BÀI VIẾT LÀM TĂNG TRƯỞNG TÂM LINH CHO CẤP LẢNH ĐẠO THUỘC LINH
Nền tảng uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. (bài số 3)
( sưu tầm)
Mục đích của Dân số ký chương 17 là cho chúng ta thấy cách Đức Chúa Trời xử lý sự nổi loạn của dân Y-sơ-ra-ên. Trong chương 16 có một cuộc nổi loạn chưa từng thấy ( do Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram cầm đầu 250 quan tướng của hội đồng), nhưng chương 17 nói đến việc kết liễu cuộc nổi loạn ấy ,cho thấy cách xoay khỏi sự nổi loạn và sự chết. Đức Chúa Trời đã làm gì ? Ngài chứng minh với mọi người rằng uy quyền đại diện là theo sự chỉ định của Ngài. Ngài bày tỏ cho dân sự thấy nền tảng và lý do của việc Ngài chỉ định uy quyền. Nền tảng ấy thiết yếu đối với mọi uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định.Nếu thiếu nền tảng này thì một người không thể làm một uy quyền đại diện.
Sự phục sinh là nền tảng cho uy quyền của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời truyền cho 12 người lãnh đạo lấy 12 cây gậy theo 12 chi phái Y-sơ-ra-ên, và đặt chúng trong lều nhóm họp trước rương chứng cớ. Sau đó Ngài phán : ” Và cây gậy người nào mà Ta chọn sẽ trổ hoa” ( câu 5). Cây gậy là một khúc gỗ , đó là một nhánh cây bị tước lá , nó từng xanh tươi nhưng bây giờ đã chết. Cả 12 cây gậy đều không có lá, không có rễ ,khô héo và đã chết. Cây nào trổ hoa thì cây đó được Đức Chúa Trời chọn. Ở đây chúng ta thấy sự phục sinh là nền tảng sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Đó cũng là nền tảng của uy quyền. Chương 16 nói đến sự nổi loạn của con người chống lại uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời và thể nào con người đã chống đối uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định. Chương 17 nói về việc Đức Chúa Trời biện minh cho uy quyền được Ngài chỉ định. Nền tảng dùng để biện minh là sự phục sinh. Nhờ sự phục sinh, Ngài ngăn sự lằm bằm của con người lại. Tất nhiên ,con người tuyệt đối không có quyền chất vấn Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã tự hạ mình bày tỏ cho họ biết lý do và nền tảng cho uy quyền được Ngài chỉ định. Điều này làm cho dân Y-sơ-ra-ên ngậm miệng lại. Cả A-rôn lẫn dân Y-sơ-ra-ên đều là dòng dõi của A-đam và cả hai đều thuộc xác thịt tội lỗi. Theo bản chất và bản tính thiên nhiên của họ thì họ không có gì khác nhau. Cả 12 cây gậy đều như nhau, chúng đều là những nhánh cây trụi lá và rễ, chết và không có sự sống.Điều này cho chúng ta thấy nền tảng của sự phục vụ là điều gì đó tách rời với sự sống thiên nhiên của mình. Sự sống phục sinh chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời ban cho chúng ta uy quyền. Uy quyền không liên hệ gì đến con người nhưng liên hệ đến sự phục sinh, là điều được biểu hiện qua con người. So với tất cả mọi người khác, A-rôn không có gì khác biệt, điểm khác biệt là ông được Đức Chúa Trời lựa chọn và ban cho sự sống phục sinh. Từ điểm ấy, chúng ta nhận thấy rằng nền tảng của uy quyền là sự phục sinh.
Sự trổ hoa của cây gậy là một kinh nghiệm khiêm nhường. Mười hai cây gậy trải qua một đêm trước rương chứng cớ. Đức Chúa Trời làm cho cây gậy của A-rôn ra nụ, trổ hoa và sinh ra những trái hạnh nhân chín.Đó là một cây gậy chết, nhưng Đức Chúa Trời đặt quyền năng sự sống vào trong nó. Môi-se gom tất cả cây gậy đặt trước rương chứng cớ và bày ra cho dân Y-sơ-ra-ên thấy. Gậy của A-rôn trổ hoa có ý nghĩa gì? .Trước hết, cây gậy trổ hoa làm cho chủ nó khiêm nhường. Thứ hai, nó làm cho miệng của chủ những cây gậy khác ngậm miệng lại. Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào nếu ngày hôm sau chúng ta cầm lên một cây gậy khô giống như cây của A-rôn ,là cây đã chết, không còn hy vọng trổ hoa, rồi ngạc nhiên khám phá nó ra hoa và kết trái? Trong nước mắt chúng ta sẽ thừa nhận với Chúa rằng đó là công việc của Ngài. Điều đó không do chúng ta, đó là vinh quang của Ngài chứ không phải của chúng ta. Tự phát chúng ta sẽ được làm cho trở nên khiêm nhường trước mặt Chúa. Ở đây chúng ta thấy nền tảng của uy quyền không tùy thuộc vào con người, không liên quan gì đến con người cả. Một cây gậy chỉ về con người, trong khi sự trổ hoa chỉ về sự sống phục sinh. Nói về mặt địa vị thì 12 người lãnh đạo của 12 chi phái đều chiếm địa vị lãnh đạo. Nhưng chỉ có gậy của A-rôn trổ hoa, đó là dấu hiệu của chức vụ mà Chúa chọn. Một người không thể căn cứ vào trình độ, tài năng hay địa vị của mình để hầu việc Chúa, mà phải căn cứ vào sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Uy quyền không phải là điều mà con người ta có thể giành lấy do tranh đấu hoặc do bầu cử, mà do Đức Chúa Trời thiết lập. Điều đó không liên quan gì đến địa vị lãnh đạo của chúng ta. Không có gì trong chính chúng ta khiến mình được biệt riêng làm một uy quyền thuộc linh. Mọi sự đều tùy thuộc vào ân điển và sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Một người phải suy thoái đến mức độ tối tăm và mù quáng lắm mới có thể kiêu ngạo. Tự nó , không cây gậy nào trổ hoa ra trái cho dầu để nó một mình suốt cả cuộc đời. Nan đề ngày nay là rất khó tìm thấy một mục sư lãnh đạo nào cúi xuống xưng nhận mình cũng giống như mọi người khác. Họ ở vị trí càng cao trong Giáo hội, họ càng thấy họ khác biệt.
Khi Chúa Jesus cỡi lừa con vào thành Jerusalem, mọi người reo hò, khi nghe vậy , lừa con có thể nói với mẹ nó ” ha ha rốt cuộc con hơn mẹ”. Nếu lừa con làm vậy thì nó không nhận biết Đấng cỡi trên mình. Nhiều tôi tớ của Chúa ngày nay cũng thường ngu dại y như vậy. Lừa con đó không khác gì những con lừa con khác trên thế giới. Chỉ có sự khác biệt là Đấng đang cỡi trên lưng nó. Ấy không phải thiên hạ tung hô nó nhưng chính là tung hô Chúa ngồi trên lưng nó. Những lời hoan hô và cành lá, áo ngoài trải ra trên đường không phải vì anh em. Chỉ có kẻ ngu dại nhất mới nghĩ và nói rằng mình hơn những người khác.
Giáo hội có thể phong chức và ban cho người ta nhiều địa vị và chức sắc nhưng uy quyền thì chỉ duy có Đức Chúa Trời chỉ định và kêu gọi. Kinh thánh nói :” Vả lại , không ai chiếm lấy chức trọng đó cho mình, phải được Đức Chúa Trời kêu gọi như A-rôn ngày xưa” ( Hê-bơ-rơ 5:4).