Chào mừng các bạn đến với bài thuyết trình ngắn về Lễ Vượt Qua. Có lẽ đây là lễ nổi tiếng nhất của người Do Thái. Lễ này được mừng vào mùa xuân, ví dụ như ngày 08.04.2020.. Trong dịp lễ này thì chiên Vượt Qua sẽ bị giết. Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau xem xét nội dung lễ này và ý nghĩa của nó đối với Cơ Đốc nhân chúng ta ngày nay.
Lúc đó dân Israel bị giam cầm ở Ai Cập, dưới ách nô lệ của Pha-ra-ôn. Nhưng vào lễ Vượt Qua, Đức Chúa Trời đã giải phóng dân Ngài ra khỏi Ai Cập. Ngay trước khi rời khỏi Ai Cập, họ phải tuân theo những mệnh lệnh sau về lễ Vượt Qua:
- Vào ngày 10 của tháng Ni-san phải lấy 1 con chiên không tì vết.
- Giữ nó 4 ngày và kiểm tra xem nó có vết hay có lỗi không
- Vào ngày 14 phải giết chiên và nướng trên lửa
- Huyết của chiên phải được bôi lên hai thanh dọc và thanh ngang của khung cửa
- Rồi họ phải ăn toàn bộ chiên, cả đầu, giò và nội tạng.
- Phải ăn chung với rau đắng và bánh không men
- Thêm vào đó, họ phải thắt dây lưng, chân mang giày, và tay cầm gậy. Tại sao như vậy? Vì ngay sau đó họ sẽ rời khỏi ách nô lệ của Ai Cập.
Ngay từ đầu chúng ta phải thấy rằng, lễ Vượt Qua là một hình bóng của Đấng Christ. Khoảng 1500 năm sau đó, Ngài đã hoàn toàn làm ứng nghiệm mọi chi tiết của lễ Vượt Qua. Bây giờ chúng ta hãy xem xét khía cạnh lịch sử và thời gian mà Chúa Giê-su đã làm ứng nghiệm lễ này và cuối cùng là ý nghĩa thuộc linh.
Chúa Giê-su đã làm ứng nghiệm thời gian của lễ Vượt Qua. Ngài chính là chiên con không có lỗi lầm và tì vết nào. Kinh Thánh nói về Ngài rằng, “chúng ta đã được chuộc bởi huyết báu của Đấng Christ, Ngài là chiên con không lỗi và không tì vết”. Sách Giăng chương 12 cho biết , Chúa Giê-su đã đến Bê-tha-ni 6 ngày trước lễ Vượt Qua – ở đây nói đến lễ Bánh Không Men, vì hai lễ này giao nhau -, lễ Bánh Không Men bắt đầu vào ngày 15 tháng Ni-san. 6 ngày trước đó là ngày 9.
Kế đó có chép rằng: vào ngày hôm sau, là ngày 10 tháng Ni-san, Chúa đến Giê-ru-sa-lem, nơi đó dân đã tung hô Ngài là Vua của Israel. Điều này cũng là một lời tiên tri trong Xa-cha-ri 9:9 mà Chúa Giê-su đã làm ứng nghiệm. Như vậy, Chúa Giê-su đã lên Giê-ru-sa-lem chính xác vào ngày 10 tháng Ni-san. Từ ngày hôm đó, Ngài đã làm gì?
