Creation House, Carol Stream, Illinois 1971
Bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Minh 1987. Đánh máy và phổ biến 2009
Gửi đến Đoàn truyền giáo – những con người
Bởi đức tin mà ra đi rao truyền Tin lành.
Mel Tari và Cliff Dudley
Chân thành cám ơn John, Elaine Rea và John Sinclair
đã cung cấp những tư liệu làm nên quyển sách này.
Tôi cũng tri ơn đến Blanche Miller đã đánh máy lại
từ bản viết tay, và Jan Franzen đã giúp hiệu đính lại bản văn này.
VÀI NÉT VỀ MEL TARI VÀ CLIFF DUDLEY
MEL TARI là một thanh niên 24 tuổi (năm 1970) đã sống những năm thơ ấu tại một làng nhỏ trên đảo Timor thuộc Indonesia. Vì có vẻ thông sáng đặc biệt nên anh được cấp một học bổng đi du học tại Liên Xô (cũ), song anh đã từ chối.
Giờ đây anh được Chúa kêu gọi đi khắp nơi trên thế giới để nói về sự kỳ diệu của Đức Chúa Trời, kêu gọi mọi người trở lại với sự đơn sơ của Lời Đức Chúa Trời.
CLIFF DUDLEY là người ký thuật lại cuộc phấn hưng theo lời kể của Mel Tari. Ông trước kia là một viên chức hành chánh của tổ chức “Công ty liên đới thực phẩm” (Consolidated Foods Corporation), bước sang lãnh vực văn hóa khi ông làm Giám đốc nhà in Moody Press. Hiện nay (1970) ông giữ chức Phó Chủ nhiệm điều hành tổng quát Nhà xuất bản Sáng Tạo (Creation House).
Cliff Dudley và Mel Tari tại Hoa Kỳ năm 1971,
và Mel Tari hiện nay cùng gia đình ông sống tại miền Nam California – Hoa Kỳ.
Liên lạc với Mel Tari:
Mel Tari
World Mission International
P.O. Box 3355
Dana Point, CA 92629
E-mail
worldmission@cox.net
LỜI GIỚI THIỆU CỦA NHÀ XUẤT BẢN
Nước lã hóa thành rượu…
Người chết sống lại…
Ăn giống chi độc cũng chẳng hại gì…
Đi qua sông sâu 10m nước…
Những phép lạ như thế, đã xảy ra trong thời của Kinh Thánh, được viết ra cách đây đến 1970 năm (năm Mel Tari sang Mỹ làm chứng lại cuộc phấn hưng tại Indonesia), nhưng những phép lạ đó lại xảy ra vào thời nay cho những người đàn ông, đàn bà và trẻ con có lòng tin đơn sơ nơi Đức Chúa Trời và họ hành động theo Lời hứa của Ngài.
Ở đâu? Tại Indonesia – một quốc gia xứ vạn đảo trên Thái Bình Dương mà giờ đây là một trọng tâm của cuộc phấn hưng lớn nhất ở thế kỷ 20 này.
Khi ấy, ông Stanley Mooneyham, là phó Chủ tịch của tổ chức “Hiệp hội Truyền giảng Tin lành Quốc Tế” của Billy Graham (International Relations For The Billy Graham Evangelist Assosiation), đã thuật lại những phép lạ đó, ông nói: “Những gì mà ngày nay Đức Thánh Linh đang hành động tại Indonesia cũng giống như những gì đã được chép trong sách Công vụ các Sứ Đồ mà còn hơn thế nữa. Thánh Kinh Hội Indonesia cố gắng minh họa lại rất khó khăn những kết quả được ghi nhận để phù hợp với những thống kê đã ghi lại. Chẳng hạn như, Các Hội Thánh tại Trung tâm đảo Java VỚI 30.000 Tín hữu năm 1961, giờ đây (1967) tăng lên đến 100.000 người – hầu như tăng gấp 2 lần mỗi năm” (trích trong Tạp chí Christian Life, tháng 11 năm 1967).
Cuộc phấn hưng bắt đầu tại làng Soe trên đảo Timor trong nhóm đảo Lesser Sunda và tiếp tục lan ra qua công tác chứng đạo của các đoàn Truyền giáo.
Ông Mooneyham đã có cuộc phỏng vấn Mục sư A.J.B. Thomas thuộc Hội Giám Lý ở Bandung, Mục sư cho biết: “Dân chúng ở đây rất sơ khai, họ luôn sống trong thế giới thần linh, họ hiểu được sự xung đột giữa Đức Chúa Trời với các thần thế gian. Nhưng với đức tin đơn sơ như con trẻ thì phép lạ xảy ra đối với họ không có vấn đề gì là quá lạ”.
Mooneyham tin rằng chúng ta hiện đang sống trong thời đại khi mà Tin lành sẽ lan ra từ Châu Á cho đến cùng thế giới.
Có một người đàn ông đi ra từ nơi này, đó là Melchoir Tari, người ta quen gọi là Mel, khi cuộc phấn hưng bắt đầu (1965) thì anh 18 tuổi. Bây giờ (1970) anh đã 24 tuổi và đang ở Mỹ, anh chỉ tin cậy nơi Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng chu cấp mọi nhu cầu cho anh.
Điều đáng nói là, hầu hết những ai con nghi ngờ, thì chính câu chuyện phấn hưng tại Indonesia, cộng với những từng trải bởi những con người trẻ tuổi và bạn hữu của họ sẽ làm tái hiện lại câu chuyện ấy trong từng trang sách tiếp theo đây.
Nhà Xuất bản Creation House, Carol Stream, Illinois
Ấn bản phát hành tháng 11 năm 1971
LỜI PHI LỘ CỦA NGƯỜI DỊCH
Đây là bản dịch đúng với nguyên tác của tác phẩm “LIKE A MIGHTY WIND” được ghi lại qua ngòi bút của ông Cliff Dudley (xin được dịch là “NHƯ GIÓ THÁNH LINH” để ám chỉ chữ ”MIGHTY WIND”. NM). Tác giả chính của câu chuyện là MEL TARI, người thuật lại cuộc phấn hưng tại quê hương anh thanh niên 18 tuổi này vào năm 1965. Năm năm sau, Mel Tari sang Mỹ làm chứng lại những gì mà Thánh Linh Chúa đã làm trên quê hương anh ở Indonesia.
Lời văn thật đơn sơ nhưng đầy cảm xúc mãnh liệt bởi năng quyền Thánh Linh Đức Chúa Trời hành động tại đảo Timor, Indonesia – một quốc gia có cả ngàn đảo, rừng già, biển cả, sơ khai… lại được kể lại tại một quốc gia văn minh, tiến bộ, giàu có, hùng mạnh nhất thế giới – Hoa Kỳ.
Mel Tari đề cao đến một Đấng vĩ đại là Chúa Giê-xu và Đức Thánh Linh có năng quyền thay đổi, bắt phục con người ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều giống nhau. Không có sự khác biệt khi sự phấn hưng đến tại Indonesia cũng như tại nhiều nơi trên thế giới, Đức Thánh Linh của chúng ta chỉ có Một, Ngài đang làm và vẫn làm nhiều điều kỳ diệu vô song cho con dân Chúa và nhân loại trên khắp hành tinh này.
Những dấu kỳ, phép lạ tưởng rằng đã “rất xưa”, chỉ có thể tìm thấy trong những trang Kinh Thánh. Nhưng những phép lạ vẫn xảy ra và đang tiếp tục xảy ra cho bất cứ ai đặt lòng tin đơn sơ nơi Đức Chúa Trời. Dẫu cho sự cứng cỏi, vô tín, những cái đầu lý trí ưa thích sự biện hộ hoặc chủ nghĩa hoài nghi vẫn đang tồn tại trong thế giới của chúng ta hiện nay, mà không vì đó làm mất đi hình ảnh những con người nghèo nàn, sơ khai trên một đảo quốc vô danh kia lại có thể tin được và kinh nghiệm được quyền năng, phép lạ của Thánh Linh Đức Chúa Trời hiển hiện giữa ban ngày trong thế kỷ đương đại hôm nay.
Tôi cũng tràn đầy cảm xúc khi đọc từng chương của cuốn sách này. Tôi không kìm hãm được trái tim mình dâng trào lời tạ ơn Chúa mà tôi nhìn biết Ngài là Đấng “Hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không bao giờ thay đổi (Heb. 13:8). Đức Thánh Linh đã thuyết phục tôi hãy làm một điều gì đó cho Ngài… và tôi cầm bút lên, viết lại những dòng chữ chứa chan lời ngợi khen Ngài, đó là toàn bộ bản dịch Việt ngữ này trong tay bạn đọc.
Thật ra, trong thập niên 1980 đã có một bản dịch với tựa đề “NHƯ TIẾNG GIÓ THỔI ÀO ÀO” (!) ra đời trong giới Tin Lành Việt Nam, song vì lý do nào đó mà người dịch của bản Việt ngữ này (giấu tên) đã… bỏ đi 6 chương “tế nhị” (nhiều chỗ dịch tùy tiện, cắt xén…). Nhưng tác dụng của bản dịch đó vẫn được lưu hành, nó cũng mang lại ít nhiều tươi mới và sự thúc giục đặc biệt từ Thánh Linh Chúa hành động trên dân tộc Việt Nam từ ấy.
Khi tôi có được bản nguyên tác Anh ngữ của tác phẩm này. Phát hiện ra những “thiếu sót” (có chủ ý kia) khác với nguyên tác nên tôi mạnh dạn làm lại công việc chuyển ngữ nhằm đến tay bạn đọc một cách đầy đủ hơn. Tiếc rằng đã hơn 20 năm qua tôi vẫn chưa có cơ hội trình bày bản dịch đầy đủ này, e rằng nó đã cũ kỹ so với sứ điệp Thánh Linh Chúa đang hành động của năm 1965 với năm 2009 có lỗi thời hoặc “xa” quá chăng? Tôi vẫn tin rằng, Đức Chúa Trời của năm 1965 vẫn tươi mới như ngày nay (hiện là một trong những sách “best seller” trên thế giới, vẫn có nhiều người tìm mua và đọc, được dịch ra hơn 40 thứ tiếng). Sức lôi cuốn lạ lùng của cuốn sách này đã “kéo” tôi lao vào với những chương sách. Tôi bắt tay vào dịch, viết không ngưng nghỉ (trong 2 tháng, kết thúc ngày 19.8.1987)…… Khi đặt bút xuống, có một điều gì thúc giục trong lòng tôi, tôi vẫn mong có một ngày, Đức Thánh Linh cũng sẽ “viếng thăm” đồng bào và đất nước tôi một cách diệu kỳ và tuyệt vời giống như quê hương của Mel Tari.
Xin mời bạn đọc hãy đến với cuộc phấn hưng này (1965) qua từng trang sách sau đây (2009). Bạn sẽ nhận được nhiều điều kỳ diệu xảy ra bên trong tấm lòng của bạn cũng giống như tôi 22 năm trước, và hôm nay giống y như vậy.
Nguyễn Minh, dịch xong ngày 19.8.1987, đánh máy và phổ biến tháng 12.2009
MỤC LỤC
- Chúng Tôi Tin Cậy Nơi Đức Chúa Trời
- Như Gió Thánh Linh
- Đức Chúa Trời Đối Xử Tội Lỗi Kín Giấu
- Thời Đại Của Phép Lạ
- Những Con Trẻ Của Đức Chúa Trời
- Trở Lại Với Sự Đơn Sơ Với Của Lời Đức Chúa Trời
- Sống Lại Từ Cõi Chết
- Quyền lực Của Ma Quỉ
- Đức Chúa Trời Chu Cấp Mọi Nhu Cầu
- Đời Sống Dư Dật
- Tôi Ghét Tiếng Lạ
- Một Sự Hiểu Biết Mới
- Chúa Giê-xu Ngày Hôm Nay
- Đức Chúa Trời Phán Qua Nhiều Cách
- Sự Kêu Gọi Của Chúa Giê-xu
- Trước Hết, Hãy Đi Vào Rừng Già
Chương 1
CHÚNG TÔI TIN CẬY NƠI
ĐỨC CHÚA TRỜI
Lòng tôi rung lên kinh khủng khi chiếc phản lực cơ Pan American gầm rít chạy trên đường băng của sân bay Djakata, rồi từ từ cất cánh. Chẳng bao lâu sau, những hòn đảo của Indonesia càng nhỏ hơn trông giống như những tàu lá chuối. Trong chốc lát, những cánh rừng già và những mái tranh của làng quê tôi chỉ còn là kỷ niệm. Tôi – Melchoir Tari, một người Indonesia nhỏ bé, dốt nát, vô danh…. đang trên đường bay đến Hoa Kỳ.
Tôi vân vê đồng bạc 50 xu trong túi mà một người bạn đã tặng. Tôi lấy nó ra khỏi túi cũng như đã làm nhiều lần trước đó, tôi nhìn chăm đến hàng chữ ghi trên đồng bạc “IN GOD WE TRUST” (CHÚNG TÔI TIN CẬY NƠI ĐỨC CHÚA TRỜI).
Tôi nghĩ, “Hoa Kỳ chắc phải là một Thiên đường trên đất, vì chính phủ và nhân dân ở đây họ thảy đều tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Mỗi lần họ tiêu tiền, chắc họ đều nghĩ đến Chúa”.
– Tôi hỏi Chúa: “Đức Chúa Trời ơi, Ngài có chắc rằng con phải có một sứ điệp cho người Mỹ không?”
Chiếc phản lực cơ bay càng lúc càng cao hơn cho đến khi khuất vào trong biển mây trùng điệp, lúc đó tâm trí tôi quay lại vào một ngày nọ của năm 1967….
– Đức Chúa Trời nói với tôi: “Mel à, Ta sẽ sai con đến Hoa Kỳ để con nói cho người dân Mỹ họ biết về Ta.”
Tôi nghĩ, “Thật không thể như vậy được, chẳng có cách nào khác, vì con phải có nhiều tiền để đi Mỹ, dù cho con có đi làm cả đời cũng không có đủ tiền để mà đi”.
– Chúa lại phán: “Con đừng lo chuyện đó, Ta đã kêu con đi thì Ta sẽ lo cho con”.
Khi cuộc phấn hưng tại Indonesia khởi sự, nhiều người được Chúa cho nói tiên tri là Ngài sẽ sai phái chúng tôi từ Indonesia đi khắp thế giới. Lúc ấy, chúng tôi không nghĩ là Ngài sẽ sai một người nào. Nhưng riêng tôi vẫn nghĩ, nhất là trước khi tôi gia nhập vào các đoàn truyền đạo rằng nếu tôi là người được Chúa chọn thì quả thật tốt đẹp biết bao.
Đó chính là lý do mà Chúa không cho phép tôi gia nhập vào đoàn truyền giáo đầu tiên để đi rao giảng Tin lành. Tôi không được chọn cho mãi đến đoàn thứ 42 mới đến lượt tôi; Chúa muốn tôi nhận được sự thúc giục đúng đắn hơn.
– Một ngày nọ, tôi thất vọng quá và hỏi Chúa: “Chúa ơi, sao Ngài không chọn con mà lại chọn chị của con? Chị ấy đâu có thuộc linh gì hơn con đâu? Có nhiều điều chị ấy còn tệ hơn con nữa là khác! Nếu Chúa đem so các bạn khác với con thì con chắc chắn còn tốt hơn họ nhiều”.
– Chúa phán nhỏ nhẹ với tôi: “Mel à, động lực của con sai trật rồi. Con muốn hầu việc Ta mà không chịu ở lại những nơi rừng già khó nhọc. Con muốn đi khắp thế giới, điều đó không đúng đâu, vì thế Ta không thể dùng con bây giờ được!”.
Cuối cùng, tôi ăn năn vì động lực ngu ngốc đó, rồi sau này tôi được gọi vào làm thành viên của đoàn truyền giáo sau 3 tháng có cuộc phấn hưng. Đến năm 1967, tức 2 năm sau cuộc phấn hưng, Đức Chúa Trời lại phán với tôi, lần này Ngài nói với tôi là sẽ đi Mỹ. Thời gian qua tôi đã mất hứng thú khi phải rời Indonesia. Tâm trí tôi rối bời với những ý tưởng do các Giáo sĩ. Họ nói rằng nếu bất cứ người nào trong chúng tôi đi sang Mỹ thì sẽ bị đầu độc bởi tiền bạc, xe cộ, sự giàu có xa hoa mà hầu hết người Mỹ nào cũng ưa thích.
Sau nhiều tuần lễ đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Tôi nhận ra rằng việc tôi đi Mỹ là chương trình của Đức Chúa Trời dành cho tôi. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời bảo tôi phải chờ đợi. Ngài cho tôi biết rõ ràng là tôi sẽ đi Mỹ vào năm 1970 mà không thể trước đó hơn được.
Nhưng ma quỉ dường như lại muốn tôi đi Mỹ sớm hơn 1 năm.
Đến năm 1969, có một gia đình bên Mỹ gửi điện tín và tiền cho chuyến đi của tôi, nhưng Chúa phán rõ ràng là “Đừng nhận nó”.
– Tôi cảm ơn họ và nói rằng: “Tôi rất tiếc, vì đây chưa phải là lúc mà Đức Chúa Trời muốn tôi đi”.
– Bạn tôi nói với tôi: “Mel à, anh ngu quá! Nếu đây là tiền mang đến, thì nó đến từ Đức Chúa Trời cho anh! Anh nên nhận nó, bộ chắc anh không muốn đi Mỹ nữa sao?”.
– Tôi đáp lại: “Chắc chắn là tôi muốn đi Mỹ lắm chứ! Nhưng lúc này không phải là lúc Chúa muốn tôi đi”.
Chúa bảo “Hãy đi…”
Một năm sau (1970) Chúa phán với tôi: “Đây là lúc con phải đi!”. Tôi liền đến thông công với các bạn để xin sự xác nhận của Chúa.
Tôi hỏi một chị em của chúng tôi trong Chúa rằng: “Chị có thể cầu nguyện cho tôi được không? Tôi phải biết được sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời về việc rất quan trọng nầy”.
– Chị ấy hỏi: “Anh cần điều gì?”
– “Tôi không thể nói cho chị biết vì chị sẽ nghĩ đến điều đó, nếu chị thích ý tưởng đó thì chị sẽ nói là “Đúng”, nhưng nếu chị không thích thì chị sẽ nói là “Không”… như thế thì tôi chỉ biết được ý của chị chứ đâu phải ý của Chúa, phải không? Thôi, bây giờ tôi sẽ cầu nguyện. Trong khi đó, chị nhìn xem “khải tượng của Đức Chúa Trời” (nguyên văn là xem truyền hình của Đức Chúa Trời – God’s Television) thế nào rồi hãy nói cho tôi biết điều gì nhé!”.
Tại Indonesia, Đức Chúa Trời ban cho nhiều người có ơn thấy khải tượng. Chúng tôi đến với họ và hỏi họ xem thử “khải tượng của Đức Chúa Trời” như thế nào. Chúa sẽ trình bày cho họ thấy những gì xảy ra trong tương lai y như họ đã thấy trên một màn hình vậy. Vì thế, tôi liền cầu nguyện. “Đức Chúa Trời ơi, Ngài biết con cần sự dẫn dắt của Ngài, vậy thì xin Chúa cho chị nầy biết được ý Ngài để chị có thể nói lại cho con. Ngài đã cho con biết rồi, nhưng con muốn Ngài xác nhận điều đó qua người chị nầy”.
– Khi tôi cầu nguyện xong, tôi hỏi chị: “Chúa cho chị thấy điều gì?”
– Chị trả lời: “Có một điều rất lạ, tôi thấy anh đang đứng giữa nhiều người, nhưng họ không giống như chúng ta. Họ là dân da trắng. Nhiều người trong họ có tóc màu vàng, mắt họ không giống như mắt chúng ta, nhiều người trong họ lai cao lớn đến 1m80. Tôi cũng chẳng hiểu được anh đang nói thứ tiếng gì, anh đang nói một ngôn ngữ gì lạ lắm. Tôi không biết được quốc gia anh đang ở đó là nước nào như tôi đã thấy. Nhưng Đức Chúa Trời đã nói cho tôi biết để tôi nói lại với anh là anh phải thực thi những gì Ngài đã phán với anh, và anh phải làm ngay bây giờ đi, vì đó là ý chỉ của Ngài. Mel ơi, những điều đó là gì vậy? Xin anh giải thích cho tôi biết với?”
Tôi nói với chị ấy biết là những người chị thấy trong khải tượng họ là người Mỹ, và họ đang nói tiếng Anh. Chị phải ngợi khen Đức Chúa Trời với tôi, vì qua chị Ngài đã xác nhận việc đi Mỹ của tôi.
Sự cung cấp lạ lùng của Đức Chúa Trời
Nhiều người cũng có sự xác nhận đó. Một đêm sau, chúng tôi hiệp nguyện với nhau tại Nhà thờ, Chúa phán: “Hãy đi ngay. Ngày mốt (after tomorrow) con phải sẵn sàng lên đường!”.
Tôi đáp lại: “Ôi, không được đâu Chúa ơi! Việc này không thể được, vì con không thể nào kiếm tiền đủ để Mỹ nhanh như vậy được. Con không có lấy một đồng dính túi”.
– Nhưng Chúa đã quả quyết: “Hãy nói với các bạn và gia đình của con rằng: con sẽ đi Mỹ trong 2 ngày tới”.
– Tôi tự nghĩ: “Mình không nên nói với họ, vì họ sẽ cho là mình điên. Nhưng vì Đức Chúa Trời đã bảo tôi nên tôi vâng lời Ngài cho dù xem nó dường như là không thể nào có được”.
– Tôi tuyên bố: “Ngày mốt, tôi sẽ lên đường đi Mỹ”. Gia đình và các bạn của tôi đã bật cười khi nghe tôi nói như vậy. Họ bảo: “Mel ơi, làm gì có chuyện đi Mỹ. Anh điên rồi”.
– Cha tôi cũng nói: “Mel ơi, Cha rất vui vì con đã nói với cha điều đó, nhưng cha xin con đừng nói điều này với bất cứ ai. Họ sẽ cho con là điên rồ đấy!”.
Phương tiện lớn nhất đầu tiên mà tôi cần là sự di chuyển của tôi làm sao đến được thủ phủ của đảo Timor là thành phố Kupang. Kupang cách làng Soe của tôi chừng 112 km. Nếu bạn có dịp đến Timor thì bạn sẽ hiểu tại sao tôi lại quan tâm đến điểm này như vậy. Bạn hiểu là việc đi lại trong xứ sở của tôi rất là khó khăn. Đôi khi, nếu may mắn lắm thì bạn có thể đi nhờ xe nhà binh (government). Nhưng phần lớn là chỉ đi bộ xuyên qua những khu rừng già mà thôi.
Ngay lúc ấy, Chúa đã phán với hai người chị của tôi tại thủ đô Djakata và cho họ biết rằng tôi cần sự giúp đỡ của họ. Hai chị của tôi được Chúa phán là phải đáp máy bay đi Kupang, sau đó thuê một chiếc xe Jeep đi đến làng Soe đón Mel Tari rồi bay trở lại về Djakata.
Họ phản ứng: “Thưa Chúa, Mel vừa về lại Soe, bây giờ Ngài bảo chúng con bay đến đó để đón em con làm chi?” (vì tôi đã đến làm chứng (speaker) tại Hội nghị truyền giáo của hai chị này tại Bandung vừa qua). Chúa bảo họ phải đi ngay bất cứ giá nào. Thế là họ đã đáp chuyến bay vượt qua 2400 km để đến Timor. Họ phải thuê một chiếc xe Jeep mới đến được làng Soe. Và ngay đêm đó, họ đã tới gia đình tôi.
– Họ đến và nói rằng: “Mel ơi, có phải em cần đi đến Djakata?”
– Tôi trả lời: “Ngợi khen Chúa, đúng như vậy, em đã sẵn sàng lên đường”.
Cũng ngay lúc đó tôi nhận được một điện tín từ Mỹ gửi đến với nội dung:
“TIEN DA CHUAN BI SAN CHO ANH TAI NGAN HANG KUPANG DI DJAKATA, VE KHU HOI DI MY TAI CONG TY PAN AMERICAN DA CO TAI QUAY VE”.
Điện tín này được đánh đi từ một gia đình nào đó mà tôi chưa bao giờ nghe nói đến. Chúa đã phán với họ rằng: “Hãy gửi tiền đến Indonesia cho anh Mel Tari để đi Mỹ”. Họ chưa bao giờ gặp mặt tôi, nhưng họ đã vâng lời Chúa mà gửi tiền cho tôi.
Tôi cầm tờ điện tín đến ngân hàng để nhận tiền đi Djakata. Nhưng khi đã đến được Djakata rồi thì tôi lại gặp một nan đề khác. Làm sao tôi có được giấy thông hành để đi Mỹ đây? Vì tôi không có ai bảo lãnh cả!
Tôi đến gặp ông phó Lãnh sự sứ quán Mỹ, ông ta không muốn cấp giấy thông hành cho tôi.
– Ông ta hỏi tôi: “Ai là người sẽ bảo lãnh cho anh?”
– Tôi đáp liền: “Chúa Giê-xu”.
– Ông ta nói: “Có lẽ thế, Ngài là Đấng diệu kỳ. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận Ngài là người bảo lãnh cho anh được”.
Sáng hôm đó tôi rời Sứ quán Mỹ mà chẳng có được giấy tờ gì cả. Sau khi ăn trưa, tôi cầu nguyện thật nhiều, và Chúa bảo tôi hãy trở lại sứ quán ấy lần nữa và hỏi họ cấp giấy thông hành cho tôi.
Đến chiều, tôi trở lại Sứ quán, ông phó Lãnh sự hồi sáng giờ đã được đổi đi nơi khác rồi. Tôi nói chuyện với một phụ nữ mà tôi được biết bà ta là người thay thế ông phó Lãnh sự khi sáng làm khó tôi.
– Bà ta hỏi tôi: “Ai là người bảo lãnh cho anh?”
– Tôi trả lời: “Chúa Giê-xu”.
Không lưỡng lự gì cả, bà ta viết ngay tên ấy vào giấy thông hành của tôi và đưa nó cho tôi.
– Bà hỏi tiếp: “Làm sao anh có thể sống được ở Mỹ?”
– Tôi trả lời: “Chúa Giê-xu sẽ chu cấp mọi thứ tôi cần dùng đến, vì Ngài đã hứa với tôi như thế”.
– Bà ta nói: “Ôi chao, có thể anh sẽ là một gánh nặng trên đất Mỹ đấy”.
– Tôi trả lời: “Không, tôi sẽ không bao giờ là gánh nặng cho bất cứ ai tại Mỹ. Nếu Chúa Giê-xu có thể mang lấy gánh nặng cho cả thế giới này được thì chắc chắn Ngài sẽ săn sóc cho tôi được”.
Sau khi tôi rời nơi ấy, tôi thưa với Chúa: “Thưa Chúa, bây giờ Ngài đã thật sự chứng tỏ chính Ngài cho con thấy rồi. Nhưng có một điều là con không nói giỏi tiếng Anh được?”
– Chúa phán: “Con cứ bước tới, Ta sẽ lo cho con về ngôn ngữ con phải nói. Khi nào con sẵn sàng nói tiếng Anh mà không nói được thì con cứ nói với công chúng rằng “My Jesus failed me” (Chúa Giê-xu đã thất tin với tôi).
Rời phi cơ
Tôi nghe thấy tiếng động cơ phản lực khổng lồ như nhẹ dần, nhẹ dần. Đèn tín hiệu “Fasten Your Seat Belt” (hãy nịt dây an toàn) bật sáng. Tôi nghe tiếng cô tiếp viên phi hành nói: “Xin quí khách hãy nịt dây an toàn. Phi cơ của chúng ta chuẩn bị hạ cánh tại sân bay quốc tế Los Angeles”. Ôi chao, niềm vui tràn ngập hồn tôi. Tôi nghĩ: “Hoa Kỳ, Hoa Kỳ, mảnh đất mà mọi người dân đều tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Ôi Chúa Giê-xu ơi, cám ơn Ngài đã đem con đến xứ sở thiên đường trên đất nầy”., tôi đã cầu nguyện như thế. “Xin Ngài cho con biết bây giờ Ngài muốn con làm gì để nói cho dân chúng ở đây họ là những người biết quá nhiều về Ngài”.
Tôi nhận thức được rằng rất nhiều lần Chúa đã bày tỏ chính Ngài cho tôi tại Mỹ này, vì tôi không chỉ cần đến việc nói tiếng Anh trôi chảy hoặc có tiền để sống, mà là tôi thực sự cần nắm chắc lấy sự kiện mà những chữ trên đồng bạc Mỹ đã nói lên điều đó: “CHÚNG TÔI TIN CẬY NƠI ĐỨC CHÚA TRỜI” (In God We Trust) lại luôn không đúng như tôi tưởng.
Tôi bước ra khỏi máy bay, tôi bị khích động bởi những tòa nhà to lớn và lộng lẫy, nó thật sự kỳ lạ đối với tôi vô cùng. Tôi bước đi dọc theo hành lang đến một căn phòng rộng rãi nơi đó có nhiều người bán đủ thứ hàng hóa trong các gian hàng.
Tôi chợt kêu lên: “Ồ, không, đây không phải là nước Mỹ, ma quỉ đã làm máy bay đáp sai chỗ rồi vì ở bất cứ chỗ nào tôi cũng thấy những sách báo đồi trụy, những quán nhậu với đủ thứ là rượu và mọi người dường như đều hút thuốc lá. Tôi nghĩ: “Có gì sai trật ở đây rồi, xin Chúa giúp con”.
Chương 2
NHƯ GIÓ THÁNH LINH
Tôi muốn chia sẻ với bạn việc mà Đức Chúa Trời đã làm. Có lẽ điều này sẽ giúp bạn hiểu được những gì mà Chúa của chúng ta có thể làm trong những ngày cuối cùng này. Điều đó cho bạn thấy rằng tất cả những gì trong Kinh thánh đã chép là sự thật, sự thật ngay cả trong thời chúng ta đang sống hôm nay.
Người đời thường nói về cuốn Kinh thánh như “một cuốn sách đen cũ kỹ” (The Old Black Book, Kinh Thánh thường có bìa màu đen. ND). Họ cho rằng tất cả những gì được ghi lại trong đó, chỉ là những chuyện đã xảy ra hằng bao thế kỷ trước và nó chẳng liên quan gì đến chúng ta hôm nay cả. Nhưng tôi có thể chứng minh với bạn rằng, quyển Kinh thánh này rất có liên quan với chúng ta ngày nay còn hơn cả một tờ nhật báo. Báo chí cho chúng ta biết tin tức về tội ác, chiến tranh, động đất và những cuộc nổi loạn. Còn Kinh thánh thì cho chúng ta biết ý Chúa (nguyên văn: heart of Father), quyền năng, và tình yêu thương của Đức Chúa Trời.
Khi chúng ta tin Kinh thánh có thật, chúng ta sẽ thấy được quyền năng của Đức Chúa Trời hành động trong đời sống và trong xã hội chúng ta ngày hôm nay y như Ngài đã làm qua bao thế hệ trong thời đại của Kinh thánh.
Trước khi tôi kể với bạn về cuộc phấn hưng xảy ra tại Indonesia như thế nào, tôi muốn chia sẻ với bạn một câu trong Kinh Thánh sách Rôma chương15, câu 16: “… Bởi ơn Đức Chúa Trời đã làm cho tôi nên chức việc của Đức Chúa Giê-xu Christ giữa dân ngoại, làm chức tế lễ của Tin lành Đức Chúa Trời, hầu cho dân ngoại được làm của lễ vừa ý Chúa và nên thánh bởi Đức Thánh Linh”.
Trong câu Kinh thánh này, Sứ đồ Phao lô không chỉ nói về sự kêu gọi đặc biệt mà Đức Chúa Trời đã gọi ông, mà còn nói về chức vụ của ông nữa. Phao lô hầu việc Chúa giữa dân ngoại không chỉ bằng lời nói, nhưng cũng bằng các dấu kỳ phép lạ bởi quyền năng của Đức Thánh Linh nữa (xem thêm Rôma 15:18-19).
Tôi tin rằng đây cũng là cách mà Đức Thánh Linh muốn hành động qua cuộc đời của đầy tớ Đức Chúa Trời ngày nay.
Hội thánh của chúng tôi tại Indonesia biết về Đức Thánh Linh, Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là Chúa Giê-xu Christ. Chúng tôi cũng biết nhiều về Kinh thánh và thuộc lòng nhiều câu. Nhưng chúng tôi chưa từng trải kinh nghiệm về sự vận hành của Đức Thánh Linh mà Phao lô mô tả. Phao lô giải thích thật rõ ràng là bởi quyền năng của Đức Thánh Linh mà ông hầu việc Chúa giữa dân ngoại bằng lời nói, việc làm và cả phép lạ nữa. Phao lô đi từ thành này sang thành khác, từ nơi này đến nơi kia rao giảng về Tin lành Chúa Giê-xu. Ông không những chỉ chia sẻ về Lời hằng sống của Đức Chúa Trời qua cuộc đời Chúa Giê-xu lúc Ngài còn ở tại trần gian như các sách Phúc âm đã chép, mà còn chính bởi những dấu kỳ phép lạ mà Ngài đã làm.
Đức Thánh Linh ngày nay cũng dùng lời Thánh của Ngài để chinh phục tội nhân, nhưng Ngài cũng muốn sử dụng cả chúng ta nữa. Ngài muốn hành động và thi thố phép lạ của Ngài qua đời sống của mỗi một chúng ta khi đi làm chứng cho Ngài. Trong thư 2 Ti–mô–thê chương 1, câu 7, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời không ban cho chúng ta một tâm thần nhút nhát nhưng là một tâm thần mạnh mẽ (nguyên văn là “quyền năng”), có tình yêu thương và sáng suốt (sound mind, cũng được hiểu là “dè giữ”). Trong thư 1 Cô–rin–tô chương 12, chúng ta thấy, công việc của Đức Thánh Linh là tình yêu, ở chương 13, thì Đức Thánh Linh là Linh của tình yêu thương. Những điều đó chưa đủ. Thánh Linh, là Thần của Đức Chúa Trời cũng là Linh của tâm thần sáng suốt (sound mind). Chúng ta cũng tìm thấy trong chương 14. Theo nguyên văn Hy-lạp thì “Tâm thần sáng suốt” này nghĩa là “Trật tự (discipline), hoặc “thứ tự” (order). Tôi tin rằng, Đức Thánh Linh luôn luôn hành động trong Hội thánh Đức Chúa Trời bằng quyền năng Ngài như cách mà Phao-lô đã nói ở trong thư Rô-ma chương 15 vậy.
Nhưng nhiều Hội Thánh và nhiều người trên thế giới hôm nay họ không tin những ân tứ thiêng liêng này vẫn còn có hiệu quả trong cuộc sống của chúng ta. Thật đáng buồn! Kể từ cuộc phấn hưng tại Indonesia năm 1965 thì Đức Chúa Trời đã phục hồi những ân tứ thiêng liêng của Ngài trong Hội Thánh chúng tôi, chúng tôi tạ ơn Chúa về điều đó.
Nhiều người nói rằng, vì Hội Thánh được thành lập nhằm ngày lễ Ngũ tuần nên mới có những ân tứ thiêng liêng đó, còn chúng ta thì không cần những ân tứ thiêng liêng ấy. Tôi không tin như thế. Tại sao? Vì các sứ đồ như Giăng, Phao–lô, Phê-rơ 2000 năm trước đã cần đến sự vận hành và quyền năng của Đức Thánh Linh trong chức vụ của họ bao nhiêu, thì trong thế hệ của chúng ta ngày nay lại càng cần nhiều hơn là dường nào. Ma quỉ biết rõ thời kỳ cuối cùng của nó đang đến, và biết Chúa Giê-xu sắp trở lại nên nó càng tấn công chúng ta ngày nay còn dữ dội hơn thời chúng đã làm ở thế kỷ thứ 1. Tôi tin rằng, chỉ có một cách duy nhất mà Cơ-Đốc nhân chúng ta ngày nay có thể địch lại với ma quỉ là nhờ quyền năng Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Hy vọng duy nhất của Hội Thánh là hãy để cho những ân tứ thiêng liêng hành động trở lại.
Quyền năng trong một cái hộp
Chúng tôi thú nhận, “Lạy Chúa, Ngài phán trong Kinh thánh là Ngài có thể làm đều đó nhưng câu Kinh thánh này đã viết cách đây 2000 năm rồi. Bây giờ không còn thích hợp nữa, vì Hội Thánh chưa kinh nghiệm được điều đó…!”. Chúng tôi xưng tội như vậy.
Hiện nay, trong Hội Thánh chúng tôi có nhiều hộp để đựng nhiều câu Kinh thánh khác nhau. Hộp này thì có câu nói về chuyện đã xảy ra hằng bao thế kỷ trước. Hộp kia thì có những câu nói về chuyện đã và sẽ xảy ra trong quá khứ và tương lai, nhưng chỉ xảy ra trong những hoàn cảnh nào đó mà thôi. Có những câu khác thì chỉ dành riêng cho người Do Thái nên chúng tôi bỏ vào một cái hộp khác… cứ như thế chúng tôi có rất nhiều hộp đến nỗi chúng tôi làm mất đi nhiều sứ điệp và ý nghĩa thật của Kinh thánh.
Kinh thánh thật là đơn sơ, nhưng lại thật thích hợp cho chúng ta ngày nay, như đã thật thích hợp với những người sống cách đây 2000 năm trước. Đức Chúa Trời muốn xác nhận những điều ấy qua đời sống của chúng ta hôm nay. Nếu mọi điều trong Kinh thánh không có thật thì chăc chắn nó đã không được ghi lại. Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời vì khi cuộc phấn hưng xảy ra thì Ngài đã khiến cho chúng tôi đọc Kinh thánh một cách hoàn toàn đơn sơ. Vấn đề mà chúng ta là cứ tìm ý nghĩa thuộc linh trong Kinh thánh bằng lý trí của mình, bằng sự tính toán nhỏ mọn mà không tiếp nhận Lời Chúa bằng tấm lòng của mình. Khi chúng tôi đọc trong Mác 16:9-20 chép về những lời hứa của Chúa qua dấu kỳ phép lạ thì nhiều người nói rằng: “Ồ, chúng ta không tìm thấy những câu này trong Kinh thánh ở các bản cổ nhất, do đó cách tốt nhất là bỏ nó vào trong một hộp khác rồi đóng kỹ lại!”
Còn trong thư 1 Cô–rin–tô chương 12 nói gì? Nhiều người nói rằng: “Phao–lô ghi lại những điều này vì lúc bấy giờ Hội Thánh còn ít người và mới thành lập. Họ còn yếu nên mới cần những ân tứ này. Còn chúng ta ngày nay, Hội Thánh đã phát triển mạnh, có nhiều người tài giỏi và mọi việc đều trôi chảy nên chúng ta không cần đến những ân tứ siêu nhiên này nữa”. Thế là chương này được bỏ vào một chiếc hộp khác đóng kỹ lại. Khi đọc đến chương 13 thì chúng tôi nói rằng: “Đúng rồi, đây là đoạn chúng ta cần – Tình yêu. Tình yêu là món quà tuyệt hảo.” Nhưng đọc đến chương 14 thì chúng tôi quyết định, chương này không quan trọng nữa, vì khi chúng ta yêu, chúng ta có mọi điều, chúng tôi không cần thêm những điều khác. Thế là chương này chúng tôi cũng bỏ vào một chiếc hộp khác.
Tuy nhiên, Kinh thánh không phải giải nghĩa theo cách ấy. Kinh thánh nói rằng Thần của Đức Chúa Trời là Thánh Linh quyền năng, yêu thương và trật tự. Đức Thánh Linh hành động trong 3 tương quan này. Ngài không hành động chỉ trong quyền năng, hoặc chỉ trong yêu thương, hoặc chỉ trong trật tự. Nhưng Ngài hành động cả 3 cách như đã viết trong thư 1 Cô–rin–tô chương 12, 13, 14. Chúng ta không thể loại bỏ bất cứ một phần nào trong những chương này.
Công vụ các Sứ đồ chương 2 được tái hiện
Tôi thuộc về Giáo hội Trưởng Lão và mọi việc chúng tôi làm đều theo một trật tự. Khi chúng tôi đến nhà thờ, mọi việc đều được viết sẵn trên một tờ giấy thông báo. Ông Mục sư đọc trước một phần rồi hội chúng đọc phần khác. Chúng tôi biết khi nào cầu nguyện, khi nào hát Thánh ca, khi nào đứng hay khi nào ngồi. Tôi thật lòng cám ơn Đức Chúa Trời và ưa thích sự trật tự đó trong Hội Thánh chúng tôi.
Chúng tôi cũng có tình yêu thương hay nói đúng hơn, chúng tôi cũng có chút ít tình yêu thương. Khi người ta mỉm cười với chúng tôi thì chúng tôi mỉm cười lại. Chúng tôi yêu người nào họ yêu mình, còn nếu người ta ghét chúng tôi thì chúng tôi cũng chẳng thể yêu họ lại được tí nào.
Ngay trong Hội Thánh của tôi cũng chẳng có quyền năng gì cả. Khi cuộc phấn hưng đến thì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng tôi tất cả những ân tứ của Đức Thánh Linh bằng cả tình yêu thương, quyền năng và sự trật tự nữa.
Tôi nhớ rất rõ là vào đêm 26 tháng 9 năm 1965. Có khoảng 200 tín hữu ở mọi lứa tuổi nhóm nhau lại để cầu nguyện. Đang khi chúng tôi cầu nguyện, thình lình có một cái gì rất lạ chiếm ngự. Nếu bạn đọc Kinh thánh trong Công vụ các Sứ đồ chương 2 thì bạn sẽ thấy được những gì đã xảy ra trong Hội Thánh của chúng tôi. Chúng tôi đã đọc khúc Kinh thánh này rất nhiều lần, có người đã thuộc lòng đoạn này. Nhưng chúng tôi chưa từng kinh nghiệm được điều đó trong đời sống của chúng tôi.
Vị Mục sư của chúng tôi thường nói rằng: “Từ khi Đức Chúa Trời đổ quyền năng của Thánh Linh xuống Hội Thánh cách đây 2000 năm, nếu bạn là một thuộc viên trong Hội Thánh thì đương nhiên bạn sẽ nhận được Báp–têm bằng Thánh Linh.” Đêm ấy là đêm Chúa mở mắt chúng tôi ra rằng, điều đó không phải tự nhiên mà có được.
Trong Phúc âm Giăng chương 3 câu 16 chép “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài…”. Đức Chúa Trời đã ban chính Con một của Ngài cho thế giới này. Đúng như vậy, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người trên thế gian này đều sẽ được lên Thiên đàng cả đâu. Mặc dầu Ngài đã ban Con một của Ngài cho nhân loại, nhưng bất cứ ai muốn lên Thiên đàng thì phải đến với chính Con một của Đức Chúa Trời thì mới được cứu. Sự đầy dẫy Đức Thánh Linh cũng tương tự như thế. Chúa Giê-xu đã ban Thánh Linh cho bất cứ ai nếu họ đã tin nhận Ngài và trở thành một chi thể trong thân của Ngài. Tuy nhiên người ấy phải đạt đến mục đích của mình là kinh nghiệm được với Chúa Giê-xu qua sự đầy dẫy Đức Thánh Linh. Điều này không thể tự nhiên mà có được, nhưng mỗi người phải kinh nghiệm được cho chính mình.
