Johann Gutenberg- Máy In
Một cô gái quê can đảm đứng lên tập họp quân đội gần tan rã của nước Pháp kháng chiến chống lại các lực lượng xâm lược Anh quốc; một nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chiến thắng Constantinople và mở rộng một đế quốc có thể nói là lâu bền nhất trong nghìn năm thứ hai của thế giới; một thủy thủ người Y-ta-li đã vượt biển Đại Tây vào năm 1492. Ba người nổi danh âý là nữ anh hùng Jeanne d’Arc của Pháp, Hoàng Đế Mehmet thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ và Christopher Columbus, người tìm ra châu Mỹ, danh bất hư truyền trong lịch sử thế giới. Nhưng chính là nhờ một nhân vật cùng sống trong thế kỷ 15 đã sáng chế ra một phương cách cách mạng, không những chỉ phổ biến tên tuổi và công nghiệp của họ, nhưng còn đưa hiểu biết và phát minh của loài người đi khắp thế giới nữa. Người ấy là Johann Gutenberg.
Johann Gutenberg được sinh ra trong một gia đình cha mẹ rất giàu có tại thành phố Mainz, nước Đức. Chi tiết về cuộc đời người này trước sau cũng chỉ đơn giản có mấy hàng, ngoại trừ việc anh ta được học nghề thợ kim hoàn, chuyên cắt ngọc quý rồi trở thành một thành phần chủ nhân trong một nhà in ở thành phố Strasbourg.
Khi Gutenberg gia nhập nhà in thì việc ấn loát rất chậm và mệt nhọc. Mỗi một trang sách hay báo là phải làm một bản gỗ mới và đục bằng tay. Gutenberg lúc ấy mới nghĩ cách làm sao đúc bằng kim loại mỗi một chữ cái trong bộ ABC. Nhờ loại chữ đúc này mà nhà in có thể dùng đi dùng lại để sắp chữ mà in, không những chỉ là hóa đơn hay các tài liệu ngắn, lý thuyết ra là sách dày bao nhiêu trang cũng được.
Nhưng kim loại dùng đúc chữ cũng cần phải nghiên cứu, vì nếu không, chữ in ra sẽ bị méo mó. Người ta nghĩ ra một loại hợp kim chảy dễ dàng ở nhiệt độ thấp cho dễ đúc. Rồi phải sáng chế ra mực in để có thể dính vào kim loại và in lên giấy mà không bị loang. Nhưng quan trọng hơn cả là dùng sức mạnh nào để in, không lẽ cứ dùng tay, vì rất chậm chạp. Gutenberg nhìn cái máy ép nho làm rượu và nghĩ ra áp dụng cùng hệ thống vào việc ấn loát.
Năm 1448, khi Gutenberg trở lại thành phố Mainz thì anh ta đã vượt qua được mọi khó khăn về máy in và thuyết phục được Johann Fust, một người vừa làm nghề kim hoàn lại vưà là luật sư đầu tư nhiều vào một nhà in với máy móc tối tân thời đó. Những việc gì xẩy ra đối với Gutenberg mấy năm sau đó không ai biết, nhưng vào năm 1455, khi du khách đến tham quan Hội Chợï Thương Mại ở Thành Phố Frankfurt thì đã thấy nhiều phần của một cuốn Kinh Thánh tiếng Latin. Mỗi trang có hai cột gồm 42 hàng. Một năm sau đó cuốn Kinh Thánh trọn bộ bằng tiếng Latin đã in ra hẳn hoi, và dần dần được gọi là cuốn Kinh Thánh Gutenberg. Như vậy, cuốn sách đầu tiên được in ra bằng chiếc máy in của Gutenberg chính là cuốn Kinh Thánh.