Theo qui định của lễ Vượt Qua, trong khoảng thời gian này, chiên phải được kiểm tra lỗi . Nó như bị cách ly để người ta dò xét xem nó có lỗi ở đâu đó không. Chúa Giê-su cũng phải chịu giống như vậy. Khi chúng ta xem xét thời gian Chúa Giê-su ở Giê-ru-sa-lem, những điều sau đã xảy ra:
Người Pha-ri-si bàn mưu để gài bẫy Chúa Giê-su trong lời nói. Sau đó, người Pha-ri-si sai môn đồ của mình cùng với phe của vua Hê-rốt đến với Chúa. Dĩ nhiên là họ không thể nào gài bẫy Chúa được. Người Sa-đu-sê cũng đã thử nhưng cũng bị thất bại. Cuối cùng người Pha-ri-si đã nhóm lại để thử Chúa Giê-su. Cứ mỗi lần như vậy, Chúa Giê-su không chỉ chứng minh được Ngài không có bất kỳ dấu vết hay lỗi nào, nhưng những kẻ thử thách Ngài đã bị phơi bày ra đến tận gốc rễ. Ngay cả quan tổng đốc Phi-lát, người không liên quan gì đến các cuộc tranh chấp này, cũng phải thừa nhận rằng ông không tìm thấy lỗi nào nơi Chúa Giê-su. Như thế, Đấng Christ đã chứng minh một cách tuyệt vời rằng, Ngài hoàn toàn không có lỗi lầm và tội nào cả, đến nỗi cuối cùng không ai dám hỏi Ngài điều gì nữa.
Bây giờ chúng ta xem xét trục thời gian kỹ hơn. Vì vào ngày 14 tháng Ni-san , cuối khoảng thời gian này, chiên Vượt Qua bị giết. Đấng Christ cũng đã chịu đóng đinh vào đúng ngày này. Chúng ta cần phải hiểu rằng một ngày của người Do Thái bắt đầu vào lúc 6h chiều, lúc mặt trời lặn, chứ không phải bắt đầu vào lúc 0h như chúng ta.
Khi chúng ta xem xét ngày Chúa chịu đóng đinh kỹ hơn, chúng ta thấy rằng vào buổi chiều tối của ngày lễ Vượt Qua, Chúa đã thiết lập Bàn của Chúa. Qua đó, Chúa đã kết hợp lễ Vượt Qua với Bàn của Chúa. Chúa đã nói rằng huyết của Ngài sẽ được đổ ra để nhiều người được tha tội.
…. Tối hôm đó, Chúa Giê-su cùng với các môn đồ đi đến vườn Ghết-sê-ma-nê. Ở đó Ngài đã bị Giu-đa phản bội. Ngài bị dẫn đến Hội đồng công luận của người Do Thái, rồi bị dẫn đến vua Hê-rốt và quan tổng đốc Bôn-xơ Phi-lát. Sau đó, Ngài bị kết án và vào lúc 9h sáng, Ngài đã bị đóng đinh. Từ 12h đến 15h có bóng tối bao trùm cả xứ. Chúa Giê-su đã chết vào lúc 15h rồi được chôn cất cũng trong ngày hôm đó.
Dựa vào lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên 9 và lời kể của các nhân chứng trong các sách Phúc Âm, chúng ta biết rằng Đấng Christ đã chết vào ngày 3 tháng 4 năm 33 sau CN.
Lễ Vượt Qua bày tỏ cho chúng ta về sự cứu chuộc của Chúa Giê-su ở trên thập tự giá, Ngài đã chết vì tội lỗi của chúng ta và Ngài đã cứu chúng ta khỏi sự phán xét sẽ đến trên thế giới này. Từ “Vượt Qua” có nghĩa là đi ngang qua. Sự phán xét trừng phạt này đã đi ngang qua những nhà có huyết của chiên Vượt Qua đã được bôi trên thanh dọc và thanh ngang của khung cửa. Cũng như vậy, Chúa Giê-su là Chiên của Đức Chúa Trời sẽ cứu chúng ta khỏi sự thịnh nộ sắp tới. Nhưng những người ở Ai Cập, Ai Cập là tượng trưng của thế giới này những người mà huyết của chiên Vượt Qua đã không được đổ ra cho họ thì sẽ hứng chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời. Thậm chí tất cả mọi người, vì là tội nhân, nên đã ở dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời.