Chúng tôi ngợi khen Đức Chúa Trời vì nhờ đêm đặc biệt ấy mà Ngài đã mở mắt chúng tôi và khiến lòng chúng tôi khao khát sự đầy dẫy Đức Thánh Linh Ngài. Chúng tôi nhớ lại khi Giăng Báp–tít nói: “…Người đến sau tôi là Đấng sẽ làm phép Báp–têm cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa”. (Phúc âm Mathiơ chương 3, câu 11b).
Nhiều năm rồi, chúng tôi bị lầm lạc bởi các giảng sư chúng tôi dạy sai lạc. Họ nói rằng chúng tôi phải đặt kinh nghiệm của mình vào thời của những tín hữu sống cách đây 2000 năm. Nhưng trong đêm phấn hưng ấy, Đức Chúa Trời phán với chúng tôi rằng, Cơ-đốc-giáo không lệ thuộc vào kinh nghiệm của người nào khác. Mà là kinh nghiệm của mỗi cá nhân sống động với Đức Chúa Trời. Tôi cảm ơn Chúa Giê-xu về điều này.
Gió Thánh Linh và lửa cháy
Đêm ấy khi chúng tôi đang cùng nhau cầu nguyện, thình lình Thánh Linh Đức Chúa Trời đến với chúng tôi y như Ngài đã đến trong ngày lễ Ngũ tuần. Trong Công vụ các Sứ đồ chương 2, Thánh Linh Chúa đến từ trời như một cơn gió mạnh thổi qua. Đêm đó, tôi ngồi cạnh chị tôi, tôi nghe rõ tiếng gió mạnh này. Tiếng gió thổi nghe như một cơn bão nhỏ tràn vào trong nhà thờ. Tôi nhìn chung quanh nhưng chẳng thấy gì cả. Tôi quay sang hỏi chị tôi:
– Chị ơi! Chị có nghe tiếng gì là lạ không?
– Có, nhưng đừng để ý đến mà hãy cầu nguyện đi. Chị tôi trả lời.
Rồi chị bắt đầu cầu nguyện, cùng lúc đó tôi nghe cũng có những người khác bắt đầu cầu nguyện. Đây là việc bất thường xảy ra trong Hội Thánh chúng tôi. Như bạn đã biết, trong Hội Thánh chúng tôi sự cầu nguyện cũng phải theo trật tự, hết người này rồi đến người khác. Chỉ cần một người cầu nguyện trong nhà thờ là đủ rồi vì mọi tiết mục đã được viết sẵn trong chương trình rồi. Nếu mọi người cầu nguyện thì chắc phải viết một tập giấy thật dày mới đủ. Nhưng ngay đêm đó, những tín hữu của Giáo hội Trưởng lão chúng tôi đã bắt đầu quên tất cả những trật tự đã qui định được viết sẵn. Họ cầu nguyện trong Thánh Linh. Mới đầu thì cầu nguyện từng người nhưng sau đó thì hết thảy cùng cầu nguyện.
– Tôi nói: “Ôi Chúa Giê-xu! Hội Thánh con xảy ra điều gì kỳ vậy? Họ quên mất hết các trật tự rồi?”
Khi mọi người đang cầu nguyện tôi nhìn lên các Mục sư. Chao ơi! Sự lo lắng hiện ra trên nét mặt của họ. Họ ngồi phía trước tòa giảng và không biết làm sao để điều khiển 200 con người này. Họ cũng nghe tiếng gió thổi mạnh. Tôi quay lại nhìn quanh một lần nữa nhưng thấy bốn bề yên tĩnh, duy chỉ có tiếng gió vẫn thổi ào ào mà thôi.
Kế đó tôi nghe tiếng chuông chữa cháy vang lên dồn dập. Đối ngang với nhà thờ chúng tôi là một đồn cảnh sát và trạm chữa cháy. Người Cảnh sát trong đồn này thấy nhà thờ của chúng tôi rực cháy nên ông kéo chuông báo động cho cả làng biết để đến chữa. Ở Indonesia, nhất là ở đảo Timor lại không có xe chữa cháy. Khi có đám cháy, chúng tôi chỉ việc kéo chuông báo động lên thì dân chúng biết có đám cháy ở đâu đó, và từ khắp mọi nơi trong làng, họ đem nào là gầu, thùng đựng nước hoặc đủ thứ vật dụng gì có được đến để dập tắt ngọn lửa.
Khi họ đến thì thấy lửa cháy phừng phừng, nhưng nhà thờ lại không bị cháy. Thay vì lửa thiên nhiên thì đây là lửa từ trời của Đức Chúa Trời. Bởi đó mà có nhiều người tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình và họ cũng nhận được Báp–têm bằng Thánh Linh.
Dĩ nhiên, chúng tôi là những người thuộc Giáo hội Trưởng lão không quen với những cụm từ như “Báp–têm trong Thánh Linh” hay “Đầy dẫy Thánh Linh”, điều này thật mới mẻ đối với chúng tôi. Nhưng Chúa đã mở mắt chúng tôi và dạy chúng tôi biết rằng đây là những điều mà chúng tôi phải kinh nghiệm trong đời sống của mình mà không còn đặt mình trên kinh nghiệm của ngày lễ Ngũ tuần cách đây 2000 năm trước.
Tôi muốn đưa ra một ví dụ. Chẳng hạn một ngày kia bạn yêu một thiếu nữ và cha của bạn đến nói với bạn rằng: “Con ơi, cha biết con có yêu một người nào đó rồi phải không?”. Bạn sẽ trả lời: “Dạ có, thưa cha, con đã yêu một cô kia và chúng con dự tính xin cha cho chúng con kết hôn trong dịp hè này…”. Rồi cha bạn nói rằng: “Con ơi, con không phải làm như vậy, cha và mẹ con đã kết hôn cách đây 25 năm rồi, bây giờ con có thể dựa trên kinh nghiệm của cha mẹ và cứ xem như là chúng con đã kết hôn rồi cũng được…”
– Bạn nghĩ thế nào? Bạn có đồng ý với cha của bạn về ý nghĩ kỳ quặc như thế không? Chắc là bạn sẽ nói: “Cha ơi, dù cha có thể kết hôn đến một triệu lần nếu cha muốn, nhưng điều đó không phải là của con. Chính con muốn kinh nghiệm việc hôn nhân là của con. Cha càng nói đến việc thành hôn của cha chừng nào thì con lại càng muốn thực hiện việc kết hôn của con chừng nấy. Cha càng nói đến sự tuyệt diệu của hôn nhân bao nhiêu thì con lại càng mong sớm được kinh nghiệm về hôn nhân của con bấy nhiêu”.
Thật thế, chúng ta không thể dựa vào kinh nghiệm của cha mẹ mình, nhưng chúng ta phải đặt kinh nghiệm vào cá nhân của mình. Tôi tin rằng điều này chính là chân lý không những chỉ có kinh nghiệm về sự Cứu rỗi trong Chúa Giê-xu Christ, nhưng cũng kinh nghiệm được Báp-têm bằng Thánh Linh nữa. Bạn không thể nào dựa trên kinh nghiệm của Phi–e–rơ, của Giăng hoặc bất cứ nhân vật nào khác trong Kinh thánh. Cho dù kinh nghiệm của họ có tuyệt diệu đến đâu thì cũng không phải là kinh nghiệm của riêng bản thân bạn. Đó cũng là vấn đề mà nhiều người đã hài lòng với kinh nghiệm của Sứ đồ Giăng, Phi-e-rơ. Giống như người thanh niên kia đã hài lòng kinh nghiệm hôn nhân như kinh nghiệm của cha mình!
Nhiều người không ý thức được rằng mình đang thiếu quyền năng, tình thương và sự vui vẻ do đời sống họ chưa được đầy dẫy Thánh Linh.
Một mẫu mực mới của sự thờ phượng.
Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời vì nhờ đêm ấy Chúa đã tha thứ sự ngu dại của chúng tôi và Thánh Linh đã bắt phục chúng tôi bằng sức mạnh quyền năng của Ngài. Tôi ngồi ở cuối nhà thờ nên đã chứng kiến rõ mọi việc xảy ra. Thình lình một chị ngồi ở băng ghế trước tôi đứng dậy, chị giơ tay lên trời rồi cầu nguyện. Tôi thưa với Chúa:
– “Lạy Chúa, chị này đã phá luật lệ của Hội Thánh chúng con. Chúng con không được phép giơ tay lên khi cầu nguyện”.
Khi đến nhà thờ, lúc nào chúng tôi cũng khoác một bộ mặt rất thánh thiện lúc cầu nguyện. Nhưng trong đêm ấy, một phụ nữ đã đứng dậy, đưa tay lên trời mà cầu nguyện. Tôi lại thưa với Chúa nữa:
– “Chúa ơi, chị này làm vậy là sai rồi, vì điều này chưa hề có trong Hội Thánh. Đây không phải là cách thờ phượng của chúng con!”
Lúc đó Chúa liền nhắc tôi nhớ trong sách Thi Thiên chương 134 câu 2 chép rằng, “Hãy giơ tay lên hướng về nơi thánh và ngợi khen Đức Giê-hô-va”. Không, chị này không theo luật lệ của Hội Thánh mà chị đã làm theo luật lệ của Kinh thánh dạy.
– Tôi suy nghĩ: “Thôi được, nếu đây là lời của Chúa thì cứ để chị ấy tiếp tục làm như thế”.
Hai vị mục sư ngồi phía trước lại càng kinh hoàng hơn vì họ không biết phải làm gì. Thế là cả Hội Thánh đều đứng dậy giơ tay lên trời mà thờ phượng Đức Chúa Trời. Tôi vô cùng ngạc nhiên về những diễn tiến xảy ra. Tôi quay sang định nói với chị tôi, nhưng tôi cũng thấy chị giơ tay lên mà thờ phượng Đức Chúa Trời.
Rồi bỗng nhiên tôi chú ý đến một bà ngồi trước tôi. Bà ta là một người ít học, bà ta không biết nói tiếng thông dụng ở Indonesia, bà chỉ nói tiếng địa phương của mình thôi, là thổ ngữ của đảo Timor. Dĩ nhiên là bà ta cũng chẳng biết một tí gì về Anh ngữ cả, còn tôi thì biết được một ít vì đã học ở trường. Tôi nghe bà bắt đầu cầu nguyện lớn tiếng bằng tiếng Anh rất là văn hoa: “Oh, I love you. Oh, I want to take the cross and follow you. Oh, I love you Jesus…” (Ôi, con yêu Ngài lắm. Con muốn vác thập tự giá theo Ngài. Chúa Giê-xu ơi, con yêu Ngài lắm), và bà ấy cứ tiếp tục nói tiếng Anh để thờ phượng Đức Chúa Trời.
Hai vị mục sư của tôi không biết lấy một câu Anh ngữ nào nên tưởng rằng bà ấy nói bậy, họ lên tòa giảng la lớn: “Chúa ơi, nếu điều này không phải đến từ Chúa mà đến từ ma quỷ vì ma quỷ thường gây ồn ào, thì xin Chúa hãy đuổi nó ngay đi…” Họ càng cầu nguyện chừng nào thì Thánh Linh Chúa càng tuôn tràn phước hạnh của Ngài xuống nhiều hơn.
Thế rồi có một người đàn ông khác ở bên góc kia cầu nguyện bằng tiếng Đức, ông đứng dậy và cứ cầu nguyện ca ngợi Chúa bằng những lời lẽ rất văn hoa. Sau đó, nhiều người bắt đầu đứng dậy từ mọi chỗ trong nhà thờ, họ cầu nguyện với Đức Chúa Trời bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Thiên đàng đã đến trần gian trong đêm ấy, và đó là một đêm đầy phước hạnh. Có người nói tiếng Pháp, có người ca ngợi Chúa bằng các thứ tiếng địa phương khác nhau. Có một bà cứ nói mãi câu “Shalom, Shalom” mặc dầu bà không biết mình đang nói tiếng Hê–bơ–rơ.
Khi hằng trăm người địa phương đến để dập tắt ngọn lửa cháy ở nhà thờ thì họ nghe mọi người trong nhà thờ đang cầu nguyện. Họ nói “Nhà thờ này hôm nay xảy ra cái gì vậy? Chưa bao giờ có chuyện ồn ào như thế. Cũng chưa bao giờ có ai cầu nguyện lớn tiếng như thế..?.” Đám đông kéo vào bên trong Nhà thờ để xem chuyện gì xảy ra, và thay vì có 200 người, bây giờ lại có hơn 1000 người từ khắp nơi trong làng kéo đến.
Lúc đó Đức Thánh Linh cảm động họ, những người này trong đêm ấy đều bị bắt phục, họ liền tin nhận Chúa Giê-xu cho đời sống mình. Họ ăn năn tội và trở về nhà đem tất cả bùa ngải, hình tượng, những vật thờ cúng, những sách bói khoa, tướng số, thiên văn, giải nghĩa chiêm bao cùng những sách vở đồi trụy… đến nhà thờ rồi dùng lửa đốt tất cả.
Đêm đó, chẳng có ai giảng một bài giảng nào, chỉ có Đức Thánh Linh cảm động lòng người theo ý muốn Ngài. Cuộc thờ phượng kéo dài đến khuya. Đức Chúa Trời bắt đầu chỉ ra nhiều tội lỗi và mạc khải về sự tái lâm mau chóng của Chúa Giê-xu cho nhiều người khác biết. Khi họ nói lên những điều mà Chúa đã giải bày, điêu đó đã khích lệ mạnh mẽ cho nhiều người có mặt. Ồ! kỳ diệu thay! Đức Chúa Trời đã sửa sai những lỗi lầm trong đời sống của chúng tôi.
Một bài giảng bất ngờ.
Thình lình có một người thanh niên đi lên tòa giảng. Đây là một việc bất thường. Không có một tín hữu nào được phép đứng ở đó. Tòa giảng là nơi chỉ dành cho Mục sư hoặc các Trưởng lão mà thôi. Nhưng anh này đi lên tòa giảng và mở Kinh thánh ra. Tôi buồn cười quá, vì anh này mới tin Chúa cách đây chỉ vài ngày thôi.
– Tôi nghĩ: “Ồ tội nghiệp anh ta quá, mới tin Chúa có mấy ngày mà bây giờ đòi lên tòa giảng. Chắc anh ta khùng rồi!”
– Nhưng anh ta không để ý đến điều đó, anh mở Kinh thánh ra và nói “Hỡi ông bà anh chị em yêu dấu. Đức Chúa Trời đã phán với tôi rằng đây là công việc của Đức Chúa Trời”. Rồi anh mở sách Công vụ các Sứ đồ chương 2 câu17 ra đọc lên: “Đức Chúa Trời phán: trong ngày sau rốt, Ta sẽ đổ Thần ta trên khắp mọi xác thịt, con trai và con gái ta đều sẽ nói tiên tri, bọn trai trẻ sẽ thấy điềm lạ và các người già cả sẽ có chiêm bao”.
Sau khi đọc xong những câu này, anh bắt đầu giảng. Khoảng hơn nửa giờ, Chúa phán với Hội Thánh qua anh ta rằng, ngày mai tất cả mọi người trong Hội Thánh phải đi ra giảng Tin lành. Đến đây thì tôi không giữ im lặng được nữa.
– Tôi đứng dậy nói: “Đây là điều không thể tin được. Làm sao tín hữu trong Hội Thánh lại đi ra giảng Tin lành được? Chúng tôi chưa bao giờ được học tại trường Kinh thánh hay tại một Thần học viện nào cả. Chúng ta vừa mới ăn năn, tiếp nhận Chúa thì làm sao chúng ta đi ra giảng Tin lành được? Việc làm này hông thể được!”
– Anh ta trả lời rằng: “Mel Tari ơi, Chúa bảo tôi chúng ta phải đi giảng Tin lành. Đó là nhiệm vụ của mỗi Cơ đốc nhân. Đây không phải là nhiệm vụ của Mục sư hay các Trưởng lão, mà bất cứ ai là Cơ đốc nhân thì đều phải là chứng nhân cho Đấng Christ”.
Đến đây thì tôi tin rằng ấy là điều mà Hội Thánh chúng tôi đã thiếu sót. Và tôi nghĩ, đây là chỗ mà chúng tôi đã hiểu sai. Chúng tôi đã ngồi ở đây bao năm rồi để cố tìm ra cho được các ý nghĩa thuộc linh về những điều trong Kinh thánh chép, mà hoàn toàn bỏ mất sự đơn sơ của Lời Đức Chúa Trời, do đó chúng tôi chẳng nhận được điều gì cả!
Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời và qua đêm ấy, Ngài đã dạy và phán với chúng tôi rằng: “Ngày mai các con phải đi ra giảng Tin lành”.
Trong 3 tháng đầu, chúng tôi đã có gần 70 đoàn truyền giáo gồm các tín hữu đi ra làm chứng đạo từ làng này đến làng khác. Và khi chúng tôi đi ra, thì có những dấu kỳ, phép lạ lớn cặp theo. Từ đó khởi đầu cho sự phấn hưng toàn nước Indonesia chúng tôi.
Chương 3
ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỐI XỬ TỘI LỖI
KÍN GIẤU
Suốt thời gian Đức Thánh Linh tuôn tràn trong Hội Thánh chúng tôi, Ngài đã đối xử với tội lỗi của từng người cách rõ ràng. Có nhiều người được ban ơn nói lời hiểu biết (nguyên văn: words of knowledege) để chỉ ra những tội lỗi này.
Một đêm kia, có một chị em đến với một người đàn ông trong Hội Thánh và nói rằng: “Ông ơi, ông đã phạm tội tà dâm và Đức Chúa Trời muốn ông ăn năn. Ông chưa bao giờ xưng nó ra cả!”.
– Vợ của ông ấy đang ở đấy, nghe nói như thế liền phát khùng lên, bà la to: “À, bây giờ tôi biết chuyện bí mật của ông rồi nhé!”
– Ông ta chối: “Không, không. Tôi chưa hề phạm tội ấy”.
– Người chị em kia được ban cho ân tứ hiểu biết đã nói: “Ông nói gì? Ông chưa bao giờ phạm tội ấy à. Vậy thì tôi sẽ kể chi tiết ra nhé…”. Rồi chị ta kể đích xác ngày, giờ, nơi chốn cùng tên của người đàn bà đồng phạm. Bà nói tiếp: “Bây giờ ông còn chối nữa không?”
– Cuối cùng Đức Thánh Linh Chúa giáng trên ông, ông ta liền xưng tội mình ra.
Vợ ông ta vẫn còn tức giận, và Đức Chúa Trời đã sai một người khác đến cảnh cáo tội lỗi của bà khiến bà cũng phải ăn năn.
Đêm ấy, mọi người trong Hội Thánh cũng đều xưng tội mình ra, cả những tội kín giấu. Và Đức Chúa Trời đã thực sự tha thứ, xóa sạch tất cả tội lỗi của họ và khiến họ trở nên những người sẵn sàng để phục vụ Ngài.
Đồng thời cũng có nhiều người cất giấu bùa ngải ở nhà nhưng không muốn xưng ra, vì thế Đức Chúa Trời lại dùng nhiều anh em khác trong Hội Thánh nói ra đích xác tên người nào, nơi cất dấu những bùa ngải ấy. Họ không thể chối cãi được, liền thú tội ra và lìa bỏ. Trong việc này, Chúa đã mở mắt chúng tôi thấy được sự thật của mối liên hệ đến quyền lực của ma quỷ. Nhiều người chưa ý thức được rằng họ đang bị trói cột trong xiềng xích của Sa–tan.
Chối tội đã dẫn đến sự chết
Có một người thanh niên nọ được Chúa chỉ cho biết có giấu rượu trong nhà.
– Anh ta chối quanh: “Tôi không có giấu rượu nào trong nhà”.
Đức Chúa Trời khiến có người đến cảnh cáo anh ta và nói rằng nếu anh cứ khăng khăng chối tội thì trong vòng 24 giờ nữa sẽ bị chết. Vì vậy những người này đến khuyên anh ta rằng, anh chỉ còn 24 giờ nữa để thú tội hoặc là chết.
Ngày hôm sau, khi người này đến nhóm họp thì anh ta được nhắc lại rằng, anh chỉ còn một giờ nữa để ăn năn.
– Mọi người nói rằng, “Nếu anh không ăn năn, xưng tội ra thì anh sẽ chết!”
– Anh ta trả lời: “Tôi không lo, vì tôi có giấu rượu gì đâu.”
– Mọi người lại khuyên: “Anh chỉ còn nửa giờ nữa thôi”.
– Anh trả lời: “Mấy người điên hết rồi, tôi còn cả khối thì giờ hơn thế nữa”.
– Khi chỉ còn 5 phút, họ lại khuyên nài anh ta ăn năn nhưng anh vẫn nói: “Không, tôi chẳng có tội gì giấu kín cả!”
– Họ nài nỉ anh: “Chúng tôi xin anh, hãy thú tội ra đi”. Khi chỉ còn 30 giây, anh ta nói rằng: “Bực mình quá! Mấy người đừng có quấy rầy tôi nữa. Mấy người điên khùng hết rồi.”
Cuối cùng họ mời một người đếm từ 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1…
Người thanh niên ấy liền ngã lăn xuống đất chết ngay!
Có nhiều người trước kia từ chối không chịu xưng tội ra trước ánh sáng, bây giờ liền thú tội vã cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ cho mình. Trong cuộc phấn hưng tại Indonesia, thú tội là một trong những đặc tính mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta được giải phóng khỏi quyền lực của ma quỉ, và Ngài tẩy sạch lòng chúng ta hầu chúng ta sống một đời sống thánh thiện. Trước hết, Chúa muốn chúng ta phải xưng tội ra trước ánh sáng. Ngài sẽ tha thứ và chữa lành những tấm lòng tan vỡ của chúng ta. Chúng ta phải tuyên bố chấm dứt mọi sự ràng buộc với ma quỷ trong quá khứ. Sau đó, Đức Chúa Trời mới sử dụng chúng ta đi ra giảng Tin lành. Khi chúng ta đi ra, chúng ta sẽ thấy quyền năng của Đức Chúa Trời cùng hành động với chúng ta.
Quần áo của chúng tôi vẫn giữ được sạch sẽ
Đức Chúa Trời đã thực hiện nhiều phép lạ tại Indonesia vì chúng tôi có nhiều nhu cầu mà ở tại Mỹ lại không có nhu cầu giống như chúng tôi.
Một ngày nọ, khi tôi tới làm chứng tại một trường học ở Mỹ, có một em học sinh nói với tôi rằng: “Chúng tôi cần những phép lạ giống như phép lạ ở Indonesia cũng là phép lạ ở tại Mỹ. Chúng tôi cần nước hóa thành rượu nho ở trong Hội Thánh của chúng tôi”. Tôi trả lời với em học sinh đó rằng: “Thôi được, em không cần xin Đức Chúa Trời phải hóa nước thành rượu nho nữa, vì ở Mỹ các em đã có nho rồi. Ở nước Indonesia của tôi không trồng nho được, cho nên chúng tôi không có rượu nho, cũng không có bánh mì. Do đó, Đức Chúa Trời nhiều lần cần phải thực hiện những phép lạ kia cho chúng tôi là vậy. Ngài luôn luôn thi hành phép lạ đều có mục đích. Tại Mỹ, các em có những nhu cầu khác. Các em cần có quyền năng của Đức Chúa Trời để chinh phục nhiều linh hồn đến với Chúa Giê-xu Christ. Các em có thể trông đợi Đức Chúa Trời làm phép lạ cho các em. Nhưng nếu các em đã có nho rồi mà lại xin Chúa ban cho nước nho nữa thì thật là ngớ ngẩn thật đấy”.
Ở Indonesia, đôi khi chúng tôi gặp khó khăn trong việc giữ gìn quần áo cho được sạch.
Ngày nọ, chúng tôi đến một ngôi làng kia bên ngoại ô làng Soe của đảo Timor. Chúng tôi mỗi người chỉ có một bộ quần áo đang mực trong người. Chúng tôi không đem theo quần áo nào khác để thay vì nghĩ rằng mình chỉ ở đó có một ngày thôi. Tại đảo Timor khi bạn mặc áo sơ-mi trong một ngày thôi thì bạn sẽ thấy rất là nhơ nhớp vì mồ hôi và bụi bặm của xứ nóng. Trong khi dân làng lại không có xà-phòng để chúng tôi giặt giũ quần áo.
– Chúng tôi thưa với Chúa: “Quần áo của chúng con nhơ nhớp quá, chúng con phải làm sao đây, thưa Chúa?”
Trong khi chúng tôi cầu nguyện thì quần áo của chúng tôi liền được sạch. Dẫu cho chúng tôi có ở lại làng đó trong nhiều ngày, không giặt giũ, thế mà Chúa vẫn giữ gìn quần áo của chúng tôi luôn sạch sẽ như thường, chúng tôi trông rất tề chỉnh mỗi ngày. Dân làng không thể tưởng tượng nổi việc gì đã xảy ra.
Họ hỏi chúng tôi: “Những người này trông lúc nào cũng tươm tất, sạch sẽ quá”. Nhưng khi xong việc, chúng tôi trở về lại làng Soe là nơi chúng tôi có xà-phòng giặt thì quần áo của chúng tôi phải đem đi giặt ngay vì nó nhơ nhớp quá rồi. Vì vậy, chúng ta không thể ngồi chờ Đức Chúa Trời làm phép lạ nếu chúng ta không có nhu cầu cần đến phép lạ.
Chúng ta phải nhớ rằng, Đức Chúa Trời luôn có từng mục đích cho mỗi phép lạ. Giống như phép lạ kêu người chết sống lại. Ở Indonesia, phép lạ Đức Chúa Trời kêu người chết sống lại có lẽ có 10 đến 15 người rồi, Nhưng Ngài không gọi hết thảy người Indonesia đã chết đều được sống lại đâu. Tại sao? Bởi vì nếu tôi chết, và bạn cầu nguyện Chúa gọi tôi sống lại, chắc chắn tôi không đồng ý đâu. Vì tôi muốn về Thiên đàng và ở với Chúa Giê-xu. Ngài chỉ thực hiện các phép lạ giống như thế trong những trường hợp rất đặc biệt cho những mục đích rất đặc biệt. Tôi sẽ thuật lại cho bạn nghe nhiều hơn về những phép lạ sau này…
Chương 4
THỜI ĐẠI CỦA PHÉP LẠ
Đức Chúa Trời đã thi thố nhiều phép lạ qua đoàn truyền giáo của chúng tôi để chứng minh rằng quyền năng của Ngài ngày nay vẫn y nguyên như ở thế kỷ thứ nhất.
Tôi nhớ lại một ngày kia, có một đoàn truyền giáo của chúng tôi đến một làng nọ để giảng Tin lành. Có một pháp sư ở đó ra nói với đoàn: “Các ông có thể giảng về Giê-xu cho chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng muốn nói cho các ông biết về thần mà chúng tôi thờ lạy bao lâu nay. Nếu chúng tôi muốn chữa bệnh thì thần cũng chữa bệnh được. Nếu chúng tôi cầu mưa thì thần làm mưa được. Bất cứ việc gì chúng tôi cần thì thần đều làm được cả. Chúng tôi cũng có kinh sách riêng, thần của chúng tôi cũng cung cấp mọi nhu cầu theo sự giàu có của thần.”
Dĩ nhiên kinh sách của họ không giống như Kinh thánh của chúng ta, nhưng họ cũng từng trải nhiều kinh nghiệm siêu nhiên mà các quỷ đã bày tỏ để họ thờ phượng chúng.
– Rồi vị pháp sư này nói với đoàn, “Nếu các ông nói với chúng tôi về Chúa thì hãy chứng tỏ Ngài có quyền hơn các thần của chúng tôi”.
Đoàn truyền giáo không biết làm thể nào, họ bèn cầu nguyện xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Ngài phán: “Hãy nói cho những người đó rằng nếu họ muốn thấy Đức Chúa Trời chứng tỏ quyền năng của Ngài hơn các thần khác thì hãy mời tất cả các pháp sư trong làng lại đây. Chính Ta sẽ chứng minh cho họ thấy”.
Thế rồi đoàn truyền giáo nói với vị pháp sư trưởng: “Xin các ông tập họp dân chúng lại, rồi bảo họ đến đây, qúy vị thì sẽ thấy việc lạ xảy ra”.
Vị pháp sư trưởng rất hồi hộp. Ông rất muốn chứng kiến quyền năng của Đức Chúa Trời của người Cơ-Đốc ra sao. Dân chúng đã kéo đến, có khoảng 1000 người, vị pháp sư trưởng ngồi ở đầu hàng, đối mặt với với đoàn truyền giáo.
Tất cả các đoàn viên đều giơ tay lên trời và cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa Trời, Ngài phán với chúng con hãy đi ra giảng Tin lành, Ngài cũng hứa là có những dấu lạ cặp theo người tin, Lấy danh Ngài mà trừ quỷ. Lạy Đức Chúa Trời, dân chúng ở đây muốn nhìn thấy Ngài bày tỏ quyền năng của Ngài, vì Ngài có quyền trên các thần của họ. Bây giờ, trong danh Chúa Giê-xu, chúng con cột trói và ném xa hết mọi quyền lực của ma quỷ đã ngự trị tại ngôi làng này và trên dân chúng này từ bao thế hệ qua. Vì huyết của Chúa Giê-xu đã chảy từ đồi Gô-gô-tha, chúng con ra lệnh cho các quỷ phải lìa khỏi đây. Trong danh Chúa Giê-xu…”
Sau lời cầu nguyện đơn sơ này mọi người đồng thanh đáp “Amen!” và họ ngồi nhìn nhau chờ đợi Đức Chúa Trời hành động.
Bạn biết đấy, Đời sống của mỗi Cơ đốc nhân phải thật đơn sơ. Nếu đời sống của Cơ đốc nhân rối rắm, thì ở cái xứ lạc hậu này chúng tôi chẳng bao giờ trở thành Cơ đốc nhân được cả. Khi Kinh thánh dạy điều gì, chúng tôi tin y như vậy, tin cậy, vững lòng, vui vẻ, và để cho Đức Chúa Trời hành động.
Ngợi khen Chúa Giê-xu về sự đơn sơ của Tin lành. Nhiều khi chúng ta thường mắc phải sự ngớ ngẩn của mình. Khi đọc đến Phúc âm Mác chương 16 câu 19-20, chúng ta lại đánh dấu hỏi tại sao mình không tìm thấy câu này trong bản cũ nhất? Vì thế chúng ta đã đào sâu hố nghi vấn đối với Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta học khúc Kinh Thánh này trong 10 năm và nói rằng: “Ồ! Trong cuốn Kinh Thánh này thì có, nhưng cuốn Kinh Thánh kia thì không có, vậy chúng ta phải cẩn thận và suy nghĩ trước khi quyết định nên tin bản Kinh Thánh nào…”
Đối với chúng tôi tại Indonesia, chúng tôi không quá dại dột mà làm chuyện ấy. Các nhà truyền giáo giới thiệu với chúng tôi “quyển sách Bìa đen” (Black Book, ngầm hiểu đây là quyển sách cũ kỹ nhất) và nói với chúng tôi rằng, toàn bộ Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời để chúng tôi tin. Vì thế chúng tôi tin như vậy. Nếu chúng tôi có dại dột tin điều ấy thì nguyện Đức Chúa Trời dùng sự dại dột của chúng tôi để làm vinh hiển Ngài, bởi quyền năng của Ngài, Ngài đã chứng minh cho chúng tôi thấy Lời Ngài là chân thật. Tôi ngợi khen Đức Chúa Trời vì không có vấn đề gì mà các học giả ở Hoa Kỳ có thể nói về những câu đại loại như thế, tại Indonesia, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh chúng tôi đã kinh nghiệm được hết mọi điều như Lời Ngài hứa chép trong Phúc âm Mác chương 16.
Ngợi khen Đức Chúa Trời Ngài đã phán “Họ sẽ nhân danh Ta mà trừ quỷ”. Tôi vui mừng vì lúc bấy giờ đoàn truyền giáo không nghĩ như các học giả đã nói, nhưng chúng tôi chỉ tin nơi Lời của Chúa Giê-xu nói thôi. Cả đoàn ngồi đó và chờ đợi. Họ nhìn nhau cùng cười và hát ngợi khen Chúa Giê-xu.
– Ngay khi ấy, vị pháp sư trưởng bắt đầu run rẩy. Rồi ông hét lớn lên: “Hỡi các ông, các anh. Tôi cần Đức Chúa Trời của các ông ngay bây giờ!”
Thật là một chuyển biến đột ngột, các thành viên trong đoàn cũng chẳng biết nói làm sao.
– Cuối cùng một đoàn viên hỏi: “Thưa ông, tại sao ông thay đổi lập trường của mình vậy?”
– Ông ta trả lời: “Ồ, Chúa Giê-xu có quyền hơn ma quỷ!”
– Một người lại hỏi: “Làm sao ông biết được điều đó?”
– “Tôi là pháp sư mà”, vị pháp sư trả lời. “tôi thường nói chuyện với các quỷ, tôi biết tên từng con quỷ nữa”. Rồi họ la rống lên, không còn kiểm soát được họ nữa.
– Vài người trong đoàn hỏi: “Chuyện gì xảy ra vậy? Chúng tôi không biết gì cả?”
– “Có, có… tôi biết”, vị pháp sư nói. “Khi các ông cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu và trói buộc quyền lực của ma quỷ tại đây, ra lệnh cho chúng chạy thì các ông biết chuyện gì xảy ra không?”
– “Không, chúng tôi không biết. Ông hãy nói cho chúng tôi việc gì đã xảy ra?”
– “Để tôi thuật lại cho các ông nghe. Tôi nhìn bằng con mắt riêng và nghe bằng lỗ tai riêng của tôi về mọi quyền lực của ma quỷ trong làng này. Chúng họp nhau lại từng con một từ nhỏ đến lớn vừa chạy vừa la hét: “Giê-xu không cho phép chúng ta ở đây. Chúng ta phải đi vì Giê-xu cần dân làng này”. Quả thật Giê-xu là Đức Chúa Trời vĩ đại, tôi muốn biết Chúa Giê-xu”.
– Đoàn truyền giáo liền bày tỏ đơn sơ rằng: “Nếu ông muốn biết Chúa Giê-xu, chúng tôi sẽ chỉ cho ông cách đến với Ngài”. Rồi họ mở Kinh thánh ra và chỉ cho ông ta cách tiếp nhận Chúa Giê-xu Christ làm Cứu Chúa của đời sống mình. Ông ta chấp nhận ngay, sau đó dân làng cũng tiếp nhận Chúa Giê-xu cùng một cách như vậy. Ngợi khen Đức Chúa Trời.
Nhiều người cho rằng việc trừ quỷ chỉ diễn ra cách đây 2000 năm. Nhưng chúng tôi đã chứng kiến quyền năng của Đức Chúa Trời hành động ngay tại Indonesia. Vì sao? Vì ma quỷ biết ngày giờ của nó còn rất ít nên nó càng ra công ráng sức sử dụng hết mọi quyền lực để tấn công Cơ-Đốc giáo. Nếu chúng ta muốn thắng được cuộc chiến này và chinh phục nhiều tội nhân cho Đấng Christ, chúng ta phải cần quyền năng của Đức Chúa Trời ngay bây giờ, cần hơn cả những người sống cách đây 2000 năm.
Thật là kỳ diệu khi thấy trọn cả một bộ lạc tiếp nhận Chúa Giê-xu Christ làm Cứu Chúa của mình.
Quyền năng trên rắn.
Trong Phúc âm Mác chương 16 câu 18 chép, “Bắt rắn trong tay…”. Điều này chứng tỏ Cơ đốc nhân có quyền trên mọi loài động vật. Khi Đức Chúa Trời tạo dựng Ađam và Êva, Ngài phán cùng họ: “Ngươi sẽ quản trị loài súc vật… Ngươi có quyền trên chúng nó”. Nhưng khi con người phạm tội thì mất đi uy quyền quản trị đó. Có lúc một con chó cũng có thể cắn bạn vì nó không thuận phục bạn như một tạo vật cao nhất của Đức Chúa Trời.
Tôi ngợi khen Đức Chúa Trời, bởi sự tin cậy vào Chúa Giê-xu Christ, chúng tôi được phục hồi uy quyền đó. Có thể bạn đang ở Hoa Kỳ thì không cần uy quyền năng này vì bạn có xe hơi, xe lửa, máy bay. nhưng chúng tôi sống trong rừng già thì chúng tôi thật sự rất cần uy quyền trên muông thú.
Đi trong rừng đôi khi chúng tôi gặp nào là cá sấu, cọp hay rắn độc… nhiều lần chúng tôi đã nói với rắn độc “Hỡi rắn, hãy dừng lại để ta đi qua!” Tức thì rắn liền dừng lại và chúng tôi đi qua, rắn chẳng làm gì cả. Tại sao? Vì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng tôi uy quyền trên thế giới loài vật.
Ở xứ chúng tôi có rất nhiều bọ cạp. Nếu bạn bị chúng cắn thì rắc rối to. Nhưng tôi nói với bạn là khi bạn có uy quyền trên thế giới loài vật. Nếu chúng có cắn bạn thì lập tức chúng tôi nhân Danh Chúa Giê-xu và sự đau nhức liền tan biến. Bò cạp và những con vật khác không được phép động đến chúng ta, vì chúng ta là vật thọ tạo cao cấp nhất của Đức Chúa Trời. Chúng phải tôn trọng chúng ta, vì chúng ta tôn trọng Đức Chúa Trời. Tôi ngợi khen Đức Chúa Trời là Đấng đã phục hồi quyền quản trị loài vật cho chúng tôi.
Chị của tôi và một anh em trong Chúa đang hầu việc Chúa tại một khu rừng già ở Sumatra. Nhiều lần họ phải vượt qua sông. Một ngày nọ anh ta cần qua sông nhưng lại không biết bơi. Lúc đó là giờ nước lớn đã dâng cao lên khỏi lưng quần anh. Những người hồi giáo và những người ngoại ở trên bờ cười lớn:
– “A.. ha, hôm nay anh này tới số rồi!”
Khi anh cố gắng để lội qua sông, có nhiều con cá sấu bơi đến định nuốt anh. Khi còn cách khoảng 2m, bọn cá sấu chuẩn bị dùng đuôi để quật chết anh. Sức quật của đuôi cá sấu có thể làm vỡ đôi chiếc thuyền nhỏ. Khi những con cá sấu bơi đến gần, anh ta không biết phải làm sao để tự vệ cả.
– Thình lình anh nhớ đến Kinh Thánh trong Phúc âm Mác chương 16 câu 18, khi đứng giữa dòng sông, anh la to: “Hỡi bọn cá sấu, trong Danh Chúa Giê-xu ta ra lệnh chúng bay phải lui ra khỏi ta”.
Những con cá sấu vẫn tiếp tục bơi đến gần anh hơn, gần hơn, gần hơn nữa, thế rồi vụt một cái chúng quay mình thật nhanh và bơi đi mất. Những người Hồi giáo và người ngoại đứng trên bờ sông ngạc nhiên nói: “Chúng ta chưa từng thấy chuyện lạ thế này! Cá sấu biết vâng lời người đó!”
Cá sấu là con vật ngu nhất thế giới này, nó có một bộ óc rất nhỏ. Nếu huấn luyện cho chó hay mèo biết vâng lời người ta thì dễ hơn là huấn luyện cho cá sấu. Nhưng tôi muốn nói với bạn là khi Chúa Giê-xu phán thì cá sấu cũng phải nghe. Một lần nữa những người ngoại đã nhìn thấy quyền năng của Đức Chúa Trời diễn ra ngay trước mắt họ.
Điều đó khiến họ tìm đến với Chúa Giê-xu.
Chất độc trở nên vô hại
Lời Chúa phán: “Nếu uống giống chi độc cũng chẳng hại gì…”. Một ngày nọ, Chúa sai chúng tôi đi vào một làng kia trong rừng già. Đó là nơi kinh khủng nhất, gần thành phố Kupang, thủ phủ của đảo Timor. Khi chúng tôi nói với mọi người là chúng tôi sẽ đến làng ấy, không có ai tin chúng tôi.
– Người ta nói: “Không được, Đừng đi đến đó, nếu các anh đến là sẽ bị giết ngay”.
Tại sao? Vì nơi đó người ta chuyên pha thuốc độc và làm bùa ngải. Nếu ai đó dừng chân xin một ly nước lạnh thôi, thì cũng bị họ bỏ thuốc độc vào, uống xong, chẳng mấy chốc người đó sẽ chết ngay. Vì vậy, nhiều người khuyên chúng tôi đừng đi đến làng đó giảng Tin lành. Nhưng Đức Chúa Trời đã sai chị tôi, anh rễ tôi cùng 4 người khác nữa lên đường đến đó.
– Chúng tôi nghĩ: “Nếu chúng tôi chết là chết vì vâng lời Đức Chúa Trời”. Nhưng thật lòng mà nói thì… chúng tôi cũng sợ (scared) lắm, nhưng Đức Chúa Trời đã nhắc (remind) chúng tôi nhớ đến câu Kinh Thánh: “Nếu uống giống chi độc cũng chẳng hại gì…”
Khi chúng tôi đến nơi, việc đầu tiên dân chúng tại đây cho chúng tôi thức ăn và nước uống. Mọi người đều “chố mắt” nhìn xem thử chúng tôi có khiếp sợ không. Không! Chúng tôi tin cậy nơi Chúa Giê-xu và ăn, cứ ăn và uống… vì sau khi đi nhiều cây số đường xa, chúng tôi đói bụng. Ăn xong, chúng tôi bắt đầu giảng Tin lành.
Nhiều giờ trôi qua, đến khi chúng tôi chấm dứt buổi nhóm, một người đàn ông đến nói với chúng tôi rằng:
– “Thưa các ông, chắc chắn các ông có một quyền lực nào trong người”
– Chúng tôi trả lời: “Không, chúng tôi đâu có quyền lực nào đâu!”
– “Các ông nói đùa (kidding)”.
– “Thật! Chúng tôi không có chi cả. Chúng tôi chỉ là người như các ông vậy thôi!”
– “Không, tôi không tin các ông. Nếu các ông nói không có gì thì có thể đã có một quyền năng rất lớn đã bảo vệ các ông”.
– Tôi hỏi: “Ông nói vậy có nghĩa gì?”
– Ông ấy trả lời: “Khi các ông đến đây, chính tôi đã bỏ thuốc độc mạnh nhất vào thức ăn của các ông, các ông sẽ chết trong vòng 3 phút, nhưng lại chẳng có gì xảy ra cả. Bây giờ đã 2 giờ đồng hồ trôi qua, cũng chẳng có ai chết! Chắc chắn các ông có nhiều quyền năng, hoặc có một quyền năng nào đó đang bảo vệ các ông?”
