MƯỜI LÝ DO ĐỂ TIN CHÚA CỨU THẾ SỐNG LẠI TỪ TRONG KẺ CHẾT
1. SỰ HÀNH HÌNH CÔNG KHAI BẢO ĐẢM RẰNG NGÀI ĐÃ CHẾT.
Trong kỳ lễ Vượt Qua của người Do Thái, Chúa Giê-xu đã bị một đám đông giận dữ kéo đến phòng xử của người La Mã. Khi Ngài đứng trước mặt Phi-lát, là quan Tổng đốc xứ Giu-đê, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã tố cáo Chúa Giê-xu về việc Ngài xưng mình là Vua dân Do Thái. Đám đông đòi hỏi Ngài phải chết.
Chúa Giê-xu đã bị đánh đập và bị kết án tử hình công khai. Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá giữa hai tên tội phạm trên một ngọn đồi bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Những người bạn tấm lòng tan vỡ và những kẻ thù nhạo báng đã dự phần trong sự canh xác Ngài.
Khi ngày Sa-bát đến gần, bọn lính La Mã được lệnh phải kết thúc việc hành hình. Chúng đánh gãy chân của hai tên tử tội để họ chết mau chóng hơn. Nhưng khi đến chỗ Chúa Giê-xu, chúng không phải đánh gãy chân Ngài, vì theo kinh nghiệm, chúng biết Ngài đã chết rồi. Tuy nhiên, để cho chắc, chúng đâm một ngọn giáo vào sườn Ngài để Ngài không thể sống lại mà làm phiền chúng nữa.
2. SỰ CANH PHÒNG CẨN MẬT NGÔI MỘ.
Ngày hôm sau, những nhà lãnh đạo tôn giáo lại đến gặp Phi-lát. Họ nói Chúa Giê-xu từng tuyên bố trước rằng Ngài sẽ sống lại sau ba ngày. Để bảo đảm các môn đồ không thể âm mưu đồn ra sự sống lại của Ngài, Phi-lát ra lệnh niêm phong ngôi mộ bằng dấu hiệu của La Mã nhằm cảnh báo những kẻ cướp xác Chúa. Bọn binh lính đã phải đứng canh phòng nghiêm cẩn theo lệnh trên. Nên bất kỳ một môn đồ nào muốn đụng đến xác Chúa đều phải vượt qua lớp lính canh này. Ay là một việc chẳng dễ dàng chút nào cả. Bọn lính phải canh phòng hết sức cẩn mật vì nếu chúng ngủ gục đang khi canh gác thì sẽ bị xử tội chết.
3. DÙ ĐƯỢC CANH GÁC CẨN MẬT, NHƯNG CHỈ CÒN LẠI NGÔI MỘ TRỐNG.
Buổi sáng sớm sau ngày Sa-bát, một số môn đồ của Chúa đến mộ để xức dầu cho thi thể Ngài. Nhưng khi đến nơi, họ vô cùng ngạc nhiên về những gì họ thấy. Tảng đá lớn mà người ta lăn đến bít cửa ngôi mộ giờ đã được dời đi, thi thể Chúa Giê-xu không còn ở đó. Thảng thốt, họ vội chạy đến chỗ đặt xác Ngài. Cả ngôi mộ trống không, chỉ còn tấm vải liệm xác Chúa đã được xếp ngay ngắn. Trong khi ấy, bọn lính liền vội vã chạy về thành Giê-ru-sa-lem báo cho những nhà cầm quyền Do Thái rằng họ đã bị bất tỉnh khi có một thực thể siêu nhiên xuất hiện lăn tảng đá đi. Khi tỉnh lại họ thấy ngôi mộ trống không. Các nhà cầm quyền cho bọn lính này nhiều tiền để họ nói dối rằng những môn đồ lợi dụng lúc chúng ngủ mê đến ăn cắp xác Chúa. Họ còn hứa rằng nếu tin tức về việc xác Chúa bị mất phản hồi đến quan tổng đốc thì họ sẽ can thiệp cho chúng.
4. NHIỀU NGƯỜI TUYÊN BỐ ĐÃ THẤY CHÚA SỐNG LẠI.
Vào khoảng năm 55 SC, sứ đồ Phao-lô tường thuật lại rằng Phi-e-rơ cùng các sứ đồ, trên 500 người (mà nhiều người trong số họ vẫn còn vào thời điểm ông đang thuật lại việc này), Gia-cơ và cả chính ông nữa đều thấy Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại (ICo 15:5-8). Bằng cách tuyên bố công khai như thế, Phao-lô đã cho những kẻ chỉ trích cơ hội tự kiểm chứng những gì ông đã nói. Ngoài ra, Thánh Kinh Tân Ước khi chép về các môn đồ Chúa Cứu Thế đã nói rằng Chúa Giê-xu “sau khi chịu đau đớn rồi, thì trước mặt các sứ đồ, Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời” (Cong 1:3).
