MƯỜI LÝ DO ĐỂ TIN CHÚA CỨU THẾ (CHRIST) HƠN TIN VÀO TÔN GIÁO
1. LÀ ĐẤNG MÀ CHÚNG TA CẦN PHẢI NHẬN BIẾT VÀ TIN
Christ còn vĩ đại hơn một hệ thống tổ chức, một truyền thống hoặc tín ngưỡng. Ngài là Người biết các nhu cầu, cảm nhận được nỗi đau, cảm thông với sự yếu đuối của chúng ta. Để đáp lại lòng tin cậy của chúng ta, Ngài tha thứ tội lỗi, cầu thay và đưa chúng ta đến với Cha Ngài. Ngài khóc vì chúng ta, chết cho chúng ta và sống lại từ kẻ chết để chứng minh rằng Ngài là tất cả những gì Ngài tuyên bố. Chinh phục sự chết, Ngài cho thấy rằng Ngài có thể cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi, sống qua chúng ta trong đời sống trên đất, và rồi đem chúng ta về thiên đàng. Ngài ban chính Ngài như một món quà cho bất cứ người nào tin cậy Ngài (Gi 20:24-31).
2. TÔN GIÁO LÀ ĐIỀU GÌ ĐÓ ĐỂ TIN VÀ THỰC HIỆN.
Tôn giáo là tin vào Đức Chúa Trời, tham dự các buổi lễ tôn giáo, học giáo lý căn bản, nhận lễ báp-tem và sinh hoạt thông công với nhau. Tôn giáo là truyền thống, nghi lễ, và học biết phân biệt đúng sai. Tôn giáo là đọc Thánh Kinh và ghi nhớ lấy, là cầu nguyện, là bố thí cho kẻ nghèo và kỷ niệm những ngày lễ thánh của giáo hội. Tôn giáo là hát trong ca đoàn, là giúp đỡ người nghèo khổ, và sửa lại những sai lầm quá khứ. Tôn giáo là những gì đã được thực hành bởi người Pha-ri-si, là những nhà lãnh đạo tôn giáo ưa thích giáo điều, bảo thủ, biệt lập, những người ghen ghét Chúa Cứu Thế đủ để kêu gọi phải giết Ngài. Họ ghét Ngài không chỉ vì Ngài đã vi phạm truyền thống của họ để cứu giúp mọi người (Mat 15:1-9) mà còn vì Ngài đã thấy rõ lòng họ qua tôn giáo của họ.
3. TÔN GIÁO KHÔNG THAY ĐỔI LÒNG NGƯỜI.
Chúa Giê-xu ví sánh những người Pha-ri-si với người rửa chén bát nhưng chỉ rửa sạch bên ngoài trong khi bên trong vẫn còn dơ. Ngài phán: “Hỡi các ngươi là người Pha-ri-si! Các ngươi rửa sạch bề ngoài chén và mâm, song bề trong đầy sự trộm cướp và điều dữ. Hỡi kẻ dại dột! Đấng đã làm nên bề ngoài lại không làm nên bề trong nữa sao?” (Lu 11:39-40). Chúa Giê-xu biết rằng một người có thể thay đổi hình ảnh mình mà không thay đổi hành vi của mình (Mat 23:1-3). Ngài biết rằng văn tự và nghi lễ tôn giáo không thể thay đổi lòng người. Ngài nói với một trong những người sùng đạo nhất trong thời của Ngài rằng nếu không được “sanh lại” bởi Đức Thánh Linh thì một người không thể thấy nước Đức Chúa Trời (Gi 3:3). Thế nhưng, từ đó đến nay, nhiều người trong số những người sùng đạo nhất trên thế giới tiếp tục quên rằng trong khi tôn giáo có thể gây chú ý bởi vẻ bề ngoài của con người, thì chỉ duy nhất Chúa Cứu Thế mới biến đổi được tấm lòng.
4. TÔN GIÁO COI TRỌNG NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT.
Chúa Giê-xu đã quở trách các nhà lãnh đạo tôn giáo là những người chỉ lưu tâm đến chi tiết. Ngài phán rằng: “Khốn cho các ngươi, người Pha-ri-si! Vì các ngươi nộp một phần mười về bạc hà, hồi hương cùng mọi thứ rau, còn sự công bình và sự kính mến Đức Chúa Trời thì các ngươi bỏ qua. Ấy là việc phải làm, mà cũng không nên bỏ qua các việc khác” (Lu 11:42).