– Chúng tôi bắt ngay vào lời ông ta nói và trả lời: “Vâng, quyền năng đó chính là Đức Chúa Trời đang ở cùng chúng tôi”.
– Ông hỏi ngay: “Quyền năng đó là gì? tôi cần quyền năng ấy.”
Chúng tôi giải thích cho ông ta về tình yêu của Chúa Giê-xu và nói cho ông về Cứu Chúa kỳ diệu, quý báu nhất của chúng tôi. Ông nói:
– “Ồ, các ông không cần giảng thêm. Chỉ một phút thôi cũng đủ để tôi đem trọn cuộc đời mình quay về cùng Đấng Christ.”
Ông chạy về nhà đem tất cả bùa ngải cùng các thứ khác thuộc quyền lực ma quỷ đến và đốt chúng trong lửa. Ông nói:
– “Lạy Chúa Giê-xu, xin Ngài tiếp nhận cuộc đời con. Ngài thật là kỳ diệu.”
Vượt qua các sông sâu
Chúa cũng sai một đoàn truyền giáo khác đi đến một vùng trong đảo Timor. Họ phải vượt qua một con sông mới đến đó được. Nhưng không có một chiếc cầu nào. Con sông Noemina rộng khoảng gần 300 mét (nguyên văn: 300 yards= 274,200 m, đơn vị đo của Anh) và là con sông lớn nhất đảo Timor. Vào mùa lụt, sông này sâu từ 8 đến 9 mét nước (nguyên văn: 20 to 25 feet deep). Nước chảy rất xiết, ngay cả những cây lớn cũng bị nó cuốn phăng ra biển.
Khi đoàn truyền giáo đến bờ sông thì họ kinh hoàng. Không có người nào đủ tâm trí dám vượt qua sông vì đang nhằm mùa nước lũ, ngay cả những người điên cũng chẳng dám thử sức vượt qua. Thế là, đoàn truyền giáo phải dừng lại nơi bờ sông và cầu nguyện: “Lạy Chúa, chúng con phải làm sao đây?”
Một trong những đặc điểm của cuộc phấn hưng tại Indonesia là trước khi chúng tôi đi giảng đạo thì Chúa cho chúng tôi biết mọi chi tiết những gì chúng tôi phải làm. Chúng tôi ghi lại trên giấy và làm theo cách chính xác. Nếu Ngài bảo chúng tôi dừng lại chỗ này hoặc đi giảng tiếp ở chỗ kia thì chúng tôi sẵn sàng làm theo y như Lời Chúa dạy.
– Bấy giờ Chúa phán: “Các con phải vượt qua sông!”
Thường thì đoàn đi ra chứng đạo khắp Indonesia không nhằm vào mùa mưa. Mùa mưa tại Indonesia mới đúng thật là mưa. Có khi nó kéo dài đến 40 ngày đêm không dứt. Nếu đi đâu xa mà gặp mưa như vậy thì thật là phiền phức.
Nhưng điều kỳ diệu nhất mà Kinh thánh nói đó là: “Đức Chúa Trời sẽ cung cấp mọi nhu cầu cho anh em.”
Nhiều lần chúng tôi đi mà chẳng đem theo ô dù hoặc áo mưa chi cả.
– Chúng tôi cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, Ngài bảo chúng con ra đi, nhưng chúng con chẳng có dù hoặc áo mưa. Xin Ngài bảo vệ chúng con khỏi bị mắc mưa!”.
– Chúa trả lời: “Bất cứ điều gì các con cầu hỏi và tin nơi Ta, thì các con sẽ nhận được điều đó.”. Chúng tôi không đi đến những nơi tội lỗi hoặc đi dạo vô ích mà chúng tôi đi rao giảng Tin lành nên Đức Chúa Trời đã che chở chúng tôi khỏi mắc mưa.
Chúng tôi thấy mưa cách chúng tôi khoảng 4 hoặc 5 mét phía trước và phía sau, bên phải và bên trái. Nhưng không một giọt mưa nào làm ướt chúng tôi.
khi chúng tôi đến làng thì dân chúng hỏi: “Các ông từ đâu đến?”.
– “Chúng tôi đến cách đây 80 cây số”.
– “Các ông đi đường có gặp mưa không?”.
– “Có chứ!”
Họ nhìn thấy chân chúng tôi lấm đầy bùn đất mà thân thể lại không ướt gì cả. Chúng tôi kể cho họ nghe là Đức Chúa Trời đã bảo vệ chúng tôi, nhưng họ vẫn không tin. Mấy lần họ cố tìm xem thử chúng tôi có cất giấu ô dù hay áo mưa ở đâu không. Nhưng chẳng tìm thấy gì. Vì Đức Chúa Trời đã che chở cho chúng tôi.
Đó cũng là cách mà Đức Chúa Trời làm để cho đoàn truyền giáo vượt qua sông. Người ta kinh ngạc vì thấy đoàn truyền giáo đi đường gặp mưa mà không ai bị ướt để đến nơi này. Những người ngoại tụ tập trên bờ hỏi:
– “Các ông là ai?”
– “Chúng tôi là đoàn tuyền giáo đi giảng Tin lành”.
– “Các ông định đi đâu đấy?”
– Một đoàn viên đáp lại: “Chúng tôi sẽ qua bên kia sông, Chúa bảo chúng tôi phải vượt sông ngay bây giờ”.
-Họ nói: “Các ông đừng đi. Nếu bây giờ các ông qua sông thì chắc chắn các ông sẽ giao mạng cho Chúa thôi, các ông sẽ bị chết đuối ngay”.
– Ngay cả một vài Cơ-Đốc nhân ở đó nhìn chúng tôi nói thêm rằng: “Chúa bảo chúng ta phải khôn ngoan như rắn… Bây giờ các ông hãy dùng trí khôn mình mà ở lại bên sông này cho rồi”.
Đôi lúc có những Cơ đốc nhân cố giảng cho bạn nghe những bài thật hay nhưng không phải lúc nào cũng đến từ Chúa. Lắm khi ma quỷ giảng còn hay hơn chúng ta nữa, nhưng nó không giảng Tin lành (mà là tin dữ).
– Những người ngoại kia nói tiếp: “Nếu bây giờ các ông vượt sông thì các ông sẽ chết. Thế thì còn ai sẽ phục vụ cho Chúa đây? Tốt hơn là hãy đợi vài ba ngày nữa, khi nước rút xuống, chúng tôi sẽ giúp các ông vượt sông”.
– Đoàn truyền giáo nói với đám đông rằng: “Không, Chúa bảo chúng tôi phải vượt qua sông ngay bây giờ”, nói như thế chứ các đoàn viên cũng hơi nao núng.
– Anh rể và chị tôi cũng đứng đấy. Họ thực sự không biết phải làm gì, ngay cả những người bạn của anh chị cũng nói: “Thôi, bây giờ đừng đi nữa, đừng đi…”.
– Bỗng nhiên một người em họ của tôi nói: “Chúa đang cảm động lòng tôi. Hỡi các bạn trong đoàn, nếu các bạn muốn nghe theo lời cố vấn của loài người thì các bạn hãy nghe theo họ. Các bạn cứ ở đây mà chờ đợi hai ba ngày nữa, nhưng tôi muốn theo lời Chúa và vâng lời Ngài ngay bây giờ. Chúa bảo chúng ta phải vượt sông ngay giờ này, không nên chờ dịp khác. Chúa bảo với ta như Ngài bảo với Giô–sép khi thiên sứ đến, ông phải đem Ma–ri và hài nhi Giê-xu trốn khỏi xứ để lánh nạn bên Ai-cập ngay trong đêm. Nếu Giô-sép không vâng lời Chúa ngay lúc đó mà chờ đến sáng mới đi thì kết quả thê thảm như thế nào? Chắc là Chúa Giê-xu sẽ bị giết ngay”.
Những người khác còn trù trừ vì họ sợ không biết phải làm gì. Nhưng em của tôi cương quyết:
– “Các bạn cứ ở đây mà chờ, còn tôi thì phải đi ngay!”
Nói xong anh bước ngay xuống nước. Mọi người trên bờ la lớn:
– “Đừng đi nữa, anh sẽ chết ngay bây giờ!”
– Em tôi trả lời: “Nếu tôi chết, các bạn hãy nói cho cả thế giới biết rằng tôi không chết vì tôi ngu, nhưng tôi chết là chết vì vâng lời Chúa”..
Bước chân thứ nhất, anh đặt xuống nước sâu đến mắt cá và đến giữa đầu gối. Bước thứ hai cũng sâu đến thế… rồi bước thứ ba, bước thứ tư, thứ năm, thứ sáu… nước vẫn không sâu quá đầu gối.
– Khi đến ở giữa sông, nơi mà ước lượng có thể sâu đến chừng 10 m nước, nhưng thấy mực nước vẫn không sâu quá hơn đầu gối của em tôi. Anh ta đứng ở giữa sông gọi ngược lại với các bạn mình: “Các bạn ơi, hãy đi ngay bây giờ thôi, nước không có sâu lắm đâu”.
– Họ hỏi lại anh: “Anh đang đứng dưới đáy sông hay trên mặt nước đấy?”
– Anh đáp lại: “Tôi không biết, nhưng tôi có cảm tưởng là đang đứng dưới đáy. Đáy sông đang ở dưới chân tôi đây”. Mọi người đều biết là chỗ đó nước sâu đến 10 m, nhưng khi họ nhìn anh thì giống như anh đang đứng trên mặt nước.
– Cả đoàn liền hội ý và quyết định: “Chúng ta phải quyết định đi ngay, vì Chúa đang hành động, nếu trì hoãn thì sau đó có muốn đi cũng không được nữa. Lúc đó thì thật khốn nạn thay!”
Cả đoàn đều bước như người thứ nhất đã làm, hết thảy đều an toàn. Họ có cùng một cảm giác như đang đặt chân trên đáy sông. Khi những người còn lại bên bờ bên kia (là những người ngoại và một số tín hữu) thấy điều đó xảy ra, họ tưởng là sông không sâu lắm nên bắt chước bước xuống. Mới bước được bước thứ nhất thì họ đã bị chìm ngay vì sông vẫn thực sự rất sâu đối với họ. Hết thảy mọi người đều tin rằng, đó là một phép lạ đã xảy ra tại đây. Và Chúa chỉ cho họ câu Kinh Thánh trong sách Êsai chép: “Khi ngươi vượt qua các dòng nước, nó chẳng phủ lấy ngươi.”
Hỡi các anh em của tôi, đó là Lời Chúa.
Thức ăn được nhân lên …
Một phép lạ đặc biệt khác nữa xảy ra khi một đoàn truyền giáo đi giảng đạo tại một làng nhỏ nọ tên là Nikiniki, cách làng Soe của chúng tôi khoảng 24 km. Lúc đó, Chúa đã dùng họ để đem nhiều người đến với Chúa Giê-xu.
Theo thông lệ, đoàn truyền giáo đến nhà ông Mục sư và nghỉ tại đó. Vị Mục sư ở đây là chú rể của tôi. Bấy giờ Bà Mục sư là dì của tôi rất bối rối vì nhiều người đến mà trong nhà không có đủ thức ăn để đãi cả đoàn. Tại đảo Timor lúc ấy cũng đang gặp đói kém. Đoàn truyền giáo có 20 người, ngoài những người lớn tuổi ra, còn khoảng hơn 50 người nữa đang ở tại nhà riêng của họ. Dì tôi đi sửa soạn bữa ăn mà ngay một chút thức ăn cũng chẳng có. Bà vào trong buồng mà kêu cầu với Chúa:
– “Chúa ơi, con không biết phải làm sao đây, xin Chúa giúp (nguyên văn: show, chỉ, tỏ) con”.
– Ngay lúc đó, Chúa phán với người trưởng đoàn, ông ta đến nói với Dì của tôi: “Thưa bà, Chúa nói với tôi rằng, bà đang có 4 củ sắn (khoai mì) trong tủ ở dưới nhà bếp, bà cứ lấy ra mà nấu đi, 4 củ sắn ấy sẽ là bữa ăn của chúng ta”.
– Dì tôi hỏi lại: “Làm sao các ông biết tôi có 4 củ sắn đó?”
– Ông trưởng đoàn trả lời: “Tôi cũng không biết, chỉ biết là Chúa đã nói với tôi như vậy.
Dì tôi đi vào bếp và thấy có 4 củ sắn giống y như điều Chúa đã phán với ông trưởng đoàn.
Bà nghĩ, “Nếu Chúa đã nói cho anh trưởng đoàn biết, tốt hơn hết là mình nên vâng lời Chúa đi nấu ngay”.
– Sau khi nấu chín, ông trưởng đoàn đến nói với bà: “Xin bà vui lòng nấu cho ấm trà nữa nhé”.
Dì tôi chỉ còn đủ trà và đường cho 2 hoặc 3 ly mà thôi, nhưng bà vẫn vâng lời.
Anh trưởng đoàn lại nói tiếp:
– “Xin bà đổ nước trà vào bình và khuấy lên với đường để mọi người uống sau khi ăn. Bà làm theo như lời. Sau đó bà lấy 4 củ sắn luộc chín làm thành một ổ bánh mì nhỏ, đặt nó lên một cái đĩa rồi cầu nguyện. Cả đoàn cùng cầu nguyện, sau khi cầu nguyện xong, Chúa bảo Dì tôi hãy phát cho mỗi người một cái đĩa và mỗi người một cái ly. Bà làm theo như vậy.
– Và Chúa lại phán với một đoàn viên khác rằng: “Bây giờ hãy nói bà Mục sư cầm bánh lên, rồi bẻ ra từng miếng để vào từng đĩa một cho mọi người cho đầy đủ.”
Dì tôi nghĩ rằng, “thật là khó, chỉ một ổ bánh nhỏ này nếu bẻ ra cũng không chứa đầy được một đĩa”, nhưng Dì tôi cứ vâng lời Chúa.
Người thứ nhất được bánh thì mừng lắm vì “chắc chắn là mình có phần rồi”, song người cuối cùng thì sao? Anh ta là bạn thân của tôi, anh ta rất nóng ruột vì đói, và lại thích ăn nhiều. Anh ấy có cái bao tử thật lớn. Sau này, tôi hỏi anh ta: “Lúc đó anh đã nghĩ gì?” Anh trả lời cách thành thật: “Tôi rất hồi hộp, tôi cầu xin khẩn thiết với Chúa rằng: Lạy Chúa, con là người đứng cuối cùng! Ổ bánh thì quá nhỏ nên chỉ đủ cho vài ba người ngồi đầu là được vài miếng. Vậy Chúa Giê-xu ơi, Ngài làm phép lạ đi, nhưng xin nhớ đến con nữa. Con ngồi cuối cùng đây, con đói bụng lắm rồi.”.
Dì tôi cầm lấy bánh, bẻ ra. Thường thì theo cách tự nhiên, bạn sẽ bẻ bánh ra một nửa, bạn sẽ có hai phần nửa chiếc. Nhưng đối với Chúa thì không phải như vậy. Bà bẻ bánh bên trái một cái, tức thì nửa bên bẻ ra liền đầy lại như cũ. Chúa bảo bà hãy đặt miếng bánh cầm bên tay trái vào đĩa của người này, xong lại bẻ miếng bánh bên tay phải đặt vào đĩa của người kia, bên bẻ ra của chiếc bánh lại đầy ra như cũ. Bà cứ làm như thế, như thế… Bà kêu lên, vì bà biết rằng, đó là một phép lạ đã xảy ra ngay trên tay của bà. Vì thế bà ngợi khen Đức Chúa Trời, bà vui mừng reo lên, song cứ bẻ bánh, và bẻ bánh…
Người đầu tiên được một đĩa đầy, rồi đến người thứ hai, thứ ba… Đến lúc đó, mọi người hiểu được là phép lạ đã xảy ra. Ngay cả đến anh bạn ngồi cuối cùng của tôi cũng được một đĩa bánh đầy. Anh ta cũng ngợi khen Chúa và nói: “Chúa ơi, Ngài đã làm phép lạ”.
Sau khi ăn xong, mọi người đều uống trà, Khi bạn ăn sắn rất khô khan mà sau đó không uống một chút nước gì thì thật là khổ sở lắm. Dì tôi chỉ muốn rót mỗi người một chút xíu nước trà vào từng ly, nhưng Chúa phán: “Hãy cứ rót đầy ly”. Bà vâng lời, và rót đầy từng ly cho đến hết mọi người, ai cũng được uống trà. Có nhiều người uống đến 2 hoặc 3 ly trà. Vì thế mà mọi người trong đoàn được ăn uống đầy đủ, thỏa lòng.
Sau sự việc này, thức ăn còn thừa lại rất nhiều khiến không ai ăn nổi nữa. Ngay đến những con chó nuôi trong nhà cũng được ăn no. Chúa cũng chăm sóc đến cả những con vật nữa chứ.
Chương 5
NHỮNG CON TRẺ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Đức Chúa Trời không chỉ cảm động lòng người lớn, thanh niên, mà cả đến cả những em nhỏ nữa. Khi đoàn truyền giáo chúng tôi bắt đầu đi ra từ làng Soe giảng Tin lành thì chúng tôi có 8 nhóm trẻ em. Mỗi nhóm có từ 8 đến 10 em, lứa tuổi từ 6 đến 10 tuổi. Chúng tôi gọi là những nhóm Nhi Đồng.
Các em này học từ lớp 1 đến lớp 4. Mỗi sáng đi học từ 7 giờ. Vào lớp từ 7g15 học đến 1g15, các em về nhà ăn cơm trưa.
Mỗi tuần từ thứ hai đến thứ sáu, từ 4 đến 6 giờ chiều, thay vì vui chơi như những trẻ em khác thì các em nhóm lại cầu nguyện. Các em cũng quỳ gối, đặt tay lên nhau rồi cầu nguyện cho những trẻ em khác cùng lứa ở xung quanh mình, cũng như các trẻ em trên toàn thế giới. Các em rất quan tâm đến điều này đến nỗi thường khóc mà cầu nguyện. Chúa cũng ban cho các em có lời tiên tri, hoặc lời dạy dỗ hoặc tiết lộ những điều mầu nhiệm cho các em.
Trèo lên ngọn cây
Ngày thứ bảy, lớp học tan vào lúc 12 giờ trưa. Khoảng 2 giờ chiều vào một ngày thứ bảy nọ, một nhóm truyền giáo Nhi đồng đi thăm một làng gần đó. Ngôi làng này xa 24km trong rừng già. Đây là việc hằng tuần của các em. Không có người lớn nào đi với các em cả. Có lần tôi hỏi các em có sợ không? Các em hỏi lại:
– “Anh Mel ơi, tại sao chúng em phải sợ chứ? Vì luôn luôn có các thiên sứ của Chúa đi trước chúng em rồi. Một vị đi trước và một vị đi sau. Một vị đi bên phải và một vị đi bên trái. Chúng em chỉ đi theo các thiên sứ này suốt cả hành trình và những vị ấy gìn giữ chúng em bình an.”
Nhưng tôi sẽ kể cho bạn nghe một chuyện xảy ra vào một buổi chiều nọ, hôm ấy đang đi, các em này thấy những cây ổi. Ổi là loại trái cây trẻ em rất thích. Khi các em đi đến nhìn lên thấy những trái chín, dĩ nhiên là các em muốn hái lắm. Nhưng khi các em định hái thì một thiên sứ bảo:
– “Các em đừng hái những trái này, các em sẽ có những trái khác vì chẳng bao lâu nữa sẽ tới làng rồi, đường còn xa lắm.”
Nhưng giống như mọi trẻ em khác, đôi lúc các em cũng rất ương ngạnh. Nhìn những trái ổi chín kia, các em bỏ ngoài tai lời thiên sứ khuyên. Các em cởi áo ra rồi trèo lên những cây ổi này. Các em thích thú, đùa giỡn trên những cành cây, hái ổi ăn và quên tất cả những việc mà các em còn phải đi làm chứng về Chúa Giê-xu cho dân làng.
Cuối cùng, khi ăn ổi thỏa mãn rồi, các em trèo xuống thì… bạn không thể biết được chuyện gì đã xảy ra.
Tất cả quần áo các em đều biến mất!
Các em đi tìm quanh… nhưng chẳng thấy quần áo ở đâu cả.
Tự dưng có điều gì khiến các em nhìn lên và thấy áo quần của mình bị treo trên một ngọn cây lớn, cao đến 27m và thân cây gần 1m.
Mới đầu, thì các em cười, xem đó như là một trò đùa. Các em nghĩ là chắc có một ngọn gió lớn nào đó đã thổi bay áo quần lên đó. Nhưng khi tìm mọi cách trèo lên cây bất thành, các em bắt đầu khóc.
– Chúa phán: “Các con phải học một bài học! Ta đã báo trước cho thiên sứ nhắc các con đừng hái trái cây ở đây, Ta sẽ cho các con những trái khác khi đến làng, nhưng các con không vâng lời. Vì thế các con phải trả giá về sự bất tuân đó.”
– Khi các em nghe như thế, thì lại càng khóc lớn hơn nữa. Chúa lại phán: “Nếu các con thật lòng ăn năn và xưng tội mình, thì Ta sẽ giúp các con lấy lại quần áo”.
Đám trẻ vội vàng quỳ xuống ăn năn và xưng tội mình.
– Chúa phán: “Bây giờ một người trong các con hãy trèo lên cây mang quần áo xuống”.
– Các em trả lời: “Thưa Chúa, chúng con không thể leo lên được, vì cây này lớn và cao quá”.
– Chúa lại phán: “Ta sẽ làm cho tay chân các con có thể dính vào cây giống như con thằn lằn.” Ngài chỉ một em trai trèo lên. Khi chân tay em này đặt vào cây thì nó dính chặt vào thân cây cho đến khi em lên đến tận ngọn, cẩn thận gỡ hết mọi quần áo và mang xuống hết.
Đó là một nhóm trẻ biết hối lỗi. Các em hớn hở tiếp tục đoạn đường đến làng. Sáng Chúa nhật hôm sau, các em đã làm chứng lại và kêu gọi mọi người ăn năn, có nhiều người trong làng đã tiếp nhận Chúa Giê-xu.
Chiếc máy thâu thanh của Đức Chúa Trời
Dường như Đức Chúa Trời đã cho đoàn truyền giáo Nhi đồng nhiều công tác đặc biệt. Mọi người nói rằng Chúa đã thực sự xức dầu cho các em, hoặc những lời nói của các em rất thành thật. Khi các em cầu nguyện và đặt bàn tay bé nhỏ của mình lên đầu người lớn thì những lời ấy trở thành lời ngọt ngào cho nhiều người.
Một ngày kia, các em tới làng Tafamamu, ở lại đó 2 tuần để nhóm lại. Mặc dù có nhiều trẻ em trong vùng đã ăn năn tin nhận Chúa, nhưng nhiều người lớn vẫn còn cứng lòng nên Chúa ban cho các em có lời khôn ngoan biết được những tội lỗi thầm kín trong lòng của người lớn. Khi các em nói những điều này ra, nhất là khi nói trước hội chúng thì vài người tức giận đã bắt bớ, đánh đập các em.
– Sau một ngày mệt nhọc, trong khi các em cầu nguyện, Chúa phán: “Hôm nay ta sẽ cho các con một sự ngạc nhiên.”
– Các em hỏi lại: “Chuyện gì thế, thưa Chúa?”
– Chúa phán” “Nếu các con hát thật hay, Ta sẽ cho các con nghe lại tiếng hát của các con xem thử các con đã hát như thế nào nhé!”.
Dĩ nhiên, lúc bấy giờ các em chưa biết máy thâu băng là gì cả. Có thể chỉ vài em biết, tôi không rõ lắm. Nhưng hầu như đám trẻ này thì không. Thế là các em bắt đầu hát. Các em hát hết lòng để ngợi khen Đức Chúa Trời. Sau khi các em hát xong, Chúa phán:
– “Các con hãy yên lặng, Ta sẽ phát thanh lại tiếng hát của các con.”
Đám trẻ ngồi yên lắng tai nghe, thình lình trên thinh không vang lên tiếng hát của các em. Các em rất ngạc nhiên và thích thú lắm.
– Một em nói: “Kìa, đây là tiếng hát của tôi…”
Rồi có em khác la to lên khi nhận ra tiếng hát của mình, em khác nữa…. Mỗi em đều nghe rõ giọng hát của mình. Thật là xao xuyến khi các em nghe được những giọng hát của mình vang lên từ trên thinh không.
Mỗi khi nhớ lại điều này, tôi suy tưởng đến một ngày kia, khi Chúa trở lại, tất cả mọi lời nói của chúng ta sẽ được phát thanh lại từ chiếc máy thâu thanh của Đức Chúa Trời. Chỉ có những lời nói xấu xa nào đã ăn năn mới được Chúa xóa đi. Lúc ấy, chúng ta sẽ không nghe thấy nó nữa mà thôi.
Đức Chúa Trời thiêu đốt những hình tượng
Một trong những đoàn tuyền giáo của chúng tôi có kinh nghiệm đặc biệt về vấn đề hình tượng. Khi Chúa sai họ đến một nơi trong đảo Timor thuộc quyền cai trị của người Bồ-đào-nha.
– Chúa phán với họ rằng: “Hãy ngủ ở ngoài lề đường, nếu có ai mời các con vào nhà thì hãy từ chối và nói – Thầy của chúng tôi bảo phải ngủ ngoài đường”.
Khi đến nơi, họ ngủ ở ngoài đường như Lời Chúa phán dạy. Họ đã ngủ như vậy một đêm, hai đêm, rồi ba đêm cũng chẳng ai để ý đến họ. Mãi đến ngày thứ ba dân chúng mới nhận ra những vị khách lạ đã ngủ ngoài đường mấy hôm nay.
– Dân chúng hỏi đoàn truyền giáo: “Các ông từ đâu đến?”
– Đoàn truyền giáo trả lời: “Chúng tôi đến từ Indonesia, Thầy của chúng tôi bảo chúng tôi đến đây”.
– Họ hỏi lại: “Chương trình các ông đến đây định làm gì?”
– Đoàn truyền giáo trả lời: “Chúng tôi chưa biết được. Thầy chúng tôi bảo đến đây và chúng tôi vâng lời đến đây, vậy thôi”.
– Họ hỏi: “Thầy của các ông là ai?”
– Đoàn truyền giáo trả lời: “Chúng tôi không thể trả lời cho quí vị lúc này được.” Rồi dân chúng mời cả đòn vào nhà của họ.
– Họ nói: “Mời các ông vào nhà chúng tôi, còn hơn là các ông ngủ ngoài đường như vậy.”
– Người trưởng đoàn nói: “Cảm ơn lòng tốt của quí vị. Nhưng thầy của chúng tôi bảo chúng tôi không được ngủ trong nhà mà phải ngủ ngoài đường.”
– Dân chúng nghe nói, họ đều nghĩ: “Ông Thầy gì mà kỳ cục vậy, đòi hỏi đồ đệ của mình làm những việc quái dị quá”.Nhưng họ càng thắc mắc bàn tán bao nhiêu thì lại thêm chú ý đến đoàn truyền giáo bấy nhiêu. Cuối cùng họ kết luận đoàn truyền giáo này là gián điệp hay mật thám gì đó nên đi báo Cảnh sát. Một lát sau, Cảnh sát đến ngay và ra lệnh cho đoàn truyền giáo phải nói tên vị thầy và công việc của họ đến đây làm gì.
– Người đại diện đoàn nói: “Chúng tôi sẽ nói cho quí vị biết với một điều kiện, nếu quí vị tập trung được khoảng 1000 người thì chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của quí vị. Nếu không thì chúng tôi không được phép nói Thầy của chúng tôi cho quí vị”.
Người Cảnh sát liền đi tụ tập dân chúng lại, có hơn cả ngàn người rồi chờ đợi đoàn truyền giáo trả lời câu hỏi của họ.
– Người đại diện nói: “Bây giờ quí vị đã tập trung đầy đủ, chúng tôi xin giữ lời hứa với quí vị”. Người phát ngôn đó cùng các đoàn viên đi tìm một chỗ cao để dân chúng có thể nhìn thấy và nghe rõ ràng. Anh này mở Kinh Thánh ra và bắt đầu giảng.
– Anh ta nói: “Kính thưa quí vị, thầy chúng tôi là Chúa Giê-xu Christ….”
– Một vài người trong đám đông nói: “Chúng tôi có biết Ngài nhưng không rõ ràng cho lắm. Các ông có bị phiền lòng không nếu chúng tôi đi mời một vị linh mục đến đây?
– Anh đại diện cho đoàn trả lời: “Không phiền chi hết, quí vị cứ mời đến đây”.
– Khi vị linh mục đến, ông ta giận dữ nói: “Chúng tôi là người Công giáo (đa số người Bồ Đào Nha là người Công giáo. NM), chúng tôi đã biết Chúa Giê-xu rồi. Tại sao các ông lại đến đây giảng điều này nữa?”.
– “Bởi vì Chúa Giê-xu muốn các ông phải ăn năn tội mới được cứu.”
– Vị linh mục nhấn mạnh: “Chúng tôi đã là những Ki-tô hữu rồi mà!”
– Cả đoàn lắc đầu và buồn bã trả lời: “Chúa phán cho chúng tôi biết là quí vị còn thờ hình tượng. Ngài rất ghét các hình tượng”.
– Vị linh mục cãi lại: “Chúng tôi không thờ hình tượng?”
Sau khi bàn cãi một hồi, tất cả đồng ý đi đến nhà thờ để Chúa chỉ ra những hình tượng nếu họ có. Khi bước vào bên trong nhà thờ, ai nấy đều thấy rất nhiều hình tượng xung quanh.
– Đoàn truyền giáo nói: “Đó là những hình tượng”.
– Vị linh mục nổi nóng, ông ta nói cách giận dữ: “Đó không phải là hình tượng. Đó là Thánh Phao-lô, mẹ Ma–ri-a, Chúa Giê-xu và các thánh tông đồ….”
– “Nhưng Chúa bảo chúng tôi rằng đó là những hình tượng”.
– Khi thấy tranh cãi cũng chẳng đem lại lợi ích gì, thì một đoàn viên đề nghị: “Chúng ta không chịu ai nói đúng, ai nói sai, đó là hình tượng hay là không phải hình tượng. Vậy bây giờ chúng ta hãy cầu hỏi ý Chúa cho chúng ta biết phải làm gì. Quí vị còn nhớ câu chuyện chép trong Kinh Thánh về tiên tri Ê-li và thầy tế lễ Ba-anh (Baal priest, hoặc dịch là các tiên tri của Ba-anh, xem 1 Vua. 18. NM) chứ? Thế đấy, bây giờ chúng ta hãy gom hết tất cả các ảnh tượng này lại một chỗ,và xin Chúa thiêu đốt tất cả những hình tượng này bằng lửa từ trời nếu Ngài thấy những ảnh tượng này là hình tượng và Ngài rất ghét chúng”.
Thế rồi họ gom tất cả những hình tượng bằng đồng, bằng gỗ, bằng nhựa… lại và để ở chính giữa căn phòng. Mọi người đều đứng cách xa, một đoàn viên cầu nguyện xin Chúa bày tỏ dấu hiệu của Ngài bằng lửa từ trời đến thiêu đốt những ảnh tượng này nếu đây là ý Chúa muốn. Sau khi cầu nguyện xong, mọi người đồng thanh nói “A-men”. Một khoảnh khắc yên lặng ngắn ngủi diễn ra, thình lình một ngọn lửa xẹt vào giống như tia chớp chạm đến những hình tượng kia và thiêu đốt chúng ra tro bụi.
– Vị linh mục rất đỗi kinh ngạc, ông bóp mạnh hai tay lại với nhau và nói: “Chúng ta phải đốt hết những ảnh tượng còn lại, nó còn ở phía sau nhà thờ nữa. Chúng ta phải đốt hết, đốt hết”. Thế là họ liền đi ra phía sau nhà thờ lôi kéo tất cả các ảnh tượng ra và đem đốt chúng, dù cho những ảnh tượng đó làm bằng kim loại đi chăng nữa cũng thiêu rụi ra tro. Tất cả chỉ có các hình tượng trong và ngoài nhà thờ đều bị đốt bằng lửa cháy ra tro, nhưng nhà thờ thì không hề hấn gì .
Có nhiều người đã ăn năn và quay trở lại với Đấng Christ ngay trong ngày đó. Khi đoàn truyền giáo từ giã họ ra đi. Vị linh mục nói: “Nếu lần sau Chúa sai các ông đến nữa, thì xin hãy đến đây”.
Chương 6
SỰ ĐƠN SƠ VỚI LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI
Trước khi đến Hoa Kỳ, tôi thưa với Chúa rằng: :”Lạy Chúa, con từ một xứ sở lạc hậu, mà nước Mỹ là một quốc gia Cơ-Đốc giáo, con sẽ nói gì với họ đây? Con chẳng có một sứ điệp nào cả. Trong khi xứ sở của con còn cần đến các Giáo sĩ từ Mỹ đến để giảng Tin lành huống chi là….”
Nhưng khi tôi rời phi cơ tại Los Angeles, tôi bắt đầu hiểu được tại sao Đức Chúa Trời lại sai tôi đến Mỹ. Mới đầu, tôi bị kích động quá đỗi, sân bay to lớn với nhiều dãy nhà lộng lẫy, sau một hồi đi bộ, tôi đến một gian hàng lớn nơi đó bày bán đủ thứ hàng hóa. Chỗ nào tôi cũng thấy toàn là sách báo đồi trụy, quán nhậu với cơ man là bia rượu và ai cũng hút thuốc lá.
– Tôi nghĩ: “Có gì sai trật ở đây rồi, Lạy Chúa xin giúp con”.
Tôi gọi một chiếc xe Taxi rồi ngồi vào, lúc đó tôi rất buồn và đau đớn lắm. Nhưng nó lại càng tệ hơn khi ở mọi góc đường đều có những bảng hiệu quán rượu, còn dân chúng thì nhạo báng Danh Chúa.
– Tôi hỏi người bạn đi cùng xe: “Có gì sai trật chăng? Đây có phải thật là nước Mỹ mà trên đồng bạc họ có hàng chữ “IN GOD WE TRUST” không?”
Tôi liền nhớ lại những lời Chúa phán với tôi: “Con có một sứ điệp cho người dân Mỹ, đó là điều cần thiết họ phải trở lại với sự đơn sơ đối với Lời Ta. Không phải chỉ trở về với Kinh Thánh thôi đâu, mà là phải trở về với sự đơn sơ của chính Lời của Ta”.
Trong thời đại sau cùng này, có rất nhiều người lại cố phân tách Lời Đức Chúa Trời ra đủ mọi lối giải thích đến nỗi nhiều khi chính họ lại làm mất hết cả ý nghĩa thiêng liêng của nó. Khi Kinh Thánh nói A là A, chứ không phải là B. Khi Kinh Thánh nói B là B, chứ không phải là D. Khi Kinh Thánh nói về sự chữa bệnh thuộc thể (vật lý) là thuộc thể, chứ không phải là thuộc linh. Và khi nói về sự chữa bệnh thuộc linh là thuộc linh, chứ không phải là thuộc thể.
Điều đáng phải nói là khi chúng ta đọc câu chuyện Chúa Giê-xu chữa bệnh cho một người mù, thì chúng ta lại giải thích rằng: “đây là trường hợp Lời Chúa chỉ cho chúng ta thấy mình bị mù thuộc linh cần phải được chữa lành” (!). Thật ra, Kinh Thánh không phải giải thích như vậy. Nếu là bệnh mù thuộc thể thì phải là mù vật lý, nếu Kinh Thánh nói là bị mù thuộc linh thì nó là mù thuộc linh chứ làm sao lại nói là mù thuộc thể được?
Có quá nhiều chuyện ngớ ngẩn chung quanh việc đọc Kinh Thánh của chúng ta. Khi Kinh Thánh nói Chúa Giê-xu chữa bệnh cho người què thì chúng ta lại giải thích: “Ồ, hết thảy chúng ta là những người què quặt trong nhiều phương diện thuộc linh. Nếu anh đến với Chúa Giê-xu thì Ngài sẽ chữa lành bệnh què thuộc linh cho anh. Ngày nay Ngài không chữa bệnh què thuộc thể nữa đâu (!)”.
Thật ra chúng ta cũng có què thuộc linh đó, nhưng ở đây Kinh Thánh đang nói đến mọi việc là thuộc thể. Vì thế chúng ta nên chấm dứt lối giải thích “thuộc linh hóa” Thánh Kinh và hãy nhận lấy điều gì Kinh Thánh dạy thế nào thì giữ lấy.
Đức Chúa Trời hành động tại Mỹ
Lần đầu tiên tôi đến Hoa Kỳ, tôi không nói được tiếng Anh trôi chảy. Tôi biết nói tiếng Anh có lẽ khoảng độ 50 từ là cùng. Tất cả chỉ có thế, nhưng Đức Chúa Trời đã nói với tôi rằng khi tôi mở miệng ra để nói thì Ngài sẽ ban cho tôi lời để nói. Giờ đây, điều đó xảy ra đúng y như điều Chúa đã hứa với tôi. Mới đầu, khi tôi bắt đầu nói, tôi nhìn thấy mọi người đang đối diện với tôi – tôi biết mình nói tiếng Anh “kém” lắm (so little English), thú thật với bạn là tôi run lắm.
Trước bao nhiêu là con mắt nhìn tôi, khi tôi mở miệng ra để nói như Chúa đã bảo với tôi, bạn biết chuyện gì không? Thế là bao nhiêu lời, bao nhiêu chữ tiếng Anh liền đến với tôi. Có những từ mà có lẽ hồi còn đi học tiếng Anh ở trường tôi chỉ biết lõm bõm, thậm chí tôi cũng chẳng còn nhớ nữa chứ! Thế mà bây giờ, bất cứ lúc nào tôi nói, khi làm chứng hay khi trò chuyện với người Mỹ thì Chúa lại ban cho tôi lời Anh ngữ để nói trôi chảy.
Chúa cũng ban cho tôi nhưng lời khôn ngoan để tôi có thể khích lệ cho nhiều người ở quốc gia Hoa Kỳ rộng lớn này.
– Khi tôi đến Houston thuộc bang Texas. Một thiếu phụ đến nói với tôi: “Anh Mel ơi, tôi yêu Chúa Giê-xu lắm”.
– Tôi nói: “Chị yêu Chúa Giê-xu, đó là điều tốt lắm, nhưng tại sao chị lại đến nói với tôi? Nếu chị yêu Chúa Giê-xu thì mọi sự đều tốt đẹp đối với chi rồi kia mà?”
– Chị trả lời: “Không phải, mọi sự xảy ra ở gia đình tôi chẳng tốt đẹp gì cả. Chống tôi không có đời sống thuộc linh như tôi. Đó là lý do mà gia đình tôi cứ gặp rắc rối hoài”.
– Tôi hỏi chị: “Chị thân mến, điều rắc rối đó là gì?”
– Chị đáp: “Anh ấy giả hình lắm, anh ấy không yêu Chúa Giê-xu như tôi”.
– Thế rồi sau đó chị ta nói xầu về chồng mình quá đỗi. “Anh Mel ơi, tôi đến đây để xin anh cầu nguyện với Chúa cho chồng tôi biết ăn năn và thật lòng yêu Chúa Giê-xu”.
– Tôi đáp: “Thôi được, chúng ta sẽ cầu nguyện và chờ xem Chúa phán với chúng ta điều gì về ông chồng của chị”.
Chúng tôi cùng cầu nguyện, đang khi chúng tôi cầu nguyện thì Chúa phán với tôi rằng, vấn đề chính là ở nơi chị ấy chứ không phải nơi chồng của chị ta.
– Tôi nói: “Chị ơi, chồng của chị không có vấn đề gì cả, mà vấn đề là ở nơi chị đó”.
– Chị ta phản ứng: “Khoan đã, anh biết là tôi yêu Chúa Giê-xu lắm chứ!”
– “Vâng chị yêu Chúa Giê-xu lắm. Nhưng chị thử nghĩ lại xem, hình như chị quá thuộc linh như là đang sống ở trên trời vậy, trong khi đó chị quên mất rằng chị đang sống với chồng của chị và gia đình mình trên mặt đất chứ!”
– Chị hỏi lại tôi: “Anh nói như thế là nghĩa làm sao?”
– Tôi đáp lại: “Chị hãy thành thật với tôi, tôi hỏi chị một câu thôi. Chị có thật lòng yêu Chúa Giê-xu không? Vì Chúa Giê-xu có phán rằng: Như Cha yêu Ta thể nào thì Ta cũng yêu các con thể ấy, để các con yêu thương lẫn nhau. Tình yêu đó không phải là yêu cho đến khi chúng ta bày tỏ nó ra, mà là hãy cảm nhận tình yêu rồi thực thi nó lẫn cho nhau. Kinh Thánh dạy rằng: Làm sao ta nói mình yêu Đức Chúa Trời trong khi ta không thể yêu được những người mình nhìn thấy được, sờ chạm đến được trong cuộc đời này? Tôi hỏi chị nhé: Chị có thật lòng yêu Chúa Giê-xu và yêu chồng chị không?”
Bạn biết không, chị ta sững sờ nhìn tôi và dường như trông chị có vẻ không bằng lòng với điều tôi vừa nói.
– Chị trả lời: “Đúng vậy, tôi yêu Chúa Giê-xu lắm nhưng tôi không yêu ông chồng tôi được, anh ta không có thuộc linh gì cả. Không, tôi không yêu ông ấy chút nào”.
– Tôi hỏi chị: “Có bao giờ chị gọi anh ấy bằng câu “mình ơi” (Honey) chưa hoặc đại khái một câu nào giống như thế ở nhà của chị không?”
– “Không, tôi chỉ gọi anh ta bằng tên của anh ấy là Frank mà thôi!”.
– “Chị có làm một bữa ăn trưa cho anh ấy thật ngon khi anh đi làm về, hoặc có một nụ hôn hay điều gì âu yếm khác không?”
– “Không, tôi đã nói với anh là tôi chẳng ưa gì anh ấy”.
– “Chị thân mến ơi, vấn đề là ở nơi chị. Tôi không tin là chị thật lòng yêu Chúa Giê-xu!”
