Tình trạng của Cơ Đốc nhân hiện nay
Bây giờ, tôi trình bày tóm tắt lại tình trạng của các Cơ Đốc nhân hiện nay. Chúng ta có thể thấy là Hội Thánh đã phát triển theo hướng tiêu cực. Lúc đầu, Hội Thánh thực sự là cô dâu thánh khiết. Các Hội Thánh đầu tiên trong sách Công Vụ các sứ đồ thật tuyệt vời, họ thực sự biệt riêng ra khỏi thế gian. Họ đã từ bỏ của cải mình vì Chúa và họ không có địa vị, quyền lực gì. Lúc đó, Hội Thánh thực sự là cô dâu thánh khiết. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều điều trà trộn vào Hội Thánh ngày càng nhiều. Cuối cùng, Hội Thánh đã trở thành một hệ thống tôn giáo đồ sộ, là Ba-by-lôn.
Bây giờ chúng ta phải thấy rằng Ba-by-lôn là mẹ của các con điếm. Nếu người phụ nữ không có con thì sẽ không được gọi là mẹ thì Ba-by-lôn cũng sẽ không được gọi là mẹ nếu không có con. Như vậy, Ba-by-lôn có nhiều con gái. Giáo hội Công Giáo La Mã chính là người mẹ. Lịch sử cho biết là cách đây khoảng 500 năm có cuộc cải cách giáo hội và từ đó xuất hiện giáo hội Tin Lành. Sau đó, ngày càng có nhiều nhóm tách ra, có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng nguồn gốc của họ là bắt đầu từ người mẹ này. Các nhóm này cũng thừa hưởng nhiều đặc điểm từ người mẹ. Nhiều đặc điểm của Ba-by-lôn mà chúng ta thấy hôm nay không chỉ có trong giáo hội Công Giáo mà có thể thấy khắp nơi trong Cơ Đốc giáo.
Ngoài ra, từ “Ba-by-lôn” trong Kinh Thánh có một nghĩa là “rối loạn dẫn đến chia rẽ”. Kinh Thánh nhắc đến Ba-by-lôn lần đầu tiên trong Sáng Thế Ký 11, khi nói đến tháp Ba-bên, Ba-by-lôn và Ba-bên đều nói đến cùng một địa danh (Ba-by-lôn là tiếng Hy Lạp, Ba-bên là tên theo tiếng Do Thái). Lúc đó, loài người xây dựng cái mà Đức Chúa Trời không muốn có. Ngày nay, cũng vậy, loài người chúng ta xây điều mà Đức Chúa Trời không muốn. Lúc đó, Đức Chúa Trời đã phán xét họ, hậu quả là rối loạn ngôn ngữ. Đột nhiên, họ nói nhiều thứ tiếng khác nhau, nên họ bị rối trí và chia rẽ vì không còn hiểu nhau được nữa. Và sự chia rẽ là một đặc điểm nổi bật của Cơ Đốc giáo hôm nay. Nếu nhìn vào Cơ Đốc giáo sa ngã thì chúng ta thấy đó là sự pha trộn với mọi thứ khác và đầy rối loạn. Không ai biết điều gì đúng, mỗi người có ý kiến riêng, mỗi người làm theo điều mà mình cho là đúng. Nếu một người vừa mới tin Chúa hỏi là nên đi theo Hội Thánh nào thì sẽ có một sự rối loạn lớn vì có quá nhiều loại Hội Thánh khác nhau. Người ta không còn biết đâu là con đường đúng. Không có dân nào trên trái đất này mà chia rẽ nhiều như Cơ Đốc nhân chúng ta.
Chúng ta phải thấy rằng có một nhà ngục lớn cho dân Đức Chúa Trời. Dân Chúa đang bị giam giữ vì họ không ở nơi mà Đức Chúa Trời muốn. Vấn đề của ngục tù này là người ta không biết là mình đang bị giam. Chính vì vậy, chúng tôi chia sẻ bài này không phải nhằm để chỉ trích người khác mà để chúng ta ý thức rằng dân Chúa đang bị giam cầm và điều này cản trở Đức Chúa Trời thực hiện kế hoạch của Ngài đối với các Cơ Đốc nhân. Thậm chí, thư Rô-ma nói rằng: “Vì cớ các ngươi, danh Ðức Chúa Trời đã bị phỉ báng giữa các dân ngoại” (Rô-ma 2:24). Thực vậy, ngày nay, nhiều người không muốn liên can gì đến Đức Chúa Trời vì họ đã thấy quá nhiều tiêu cực trong nhà thờ và trong các nhóm Cơ Đốc. Họ thất vọng vì những gì họ đã thấy. Thay vì Hội Thánh phải là chứng cớ của Đức Chúa Chúa Trời và cho người ta thấy sự vinh hiển của Ngài, nhưng bây giờ Hội Thánh đã trở thành một cái gì đó đã làm nhiều người vấp phạm.