Chúa Giê-xu đã biết rõ xu hướng của chúng ta là hay đặt ra nhiều luật lệ và thường tập trung vào thái độ “tu dưỡng đạo đức” thay vì chú ý vào vấn đề lớn hơn là tại sao chúng ta cố gắng làm cho mình ngay thẳng. Trong khi người Pha-ri-si có nhiều hiểu biết, thì họ quên rằng Đức Chúa Trời không kể đến việc chúng ta hiểu biết bao nhiêu cho đến khi Ngài biết chúng ta quan tâm nhiều bao nhiêu. Chữ TẠI SAO này chính là chữ mà sứ đồ Phao-lô đã nghĩ đến khi ông viết: “Dầu tôi nói nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nhưng nếu không có tình yêu thương thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập choả vang tiếng …Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, hoặc bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi” (ICo 13:1, 3).
5. TÔN GIÁO ĐƯA RA NHỮNG CHUẨN MỰC CỦA LOÀI NGƯỜI CHỚ KHÔNG PHẢI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
Chúa Giê-xu dành sẵn lời phê phán gay gắt nhất cho những người lợi dụng danh tiếng về tôn giáo của mình để tạo sự chú ý và sự kính trọng ngoài xã hội. Đối với những người như thế, Chúa Giê-xu nói: “Khốn nạn cho các ngươi là người Pha-ri-si! Vì các ngươi ưa ngôi cao nhất trong nhà hội và thích người ta chào mình giữa chợ” (Lu 11:43). Sau đó, trong khi phán dạy các môn đồ, Ngài cũng nói về người Pha-ri-si: “Họ làm việc gì, cũng cố để cho người ta thấy” (Mat 23:5). Chúa Giê-xu nhìn rõ vào sự thực hành tôn giáo, là vấn đề mà con người thường xem sự đánh giá và chú ý của người khác là quan trọng hơn sự chấp nhận của Đức Chúa Trời.
6. TÔN GIÁO LÀM CHO CHÚNG TA GIẢ HÌNH.
Chúa Giê-xu phán: “Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống như mả loạn, người ta bước lên trên mà không biết!” (Lu 11:44). Còn gì trông có vẻ tốt đẹp hơn là ăn mặc đứng đắn, tham dự các buổi lễ tôn giáo và làm những việc thể hiện chúng ta là người trong sạch và kính sợ Đức Chúa Trời? Thế nhưng, có bao nhiêu học giả mộ đạo, nhiều nhà truyền giáo và những tín đồ trung tín thiếu đi sự tôn trọng và khích lệ vợ mình, thiếu sự quan tâm đến con cái và không có tình yêu thương đối vối những người đối kháng với giáo thuyết của mình. Chúa Giê-xu biết những gì chúng ta thường quên: Điều trông có vẻ tốt đẹp có thể có bên trong gian ác.
7. TÔN GIÁO LÀM CHO CUỘC SỐNG NGÀY CÀNG KHÓ KHĂN HƠN.
Bởi vì tôn giáo không thay đổi được lòng người nên nó cố kiểm soát con người bằng các luật lệ và các kỳ vọng mà ngay cả những người cuồng tín, là người giải thích và áp dụng các qui tắc ấy, cũng không giữ nổi. Với ý nghĩ về “yếu tố gánh nặng” này, Chúa Giê-xu phán: “Khốn cho các ngươi nữa, là thầy dạy luật, vì các ngươi chất cho người ta gánh nặng khó mang, mà tự mình thì không động ngón tay đến.” Tôn giáo mang tính tích cực khi nêu ra các tiêu chuẩn cao siêu về cách ăn ở và quan hệ phải lẽ, nhưng tiêu cực là không đưa ra sự giúp đỡ thật sự và nhân từ cho những người nhận biết mình không sống theo những tiêu chuẩn ấy.
8. TÔN GIÁO THƯỜNG KHIẾN NGƯỜI TA DỄ LỪA DỐI CHÍNH MÌNH.
Người ta hay nói vui rằng: “Tôi yêu con người, nhưng chính con người là kẻ tôi không chịu nỗi”. Người Pha-ri-si sống với ý tưởng như vậy, nhưng đó không phải là chuyện vui.