Ôi chao, tôi nghĩ nếu lúc đó chị ta có đấm cho tôi một cái thì chị cũng dám đánh lắm, chỉ vì câu nói của tôi “tôi không tin là chị thật lòng yêu Chúa Giê-xu!”. Tôi nói tiếp: “Chị đã “thuộc linh hóa” tình yêu của chị rồi. Khi Chúa Giê-xu nói về tình yêu, Ngài trình bày nó rất đơn giản và thực tế, nhưng đối với chị thì chị lại làm nó ra thuộc linh quá. Tôi biết chị đang nói về một tình yêu cho một người nào đó ở trên trời, nhưng thực tế thì chị lại không thể yêu chồng mình đang sống trên mặt đất với chị. Nếu Chúa Giê-xu chỉ nói: “Ta yêu Cha, Ta yêu Cha ta” thì điều đó chẳng có ích gì cho tôi cả. Nhưng không, Ngài yêu cả chúng ta như Cha đã yêu Ngài vậy. Ngài đã tự hiến thân mình trên thập tự giá để chị và tôi được cứu chuộc. Đó mới là tình yêu thật. Chúa Giê-xu phán: “Như Ta đã yêu các con thể nào, thì các con phải yêu nhau thể ấy”. Chị không thể nào yêu Chúa Giê-xu được một khi chị không yêu được những người chung quanh chị. Khi chị yêu họ với cả tấm lòng của chị, đó mới là chị thật lòng yêu Chúa Giê-xu. Vì chị sẽ chẳng bao giờ minh chứng được chị yêu Chúa Giê-xu cho tôi thấy cho đến khi nào chị yêu chồng của chị thật lòng”.
– Chị ta kêu lên: “Mel ơi, bây giờ tôi phải làm sao?”
– “Chị thân mến ơi, điều này rất đơn giản. Chị hãy về nhà mình quay điện thoại lại đến cơ quan của anh ấy, khi nghe tiếng chồng chị bên kia đầu dây, thì lời đầu tiên trên môi chị sẽ là câu nói ngọt ngào “Anh ơi, anh yêu quí…” như thế là đủ. Hoặc chị có thể nói là “mình ơi, em rất nhớ anh…”. Sau khi nói như thế xong chị hãy chuẩn bị một bữa ăn cho anh ấy, theo ý thích của chồng chứ đừng theo ý của chị. Đôi khi chúng ta muốn làm vừa lòng người khác nhưng lại làm theo ý của mình chứ không theo ý của người ta muốn. Chị hãy về nhà và chiều ý chồng mình theo ý của anh ấy chứ đừng theo ý của chị nhé. Chị có nhớ được điều đó không?”
– Chị nói: “Vâng, tôi nhớ chứ!”
– Tôi nói tiếp: “…rồi khi chị nghe thấy tiếng xe của anh ấy về tới nhà, lúc anh bước vào, chị hãy ôm choàng anh và hãy hôn anh ấy một nụ hôn. Sau đó cùng chồng ăn tối với nhau rồi chị nói cho anh ấy nghe những gì mà Chúa bảo chị làm. Thôi, bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện nhé!”
Tôi không cầu nguyện cho chồng chị mà là cầu nguyện cho chị này. Tôi cầu xin Chúa giúp chị đừng quá thuộc linh hóa đời sống của mình, nhưng xin Chúa giúp cho chị bày tỏ được tình yêu của chị một cách thiết thực hơn.
Chị ấy đã trở về nhà và làm theo những điều nói trên. Chị gọi điện thoại cho chồng mình rằng: “Chào anh yêu của em”.
Chồng chị lại ngỡ cô gái nào đó đang đùa với anh, vì vợ của anh có bao giờ gọi anh là anh yêu quí lần nào đâu? Chị ta tiếp tục gọi nữa: “mình ơi, em là Harriet đây”.
(Sau này, chồng của chị có kể lại cho tôi rằng khi nghe vợ mình gọi như thế thì anh liền suy nghĩ: “Có một phép lạ đã xảy ra tại nhà mình. Mình biết vợ mình chưa bao giờ cô ấy đối xử với mình như thế”. Anh ta nói: “Tôi cảm thấy giống như là chúng tôi đang hưởng trong tuần trăng mật. Thật là tuyệt diệu”).
– Chị nói tiếp: “Anh yêu ơi, em nhớ anh lắm”.
Chống của chị không thể thốt lên được điều gì, anh ta không làm sao nói được câu nào, thật kỳ lạ quá. Anh ấy liền thu xếp công việc và xin nghỉ một buổi chiều. Khi lái xe về tới nhà, anh thấy vợ anh đang đứng chờ anh. Chính ngay lúc đó anh cảm nhận được vợ anh yêu Chúa Giê-xu thật”.
Anh ấy nói với tôi: “Trước đây, cô ta nói là cô yêu Chúa Giê-xu lắm, nhưng tôi không tin. Vì làm sao cô ta yêu Chúa Giê-xu mà chưa bao giờ cô ta yêu tôi? Tôi không thể tin được. Nhưng bây giờ, khi tôi thấy cô ta đối đãi với tôi như vậy thì tôi tin là vợ mình thật lòng yêu Chúa Giê-xu lắm”.
Thật không có một bài giảng nào khiến cho chồng của chị này ăn năn. Anh ta cầu nguyện: “Chúa Giê-xu ơi, con đã đối xử rất thô bạo và hung dữ với vợ của con. Chúa Giê-xu ơi, xin tha tội cho con những lỗi lầm đó, xin hãy đến với con và đầy dẫy mình Ngài trong đời sống con”.
Và Chúa đã phấn hưng gia đình đó một cách rất kỳ diệu. Tại sao? Bởi vì chị này đã thuộc linh hóa mọi việc, và vô tình biến chúng trở nên phức tạp. Giờ đây chị đã tiếp nhận Lời Chúa một cách thực tế và đơn sơ hơn.
Nhiều năm qua trong Hội thánh của chúng tôi. Chúng tôi đã làm Lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh thành ra thuộc linh quá, khiến chúng tôi quên rằng Đức Chúa Trời muốn Lời của Ngài phải trở nên thực tế trong cuộc sống con người mỗi ngày. Qua đó, chúng ta cũng nhận ra rằng, Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, là “người” hướng dẫn chúng ta. Chính khi chúng ta sử dụng Kinh Thánh như thế thì chúng ta mới có thể nghe được tiếng của Đức Chúa Trời phán với mình.
Đức Chúa Trời muốn được chúc phước
Tôi là một thuộc viên của Hội thánh được 18 năm, tôi cũng thuộc được khá nhiều câu Kinh Thánh, nhưng tôi không biết được Đức Chúa Trời muốn được chúc phước. Mỗi lần tôi đến với Chúa thì tôi cầu xin Ngài chúc phước cho tôi, cứ xin chúc phước và chúc phước. Mãi một thời gian sau tôi mới nhận ra rằng Ngài muốn sự chúc phước. Không phải Đức Chúa Trời không tự chúc phước cho Ngài được, mà là Ngài muốn chúng ta phải chúc tụng Danh Ngài.
Trong Thi Thiên chương 134, câu 2 chép rõ rằng: “Nầy, hỡi các tôi tớ của Đức Giê-hô-va hãy chúc tụng Chúa; giơ tay ngươi lên hướng về nơi Thánh mà chúc tụng Ngài”.
Tôi không hiểu làm sao mà chúng ta lại chúc tụng Chúa được? Nhưng cách tốt hơn hết là ta cứ vâng lời Kinh Thánh dạy hơn là chúng ta tự mình cố tìm ra một phương cách nào đó.
Tôi biết Kinh Thánh và khoa học đôi lúc lại khác nhau ghê lắm. Và cũng có nhiều điều trong Kinh Thánh tôi không hiểu được. Vậy mà có nhiều người lại muốn làm cho Kinh Thánh trở thành khoa học. Họ đưa các sự kiện Kinh Thánh đi theo các dữ kiện của khoa học. Họ cố tìm tòi bằng được những phần nào được cho là thật phù hợp với khoa học thì mới tin. Nếu nói theo kiểu khoa học thì chúng ta sẽ không bao giờ hiểu cho hết được Kinh Thánh, chẳng bao giờ, và không bao giờ làm được như vậy. Sứ điệp cho người Mỹ ngày nay không chỉ có việc “TRỞ LẠI VỚI KINH THÁNH” mà là “TRỞ LẠI VỚI SỰ ĐƠN SƠ CỦA LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI”.
– Một người bạn Mỹ của tôi là một Giáo sĩ, ông ta đã đến Indonesia truyền giáo, hỏi tôi: “Anh Mel à, bí quyết của cuộc phấn hưng tại Indonesia là gì? Chúng tôi có thể có được cuộc phấn hưng tại Mỹ giống như tại Indonesia không?”
– Một người khác đi với ông ta cũng hỏi tôi: “Khi tôi về lại Nigeria, liệu chúng tôi có thể có được cuộc phấn hưng tại Nigeria giống như ở Indonesia không?”
– Tôi cười và đáp: “Được chứ! Chỉ có một điều kiện thôi. Ông hãy về Mỹ, đến chỗ phi thuyền Apollo 14 ấy (là năm Hoa Kỳ đang tiến hành phóng phi thuyền Apollo 14 lên mặt trăng sau chuyến Apollo 13 thất bại. ND). Khi họ phóng nó lên mặt trăng, ông hãy lấy cái máy tính nhỏ bé tức là bộ óc của ông ra mà đặt vào trong một hộp nhỏ, cho nó vào phi thuyền rồi phóng nó đi luôn lên mặt trăng. Bây giờ ông chỉ còn tấm lòng, vậy hãy để tấm lòng đó cho Đức Chúa Trời sử dụng. Khi nào ông nói về Đức Chúa Trời thì ông hãy sử dụng tấm lòng của ông mà nói ra và tin những lời ấy là đủ. Hãy tin những lời nói ra từ tấm lòng rồi để cho Đức Chúa Trời thực hiện Lời Ngài hứa với ông, chính ông sẽ kinh nghiệm được cuộc phấn hưng”.
Cái khác nhau chính yếu giữa Khoa học và Cơ-Đốc giáo là như thế này: Khoa học là cái mà chúng ta phải kinh nghiệm được rồi hãy tin; nhưng Cơ-Đốc giáo là chúng ta phải tin rồi mới kinh nghiệm được.
Theo câu Kinh Thánh Thi Thiên chương 134 kể trên, tôi không biết chúc phước cho Đức Chúa Trời là chúc phước làm sao? Vì Ngài phán như thế. Và tôi chỉ tin như thế mà thôi. Tại sao chúng ta lại phải giơ tay lên hướng về nơi thánh nhỉ? Tôi không biết tại sao. Tôi chỉ biết Lời Chúa nói như thế thì tôi làm theo như thế. Tôi chỉ biết giơ tay lên thôi, vì Đức Chúa Trời bảo ta làm như thế. Chúng ta không cần phải hiểu cho được tất cả mọi việc.
Một ngày nọ, tôi đi máy bay từ Djakata đến Surabaja. Tôi ngồi cạnh một ông bác sĩ. Tôi đã nói cho ông ấy nghe về Chúa Giê-xu và tình yêu của Ngài.
– Ông ta nói: “Chuyện mà những gì anh nói với tôi thật khó tin quá. Bởi vì tôi không hiểu nổi Đức Chúa Trời tại sao lại gọi là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh là MỘT Chúa được?”
– Tôi hỏi ông ta: “Ông có hiểu được câu hỏi khó đó trước khi ông tin nó không?”
– Ông trả lời: “Một là tôi phải hiểu được điều đó hoặc là tôi không thể nào tin nó được”.
– “Thôi được. tôi sẽ hỏi ông một câu hỏi sau đây, xin ông hãy thành thật trả lời cho tôi nhé?”
Tôi liền cầu nguyện thầm trong lòng: “Chúa ơi, con biết nói gì đây với ông Bác sĩ này? Ông ta thông minh quá?”
Ngay lúc đó Chúa ban lời nói cho tôi. Tôi quay lại ông Bác sĩ và hói:
– “Ông ơi, bây giờ ông có thích bầu không khí trong cái máy bay này không?”
– Ông ta trả lời: “Sao vậy? Nó thật là tuyệt vời, vì nó có máy điều hòa không khí đấy”.
– Tôi nói: “ Bây giờ ông trả lời thành thực với tôi nhé. Ông có biết máy điều hòa không khí nó hoạt động ra sao không?”
– “Không, tôi chẳng biết nó hoạt động ra sao”.
– Tôi đáp liền: “Đó, tôi muốn hỏi ông hãy trở lại theo nguyên tắc của ông nhé. Ông nói rằng ông không thể tin hoặc thưởng thức điều gì đó nếu như ông không hiểu được chúng. Vậy thì ông nên đi ra khỏi máy bay, chịu nắng và nóng đi! Chỉ vì ông không hiểu được máy điều hòa không khí nó hoạt động như thế nào nên tôi cũng không cho phép ông hưởng thụ nó. Tôi sẽ nói với ông là: “Xin ông đừng thưởng thức nó, vì ông không hiểu được nó. Bây giờ ông nên đi ra khỏi máy bay và ngồi ngoài nắng cho đổ mồ hôi, cứ thế cho đến khi nào ông tìm ra được sự vận hành của cái máy điều hòa, lúc ấy thì ông trở vào đây”.
Ông ta dường như muốn nổi điên lên với tôi.
– Tôi nói tiếp: “Ông bạn của tôi ơi, tôi chỉ cố gắng giúp ông hiểu được cái nguyên tắc của ông đó thôi. Vì ông nói là nếu ông không hiểu được điều gì thì ông cũng chẳng tin hoặc ưa muốn điều ấy”.
Bây giờ, ông ta đã nắm được ý nghĩa những gì mà tôi đã hết lòng trình bày cho ông ta. Sau cùng, tôi nói với ông ta: “Tôi cũng có một câu hỏi khác nữa để hỏi ông. Chúng ta có những trái chuối và nhiều quả dứa (quả thơm) cũng như đủ thứ trái cây trên khắp thế gian. Chúng ta trồng các loại đó trên cùng một mảnh đất. Chúng cùng chịu một loại mưa từ trời, cùng một loại ánh sáng, thế tại sao trái chuối lại hái ở cây này (cây chuối), trái chanh hái ở cây kia (cây chanh), và cây khác nữa lại là trái ổi? Tôi không hiểu nổi. Ông có hiểu nổi không?”
– Ông ta trả lời: “Tôi cũng chịu, không hiểu nổi”.
– Tôi hỏi tiếp: “Ông có ăn chuối bao giờ chưa cho dù ông cũng không hiểu nó là gì?”
– Ông ta nói: “Có chứ! Nó có ích cho đời sống tôi… tôi vừa mới ăn một quả chuối đấy”.
– Tôi hỏi tiếp: “Nhưng bây giờ ông đừng ăn nó nữa, vì ông không hiểu nó mà?” Lúc đó tôi thấy ông ta có vẻ bối rối thật sự.
– Tôi bất ngờ hỏi đề tài khác: “Ông có người yêu chưa? Ông có yêu cô ấy không?”
– Ông cười và đáp lại: “Có, tôi yêu cô ấy lắm”.
– Tôi lại hỏi: “Vậy là tốt. Nếu bây giờ tôi nói cô tiếp viên mang cho tôi một ống nghiệm thì ông có nghĩ là tôi có thể đặt vào trong ống đó thứ gì mà ông muốn diễn tả ttình yêu của ông đối với người ông yêu không? Nếu ông có thể làm được mà không hiểu nó là cái gì thì ông nên chấm dứt ngay mối tình của ông đối với cô ấy”. Tôi lại nhắc đến cái nguyên tắc của ông ta: Nếu ông ta không hiểu nó thì ông cũng được phép thưởng thức nó cũng như không vào tình yêu đó nữa.
– Ông ta nói: “Anh thật là buồn cười”.
– Tôi giải thích cho ông ta: “Không, đó là điều mà ông muốn thử Đức Chúa Trời, là cái mà ông cố để hiểu cho được Ngài trước khi tin Ngài”. Trước khi chia tay ông Bác sĩ này, tôi có tặng cho ông ta một quyển Kinh Thánh Tân Ước và khuyên ông hãy đọc nó. Tôi thật sự tin rằng Chúa sẽ cảm động ông và đem ông trở về cùng Chúa Giê-xu bởi quyền năng của Ngài.
Chúng ta xưng nhận rằng, chúng ta tin Kinh Thánh từ câu đầu tiên của sách Sáng Thế Ký, cho đến câu cuối cùng của sách Khải Huyền là Lời Đức Chúa Trời. Nhưng nếu chúng ta đọc đến một phần nào đó trong Kinh Thánh nói về một sự việc gì mà chúng ta chưa từng kinh nghiệm được cho chính mình, khi ấy chúng ta cố để giải thích lại trở thành sai lạc hết. Đó chính là lý do mà những Giáo sĩ từ Mỹ đi khắp nơi trên thế giới nói rằng: “Phần (câu) Kinh Thánh này không có trong bản chính, mà nó chỉ có trong bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ của người Do Thái, phần này được dành riêng cho người này người kia”. Mỗi người cố gắng tìm ra lời giải thích Kinh Thánh theo lý trí của mình. Đó là lý do tại sao chúng ta bị mất đi những kinh nghiệm tuyệt diệu của Kinh Thánh.
Phần lớn nhiều người chưa bao giờ thực sự biết được quyền năng của Kinh Thánh trên đời sống họ, vì thế họ không thể nào tin hết cả Kinh Thánh. Nhưng tôi ngợi khen Đức Chúa Trời vì Đức Thánh Linh có thể giúp cho bạn hiểu được Lời Chúa khi bạn đọc Kinh Thánh. Khi tôi đọc Kinh Thánh, tôi chỉ tin cậy nơi Chúa Giê-xu mà thôi. Nếu Chúa bảo, Nhảy đi, tôi liền nhảy ngay mà không cần hỏi chi cả. Người ta có thể nói tôi là điên rồ hoặc là đồ ngu, nhưng Kinh Thánh nói sự vâng lời quan trọng hơn của lễ. Nhiều người siêng đi Nhà thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời mà không chịu vâng Lời của Ngài. Chúng ta phải vâng lời của Chúa chúng ta chứ! Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống, hôm nay Ngài đang hành động. Tôi thích sự vâng lời vì tôi yêu Ngài và đó là một đặc ân để vâng phục Đức Chúa Trời hằng sống. Tôi muốn bạn vâng Lời Đức Chúa Trời cùng với tôi. Chúng ta hãy chúc tụng Chúa, vì Chúa đã tạo dựng nên trời và đất. Chúng ta hãy chúc tụng Ngài.
Khi Phao-lô và Si-la ở trong tù. Bạn nghĩ là họ khóc ư? Không, họ không khóc la gì cả. Vậy thì họ làm gì? Họ ngợi khen Đức Chúa Trời đến nỗi tầng trời hạ xuống làm rúng động cả trại giam, làm rúng động ngay cả lòng người cai tù nữa. Ông ấy run sợ đến cầu hỏi Phao-lô và nói: “Các ông ơi, tôi phải làm chi để được cứu?”. Phao-lô giảng cho người cai tù này một bài giảng rất ngắn…. và ngay đêm đó, người cai tù này đã tiếp nhận Chúa Giê-xu. Thật là kỳ diệu! Tại sao vậy? Vì Phao-lô và Si-la đã vui mừng hát ngợi khen Chúa, họ không có sự sợ hãi gì. Khi một người Cơ-Đốc có sự vui mừng, thì thiên đàng cũng hạ xuống và cả thế gian đều vui mừng. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời phán: “Hãy đi vòng quanh tường thành Giê-ri-cô”. Dân sự Chúa đã làm gì? Họ đã vâng lời Đức Chúa Trời, đi vòng quanh tường thành…. Cho đến khi tường thành này đổ nhào xuống. Đó là một cách đánh thành Giê-ri-cô ngộ nghĩnh nhất mà lại thắng trận. Đó là việc dân sự Chúa chỉ có vâng lời Ngài mà thi hành. Khi họ vâng lời Chúa phán thì tường thành sụp đổ, họ liền xông vào thành mà tiêu diệt hết cả thành. Đây là một sự kiện có thật. Há điều đó có phải là điều kỳ diệu khi chúng ta vâng lời Chúa để Ngài hành động sao?
Đây là lúc mọi người chúng ta phải vâng Lời Đức Chúa Trời, tin Lời của Ngài, và chiến thắng được trận giặc lòng trong đời sống của chúng ta. Ấy là khi chúng ta phải quay trở về với sự đơn sơ của Lời Đức Chúa Trời.
Chương 7
SỐNG LẠI TỪ CÕI CHẾT
Tôi muốn cám ơn người Hoa Kỳ đã đến truyền giáo tại quê hương tôi. Người dân nước tôi đa số là dân ngoại, họ chưa bao giờ biết về Đức Chúa Trời hằng sống, Chúa Giê-xu Christ. Tổ tiên của tôi như một cây đại thụ, như những núi non hùng vỹ, như những con rắn vĩ đại. Nhưng khi các giáo sĩ đến đây, họ đã đem đến câu chuyện về Chúa Giê-xu.
Tôi thật ngợi khen Chúa vì những giáo sĩ đã đem đến cho chúng tôi một “quyển sách đen” (nguyên văn: The Black Book, ám chỉ đến quyển Kinh Thánh, bìa màu đen). Đó là một quyển sách cũ kỹ, nhưng quyển sách này đã làm thay đổi lịch sử được nhiều con người. Quyển sách ấy đã khiến một người ăn mày trở nên con Đức Chúa Trời hằng sống, trở nên một vị vua để cùng trị vì với một Vua vinh hiển là Chúa Giê-xu khi vương quốc của Ngài được thể hiện. Quyển sách cũng đã khiến vua thế gian phải hạ mình làm một người ăn mày. Vì ngay cả vua đó ý thức được rằng trước mặt Chúa, mình chẳng ra gì cả. Giống như người ăn mày, vị vua đó cũng cần hưởng ân điển và ơn thương xót của Chúa Giê-xu.
Quyển sách đã khiến cho người ăn mày trở thành vị vua, và vị vua trở thành người ăn mày, quyển sách ấy đã làm thay đổi đất nước chúng tôi, thay đổi đời sống cha mẹ tôi và chính cuộc đời tôi.
Thiếu đức tin làm ngăn trở phép lạ.
Một đêm nọ, đoàn tuyền giáo chúng tôi đến làng Atambua để giảng Tin lành. Chị và anh rể tôi và một Mục sư cùng đi chung với đoàn. Đêm đó, chúng tôi làm chứng cho bà chủ nhà về Chúa Giê-xu Christ và bà đã tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cho đời sống bà. Chúng tôi vui mừng lắm. Sáng hôm sau, bà xuống bếp để lo bữa điểm tâm cho mọi người. Đang khi làm bếp, bỗng nhiên bà ngã nhào xuống đất và bất tỉnh. Chồng bà liền chạy đến báo cho chúng tôi hay: “Các anh ơi, xin các anh hãy đến và cầu nguyện cho vợ tôi. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho vợ tôi”. Chúng tôi liền đi xuống bếp và đứng chung quanh chỗ bà nằm. Chồng bà ta đã khám bệnh cho vợ mình vì ông là một bác sĩ, ông ấy kêu lên: “Thôi rồi, vợ tôi chết rồi”.
– Chúng tôi không biết nói phải nói gì, làm gì. Sau đó anh rể tôi nói với đoàn: “Chúng ta hãy trở về phòng, tôi muốn nói với các bạn điều này.” Chúng tôi đi theo anh ấy. Khi vào phòng, anh nói: “Chúa bảo tôi phải đến chỗ xác người đàn bà nằm và cầu nguyện cho bà ta, Chúa sẽ khiến bà ta sống lại.”
Tôi thật sự lo ngại vì đây là lần đầu chúng tôi cầu nguyện cho một người chết sống lại và tôi cũng chưa có kinh nghiệm về điều này bao giờ. Tôi nhớ như in trong đầu mình Kinh thánh có chép câu chuyện của bà Đô–ca và ông La–xa–rơ được Chúa kêu sống lại, nhưng thật khó cho tôi để tin chắc điều này. Tôi không chắc là Chúa có thể hoặc không thể kêu người chết sống lại không. Và khi anh rể tôi nói, thì tôi cố tìm ra câu trả lời (try to figure it out) cho sự việc này.
– Tôi nói với anh: “Anh à. Tốt hơn là chúng ta đứng làm gì hết”. Vì lúc bấy giờ con cái của bà đã khóc rùm beng lên rồi, hàng xóm và nhiều người sẽ kéo đến nên tôi nghĩ: Nếu chúng ta đến đấy mà cầu nguyện mà kết quả không có gì, thì nó làm hại (nguyên văn: embarrass, gây bối rối) chúng ta. Thật là dại dột nếu chúng ta cầu nguyện cho một người chết như thế này…
– Tôi muốn viện cớ để không đi cầu nguyện nên tôi hỏi lại anh rể tôi một lần nữa: “Anh có chắc đấy là sự dẫn dắt của Chúa không?”
– Anh đáp: “Đúng, anh chắc chắn điều đó”.
Tôi hỏi những người còn lại trong đoàn: “Người nào có cùng sự dẫn dắt từ Chúa giống như anh rể tôi không? Riêng tôi thì trong lòng không thấy cảm động đây là điều đến từ Chúa. Nếu các bạn muốn đi cầu nguyện, xin cứ tự nhiên. Còn tôi thì xin kiếu, tôi không muốn cầu nguyện chung với các bạn. Tôi sẽ cầu nguyện một mình ở tại đây. Bạn nào có cùng sự cảm động như anh tôi thì cứ đi theo anh ấy”.
Kế đó tôi quay sang ông Mục sư hỏi ý kiến: “Thưa Mục sư, ý của ông thế nào?”
– Ông trả lời: “Anh Mel ơi, tôi cũng không được cảm động. tôi ở đây cầu nguyện với cậu”.
– Tôi nhìn một đoàn viên khác hỏi họ: “Còn bạn thế nào?”
– Người bạn kia cũng trả lời: “Tốt hơn là tôi cũng ở đây với anh và chờ Chúa hướng dẫn”. Kết quả là chúng tôi đã chẳng nhận được điều gì Chúa phán cả.
Tôi đã không thực sự tin vào sự hướng dẫn của Chúa, lòng tôi không tin Chúa có thể làm được phép lạ lớn như vậy. Chúng ta biết Lời Chúa thật là dễ, nhưng chúng ta tin Lời Chúa phán trong mọi hoàn cảnh thì lại thật là khó. Nhiều lần tôi khám phá ra rằng, sự tính toán của lý trí con người đã ngăn trở tôi với Chúa. Khiến anh rể tôi cũng không dám vâng theo lời Chúa vì không có ai muốn hiệp tác với anh cả. Cuối cùng anh nói: “Thôi thì chúng ta cầu nguyện ở phòng này cũng được”. Chúng tôi hiệp nhau cầu nguyện ở phòng chúng tôi đến mấy giờ đồng hồ liền nhưng bà ấy vẫn không sống lại.
– Tôi hỏi Chúa: “Chúa ơi, chúng con có sai trật điều gì không?”
– Chúa phán: Ta muốn các con cầu nguyện ở nơi đặt thi thể của bà ta, nhưng các con không vâng lời Ta nên không có điều gì xảy ra cả”.
Thế rồi dân làng đem xác bà ta đi tẩm liệm, chôn cất. Chúng tôi rời khỏi làng mà không thấy quyền năng của Chúa.
Lúc ấy Chúa đã cáo trách lòng tôi về cái chết của bà ấy rằng: Người đàn bà ấy đáng ra được sống lại để danh Ngài được vinh hiển nhưng lòng vô tín của chúng tôi đã ngăn trở công việc của Chúa Giê-xu Christ. Ôi tôi xấu hổ quá đỗi, lúc tôi rời khỏi nơi đó, lòng tôi rụng rời khi nhìn nấm mồ của bà chủ nhà mà thấy như là nấm mồ chôn lòng vô tín của tôi. Đức Chúa Trời đã phán với tôi cách rõ ràng, nhưng vì lý trí của chúng tôi đã không tuân phục Ngài!
Qua việc này khiến tôi nhớ lại câu chuyện người đàn ông đến cùng Chúa Giê-xu thưa với Ngài là con trai mình đã chết, nhưng Chúa Giê-xu nói với ông ta: “Hãy đi, con trai ngươi đã sống!” Người đó tin lời Chúa nói và về nhà mình. Ngày nay, nếu chúng ta cũng tin nơi Lời Chúa Giê-xu y như vậy thì chắc chắn thế giới này sẽ thay đổi.
Chúng tôi cầu xin Chúa tha thứ và thưa với Ngài : “Xin Chúa cho chúng con một cơ hội khác để chúng con thật sự tin Lời Ngài”.
Trở về từ cõi chết.
Sau đó không lâu, chúng tôi lại đi đến một làng khác gọi là Amfoang. Tại đó có một người chết. Người này không những chỉ mới chết một vài phút thôi, nhưng chết đã hai ngày rồi! Gia đình này mời chúng tôi đến dự tang lễ với hơn cả trăm người tham dự, và luôn dịp này có lời an ủi tang quyến. Chúng tôi nhận lời và lên đường.
Khi đến nơi, đã thấy có hơn 1000 người đang tụ tập. Người này đã chết 2 ngày rồi nên có mùi hôi. Ở xứ nhiệt đới chúng tôi, người chết trong vòng 6 giờ đồng hồ đã bắt đầu sình chương lên rồi. Nhưng đã hai ngày qua… Ồ, tôi nói cho bạn nghe, dù bạn đứng cách xa 30 mét, bạn không thể chịu nổi mùi hôi thối đó, thật là dễ sợ. Ở tại Mỹ, bạn không thể tưởng tượng nổi như chúng tôi vì đất nước Mỹ của bạn có điều kiện tống táng nhanh chóng. Chỉ có chừng 2000 Đô-la là xong. Nhưng tại Indonesia chúng tôi không có cách nào làm cho người chết bớt hôi thối. Vì vậy, thật là kinh khủng khi dân chúng ở đây phải chịu đựng với một xác chết đã 2 ngày mà chưa chôn.
– Chúng tôi đến đấy và ngồi chung với tang quyến. Thình lình Chúa phán: “Các con hãy đứng chung quanh người chết và hát thánh ca. Ta sẽ kêu người chết sống lại.”
– Khi anh rể bảo tôi điều này, tôi nói: “Anh ơi, lần trước người đàn bà nọ chết trong vòng 2 phút còn khó khăn thay, nhưng bây giờ còn khó hơn trước nữa. Người này chết đã 2 ngày rồi. Không được đâu, chết lâu quá rồi”.
Tôi hỏi những người khác trong đoàn: “Các bạn nghĩ thế nào?”. Lý trí của tôi lại bắt đầu hoạt động, lý trí của các thành viên khác cũng hoạt động giống như tôi. Chúng tôi bắt đầu phân vân, nên làm không nên làm theo Lời Chúa phán? Tự dưng, mọi người đều nhớ lại việc đáng buồn ngày trước vì chúng tôi thiếu lòng tin nơi Lời Chúa. Tôi liền cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy cho con một tấm lòng đơn sơ để tin vào Lời của Ngài…”
Tôi nhớ đến câu chuyện Kinh Thánh chép khi Chúa Giê-xu đến thành Giê-ri-cô. Ông Xa-chê đang chờ Chúa Giê-xu, nhưng một ở vị trí sai lầm, chờ Chúa trên một cành cây. Chúa Giê-xu bảo: “Hỡi Xa-chê, hãy xuống đây”. và rồi Chúa đã đến nhà ông ta. Xa-chê rất sung sướng, có lẽ ông đã tuột từ trên cây cao khoảng hơn 1 mét xuống đất để gặp Chúa Giê-xu. Nhưng tôi tin trong thời đại chúng ta ngày nay không cần phải tuột xuống từ 1m hoặc 1,5m như thế vì chúng ta không có leo lên cây như Xa-chê, chúng ta chỉ cần 3 tấc (30 cm), nghĩa là, từ lý trí đến tấm lòng (từ cái đầu đến trái tim) chỉ có 30 cm là đủ. Vì ở lý trí của chúng ta có đầy Lời Chúa, chúng ta dùng lý trí để phân tích Lời Chúa mà tìm cho ra câu trả lời của vấn đề…. Vì thế chúng ta đã đánh mất đi quyền năng của Đức Chúa Trời Nếu chúng ta đặt Lời Chúa từ lý trí xuống đến tấm lòng chỉ 3 tấc thôi, thì tôi tin chắc rằng chúng ta có thể thấy được quyền năng Đức Chúa Trời hành động một cách mạnh mẽ trong đời sống chúng ta ngay hôm nay.
– Sau đó tôi thưa với Chúa: “Xin Chúa cho con có tấm lòng đơn sơ, xin Ngài cảm động tất cả chúng con đang ngồi đây”. Chúng tôi quyết định hiệp môt phải vâng lời Chúa vì chúng tôi đã thất bại ở lần trước đây rồi. Thế rồi chúng tôi thi hành ngay.
Chúng tôi đến đứng chung quanh người chết và bắt đầu hát Thánh ca. Bạn biết không, ma quỷ đến nói nhỏ vào tai tôi rằng: “Ngươi không biết là ngươi đang đứng hát bên cạnh một xác chết hôi thối này sao? Ngu quá vậy. Dù có đứng cách xa 30 mét cũng ngửi thấy mùi hôi ấy rồi, huống chi bây giờ các ngươi lại đứng gần xác chết mà mở miệng ra để hát, tất cả mùi hôi thối đó sẽ chui vào miệng các ngươi đấy. Thật là điên khùng hết rồi“…
– Tôi nghĩ thầm: “Đúng là như thế, nhưng mình phải vâng lời Chúa chứ!”. Chúng tôi bắt đầu hát. Sau bài Thánh ca thứ nhất, chưa thấy gì xảy ra, chúng tôi bắt đầu lo lắng, “Xin Chúa làm phép lạ nhanh lên, vì chúng con không thể đứng gần cái xác chết thối này lâu hơn nữa. Chúng con không thể hát nổi bài nào nữa vì mùi hôi thối quá chừng rồi…”
Chúng tôi đã hát sang bài thứ hai, vẫn chưa thấy gì xảy ra. Sang đến bài thứ ba, cũng chưa thấy gì. Đến bài thứ năm…, nhưng khi hát đến bài thứ sáu, mấy ngón chân của xác chết bắt đầu động đậy. Cả đoàn chúng tôi rất kinh hãi. ở Indonesia chúng tôi có nghe kể chuyện về người chết, đôi khi người chết ấy sống lại, vùng dậy và ôm chặt một người nào đứng gần bên quan tài rồi sau đó người ấy chết trở lại. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi vẫn cứ tiếp tục hát và hát… Khi hát xong bài thứ bảy, đến bài thứ tám thì người chết đó ngồi dậy nhìn xung quanh và mỉm cười.
Người chết này không ôm cứng ai cả. Ông ta mở miệng và nói:
– “Chúa Giê-xu đã đem tôi trở về từ cõi chết! Anh chị em ơi, tôi muốn nói với anh chị em vài điều: Trước hết, sự chết không phải là chấm hết đối với con người. Tôi đã chết hai ngày rồi và tôi kinh nghiệm được điều ấy. Điều thứ hai, địa ngục và thiên đàng là có thật, tôi đã kinh nghiệm được điều ấy. Điều thứ ba, tôi muốn nói rằng, nếu không tin nhận Chúa Giê-xu trong đời này, quý vị sẽ đi vào địa ngục. Quý vị chắc chắn sẽ bị hình phạt ở nơi ấy”.
Sau khi người đó nói xong, chúng tôi mở Kinh thánh ra và xác nhận những lời làm chứng của ông này bằng Lời Chúa. Không những chỉ có chính anh ta trở lại tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình, nhưng trong ngày đó có hơn hai mươi mốt ngàn (21.000) người trong làng đến tìm hiểu và đã tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của họ qua lời làm chứng của ông này.
Không rượu bia, không thuốc lá.
Trong cuộc phấn hưng tại Indonesia, nhiều người đã xưng tội ra, một trong những điều đầu tiên mà Chúa phán bảo với dân chúng là việc uống rượu, bia. Bạn là người Mỹ thì bạn lại phải cầu xin Chúa càng hơn, bởi vì đó là điều tệ hại hơn hết so với những quốc gia chậm tiến vì nó được làm ra từ chất cồn (alcohol). Tôi đố bạn, nếu bạn đến làng Soe đảo Timor của tôi mà tìm thấy có một ly rượu nào thì tôi xin chiều bạn hết. Chúa đã cảm động chúng tôi cách mạnh mẽ đến nỗi mọi người đều ý thức rằng đời sống Cơ đốc nhân không chỉ là đời sống đắc thắng bằng quyền năng của Đức Chúa Trời, mà còn là một đời sống thánh khiết nữa. Trong Thi thiên chương 29 câu 2-3 chép, “Hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển xứng đáng cho danh Ngài, hãy thờ phượng Ngài bằng trang sức thánh sạch….”. Một trong những bi kịch lớn nhất đó là nhiều người muốn có được quyền năng của Chúa, nhưng cũng muốn sống trong tội lỗi. Một đêm nọ, có một người đến xin tôi cầu nguyện cho anh ta để nhận được quyền năng của Đức Chúa Trời, nhưng tôi biết anh ấy vẫn còn hút thuốc.
– Tôi nói “Dễ lắm anh bạn ơi, để cầu xin được quyền năng của Chúa thì anh phải có một thái độ đúng đắn trong mọi việc với Ngài”.
– Anh trả lời: “Tôi đã xưng mọi tội lỗi của tôi rồi”.
– Tôi nói tiếp “Thế thì tốt, nhưng còn chiếc tàu thủy của anh thì sao?”. Đây là một cụm từ mà tôi ám chỉ đến việc hút thuốc lá. Khi bạn thấy một chiếc tàu trên biển, nó có những ống khói và khói từ đó tuôn ra. Đó là tiếng lóng dùng để chỉ việc hút thuốc lá.
– Rồi tôi nói: “ Nếu anh muốn dâng cái ống khói của anh cho Chúa Giê-xu thì tôi đề nghị ta nên cầu nguyện. Đức Chúa Trời của tôi là Đức Chúa Trời thánh khiết, và thân thể của anh là đền thờ của Ngài. Nếu Đức Thánh Linh ngự trong đời sống của anh thì Ngài không muốn khói thuốc của anh làm cho Ngài chết ngộp đấy”.
– Anh ấy trả lời: “Anh Mel ơi, đó đâu phải là tội. Tại anh đã nói nhiều quá về nó chứ thật ra, Đức Chúa Trời dựng nên mọi vật mà. Kinh Thánh cũng có nói đến trong thư 1 Ti-mô-thê chương 4, câu 1 đến 5 đó”.
– Tôi nghĩ thầm: “Đúng, ma quỷ đôi khi giảng còn hay hơn Billy Graham nữa.” Rồi người đó bắt đầu giảng cho tôi khúc Kinh Thánh 1 Ti–mô–thê chương 4 câu 4-5, rằng “Đức Chúa Trời khiến nên thánh mọi vật và nếu chúng ta cảm ơn Chúa mà nhận lấy thì được, vì nhờ Lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện mà vật đó được nên thánh. Thuốc lá này là do Đức Chúa Trời dựng nên, nếu tôi cảm ơn Chúa và nhận lấy thì nó được nên thánh vì Chúa phán như vậy.”
– Tôi nói: “Anh nói đúng! Đây là một nguyên tắc thật tốt. Mời anh sáng mai trở lại đây, tôi sẽ có vài điều muốn chia sẻ với anh.”
Chúng tôi chia tay nhau. Đêm đó tôi không ngủ được. tôi cầu nguyện với với Chúa. “Thưa Chúa, anh bạn con có một nguyên tắc thật tốt. Anh ấy nói rằng mọi vật do Ngài dựng nên đều tốt lành và Ngài khiến vật đó nên thánh. Xin Chúa giúp con có thể chỉ dạy cho anh ta một bài học về quan niệm sai lầm ấy”.
– Chúa Trời đã phán tôi: “Con cứ đi ngủ, sáng mai Ta sẽ nói cho con biết cách trả lời với anh ta”. Sáng hôm sau, khi thức dậy, Chúa phán với tôi, “Con hãy đi ra phía sau bụi rậm kia và con sẽ thấy lời giải đáp ở đó”. Khi tôi đến nơi thì thấy một đống thức ăn bị chó mửa ra.
– Ngài phán với tôi rằng: “Đây là bài học cho anh bạn của con sáng hôm nay”. Tôi liền đi về nhà và chờ đợi.
– Khi anh ta đến và nói ngay: “Anh Mel ơi, sáng nay anh muốn nói với tôi điều gì đây?”.
– Tôi trả lời “Tôi nhận được một tin vui cho anh đây, mời anh đi theo tôi.”
Chúng tôi đi đến bụi rậm đó. Anh ta nghĩ có lẽ tôi sẽ chỉ cho anh xem cảnh bình minh rực rỡ. Chúng tôi đến gần bụi cây, nhưng tôi không muốn cho anh ta thấy cái mà hôm qua tôi đã thấy ở đây.
– Tôi nói: “Thôi, chúng ta hãy dừng lại đây một chút. Tôi muốn nói với anh điều này. Anh vẫn còn giữ lập trường của mình trên nguyên tắc mà anh nói là mọi vật Đức Chúa Trời dựng nên trong thế gian này đều là tốt lành cả và chúng ta được phép nhận lấy vì nó được nên thánh bởi lời cầu nguyện và Lời Đức Chúa Trời?”
– Anh ta trả lời: “Vâng, đúng như vậy.Tôi vẫn giưa lập trường của tôi.”
– Tôi nói tiếp: “Tốt lắm, bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện.”
– Trước khi anh ấy nhận ra được những gì sẽ đến, tôi đặt tay lên vai anh và cầu nguyện. “Lạy Chúa Giê-xu yêu dấu. Con cảm ơn Chúa đã ban cho con một người bạn tốt và anh có một nguyên tắc rất hay, ấy là mọi vật đều đã được Đức Chúa Trời thánh hóa. Con cảm ơn Ngài vì người bạn này tôn kính Ngài bằng cách tiếp nhận tất cả các vật dựng nên trên thế gian này. Xin Ngài khiến nên thánh mọi vật tại đây và cho anh bạn con thỏa lòng mà nhận lấy. A–men.”
– Khi tôi cầu nguyện xong, có lẽ anh nghĩ rằng tôi sẽ lấy trong túi ra một trái chuối hoặc một cái gì đó mà tôi đem theo cho anh. Nhưng tôi nói: “Anh bạn ơi, bây giờ tôi muốn anh chứng thực lời nói của anh. Anh đã nghe tôi cầu nguyện và xin Chúa thánh hóa bất cứ thứ gì ở tại đây. Anh tin là mọi thứ sẽ được Chúa thánh hóa y theo của Ngài không?”.
– Anh ta gật đầu, trước khi anh nhận ra được điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, tôi múc một muỗng cà phê đống chó mửa, mỉm cười, và hỏi anh: “Bạn thân ơi, anh có thích ăn thứ này không?”
– Tôi đưa chiếc muỗng đến gần miệng anh ta (dĩ nhiên, tôi chỉ đưa đến cách miệng anh một chút thôi).
– Anh nhìn thẳng vào tôi và nói: “Này anh Mel!, anh chơi xỏ (kidding) tôi nghe!”
– Tôi nói: “Không, tôi làm đúng mà.”
– Tôi cứ đưa cái muỗng gần miệng anh hơn nữa, anh hét lên: “Đừng, đừng mà”.
– Tôi nói tiếp: “Nào, bây giờ anh còn giữ lập trường của anh nữa không? Mọi vật Đức Chúa Trời dựng nên đều là tốt lành cả, anh không tin rằng lời cầu nguyện của tôi là đúng sao?”