Ai là người xây hai thành này?
Bây giờ chúng ta đặt ra câu hỏi: Ai đã xây dựng nên hai thành này? Lần này, chúng ta bắt đầu với Giê-ru-sa-lem. Khải Huyền 21 cho biết Giê-ru-sa-lem đến từ trên trời, từ nơi Đức Chúa Trời mà xuống, có sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Câu này nói rõ là thành Giê-ru-sa-lem này đến từ Đức Chúa Trời. Trong Ma-thi-ơ 16, Chúa Giê-su nói: “Ta muốn xây Hội Thánh của Ta, các cửa âm phủ sẽ không thắng được Hội Thánh” (câu 18). Điều này cũng đúng với chúng ta ngày nay. Nếu Chúa là người xây thì các cửa âm phủ sẽ không thắng được. Có nghĩa là nếu Chúa Giê-su xây dựng Hội Thánh của Ngài thì ma quỷ và địa ngục sẽ chẳng làm gì được. Hê-bơ-rơ 11:10 nói về Áp-ra-ham: “vì ông mong đợi một thành phố có nền móng vững chắc do Đức Chúa Trời xây dựng và sáng lập”. Thành này chính là thành Giê-ru-sa-lem. Áp-ra-ham đã trông chờ thành này từ rất lâu. Qua đây, chúng ta thấy Đức Chúa Trời chính là người xây và tạo nên Giê-ru-sa-lem.
Còn ai đã xây Ba-by-lôn? Chúa Giê-su đã nói là “các cửa âm phủ không thể thắng được Hội Thánh” thì làm sao mà ngày nay có quá nhiều thứ của âm phủ đã tràn vào Hội Thánh? Khải Huyền 18 cho biết một điều rất quan trọng về Ba-by-lôn: “Ba-by-lôn lớn đã sụp đổ rồi, đã sụp đổ rồi! Thành ấy đã trở nên chỗ ở của các quỷ, ngục tù của các tà linh ô uế…” (câu 2). Hình ảnh này rất ấn tượng. Kinh Thánh cho chúng ta biết ai đang sống ở đó: các quỷ và các tà linh. Trong Khải Huyền 2, Chúa Giê-su đã nói với một Hội Thánh của các Cơ Đốc nhân, chứ không phải nói với những người không tin: “Ta biết nơi ngươi ở; là nơi có ngai của Sa-tan” (câu 13). Điều này có nghĩa là các tín đồ có thể đang ở trong một Hội Thánh mà ngai vàng của Sa-tan đang ở đó cùng với các quỷ và các tà linh ô uế. Chúa Giê-su đã nói với những người Pha-ri-si và thầy dạy luật rằng: “Các ngươi bởi cha mình, là Ma Quỷ, mà ra, và các ngươi muốn làm theo điều cha các ngươi muốn” (Giăng 8:44). Câu này cho chúng ta biết một điều quan trọng. Khi tin Chúa Giê-su, chúng ta được sinh lại, Đức Chúa Trời là Cha chúng ta, và tâm linh trong chúng ta trở nên sống động. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn có xác thịt, vẫn còn con người cũ của mình. Nếu mỗi ngày chúng ta không ý thức để sống bởi Đấng Christ thì mặc dù đã được sinh lại, chúng ta vẫn sống trong xác thịt, nên không làm theo điều Chúa muốn mà lại làm theo điều mà Ma Quỷ muốn. Chúng ta phải thấy điều này vì đó là nguyên nhân vì sao Hội Thánh của Cơ Đốc nhân lại trở thành một hệ thống của Sa-tan. Bởi vì Cơ Đốc nhân chúng ta không sống theo Thánh Linh, không tìm kiếm Đức Chúa Trời mà chỉ sống theo cái tôi của mình và xây dựng Hội Thánh theo ý mình. Cũng như Đức Chúa Trời muốn dùng con người để xây thì Ma Quỷ cũng muốn dùng con người. Hắn rất xảo quyệt, hắn không xây một cái gì hoàn toàn khác, mà cái hắn xây nhìn sơ có vẻ giống như cái Đức Chúa Trời muốn xây. Vì vậy Ba-by-lôn được trang trí bằng vàng ở bên ngoài. Cái mà Sa-tan xây giống như một bản sao của Giê-ru-sa-lem để làm cho dân Chúa bị lạc hướng khỏi điều mà Đức Chúa Trời muốn có. Cuối cùng, nhiều người nghĩ mình đang ở trong một Hội Thánh hay đi lễ thờ phượng, nhưng thật ra đó là Ba-by-lôn. Chúng ta phải thấy rằng Sa-tan ẩn đằng sau đó. Hắn sử dụng con người, tôn giáo và nhiều thứ khác để xây.