Theo Chúa Giê-xu thì người Pha-ri-si là những người tự hào về việc họ tôn kính và xây dựng tượng đài kỷ niệm các nhà tiên tri. Điều mỉa mai là khi gặp Đấng Tiên tri thật thì họ lại muốn giết Ngài đi. Barclay nói rằng: “Những nhà tiên tri mà họ khâm phục chỉ là những tiên tri chết. Khi gặp một nhà Tiên Tri sống, họ tìm cách giết đi. Họ đã tôn kính các tiên tri chết bằng những ngôi mộ và tượng đài kỷ niệm, nhưng họ làm nhục các tiên tri sống bằng sự bắt bớ và sự chết”. Đây chính là điều mà Chúa Giê-xu đã đề cập trong Lu 11:47-51 và trong Mat 23:29-32. Người Pha-ri-si đã lừa dối chính mình. Họ không nghĩ rằng chính họ là những người giết các tiên tri. Những kẻ cuồng tín tôn giáo không thấy chính mình là những người từ chối Đức Chúa Trời.
9. TÔN GIÁO CHÔN GIẤU CHÌA KHÓA CỦA SỰ HIỂU BIẾT.
Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất của tôn giáo là nó khiến chúng ta trở thành mối nguy không những cho chính mình mà còn cho người khác nữa. Với những chuyên gia về Kinh Thánh rất sùng đạo vào thời Ngài, Chúa Giê-xu phán: “Khốn cho các ngươi là thầy dạy luật, vì các ngươi đã đoạt lấy chìa khóa của sự biết, chính mình không vào, mà người khác muốn vào, lại ngăn cấm không cho.” (Lu 11:52). Những người cuồng tín ấy đã cướp đi “chìa khoá của sự biết” bằng cách kéo người ta ra xa Lời Đức Chúa Trời và một “sự quan tâm phải lẽ của tấm lòng” bằng sự thêm vào một cách không cần thiết các truyền thống và tiêu chuẩn của giáo hội. Thay vì dẫn người ta đến với Đức Chúa Trời, những nhà lãnh đao tôn giáo cuồng tín ấy đã chuyển sự tập trung vào chính họ và các luật lệ họ đặt ra. Họ là những người cậy vào niềm tin và hành động của tôn giáo để làm những điều mà chỉ có Chúa Cứu Thế mới có thể làm.
10. TÔN GIÁO DẪN CÁC TÍN HỮU ĐI LẠC ĐƯỜNG.
Trong Mat 23:15, Chúa Giê-xu phán: “Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình? Vì các ngươi đi khắp dưới nước trên bộ để khuyên một người vào đạo mình; và khi đã khuyên được rồi, thì các ngươi làm cho họ trở nên người địa ngục gấp hai các ngươi. Những người mới trở lại đạo có mối hiểm họa, họ mang sự nhiệt thành lớn vào trong nếp sống mới của mình và với lòng hăng hái, họ mù quáng bênh vực cho những người thầy mù quáng của mình. Những vị thầy này đặt mình trong sự tin cậy của những người đã đổi một hệ thống luật lệ và truyền thống để nhận lấy sự sống, sự tha tội và mối quan hệ của một Chúa Cứu Thế vô hạn. Tôn giáo là quan trọng trong vị trí của nó (Gia 1:26-27), nhưng chỉ khi nào nó đưa chúng ta đến với Christ, là Đấng đã chết vì tội lỗi của chúng ta, giúp chúng ta sẵn lòng sống cho Ngài (Ga 2:20; Tit 3:5).
BẠN KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI DUY NHẤT nếu chưa tin rằng Chúa Cứu Thế là tất cả. Nhưng, xin bạn hãy nhớ rằng Ngài đã hứa ban sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời cho ai có lý do chính đáng cho những thắc mắc của mình. Ngài phán: “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời hay là ta nói theo ý ta” (Gi 7:17). Ở đây, Chúa Giê-xu nhắc nhở rằng chúng ta nhìn sự vật không phải như nó vốn có, mà là theo con người của chúng ta. Nếu bạn thấy sự hợp lý của đức tin đặt nơi Chúa Cứu Thế, thì hãy nhớ Kinh Thánh nói với con cái Ngài rằng: “Vả, ấy là nhờ ân điển bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Eph 2:8, 9).
Sự cứu rỗi mà Chúa Cứu Thế ban cho không phải là phần thưởng dành cho nỗ lực tôn giáo, mà là món quà dành cho tất cả những ai đặt lòng tin cậy nơi Ngài.