5. CÁC SỨ ĐỒ CỦA NGÀI ĐƯỢC BIẾN ĐỔI LẠ LÙNG.
Khi một trong số các sứ đồ của Chúa Giê-xu phản Ngài, các sứ đồ khác liền chạy trốn để lo cho mạng sống mình. Ngay cả Phi-e-rơ, trước đó đã khẳng định rằng sẽ chịu chết vì thầy mình, cũng mất tinh thần và chối phăng việc ông quen biết Chúa Giê-xu.
Dẫu vậy, các sứ đồ đã trải qua một sự thay đổi lạ lùng. Trong một vài tuần lễ sau đó, họ đối mặt với những kẻ đã đóng đinh lãnh tụ của họ vào thập tự giá. Tinh thần họ trở nên vững như sắt. Họ hăng hái quyết tâm hy sinh mọi sự cho Đấng mà họ gọi là Đấng Cứu Thế. Thậm chí, sau khibị giam cầm, đe dọa và bị cấm không được giảng dạy trong danh Chúa Giê-xu, các sứ đồ nói với những nhà lãnh đạo Do Thái rằng: “Thà vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta”. (Cong 5:29). Sau khi bị đánh đập vì không tuân theo các mệnh lệnh của Hội đồng lãnh đạo Do Thái, những sứ đồ trước kia vốn nhút nhát bây giờ “cứ dạy dỗ rao truyền mãi về tin lành của Đức Chúa Giê-xu, tức là Đấng Christ” (Cong 5:42).
6. CÁC NHÂN CHỨNG SẴN SÀNG CHẾT VÌ LỜI CHỨNG CỦA MÌNH
Lịch sử Hội Thánh có rất nhiều người tử vì đạo. Vô số người đã chết cho niềm tin của mình. Vì lý do đó, điều quan trọng không phải chỉ ra rằng các môn đồ đầu tiên đã chịu khổ và chịu chết vì đức tin, nhưng là trong khi nhiều người chết cho điều họ tin là thật, thì một sốt ít người lại sẵn sàng chết cho điều dối trá. Sự thực tâm lý ấy là quan trọng bởi vì các môn đồ Chúa Cứu Thế không chết cho niềm tin. Họ chết vì làm chứng rằng đã thấy Chúa Giê-xu sống và luôn sống kể từ sau khi Ngài phục sinh. Họ chết vì tuyên bố rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu không những chết vì tội lỗi họ mà Ngài đã sống lại bằng chính thân thể Ngài từ kẻ chết để chứng minh rằng Ngài hoàn toàn không giống với bất kỳ giáo chủ nào.
7. CÁC TÍN HỮU NGƯỜI DO THÁI THAY ĐỔI NGÀY THỜ PHƯỢNG.
Ngày Sa-bát để nghỉ ngơi và thờ phượng là một đặc điểm căn bản trong đời sống sinh hoạt của người Do Thái. Bất cứ người Do Thái nào không tôn trọng ngày Sa-bát sẽ phạm tội vi phạm luật Môi-se. Thế nhưng, các tín đồ Chúa Cứu Thế người Do Thái đã bắt đầu thờ phượng chung với những tín đồ người ngoại quốc vào một ngày mới. Thay cho ngày Sa-bát là ngày đầu tiên của tuần lễ, ngày mà họ tin rằng Chúa Cứu Thế đã sống lại từ kẻ chết. Đối với một người Do Thái, đây là một sự thay đổi trọng đại trong đời sống họ. Trong ngày mới này, cùng với nghi lễ báp-tem, các Cơ Đốc nhân tuyên bố rằng họ thực sự tin vào Chúa Cứu Thế đã sống lại từ kẻ chết chứ không chỉ sự thay đổi tôn giáo. Họ tin rằng sự chết và sự sống lại của Chúa Cứu Thế đã dọn đường mới cho một mối quan hệ mới với Đức Chúa Trời. Con đường mới này không dựa trên luật pháp nhưng dựa trên sự cứu giúp, gánh thay tội lỗi và ban cho sự sống của một Chúa Cứu Thế phục sinh.