Kết cục của Ba-by-lôn và Giê-ru-sa-lem
Nếu thấy được điều này, chúng ta có thể hiểu kết cục của Ba-by-lôn sẽ như thế nào. Khải Huyền 18 cho chúng ta biết: “Vì những tội lỗi của nó đã chất cao đến tận trời, và Đức Chúa Trời đã nhớ đến các sự gian ác nó… Vì vậy, trong một ngày các tai họa sẽ đến với nó: Nào chết chóc, nào sầu muộn, nào đói kém. Nó sẽ bị thiêu cháy bằng lửa, vì Chúa, Đấng phán xét nó, là Đức Chúa Trời đầy uy quyền” (Khải Huyền 18:5-8). Như vậy, đoạn này nói thật rõ rằng Đức Chúa Trời sẽ phán xét Ba-by-lôn. Tiên tri Ê-sai đã nói điều này từ rất lâu: “Ba-by-lôn… sẽ bị Đức Chúa Trời lật đổ như Sô-đôm và Gô-mô-rơ” (Ê-sai 13:19). Hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã bị lửa và lưu huỳnh từ trời thiêu hủy hoàn toàn. Đức Chúa Trời cũng sẽ hủy diệt Ba-by-lôn, ngục tù của dân Chúa hiện nay, và cũng sẽ phán xét nó như Ngài từng phán xét Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Chúng ta sẽ biết sợ hãi khi thấy Đức Chúa Trời sẽ phán xét và hủy diệt Ba-by-lôn như thế nào.
Còn Giê-ru-sa-lem là “lều tạm của Ðức Chúa Trời ở với loài người! Ngài sẽ ở với họ, họ sẽ là các dân của Ngài, và chính Ðức Chúa Trời sẽ ở cùng họ” (Khải Huyền 21:3). Và ở đó sẽ có “ngai của Ðức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ở trong thành; và các đầy tớ Ngài sẽ phục vụ Ngài… họ sẽ trị vì cho đến đời đời” (Khải Huyền 22:3-5). Thật tuyệt vời, chúng ta đã thấy rằng ở Ba-by-lôn có ngai của Sa-tan, còn ở Giê-ru-sa-lem có ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con. Và chúng ta sẽ cùng trị vì với Ngài mãi mãi cho đến đời đời. Giê-ru-sa-lem sẽ được Chúa chấp nhận và sẽ còn mãi cho đến đời đời. Trái lại, Ba-by-lôn sẽ bị Đức Chúa Trời phán xét và hủy diệt hoàn toàn.
Chúng ta phải làm gì?
Bây giờ chúng ta đến trang cuối của bài này. Hy vọng buổi thuyết trình này không chỉ là một buổi cung cấp thông tin mà nguyện xin Đức Chúa Trời tác động, làm thay đổi chúng ta. Câu hỏi là chúng ta phải làm gì sau khi đã thấy và đã nghe? Chúng ta không cần phải suy nghĩ nhiều vì Kinh Thánh đã nói rất rõ trong Khải Huyền 18:4 “Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi nó, để các ngươi khỏi bị dự phần vào những tội lỗi của nó, và để các ngươi không hứng chịu những tai họa của nó”. Kinh Thánh nói rất rõ là chúng ta phải ra khỏi Ba-by-lôn, có nghĩa là ra khỏi hệ thống tôn giáo của Cơ Đốc giáo và ra khỏi những gì thuộc về Ba-by-lôn. Đức Chúa Trời cho biết rằng nếu chúng ta không chịu ra, chúng ta sẽ phải gánh những tai vạ của nó. Giê-rê-mi cũng nói rằng: “Hãy trốn ra khỏi Ba-by-lôn; ai nấy trong các ngươi hãy cứu lấy mạng mình, để các ngươi không bị chết vì tội ác của nó” (Giê-rê-mi 51:6).
