên Con thì chúng ta không được như vậy. Thư Ti-mô-thê cho chúng ta biết Hội Thánh của Chúa phải là cột trụ và nền tảng của chân lý. Nếu chúng ta ở trong một Hội Thánh hay trong nhóm mà người ta không dám nói chân lý nữa hay có thỏa hiệp với chân lý hay chân lý không còn ở vị trí đầu tiên nữa thì chúng ta có thể chắc rằng chỗ đó có liên quan đến Ba-by-lôn. Thậm chí họ còn bắt bớ và chống đối những người đi theo chân lý. Chính vì vậy, chúng ta phải biết rằng: “Thật vậy, tất cả những ai muốn sống tin kính trong Christ Giê-su đều sẽ bị bắt bớ” (2.Ti-mô-thê 3:12). Nhưng Chúa Giê-su cũng nói: “Phước cho những người bị bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng thuộc về họ!” (Ma-thi-ơ 5:10). Trong các câu kế, Chúa còn nói rằng: “Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng của các ngươi ở trên trời là lớn lắm; bởi vì họ cũng từng bắt bớ các tiên tri trước các ngươi như vậy” (câu 12). Nếu bị bắt bớ thì chúng ta đừng nản lòng mà phải vui mừng hớn hở vì đó là một dấu hiệu tốt. Nếu Cơ Đốc nhân chúng ta không bị chống đối mà lúc nào cũng thuận lợi, luôn cảm thấy dễ chịu thì chúng ta phải kiểm tra xem mình còn đi theo đường của chân lý không và chúng ta còn là Giê-ru-sa-lem, cô dâu của Chiên Con không? Nếu là Giê-ru-sa-lem thì người ta sẽ bắt bớ chúng ta, như vậy thì nước thiên đàng sẽ thuộc về chúng ta. Chúa Giê-su nói phần thưởng của chúng ta ở trên trời là lớn.
Độ lớn, quyền lực và địa vị
Một điểm đặc trưng của Ba-by-lôn nữa là độ lớn, quyền lực và địa vị. Khải Huyền 17 nói rằng: “Người đàn bà ngươi thấy là thành lớn, nắm quyền thống trị các vua trên đất” (câu 18). Thật vậy, lịch sử cho biết rằng có một giai đoạn nhiều thế kỉ, giáo hội không chỉ pha trộn với chính trị mà còn nắm quyền thống trị các vua nữa. Giáo hội đã lập vua và truất phế vua các nước. Kinh Thánh đã nói điều này trước đó rồi.
Khải Huyền 2:15 nói đến Hội Thánh Bẹt-găm: “Ngươi cũng có những kẻ nắm giữ sự dạy dỗ của đảng Ni-cô-la, điều mà Ta ghét”. Từ Ni-cô-la có nghĩa là thống trị trên dân Chúa. Đây là điều mà Đức Chúa Trời ghét. Trong các Hội Thánh của Cơ Đốc giáo, chúng ta thường thấy điều này. Như trong hình này, thường có một người làm tất cả, có quyền thống trị, nắm mọi thứ trong tay. Còn những người khác là giáo dân, chỉ ngồi bị động, họ đến để nghe, rồi đi về. Chúa Giê-su còn nói với những người Pha-ri-si trong Ma-thi-ơ 23 “Họ làm mọi việc cốt để người ta thấy” (câu 5). Ngày nay, nhiều Cơ Đốc nhân rất xem trọng sự tôn kính, địa vị, quyền lực. Cái kim tự tháp trong hình nói đến nhiều cấp bậc trong nhà thờ. Nhưng trong Ma-thi-ơ 20, Chúa Giê-su đã nói hoàn toàn khác: “nhưng giữa các ngươi thì không được như vậy”. Có nghĩa là giữa chúng ta không được có cấp bậc hay sự thống trị theo cách của thế giới. Chúa nói tiếp: “trái lại, ai muốn làm lớn trong các ngươi thì phải làm đầy tớ các ngươi; ai trong các ngươi muốn làm đầu thì phải làm nô lệ của các ngươi; như Con người đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:26-28). Như vậy, khi Chúa Giê-su đến, Ngài đến để phục vụ và Ngài đã tự hạ mình. Nhưng sau nhiều thế kỉ, giữa các tín đồ đã xuất hiện một hệ thống đầy những cấp bậc có liên quan đến địa vị, quyền lực. Chân lý không còn được xem trọng nữa mà người ta chỉ muốn địa vị. Chúa Giê-su đã nói rất rõ về điều này: “các ngươi không được để người ta gọi mình là thầy”. Cũng có thể nói là không được để người ta gọi mình là mục sư. “… vì các ngươi chỉ có một Thầy, là Đấng Christ, và các ngươi hết thảy đều là anh em” (Ma-thi-ơ 23:8). Như vậy, ở Giê-ru-sa-lem, Hội Thánh mà Đức Chúa Trời muốn có, thì không được có quyền lực và cấp bậc, mà tất cả chúng ta đều là anh em và chúng ta chỉ có một Chủ và một Thầy, đó là Đấng Christ. Chúng ta chỉ có một Cha là Đức Chúa Trời. Không ai được phép để người ta gọi mình là “Thánh Cha”.