– Cuối cùng anh nói: “Anh Mel ơi, tôi xin lỗi, tôi biết cái nguyên tắc của tôi không đúng nữa rồi!”
Nhiều khi chúng ta cứ bảo thủ những nguyên tắc sai lầm của mình, nhưng Chúa Giê-xu muốn chúng ta trở nên một dân thánh cho Ngài. Kinh thánh nói rằng chúng ta là dân thánh, chúng ta thuộc về một vương quốc thánh – thánh có nghĩa là thánh, không hơn, không kém. Cảm tạ Chúa Giê-xu. Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta bước đi trong một đời sống thánh thiện của mình.
Nước hóa thành rượu.
Trước khi có cuộc phấn hưng, chúng tôi dùng rượu để làm tiệc thánh. Chúng tôi hòa thêm nước và dùng đường để rượu bớt mạnh. Chúng tôi làm như vậy trong nhiều năm, nhưng khi mọi người ăn năn thì họ đã quyết định không uống rượu nữa. Họ phàn nàn với ông Mục sư rằng: “Nếu ông còn dùng rượu thì chúng tôi sẽ không đến dự tiệc thánh nữa”. Vì thế Mục sư và mọi người quyết định pha nước trà với đường trong buổi tiệc thánh và chúng tôi làm như vậy trong một thời gian khá dài.
Nhưng Chúa bắt đầu phán với chúng tôi tại Indonesia là tại sao chúng tôi phải dự tiệc thánh bằng nước trà? Tại sao chúng tôi không làm giống như các sứ đồ cũng như Chúa Giê-xu đã làm? Vì vậy chúng tôi quyết định theo gương Chúa Giê-xu.
Từ tháng 10-1967 trở đi, mỗi khi dự tiệc thánh thì chúng tôi lấy nước lã và cầu nguyện, và Chúa hóa nước lã ấy thành rượu. Hơn 60 lần Ngài đã làm phép lạ này. Một lần nữa, Kinh thánh trở nên hiện thực khi chép rằng: “Ðức Chúa Trời tôi sẽ cung cấp mọi nhu cầu cho anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Ðức Chúa Giê-xu Christ.” (Phi-líp chương 4, câu 19).
Ở đảo Timor của chúng tôi không trồng được nho để ép rượu, tuy vậy Chúa đã đáp ứng mọi nhu cầu cho chúng tôi. Ngợi khen Chúa, làm sao tôi có thể nói hết được điều này. Thật là kỳ diệu khi chúng tôi thấy Chúa Giê-xu chứng minh lời hứa của Ngài vẫn còn hiệu lực dù Kinh Thánh nói đã cách nay 2000 năm chẳng phải là cũ kỹ, lỗi thời. Nó còn thực tế hơn những tờ báo hằng ngày. Chúng ta chỉ cần tin cậy Chúa trong mọi sự của đời sống mình. Quyền năng và sự vinh hiển của Ngài sẽ thỏa mãn đầy đủ cho mọi nhu cầu của chúng ta.
Năm 1968, tôi từ Sumba trở về Timor và nghe Hội Thánh kể lại phép lạ nước hóa thành rượu nhiều lần nhưng tôi không tin điều đó. Dù cho tôi có nhìn thấy phép lạ đó xảy ra ở tại đây, tôi vẫn không tin, thật là phi lý!
“Chuyện này thật là vô lý” (nguyên văn: foolish), tôi nghĩ như vậy. Một lần nữa, lý trí của tôi đã ngăn cản tôi. Khi tôi nghe Hội thánh kể chuyện này, còn tôi thì vẫn không tin.
Vào một buổi lễ tiệc thánh sau, Chúa bảo chúng tôi tham dự vào buổi nhóm cầu nguyện. Ngài cũng sai những anh chị em khác trong Hội thánh đến mời tôi tham gia nhóm cầu nguyện này để tôi chứng kiến Chúa hóa nước thành rượu. Tôi vui vẻ nhận lời, vì tôi muốn thấy phép lạ Chúa làm nên hăng hái tham gia với mọi người ngay.
Tuy nhiên, tôi chưa thực sự tin là Chúa sẽ làm phép lạ.
Tôi nghĩ: “Có thể họ đã bỏ sẵn đường và mật trước, sau đó mới đổ nước vào rồi bảo đó là phép lạ? Và không chừng họ chuẩn bị sẵn nước đã pha màu rượu trong bình chăng…”
– Chúa phán với nhóm cầu nguyện: “Hãy để Mel đi lấy nước, mọi việc phải rửa bình cho thật sạch, không được dối trá bất cứ điều gì.” Họ vâng lời Chúa và đến bảo tôi: “Anh Mel ơi. Khi đến giờ ban Tiệc thánh, anh đi ra giếng múc nước nhé!” Họ cũng nói thêm là tôi nhớ lấy bình chứa và rửa thật sạch, vì tôi muốn chắc chắn rằng nước và bình đó đã rửa thật sạch rồi, không có gì dối trá cả.
Tôi đi ra giếng, múc một bình nước đầy và mang về nhà nhóm. Chúa cũng bảo tôi lấy một cái khăn bao miệng bình lại và giữ chặt miếng vải kẻo bụi bặm khỏi bay vào bình.
Sau đó, Chúa phán với cả nhóm: “Các con đã thấy Mel đang ôm chặt bình nước trong tay, và miệng bình được bao lại bằng một miếng vải”. Tôi cũng đang làm như thế. Bạn biết vì sao Chúa bảo tôi làm như vậy không? Vì Ngài biết tôi còn nghi ngờ, nếu trong khi tôi nhắm mắt cầu nguyện thì có người nào đó mở miệng bình bỏ thứ gì đó vào chăng?. Vì vậy Chúa muốn chính tay tôi giữ chặt miếng vải để không ai có thể dở lên được. Chúa đã làm cho lý trí của tôi phải tin rằng chính Chúa đã làm phép lạ.
Tôi ôm chặt bình nước và chúng tôi bắt đầu cầu nguyện. Trong khi cầu nguyện, tôi lỡ tay dằn miếng vải xuống nước, tôi hé mở mắt nhìn trộm thấy nước thấm qua vải làm bàn tay bị ướt một chút.
Chúng tôi cầu nguyện khoảng hơn một giờ đồng hồ. Lúc mở mắt ra thì miếng vải bị ướt nước kia bây giờ trở thành màu tím. Tôi không thể tưởng tượng nổi và không thể hiểu được vì sao nước thấm qua miếng vải đã trở thành màu tím!
– Người bạn bên cạnh tôi nói: “Anh Mel ơi, anh có ngửi thấy mùi gì không? Chúa đã cho chúng ta có rượu nho rồi đó”.
Tôi trả lời: “Tôi chẳng ngửi thấy mùi gì cả, có lẽ mũi của tôi ngửi không đúng mùi rượu, tôi chỉ thấy có màu tím mà thôi”.
– Rồi Chúa bảo với mọi người: “Bây giờ hãy rót rượu đó đến cho ông Mục sư, nhưng trước hết hãy cho ba người ở đây nếm trước đã”.
Anh rể tôi, chị tôi và tôi được đặc ân ấy. Tôi rất thích thú và tưởng tượng ra rượu ấy sẽ ngon lắm vì nó có màu tím của nho.
Anh rể tôi nếm trước, tôi nhìn mặt anh để đoán xem nếu anh mỉm cười thì ấy là rượu ngon. Uống xong, anh mỉm cười thích thú. Tôi nói trong lòng rằng: “Chắc là ngon lắm đấy”.
Rồi đến lượt tôi cầm ly lên và nếm thử. Bạn biết tôi nếm nó giống cái gì không? Nó hoàn toàn là nước lã!
– Tôi thưa với Chúa: “Chúa ơi, sao con không thấy gì hết? phép lạ này có thật không? Chúa nói là rượu nho, và nó có màu tím nhưng sao con nếm mà y như nước lã vậy!” Tôi cố tìm ra có điều gì sai trật, hay là lưỡi của tôi bị mất vị giác hoặc trong tôi còn có tội lỗi nào chăng. Tôi cầu nguyện khẩn thiết với Chúa.
– Một người khác hỏi chúng tôi, “mùi vị của rượu như thế nào?”.
– Anh rể tôi trả lời: “Cảm ơn Chúa, đây là rượu ngon tuyệt”.
– Tôi thưa với Chúa: “Ô, Chúa ơi, anh chị con thì nói là rượu ngon, còn con thì chỉ thấy là nước lã. Thật khốn nạn cho con quá! Chắc con sai rồi Chúa ơi”.
– Chúa phán: “Mel ơi, Không có gì sai cả!”
– Tôi thưa lại với Chúa: “Không có gì sai trật sao! Thưa Chúa, đó chỉ là nước lã đổi màu chứ có phải là rượu thật đâu!”.
– Chúa dạy tôi: ”Mel à, con cần phải biết đức tin thật là gì chứ! Ta nói với con đó là rượu, nhưng lưỡi và trí của con lại bảo là nước lã. Vậy Con nên tin điều nào?”
– Tôi nghĩ: Người ta muốn tôi nói điều gì đây, nói là “ngợi khen Chúa”, hay nói đại khái là gì đó… Tôi không trả lời được. Tôi lại thưa với Chúa: “Thưa Chúa, con phải trả lời thế nào khi người ta hỏi con rượu này ra sao?”
– Chúa phán: “Con chỉ cần nói: Ngợi khen Chúa, đây là rượu ngon là đủ”.
– Tôi trả lời: “Chúa ơi, Ngài nói đùa với con… Con không thể nói dối được”.
– Chúa lại phán: “Con hãy mở Kinh thánh trong sách Hê–bơ–rơ chương 11, câu 13”.
Tôi mở Kinh thánh ra và thấy câu đó ngay, vì tôi thật sự đang chờ đợi câu giải đáp. Tôi đọc và thấy Chúa chỉ cho Áp–ra–ham xem cát ngoài bãi biển và phán: “Hỡi Áp–ra–ham, ngươi có đếm được những hạt cát bãi biển này không?. Áp-ra-ham trả lời: “Thưa Chúa không”. Chúa lại phán, “Thế đấy, dòng dõi của ngươi còn đông hơn cát bãi biển”. Áp-ra-ham trở về nhà nói với vợ mình là bà Sa-ra: “Bà nhà ơi, bà tưởng tượng xem, chúng ta sẽ có con và chúng sẽ đông đúc như cát bãi biển đấy”. Bạn biết là bà Áp-ra-ham lúc đó đã 75 tuổi. Tuổi ấy với bà Sa-ra thì đáng tuổi bà nội của chúng ta. Chẳng phải bà có cháu, những là làm mẹ của những đứa con do bà sanh ra. Lý trí của chúng ta không thể nào hiểu nổi thấu đáo vấn đề này, chúng ta sẽ nói rằng: “Chúng ta thử cố tìm xem ý của Đức Chúa Trời nói như thế nghĩa là thế nào”. Riêng phần ông bà Áp-ra-ham đã tin như vậy và nhận lấy lời hứa đó. Ông bà đã thờ phượng Chúa và cảm tạ Ngài.
Áp–ra–ham phấn khởi lắm. Bạn biết là khi bạn sẽ làm cha thì bạn vui mừng lắm phải không? có lẽ ông đi đến nói với những bạn bè của ông về những lời hứa của Đức Chúa Trời. Tôi tưởng tượng là Áp–ra–ham sẽ đi đến chỗ này, chỗ nọ mà nói rằng: “Này tôi báo cho các bạn một tin vui, tôi sắp làm cha, và gia đình con cháu tôi còn đông hơn cát bãi biển”. Chắc mọi người sẽ chế diễu ông vừa hỏi: “Cụ Áp–ra–ham ơi, cụ bao nhiêu tuổi rồi? Cụ đùa đấy chứ, hay cụ đang nằm mơ…” Áp–ra–ham trả lời: “Tôi được 100 tuổi”.
– “Cụ tưởng là cụ sẽ có nhiều con? Thế bà Sa-ra bao nhiêu tuổi rồi?
– Áp-ra-ham đáp: “Bà nhà cũng gần 100 tuổi”.
– Dân chúng cười nhạo: “Thôi đi, cả hai cụ điên cả rồi. Ông Áp-ra-ham ơi, đừng nghĩ đến chuyện đó nữa. Hãy quên đi, thật là chuyện ngược đời…”.
Nhưng Áp–ra–ham là người của Đức Chúa Trời. Cho dù cả thế giới này nói với ông rằng lời hứa của Đức Chúa Trời là rồ dại, không thể nào thực hiện được, nhưng ông vẫn tin Chúa làm được thì nó sẽ được, vì Ngài phán như vậy. Ông đã đứng trên lời hứa của Chúa mà không nhìn ngó đến hoàn cảnh bên ngoài. Ông chỉ nhìn chăm nơi Chúa và lời hứa của Ngài mà thôi!
– Lúc dó Chúa phán với tôi: “Mel ơi, bây giờ con hãy nói “Ngợi khen Chúa, đây là rượu ngon”, Nếu lòng con tin điều ấy thì Ta sẽ khiến nước trở thành rượu”.
– Đến đây thì tôi đã thấy khải tượng Chúa muốn tôi làm gì rồi, vì thế khi anh em hỏi tôi thì tôi trả lời: “Tạ ơn Chúa, đó là rượu ngon”.
Chúng tôi chuẩn bị và đem rượu đến nhà ông Mục sư. Khi ở phòng sau, tôi rất lo sợ. Tôi thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con đã tuyên bố đức tin của con, nhưng con sợ quá Chúa ơi, nếu ông Mục sư nếm mà nó vẫn là nước lã thì… Lạy Chúa, xin tha tội cho con… Nhưng xin Ngài hãy làm điều Ngài hứa nhé”.
– Khi chúng tôi đến nhà của Mục sư, ông và các Trưởng lão đang đợi chúng tôi. Ông Mục sư rất mừng. chúng tôi đồng hát Thánh ca. Và rồi ông Mục sư nói: “Chúng ta hãy ngợi khen Chúa về rượu này. Bây giờ tôi nếm trước và xem nó ngon như thế nào”.
– Tôi hồi hộp quá, tim đập loạn xạ, mắt nhắm nghiền và trốn vào góc nhà, tôi kêu than với Chúa: “Chúa ơi, đó là nước lã, con van Chúa, Chúa biết còn hơn là con biết. Bây giờ Chúa hãy làm phép lạ đi, Chúa hãy làm đi…”
Ông Mục sư mở miệng bình ra, múc một ly. Tôi nhìn mặt ông và lại kêu than với Chúa: “Lạy Chúa, con đã nói với Ngài là con tin rồi, nhưng bây giờ thì con không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.
Ông Mục sư cầm cái ly lên, nó đầy “rượu”. Tôi nhìn ông ta chằm chằm, nín thở, vì tôi biết nó chỉ là nước lã thôi.
– Tôi lại hỏi Chúa: “Chúa ơi, chuyện gì sẽ xảy ra khi ông ta đặt ly “rượu” đó lên miệng?”.
– Ông Mục sư nuốt ực một cái, rồi ông nói: “Ngợi khen Chúa, đây là rượu ngon tuyệt!”.
Tôi thật không thể tin ở tai mình nữa.
Rồi ông nói với các trưởng lão: “Bây giờ mời các ông hãy nếm thử xem”. Họ cùng đến nếm rượu và nói rượu rất ngon. Tôi nghĩ: “Tốt nhất là mình cũng nên nếm lại thử xem”. Tôi bước đến và nếm rượu ấy.
Nó đúng là rượu thật. Tôi bị rối trí thật rồi.
– Khi tôi trở về nhà, tôi nói với anh rể tôi, “Bây giờ anh nói sự thật nó ra sao”.
– “Được, mà nói sự thật về cái gì chứ?”
– “Anh thấy rượu đó thế nào?”.
– “Ngợi khen Chúa, rượu ngon lắm”.
Tôi nói: “Không phải tôi muốn hỏi anh khi ở tại nhà của ông Mục sư, mà là chúng ta đang ở nhà của anh. Anh nói sự thật đi”.
– Anh nói với tôi: “Nó giống như là nước lã”.
– “Cái gì? Nó nếm giống như là nước lã à? Tại sao anh lại nói như thế?”.
– Anh nói: “Anh tin nơi Lời Đức Chúa Trời chứ không tin vào cái lưỡi của anh”.
– “Ôi anh ơi, anh thực sự biết, một Cơ-Đốc nhân chân thật là người như thế nào không?”. Tôi nói thêm: “Nếu người đó nói đó là nước lã, thì anh thực sự đã làm sụp đổ đức tin của tôi rồi”.
Tôi hỏi chị của tôi y như thế, chị cũng nói là nó nếm như nước lã vậy. Tôi lại hỏi chị: “Tại sao chị lại nói “Ngợi khen Chúa”?”. Chị cũng nói giống như anh tôi: “Thà chị bước đi theo Lời Đức Chúa Trời hơn là thú nhận sự nghi ngờ của chị”.
Tôi thưa với Chúa: “Chúa Giê-xu ơi, con cám ơn Ngài vì đây là sứ điệp mà Lời Đức Chúa Trời là chân thật, chứ không dựa vào hoàn cảnh”.
Chương 8
QUYỀN LỰC CỦA MA QUỶ
Bây giờ thì tôi đã đến nước Mỹ, Tôi nhận biết một nan đề lớn nhất của người Mỹ là Hội Thánh không nhìn nhận quyền lực của ma quỷ là có thật. Sa-tan đã làm mù mắt bạn (tác giả đang nói với người Mỹ) đến nỗi bạn không thấy được nan đề này.
Nhiều khi chúng ta thấy trong anh em mình có vấn đề gì đó, và chúng ta không biết phải giải quyết làm sao. Chính vì vậy mà Cơ-Đốc nhân không có năng quyền của Đức Chúa Trời.
Chúng ta hãy đọc trong Ê-sai 61:1,3 chép rằng: “Thần của Đức Giê-hô-va ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi đặng đi giảng Tin lành đến với người khiêm nhường, Ngài sai phái tôi đi rịt lại những tấm lòng tan vỡ, rao báo cho kẻ phu tù được tự do và phạm nhân được giải phóng…. để chọn lựa họ là những người buồn khổ tại Si-ôn, đặng ban cho họ vẻ đẹp thay vì tro than, ban dầu vui mừng thay vì tang chế, ban áo xống ngợi khen thay vì tâm linh nặng trĩu, hầu cho họ được gọi là cây của sự công nghĩa, được Đức Giê-hô-va trồng lên để được vinh hiển”.
Tôi tin đó là những câu mà chúng ta thấy có nhiều mục đích của Đức Chúa Trời đã sai phái Chúa Giê-xu Christ đến trong thế gian này. Khi chúng ta đọc về sự giảng Tin Lành cho kẻ khiêm nhường, tôi tin rằng: Tin Lành này ở đây có nghĩa là “Tin Lành của sự cứu rỗi”, như khi các Thiên sứ Chúa báo tin vui đến cho trần gian qua các người chăn chiên: “Chúng tôi báo tin cho các anh em một tin mừng, ấy là Cứu Chúa đã giáng sanh”.
Sự cứu rỗi và sự tha tội chỉ là phần đầu tiên của chức vụ Chúa Giê-xu trên đất. Đa số chúng ta đều tin như thế rồi dừng lại ở tại đây. Trái lại, chức vụ của Chúa Giê-xu còn xa, còn sâu rộng hơn là ở điểm dừng đó.
Nhiều Hội Thánh tiếp bước theo Tin Lành chữa bệnh. Đây là điều tốt, tôi cũng thích sự chữa bệnh đó. Ở tại Indonesia, chúng tôi đã chứng kiến hơn 30 ngàn người được chữa lành. Tuy nhiên, chúng ta phải biết nhận thức được rằng, sự chữa bệnh vật lý là ở bên ngoài nhìn thấy được. Nhưng thật là kinh khủng nếu nó chỉ chữa lành được thân thể mà linh hồn lại đi địa ngục thì như thế nào? Tốt hơn hết là cứ để người bệnh như thế, trong khi đau bệnh thì Chúa sẽ dạy dỗ người ấy khiến họ tìm đến Chúa Giê-xu cứu linh hồn họ hơn là được lành bên ngoài.
Đấng Christ đã trả giá cho sự đau ốm của chúng ta rồi, chúng ta chỉ tin nơi Ngài mà thôi. Tuy nhiên, chức vụ của Chúa Giê-xu ở trần gian không chỉ có chữa bệnh thôi đâu, nhưng Ngài còn làm việc nhiều hơn sự chữa lành bên ngoài.
Trong Hội Thánh của chúng tôi cũng có nhiều người tin nơi Đức Chúa Trời để được cứu rỗi và chỉ nhằm đến việc chữa bệnh mà thôi. Đối với tôi thì tôi không chấp nhận một Cơ-Đốc nhân tin Chúa như thế. Điều này giống như ta mua một cái vé để đi xem bóng đá. Bạn chỉ vào xem cầu thủ đá bóng chứ bạn không muốn mình cũng là cầu thủ. Đó là sự ích kỷ, thích hưởng thụ cho mình. Bạn phải có một mục đích gì tốt hơn cho đời sống Cơ-Đốc của bạn hơn là chỉ có chữa bệnh chứ?
Bạn thân mến, Đức Chúa Trời không tạo dựng con người chỉ có một cuộc sống nông cạn như vậy. Nếu mục đích của chúng ta chỉ có chừng ấy thì e rằng, chúng ta là những gánh nặng (nguyên văn là quấy rầy: bother) của thiên đàng mà thôi.
Mục đích của Đức Chúa Trời không chỉ có cứu chúng ta khỏi tội mà thôi, nhưng Ngài muốn chúng ta phải sống sâu nhiệm với Ngài nữa. Đức Chúa Trời muốn chúng ta sống phải có mục đích và nó đem lại sự hưng thịnh cho Nước của Ngài. Vì thế mà Chúa Giê-xu đã giúp sức cho chúng ta sống thực thi chức vụ của mình cách sâu nhiệm hơn cho nhu cầu của người khác nữa.
Trở lại câu Kinh Thánh sách Ê-sai đã nêu ở trên chép rằng: “Ngài sai phái tôi đi rịt lại những tấm lòng tan vỡ”. càng đi khắp nước Mỹ, tôi càng ý thức hơn điều mà nhiều người ở trong các Hội Thánh Chúa tại Mỹ có nhiều tấm lòng tan vỡ hoặc bị thương tích vì những chuyện đau buồn trong quá khứ. Đa số trong lòng họ có nhiều điều cay đắng, hoặc bị tổn thương bởi một chuyện gì đó. Do đó, họ cảm thấy buồn bực và không thấy niềm vui cũng như sức mạnh trong đời sống họ.
Qua nhiều lần đi an ủi người khác, tôi đã khám phá ra sự tổn thương đến từ trong quá khứ của họ. Đôi khi ngay từ thuở ấu thơ hoặc từ tuổi thiếu niên (teen-age years) người ta đã bị “tan vỡ” rồi.
Ngay đến khi trở nên một Cơ-Đốc nhân, họ được tha thứ, và thường là những cay đắng lẫn ghen ghét vẫn còn trong tâm khảm họ. Nhiều người không hề biết rằng họ cần phải đem ngay cả những chuyện đau buồn trong quá khứ đến với Chúa Giê-xu để được Ngài chữa lành vết thương lòng.
Bệnh hen suyễn được chữa khỏi
Nhiều người cố quên đi những “vết tích” trong đời bằng cách cố sống cho thuộc linh hơn. Họ tranh chiến và tìm kiếm cho bằng được sự hiểu biết Đức Chúa Trời thật nhiều hầu làm thỏa lòng cho chính họ. Nhưng trong khi đó, cái họ cần đáng phải làm chính là mở lòng mình ra để Đức Chúa Trời hành động từ nơi sâu kín nhất trong lòng họ, để Ngài chữa lành những vết tích đau buồn ấy. Một trong nhiều trường hợp đáng nhớ nhất liên quan đến một thiếu phụ mà tôi đã gặp ở bang Ohio (Hoa Kỳ).
Bà này bị hen suyễn đã chịu đựng nỗi đau đó hơn 20 năm qua. Chúng tôi cầu nguyện chung với nhau trong một buổi nhóm đêm, dường như chẳng có gì xảy ra.
Tôi ngạc nhiên không biết có gì sai trật cho bà ta, hoặc là tôi không biết được ý muốn của Chúa muốn gì trên bà ta chăng?
Vào một đêm trước khi tôi rời thành phố này, Chúa đã phán với tôi câu Kinh Thánh nói đến sự rịt lành những tấm lòng tan vỡ. Ngay lúc đó tôi không hiểu hoàn toàn hết câu ấy có ý gì.
– Tôi hỏi bà ta: “Chị có ghét người nào không?”
– “Trước khi tôi trở thành một Cơ-Đốc nhân thì tôi có, nhưng bây giờ thì không. Vâng, bây giờ thì tôi không ghét ai cả”.
Bấy giờ tôi nhận ra là câu hỏi của tôi hỏi bà vừa rồi là sai. Tôi thay đổi và hỏi lại: “Vậy trong quá khứ có người nào làm cho chị bị thiệt hại không? Mặc dù chị đã tha thứ cho họ rồi, nhưng vết thương lòng của chị vẫn còn trong lòng chị phải không?”
Chị ta không hiểu câu hỏi của tôi có ý gì. Tôi không kết tội chị ta, đây cũng là lần đầu tiên tôi đã hỏi một câu chưa từng có.
Chúng tôi nói chuyện với nhau thêm một lúc nữa, cuối cùng Chúa đã đưa vấn đề đó ra ánh sáng. Chị bắt đầu la to lên và nói: “Có, vết thương lòng của tôi vẫn còn đây, tôi đã bị tổn thương”.
Chị ta kể cho tôi nghe rằng khi chị còn nhỏ thì mẹ của chị qua đời, và cha của chị đã tái hôn với một phụ nữ khác. Người mẹ kế đó đã đối xử tệ bạc với chị đủ mọi điều. Hễ khi nào con của bà ta sai lầm điều gì thì bà ta lại đổ tội lên đầu chị.
Vì lý do đó mà chị ta thấy mình bị tổn thương quá lớn. Chị không phản ứng lại, nhưng lại giấu kín điều đó trong lòng. Nỗi đau đó cứ ngày càng tăng lên, sâu đậm hơn… khi chị tin Chúa Giê-xu, chị đã tha thứ cho bà dì ghẻ của chị rồi, nhưng chị lại không để cho Chúa hàn gắn lại lòng tan vỡ của chị, vì thế vết thương đó cứ tồn tại mãi.
Đên đó tôi đã cầu nguyện và xin Chúa hàn gắn lại tấm lòng tan vỡ của chị này.
Trong câu 3 của sách Ê-sai chương 61, chúng ta thấy nói về tâm linh nặng nề. Nhiều người vẫn còn tồn tại một tâm linh nặng nề trong đời sống vì những gì đã xảy ra trong quá khứ – ngay cả những người đã kinh nghiệm được Báp-têm Thánh Linh nữa. Họ cũng vẫn thấy nặng nề nếu không chịu đem nó ra trình dâng cho Chúa để được chữa lành.
Sau khi chúng tôi cầu nguyện xong, chị ta nói: “Ngợi khen Chúa, tôi vừa được giải phóng, lòng tôi được tự do rồi. Tôi không thể giải thích sự giải phóng này cho anh được, vì trong tôi đang dậy lên một niềm vui và sự bình an ngập tràn”.
Sáng hôm sau, khi chị ta thức dậy, bệnh hen suyễn của chị cũng biến mất. Đây là triệu chứng của một bệnh bên ngoài nhưng hậu quả của nó là một nan đề từ bên trong.
Nhu cầu lớn nhất của người Mỹ
Tôi có thể nói rằng, hết 95% nguồn gốc của bệnh tật (của người Mỹ) là do thuộc linh, chỉ có 5% thật sự là bệnh lý của thuộc thể. Những bệnh thần kinh bộc phát hầu hết là bởi từ các vấn đề tinh thần, bị căng thẳng, lo âu, buồn phiền, sợ hãi. Khắp trên đất Mỹ tôi đều gặp được những mẫu người như thế. Thật là kinh khủng.
Người dân Mỹ cần sự cứu rỗi là đúng, nhưng chính ra họ phải cần đến nhu cầu tâm linh về Chúa Giê-xu thật sâu sắc nhiều hơn nữa.
Dĩ nhiên là sẽ có nhiều người Mỹ lên Thiên đàng, thế nhưng đội quân Cơ-Đốc (Christian Army) của Chúa Giê-xu lại quá yếu đuối. Đa số họ chỉ chiến đấu một mình mà không có sự vùa giúp của Chúa Giê-xu. Đó là một điều tai hại vì chúng ta chiến đấu trong trận chiến thuộc linh chỉ có một mình mà không có Chúa đi cùng.
Ở Mỹ, các bạn hát bài Thánh ca “Tinh binh Giê-xu tiến lên!” (Onward, Christian Soldiers) nhưng các bạn lại ngồi đó để ông Mục sư làm việc một mình. Thật đáng buồn làm sao! Các bạn thân mến, đó là vấn đề đáng nói, là cái mà người dân Mỹ cần lớn hơn hết.
Trong sách Ê-sai nói trên chép rằng, chúng ta hãy tuyên bố cho người phu tù được tự do, giải phóng phạm nhân để họ không bị xiềng xích.
Điều này, theo ý của tôi, cũng là một vấn đề gốc rễ của người Mỹ. Ảnh hưởng của quyền lực ma quỷ ngày nay rất lớn, có lẽ gấp 100.000 lần hơn so với trước đây 50 năm.
Những hình thức của ma quỷ ở nước Mỹ
Những hình thức của ma quỷ tại Mỹ ngày nay thể hiện qua các hình thức như bói khoa, xem chỉ tay, bói bài, cầu cơ, lên đồng, thần chú, tế thờ ma quỷ (hội Sa-tan) v.v… thật là kinh khủng. Việc xem tử vị thì đa số người Mỹ cho là sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, không có gì lạ, nó nhan nhản trên báo chí, cả trên truyền hình và hầu như bất cứ ở chỗ nào bạn cũng thấy cả. Bạn rất khó mà tự mình trốn khỏi ảnh hưởng của ma quỷ. Hầu như bạn đi đến bất cứ chỗ nào cũng đều gặp ma quỷ.
Chúng ta là những Cơ-Đốc nhân phải ý thức được hiểm họa ghê gớm này. Bạn đừng nói rằng: “Ồ, những chuyện đó chẳng phải là ma quỷ chi cả. Nó chỉ là phong trào hoặc trí tưởng tượng. Chẳng qua chỉ là một sự thay đổi nét văn hóa mà thôi”. Nếu bạn nói như thế thì chúng ta đã đánh mất uy quyền của người Cơ-Đốc để tấn công ma quỷ rồi!
Chắc chắn là khi chúng ta nói ma quỷ không có thật thì ma quỷ thích lắm. Chứng tỏ là chúng ta đã ngủ mê và nó thật sự dễ dàng để hành động việc của nó.
Chúng ta đọc trong sách Phục Truyền chương 18:10-13 chép rằng: “Ở giữa vòng các ngươi chớ có ai đem con trai hoặc con gái mình đi ngang qua lửa, hoặc các ngươi dùng các thầy bói, hoặc nhìn sao trên trời mà đoán số, hoặc thầy phù thủy, thầy pháp, hoặc dùng bùa chú ếm hại, hoặc đi cầu hỏi các đồng bóng, hoặc thuật số, hoặc đi cầu người chết. Vì mọi điều đó, Đức Giê-hô-va lấy làm gớm ghiếc những ai làm những việc như thế; chính bởi sự gớm ghiếc đó mà Đức Giê-hô-va đã đuổi các dân đó khỏi trước mặt các ngươi. Các ngươi phải sống trọn vẹn với Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của các ngươi”.
Ma thuật và Ảo thuật (Black magic, White magic)
Có 2 loại quyền lực của phù phép: Ma thuật và Ảo thuật. Ma thuật là bạn có thể dùng quyền lực của ma quỷ làm chết người được. Tôi không nghĩ là tại nước Mỹ lại có nhiều ma thuật đến như thế. Tuy nhiên, khi tôi đọc trên sách báo của các bạn (người Mỹ), tôi thấy rằng thứ ma thuật này đang lan tràn khắp nước Mỹ rồi.
Ảo thuật nó đang ảnh hưởng đến nước Mỹ ngày nay như thế nào? Tôi muốn nói đến ảo thuật ở đây nghĩa là bạn cũng sử dụng đến quyền lực của ma quỷ để làm việc “tốt” (!) – chẳng hạn ảo thuật cũng chữa lành bệnh được, hoặc tiên đoán việc gì đó. Đa số người dân Mỹ lại mù quáng bởi quyền lực của ma quỷ đến nỗi họ tưởng rằng họ đang nghe tiếng Đức Chúa Trời, nhưng thật sự chính là tiếng nói của Sa-tan. Chúng ta không được xem thường những người này. Vì chiên không ăn được cỏ xanh thì chúng sẽ ăn cỏ khô (lá khô) mà thôi!
Các Mục sư ở Mỹ phải biết thật chắc chắn là mình nuôi chiên của mình bằng cỏ xanh. Tại sao người ta lại đi xem bói, xem tử vi? Bởi vì trong Hội thánh thiếu quyền năng, đã mất đi sự ban cho ơn nói tiên tri, vì thế tín hữu họ đi ra ngoài đến với ma quỷ để biết được tương lai của mình. Chính những quyền lực của ma quỷ này là thần cảm giả mạo, là sự lừa dối Ân tứ thuộc linh.
Chỉ có một cách để cứu chúng ta ra khỏi quyền lực của ma quỷ là: hãy nhìn xem quyền năng của Đức Chúa Trời đang hành động trong đời sống của chúng ta. Đó là cách duy nhất mà thôi.
Ngày nay người ta đã mệt mỏi về những lời giảng dạy. Đa số họ chỉ thích diễn giả giảng chừng 5 phút là được rồi.
Ngày nay người ta muốn làm điều gì đó để có chỗ mà nương dựa. Thế gian này đang qua đi từng ngày, và con người đang cần đến Lẽ Thật. Người ta cần nơi trú nấp chắc chắn, và nơi trú nấp đó chính là Chúa Giê-xu và quyền năng Ngài.
Có 2 điều xảy ra khi người ta đi xem bói, xem tử vi. Thứ nhất, họ đã phạm tội vì Đức Chúa Trời phán: “Đừng làm điều đó”. Thứ hai, ma quỷ đã cột trói họ rồi. Chính vì bị cột trói đó mà người ta không cần đến sự tha thứ, mà là cần đến sự giải phóng. Hai điều này hoàn toàn khác nhau.
Ngày nay, chúng ta thường cầu nguyện về sự tha tội mà ít khi chúng ta cầu xin sự giải phóng (giải cứu). Chúng ta cần phải thực hành câu Kinh Thánh trong sách Ma-thi-ơ chương 18:18 rằng: “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ người nào các ngươi cầm buộc họ dưới đất, cũng sẽ cột trói ở trên trời. Người nào các ngươi buông tha (giải phóng) dưới đất, họ cũng được buông tha ở trên trời”.
Chúng ta phải cầu xin như thế, nếu chúng ta có 10 sự trói buộc, chúng ta phải nhân Danh Chúa Giê-xu mà cởi bỏ sự cột trói này từng cái một. Bởi sự giải phóng đó, con người ta sẽ được tự do.
Là những Cơ-Đốc nhân, chúng ta phải có uy quyền làm chủ trên quyền lực của ma quỷ. Đó là uy quyền của Đấng Christ. Như thế, chúng ta thấy trong thư Ê-phê-sô chương 2, câu 6 chép rằng: “… và làm cho chúng ta cùng sống lại với Ngài, cùng ngồi trong các nơi trên trời với Chúa Giê-xu Christ”. Chúng ta ngồi trên cả quyền lực của ma quỷ là thế đấy.
Chúng ta là những Cơ-Đốc nhân phải sử dụng uy quyền Cơ-Đốc của mình, nếu chúng ta không sử dụng thì anh em của chúng ta vẫn còn khốn khổ.
Mỗi người cần phải về nhà mình, lục tìm cho ra mọi thứ gì là vết tích của ma quỷ. Nếu có một tờ báo nói đến số tử vi ở trong nhà bạn, thì bạn đừng giữ nó trong nhà mình nữa. Cách hay nhất là bạn đừng mua những tờ báo như thế nữa.
Tại sao? Trong Phục Truyền 7:25,26, Kinh Thánh nói rất rõ ràng (khi Kinh Thánh nói về một điều gì đó, tốt hơn hết là chúng ta nên lắng nghe) rằng: “Các ảnh tượng chạm hình các tà thần của chúng nó, các ngươi phải đốt đi, các ngươi không được tham lam mà lấy bạc hay vàng làm ra các ảnh tượng kia, e chừng các ngươi bị mắc bẫy của nó chăng? Vì các thứ ấy là đồ gớm ghiếc trước mặt Gê-hô-va là Đức Chúa Trời các ngươi”.
“Cũng thế, nếu các ngươi đem đồ gớm ghiếc đó vào nhà mình, thì các ngươi cũng đáng bị diệt như nó. Phần các ngươi phải ghét nó thật sự, ghê tởm nó thật sự. Vì nó đáng bị rủa sả”.
Tại Indonesia, chúng tôi thường ứng dụng Kinh Thánh như Lời Kinh Thánh dạy. Khi chúng ta ứng dụng được Kinh Thánh với tấm lòng đơn sơ thì Đức Chúa Trời thật sự có thể hành động cách diệu kỳ. Tôi tin những gì chúng tôi đã làm ở Indonesia sẽ chẳng bao giờ làm mất đi Lẽ Thật nầy.
Khi Kinh Thánh nói: “Đừng đem nó vào nhà các ngươi” nghĩa là bạn đừng đem những vật xấu xa vào nhà mình.
Tôi có thể kể cho bạn hàng trăm câu chuyện của những nơi mà người ta đã đem vào nhà họ những loại như thế, từ đó xảy ra mọi thứ nan đề trong nhà họ.
Vô tuyến truyền hình là một trong những nguồn gốc xấu xa nhất của quyền lực ma quỷ khi được đem vào nhà chúng ta. Ôi, làm thế nào để Cơ-Đốc nhân sử dụng Truyền hình cách cẩn thận đây? Thế là những trẻ em xem đủ mọi thứ chương trình vô bổ – nó chính là công cụ của ma quỷ. Tôi nói thật với bạn chứ, đó là điều kinh khủng lắm! Bạn hãy tự mình cảnh giác cho chính mình khi bạn đang đọc những trang sách này. Bạn hãy cảnh các bạn tín hữu của bạn hãy dè chừng với mọi hình thức tựa như là của ma quỷ, hình ảnh, tượng thờ cúng của tôn giáo, những đồ cổ mà có vẻ giống như là các tà thần, báo chí xấu xa, sách vở đồi trụy, bất cứ thứ gì nói về bói khoa, hoặc bất cứ thứ gì khác không được đẹp đẽ cho lắm ở trong nhà bạn thì bạn hãy đem tất cả những thứ ấy đốt hết. Bạn hãy chấm dứt sự liên hệ với ma quỷ bằng bất cứ những thứ gì xấu trước đây ngay trong nhà bạn.
Bị trói buộc bởi ông cha ta
Một kiểu trói buộc khác của ma quỷ mà người ta cần phải giải phóng nó ra khỏi đời sống. Trong suốt cuộc phấn hưng mà Chúa đã tỏ cho chúng tôi biết được Lẽ Thật này.
Trong sách Xuất Ai-cập chương 20:5 cảnh cáo chúng ta rằng: “ Ngươi không được quỳ lạy trước các hình tượng đó, cũng không được phục vụ chúng, Vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, là Đức Chúa Trời kỵ tà. Ta sẽ nhơn sự pham tội của tổ phụ ngươi mà giáng phạt lại con cháu các ngươi đến ba, bốn đời nếu người nào ghét Ta”.
Chẳng hạn như, nếu ông nội tôi phạm tội xấu xa với nghiều người đàn bà, thì linh tà dâm (spirit of adultery) đó có thể kéo qua đời cha tôi, đến đời tôi, và tới cả đời con cháu của tôi nữa.
Nhiều người, ngay cả những Cơ-Đốc nhân đầy dẫy Thánh Linh vẫn có thể bị lôi kéo trở lại con đường đời sống cũ. Vì có một sức mạnh tâm linh nào đó đã đẩy họ vào đường sai lạc. Khi chúng ta bị sa ngã vào đường lối cũ, thì lý do khiến chúng ta bị “vấp ngã” chính là ảnh hưởng tội lỗi từ tổ phụ của chúng ta.
Trong thư 1 Phi-e-rơ chương 1:18, chúng ta đọc thấy điều thực tế giống như vậy. Nếu cha của bạn có tính nóng nảy thì tính khí ấy sẽ lây lan qua bạn (di truyền).
“Xét thấy rằng, khi anh em biết được anh em được cứu chẳng phải bởi những của cải hay hư nát, như vàng, bạc để thoát ra khỏi cách sống lầm lạc được di truyền bởi tổ tiên mình”.
Nhiều lần tổ tiên của chúng ta bị mê hoặc và nhạy cảm với thế giới tà linh. Cũng vậy, nhiều người trong chúng ta cũng bị như thế mà không biết tại sao. Đó chính là từ tổ phụ của chúng ta mà ra.
– Tôi thưa với Chúa rằng: “Tại sao chúng con phải chịu đau khổ vì tội lỗi của tổ phụ chúng con? Điều này không thể chấp nhận được!”
– Chúa phán: “Có 2 cách mà quyền lực ma quỷ hành động. Cũng giống như có 2 cách để ngã xuống hố. Một là, con tự nhảy xuống, hai là, con bị người nào đó xô xuống”.
Thật ra, quyền lực ma quỷ trói buộc chúng ta cũng giống như vậy. Một là, chúng ta tự mình liên hiệp với ma quỷ như đi xem tử vi, xem bói hoặc phạm một tội ác nào đó. Hai là, chúng ta bị cột trói bởi tổ tiên của chúng ta đã phạm tội từ trong quá khứ mà chúng ta không biết. Vì sự rủa sả đó mà ngày nay, ma quỷ xúi giục chúng ta phạm tội giống như tội của tổ tiên mình đã phạm trong quá khứ cho đến thế hệ của chúng ta.
Tôi cầu xin Chúa Giê-xu sẽ giúp bạn ý thức được tầm quan trọng của sự trói buộc của ma quỷ, để rồi chính bạn hãy tuyên bố cắt đứt mọi ảnh hưởng liên hệ của ma quỷ trong đời sống của bạn.
Chương 9
ĐỨC CHÚA TRỜI CHU CẤP MỌI NHU CẦU
Ở đảo Timor chúng tôi có một bệnh viện. Sau cuộc phấn hưng, bạn không thể tìm thấy có nhiều Cơ-Đốc nhân nằm ở bệnh viện nữa. Đa số là người ngoại, người theo tà giáo, người theo Hồi giáo, và chỉ có một số rất ít là Cơ-Đốc nhân mà thôi. Tại sao vậy? Vì khi chúng tôi bị bệnh, chúng tôi chỉ cầu nguyện và tin cậy nơi Đức Chúa Trời, Ngài sẽ chữa bệnh cho chúng tôi ngay.
