NGƯỜI VIỆT NAM TIN Ở TRỜI
Câu chuyện mở đầu: Palawan nơi tôi nhận Tin Mừng
(Bài của Diệp thị Điệp, trong Cảm nghiệm Ơn sủng tập I trang 58-65).
Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh lỵ miền Trung, nơi có nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, chính vì thế, tôi có câu hỏi mà từ nhỏ tới lớn chưa được trả lời: Ai đã tạo nên những cảnh hùng vĩ kia? Gia đình tôi theo đạo Phật, thờ Ông bà. Mẹ tôi là Phật tử rất mộ đạo, bà ăn chay trường và thường đi lễ chùa. Ngay từ bé, tôi đã được mẹ tôi hướng dẫn về đạo pháp nhà Phật, về kiếp luân hồi, thuyết nhân quả, và khuyên tôi ăn chay. Tôi còn tham gia vào gia đình Phật tử, gia đình này hoạt động rất tốt, có ảnh hưởng nơi tôi.
Gia đình tôi có 9 người. Tôi có một ông anh hơn tôi 8 tuổi. Anh tham gia các hoạt động xã hội và Hồng thập tự. Trong phòng anh có treo một bức hình một bà mẹ với khuôn mặt hiền từ, trên tay bà là một em bé, khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương, đầu đội vương miện bằng vàng, tay cầm thanh gỗ chữ thập. Tôi không biết là ai, nhưng đoán rằng đó là một Đấng Siêu nhiên, người ngoại quốc. Ba má tôi cũng biết là anh theo đạo mới, nhưng không phản đối, chỉ bắt anh ngăn phòng ra và để ảnh tượng thờ phượng riêng ra. Phần tôi, luôn thắc mắc về đạo ấy. Tôi cũng có cô bạn Công giáo thường đi lễ tại nhà thờ gần nhà tôi. Cô bạn rủ tôi đi dự lễ đêm Noel. Tôi nhận lời, muốn xem thử cảnh lễ tưng bừng của người Công giáo? Tôi đã khám phá ra bức ảnh trong nhà thờ giống hệt như ảnh anh tôi có trong nhà, với kích thước lớn hơn và trang trọng bằng nhiều hoa nến. Anh tôi và các bạn của anh cũng dự lễ. Sau lễ Noel ra về, tôi cảm thấy hoang mang, tự hỏi: Có nên theo đạo này không? Có làm cho ba má buồn không? Có bỏ thờ cúng ông bà không?
Ngày tháng trôi qua, ý tưởng theo đạo cũng mờ dần. Các anh tôi đã vượt biên và may mắn được an toàn. Tôi còn ở lại, bức ảnh còn ở lại, sau này tôi được biết là ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bức ảnh này làm tôi xao xuyến, và tôi lại tự hỏi về mình. Đôi khi tôi lại đi nhà thờ dự lễ với cô bạn.
Đầu năm 1989, tôi và em gái tôi vượt biên. Tôi đã đến đảo bình an, và dù nhận được thư của ba má cũng như các anh ở ngoại quốc, tôi vẫn thấy lòng cô đơn lạnh lẽo.
Trại tị nạn Palawan , Philippin có nhiều đạo: Phật giáo, Tin lành, Cao đài, Công giáo. Tôi thường đi qua ngôi thánh đường mang tên Nữ Vương Hòa Bình, thấy người ta đi dự lễ cách thành kính, tôi cũng ước ao có ngày như họ.
Sau một năm, tôi ngỏ ý muốn học đạo. Tôi được học trong lớp Dự tòng. Tôi dự lễ các Chúa nhật và chầu Chúa các thứ Sáu. Chị em tôi siêng năng học hỏi. Dầu vậy không khỏi bị đàm tiếu về ý hướng theo đạo của tôi, người ta nghi ngờ sự thành thật của chúng tôi. Nhưng tôi cứ đi tới, vì tôi đã chọn đường hướng cho mình rồi. Có những lúc tôi bị lung lạc niềm tin, vì thấy những người Công giáo xử với nhau thật tàn tệ. Họ dự lễ siêng năng, luôn nói đạo đức luân lý, nếu họ sống như vậy thì tuyệt vời, nhưng họ chỉ là thùng rỗng kêu to. Nhiều người tân tòng chúng tôi hết sức thất vọng khi chứng kiến những cảnh tượng ấy. Tôi đem vấn đề hỏi anh bạn hàng xóm. Anh giải thích cho tôi là: “Không phải mọi người Công giáo đều tốt. Đạo hướng dẫn con người tới hoàn thiện, nếu người ta biết tuân giữ những điều đạo dạy. Xấu hay tốt đều nằm trong bản chất con người. Nhiều người không muốn từ bỏ những tham lam, ích kỉ, không muốn hi sinh. Theo đạo, là chọn cho mình một lẽ sống, một niềm tin vào Thượng Đế, chứ không phải đi theo lối sống của cá nhân nào, kể đến cả những vị lãnh đạo tinh thần, bản thân cũng còn nhiều thiếu sót”.