Chúng ta cũng thấy rằng Pha-ra-ôn, là một hình ảnh của Sa-tan. Hắn giam giữ loài người ở dưới ách nô lệ của tội lỗi. Hắn không muốn ai rời khỏi sự cai trị của hắn. Trái lại, hắn làm tất cả để mọi người đều phải chịu sự đoán phạt đời đời. Thật là khủng khiếp. Nhưng không phải mọi người bị giam cầm bởi nhiều thứ sao? Ví dụ như nghiện rượu, nghiện thuốc lá và nghiện nhiều thứ khác của thế giới này. Người ta không thể thoát ra được. Chúng còn làm người ta khốn khổ. Những điều bình thường của thế giới này như âm nhạc hay trò chơi máy tính,… cũng có thể làm người ta bị nghiện… Khi người ta muốn dùng chúng, nhưng vì một lý do nào đó không dùng được, thì người ta bực bội, ở trong một tâm trạng xấu hay cảm thấy trống rỗng bên trong. Đức Chúa Trời không muốn điều đó và muốn cứu con người khỏi tất cả những tình huống này.
Chúng ta phải ngợi khen Đức Chúa Trời, vì Ngài đã sai Con của Ngài tới để cứu chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Đó là ý nghĩa của “Chiên Con của Đức Chúa Trời cất đi tội lỗi”. Vào ngày lễ Vượt Qua, dân Đức Chúa Trời đã được chuộc khỏi ách nô lệ của Pha-ra-ôn. Lời Chúa nói “ai phạm tội thì là nô lệ của tội lỗi”. Như vậy mọi người đều cần được giải thoát khỏi ách nô lệ này. Do đó, các Cơ Đốc nhân chúng ta cũng phải giữ lễ Vượt Qua vì chúng ta luôn có nguy cơ phạm tội. Tội lỗi có thể bắt đầu từ trong suy nghĩ. Nếu những suy nghĩ tội lỗi cứ xuất hiện trong chúng ta và muốn chúng ta làm nô lệ cho chúng, chúng ta có thể nhờ Chúa Giê-su để giữ lễ Vượt Qua, bằng cách dùng đức tin để cầu nguyện: „Lạy Chúa, khi xưa Chúa đã đem dân Israel ra khỏi ách nô lệ, hôm nay Chúa cũng có thể giải phóng con khỏi những suy nghĩ này. Lạy Chúa, xin hãy cứu con khỏi chúng! Con không phải phục tùng kẻ thù của Đức Chúa Trời nữa, mà bây giờ con chỉ thuộc về một mình Chúa thôi.”
Còn nhiều khía cạnh khác của Giê-su Christ mà chúng ta có thể thấy ở trong trang thứ 2, chúng ta có thể trải nghiệm những khía cạnh này. Chúng ta phải mừng ngày lễ này và không được bỏ bê nó, vì đó là một luật đời đời của Đức Chúa Trời.
Trong lễ Vượt Qua, người ta phải ăn toàn bộ chiên. Chúng ta cũng phải trải nghiệm Đấng Christ như vậy. Chúng ta sẽ không thoát khỏi tội lỗi nếu Cơ Đốc nhân chúng ta không làm như vậy. Chúng ta chỉ thích đọc những câu Kinh Thánh hay và tích cực, những câu mà chúng ta thích, nhưng lại bỏ phần còn lại vì chúng ta không thích hay vì chúng không hợp với quan niệm của chúng ta. Không, chúng ta phải ăn toàn bộ Đấng Christ. Phải ăn cái đầu vì tâm trí chúng ta cần sự đổi mới.