Tôi để ý thấy bên Mỹ khi bạn bị đau đầu, bạn liền đi kiếm lọ thuốc Aspirin – và có thể sau đó bạn mới tìm đến Chúa Giê-xu. Phần lớn trong các bạn, khi bị bệnh thì đi Bác sĩ mà chẳng bao giờ nghĩ đến Chúa Giê-xu. Nhưng tại Indonesia sau cuộc phấn hưng, chúng tôi đến với Chúa Giê-xu TRƯỚC KHI chúng tôi đi đến bệnh viện, và TRƯỚC KHI dùng thuốc Aspirin.
Bạn biết đây là điều thú vị lắm, vì khi bạn tin cậy nơi Chúa Giê-xu thì Ngài cất đi khỏi bạn sự sợ hãi và lo lắng. Vì thế bạn không cần dùng thuốc đau bao tử hoặc thuốc đau đầu nữa. Chính khi bạn có sự bình an của Chúa thì bạn cũng ít khi bị đau ốm. Có lẽ đó là những nan đề tại Mỹ và cũng là lý do tại sao người ta phải dùng đến hàng triệu triệu viên thuốc Aspirin. Vì bạn không có sự bình an thật của Chúa Giê-xu.
Một ngày nọ ở Indonesia, một cô y tá đến nói chuyện với tôi, trông cô ta rất giận dữ.
– Cô ta nói: “Anh Mel à, cuộc phấn hưng này bết bát (bad) quá!”.
– Tôi hỏi lại: “Tại sao thế?”
– Cô ta đáp: “Anh xem, vì hiện nay chúng ta không có đủ tiền để chi phí cho bệnh viện”.
– “Vậy chứ cô nói ở bệnh viện cần cái gì? Kiểu này chắc là khó có bệnh nhân ở bệnh viện Timor nữa quá phải không?”
– Cô ta trả lời: “Cho nên người dân lại mạnh khỏe ra mới lạ chứ!”.
– Tôi hỏi lại: “ Đúng! Nếu họ biết cầu nguyện thì Đức Chúa Trời làm cho họ trở nên khỏe mạnh, cường tráng. Thế tại sao cô lại nổi giận và oán trách chúng tôi vì chuyện đó?”
Tôi liền làm chứng về Chúa Giê-xu Christ cho cô ta nghe. Tôi nói với cô ta là Chúa Giê-xu cũng có thể giúp cho cô nữa. Sau một lúc nói chuyện, cô ta bằng lòng tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Chúa của cô. Những lần sau đó khi cô ta đi vào các làng để chăm sóc và phát thuốc cho bà con làng xóm, cô ta cũng cầu nguyện cho dân làng.
Một đôi lần sau này, tôi có hỏi cô ta là cách tốt nhất mà cô thích khi đi phát thuốc như vậy là gì – chăm sóc dân làng tại bệnh viện hay chỉ cầu nguyện cho họ thôi? Cô ta nói với tôi là cô chỉ thích cầu nguyện cho người bệnh, vì nếu người dân có đi bệnh viện thì đương nhiên công việc của cô là phải chăm sóc cho họ rồi.
– Cô ta nói: “Khi anh cầu guyện cho họ, chỉ cần một phút thôi là Chúa đã đụng (fixe) đến họ rồi. Anh không cần phải làm thêm điều gì nữa. Có khi chúng tôi tập hợp cả trăm người lại rồi cầu nguyện cho họ, Chúa liền hành động cách kỳ diệu trong phân nửa số người đó, cho dù tôi có bỏ ra cả nhiều ngày trời để chăm sóc họ cũng không bằng Chúa hành động”.
– Cô ta nói thêm: “Ôi, anh Mel ơi! Đường lối của Chúa thật tốt đẹp hơn đường lối của chúng ta rất nhiều”.
Ánh sáng xuyên qua rừng rậm
Nhiều lần chúng tôi đi giảng Tin lành phải đi bộ trong ban đêm, hoặc đi xuyên quá rừng rậm. Thật khó khăn ghê lắm. Chúng tôi không có bản đồ để tìm đường đi, nhưng Đức Chúa Trời phán với chúng tôi, hãy cứ cầu nguyện để xin có ánh sáng mà đi. Ngài đã ban cho dân Israel ánh sáng (trụ lửa) thế thì sao Ngài không ban điều đó cho chúng tôi? Kinh Thánh không hề thay đổi điều đã chép.
Sau khi cầu nguyện xong, Đức Chúa Trời ban cho chúng tôi ánh sáng giống như đèn chiếu từ máy bay trên cao rọi xuống đất. Khi thấy ánh sáng chiếu qua trái thì chúng tôi đi sang trái. Khi ánh sáng chiếu qua phải thì chúng tôi đi qua phải. Khi ánh sáng chiếu thẳng phía trước thì chúng tôi đi thẳng hướng phía trước mặt. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra làng xóm, Hội Thánh Chúa hay gia đình nào mà Chúa muốn chúng tôi đến để rao giảng. Đó là cách mà Chúa dùng để dẫn dắt chúng tôi đi xuyên qua nhiều cánh rừng rậm. Chúng tôi không biết đường đi, nhưng chúng tôi cứ đi theo ánh sáng Chúa soi đường. Khi chúng tôi đi theo ánh sáng thì bao giờ chúng tôi cũng luôn đi đến đúng nơi mà Chúa muốn chúng tôi đến.
Những đám mây trở thành những chiếc ô
Tại Indonesia lúc ban ngày trời rất nóng, nhiều lúc chúng tôi phải đi giảng dưới nhiệt độ lên từ 33°C đến 47°C. Khi bạn đi dưới trời nắng với một nhiệt độ như thế thì thật là kinh khủng. Thế nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho chúng tôi trụ mây. Ngài đặt trụ mây trên trời, và bóng của nó che mát bên trên chúng tôi. Khi chúng tôi đi tiến lên phía trước thì bóng mây cũng chuyển tới phía trước.
Điều đó giống như là chúng tôi đang đi dưới một cái ô rất lớn. Chúng tôi ngợi khen Chúa về điều ấy. Tại sao? Kinh Thánh chép trong thư Phi-líp chương 4, câu 19 rằng: “Đức Chúa Trời tôi có thể chu cấp mọi nhu cầu cho bạn tùy theo sự giàu có và vinh hiển của Chúa Giê-xu Christ”. Tôi tin là nếu bạn cần bánh mì thì Đức Chúa Trời sẽ ban cho bạn bánh mì. Nếu bạn cần tiền thì Ngài sẽ ban cho bạn có tiền. Mếu bạn cần chữa bệnh thuộc thể thì Ngài sẽ chữa bệnh cho bạn, nhưng nếu bạn cần chữa bệnh thuộc linh thì Ngài sẽ cho bạn thỏa mãn nhu cầu đó.
Tôi kể cho bạn nghe về nhiều phép lạ, nhưng đừng chú trọng quá nhiều đến các phép lạ. Thay vào đó bạn hãy ngửa trông xem Chúa Giê-xu. Chúng ta muốn Chúa Giê-xu hành động trong lòng và trong đời sống của chúng ta. Chúng tôi cũng muốn Ngài sẽ sử dụng bạn giống như Ngài đã sử dụng chúng tôi ở Indonesia. Chúng ta thường hát câu Thánh ca: “Nào việc chi Giê-xu không thể làm….” Nhưng chúng ta có thật sự hiểu hết được những gì chúng ta đang hát không? Đó là lời cầu nguyện của tôi để Ngài sẽ sử dụng các bạn ở Mỹ cũng như cách mà Ngài đã sử dụng chúng tôi vậy.
Tiền ở Mỹ làm tổn thương…
Công việc làm ăn sinh sống của Cơ-Đốc nhân mọi thứ không phải chỉ là tiền bạc. Tôi không thể kiếm sống bằng cách lao đầu vào chỉ để kiếm tiền như lối sống Mỹ được. Điều đó thật là phiền toái cho tôi lắm.
Suốt cuộc phấn hưng tại Indonesia, Chúa đã bảo với chúng tôi rằng, Ngài không bao giờ cho phép chúng tôi nói với bất cứ ai là chúng tôi cần tiền.
Chúa đã bảo với chúng tôi rằng: “Nếu các con cần tiền, các con phải nói với Ta, và chỉ có Ta mà thôi”.
Khi nào Ân điển của Chúa ở với chúng tôi, thì chẳng bao giờ chúng tôi kể lể với ai về tiền bạc gì cả. Bạn biết ở các Hội thánh tại Mỹ có những việc gì xảy ra không? Nhiều khi hành động của bạn đã làm dập tắt sự vận hành của Thánh Linh. Thường thì tôi nghe các bài giảng mà trong đó chỉ có 5 phút nói về Chúa, còn lại 25 phút thì nói về tiền bạc.
Một lần kia, tôi rất bực mình khi đến hầu việc Chúa tại một Hội Thánh nọ. Khi ông Mục sư đứng lên nói: “Chúa đã phán với tôi rằng có 33 người ở đây sẽ dâng hiến 250 đô-la để xây một biệt thự mang tên Chúa Giê-xu trong Hội Thánh của chúng ta”.
– Tôi nghĩ: “Chúa Giê-xu ơi, có bao nhiêu là người lợi dụng Danh Chúa để kiếm tiền”.
– Ông Mục sư đó lại kêu gọi: “Bây giờ chúng ta hãy cùng cầu nguyện để xem thử ai sẽ đáp lời kêu gọi của Chúa. Ma quỷ cũng nói với quý vị rằng, quý vị có thể làm ra thật nhiều tiền trong tương lai chứ! Nhưng hãy coi chừng, vì Chúa muốn quý vị phải dâng tiền ngay hôm nay kia”.
Rồi ông ta diễn ý trong Kinh Thánh ở sách Châm ngôn chương 27, câu 1 rằng: “Ngày mai không phải là ngày của quý vị, mà là ngay hôm nay”. Ông ta nói tiếp: “Bây giờ ai muốn dâng 250 đô-la?”
Tôi không cho rằng số tiền đó sẽ được dùng đúng mục đích, hoặc nó sẽ dùng trong công việc tốt đẹp. Nhưng dùng sự sợ hãi và đe dọa thì không phải là cách thuộc linh để dâng tiền.
Trong thư Ga-la-ti chương 1:6 chép rằng: “Tôi lấy làm lạ cho anh em đã sớm vội bỏ Đấng đã kêu gọi anh em vào trong Ân điển của Đấng Christ mà đi theo một tin lành khác”.
Đây là điều đã xảy ra trong các Hội Thánh của chúng ta. Có lẽ động lực thúc đẩy là thuộc linh, những cách chúng ta thực hành lại là xác thịt. Vì thế chúng ta đã làm ô uế Tin lành.
Đức Chúa Trời đã chỉ cho tôi, chúng ta chỉ nên để một cái thùng tiền dâng ở cuối Nhà thờ, rồi nên nói một lời ngắn rằng: “Bây giờ, nếu ai nhận được ơn phước của Chúa, người ấy có thể dâng tiền bỏ vào cái thùng ở cuối Nhà thờ sau giờ nhóm thờ phượng Chúa”.
Tôi thấy cách này tốt hơn. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi xin tiền ai cả, nhưng Đức Chúa Trời đã chu cấp mọi thứ tôi cần để có thể đi khắp nước Mỹ và trên thế giới. Tôi chỉ có 50 xu trong túi khi đi sang Mỹ, giống như chỉ có một chút dầu trong bình của người góa phụ.
Khi bạn nhận tiền dâng cách công khai thì có 2 hiểm họa. Đôi khi có người không muốn dâng tiền, nhưng họ không muốn người khác nhìn thấy mình không dâng tiền nên họ chỉ dâng một ít tiền lẻ thôi…. Cách này không tốt, dâng bằng cách đó thì cả người dâng và Hội Thánh sẽ chẳng nhận được ơn phước thiêng liêng nào.
Cũng có vài người dâng 20 hoặc 100 đô-la, nhưng lại muốn cho người khác nhìn thấy là mình có dâng tiền. Tinh thần dâng hiến kiểu đó thật là xấu. Biết đâu bên cạnh người dâng tiền nhiều lại có người chỉ dâng có vài xu, như thế vô tình người dâng tiền nhiều làm cho người dâng tiền ít bị hổ thẹn.
Chúng ta dâng tiền là vì Đức Chúa Trời bảo chúng ta phải làm như vậy, thì chúng ta hãy dâng cho Chúa với lòng cầu nguyện và vui lòng thì Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho sự dâng hiến của chúng ta,
Tôi không muốn là người ra lệnh cho bạn ở Mỹ này, nhưng đây là những gì mà Đức Chúa Trời đã dạy tôi.
Trong một buổi nhóm tại Mỹ, có một thanh niên Hippy đến với tôi để tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa cho anh ta. Nhưng anh ấy bị lúng túng khi đến giờ dâng hiến.
Anh chàng Hippy này trong túi chỉ có 1 xu nhỏ. Khi người lãnh tiền dâng đến trước mặt anh, anh ta đặt vào đĩa 1 đồng xu đó. Người chức viên lườm anh ta một cái rồi nói: “Anh dâng ít quá”. Anh Hippy này cảm thấy khổ sở vô cùng.
Anh ta nói với tôi: “Nếu đó là Đạo của Chúa thì tôi chẳng muốn gia nhập vào”.
Thật đáng buồn làm sao chỉ vì 1 đồng xu nhỏ mà lại mang một ý nghĩa khác biệt giữa Thiên đàng và địa ngục đối với anh chàng Hippy này.
Tôi cầu xin Chúa cho chúng ta nhìn thấy được đường lối của Đức Chúa Trời về việc dâng hiền tiền bạc trong hội Thánh.
Chương 10
ĐỜI SỐNG DƯ DẬT
Khi tôi trở thành một Cơ-Đốc nhân, Indonesia lúc ấy vẫn còn là một quốc gia mọi rợ. Ngay cả khi chúng tôi đến nhà thờ rồi mà tinh thần vẫn còn lẫn lộn những bùa ngải và thần chú của dân ngoại. Tôi nhớ khoảng 6 năm trước (1959) cuộc phấn hưng này, nếu chúng tôi bị bệnh, thì chúng tôi – là những người gọi mình là Cơ-đốc-nhân đều đến các thầy phù thủy để họ muốn làm gì thì làm miễn sao chúng tôi được chữa lành thì thôi.
Thật là điều khủng khiếp. Chúng tôi xưng mình là Cơ-đốc-nhân, nhưng thay vì kinh nghiệm được quyền năng của Đức Chúa Trời trong đời sống mình, thì chúng tôi lại chết về đời sống thuộc linh, nhà thờ của chúng tôi thì buồn thảm giống như một nhà có tang!
Năm 1965, tôi tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình. Ngày ấy thật tuyệt diệu và hạnh phúc cho tôi lắm. Tôi tin rằng mỗi người trong các bạn cũng có kinh nghiệm này, một khi bạn dâng cuộc đời mình cho Chúa và tiếp nhận Ngài là Cứu Chúa của mình.
Sau khi tiếp nhận Chúa Giê-xu, tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh. Tôi nhận thức được rằng, đời sống Cơ-đốc-nhân sẽ dư dật (phong phú) hơn khi có Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa trong cuộc đời. Tại sao? Vì tôi nhận thức rằng, khi tôi tiếp nhận Chúa Giê-xu thì có một điều gì đó xảy ra trong tôi, nhưng khi tôi thử làm công việc truyền giáo với người khác, thì tôi thấy có gì đó thiếu sót trong tôi. Tôi không biết mình còn thiếu sót điều gì, nhưng tôi biết là tôi cần một điều gì đó cho mình để có thể đáp ứng cho nhu cầu của người khác ngõ hầu có thể làm chứng và chăm sóc họ cách nào cho có hiệu quả nhất.
Mặc dầu tôi không biết mình thiếu sót điều gì, nhưng tôi vẫn bước theo Chúa cho đến một ngày kia tôi đọc được trong Phúc âm Giăng chương 10, câu 10 rằng: “Ta đến hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật”. Trên thế giới ngày nay, có biết bao nhiêu người tiếp nhận Chúa Giê-xu Christ. Nhưng thật buồn thay, họ chỉ dừng lại một chỗ, không muốn bước vào một đời sống dư dật mà Chúa Giê-xu đã tuyên bố – một đời sống dư dật sung mãn nhất.
Mạch nước, không phải là dòng sông.
Trong Phúc âm Giăng chương 4, câu 14 viết lại câu chuyện Chúa Giê-xu nói với một người phụ nữ bên một cái giếng, Ngài phán: “Bất cứ ai uống nước Ta sẽ cho thì họ chẳng hề khát nữa. Nước Ta cho họ sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời”
Trong Phúc âm Giăng chương 7, câu 37-38, chúng ta lại đọc: “Nếu người nào khát hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin Ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình y như Kinh Thánh đã chép vậy”.
Bạn đang ở tại Hoa Kỳ, bạn được sinh ra trong một xã hội “bấm nút” (Push-button), có lẽ bạn không biết cái giếng đào ra sao. Để tôi giải thích cho bạn, xin kiên nhẫn lắng nghe nhé.
Ở xứ sở của tôi, muốn có nước thì bạn phải đào một cái lỗ (nguyên văn: a hole) và phải đào cho đúng địa điểm. Có khi bạn chỉ đào đến khoảng hơn 1 m đất (2 or 3 feet) là bạn đã thấy có nước rồi, có khi phải đào thật sâu mới có nước. Khi bạn đào đúng mạch nước, thì bạn sẽ có nước.
Đào một cái giếng ở một chỗ mà chẳng có nước nhiều bao nhiêu thì cái giếng đó coi như vô dụng, lại phải đào một cái giếng khác ở nơi khác. Khi bạn cần nước, có khi bạn đi múc nước mà phải đợi vì cái giếng đã cạn nước, bạn phải chờ một lúc giếng mới có nước trở lại. Đó chính là câu chuyện mà Chúa Giê-xu nói với người phụ nữ về mạch nước sống văng ra cho đến sự sống đời đời là như vậy.
Trong một chương khác của sách Phúc âm Giăng chương 7, câu 37 và 38 chép rằng: “Người nào khát, hãy đến với Ta mà uống. Ai tin Ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy ra từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy”.
Tôi biết sự khác biệt giữa một mạch nước và một con sông. Chúa Giê-xu không nói đến một con sông mà là những con sông (số nhiều). Chúa Giê-xu đã đề cập đến hai Lẽ thật này (con sông và mạch nước) một cách thật tuyệt diệu. khi Chúa nói chuyện với người phụ nữ Sa–ma–ri bên một cái giếng, Ngài dùng chữ “mạch nước” văng ra cho đến sự sống đời đời. Tôi tin là Chúa Giê-xu muốn nói đến mối liên hệ cá nhân của một người, chứ không nói đến những người khác, điều đó cũng là mối liên hệ đến chính bạn, và sự sống đời đời của bạn.
Chúa Giê-xu cũng nói đến “Sông nước hằng sống”. Nó có nghĩa là đời sống Cơ-đốc-nhân đòi hỏi phải dư dật, sung mãn hơn là chỉ có tiếp nhận Chúa Giê-xu rồi chỉ mong chờ được lên Thiên đàng. Tôi luôn vui thích khi có người bàn luận về Thiên đàng, nhưng đôi lúc tôi cũng thấy buồn. Tại sao? Vì tôi không chỉ muốn có Thiên đàng ở trên trời, mà Thiên đàng cũng có thật ngay cả trên mặt đất này nữa.
Tôi còn nhớ một lần nọ tôi nghe một bài hát “Thiên đàng giáng trần và sự vinh quang tràn ngập hồn tô.” (Heaven came down and glory filled my soul) . Tôi Ngợi khen Chúa, điều đó rất đúng.
Gia-cốp nằm mơ thấy một chiếc thang dẫn từ đát lên tới Thiên đàng. Nếu chúng ta phải leo thang để lên Thiên đàng, tôi chắc là sẽ không bao giờ leo đâu. Chúng ta không cần phải làm việc ấy, vì Chúa Giê-xu đã từ trời xuống và Ngài đã đem Thiên đàng đến với chúng ta. Ngợi khen Chúa, tôi tin rằng Thiên đàng thật sự bắt đầu ngay từ thế gian này. Tại sao? Vì chính tại thế gian này chúng ta đã tiếp nhận Giê-xu, biết Ngài và nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình rồi. Dĩ nhiên, sẽ có một ngày chúng ta gặp Chúa Giê-xu trên Thiên đàng, lúc ấy mọi sự sẽ được trọn lành, nhưng ngay trên đất bây giờ, chúng ta cũng có thể kinh nghiệm được về mọi điều kỳ diệu của Thiên đàng. Chúa Giê-xu phán: “Ta ban sự vui mừng của Ta cho các con, hầu cho sự vui mừng trong các con cũng được đầy tràn. Ta ban cho các con sự bình an của Ta”. Đó là một lời hứa quý báu thay!
Khi hiểu được Lẽ thật này, tôi thưa với Chúa: “Thưa Chúa, con không những chỉ muốn là mạch nước văng ra đến sự sống đời đời, nhưng con muốn là “sông nước hằng sống” chảy từ trong lòng con nữa, mặc dầu con chưa hiểu hết được ý nghĩa này. Xin Chúa mở mắt con”.
Sông nước hằng sống
Đó là lời cầu nguyện của tôi cho tới một ngày nọ, Đức Chúa Trời đáp lời cầu xin của tôi một cách rất lạ thường. Tôi không ngờ được Ngài đã làm ơn cho tôi. Nếu như Ngài thực hiện theo cách tôi cầu xin, có lẽ tôi đã mất mát nhiều thứ lắm. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta như lời Ngài đã hứa, nhưng còn hơn điều chúng ta cầu xin. Ngợi khen Chúa, Ngài đã thực hiện lời hứa của Ngài như vậy..
Suốt 6 tháng tôi cầu xin Chúa về lời cầu nguyện “Sông nước hằng sống”, nhưng thật chỉ có Chúa mới biết được lời cầu xin của tôi. Đêm mà Đức Thánh Linh thăm viếng Hội Thánh tôi, tôi biết là không những Chúa Giê-xu đáp lời cầu xin cho cá nhân tôi, mà còn đáp lời cầu xin của nhiều người khác về “Sông nước hằng sống”.
Trong sách Công vụ các Sứ đồ chương 1, câu 4 đến 8, chúng ta đọc: “Lúc còn ở với các sứ đồ, Ngài dặn rằng: đừng ra khỏi thành Giêrusalem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các con đã nghe Ta nói. Vì chính Giăng đã làm phép Báp–têm bằng nước. Nhưng trong ít ngày tới đây, các con sẽ chịu Báp–têm bằng Đức Thánh Linh”.
Khi ấy những người nhóm tại đó thưa cùng Ngài rằng: “Thưa Chúa, có phải lúc này Ngài lập lại vương quốc Y–sơ–ra–ên chăng? Chúa phán rằng: Các con không biết được lúc nào hoặc kỳ hạn nào mà Cha đã định bởi quyền năng Ngài.”
“ Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng xuống trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng và đi ra làm chứng về Ta cả thành Giê–ru–sa–lem, hết xứ Giu–đê, xứ Sa–m–ari và cho đến tận cùng thế giới.”
Chúa Giê-xu nói với các môn đồ Ngài rằng: “Các con hãy trở lại Giê–ru–sa–lem cầu nguyện và chờ đợi cho đến khi nhận được điều Cha đã hứa. Giăng đã làm Báp–têm cho các con bằng nước. Nhưng trong ít ngày tới đây, các con sẽ nhận Báp–têm bằng Thánh Linh và bằng lửa. Hãy trở về và chờ đợi”. Chúa Giê-xu cũng nói tiếp: “các con sẽ nhận lấy quyền năng và đi ra làm chứng về Ta cả thành Giê–ru–sa–lem, hết xứ Giu–đê, xứ Sa–m–ari và cho đến tận cùng thế giới.”
Khi cuộc phấn hưng khởi sự, tôi mới hiểu được lời Chúa Giê-xu nói: “Mạch nước sự sống văng ra đến sự sống đời đời và sông nước hằng sống đó đã chảy ra như vậy”. Mạch nước văng ra đến sự sống đời đời đó không có liên quan gì đến những người khác, mà chỉ có giữa Chúa và tôi mà thôi. Còn sông nước hằng sống này không những liên quan đến tôi, mà cũng liên quan đến những người lân cận tôi nữa. Mạch nước là nơi cá nhân bạn đến múc, sông nước là nơi nước tuôn ra và chảy đến những người khác.
Tôi tin rằng có hai kinh nghiệm khác nhau khi bạn tiếp nhận Chúa Giê-xu.
Thứ nhất, bạn có sự thông công với Đức Chúa Trời, và sự bình an trong Ngài, và bạn biết chắc có một ngày nào đó bạn sẽ về Thiên đàng. Thứ hai, khi tôi kinh nghiệm được sự đầy dẫy Đức Thánh Linh. Đó là lúc Đức Chúa Trời đãi tôi theo ý của Ngài, khiến Ngài sử dụng tôi để tuôn tràn nước hàng sống đến với nhiều người khác nữa.
Trước cuộc phấn hưng, chúng tôi nghĩ rằng việc giảng Tin-Lành là việc của các Mục sư, của các Trưởng lão. Nhưng chúng tôi đã khám phá ra rằng, bất cứ mọi Cơ-đốc-nhân phải là một chứng nhân cho Chúa. Chúng ta không phải chỉ có mỗi một việc là đi đến nhà thờ, nhóm lại cầu nguyện… rồi sau đó về nhà và ngủ. Nhưng chúng ta phải thật sự dấn thân vào công việc đem nhiều tội nhân về cùng Chúa Giê-xu. Đây không phải là việc riêng của Mục sư, của các trưởng lão, mà là của mỗi Cơ-đốc-nhân phải thi hành.
Từ sau đêm bắt đầu xảy ra phấn hưng, thì ngay ngày hôm sau đã có nhiều người đi ra giảng về sứ điệp kỳ diệu này như theo Phúc âm Mác chương 16, câu 15 đến 20: “Chúa phán cùng các môn đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian giảng Tin-Lành cho mọi người. Người nào tin và chịu Báp-têm thì sẽ được cứu. Ai không tin sẽ bị đoán phạt. Những người tin sẽ được các dấu lạ này: Nhân danh Ta mà đuổi quỷ, dùng tiếng mới (nguyên văn: speak with new tongues) mà nói, bắt rắn trong tay, nếu có uống giống chi độc cũng chẳng bị hại gì, đặt tay trên người bệnh thì người bệnh sẽ lành”.
Mọi điều Chúa đã phán đó chính là những gì đã xảy ra tại đảo Timor thuộc đất nước Indonesia của tôi. Trước cuộc phấn hưng, chúng tôi chưa bao giờ kinh nghiệm được những điều này, tôi có thể giải thích cho bạn vì sao chúng tôi lại có được như vậy.
Chúa Giê-xu phán với chúng ta hãy đi ra giảng Tin Lành, Ngài hứa là những dấu kỳ, phép lạ sẽ đi theo lời giảng của chúng ta đến bất cứ nơi nào chúng ta đến. Ngày nay, Đức Chúa Trời không thể hành động trong nhiều Hội Thánh là vì chúng ta cứ ở một chỗ tại trong Hội Thánh của mình mà không chịu đi ra. Chúa đã phán: “Hãy đi khắp thế gian”, còn chúng ta thì cứ ở một chỗ không chịu đi đến với thế gian, trong khi thế gian lại đang chờ đợi chúng ta đến với họ. Cho nên thế gian nói rằng: “Thôi, tốt nhất là chúng ta hãy đi vào Hội Thánh”. Bây giờ thì thế gian đã bước vào trong Hội Thánh, làm ô uế mọi điều thiêng liêng trong Hội Thánh, biến Hội Thánh của chúng ta trở thành thế gian.
Chỉ có hai con đường để chọn lựa: Một là Hội Thánh đi đến với thế gian, hai là thế gian sẽ tràn vào Hội Thánh.
Tại sao chúng ta không đi ra truớc khi điều này xảy đến? Bởi vì chúng ta không hề có “nước hằng sống”, chưa hề kinh nghiệm được quyền năng của Đức Thánh Linh như Nước hằng sống phát lưu ra từ đời sống của chúng ta.
Những gì bạn đọc được trong Phúc âm Mác chương 16 đều đã xảy ra cho Hội Thánh chúng tôi, tôi chỉ có thể nói: “Cảm tạ Chúa Giê-xu, vì tình yêu của Ngài, quyền năng và sự thương xót của Ngài đã ban Đức Thánh Linh đến trên đất nước của con”
– Nhiều người hỏi tôi: “Chúa Giê-xu của anh có phải là Đức Chúa Trời hằng sống không?”
– Dĩ nhiên, vì tôi là tôi tớ của Ngài, tôi sẽ trả lời rằng: “Đúng, Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống”
– Có khi họ cũng sẽ hỏi tôi câu này nữa: “Ngài có thể chữa bệnh được không?”.
Kinh Thánh trả lời “Có”, trước kia thì tôi chưa bao giờ kinh nghiệm được điều này, bây giờ thì tôi có thể trả lời là: “Dĩ nhiên, Ngài làm được” (Các nhà truyền giáo đã dạy tôi rằng, phải tin tất cả những gì Kinh Thánh nói. Nhưng đối với họ, đó chỉ là bài giảng. Sau cuộc phấn hưng, người Indonesia chúng tôi là người đơn sơ nên chúng tôi tin mọi lời Kinh Thánh là đúng y như thế).
Tôi nhớ một ngày nọ, tôi đến làng Haumenibale để giảng về Chúa Giê-xu cho dân làng ở đó. Nhiều người đã trở lại với Chúa, đốt bùa ngải và hình tượng của họ.
Có một em ở đó bị một cái mụn thật to bên má trái. Nó làm em đau đớn lắm, tôi trông thấy cái mụn này thật kinh tởm.
– Cha của em nói với tôi: “Anh Mel ơi, anh nói với chúng tôi về Chúa Giê-xu hằng sống, rằng Chúa Giê-xu ngày hôm qua, hôm nay, và cho đến đời đời không bao giờ thay đổi. Anh cũng kể cho chúng tôi nghe những mẫu chuyện về Chúa Giê-xu chữa lành bệnh cho nhiều người cách đây 2000 năm. Vậy bây giờ anh hãy cầu nguyện Chúa Giê-xu chữa bệnh cho con của tôi nhé! Được không anh?”
Tôi bối rối quá. Bạn biết không, vì tôi chưa bao giờ kinh nghiệm Chúa Giê-xu chữa lành bệnh. Tôi biết điều này có chép trong Kinh Thánh và chúng tôi là những người tin Kinh Thánh từ sách Sáng thế ký chương 1, câu 1 cho đến sách cuối cùng là Khải huyền chương 22, câu 21. Chúng tôi tin Kinh Thánh, xưng nhận Kinh Thánh và biết Kinh Thánh. Nhưng tôi nói thật với bạn là biết Kinh Thánh, tin Kinh thánh từ đầu đến cuối nhưng khi đặt mình vào hiện thực thì lại không giống Kinh Thánh chút nào. Bạn biết Kinh Thánh trong “đầu” bạn là một chuyện, nhưng áp dụng Kinh Thánh vào “lòng” bạn trong cuộc sống mỗi ngày thì lại là một chuyện khác xa!
– Người cha đó lại thúc hối tôi lần nữa: “Anh Mel ơi, xin anh hãy cầu nguyện cho con của tôi đi”.
– Tôi không biết phải làm gì, tôi không muốn cho họ biết là tôi đang lo sợ lắm. Lòng tôi cầu nguyện khẩn thiết với Chúa: “Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì đây?”…
Tôi chợt thấy hối hận cho chính mình, vì tôi nói với họ tất cả những gì quyền năng của Chúa Giê-xu có thể làm được. Tôi nghĩ: “Phải chi mình chỉ nói cho họ biết về sự Cứu rỗi linh hồn mà đừng nói gì về sự chữa bệnh thể xác, hoặc mình chỉ tỏ cho họ con đường đến với Chúa Giê-xu để có một tấm lòng mới mà thôi thì đã không gặp chuyện rắc rối như bây giờ! Tại vì tôi đã thuật cho họ nghe về Chúa Giê-xu chữa bệnh trong thời của Kinh Thánh, bây giờ họ muốn mình cầu nguyện để được chữa lành. Ôi, tôi đã thiếu khôn ngoan quá. Đáng lý ra mình không nên giảng như thế! Chúa ơi, bây giờ con phải làm sao đây?”
– Chúa bảo tôi: “Con hãy cầu nguyện cho họ. Con không phải là người chữa bệnh, mà là chính Ta, Giê-xu Christ là Đấng chữa lành. Con hãy nói cho họ biết về Ta, và sau đó hãy để cho Ta làm công việc của Ta”.
– Vì thế, tôi bảo người đàn ông: “Được, tôi sẽ cầu nguyện, nhưng ông bà phải tin nơi Đức Chúa Trời”.
Ông ta đáp ngay: “Đúng, anh đã nói chúng tôi thế nào, chúng tôi tin thế đó”.
Tôi trả lời: “Chúa ơi, con đoán (guess) là họ có đức tin, nhưng con không biết con có đủ đức tin để cầu nguyện nữa không”.
Họ hiệp lại để cầu nguyện, còn tôi thì không biết mình phải làm gì. Tôi không biết là tôi có nên đặt tay mình trên em ấy hay không, vì trong Hội Thánh chúng tôi chỉ có những người nào được phong chức mới có thể đặt tay trên bất cứ ai. Tôi chỉ là tín đồ thường thôi… Nhưng tôi nhớ lại Kinh Thánh dạy rằng, nếu đặt tay trên người bệnh thì người bệnh sẽ được lành nên tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa, con không phải là Mục sư được phong chức (an ordained pastor). Nếu con có sai thì xin Chúa tha thứ cho con, nhưng con làm sẽ theo Kinh Thánh dạy. Con sẽ đặt tay trên em trai này và cầu nguyện cho em”.
Tôi nghĩ: “Ồ, nếu ông Mục sư mình biết điều này, chắc ông ta sẽ nổi điên lên vì chúng ta được dạy chỉ theo mệnh lệnh của ông ta”. Chúng ta phải đặt dưới sự truyền chức ràng buộc về hình thức nhiều hơn
– Tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa, con không phải là Thầy nọ Thầy kia (nguyên văn:Reverend so-and-so), nhưng con tin nơi Ngài và con muốn cầu nguyện cho người em của con…”. Thế rồi tôi đặt tay trên người em bé ấy để cầu xin Chúa chữa bệnh cho em. Sau khi cầu nguyện xong. Tôi nói “A–men”. tôi đang chờ đợi điều sẽ xảy ra.
Nhưng mọi sự vẫn như không có gì, và trước khi họ hỏi tôi thêm câu hỏi khác, thì tôi xin kiếu: “Tôi xin lỗi qúy vị, bây giờ tôi có hẹn với một người khác nữa nên phải đi ngay”. Nói xong tôi liền rời khỏi nơi ấy ngay. Bạn biết vì sao không? Vì tôi không thể chờ đợi nổi để xem Đức Chúa Trời hành động, vì tôi quá lo sợ nếu bị hỏi lại: “Tại sao Đức Chúa Trời chưa chữa lành cho con tôi…”
Tôi cầu nguyện với Chúa “Chúa ơi, con tin Ngài, nhưng nếu như bây giờ em bé đó chưa được chữa lành thì con thật không biết điều gì sẽ xảy ra cho họ?”
Sáng hôm sau cha của đứa bé ấy đến gặp tôi. Tôi nghĩ chắc ông ta đến đây để yêu cầu tôi cầu nguyện một lần nữa, hoặc báo tin cho tôi có điều gì không ổn xảy đến đứa trẻ kia! Nhưng ông ta tươi cười nói: “Anh Mel à, tôi có tin vui đây: Khoảng 2 phút sau khi anh tạm biệt chúng tôi, thình lình Đức Chúa Trời đã chạm đến con tôi và mụn bỏng ấy đã vỡ ra. Thật kỳ diệu, từ hôm qua đến hôm nay, cháu có thể ăn được mà đã nhiều ngày trước đó cháu không ăn được gì, chỉ uống nước mà thôi. Tôi liền đến đây để nói với anh hay tin là Chúa Giê-xu của anh đã chữa bệnh cho cháu rồi, thật là tuyệt diệu”
– Tôi la to lên “Ngợi khen Chúa”, nhưng tận trong đáy lòng tôi thổn thức: “Ôi Chúa Giê-xu ơi, xin Ngài tha thứ sự vô tín của con, con chỉ cần đợi thêm 2 phút nữa thôi thì con đã chứng kiến quyền năng của Ngài trên em bé trai ấy rồi. Vì con thiếu đức tin, con đã trốn chạy nên đã hụt mất tất cả ơn phước mà Ngài muốn con được chứng kiến quyền năng của Ngài…”
– Thật là một bài học cho tôi, tôi thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho con. Đây là bài học đầu tiên cho con, nhưng nếu Ngài cho con cơ hội để thi hành chức vụ của Ngài cho các anh em mình thì con tin Ngài có thể làm được mọi sự”.
Chương 11
TÔI GHÉT TIẾNG LẠ
Một trong phần lớn những điều làm tôi rầy rà nhất chính là câu Kinh Thánh: “và họ sẽ nói bằng tiếng mới”. Tôi thuộc Giáo hội Trưởng Lão Hà Lan, thú thật với bạn, tôi ghét Tiếng lạ lắm. Mặc dù tôi biết Kinh Thánh có nói về Tiếng lạ, song tôi không ưa một tí nào. Nếu bạn hỏi tôi tại sao, tôi có thể nói ra hàng tá lý do – trong vòng những lý do đó là sự kiện mà nhiều người nghĩ rằng Tiếng lạ chỉ xảy ra (và có thật) trong thời của Kinh Thánh đã chép cách đây gần 2000 năm rồi. Cũng có nhiều lối giải thích về việc nói Tiếng lạ, tôi hoang mang không biết mục đích của tôi như thế nào đây? Nên tin hay là không nên tin chăng?
Có lẽ lý do quan trọng nhất mà tôi không thích Tiếng lạ ấy là vì tôi không có kinh nghiệm về Ân tứ đó mà thôi. Tôi chỉ sử dụng kinh nghiệm của riêng tôi làm tiêu chuẩn cho mình chứ không dựa vào Kinh Thánh. Đó cũng là một nan đề của nhiều người. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề Tiếng lạ thì nhiều người hỏi tôi rằng: “Anh Mel ơi, anh nói cái gì thế? Tiếng lạ à? Anh có phải là người của Giáo hội Ngũ Tuần không?”.
-Tôi trả lời: “Không, tôi là người của Giáo hội Trưởng Lão”.
Dù cho chúng ta là những người Tin lành, không phải là Ngũ Tuần thì cũng chẳng có ai ưa Tiếng lạ mà lại có thành kiến đến ngay cả từ Tiếng lạ. Chúng tôi rất bực mình khi nghe có người nói là họ có Tiếng lạ. Nếu chúng tôi có quyền, thì nhiều người trong chúng tôi dám loại bỏ ra khỏi Kinh Thánh những chương hoặc những câu nào có nói đến Tiếng lạ, và hãy quên chúng đi. Nhưng tôi tin rằng từ khi Chúa Giê-xu nói về Tiếng lạ, và Kinh Thánh cũng nói với chúng ta về Tiếng lạ thì ắt nó phải có vấn đề gì rồi.
Tôi cho rằng, Tiếng lạ là một điều rất nhỏ. Tôi nhớ lại những năm về trước tôi thưa với Chúa rằng: “Thưa Chúa, con muốn quyền năng, nhưng con không muốn nói Tiếng lạ”.
Đó thật là một lời cầu nguyện khôi hài. Có lẽ thế, nhưng đó lại là một lời cầu nguyện thật của lòng tôi. Tôi muốn thú thật với Chúa là tôi không muốn nói Tiếng lạ.
– Tôi cũng nhớ lại khi Chúa phán với lòng tôi rằng: “Mel ơi, tại sao con không muốn nói Tiếng lạ?”.
– Tôi thưa với Chúa: “Đó là một điều nhỏ mà thôi, con muốn có những điều lớn hơn như tình yêu, làm phép lạ hoặc những điều gì khác lớn hơn nữa… Vì Kinh Thánh xếp Tiếng lạ vào bậc cuối cùng trong các Ân tứ mà”.
Kinh Thánh nói rằng, Ân tứ nói Tiên tri lớn hơn Ân tứ nói Tiếng lạ, vì vậy mà tôi đã giải thích rằng Tiếng lạ là Ân tứ nhỏ mà thôi, và tôi lại thưa với Chúa Rằng: “Thưa Chúa, con không thích Tiếng lạ đâu. Con muốn những Ân tứ lớn hơn kia kìa”.
– Một ngày nọ, Chúa phán với tôi (có đôi khi Đức Chúa Trời lại phán với chúng ta những lời dịu dàng trước khi Ngài bắt phục tấm lòng ta), “Mel à, một ngày kia rồi con sẽ có người yêu, một hôm nào đó, cô ấy nói với con rằng: Anh xem, em có một vật này, và cô ta cho con xem một vật gì giống như cây thập tự nhỏ xíu được thắt bằng chỉ, nó đáng giá chỉ 50 xu. Vì nó là của người con yêu nên con nhận lấy và vui lắm, rồi thưởng cho cô ta một cái hôn. Con sẽ nói rằng: Cám ơn em, em đáng yêu quá…! Tại sao con lại chấp nhận một món quà nhỏ chỉ có 50 xu thôi? Không phải món quà đó giá trị ở số tiền, mà là nó được tặng bởi người tặng con món quà đó. Và con nhận nó vì người yêu con tặng cho con. Con có thể tự mình đi mua món quà đó được chứ? Và nếu nó có giá trị đến 200 Đô-la thì con cũng có thể mua được ngay cả mua bằng vàng nữa. Vậy mà con lại vui vẻ nhận một món quà chỉ đáng giá 50 xu. Con vui không phải vì món quà đó, mà vui vì người tặng món quà đó cho con mới là quan trọng, phải không?”.
– Rồi Chúa lại phán với tôi nữa: “Cũng thế, Mel ơi. Ân tứ nói Tiếng lạ là “món quà” nhỏ đó con, nhưng tại sao con lại từ chối nó? Nếu con nhận nó, không phải vì nó là lớn hay nhỏ, mà là con phải tôn trọng Đấng ban cho con chứ?”.
Nhiều người nói là họ tôn kính Đức Chúa Trời, nhưng thật ra họ chẳng tôn kính Ngài chút nào cả. Vì khi họ nói về Tiếng lạ thì họ ghét lắm và nói rằng: “tôi không thích điều nhỏ mọn khôi hài nói lảm nhảm đó (funny jibbering thing)”.