Có người nói rằng: “Dù tôi đã thấy nhiều tiêu cực trong nhóm tôi, nhưng tôi vẫn ở lại, vì tôi muốn giúp đỡ các tín đồ ở đó. Có thể chúng ta sẽ thay đổi được cả nhóm”. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng nói đến vấn đề này trong Giê-rê-mi 51:9 “Chúng tôi muốn chữa lành cho Ba-by-lôn, nhưng nó không thể nào lành. Hãy lìa bỏ nó… vì sự phán xét nó lên đến tận trời”. Nhiều người đã cố gắng cứu chữa Cơ Đốc giáo, cố gắng để thay đổi điều gì đó hay tác động theo hướng tích cực. Nhưng ở đây ghi rõ là “nó không thể nào lành”. Ở đó không ai mở lòng cho lẽ thật, mà cảm thấy thoải mái, nên họ không muốn ra. Cũng giống như dân Israel hồi trước, ra khỏi Ba-by-lôn để xây dựng lại Giê-ru-sa-lem thật không đơn giản, vì sau khi bị Ba-by-lôn xâm chiếm, Giê-ru-sa-lem chỉ còn là một đống đổ nát. Ngày nay cũng vậy, nếu chúng ta muốn ra khỏi Ba-by-lôn thì sẽ không đơn giản, nhưng Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng ta, Ngài sẽ giúp chúng ta. Chúng ta phải làm theo cách của Đức Chúa Trời là ra khỏi Ba-by-lôn. Nếu ở lại trong đó thì cũng không giúp được gì cho người khác. Sự giúp đỡ lớn nhất cho họ là chúng ta đi theo con đường của Đức Chúa Trời.
Chúng ta có thể thấy điều tích cực trong Khải Huyền 19 là cuối cùng Đức Chúa Trời đã đạt được mục tiêu của Ngài, Ngài có được một người vợ mà Ngài có thể cưới, một người vợ chỉ thuộc riêng về Ngài, thánh khiết và chung thủy: “Chúng ta hãy hớn hở, vui mừng, và dâng vinh hiển cho Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng” (Khải Huyền 19:7). Điều này chỉ xảy ra sau khi Đức Chúa Trời đã phán xét Ba-by-lôn. Vì vậy, hôm nay chúng ta phải ra khỏi Ba-by-lôn để chuẩn bị cho cô dâu của Chiên Con. Chúa sắp đến rồi, nên chúng ta ra khỏi tình trạng trạng hiện nay và không được ở trong Ba-by-lôn.
Trong Phi-líp 3, Phao-lô cho chúng ta một lời chỉ dẫn: “… Vì Ngài tôi chịu mất tất cả; tôi xem mọi sự như rác để có thể được Ðấng Christ… nhưng tôi cứ làm một điều: quên đi những gì ở đằng sau, vươn tới những gì ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà theo đuổi để đoạt giải về sự kêu gọi trên cao của Đức Chúa Trời trong Christ Giê-su” (Phi-líp 3:8, 14). Nếu chúng ta muốn là Giê-ru-sa-lem thì điều quan trọng nhất mà chúng ta phải làm là theo đuổi Đấng Christ để có Ngài và học để sống bởi Ngài, chứ không phải sống theo xác thịt. Nếu chúng ta không sống bởi Chúa, thì trước sau gì chúng ta cũng trở thành Ba-by-lôn. Chúng ta cũng phải quên đi tất cả những gì ở đằng sau để vươn đến những gì ở phía trước, để chạy về đích mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta: Ngài sẽ mang vương quốc của Ngài đến trái đất này và chúng ta sẽ cùng trị vì với Ngài.
Nhưng điều đầu tiên mà chúng ta phải làm là ra khỏi Ba-by-lôn và lìa khỏi tất cả những gì liên quan đến hệ thống này, và cùng xây Giê-ru-sa-lem với một số những người muốn đạt được điều mà Đức Chúa Trời muốn. Câu Kinh Thánh cuối cùng trong bài này là Khải Huyền 22:7: “Kìa, Ta đến mau chóng. Phước thay cho người nào giữ những lời tiên tri trong sách này!”. Chúa sắp trở lai, nên chúng ta đừng chờ đến ngày mai hay vài năm nữa, mà chúng ta phải vâng phục Chúa, hãy rời bỏ Ba-by-lôn và theo đuổi Giê-ru-sa-lem.
(Dịch từ bài “Kommt aus ihr Kommt aus ihr heraus mein Volk!” của himmlisches-jerusalem.de)