Sự thịnh vượng và giàu có
Điểm thứ năm mà chúng ta cần thấy về Ba-by-lôn là sự thịnh vượng và giàu có. Khải Huyền 18 mô tả tiếp về Ba-by-lôn: “… các thương gia trên đất đã nên giàu có bởi sự quá xa hoa của nó…nó đã tự tôn vinh mình và sống xa hoa bao nhiêu” (Khải Huyền 18:3,7). Hình này nói đến sự giàu có và xa hoa. Tôi tin là chúng ta không tưởng tượng được là giáo hội ngày nay thịnh vượng và giàu có như thế nào. Nhưng có lẽ chúng ta nghĩ mình không giàu có nên không bị vấn đề này. Như vậy cũng không đúng lắm. Chúa Giê-su đã nói với Hội Thánh Lao-đi-xê trong Khải Huyền 3: “Vì ngươi nói: Tôi giàu, tôi đã nên giàu có rồi, tôi không cần gì nữa. Nhưng ngươi không biết rằng mình đang khốn khổ, đáng thương, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ” (câu 17). Ở đây, Chúa không nói đến sự giàu có về vật chất mà nói đến sự giàu có thuộc linh. Hội Thánh này không còn mở lòng để đón nhận những điều mới mẻ từ Đức Chúa Trời và không chịu đi tiếp nữa. Họ nghĩ mình đã có tất cả rồi nên không cần gì cả. Nhưng Chúa nói họ khốn khổ, đáng thương, đui mù và lõa lồ. Mỗi người chúng ta hãy tự xét lòng xem mình đói khát Đức Chúa Trời hằng sống nhiều như thế nào? Lòng chúng ta có khao khát quen biết Đấng Christ nhiều hơn và có muốn nhận được từ Đức Chúa Trời nhiều hơn không? Hay chúng ta đã thỏa mãn và cho rằng mình đã giàu về mặt thuộc linh rồi, đã có đủ rồi nên không cần gì nữa. Qua điểm này, chúng ta có thể thấy Ba-by-lôn không ở xa chúng ta. Những gì Đức Chúa Trời phán về Ba-by-lôn và Giê-ru-sa-lem đều có liên quan đến chúng ta.
Chúa Giê-su cho biết chúng ta phải như thế nào: “Các ngươi đừng tích trữ của cải ở trên đất, là nơi có mối mọt và gỉ sét làm hư, và kẻ trộm đột nhập và lấy cắp; nhưng các ngươi hãy tích trữ của cải ở trên trời…” (Ma-thi-ơ 6:19-20). Chúa Giê-su đã nói rõ là chúng ta đừng tích trữ của cải ở trên đất. Nếu Cơ Đốc nhân chúng ta chạy theo sự nghiệp, làm giàu, hạnh phúc đời này,.. thì đó là một mối nguy hiểm vì những điều này có thể làm chúng ta bị lạc hướng và hủy hoại chúng ta. Nên chúng ta cần tỉnh thức để thấy mọi thứ sẽ qua đi, khi Chúa Giê-su trở lại thì sẽ không còn gì cả. Nếu chúng ta chết đi thì cũng không còn gì. Chỉ những của cải trên trời mà chúng ta hôm nay tích trữ thì sẽ còn. Sau khi Lao-đi-xê có thái độ không cần gì nữa, Đức Chúa Trời đã nói với họ: “Ta khuyên ngươi hãy mua vàng thử lửa của Ta” (Khải Huyền 3:18). Chúng ta cần thái độ như trong Ma-thi-ơ 5:3 “Phước cho những người nghèo khó trong linh, vì vương quốc thiên đàng là của họ”. Chúng ta nghèo khó trong linh như thế nào? Chúng ta đói khát Đức Chúa Trời nhiều như thế nào? Nếu chúng ta cảm thấy bên trong mình đã no đủ và thỏa mãn, chúng ta phải từ bỏ nó và nói với Chúa: “Chúa ơi, con không muốn như thế. Con muốn là một người nghèo khó trong linh, để có thể luôn nhận được từ Chúa”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa dạy chúng ta mua vàng từ Ngài. Vàng này chính là bản chất của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã thấy rằng Giê-ru-sa-lem hoàn toàn làm bằng vàng. Nếu chúng ta muốn là Giê-ru-sa-lem thì chúng ta cần vật liệu này, cần bản tính của Đức Chúa Trời. Hôm nay chúng ta phải quen biết Ngài, phải trải nghiệm Ngài.