Chẳng tìm được sự tuyệt đối trong cõi đời này. Đạo là cái thắng để kềm hãm bớt những sa đọa của nhân loại. Tôi đã chọn con đường theo Chúa, Tôi tin ở Ngài có sự tuyệt Mỹ, thánh thiện nhất, và là nguồn cứu rỗi đời tôi. (Diệp thị Điệp)
Tìm hiểu:
1. Tại Việt nam có hơn 10 đạo, nhưng đạo nào tin ở Trời?
– Tại Việt Nam tuy có nhiều đạo, nhưng trên hết các đạo, người Việt Nam tin ở Ông Trời, Ngài còn được gọi theo kiểu người Tàu là Thượng Đế, Ngọc Hoàng:
Dân Việt Nam là dân hữu thần và sống rất gần gũi với Trời. Từ khi được sinh ra cho tới khi về lòng đất, nhất cử nhất động đều tin rằng có Trời chứng giám, can thiệp. Tiếng “Trời” được phát xuất từ cửa miệng dân chúng hằng ngày qua đời sống, còn ghi lại trong ca dao bình dân.
Con chim nó hót trên cành,
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao,
Nếu Trời không có, làm sao có mình?
2. Ông Trời là Đấng nào?
– Người ta thấy bầu trời xanh, trời cao, người ta tin rằng có một vị cao cả, không ai biết được thế nào, nhưng người ta cùng gọi là Ông Trời. Trong niềm tin của người dân, người ta tin rằng Trời là Đấng Linh thiêng, Cao cả, nắm quyền thưởng phạt, điều hành vũ trụ cách uy quyền. Sau này trong giáo lý của đạo Chúa, quí vị sẽ hiểu về Trời (Đức Chúa Trời) nhiều hơn, do Chúa Giêsu là Trời giáng thế tỏ ra cho loài người qua sách Kinh thánh.
Theo quan niệm dân gian người Việt, Trời được tả như sau:
Trời quyền phép: Trời làm một trận nắng chang, ông hóa ra thằng thằng hóa ra ông.
Trời nhân từ: Trời đánh còn tránh miếng ăn.
Trời công bằng: Trời nào có phụ ai đâu, hay làm thì giầu, có chí thì nên.
Trời quả báo, ăn cháo gẫy răng, ăn cơm gẫy đũa, xỉa răng gẫy chầy.
Người ta tin rằng trong sự quan phòng sáng suốt: Trời sinh voi, Trời sinh cỏ. Trời sinh, Trời dưỡng. Trời xanh có mắt. Vì thế, người ta quả quyết: “Gẫm hay muôn sự tại Trời”.
– Khi được may lành người ta nói: “Nhờ Trời ban”.
– Khi gặp đau khổ, người ta kêu: “Trời ơi!”.
Trời ơi sinh giặc làm chi, cho chồng tôi phải ra đi chiến trường.
Trời ơi có thấu tình chăng, con người nhân ngãi lai căng mất rồi!
Trời sao Trời ở chẳng công, người ba bốn vợ, người không vợ nào!
Trời sao Trời ở chẳng cân, người ăn không hết người lần không ra.
– Khi thề nguyền, người ta xin Trời chứng giám:
Trời cao đất rộng, em vọng lời nguyền,
đất trời còn đó, em giữ tuyền thủy chung.
– Người ta tin rằng: “Trời nào phụ kẻ có nhân“, nên người ta phó thác và dám tin rằng: Trời cho, hơn lo làm.
3. Người nhà nông (cày cấy) cầu Trời thế nào?
– Nước Việt thuộc miền nhiệt đới, mưa nhiều, nắng nhiều. Dân Việt hầu hết làm nghề nông, trồng lúa và hoa mầu, nên khi đồng khô cỏ cháy, người ta kêu cầu Trời:
Lạy Trời mưa xuống,
lấy nước tôi uống,
lấy ruộng tôi cày,
lấy đầy bát cơm,
lấy rơm tôi thổi,
lấy chổi quét nhà,
con gà nhặt thóc…
Và khi đã có mưa, người ta hân hoan biết ơn, cần cù làm việc:
Ơn Trời mưa nắng phải thì, nơi thì cầy cạn, nơi thì bừa sâu.
4. Ông Trời của người Việt nam và Đức Chúa Trời có liên quan gì với nhau không?