8. MẶC DÙ BẤT NGỜ NHƯNG ĐÓ LẠI CHÍNH LÀ ĐIỀU ĐÃ ĐƯỢC NÓI TRƯỚC RÕ RÀNG.
Các môn đồ hoàn toàn bị bất ngờ. Họ trông đợi Đấng Mê-si-a của họ khôi phục vương quốc Y-sơ-ra-ên. Đầu óc họ mãi nghĩ đến sự ra đời của một vương quốc chính trị do Đấng Mê-si-a cai trị đến nỗi họ không ngờ đến những sự kiện thiết yếu cho sự cứu rỗi linh hồn. Họ cho rằng Chúa Cứu Thế đang dùng ngôn ngữ tượng trưng khi Ngài nhấn mạnh việc Ngài phải lên thành Giê-ru-sa-lem để chịu chết và sẽ sống lại từ kẻ chết là việc cần thiết. Xuất phát từ việc Chúa thường giảng dạy bằng ẩn dụ, nên họ quên mất điều hiển nhiên mãi cho đến sau khi mọi sự kết thúc. Đồng thời, họ cũng bỏ qua nốt lời báo trước của tiên tri Ê-sai về một tôi tớ phải chịu khổ, là Đấng sẽ mang tội lỗi của Y-sơ-ra-ên, bị dẫn đi như một con chiên con bị dẫn đến lò mổ, trước khi Đức Chúa Trời kéo dài thêm số ngày của Ngài (Es 53:10).
9. ĐÓ LÀ MỘT TUYỆT ĐỈNH CỦA MỘT CUỘC ĐỜI KỲ DIỆU.
Trong khi Chúa Giê-xu bị treo trên thập tự giá của người La Mã, đám dân đông nhạo báng Ngài. Ngài từng cứu giúp người khác mà không thể cứu chính mình ư? Phải chăng phép lạ đã thình lình chấm dứt? Đó dường như là một kết cuộc không mong chờ đối với Đấng đã bắt đầu cuộc đời công khai bằng việc hoá nước thành rượu. Trong suốt 3 năm chức vụ của mình, Chúa đã đi bộ trên mặt nước, chữa lành kẻ bệnh tật, mở mắt cho người đui, khiến người điếc nghe được, làm cho câm nói được, chữa lành người què, đuổi quỉ, làm yên cơn bão dữ và làm cho người chết sống lại. Ngài hỏi những câu mà các nhà thông thái không thể trả lời. Ngài đã dạy về các lẽ thật sâu sắc bằng những so sánh đơn giản nhất. Ngài đã lên án những kẻ giả hình bằng những lời phơi bày sự giả dối của họ. Nếu tất cả việc này là thật, liệu chúng ta có còn ngạc nhiên khi kẻ thù Ngài chẳng còn có lời nào nữa?
10. NÓ LÀM CHO PHÙ HỢP KINH NGHIỆM CỦA NHỮNG AI TIN CẬY NGÀI.
Sứ đồ Phao-lô viết “NếuThánh Linh của Đấng làm cho Đức Chúa Giê-xu sống lại từ trong kẻ chết ở trong anh em, thì Đấng làm cho Đức Chúa Giê-xu Christ sống lại từ trong kẻ chết cũng sẽ nhờ Thánh Linh Ngài ở trong anh em mà khiến thân thể hay chết của anh em lại sống” (Ro 8:11). Đây là kinh nghiệm của Phao-lô, người đã được Đấng Christ phục sinh biến đổi hoàn toàn. Đây cũng là kinh nghiệm của những người trên khắp thế giới đã “chết” nếp sống cũ của mình để Chúa Cứu Thế có thể sống qua họ. Quyền năng thiêng liêng này sẽ không thể hiện trong những ai gắn niềm tin Chúa Cứu Thế vào đời sống cũ của mình. Nó chỉ được thể hiện trong những ai sẵn lòng “chết” đời sống cũ để dành chỗ cho sự trị vì của Chúa Cứu Thế. Nó chỉ rõ ràng trong đời sống những ai đáp ứng lại với bằng chứng mạnh mẽ cho sự phục sinh của Chúa Cứu Thế qua sự thừa nhận quyền tể trị của Ngài trong lòng họ.
BẠN KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI DUY NHẤT nếu bạn thành thật nhận thấy mình không tin Chúa Cứu Thế thật sống lại từ trong kẻ chết hay không. Nhưng xin bạn nhớ rằng Chúa Giê-xu đã hứa ban sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời cho người nào muốn sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ngài phán: “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý Ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là Ta nói theo ý Ta” (Gi 7:17).
Nếu thấy được sự hợp lý của sự sống lại, bạn hãy nhớ rằng Thánh Kinh nói: Chúa Cứu Thế chết để trả giá cho tội lỗi chúng ta, và ai tin trong lòng rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì sẽ được cứu (Ro 10:9-10). Sự cứu rỗi mà Chúa Cứu Thế ban cho không phải là phần thưởng dành cho sự nỗ lực mà là món quà dành cho tất cả những ai căn cứ vào bằng chứng ấy mà đặt lòng tin cậy nơi Ngài.