Tất cả thầy tế lễ đều cần của lễ chuộc tội lỗi. Trong lễ tấn phong chức tế lễ trong Lê-vi Ký 8, của lễ chuộc tội lỗi ở vị trị đầu tiên và nó còn lớn hơn cả của lễ thiêu. Nếu muốn dâng mình cho Chúa để làm thầy tế lễ phục vụ Ngài, chúng ta không chỉ cần của lễ thiêu, mà trước tiên cần một của lễ chuộc tội lỗi. Thứ tự các của lễ này đã được Đức Chúa Trời qui định. Tại sao?
Trong chúng ta có nhiều điều tội lỗi. Hầu hết đều bị giấu kín và bản thân chúng ta không biết gì về chúng. Nhưng nếu có vấn đề hoặc khi tôi ở trong tình huống thích hợp, tội lỗi sẽ xuất hiện để điều khiển lời nói và hành động của tôi. Trong lúc đó, tôi không phải là nô lệ của Đức Chúa Trời mà là nô lệ của tội lỗi. Do đó, là thầy tế lễ, chúng ta cần trước tiên một con bò để làm của lễ chuộc tội lỗi, và sau đó là của lễ thiêu để vâng lời Đức Chúa Trời (Lê-vi ký 8:2). Nếu không, sự phục vụ của chúng ta sẽ không làm Đức Chúa Trời đẹp lòng. Ở đây không liên quan đến sự tha thứ thứ tội lỗi. Để được tha thứ tội lỗi, chúng ta cần của lễ chuộc sự vấp phạm: huyết của Chúa Giê-su tẩy sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi (1.Giăng 1:7-9). Của lễ chuộc tội lỗi xử lý gốc rễ của tội lỗi, là phần không nhìn thấy được. Mỗi hành động phạm tội đều có một nguyên nhân tiềm ẩn trong lòng chúng ta. Tội đã phạm là kết quả của những gì ẩn giấu trong lòng. Đó là lý do tại sao chúng ta cần được điều trị tận gốc và sâu sắc. Chúa là bác sĩ của chúng ta, bác sĩ này không chỉ muốn làm sạch chúng ta, mà Ngài muốn xử lý nguyên nhân và điều trị lòng của chúng ta. Paul đã mô tả điều này như sau:
Rô-ma 7:18-19: “Vì tôi biết rằng điều thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Tôi có ý muốn làm điều thiện, nhưng tôi không có khả năng để làm. Vì tôi không làm điều thiện mình muốn, mà lại làm điều ác mình không muốn”.
Rô-ma 7:23-24: “Nhưng tôi cảm biết trong chi thể tôi có một luật khác giao chiến với luật trong tâm trí tôi, bắt tôi phải làm nô lệ cho luật của tội lỗi, là luật ở trong chi thể tôi. Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể hay chết nầy?”
Ai có thể giải phóng chúng ta khỏi điều này? Câu trả lời là: Đấng Christ là của lễ chuộc tội lỗi. Chúng ta kinh nghiệm của lễ này như thế nào? Có hai loại kinh nghiệm: Đối với một số tội, Chúa có thể giải thoát chúng ta rất nhanh, rồi chúng ta không tái phạm nữa, ví dụ như nói tục, chửi thề, hút thuốc,… Đối với những điều khác thì cần phải kiên trì sử dụng của lễ chuộc tội lỗi để tội lỗi không bộc phát. Ví dụ, sự ham muốn của xác thịt hay sự kiêu ngạo thường hay xuất hiện trở lại để làm chúng ta bị sa ngã. Hơn tất cả, những điều ẩn kín trong lòng chúng ta cần được điều trị thường xuyên (xem Ma-thi-ơ 15:19). Nếu một suy nghĩ phạm tội lại xuất hiện trong tôi, tôi có thể nghĩ rằng lần trước của lễ chuộc tội lỗi không có tác dụng. Ma quỉ muốn kéo chúng ta xuống vì xác thịt vẫn luôn phản ứng như vậy. Xác thịt chúng ta cũng sẽ như vậy cho đến khi Chúa trở lại. Nhưng nhờ của lễ chuộc tội lỗi, chúng ta học để chống lại xác thịt. Rô-ma 8:13 nói rằng: “Vì nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết; nhưng nếu anh em nhờ Thánh Linh làm cho chết công việc của thân thể thì anh em sẽ sống”. Đó là kinh nghiệm của của lễ chuộc tội lỗi. Trước khi nó trở thành hành động, tôi làm cho nó chết bởi Đấng Christ (xem Ma-thi-ơ 5:29-30). Tội lỗi có thể đến hoài, nhưng nó không được thống trị chúng ta.