– Ông Trời (God) của người Việt Nam đây không là ai khác mà chính là Đức Chúa Trời (God), là Thượng Đế, là Thiên Chúa (God) mà người theo đạo Chúa tôn thờ. Như vậy ta thấy, đạo Chúa rất gần với người Việt Nam, không có gì xa lạ.
5. Đức Chúa Trời (Thiên Chúa- God) nói về sự Sống đời sau thế nào?
– Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người đã cho biết như sau:
“Sự Sống đời đời là nhận biết Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất, chân thật, và tin theo người Con là Giêsu Kitô mà Cha đã sai đến” (Ga 17,3).
– Thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng của Chúa Giêsu còn viết thêm: “Dưới gầm trời này không có ơn cứu độ nơi người nào khác (ngoài Chúa Kitô), không có Danh nào khác (ngoài Danh Giêsu) được ban xuống để loài người nhờ vào đó mà được cứu rỗi” (Cv 4,12).
– Thánh Phaolô, một vị tông đồ chuyên truyền đạo cho dân ngoại (ngoài người Dothái) đã được Chúa dạy viết ra như sau: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhìn biết chân lý (the truth)” (1 Tm 2, 3-6).
Hình như con người càng đau khổ nghèo khó, người ta càng dễ tìm về cùng Thiên Chúa. Điều đó được chứng minh tại các quốc gia trên thế giới, bất kể chế độ nào: quân chủ, dân chủ, cộng hòa hay cộng sản. Đúng như lời đã nói về sứ mạng Chúa Kitô: “Người nghèo được nghe giảng Tin Mừng'” (Lc 4, 16).
Thật ra “Ước muốn của Thiên Chúa được ghi khắc trong thâm tâm con người, vì con người được dựng nên bởi Thiên Chúa và vì Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người về phía Người. Chỉ trong Thiên Chúa, con người mới tìm ra chân lý và hạnh phúc mà con người không ngừng tìm kiếm” (Giáo lý Công giáo ban hành năm 1992 số 27).
Bài đọc thêm
ÔNG TRỜI THEO QUAN NIỆM NGƯỜI VIỆT BAN ĐẦU
“Ngày xưa, trước tất cả mọi sự đã có ông Trời, Trời là một bậc quyền phép vô song ở trên cao, làm ra tất cả: Trái đất, núi non, sông biển, mưa nắng; sinh ra tất cả: Loài người, muôn vật, cỏ cây… Từ mặt trời mặt trăng, các ngôi sao trên trời cho đến vạn vật ở mặt đất, tất cả đều do Trời tạo nên.
“Trời có con mắt thấy tất cả, biết hết mọi sự xảy ra ở thế gian. Trời là cha đẻ muôn loài, xét đến muôn việc, thưởng phạt không bỏ ai. Do đó mà con người tin có đạo Trời, nhờ Trời, cho là Trời sinh, Trời dưỡng, và đến khi chết thì về chầu Trời.
“Trời cũng có vợ gọi là bà Trời, và mỗi khi hai ông bà cãi mắng nhau là lúc trời vừa mưa vừa nắng. Mỗi lúc Trời giận loài người lầm lỗi ở thế gian thì giáng xuống thiên tai, bão táp, lụt lội, hạn hán…
“Giang sơn của Trời là từ mặt đất lên đến trên cao, có chín tầng trời, và chỗ giáp với đất là chân trời. Trời vô hình không nói, nhưng người ta tin là ở đâu cũng có mặt của Trời, không một ai tránh khỏi lưới Trời, mọi việc đều do Trời định.
“Ông Trời của Việt Nam thời cổ cũng gọi là Ngọc Hoàng, từ khi văn Hoá Trung Hoa tràn sang với đạo Lão”. (Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn Học Toàn Thư, I, trang 61).
* Nhận xét: Ngoại trừ vấn đề “Bà trời cãi nhau với ông Trời” như trên,ta thấy người Việt quan niệm về Trời không khác những điều được Thiên Chúa mạc khải (tỏ ra) về Người là Đấng tạo thành trời đất và quan phòng cai trị vạn vật bao nhiêu. Những quan niệm mù mờ trong tâm thức sẽ được sáng tỏ khi chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa ra đời dạy dỗ loài người.
Thiên Chúa là Đấng vô hình, không thể áp dụng cho Người những ý nghĩ về vợ chồng như chế độ loài người cần sinh sản. “Bà Trời”, chỉ là một cách giải thích hiện tượng “cãi nhau” khi có nắng mưa, bão tố, lụt lội theo lối hiểu thô sơ của người thời trước.
http://www.xuanha.net/tg-Toitheodaochua/4vntinotroi.html