Thế giới phương Tây bắt đầu thay đổi, vì từ nay người ta có thể in nhiều ấn bản của sách một cách nhanh chóng. Dĩ nhiên là thuật ấn loát bằng loại chữ tháo rời ra và xếp lại đã từng áp dụng tại châu Á, nhưng hằng nghìn bảng mẫu chữ phải dùng đã khiến cho việc ấn loát tốn công phu nhiều quá, và hoàn toàn làm bằng tay cả. Gutenberg thật ra lúc ấy không biết gì về việc in ấn ở châu Á, nhưng đã phát minh ra chiếc máy in có mẫu chữ đúc và làm thay đổi hẳn việc truyền thông trên thế giới.
Ngay trước khi cuốn Kinh Thánh đầu tiên được tung ra, Gutenberg đã bắt buộc phải trao hết nhà in và một số dụng cụ in cho ông Fust là người chủ nợ, vì không có tiền trang trải. Ông Fust tiếp tục công việc ấn loát một mình và sau có con rể phụ giúp. Nhưng độc quyền sử dụng máy in của Gutenberg không được lâu. Vì khắp châu Âu, người ta đã phỏng theo chiếc máy này mà chế tạo nhiều loại máy in khác. Cho đến năm 1500 thì sách đã in lên đến 30 nghìn quyển.
Như thế là Gutenberg đã đưa vào thế giới một phương tiện thông tin vô cùng lợi hại. Ngày nay ta không sao có thể tưởng tượng ra một thế giới mà không có việc ấn loát nhanh và nhiều ấn phẩm được nữa. Những sách in đầu tiên là phỏng theo y hết những cuốn sách chép bằng tay khi xưa để lại để lưu truyền và phổ biến. Việc phổ biến các sách của người Hi-lạp và La-mã đã đưa đến việc nghiên cứu sách cổ điển và dẫn đến phong trào Phục Hưng tại châu Âu. Nhưng quan trọng hơn cả là Kinh Thánh, lời của Chúa truyền cho nhân loại, được in ra phổ biến khắp nơi và đến tay của những người ngoài giới tu sĩ. Chính nhờ việc đọc Kinh Thánh rộng rãi mà người ta thấu hiểu đạo Chúa, làm nhiên liệu cho cuộc Cải Chính Cơ-đốc-giáo và thay đổi hẳn bộ mặt của giáo hội Cơ-đốc.
Trước khi có máy in, khả năng đọc sách chỉ dành riêng cho giới trí thức sang giàu và những viên ký lục chuyên môn chép bản. Khi sách được in ra và phổ biến khắp nơi làm cho việc đọc sách không còn độc quyền của một giới, và khuyến khích người ta học nhiều hơn để đọc sách. Giáo dục nhờ đó phát triển mạnh vì người học trò có sách riêng để đọc và học chứ không còn phải chờ thầy dạy viết lên bảng mà ghi chép nữa.
Máy in trở thành một phương tiện truyền thông về mọi ngành học trên thế giới và nhờ đó thế giới mới văn minh tiến bộ như ngày nay.
Cuốn sách đầu tiên in ra tại thế giới phương Tây là cuốn Kinh Thánh tiếng Latin. Đây là một dấu mốc cho việc phổ truyền Kinh Thánh cho mọi người trên thế giới. Kể từ đó, Kinh Thánh được phiên dịch sang tiếng Đức và tất cả các ngôn ngữ trên thế giới.
Cuốn Kinh Thánh tiếng Việt toàn bộ được in ra vào năm 1926 tại Hà Nội, cho đến ngày nay vẫn còn sử dụng. Cuốn Kinh Thánh Hiện Đại cũng đã được phát hành từ năm 1996.
Việc in ấn Kinh Thánh quan trọng hơn bất cứ cuốn sách nào, vì đây là thông điệp của Thượng Đế, của Đức Chúa Trời cho loài người. Cuốn Kinh Thánh Gutenberg đã mở đầu cho việc đưa Kinh Thánh vào tay mọi người trên thế giới để vô số người từ thế kỷ 16 tới nay đã được đọc, học và nghiên cứu Kinh Thánh, tin Chúa và được cứu rỗi.