Vì thế, dân Israel phải dâng của lễ chuộc tội lỗi vào đầu mỗi tháng và vào mỗi dịp lễ, vì chúng ta phải chống lại tội lỗi ở trong xác thịt trong cả năm. Sách Hê-bơ-rơ cho biết có một chiến chống lại tội lỗi: “Trong cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi, anh em chưa chống trả đến nỗi bị đổ máu” (Hê-bơ-rơ 12:4). Cuộc chiến này không thể chiến thắng bằng một lần vượt qua, mà nó sẽ kéo dài cho đến cuối cùng. Vì vậy, trong Lê-vi Ký 4 và 5, của lễ chuộc tội lỗi có nhiều kích cỡ khác nhau: bắt đầu với con bò, rồi đến con dê, con chiên, bồ câu, và bột mì mịn. Có nghĩa là kinh nghiệm của chúng ta đối với của lễ chuộc tội lỗi phải sâu sắc hơn nữa. Chúng ta cũng không được xem thường những kinh nghiệm nhỏ. Chúa nói rằng: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ cũng trung tín trong việc lớn, ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ cũng bất nghĩa trong việc lớn” (Lu-ca 16:10).
Cũng giống như trong một cái vườn: người ta phải cắt cỏ dại hoài. Vào mùa đông thì không có gì mọc lên, nó có vẻ tốt. Nhưng khi trời ấm lên, cỏ dại lại mọc lên và người ta phải cắt cỏ dại. Kinh nghiệm của chúng ta đối với tội lỗi cũng như vậy. Khi nhiệt độ thích hợp thì nó lại mọc lên. Nhưng đó là một cơ hội để chúng ta kinh nghiệm Đấng Christ là của lễ chuộc tội lỗi sâu sắc hơn lần trước. Nếu chúng ta không xử lý những điều ẩn kín này, bên ngoài chúng ta có vẻ ổn và các anh em không nhận thấy bất cứ điều gì. Tuy nhiên, nó có thể xuất hiện 30 năm sau trong một tình huống thích hợp. Tôi biết các anh em đã tin Chúa 40-50 năm, từng là những tấm gương lớn cho tôi. Tuy nhiên, bởi một vấn đề mà nhiều điều đã được đưa ra ánh sáng, làm tôi phải sợ. Một Cơ Đốc nhân sau nhiều năm đi với Chúa có thể bắt đầu lừa dối hay tìm kiếm sự tôn kính và địa vị, nếu những điều ẩn giấu trong lòng không được xử lý. Do đó, điều quan trọng là chúng ta cần phải để Chúa dò xét lòng chúng ta và mang những điểu ẩn kín bên trong ra ánh sáng (xem Thi Thiên 139 và Giê-rê-mi 17:9-10, 14). Qua của lễ chuộc tội lỗi, Đức Chúa Trời muốn giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi, nhất là những tội lỗi ẩn kín (xem Thi Thiên 19:13). Xin Chúa thêm sức cho chúng ta trong cuộc chiến chống lại tội lỗi, để Chúa có được chức tế lễ thánh (1.Phi-e-rơ 1:14-16)!
(Sưu tầm và dịch)