Chúng ta có thể kinh nghiệm cái đầu này rất nhiều. Ví dụ, sau giờ làm việc, tôi phải nhóm với nhiều tín đồ, nhưng vì áp lực cao trong công việc, tôi nghi ngờ liệu tôi có nên đi nhóm hay không. Khi Chúa bảo tôi phải đi, thì tôi muốn ở lại để hoàn tất công việc. Đó chính là lúc để chúng ta trải nghiệm lễ Vượt Qua, chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã ban lễ Vượt Qua cho con, không phải để cho công việc và ý thức trách nhiệm bắt con làm nô lệ và cản trở con làm theo ý Chúa, nhưng để con phục vụ Chúa bất cứ khi nào Chúa nói với con”. Kinh nghiệm này cho thấy rằng nhờ Đấng Christ chúng ta có thể vượt qua được, cuối cùng những lo lắng, suy nghĩ ban đầu không còn là vấn đề nữa.
Chúng ta cũng phải ăn cái giò, cái giò có những cơ bắp lớn nhất trong cơ thể, cái giò tượng trưng cho sức mạnh của Chúa Giê-su. Những người theo tôn giáo cũng cố gắng để không phạm tội, nhưng cuối cùng họ phải thừa nhận rằng mình quá yếu đuối nên một lúc nào đó phải chịu thua. Ví dụ như khi tôi đọc Kinh Thánh và thông công với Chúa thì tôi lại đói bụng. Có những tình huống mà chúng ta không thể chịu thua cơn đói, mà chúng ta cần phải tìm kiếm Chúa bằng sự cầu nguyện. Những lúc như vậy, chúng ta có thể dùng Lời Chúa và những câu Kinh Thánh liên quan đến Lễ Vượt Qua để cầu nguyện. Qua đó, chúng ta sẽ kinh nghiệm rằng Lời Chúa sống động, sẽ tác động vào lòng chúng ta. Những gì xảy ra vào lúc trước thì ngày nay cũng trở thành kinh nghiệm và hiện thực của chúng ta. Phao-lô cũng đã làm chứng rằng: “Ta cảm tạ Đấng ban thêm sức cho ta, là Christ Giê-su!” (1.Ti-mô-thê 1:12).
Cuối cùng, chúng ta cũng phải ăn cả phần nội tạng. Phần nội tạng nói đến cảm xúc. Đôi khi chúng ta cảm thấy tốt, nên chúng ta ngợi khen Chúa và vui mừng. Sau đó, chúng ta cảm thấy tồi tệ, nên bị nản lòng, bị giảm đức tin, thậm chí còn đổ lỗi cho Đức Chúa Trời. Nếu như vậy thì không được. Đấng Christ phải thành hình trong chúng ta, bằng cách chúng ta ăn Ngài để đạt đến sự đổ đầy trọn vẹn của Đức Chúa Trời.
Trong Kinh Thánh, có một số người đã kinh nghiệm Đấng Christ là lễ Vượt Qua của họ. Ví dụ Xa-chê nhờ gian lận mà đã trở thành trưởng của những người thu thuế. Sau khi trải nghiệm Đấng Christ là lễ Vượt Qua, ông đã được thoát khỏi sự giàu có và sự gian dối của thế giới đã chiếm hữu lòng của ông.
Một ví dụ khác trong Kinh Thánh là Đê-ma, một người cộng tác với Phao-lô. Đê-ma đã yêu đời này. Đây là điều tồi tệ đối với một Cơ Đốc nhân. Đê-ma đã trở lại nơi mà ông đã bị giam cầm trước kia.
Đức Chúa Trời muốn tất cả mọi người được cứu rỗi toàn vẹn. Không phải con người đang bị giam cầm bởi nhiều thứ sao? Ví dụ nhiều người bị nghiện danh dự, sự công nhận, sự nghiệp. Nếu chúng ta ăn Đấng Christ là Chiên lễ Vượt Qua thì chúng ta sẽ được giải thoát khỏi những điều đó.
Bài thuyết trình ngắn của tôi kết thúc ở đây. Tôi chúc các bạn có nhiều kinh nghiệm với Đấng Christ là lễ Vượt Qua của chúng ta.
(Dịch từ bài “Das Passahfest | Die Bedeutung für Christen” của himmlisches-jerusalem.de)