Hơn Cả Sự Bận Rộn
Chúng ta dành ra một ngày nghỉ ngơi không phải vì bị ép buộc, nhưng là bởi mong ước lớn hơn để ngừng lại, để ghi nhớ, để nhìn về phía trước và để thờ phượng. Việc công bố rằng chúng ta lựa chọn tận hưởng sự tự do là một thông điệp cần thiết tới những ai đang phải làm nô lệ cho những bận rộn và cảm thấy họ không thể thoát khỏi điều này.
Tiếng than của con người thời đại này là “Bận”
Dạo này bạn thế nào? “Bận.”
Công việc của bạn sao rồi? “Ôi bận lắm.”
Bọn trẻ dạo này sao rồi? “Chúng quá bận rộn. Tôi thấy mình chỉ như một tài xế taxi vậy.“
Hôm nay đi mua sắm thế nào? “Quá bận luôn.“
Giúp mình một chút được không? “Tớ đang bận mất rồi.”
Sự bận rộn của cuộc sống đẩy Chúa ra ngoài lề rất dễ khiến bạn như bốc hỏa. Rất nhiều người trong chúng ta kêu khóc tìm cách xử lý sự bận rộn trước khi nó xảy ra. Tuy nhiên, kỳ vọng bắt kịp mọi thứ lại cứ thế leo thang, nào là Facebook, Twitter, SnapChat, Instagram, Netflix và phần còn lại nữa. Tất cả chúng ta đều dễ rơi vào kỳ vọng rằng chúng ta luôn sẵn sàng, nhận thức được mọi thứ đang xảy ra, và có khả năng đạt được bất cứ điều gì. Không có gì đáng ngạc nhiên khi đòi hỏi được toàn tại, toàn tri, toàn năng này đặt áp lực lên tất cả chúng ta.
Lại thêm một vài nguyên liệu khác – thiếu ngủ, thói quen ăn uống kém, nghiện cà phê hay lối sống thụ động – thế là chúng ta có một công thức hoàn hảo cho một cuộc sống bận rộn đầy lo lắng.
Nhưng mỗi chúng ta, nếu muốn, đều là bếp trưởng trong căn bếp của chính mình. Chúng ta có thể chọn nghĩ lại về các thành phần chúng ta đang trộn vào cuộc sống, nó khiến chúng ta cảm thấy cồng kềnh và căng thẳng hơn là được nuôi dưỡng và duy trì. Nhịp sống hối hả này là do chúng ta tạo nên, ít nhất là theo vài khía cạnh nào đó. Cũng như những người đang theo chế độ ăn giải độc, chúng ta cũng có thể lưu ý đến việc khử độc kỹ thuật số và cân nhắc lại chúng ta cần bao nhiêu trong cuộc sống.
Nỗ lực vô ích để giữ vững bản thân bằng sức riêng của mình không phải điều gì mới. Thời đại kỹ thuật số đơn giản là mang đến những biểu hiện mới của sự cám dỗ từ thời xưa để chiếm lấy vai trò của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Nhưng để chống lại sự cám dỗ lâu đời này, Chúa đưa ra một cách đáp trả cũng lâu đời như vậy: Điều gì sẽ xảy ra với thế giới chuyển đổi liên tục của chúng ta nếu những con người đã đến với Chúa Giê-xu để tìm sự an nghỉ (Ma-thi-ơ 11:28) thường thường dành ra một ngày nghỉ ngơi, ra khỏi sự phân tâm, công việc và những bận rộn? Thói quen hàng tuần này sẽ đem lại điều gì cho thế giới mà chúng ta tìm thấy bản thân mình – một thế giới đang không ngừng tìm kiếm sự bình an giữa những bận rộn?
1. Dành ra một ngày nghỉ ngơi hàng tuần là dấu hiệu cho thấy chúng ta khao khát Chúa
Việc chọn ra một ngày mỗi tuần để dừng lại những nỗ lực và tập trung vào Đức Chúa Trời cho thấy rằng chúng ta khao khát Chúa vượt trên mọi hoàn cảnh, phần thưởng, sự thăng tiến trong công việc, những thành tựu và mọi điều khác khiến chúng ta phân tâm khỏi Đấng chúng ta yêu thương.
Việc không dành thời gian cho người chúng ta yêu thương khi có cơ hội là một dấu hiệu chắc chắn rằng khao khát được ở bên họ, để cùng nhau ôn lại những ngày tốt đẹp trong quá khứ và cùng hướng đến tương lai đã giảm bớt. Khi chúng ta có ý định dành ra một ngày trong tuần để tập chú vào Chúa, như dân giao ước của Chúa khi xưa được truyền lệnh (Xuất Ai Cập Ký 16:23, 25), chúng ta gửi tín hiệu tới thế giới này rằng tấm lòng chúng ta thuộc về Ngài. Việc trân trọng một ngày nghỉ ngơi và thờ phượng cho người ta biết tấm lòng chúng ta đặt để nơi đâu.