Làm sao mà chúng ta lại nói rằng Ân tứ của Đức Chúa Trời ban cho là điều “khôi hài nói lảm nhảm” mà chúng ta không cần đến? Lẽ ra chúng ta tôn kính Ngài thì phải nhận lấy bất cứ điều gì Chúa muốn ban cho chúng ta, bất kể nó là lớn hay nhỏ.
Ai cũng có thể nhận được Ân tứ lớn, và cũng có thể nhận được Ân tứ nhỏ. Dù Ân tứ lớn hay nhỏ thì điều cần phải nhìn thấy rằng thái độ của chúng ta có thật yêu Đức Chúa Trời qua việc nhận Ân tứ của Ngài hay không?
Sau đó Đức Chúa Trời phán với tôi, và Ngài dẫn tôi đi đến một điều mà tôi có thể nói là: “Ân tứ này thì nhỏ thật, song cũng là một Ân tứ lớn hơn hết đối với tôi. Tôi phải thật sự ăn năn tội cứng lòng của tôi vì tôi không tôn kính Chúa Giê-xu”.
– Tôi nói: “Vâng, thưa Chúa, Ngài phán trong Kinh Thánh rằng hễ người nào tin sẽ dùng tiếng mới mà nói. Con đã nghe chị con nói Tiếng lạ khi cuộc phấn hưng đến, nhưng con không có kinh nghiệm đó cho chính con”.
– Chúa Giê-xu phán với tôi: “Con đừng bao giờ dùng kinh nghiệm của con để làm chuẩn mực (standar). Nếu con chưa bao giờ có kinh nghiệm về điều đó, thì không có nghĩa là con không thể có nó”.
Hãy để tôi hỏi bạn một câu nhé. Bạn có bao giờ lên Thiên đàng chưa? Chưa! Bạn chưa có ở đó và cả tôi cũng chưa có ở đó bao giờ. Chúng ta chưa có ở đó lấy một ngày. Thế mà chúng ta lại gọi Thiên đàng đó là nhà mình? Nếu chúng ta dùng kinh nghiệm của mình để làm chuẩn mực thì chúng ta cũng nên quên Thiên đàng đó đi, vì có ai trong chúng ta đã ở nơi đó chưa? Vậy thì chuẩn mực của chúng ta là gì? Phải chăng đó là Kinh Thánh! Tại sao chúng ta tin có Thiên đàng? Bởi vì Kinh Thánh đã nói như thế.
– Tôi tiếp tục thưa với Chúa: “Con không tin Tiếng lạ vì con chưa có kinh nghiệm đó cho chính con”. Nhưng kinh nghiệm của tôi có thể không bao giờ là chuẩn mực gì được cả. Kinh Thánh phải là chuẩn mực cho tôi. Khi tôi đang nói tới đây, tôi mở Kinh Thánh ra để xem thử Tiếng lạ thật sự có ý nghĩa gì, và vị trí của Tiếng lạ trong Kinh Thánh ra sao.
Có nhiều câu Kinh Thánh mà tôi muốn kể lại với bạn trong sự tìm kiếm riêng của tôi về Lẽ Thật này. Nhưng tôi sẽ bắt đầu từ sách Công vụ các Sứ Đồ chương 2.
– Tôi nói: “Vâng, thưa Chúa, đấy là Tiếng lạ, vì Kinh Thánh cho chúng con biết rằng khi Đức Thánh Linh giáng xuống trên các Sứ Đồ thì họ có nói Tiếng lạ. Nhưng con nghĩ là ngay lúc đó các Sứ đồ dùng Tiếng lạ là để giảng Tin Lành thôi chứ!”.
Chúa bảo tôi đọc lại những câu trong chương 2 này thật kỹ, vừa đọc vừa cầu nguyện cho đến khi nào tôi tìm ra được chỗ nào chép là các Sứ đồ đã không giảng Tin lành bằng nhiều thứ tiếng. Tại sao? Chúng ta hãy xem câu 5 rằng, “họ là những người Do Thái, người mộ đạo đang cư trú tại Giê-ru-sa-lem, là các sắc dân từ khắp nơi về đây dự lễ. Bấy giờ, khi nghe tiếng giảng đạo vang ra, dân chúng liền tụ tập đến và họ sững sờ vì mọi người có mặt ở đấy đều nghe được các Sứ đồ nói tiếng nói của xứ mình”.
– Lý do thứ nhất: Các Sứ đồ và 120 Tín hữu trên phòng cao đang cầu nguyện với nhau. Không ai quấy rầy họ cả. Cuối cùng thì Đức Thánh Linh đến trên họ và họ khởi sự nói Tiếng lạ, họ thờ phượng Chúa. Vì tiếng ồn ào đó mà dân chúng bên ngoài nghe thấy mà chạy đến với họ. Khi dân chúng đến, họ nhìn ra là các Sứ đồ đang nói “Tiếng lạ”.
– Lý do thứ hai: Điều này thật khó mà nói là ngay lúc ấy các Sứ đồ đều giảng Tin lành đến 14 hoặc 15 thứ tiếng cùng một lúc được? Và cũng không thể tin nổi là có đến 15 dân tộc đứng chung với nhau (câu 8-11) thì làm sao cùng một lúc họ nghe được hết 15 thứ tiếng cho cả đám đông? Nếu chỉ hơn 2 thứ tiếng được nói cùng một lúc thôi đã là khó mà ai hiểu nổi, huống chi một mình một người nói bằng 15 thứ tiếng khác nhau?
– Lý do thứ ba: Trong câu 14 chép rằng: “Nhưng khi Phê-rơ đứng lên giữa vòng 11 Sứ đồ, ông cất tiếng lên nói với dân chúng rằng” Hỡi người Giu-đa và hết mọi dân cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem. Quý vị hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi…. “. Có nghĩa là nếu trước đó các Môn đồ kia đã giảng Tin lành rồi, vậy thì Phê-rơ không có lý do gì để đứng lên giảng Tin lành lại thêm một lần nữa. Mà là, Phe-rơ đứng lên để giảng cho dân chúng bằng chính ngôn ngữ mà họ hiểu được, có khoảng 3000 người tiếp nhận Chúa Giê-xu (câu 11).
Tôi tiếp tục tìm trong Kinh Thánh, và cố tìm cho ra những chỗ nào có nói đên Tiếng lạ. Khi Lẽ Thật đến với tôi, tôi mới khám phá ra rằng: “Tiếng lạ” có ý nghĩa rất quan trọng cho đời sống của Cơ-Đốc nhân. Nhưng với mục đích gì? Tôi đọc đến chương 8, câu 5 và 6 chép rằng: “Khi Phi-líp đi xuống xứ Sa-ma-ri và đã giảng cho dân chúng ở đó biết về Đấng Christ, người dân cùng một lòng lắng nghe lời giảng của Phi-líp, vì họ nghe và thấy các phép lạ mà ông đã làm”. Dân xứ Sa-ma-ri đã nghe và thấy lời giảng và phép lạ mà Phi-líp đã làm nên họ tin. Không chỉ có chừng ấy thôi, mà ngay cả tà linh cũng kêu la lớn tiếng rồi ra khỏi người bị ma quỉ nhập. Có nhiều người què được lành, người bị quỉ nhập được giải phóng.
Có sự vui mừng lớn trong xứ Sa-ma-ri, nhưng dường như vẫn còn thiếu điều gì đó. Họ được nghe giảng về Chúa Giê-xu Christ, có nhiều người chịu phép Báp-têm. Họ biết đước sự vui mừng lớn đó, vì các phép lạ đã được thực hiện, quỉ cũng bị đuổi đi. Bây giờ chúng ta đọc tiếp trong câu 14 đến 17 chép rằng: “Khi các Sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem nghe tin xứ Sa-ma-ri đã tiếp nhận Đạo Đấng Christ (Lời Đức Chúa Trời), họ liền cử Phê-rơ và Giăng đi đến đó để cầu nguyện cho người Sa-ma-ri nhận lấy quyền năng của Đức Thánh Linh (vì lúc đó Thánh Linh chưa giáng xuống trên một người nào ở tại đây, họ mới chỉ thực hiện Lễ Báp-têm nước trong Danh Chúa Giê-xu mà thôi). Khi 2 Sứ đồ đặt tay trên họ thì họ nhận được Đức Thánh Linh”.
Điều đó rõ ràng là người Sa-ma-ri chưa nhận được Đức Thánh Linh cho đến khi Phê-rơ và Giăng đến cầu nguyện cho họ. Sau đó, có một người tên là Si-môn đem tiền đến dâng cho Phê-rơ và Giăng để xin 2 Sứ đồ cho ông ta cũng nhận được phước lớn đó. Câu hỏi ở đây là: Tại sao ông Si-môn lại cảm kích điều lạ lùng ấy (Đức Thánh Linh) và muốn có quyền năng đó? Tại sao trước đó ông không muốn điều này? Vì ông đã nhìn thấy các phép lạ, đuổi quỉ và niềm vui mừng lớn trong dân chúng đang diễn ra. Những điều này không cảm động ông cho đến khi thấy dân chúng nhận được Đức Thánh Linh thì ông đổi thái độ muốn nhận lấy quyền năng như các Sứ đồ? Ở đây Kinh Thánh không nói rõ là họ có nói Tiếng lạ hay không, nhưng có lẽ có điều gì đó hiện ra bên ngoài khiến Si-môn bị cảm kích mà đem tiền đến dâng cho 2 Sứ đồ để ông cũng nhận được năng quyền như mọi người.
Khi tôi đọc đến đây, tôi thưa với Chúa rằng: “Chúa Giê-xu ơi, quyền năng đó là gì?”. Chúa chỉ cho tôi biết là dân chúng xứ Sa-ma-ri đó có sự vui mừng từ trước đó rồi (trước khi nhận được Đức Thánh Linh). Và nếu chỉ có sự vui mừng khi nhận được Đức Thánh Linh không thôi thì chắc chẳng có gì lạ khiến cho Si-môn thấy và ước ao nhận được… Những phép lạ, đuổi quỉ, chữa bệnh vẫn không cảm kích được ông ta trước đó, vậy nên chắc chắn có một điều gì đó khác với những điều mà ông đã thấy.
Đến đây thì tôi chẳng hiểu được Lời Chúa nói gì, vì thế tôi đã để điều đó qua một bên rồi tôi đọc tiếp các câu khác…. Ôi, Kinh Thánh thật là kỳ diệu. Chúng ta chỉ cần mở lòng mình ra và cầu xin Chúa Giê-xu, Ngài sẽ giải thích rõ ràng cho chúng ta. Có lẽ chúng ta không có bằng cấp nào của các Trường Kinh Thánh cả, nhưng Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời có thể dạy chúng ta được nếu chúng ta chỉ cần cầu hỏi Ngài. Điều quan trọng là chúng ta có đủ khả năng trở nên “khờ dại” (foolish) để tin nơi Đức Chúa Trời hay không!
Chúng ta đọc tiếp đến Chương 10, từ câu 44, chúng ta thấy Kinh Thánh chép rằng: “Thánh Linh giáng trên hết thảy mọi người là những kẻ đã nghe đạo, họ là những tín hữu đã chịu phép cắt bì (là người Do Thái) tin Chúa Giê-xu, cũng như nhiều khác đã đến với Phê-rơ. Họ lấy làm ngạc nhiên lắm vì thấy sự ban cho của Đức Thánh Linh cũng đổ ra trên những người ngoại bang (dân ngoại) nữa”.
Khi Phê-rơ đang nói thì Đức Thánh Linh giáng xuống trên họ. Làm sao họ biết được Đức Thánh Linh đã giáng trên họ? Tôi nghe Phê-rơ nói và tôi cũng tin như vây. Nếu bạn muốn được Báp-têm bằng Thánh Linh, bạn chỉ cần có đức tin là bạn sẽ nhận được điều ấy.
Tôi tin rằng bất cứ mọi việc chúng ta nhận được chỉ bởi đức tin mà thôi. Nhưng tôi chưa bao giờ trông đợi điều gì đó xảy ra ở bên ngoài tôi, mà nó lại xảy ra bên trong con người tôi. Tôi đã hiểu được điều đó, tôi nói với Chúa rằng: “Thưa Chúa, con muốn đầy dẫy Thánh Linh Chúa”. Tôi yên lặng và thỏa lòng với tình trạng như vậy. Nhưng khi đọc đến chương 10 này thì trong lòng tôi chẳng yên lặng chút nào.
Làm thế nào để người ta biết được bạn đã nhận được Báp-têm bằng Thánh Linh? Thật khó biết lắm. Trong chương 10 câu 46 chép rằng: “Vì các tín hữu nghe bọn họ (tức tín hữu dân ngoại tin Chúa Giê-xu) nói Tiếng lạ và ngợi khen Đức Chúa Trời”.
Khi tôi đọc đến đây, tôi tự nhủ lòng tôi rằng: “Chúa ơi, Ngài biết con thuộc Giáo hội Trưởng Lão mà, con đâu phải là thuộc viên của Giáo phái Ngũ Tuần đâu (tôi cũng có đôi chút thành kiến với những người Ngũ Tuần bởi vì tôi thấy họ hay la hét… tôi nói với Chúa: “Chúa ơi, con không thích thờ phượng Chúa như kiểu đó). Con vẫn là người của Giáo hội Trưởng Lão. Chúa đã biết lòng con rồi đó, trước khi Ngài đến với đời con, thì con không muốn làm mất đi mẫu mực của Giáo hội của con đâu”. Tôi cầu nguyện đến đó và chợt thấy kinh ngạc cho chính mình.
Khi A-na-nia nói với Phao-lô: “Tôi đã thấy Chúa Giê-xu hiện ra cùng anh trên con đường mà anh đi tới đây. Ngài đã sai tôi đến với anh để anh có thể nhận được sự sáng mắt trở lại và được đầy dẫy Đức Thánh Linh” (chương 9, câu 17). A-na-nia được Chúa Giê-xu sai phái đến với Phao-lô để thực hiện 2 điều: Thứ nhất: cầu nguyện để Phao-lô được sáng mắt. Thứ hai: để Phao-lô nhận được đầy dẫy Thánh Linh.
Tôi tin là nếu Chúa Giê-xu sai A-na-nia đi đến đó với 2 mục đích, thì Ngài phải làm hoàn thành cả 2 mục đích đó. Và chuyện gì đã xảy ra? Trong chương 9, câu 18. Chúng ta thấy: “Tức thì, Phao-lô được sáng mắt trở lại và chịu phép Báp-têm”. Kinh Thánh ở đây không nói rõ là Phao-lô đã nhận được đầy dẫy Thánh Linh khi nào, nhưng tôi tin là Đức Chúa Trời đã làm trọn thành cả 2 mục đích ấy qua A-na-nia.
Có một câu hỏi đặt ra ở đây là, Lúc đó Phao-lô có nói Tiếng lạ không? Trong thư 1 Cô-rin-tô chương 14 câu 18, Phao-lô nói rằng: “Tôi nói Tiếng lạ còn nhiều hơn anh em”. Phao-lô là một người anh đáng kính, chúng ta có thể tin ông khi ông nói đến điều này trong các thư tín của ông trong Kinh Thánh. Tôi chắc chắn là bạn cũng tin được Phao-lô ở điểm này.
Phao-lô cũng nói rằng: “Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời tôi vì tôi nói Tiếng lạ nhiều hơn hết các anh em”.
– Vì vậy tôi thưa với Chúa rằng: “Chúa Giê-xu ơi, có điều gì sai trật trong con rồi chăng? Phê-rơ, Giăng, Phao-lô họ đều nói Tiếng lạ, Ngay đến anh, chị của con tại Indonesia trong cuộc phấn hưng ở mọi buổi thờ phượng Ngài, họ cũng nói Tiếng lạ, có người nói tiếng Đức, có người nói tiếng Ý, có người nói tiếng Anh. Con còn nhớ đến ngay cả có một chị kia nói được tiếng Hê-bơ-rơ. Con không biết tiếng Hê-bơ-rơ, nhưng con nhận ra khi nghe được chữ “Shalom” nó có nghĩa là “Bình an”. Chúa ơi, có điều gì sai trật trong con rồi chăng?”.
– Chúa phán với tôi: “Cưng ơi, con khôn quá đi thôi!” (nguyên văn: Honey, you’re too smart!).
– Tôi thưa lại: “Chúa Giê-xu ơi, đó là lý do mà con không thể đạt đến kinh nghiệm này sao?”.
– Chúa phán: “Đúng, con khôn lắm. Những người kia đã dâng chính đời sống họ cho Ta, nên Ta ban cho họ ơn nói Tiếng lạ”. Có một chị kia nói được tiếng Anh đến bảo tôi rằng: “Mel ơi, có điều gì sai trật trong tôi rồi! Sao tôi nói được thứ tiếng gì kỳ cục quá”.
– Tôi trả lời chị ấy: “Chị đừng nghĩ là nó kỳ cục, đó là một ngôn ngữ tuyệt diệu – tiếng Anh đấy! Tôi hiểu nó, chị hãy tin tôi đi, nó không kỳ cục đối với Đức Chúa Trời đâu”.
– Rồi tôi lại nói với Chúa: “Thế thì đã có gì sai trật trong con rồi chăng? Con chưa đủ khờ dại để tin Lời Ngài sao? Bây giờ con ý thức được việc nói Tiếng lạ đã chiếm lấy một chỗ trong đời sống đạo của con rồi, nhưng đó là chỗ nào?”.
Trong thư 1 Cô-rin-tô chương 12, câu 30 nói rõ ràng là không phải tất cả mọi người đều nói Tiếng lạ cả.
– Tôi nói: “Chúa ơi, Chúa xem chỗ này chép là không phải tất cả ai cũng đều nói Tiếng lạ cả”.
– Chúa đáp lời tôi: “Con hãy nói thật với chính con đi. Con đã dùng câu ấy nhưng con lại nói sai rồi. Tại sao vậy? Bởi vì câu đó nói là tất cả không phải ai cũng đều nói Tiếng lạ, nhưng con lại hiểu là “mọi người đều không thể nhận được Ân tứ đó”.
Cuối cùng, tôi ý thức rằng chúng ta đã làm mất đi một điều gì đó từ Lẽ Thật này. Khi tôi đọc “thật kỹ” trong thư 1 Cô-rin-tô chương 14, câu 5, tôi thấy được rằng: “Tôi ước ao hết thảy anh em đều nói Tiếng lạ”. Câu này thật sự làm đảo lộn tâm trí tôi. Tôi nghĩ là, “Phao-lô ơi, ông nói như thế có nghĩa gì?” Trong chương 12 câu 30 ông nói là: “Tất cả không ai nói Tiếng lạ”, nhưng đến chương 14 câu 5 ông lại nói là: “Tôi ước ao hết thảy anh em đều nói Tiếng lạ…”. Tại sao kỳ cục quá? Câu này lại mâu thuẫn (contradict) với câu kia, nghĩa là làm sao?”.
Không, Kinh Thánh không thể có mâu thuẫn. Tôi tin cả 2 câu trên đều đúng, nhưng tôi vẫn còn lẫn lộn nó, nên tôi hỏi Chúa: “điều này có ý nghĩa gì?”.
Chúa bắt đầu chỉ cho tôi điều đã làm cho tôi bị lẫn lộn. Khi Phao-lô nói: “Tất cả không nói Tiếng lạ” nghĩa là ông nói về các Ân tứ thuộc linh ban cho, và ơn nói Tiếng lạ công khai giữa Hội chúng thì phải có sự thông dịch. Không phải tất cả ai cũng có Ân tứ này (Ân tứ thông dịch, thông giải Tiếng lạ). Khi Phao-lô nói về điều ông ước ao hết thảy mọi người đều được ơn nói Tiếng lạ ở đây không có nghĩa là nói Tiếng lạ ở nơi Hội chúng, mà là nói Tiếng lạ của cá nhân mỗi người nói với Chúa Giê-xu mà thôi. Trong 1 Cô-rin-tô chương 14, câu 2, chúng ta thấy chép rằng: “Khi một người nói Tiếng lạ nghĩa là người ấy không phải nói cho người ta nghe bèn là nói với Đức Chúa Trời, vì chẳng có ai hiểu người ấy nói gì. Ấy là trong tâm thần họ (spirit) nói lời mầu nhiệm”. Kinh Thánh thuật lại rất đơn sơ rằng, việc nói Tiếng lạ có thể được sử dụng cho cá nhân người Tín hữu trong mỗi trong mối tương giao với Đức Chúa Trời. Trong câu 4 lại nói: “Người nói Tiếng lạ là tự gây dựng lấy chính mình”.
– Tôi nói: “Nếu nói Tiếng lạ có thể gây dựng cho chính mình thì nó quan trọng là dường nào”.
Phao-lô nói trong câu 14 , “Vì nếu tôi cầu nguyện bằng Tiếng lạ thì tâm thần tôi (my spirit) cầu nguyện, nhưng trí hiểu tôi (my understanding) thì “lửng lơ” (nguyên văn là “không sanh bông trái” – unfruitful)”. Tôi nói: “Đức Chúa Trời ơi, thật kỳ diệu quá đến nỗi tâm thần con (my spirit) cũng có thể nói chuyện được với Ngài. Thật là kỳ diêu! Đức Chúa Trời ơi, đó là điều con cần đến. Con sẽ cầu nguyện bằng trí hiểu, và tâm thần con sẽ cầu nguyện bằng Tiếng lạ”.
Cuối cùng tôi đi đến điểm mà tôi đã ý thức được rằng, Tiếng lạ là một điều kỳ diệu. Đức Chúa Trời ban cho tôi Ân tứ này ấy là để cá nhân tôi có thể tương giao bằng tâm tình của mình với Cha tuyệt vời. Điều ấy sẽ cảm hóa tôi, và Thần của Đức Chúa Trời sẽ khiến tôi có thể tương giao (nói chuyện) được với Đức Chúa Trời.
Tôi cầu nguyện: “Đức Chúa Trời ơi, đây là một điều kỳ diệu quá. Làm sao con có thể nhận được Ân tứ đó? Chúa ơi, con không đòi hỏi mình phải có được Ân tứ nói Tiếng lạ ở giữa Hội chúng (nói sứ điệp giữa Hội chúng), nhưng con xin cho cá nhân con có thể thông công được với Ngài thôi”.
Sau cùng, Đức Chúa Trời nhắc tôi nhớ đến một bài hát của Wesley có lời như sau: “Dù người nói được cả ngàn thứ tiếng cũng không đủ để ngợi khen Cứu Chúa tuyệt diệu là Đấng Cứu rỗi cao cả của tôi…”.
Một ngày nọ, khi tôi đã giảng Tin Lành xong thì có một bài hát vui mừng, bình an từ trời tràn ngập lòng tôi. Tôi giơ hai tay lên trời và khởi sự ngợi khen Chúa. Dĩ nhiên, tôi sử dụng từ ngữ tốt đẹp nhất của tiếng Indonesia của tôi để thờ phượng Đức Chúa Trời. Một sự vui mừng và bình an thật tuyệt diệu đang tràn ngập hồn tôi. Nhưng sau 15 phút cầu nguyện bằng tiếng Indonesia xong, tôi cảm thấy có cả ngàn thứ tiếng con người cũng không đủ để thờ phượng Đấng Cứu rỗi cao cả của tôi. Sự vui mừng đó thấm sâu vào lòng tôi, và tôi vẫn còn muốn thờ phượng Đức Chúa Trời. Tôi muốn nói với Chúa Giê-xu rằng, “con yêu Ngài lắm!” và tôi đã nói câu ấy rất nhiều lần, nhưng tôi lại muốn nói nhiều hơn nữa. Sau đó tôi chấm dứt cầu nguyện bằng tiếng Indonesia, tôi bắt đầu dùng thổ ngữ của dân đảo Timor. Tôi cầu nguyện bằng thổ ngữ Timor được chừng 10 phút thì tôi cũng chấm dứt cầu nguyện bằng thổ ngữ đó.
– Tôi nói với Chúa: “Đức Chúa Trời ơi, con vẫn còn muốn thờ phượng Ngài. Lòng con còn muốn ca ngợi Chúa Giê-xu không thôi. Con đã cầu nguyện với Ngài bằng tiếng Indonesia, bằng tiếng Timor rồi. Chúa ơi, con biết chút ít Tiếng Anh và con muốn sử dụng tiếng Anh để thờ phượng Ngài”. Thế rồi tôi nói ngay bằng tiếng Anh: “Praise The Lord, I love You!” (Ngợi khen Chúa, con yêu Ngài lắm), cho dù sau đó có một vài từ nữa đến với tôi, tôi tiếp tục cầu nguyện chừng vài phút sau thì chấm dứt với chút ít tiếng Anh đó của tôi.
– Tôi lại thưa với Chúa: “Chúa Giê-xu ơi, con cần một thứ tiếng khác để nói là con yêu Ngài lắm. Con cần đến cả ngàn thứ tiếng để thờ phượng Ngài mới đủ”.
– Thế rồi có một tiếng phán êm dịu đến với tôi: “Con có thật sự cần điều đó không?”.
– Tôi đáp lại: “Có chứ, thưa Chúa. Con thật sự khát khao sâu sa trong lòng con để muốn thờ phượng Ngài. Đức Chúa Trời ơi, làm thế nào để con có thể chúc tụng Ngài đây? Con muốn Chúa Giê-xu được vinh hiển, làm sao con có thể chúc tụng Ngài được đây?”.
– Chúa phán với tôi: “Hãy dâng cái lưỡi của con cho Ta, và để cho Thánh Linh nói qua miệng của con”.
– Tôi đáp lại: “Đức Chúa Trời ơi, có phải là con sẽ nói Tiếng lạ ngay bây giờ không? Con không muốn nói, nhưng đó thật là lời con cầu xin. Nếu đó là điều để con chúc tụng Chúa Giê-xu thì con sẽ bằng lòng ngay”.
Ôi, tôi không thể kể cho bạn hết những gì đã xảy ra trong ngày hôm đó, sau đấy tôi biết rằng tôi yêu Chúa nhiều lắm. Thật là tuyệt diệu, tôi không thể diễn tả nổi điều kỳ diệu đã xảy ra cho tôi là thể nào. Khi Đức Thánh Linh nắm giữ lấy cái lưỡi của tôi, tôi không biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Vì Kinh Thánh nói rằng, tâm thần tôi (my spirit) cầu nguyện, nhưng trí hiểu tôi (my understanding) thì lại không thể hiểu được tôi đang nói gì. Tôi đã có đủ “khờ dại” (foolish) để tin rằng Đức Thánh Linh sử dụng cái lưỡi của tôi để tôi chúc tụng Đấng Cứu rỗi cao cả của tôi và là Cha yêu quý của tôi nữa. Tôi có cảm xúc giống như là Ngài đã đem tôi lên cao, lên cao, và càng cao đến chỗ mà tôi có thể trò chuyện được với Ngài bằng một ngôn ngữ đặc biệt, thật tuyệt diệu giữa cá nhân tôi với Ngài. Thế rồi tôi đã “nghiệm” (found) ra rằng, tôi đã chạm đến được tấm lòng của Chúa Giê-xu và Ngài cũng chạm đến cả tấm lòng của tôi nữa.
Chương 12
MỘT SỰ HIỂU BIẾT MỚI
Tôi muốn chia xẻ với bạn thật nhiều về phép Báp-têm bằng Thánh Linh.
Nhiều người trong chúng ta tin phép Báp-têm bằng Thánh Linh và nói Tiếng lạ mà thường quên mất một điều, nhưng lại là điều quan trọng nhất. Đó là điều tôi muốn chia xẻ với bạn bài học mà Chúa đã dạy tôi khi tôi đi đến miền Nam nước Đức và tại L’Abri nước Pháp.
Để diễn tả suy nghĩ của tôi, tôi đề nghị bạn hãy vẽ ra 3 vòng tròn nhỏ bằng nhau để mô tả 3 hạng người khác nhau. Để chắc chắn hơn, bạn vẽ thêm một vòng tròn khác lớn vừa đủ hơn 3 vòng kia để có thể ghi vào đó nhiều ý nghĩa mà tôi sẽ trình bày sau đây.
–Ở vòng tròn thứ nhất: Bạn vẽ một cây thập tự ở chính giữa vòng tròn, tượng trưng cho Chúa Giê-xu và công việc của Ngài. Vòng tròn này chỉ đời sống của một Cơ-Đốc nhân đã nhận được Báp-têm Thánh Linh (hình 1).
H1.Cơ-Đốc nhân được đầy dẫy Thánh Linh
–Ở vòng tròn thứ hai: Bạn vẽ cây thập tự nằm lệch một bên, ở bất cứ chỗ nào bên trong vòng tròn. Hình ảnh này chỉ về đời sống một Cơ-Đóc nhân đã tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của đời mình rồi, và Ngài đang ngự bên trong đời sống người ấy, nhưng người ấy chưa nhận được Báp-têm Thánh Linh (hình 2).
H2.Cơ-Đốc nhân chưa đầy dẫy Thánh Linh
Ở vòng tròn thứ ba: Bạn vẽ cây thập tự nằm bên ngoài vòng tròn. Hình ảnh này chỉ về đời sống một người chưa biết Chưa Giê-xu, chưa tiếp nhận Ngài vào đời sống của mình (không có cây thập tự bên trong) (hình 3).
H3.Người chưa tin Chúa Giê-xu
Một lần nữa, tôi muốn mô tả rõ hơn 3 vòng tròn đó cho dễ hiểu. Nếu cây thập tự nằm bất cứ ở chỗ nào bên trong vòng tròn nhưng nằm một bên (không nằm chính giữa) là chỉ về đời sống một Cơ-Đốc nhân đứng vững trong Chúa Giê-xu (hình 2). Nếu cây thập tự nằm bên ngoài vòng tròn là chỉ về một đời sống ngoài Chúa (không có Chúa) – không phải là Cơ-Đốc nhân (hình 3). Nếu cây thập tự nằm chính giữa bên trong vòng tròn là chỉ về một đời sống Cơ-Đốc nhân được đầy dẫy Thánh Linh, người đó đã để Chúa Giê-xu làm Chủ (nguyên văn: center, trọng tâm) của cuộc đời mình.
Tôi tin rằng, phép Báp-têm bằng Thánh linh nghĩa là có sự sống đầy dẫy của Đấng Christ. Khi Chúa Giê-xu là trọng tâm, là cái đầu, và là ông chủ của mọi hoạt động bất kỳ dù lớn hay nhỏ của đời sống tôi.
Bây giờ chúng ta vẽ thêm một vòng tròn lớn thứ tư, và bạn hãy vẽ một cây thập tự ở chính giữa, kế đó chúng ta sẽ gạch đậm những đường chia vòng tròn này thành 3 phần lớn bằng nhau, đặt tên là I, II, III. Ta viết lên 3 phần lớn đó nội dung như sau:
–Phần I: Viết chữ “TÌNH YÊU THƯƠNG”, trưng dẫn Kinh Thánh trong 1 Cô-rin-tô 13.
–Phần II: Viết chứ “QUYỀN NĂNG”, trưng dẫn Kinh Thánh trong 1 Cô-rin-tô 12.
–Phần III: Viết chữ “TRẬT TỰ” (Order), trưng dẫn Kinh Thánh trong 2 Ti-mô-thê 1:7. Dưới chữ “Trật tự” này, ta thêm một chữ nữa là “THỜ PHƯỢNG” , trưng dẫn trong 1 Cô-rin-tô 14. (hình 4)
H4.Cơ-Đốc nhân đầy dẫy Thánh Linh và phát triển đời sống thuộc linh trọn vẹn
Qua vòng tròn lớn này cũng như 3 vòng tròn nhỏ đã nói ở trên là 3 điều kiện của 3 hạng người. Từ đó, tôi muốn giải thích cho bạn nhiều điều rất quan trọng – một sự hiểu biết mới về Đức Thánh Linh và về việc nói Tiếng lạ.
Có nhiều câu hỏi liên tục được đưa đến cho tôi như: “Vị trí của việc nói Tiếng lạ trong phép Báp-têm bằng Thánh Linh là gì?”, và “Có phải việc nói Tiếng lạ là bằng chứng duy nhất của phép Báp-têm bằng Thánh Linh?”.
Như trước kia tôi đã nói, tôi tin việc nói Tiếng lạ là một dấu hiệu, nhưng bây giờ thì không. Khi tôi nghiên cứu Kinh Thánh, tôi bắt đầu nhìn ra được sự sai lầm của mình trước đây.
Một sự soi sáng mới về Báp-têm bằng Thánh Linh đã được bày tỏ cho tôi qua Ga-la-ti chương 3, câu 11 như sau: “Vả lại, chẳng hề có ai nhờ luật pháp mà được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời, điều đó thật rõ ràng, vì người công bình sẽ sống bằng đức tin”, và câu 14 chép: “Hầu cho phước lành ban cho Áp-ra-ham qua Chúa Giê-xu Christ mà được rải khắp trên dân ngoại, hầu cho chúng ta bởi Lời hứa mà nhận lãnh Đức Thánh Linh qua đức tin”.
Tôi tin rằng, nếu một người nào đó bởi đức tin cầu xin Chúa làm Báp-têm cho mình bằng Đức Thánh Linh thì người ấy sẽ nhận được ngay. Vì Báp-têm bằng Thánh Linh đến bởi đức tin, chúng ta biết mình nhận được phép Báp-têm này vì cớ đức tin.
Tôi ngợi khen Đức Chúa Trời vì điều tôi cầu xin Ngài bằng đức tin thì Ngài làm Báp-têm cho tôi bằng Đức Thánh Linh nay. Tôi đơn sơ tin những lời Chúa phán trong Phúc âm Lu-ca chương 11, câu 9 rằng: “Hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi…”.
Với Lời hứa của Kinh Thánh, chúng ta biết rằng, đời sống Cơ-Đốc nhân không chỉ được xây dựng đơn sơ trên kinh nghiệm bản thân mà còn là trên Lời của Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời nói như thế – đó là điều căn bản mà tôi đặt nền tảng vào.
Tôi phải công nhận rằng, nhiều người trong chúng ta thuộc Giáo hội Ngũ Tuần quá nhấn mạnh về Ân tứ nói Tiếng lạ như là một điều kiện thiết yếu trong phép Báp-têm bằng Thánh Linh. Khi một người nào đó đã nhận phép Báp-têm bằng Thánh Linh bởi đức tin, nhưng không có nói Tiếng lạ thì chúng ta bảo họ là chưa “nhận lãnh” hay chưa đầy dẫy Thánh Linh. Chúng ta nói việc nhận lãnh Đức Thánh Linh bằng phép Báp-têm này bởi đức tin, nhưng lại thường trông đợi bằng chứng biểu hiện bên ngoài là phải nói Tiếng lạ.
Không nhận thức rõ được điều ấy, chúng ta lại quay sang đời sống người Cơ-Đốc lại nhìn họ từ đức tin vào Lời Đức Chúa Trời sang đức tin vào những chứng cứ cụ thể. Đây là điều nguy hiểm mà chúng ta cần nên tránh.
Tôi cảm thấy vấn đề này cần phải nhấn mạnh đối với những ai đang tìm kiếm việc nhận lãnh Báp-têm bằng Thánh Linh. Họ chỉ nhận lãnh được bởi đức tin mà thôi. Mục đích của họ chỉ nhắm đến việc nói Tiếng lạ mà không có cảm xúc tốt nào (not to feel good). Trong khi việc nói Tiếng lạ có được hay không là bởi Kinh Thánh phán vậy. Chúa Giê-xu nói rằng, Ngài sẽ làm phép Báp-têm bằng Thánh Linh cho những ai cầu xin Ngài. Khi chúng ta hiểu được Lẽ đạo căn bản này thì chúng ta cứ tiến bước trong sự tin cậy Đức Chúa Trời mà thôi. Vì thế, đời sống của chúng ta phải đặt nền tảng vững chắc trên Cứu Chúa Giê-xu và Lời của Ngài.
Bây giờ, chúng ta quay lại sách Phúc âm Mác chương 16, câu 17 chép rằng: “Vậy, những người tin sẽ được các dấu lạ nầy: Lấy Danh ta mà đuổi quỷ, dùng tiếng mới mà nói…..”. Câu này có nghĩa là, việc nói tiếng mới chỉ là một dấu hiệu đi theo sau những người đặt đức tin tin cậy nơi Chúa. Nó không phải là dấu hiệu duy nhất, nhưng là một trong nhiều dấu hiệu khác.
Những chỗ khác trong Kinh Thánh chép về việc nói Tiếng lạ ở sách Công vụ các Sứ đồ chương 2, chương 10, chương 19. Dĩ nhiên, những việc xảy ra đó là có thật, và tôi đó là việc hiển nhiên ghi lại trong Kinh Thánh. Vì vậy, nếu một người nào đã nhận lãnh Báp-têm bằng Thánh Linh thì không sớm thì muộn họ cũng sẽ có nói Tiếng lạ.
Tôi phải nhắc lại một lần nữa rằng, việc nói Tiếng lạ không phải là chứng cớ duy nhất của Đức Thánh Linh. Chúa đã chỉ cho tôi hiểu một cách mới mẻ để đặt kinh nghiệm mình với vấn đề này được tốt hơn. Đó là bây giờ, tôi tin việc nói Tiếng lạ sớm hay muộn gì nó sẽ đến trong sự tiến triển của Đức Thánh Linh hành động, Đấng mà Cơ-Đốc nhân chúng ta đã nhận được bằng đức tin khi tin Chúa Giê-xu.
Những phần khác về việc nói Tiếng lạ được giới thiệu trong Công vụ các Sứ đồ chương 10 và chương 19, điều này thật rõ ràng (xem thêm chương 9) rằng, khi người nào nhận lãnh Đức Thánh Linh không những chỉ nói Tiếng lạ mà còn nói tiên tri nữa. Trong chương 10 cũng bày tỏ cho chúng ta thấy những người đó có nói Tiếng lạ, và cũng nói lên sự cao trọng của Đức Chúa Trời (xem thêm chương 2 cũng có nói đến việc này).
Mặc dù, có sự xuất hiện lập đi lập lại việc nói Tiếng lạ được ghi trong sách Công vụ các Sứ đồ, nhưng không vì đó mà chúng ta lại nói rằng đây là chứng cớ duy nhất của việc nhận lãnh phép Báp-têm bằng Thánh Linh. Tôi chắc rằng điều này đã làm vấp phạm cho nhiều người không phải là thuộc viên của Giáo hội Ngũ Tuần, hoặc phái “Phúc âm trọn vẹn” (Full Gospel), vì người của Ngũ Tuần chỉ chấp nhận sự kiện nói Tiếng lạ mà thôi.
Đây là điều thật cần thiết mà tôi phải quay trở lại câu chuyện của mình. Trước hết, người nhận lãnh phép Báp-têm bằng Thánh Linh chỉ bởi đức tin chứ đừng dựa trên kinh nghiệm của người ấy việc có nói Tiếng lạ hay không hoặc những điều khác nữa.
Bây giờ, chúng ta trở lại vòng tròn lớn thứ tư, là vòng tròn mà bạn đã chia làm 3 phần (hình 4). Tại mỗi phần lớn, ta lại chia thành 2 phần nhỏ – dùng những gạch rời để chia các phần nhỏ này. Đó là:
Phần I: chia làm 2 phần nhỏ, đặt tên là 1a và 1b.
Phần II: chia làm 2 phần nhỏ, đặt tên là 2a và 2b.
Phần III: chia làm 2 phần nhỏ, đặt tên là 3a và 3b.
– Phần 1a, ghi câu Kinh Thánh Math. 22:37. “Chúa Giê-xu phán cùng người thầy dạy luật rằng: Người hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý, hết trí khôn mà kính yêu Chúa là Đức Chúa Trời ngươi”.
– Phần 1b, ghi câu Kinh Thánh 1 Giăng 4:20. “Nếu người nào nói: Tôi yêu Đức Chúa Trời mà ghét anh em mình thì đó là người nói dối, vì người không yêu anh em mình nhìn thấy được thì làm sao có thể yêu Đức Chúa Trời mà mình không nhìn thấy được?”.
(Bạn có thể ghi cả câu Kinh Thánh vào những phần 1a, 1b nếu vòng tròn còn chỗ trống, hoặc có thể chỉ ghi địa chỉ của những câu Kinh Thánh đó cũng được. Nhưng phải nhớ thuộc lòng nội dung của những câu Kinh Thánh đó).
Bạn có thể hỏi tôi, những điều này có ý nghĩa gì? Đây là điều khi chúng ta nhận lãnh Báp-têm bằng Thánh Linh, chúng ta sẽ lớn lên về mặt TÌNH YÊU THƯƠNG như Kinh Thánh nói đến trong thư Ê-phê-sô chương 3, ấy là chúng ta phải lớn lên và đâm rễ vững nền trong tình yêu (câu 18). Nếu tình yêu của chúng ta càng lớn lên thì chúng ta sẽ đâm rễ vứng nền không những trong tình yêu đối với Đức Chúa Trời mà thôi lại còn trong tình yêu đối với đồng loại nữa.
Đây là những gì mà Trái của Thánh Linh hình thành trong chúng ta như là một kết quả của việc nhận lãnh Báp-têm bằng Thánh Linh. Tính chất của tình yêu này như được mô tả trong thư 1 Cô-rin-tô chương 13, nó sẽ nảy nở trong cả 2 lãnh vực tình yêu đối với Đức Chúa Trời và tình yêu với anh em mình vậy (xem trong 2 phần nhỏ 1a và 1b của hình 5).
H5.Cơ-Đốc nhân phát triển phần tình yêu
phần 1a: Tình yêu đối với Đức Chúa Trời (Math. 22:37)
Phần 1b: Tình yêu đối với đồng loại (1 Giă. 4:20)
Nhưng điều đáng tiếc là có nhiều người phát triển tình yêu thương, nhưng phát triển không cân đối 3 phần ở vòng tròn thứ tư. Đó là người chỉ phát triển tình yêu với Đức Chúa Trời khi họ nhận lãnh Báp-têm bằng Thánh Linh, nhưng tình yêu của họ đối với đồng loại thì không phát triển gì cả. (hình 6)
H6.Cơ-Đốc nhân phát triển tình yêu đối với Chúa,
nhưng không cân bằng trong tình yêu đối với đồng loại
Đến đây, có lẽ bạn sẽ nhớ lại câu chuyện của người phụ nữ ở Houston mà tôi kể ở những chương trước (xem chương 6 “Sự đơn sơ với Lời Đức Chúa Trời”). Bà ấy đến nói với tôi: “Ôi, tôi yêu Đức Chúa Trời nhiều lắm…” nhưng ngay lúc đó, tôi nhận ra bà ấy chẳng yêu chồng bà. Đấy là một ví dụ minh chứng cho sự phát triển không đồng đều: có nhiều ở phần 1a, nhưng rõ ràng lại không có nhiều ở phần 1b (hình 6).
Phần II. Phần lớn thứ hai của vòng tròn LỚN thứ tư này là “QUYỀN NĂNG”. Quyền năng đó được mô tả như là công việc Truyền giảng Tin Lành (phần 2a), hay quyền năng chinh phục linh hồn tội nhân về cho Đấng Christ. Điều này có ghi lại rõ ràng trong sách Công vụ các Sứ đồ chương 2. Phê-rơ đã giảng một bài giảng với quyền năng này, và đa có nhiều người đến với Chúa Giê-xu.