2. Dành ra một ngày nghỉ ngơi hàng tuần là dấu hiệu chúng ta tin cậy nơi Chúa
Việc chọn ra một ngày trong tuần để gác lại những nỗ lực tồn tại cũng như chuẩn bị cho tương lai cho thấy rằng chúng ta tin cậy Chúa rằng sự chu cấp của Ngài cho hiện tại là đủ cả và lời hứa cho tương lai là chắc chắn. Khi chúng ta có sự nghỉ ngơi hàng tuần, chúng ta đứng cùng một phía với những thánh đồ giao ước khi xưa, họ tin Chúa sẽ chu cấp đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết (Xuất Ai Cập Ký 16:22-30). Chúng ta đứng cùng phía với Chúa Giê-xu, người đã từ chối mọi nỗ lực của ma quỷ khi nó thuyết phục Ngài nhìn vào nhu cầu của mình, khi Chúa nói rằng chúng ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng cũng nhờ mọi lời nói từ miệng Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:4)
Chúng ta sống với sự công chính như những người cầu nguyện rằng “Xin cho chúng con đồ ăn đủ ngày“ (Ma-thi-ơ 6:11), và tin rằng Chúa sẽ làm điều đó. Là những tạo vật hữu hạn, chúng ta công bố niềm tin vào nguồn lực của Đấng Sáng Tạo Vô Hạn, là Đấng ban cho chúng ta mọi ơn phước (Ê-phê-sô 1:3, 1 Ti-mô-thê 6:17). Khi chúng ta cam kết tận hưởng một ngày nghỉ ngơi trong cuộc sống đầy bộn bề (Xuất Ai Cập Ký 34:21), chúng ta công bố niềm tin của mình nơi Chúa một cách mạnh mẽ hơn.
3. Dành ra một ngày nghỉ ngơi hàng tuần công bố thẩm quyền tối cao của Đấng Christ
Dành ra một ngày trong tuần để nới lỏng tấm lòng khỏi những thành tựu của bản thân giúp chúng ta dọn ra một khoảng trống sạch sẽ để nhắc nhở nhau về thành tựu của Đấng Christ. Mọi điều chúng ta không làm được, ngay cả khi đã cố gắng không ngừng, thì Đấng Christ đã làm rồi. Trong sự nghỉ ngơi, chúng ta công bố rằng Ngài đã làm trọn mọi yêu cầu qua sự vâng phục tuyệt đối với Đức Chúa Cha (Rô-ma 8:3-4). Chúng ta khẳng định rằng Ngài ban cho chúng ta sự an nghỉ thật mà những hoạt động giải trí hay giấc ngủ dài không thể đem lại (Ma-thi-ơ 11:28-30)
Vì những ai chết trong Chúa sẽ được nghỉ ngơi khỏi những khổ nhọc của mình (Khải Huyền 14:13), việc nghỉ ngơi một ngày trong tuần giúp chúng ta ghi nhớ và chuẩn bị cho tương lai đó, là khi nghe đến danh Chúa Giê-xu, mọi đầu gối đều phải quỳ xuống và mọi lưỡi đều phải xưng nhận Ngài là Chúa (Phi-líp 2:10-11). Chúng ta công bố rằng ước vọng của chúng ta lớn hơn nhiều sự thăng tiến trong sự nghiệp, sự nâng cao vị thế hay hoàn thành các công việc trên đất này – đó là để danh Chúa Giê-xu được biết đến.
4. Dành ra một ngày nghỉ ngơi hàng tuần công bố sự tự do của chúng ta
Việc giải phóng một ngày trong tuần khỏi sự chèn ép của hàng tá việc khẩn cấp và danh sách việc cần làm không bao giờ dứt nhắc nhở chúng ta và những người xung quanh rằng chúng ta không còn là nô lệ. Những người đầu tiên được truyền dạy nghỉ một ngày trong bảy ngày được nhắc nhớ rằng Đức Chúa Trời đã cứu họ khỏi ách nô lệ ở Ai Cập (Phục Truyền 5:15). Nhưng với dân Y-sơ-ra-ên – và với chúng ta – sự cứu chuộc khỏi ách nô lệ thuộc thể là bức tranh về sự tự do lớn hơn: thoát khỏi tội lỗi và sự chết (Rô-ma 6:15-23). Chúng ta thấy rõ ràng hơn dân sự Y-sơ-ra-ên rằng chúng ta “được gọi để hưởng tự do” (Ga-la-ti 5:13), và đó là lý do lớn hơn cả để chúng ta ghi nhớ và tuân giữ.
Chúng ta dành ra một ngày nghỉ ngơi không phải vì bị ép buộc, nhưng là bởi mong ước lớn hơn để ngừng lại, để ghi nhớ, để nhìn về phía trước và để thờ phượng. Việc công bố rằng chúng ta lựa chọn tận hưởng sự tự do là một thông điệp cần thiết tới những ai đang phải làm nô lệ cho những bận rộn và cảm thấy họ không thể thoát khỏi điều này.