Cũng trong phần II này, là phần nhỏ 2b. Quyền năng này cũng được bày tỏ trong phép lạ và dấu kỳ. Điều này đã xảy ra đúng như Lời hứa của Chúa trong sách Phúc âm Mác chương 16, câu 20. Tóm lại, Quyền năng của Thánh Linh sẽ biểu hiện trong 2 cách:
-Phần 2a, là việc chinh phục tội nhân cho Đấng Christ.
-Phần 2 b, là những dấu kỳ, phép lạ xảy ra cặp theo mà làm cho vững đạo. (hình 7)
H7.Cơ-Đốc nhân phát triển phần tình yêu và phần quyển năng
phần 2a: Chinh phục tội nhân cho Đấng Christ (CVSĐ.2)
phần 2b: Những dấu kỳ, phép lạ cặp theo làm vững đạo (Mác 16:20)
Đến phần III của vòng tròn lớn thứ 4 này là phần “TRẬT TỰ”. mãi đến gần đây tôi cũng chưa thấy được sự khác nhau của 2 việc: sự thờ phượng và sự trật tự sẽ ở cùng một vị trí. Sự trật tự nói đến trong thư 1 Cô-rin-tô chương 14, câu 26 đến 33, câu 40 ấy chắc là sự trật tự trong thờ phượng Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh thờ phượng Chúa chung cũng như việc thờ phượng riêng phải có trật tự. Trong sự suy nghĩ của tôi, tôi thấy chúng ta nên xếp chữ “Trật tự” vào phần III và ghi thêm chữ “SỰ THỜ PHƯỢNG” ở phía dưới.
Đây là phần thứ III của đời sống của chúng ta. Ở đó, chúng ta sẽ được lớn lên khi chúng ta nhận lãnh Báp-têm bằng Thánh Linh. Phần III này được chia làm 2 phần nhỏ. Dưới phần nhỏ 3a, bạn ghi chữ “Riêng”, và dưới phần nhỏ 3b, bạn ghi chữ “Chung”. Bây giờ tôi sẽ giải thích kỹ hơn ở phần này. Đó là mối tương giao cách cá nhân với Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ thờ phượng Ngài bằng trí hiểu (understanding), nhưng cũng thờ phượng Ngài bằng tâm thần (spirit). Theo tinh thần của thư 1 Cô-rin-tô chương 14, câu 26 đến 33, thì trong sự thờ phượng chung có nói đến việc nói Tiếng lạ (nói sứ điệp), nhưng ở đây phải có sự thông dịch, thông giải và những bài hát thiêng liêng.
Theo ý tôi, thì mỗi Cơ-Đốc nhân sẽ được nói Tiếng lạ như phần 3a trong sự thờ phượng riêng tư của mình. Điều đó được xem như là một phần trong sự phát triển sau khi người đó nhận lãnh Báp-têm bằng Thánh Linh. Để trả lời cho câu hỏi mà nhiều người thắc mắc về việc nói Tiếng lạ, ông Davis du Plessis là một học giả và là giáo sự dạy Kinh Thánh lỗi lạc đã nói. “Bạn không cần phải đi tìm nhưng bạn sẽ có” (You must not, but you will). Tại sao vậy? Đức Thánh Linh sẽ làm cho bạn lớn lên, không những trong lãnh vực Tình yêu Chúa và Quyền năng thôi mà còn trong lãnh vực thờ phượng nữa. Nếu chúng ta lớn lên trong lãnh vực thờ phượng, không sớm thì muộn gì chúng ta sẽ có nói Tiếng lạ”. Tôi bị thuyết phục rằng đây là vị trí của Tiếng lạ tùy thuộc vào diễn biến của Thánh Kinh (according to bilical sequence). (hình 8)
H8.Cơ-Đốc nhân phát triển trọn vẹn cả 3 phần trong đời sống
phần 3a: Thờ phượng riêng (nói Tiếng lạ) (1 Cor. 14:15)
Phần 3b: Thờ phượng chung (nói Tiếng lạ có sự thông giải và bài hát thiêng liêng) (1 Cor. 14:26-33)
John Wesley và Billy Graham với vấn đề Tiếng lạ
Nhiều người thuộc phái “Phúc âm trọn vẹn” và ngoài Ngũ Tuần đối với công vụ của Đức Thánh Linh, họ đã nghi ngờ vấn đề nói Tiếng lạ của hai tôi tớ Chúa này. Họ hỏi, “những người như ông Wesley thì sao?”, vì họ đưa ra sự kiện là Wesley được Đức Chúa Trời đại dụng ông nhưng ông này lại không có nói Tiếng lạ.
Những người nói như thế không thể chứng minh được việc ông Wesley có hoặc không nói Tiếng lạ. Vì không ai trong chúng ta biết được những gì đã xảy ra với Wesley vào thời kỳ của ông.
Giả sử là Wesley không có nói Tiếng lạ. Nhưng ông đã từng nhận lãnh hoặc chưa hề nhận lãnh Báp-têm bằng Thánh Linh thì sao? Tôi nói rằng, Wesley đã nhận lãnh Báp-têm bằng Thánh Linh rồi. Bây giờ chúng ta theo dõi câu hỏi tiếp theo đây: “Thế thì tại sao ông ta không có nói Tiếng lạ?”. Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, không có ai trong chúng ta biết chắc chắn là ông ta có hay không có nói Tiếng lạ đâu!
Khi tôi đến Mỹ, tôi nghe nói rằng, trong thời kỳ phục hưng của phong trào Wesley, Đức Thánh Linh đã cảm động nhiều người đến nỗi họ phải dùng khăn tay hoặc bàn tay để che miệng họ lại. Có nhiều lời nói ở môi miệng họ phát ra đến nỗi họ muốn được “dừng lại” mà không dừng được, chỉ còn cách duy nhất là “bịt” miệng mình lại thôi. Tôi không biết câu chuyện này chính xác ở mức độ nào. Nhưng nếu đây là sự thật, thì có lẽ nào sự phát lộ của nói Tiếng lạ lại là một bằng cớ xảy ra thời bấy giờ? Thời đó người ta không phổ biến lãnh vực Tiếng lạ này trong sự thờ phượng, hoặc là họ đã đàn áp không để cho hiện tượng Tiếng lạ xảy ra.
Đây cũng không phải là điều quá quan trọng để có thể hiểu được mức độ đến đâu về việc nói Tiếng lạ mà Wesley đạt được. Chúng ta không nghi ngờ việc Wesley đã nhận lãnh Báp-têm bằng Thánh Linh, và cũng không thắc mắc gì về việc ông đã lớn lên ở phần I (TÌNH YÊU THƯƠNG). Chúng ta cũng không nghi ngờ việc Wesley yêu Đức Chúa Trời và cũng không nghi ngờ Wesley yêu đồng loại mình. Ông đã hiến dâng trọn đời sống mình để ra đi rao giảng Tin lành vì ông yêu đồng loại nhiều đến nỗi ông muốn cho mọi người đều biết đến Chúa Giê-xu và nhận Ngài làm Cứu Chúa của họ. Sự phát triển mạnh mẽ của Wesley trong phần I là không có gì sai lầm cả.
Nhưng Wesley có lớn lên ở phần III (QUYỀN NĂNG) hay không? Chắc chắn ở phần 2a (Truyền giảng Tin Lành), vì chúng ta biết rằng đã có nhiều người đến với Chúa Gê-xu qua chức vụ của ông. Nhưng tôi không nghe nói về những phép lạ xảy ra trong đời sống của ông là phần 2b (Dấu kỳ, Phép lạ). Mặc dù không có phép lạ xảy ra vào thời đó, nhưng chắc chắn không có nghĩa là Wesley chưa nhận được Báp-têm bằng Thánh Linh. Có thể do phỏng đoán rằng, lý do duy nhất là Wesley không để cho Đức Thánh Linh phát triển ở phần 2b (Dấu kỳ, Phép lạ). Tôi không thể nói tại sao! Có lẽ do chúng ta không phát triển được ở các mặt khác vì thiếu hiểu biết, hay cũng có thể tại chúng ta tin lời những người giảng dạy thời ấy cho rằng, bây giờ phép lạ không còn xảy ra nữa!
Thế rồi những người nghi ngờ khác lại quay sang hỏi về Billy Graham. “Billy Graham có nói Tiếng lạ không?” Tôi thực sự không biết. Nhưng qua chức vụ của ông đã có nhiều người biết Đấng Christ. Điều này là sự thật, mặc dù ông ta có hay không có nói Tiếng lạ đi chăng nữa. Trong sự tôn trọng ông, chúng ta có thể nói Billy Graham cùng có một sự phát triển giống như John Wesley. Chúng ta thấy rõ ràng là Billy đã lớn lên trong tình yêu Chúa (Phần I) và cả phần 1a và 1b nữa (yêu Chúa và yêu đồng loại). Dĩ nhiên, chúng ta cũng biết rằng ông đã phát triển lớn mạnh luôn cả phần 2a (Truyền giảng Tin lành). Mọi người đều biết rằng dưới quyền năng của Đức Chúa Trời, ông đã thánh công rất lớn trong những chiến dịch giảng Tin Lành vĩ đại. Có thể đoán rằng những phần còn lại ông chưa phát triển mà thôi.
Chúng ta không được trách Billy Graham nếu ông không muốn phát triển lãnh vực nói Tiếng lạ và dấu kỳ, phép lạ. Mặc dù ông ấy có thiếu một lãnh vực đi chăng nữa, chúng ta không thể nói rằng ông chưa nhận lãnh Báp-têm bằng Thánh Linh.
Một người bạn của tôi ở Indonesia cũng có sự phát triển giống như Billy Graham. Anh ấy được Chúa sử dụng và phát triển mạnh mẽ ở phần I (TÌNH YÊU THƯƠNG) và phần II (QUYỀN NĂNG), nhưng lại không phát triển ở phần III (THỜ PHƯỢNG).
Ngay cả chính bản thân tôi cũng từng trải kinh nghiệm tương tự, Khi tôi nhận lãnh Báp-têm bằng Thánh Linh, tôi chưa được Ân tứ nói Tiếng lạ dù những người chung quanh tôi ai nấy đều nhận được. Hơn một năm sau đó tôi mới bắt đầu phát triển phần III dù cho tôi đã nhận lãnh Báp-têm bằng Thánh Linh trước đó lâu rồi.
Trong một buổi thông công với nhóm Bethany tại Mỹ, tôi đã gặp Mục sư Hegre. Ông ấy nói với tôi rằng ông đã nhận lãnh Báp-têm bằng Thánh Linh cách đây 13 hay 15 năm rồi. Từ đó, ông cũng đã thấy được phép lạ và các dấu kỳ xảy ra trong đời sống của ông. Nhưng mãi cho đến gần sau này ông mới ý thức được sự cần thiết phải phát triển trong lãnh vực thờ phượng nữa (Phần III). Khi trong mối thông công mật thiết với Chúa như thế, bấy giờ ông ta mới nói được Tiếng lạ.
Thường thì phải mất một thời gian khá lâu cho một người tiếp nhận Giáo lý này (Báp-têm bằng Thánh Linh) một khi người ấy không phải là người của Giáo hội Ngũ Tuần. Vì đã có một thời gian dài người ta chống đối việc nói Tiếng lạ. Do đó, một người Cơ-Đốc cần phải có nền tảng về sự hiểu biết mới mẻ này thì mới có thể ý thức được sự lớn lên trong phần III (THỜ PHƯỢNG VÀ TRẬT TỰ).
Đời sống Cơ-Đốc nhân quân bình (Balanced)
Đời sống Cơ-Đốc nhân quân bình ấy là khi cả 3 phần được phát triển một cách tuyệt diệu. Khi chúng ta lớn lên hoặc trưởng thành trong Tình Yêu Thương (Phần I), chúng ta bắt đầu yêu Đức Chúa Trời càng nhiều. Kế đó chúng ta có thể yêu người (đồng loại) càng lớn hơn nữa. Tôi không từ chối điều này sẽ làm cho chúng ta phải trả giá để nhận lãnh quyền năng của Đức Chúa Trời càng hơn. Khi bạn càng yêu người thì bạn càng muốn có Quyền Năng (Phần II). Nó sẽ trở thành sự mong ước mạnh mẽ nhất của lòng bạn xin Thánh Linh hành động qua bạn để bạn có thể chinh phục người khác đến với Chúa.
Có nhiều người đến nói với tôi rằng: “Tôi rất yêu người khác và muốn chinh phục họ cho Đấng Christ, nhưng tôi không có quyền năng để thực hiện điều này được”. Điều này luôn làm cho tôi phải rối trí. Tôi biết rằng, khi chúng ta phát triển trong Bông trái của Tình Yêu, chúng ta sẽ lớn lên đầy đủ trong quyền năng. Bạn càng yêu người chừng nào, thì lòng mong ước của bạn càng lớn lên theo để được Đức Chúa Trời dùng trong việc đưa người khác đến với Ngài.
Lời cầu nguyện của lòng tôi là mong ước Đức Chúa Trời đặt lòng khát khao trong nhiều Cơ-Đốc nhân để họ tìm kiếm những Ân tứ thuộc linh. Đó là những điều được nói đến trong thư 1 Cô-rin-tô chương 14. Lúc đó Đức Thánh Linh sẽ bắt đầu biểu lộ quyền năng của Đức Chúa Trời một cách lớn lạ trong mỗi người, và Ngài cũng biểu lộ những sự bày tỏ ra về quyền năng và phép lạ của Ngài không thể sai lầm.
Nếu chúng ta phát triển một cách chính xác trong cả 2 phần TÌNH YÊU THƯƠNG (I) và QUYỀN NĂNG (II), chúng ta sẽ bắt đầu thấy phép lạ xảy ra và nhiều người được cứu. Tất nhiên, khi chúng ta thấy nhiều người được cứu thì chúng ta ngợi khen Đức Chúa Trời. Vì sự vui mừng bởi công việc Đức Chúa Trời hành động qua chúng ta thì sự ngợi khen Chúa của chúng ta sẽ tăng lên gấp bội. Thật đúng như vậy, khi chúng ta yêu Đức Chúa Trời thì chúng ta bắt đầu tôn vinh Ngài càng hơn. Khi càng thấy Quyền năng của Ngài xảy ra, chúng ta lại càng thấy thỏa lòng được tôn vinh Ngài mãi mãi. Theo cách này thì chúng ta dễ dàng hiểu ra rằng, sự phát triển ở Phần III (THỜ PHƯỢNG và TRẬT TỰ) sẽ đến như là một kết quả tự nhiên thôi. Lúc đó cả hai mặt của sự Thờ phượng Riêng hoặc Chung của chúng ta sẽ là thờ phượng bằng Tiếng lạ.
Tôi biết rằng đây là sự phát triển của một Cơ-Đốc nhân quân bình. Có nhiều người chỉ lớn lên có một phần, ví dụ như chỉ có Phần I. Người đó chỉ có Yêu Đức Chúa Trời và cộng thêm một ít ở phần nhỏ 2a (Truyền giảng Tin lành). Ở tại đây, chúng ta cũng nên biết rằng, với phong trào Ngũ Tuần và phái Liên hiệp Phúc âm trọn vẹn (Full Gospel Fellowship) lại quá lớn mạnh ở phần III (THỜ PHƯỢNG VÀ TRẬT TỰ). Trong trường hợp này thì tình yêu Đức Chúa Trời và tình yêu đống loại có thể không được hiển hiện rõ lắm.
Như tôi đã giải thích, thật không tốt nếu chúng ta không lớn lên ở cả 3 phần cân xứng. Khi vòng tròn chỉ nẩy nở ở một phần TÌNH YÊU THƯƠNG, một phần ở THỜ PHƯỢNG, thì chúng ta sẽ thấy ngay vòng tròn của chúng ta bị méo xệch (nguyên văn: unbalanced, không cân bằng). (hình 9)
H9.Đời sống thuộc linh của một Cơ-Đốc nhân không quân bình
Một vòng tròn như trên thật là kỳ dị! Nếu bạn đặt một chiếc bánh xe méo mó giống như vậy vào chiếc xe thì chắc chắn nó sẽ không chạy được, còn nếu như nó có chạy được thì bạn sẽ phải chịu đựng một chuyến đi “vồng xóc” khó nhọc là thể nào. Vì thế tôi lưu ý bạn điều này: Đừng nên có một đời sống Cơ-Đốc nhân khổ sở như thế. “Chiếc xe” của bạn (đời sống Cơ-Đốc) như vậy sẽ không lôi cuốn được ai ở ngoài Chúa để họ gia nhập vào Hội Thánh của Đức Chúa Trời được. Vì chẳng có ai muốn leo lên cỡi một chiếc xe có bánh xe méo mó và di chuyển “xộc xệch” kiểu như thế.
Sự lớn lên ở cả 3 Phần quân bình như tôi đã trình bày sẽ đem lại cho bạn một đời sống tốt đẹp. Khi chúng ta yêu Đức Chúa Trời (phần 1a), chúng ta sẽ học biết yêu mến Đức Chúa Trời càng nhiều, bởi sự vâng lời và kính sợ Ngài. Khi chúng ta lớn lên trong phần Yêu thương đồng loại (phần 1b), thì chúng ta sẽ bày tỏ ra tình yêu này một cách thực tế. Khi tình yêu đồng loại lớn lên thì nó sẽ tăng trưởng về sự Truyền giảng Tin lành (phần 2a), và cả dấu kỳ, phép lạ xảy ra (phần 2b) sẽ trở thành sự khát khao và nó sẽ được thành sự thật. Cứ thế cho đến sự thờ phượng chung (phần 3a), rồi sự thờ phượng riêng (phần 3b)… sẽ là đỉnh cao nhất trong đời sống Cơ-Đốc nhân quân bình.
Thần cảm giả mạo (a Counterfeit work)
Công việc thật của Đức Thánh Linh đến trong 3 cách thể nào, thì công việc của tà thần giả mạo cũng giống y như vậy.
Bạn vẽ một vòng tròn lớn khác, gọi là vòng tròn thứ năm (hình 10). Bạn đặt một dấu hiệu như hình cây thập tự (lộn ngược lại), nhưng 2 nhánh ngang của nó lại cụp xuống ở giữa vòng tròn thứ năm này. Đó cũng chính là dấu hiệu “hòa bình” (Peace-Make Love Not War) (dấu hiệu phản chiến mà các thanh niên Hippy Mỹ sử dụng làm biểu tượng của họ).
Biểu tượng “hòa bình” và cờ hiệu của giới Hippy Mỹ thập niên 60-70
Đây là vòng tròn biểu hiện cho dấu hiệu của ma quỉ. Ta cũng chia vòng tròn này ra làm 3 phần lớn: (I) Tình Yêu, (II) Quyền Lực (không phải là Quyền Năng), và (III) Thờ cúng. Tiếp theo ta cũng chia 3 phần lớn thành 3 phần nhỏ: phần 1a, 1b; 2a, 2b; 3a, 3b. (hình 10)
H10.Thần cảm giả mạo, một đời sống phục vụ cho ma quỉ
Trong phần I, Thần cảm giả mạo cũng cho phát triển trong đời sống những người chưa tin Chúa Giê-xu hay chưa được đầy dẫy Thánh Linh. Người nầy có thể so sánh với những người thờ cũng hình tượng ở Indonesia, sự thờ phượng của họ đi trong sự tối tăm của một đời sống vô tín.
Là Cơ-Đốc nhân, tôi cũng rất ngạc nhiên, nhiều khi chúng ta thử nghĩ xem chúng ta có lớn mạnh, sâu sắc hơn trong đời sống Cơ-Đốc của chúng ta không? Chúng ta có ở trong ánh sáng của Chúa Giê-xu để xua tan tăm tối đi xa hay không?
Chúng ta hãy xem lại công việc của Thần cảm giả mạo, chúng ta phải ý thức rằng, người thờ tà thần cũng lớn lên trong tình yêu Đức Chúa Trời. Nhưng không bày tỏ sự vâng lời Đức Chúa Trời bằng sự vui mừng, thánh khiết. Sự đáp ứng của người thờ tà thần đối với Đức Chúa Trời là sự sợ hãi. Người ấy càng biết Đức Chúa Trời bao nhiêu thì lại càng sợ hãi Ngài bấy nhiêu. Việc người ấy dâng của tế lễ chẳng qua đó là một sự hối lộ để làm vui lòng Đức Chúa Trời.
Chúng ta là những Cơ-Đốc nhân cũng dễ bị mắc bẫy về vấn đề này. Nhiều khi chúng ta sợ Đức Chúa Trời đến nỗi phải cố gắng hết sức để làm đẹp lòng Ngài. Đây cũng là một hình thức “Tình yêu Chúa giả mạo”. Nếu cố gắng phục vụ Đức Chúa Trời từ những lý do sai lầm kể trên thì chỉ làm cho người đó khốn khổ thêm mà thôi.
Trong phần 1b (của hình 10), những người ngoại cũng lớn lên trong tình yêu đồng loại. Tình yêu của họ đối với người khác thật hạn chế. Họ dễ dàng làm điều tốt cho người ta nếu người ta cũng đối xử tốt với mình. Nếu họ không được đối xử tốt lại thì tình yêu đó sẽ bị dập tắt ngay.
Nhưng còn vấn đề “Quyền lực giả mạo” thì sao? Đây là một thế lực có thật. Ở phần 2a được gọi là “Ảo thuật” (White Magic). Việc này gồm những việc như bói khoa, xem tử vi hay đôi khi cũng có “khả năng” ma quỉ chữa bệnh được. Trong tôn giáo của dân ngoại luôn luôn có sự phát triển theo đường hướng này. Ở phần 2b, những dấu hiệu của Thần cảm giả mạo nằm trong phần “Ma thuật” (Black Magic) (bạn xem lại ở chương 8, “Quyền lực của Ma quỉ”).
Trong phần III (hình 10), cả 2 phần nhỏ 3a và 3b đều quan trọng. Khi bạn đến một xứ (một nơi) thờ tà thần, bạn sẽ thấy sự thờ cúng trong tâm trí cá nhân của người thờ tà thần là rất cần thiết. Chúng ta biết rằng, ngay cả ma quỉ cũng muốn những người tin theo nó phải thờ lạy nó. Vì thế, chúng ta biết là Chúa Giê-xu yêu quí của chúng ta Ngài khát khao con cái của Ngài thờ lạy Ngài đến là dường nào!
Sự thờ cúng của người ngoại dành cho ma quỉ là đồ cúng (thường là thức ăn). Ở một hòn đảo tại Bali (Indonesia), hình thức cao nhất của riêng một người thờ tà thần cũng có nói tiếng lạ, và tiếng lạ đó chính là do ma quỉ nói. Trong một ngày có khi ma quỉ “đến” đầy dẫy, nên cũng có hiện tượng nhiều người té ngã dài xuống đất rồi nói tiếng lạ (của ma quỉ) (hình 11).
H11.Đời sống của người ngoại, người thờ cúng tà thần, ma quỉ
phần 1a:biết Đức Chúa Trời nhưng sợ hãi nên dâng của cúng cho tà thần.
phần 1b:yêu đồng loại bị giới hạn phải có điều kiện.
phần 2a:tà thần, bói khoa, xem tử vi…
phần 2b:Ma thuật, phù phép….
phần 3a:nhảy múa, lên đồng, dâng tế lễ, đồ cúng (sự thờ phượng chung)
phần 3b:nói tiếng lạ của ma quỉ, dâng của tế lễ, đồ cúng (sự thờ phượng riêng)
Mặc dù, có những điều đó xảy ra, nhưng chúng ta không nên quy hết tất cả sự kiện nói tiếng lạ là do ma quỉ “nói”. Nếu ma quỉ có khả năng cho con người ta nói tiếng lạ, thì Đức Thánh Linh có quyền năng hơn cả ma quỉ lại không ban cho con cái của Ngài nói tiếng lạ (của Thánh Linh) sao? Sự thực hành việc nói tiếng lạ cũng là phần quan trọng của ma quỉ. Nếu như vậy thì việc chúng ta để cho Chúa Giê-xu dùng môi miệng của chúng ta để nói tiếng lạ (của Thánh Linh) lại quan trọng hơn chứ!?
Có một điều chắc chắn này: Nếu chúng ta cầu xin Đức Thánh Linh ban cho chúng ta Ân tứ nói tiếng lạ thì Ngài sẽ không bao giờ cho chúng ta những gì gọi là thần cảm giả mạo của ma quỉ cả.
Theo phong tục của người thờ lạy tà thần, họ thường tụ tập lại để nhảy múa và dâng của tế lễ (của cúng) (phần 3a). Nếu những người này có dâng thật nhiều của tế lễ tà thần cho ma quỉ bao nhiêu mà kết quả vẫn là ở hỏa ngục, thì huống chi chúng ta là những Cơ-Đốc nhân lại càng nên nhóm hiệp nhau lại để thờ phượng Chúa Giê-xu càng nhiều hơn nữa chứ!
Điều tôi tin quyết thật chắc chắn, vì công việc của Chúa Giê-xu đang được bày tỏ ra, và Ngài biết ai là kẻ thuộc về Ngài.
Vậy, Chúa Giê-xu có mạnh mẽ trong đời sống của bạn không?
Chương 13
CHÚA GIÊ-XU NGÀY HÔM NAY
Tôi là một công dân Indonesia, đất nước tôi là một quốc gia rộng lớn ở phía Nam Malaysia và Singapore, và lệch lên phía Bắc của Úc châu. Kéo dài từ Tây sang Đông khoảng hơn 4800 km, và từ Bắc xuống Nam dài khoảng 2400 km. Kể ra thì diện tích Indonesia tương đương với Hoa Kỳ, nhưng nước Mỹ là lục địa, còn Indonesia chúng tôi thì chỉ toàn là đảo và biển, có khoảng 13.000 đảo lớn nhỏ.
Các nhà truyền giáo thuộc Giáo hội Trưởng lão Hà Lan đã đến đất nước chúng tôi khoảng 3 thế kỷ trước đây. Tôi sống trên đảo Timor, là một hòn đảo ở phía Đông Bắc trong quần đảo của đất nước tôi. Các Giáo sĩ người Hà Lan đã đến đảo Timor quê tôi để giảng Tin Lành cho tổ tiên của tôi là những người chưa bao giờ biết về Chúa Giê-xu. Người dân nước tôi còn thờ những cây cổ thụ, những con rắn to, những cây cọ (palm tree), và đủ thứ các loài thọ tạo khác từng mấy thế hệ rồi. Khi Tin Lành đến đây, nhiều người đã tin Chúa và gia nhập Giáo hội Trưởng Lão, trong đó có gia đình tôi.
Khi tôi còn nhỏ, tôi đi nhà thờ, học trường Chúa nhật, học thuộc lòng Kinh Thánh, cố gắng để trở thành một Cơ-đốc-nhân tốt như mục đích mà tôi mong muốn. Chúng tôi thường đến nhà thờ vào mỗi sáng Chúa nhật. Tham dự các buổi nhóm vào giữa tuần cũng tham gia vào những nhóm cầu nguyện. Mọi người chúng tôi đều tưởng mình được như thế là đã thành một Cơ-đốc-nhân rồi đấy. Nhưng trong mối tương giao của chúng tôi với Đức Chúa Trời có vẻ hời hợt (nguyên văn: just funny) lắm.
Chúng tôi có Kinh Thánh riêng, chúng tôi cũng đọc thấy trong Kinh Thánh có nói về quyền năng của Chúa Giê-xu, về những lời hứa của Ngài (có khoảng ba mươi ngàn lời hứa). Nhưng thật lòng mà nói, dầu tôi đã có 19 năm trong Hội Thánh, nhưng chưa hề kinh nghiệm được lấy một lời hứa của Chúa Giê-xu cho riêng mình.
Đi đến những phù thủy!
Lối sống của chúng tôi đôi lúc còn tệ hơn cả người ngoại. Đôi khi chúng tôi bị bệnh, chúng tôi sẽ đi bác sĩ ngay. Nếu bác sĩ không giúp gì được thì bấy giờ chúng tôi mới nghĩ đến cầu nguyện. Chúng tôi đến với xin Mục sư và sẽ nghe ông nói rằng: “Mel ơi, nếu Chúa muốn chữa lành cho anh thì Ngài sẽ chữa”.
– Tôi hỏi lại: “Nhưng làm sao ông biết được Chúa có chữa hoặc không chữa lành cho tôi?
– Mục sư sẽ trả lời: “ Ôi chao, thật khó mà biết được. Hãy cứ cầu nguyện, nếu Ngài muốn thì Ngài sẽ chữa lành cho anh”.
– Tôi lại nói: “Thưa Mục sư, trong sách Gia-cơ chương 5 có chép: “Nếu có ai đau ốm thì hãy đến xức dầu cho họ và lúc đó Đức Thánh Linh sẽ chữa lành họ”
– Ông Mục sư nói: “Đúng đó, anh bạn ạ!, nhưng chuyện ấy đã viết cách đây 2000 năm rồi. Câu chuyện thật là hay, nhưng đừng áp dụng từng chữ cứng nhắc theo kiểu đó. Nếu Chúa không chữa lành cho anh thì anh hãy cầu nguyện xin Ngài sẽ ban cho anh có ơn mà đủ sức chịu đựng cơn đau”.
Như vậy tôi phải chấp nhận lời khuyên này và cầu nguyện: “Thưa Chúa, nếu Ngài muốn chữa bệnh cho con thì xin Ngài hãy chữa cho con, còn không thì xin Ngài giúp con có đủ sức để chịu đựng”.
Tôi trở về nhà và cố sức chịu đựng cơn đau, nhưng tôi lại luôn phàn nàn vì không hiểu nổi cách mà Đức Chúa Trời hành động.
Vì thế, bạn biết chúng tôi làm gì không? Chúng tôi đi đến các thầy phù thủy,. Họ cầu thần thánh của họ cho chúng tôi, và trong vòng 3 phút thì chúng tôi mạnh khỏe lại ngay. Vì thế mà chúng tôi bắt đầu nghi ngờ: “Đức Chúa Trời thì thế nào?”. Những thầy phù thủy luôn giúp đỡ chúng tôi, còn Đức Chúa Trời dường như Ngài không làm gì cả. Vậy thì cách nào tốt nhất để chúng tôi tin Ngài? Chúa Giê-xu đôi lúc bỏ rơi chúng tôi trong tình trạng tuyệt vọng hay là các phù thủy và những thần linhcủa họ đã giúp đỡ chúng tôi?
Có nhiều quyền lực mạnh mẽ của ma quỷ đã cai trị trên đất nước chúng tôi, đến nỗi làm cho các Cơ-đốc-nhân phải kinh ngạc và nghi ngờ. Những quyền lực của ma quỉ đó cũng khiến cho dân chúng càng tin vào bói khoa, cầu cơ và nhiều thứ giống như vậy. Nhiều người đã trông cậy vào những quyền lực này để tìm sự giúp đỡ của ma quỉ để nó hướng dẫn cuộc đời mình.
Trong vòng 60 năm, các nhà truyền giáo Hà Lan đến rao truyền Tin lành tại Timor đã đưa khoảng 80.000 người gia nhập Giáo hội, nhưng đời sống của chúng tôi thì chẳng có thay đổi gì. Chúng tôi chưa bao giờ kinh nghiệm được quyền năng của Đức Chúa Trời. Chúng tôi xưng mình là Cơ-đốc-nhân nhưng chúng tôi sống chẳng khác gì người ngoại.
Các Mục sư của chúng tôi tại xứ sở này thật sự gặp nhiều nan đề vì đa số dân chúng còn bị quyền lực của ma quỷ trói buộc. Có rất ít người thật lòng đến với Chúa bằng mối thông công thật với Chúa Giê-xu Christ. Thật là kinh khủng! Khi nhìn họ đi nhà thờ cũng hát thánh ca, cầu nguyện… rồi khi trở về nhà họ lại sống y như nếp sống cũ như trước.
Các Mục sư lãnh được đồng lương khiêm tốn, họ phải làm đủ mọi thứ công việc trong nhà thờ. Nhưng việc tốt nhất mà họ có thể làm được ấy là mời người ngoại đến nhà thờ và nói cho họ biết về Chúa Giê-xu. Còn tín hữu như chúng tôi thì dĩ nhiên, chẳng bao giờ làm việc đó cả. Chúng tôi nói rằng: “Ông Mục sư và các chức viên trong Hội Thánh phải làm mọi việc của Hội Thánh, còn chúng tôi thì không. Chúng tôi đã dâng tiền để trả lương cho họ để họ làm việc thay cho chúng tôi”.
Đức Chúa Trời của “hiện tại”.
Chúa đã thay đổi hoàn toàn tình trạng thuộc linh suy đồi của xứ sở chúng tôi trong những năm gần đây, với nhiều phương cách rất tuyệt diệu. Có lẽ bạn đã nghe về việc Chúa Trời đã làm trên đất nước chúng tôi chưa?.
Tôi muốn chia sẻ với bạn trong sách Khải huyền chương 1, câu 4, 8, 11. Nếu đọc kỹ những câu Kinh Thánh này, bạn sẽ nhận thấy đây là điều mà Chúa Giê-xu khải thị cho sứ đồ Giăng khi ông đang ở trên đảo Bát-mô. Đây là lời chứng của Chúa Giê-xu Christ. Thật đáng tiếc vì các sứ đồ khác không có mặt tại đó. Trong lúc chỉ có một mình sứ đồ Giăng trên đảo đó, Chúa Giê-xu đã đến và tiết lộ cho ông biết nhiều điều. Chính nơi hòn đảo cô quạnh đó đã trở thành Thiên đàng đối với Giăng.
Khi Chúa Giê-xu đến, Ngài tự giới thiệu chính Ngài cho sứ đồ Giăng, đó là cách dễ dàng nhất mà tôi hiểu được Chúa đã tỏ ra thể nào.
– Chúa phán: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là sự bắt đầu và là kết cục. Là Đấng hiện có, đã có và còn đến, là Đấng toàn năng” (nguyên văn:… who is, and who was and who is to come). Chúa phán tiếp: “Ta là Đức Chúa Trời. Là Đấng hiện tại. Ta đã hiện hữu cách đây 2000 năm, ấy cũng chính là Ta, Đấng sẽ trở lại thế gian này một lần nữa”.
Nếu Chúa Giê-xu tự giới thiệu Ngài theo cách thứ tự, Ngài sẽ nói như thế này: “Ta là Đấng đã có, hiện có và sẽ đến thế gian này một lần nữa” (nguyên văn: …who was, who is and who shall come again). Không, Ngài không nói như thế, nhưng Ngài (bắt đầu ở thì hiện tại trước, ngược về quá khứ rồi mới đến tương lai) phán như thế này: “Ta là Đấng hiện có, đã có và sẽ đến”.
Tại sao Ngài nói như vậy? Tôi cũng thấy kỳ lạ quá, tại sao? Và Chúa đã mở mắt tôi nhìn thấy Lẽ thật này, Chúa muốn sứ đồ Giăng hiểu được là Ngài không chỉ là Chúa đã có cách đây từ rất lâu rồi, hay đã có từ hằng ngàn năm trước, thậm chí trước đó chỉ 1 ngày, nhưng Ngài là Đức Chúa Trời của hiện tại với chúng ta ngay trong giờ này. Ngài không chỉ là Đức Chúa Trời đã hành động trong quá khứ nhưng cũng là Đấng sẽ hành động trong tương lai. Chúa Giê-xu muốn nhấn mạnh cho Giăng thấy là: “Ta đang ở ngay đây, là Đức Chúa Trời của hiện tại”.
Tôi Ngợi khen Đức Chúa Trời về điều ấy.
Nhiều Cơ-đốc-nhân có Chúa Giê-xu, nhưng Chúa Giê-xu của họ là Chúa của 2000 năm trước. “Một Chúa Giê-xu của quá khứ” : Chúng tôi cũng có Chúa Giê-xu là Đấng chữa bệnh của quá khứ, là Đấng đã đuổi quỷ của quá khứ, thực hiện nhiều phép lạ của quá khứ, giúp đỡ cho bao nhiêu người của quá khứ mà thôi! Thật khó mà tin được Đức Chúa Trời như vậy. Nhưng Chúa Giê-xu phán: “Ta đang sống hôm nay chứ không phải đã sống ở 2000 năm trước”. Nếu tôi cần một Đức Chúa Trời thì tôi phải cần Đức Chúa Trời của hiện tại chứ không phải của nhiều ngàn năm trước. Tôi đang cần Ngài hôm nay.
Nhiều Cơ-đốc-nhân sống trong điều mà họ gọi là “Phước của Hy vọng”.
Có thể bạn hỏi tôi: “Phước đó là cái gì?”.
Thế đấy, khi họ hát bài Thánh ca: “Giờ Danh Sách Tuyên Đọc” (When the Roll is called up yonder), họ nói đến “Phước của hy vọng” đó, ấy là “Phước thay sự hiện đến của Chúa Giê-xu”. Họ đang chờ đợi sự trở lại của Chúa Giê-xu. Tôi cũng thế, nhưng chỉ là hy vọng. Có lẽ nó sẽ đến vào ngày mai, một năm, hoặc 1000 năm nữa, nhưng không phải là bây giờ. Tôi cần Ngài ngay hôm nay mà thôi.
Tôi chưa sống đến ngày mai, nhưng quá khứ thì đã vĩnh viễn xa rồi, tôi đang sống ngày hôm nay, nên tôi cần quyền năng của Ngài, tôi cần đến tình yêu của Ngài, sự an ủi của Ngài… tất cả đều ngay hôm nay. Tại sao tôi phải ngợi khen Chúa về những điều ấy? Vì chính Ngài đã tự giới thiệu cách ấy cho Giăng là : “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là sự bắt đầu và là kết cục, Là Đấng hiện có, đã có và sẽ đến, là Đấng toàn năng”.
Như là điều Ngài phán: “Ta là Giê-xu, là Chúa, là Đấng hiện có ngay giờ này. Nếu hôm nay các con có điều lo âu nào, thì Ta là Chúa của hiện tại. Nếu hôm nay các con có điều gì tuyệt vọng, thì Ta là Chúa của hiện tại. Nếu hôm nay các con đau ốm ư, thì Ta là Chúa của hiện tại”.
Phải chăng đó là một Lẽ thật tuyệt diệu? Thật có phước thay. Tôi ngợi khen Chúa vì Ngài là Đức Chúa Trời của hiện tại.
Trước khi cuộc phấn hưng xảy ra tại Indonesia, chúng tôi cũng có một Đức Chúa Trời đã có và sẽ đến. Chúng tôi đã nhớ đến Ngài và chỉ hy vọng như vậy thôi. Chúng tôi thường hát và nói về những gì mà Chúa Giê-xu đã làm từ 2000 năm trước, và Ngài cũng sẽ làm như vậy nhưng vào một ngày nào đó… Chúng tôi chưa bao giờ kinh nghiệm được Chúa Giê-xu trong đời sống chúng tôi của hiện tại. Đó là một sự thật đáng buồn cho Hội Thánh của tôi trước khi Đức Thánh Linh đổ xuống.
Một ngày nọ, lòng tôi kêu lên: “Thưa Chúa, chúng con đang sống cách đây 2000 năm”. Ông Mục sư của chúng tôi lại nói: “Đúng, những phép lạ Ngài đã làm cách đây 2000 năm rồi, Ngài sẽ không làm thêm gì nữa trong hiện tại…”. Thật là tuyệt vọng, tuyệt vọng biết bao! Chúng tôi có một trí nhớ phi thường về Vua của chúng tôi, nhưng Ngài lại không thể làm gì được cho chúng tôi ngay hôm nay cả!
Đôi khi, nhưng cũng hiếm khi Mục sư giảng về ngày Chúa Giê-xu trở lại. Vâng, đó là phước của hy vọng, nhưng không phải là lúc này. Ôi tôi quá tuyệt vọng vì Đức Chúa Trời không có ở hiện tại.
Cuối cùng khi tôi đọc Kinh Thánh, tôi bắt đầu ý thức rằng Đức Chúa Trời là Chúa hằng sống. Ngài là Đức Chúa Trời đang sống trong hiện tại, Ngài có thể giúp tôi ngay bây giờ nếu tôi còn bị ràng buộc bởi xiềng xích của tội lỗi, thì Ngài có thể giải cứu tôi và đem tôi ra được tự do.
Ở Indonesia chúng tôi có một bài hát là: “Ngài cởi xiềng xích khỏi lòng tôi và cho tôi được tự do” (He took the chains from my heart and set me free). Ngài làm cho tôi được trong sạch và cho tôi hưởng hạnh phúc. Ngài đưa tôi lên khỏi vũng bùn ngập ngụa, đặt chân tôi trên đất cao. Ngài đã cất khỏi lòng tôi mọi xiềng xích và giải cứu tôi được tự do…”. Tôi yêu thích bài hát đó, vì nó thật đúng với đời sống riêng của tôi. Đã một lần tôi sống dưới xiềng xích của tội lỗi và dưới quyền lực của Sa–tan, nhưng vào một ngày kia, Chúa Giê-xu đã đến cứu tôi ra khỏi và cho tôi được tự do.
Tôi nghĩ rằng đời sống Cơ-đốc-nhân được trọn vẹn ở điểm này, và nhiều người đã cung cấp cho tôi ý nghĩ ấy. Họ nghĩ rằng chỉ cần tiếp nhận Chúa Giê-xu và mọi việc khác coi như là xong, bạn sẽ lên Thiên đàng.
Nhưng tôi lại nghĩ : “Phải có điều gì hơn sự tiếp nhận Chúa Giê-xu chứ?” Ngài phán rằng khi chúng ta tiếp nhận ngài, chúng ta còn phải bước đi theo Ngài nữa chứ”.
Chúa Giê-xu phán: “Ta đến để cho chiên Ta được sự sống mạnh mẽ và sống sung mãn”.
Tôi nói: “Thưa Chúa Giê-xu yêu dấu, đó là điều tuyệt diệu”, và tôi nghĩ: “Chúa Giê-xu không đùa đâu, Ngài thật sự đã nói cho chúng ta biết Lẽ thật này”.
Trong thư Êphêsô chương 1, câu 3, chúng ta đọc thấy những lời kỳ diệu như sau: “Ngợi khen Đức Chúa Trời là Cha Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta với mọi thứ phước thiêng liêng trong Đấng Christ ở các nơi trên trời”.
Khi tôi đọc Kinh Thánh thì dường như Kinh Thánh luôn luôn nói về nguồn phước hạnh và ngập tràn niềm vui. Trong thư Philíp chương 4, câu 7 chép rằng: “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết sẽ gìn lòng và giữ ý tưởng của anh em trong Chúa Giê-xu Christ”.
Ngài ban cho chúng ta sự bình an của Ngài. Ồ kỳ diệu quá! Một sự bình an tuyệt diệu tuôn tràn.
Nhưng Kinh Thánh trong sách Công vụ các Sứ đồ chương 1, câu 8 cũng nói rằng: ”Khi quyền năng của Đức Thánh Linh Chúa giáng trên chúng ta thì chúng ta sẽ đi ra và làm chứng về Chúa Giê-xu trên khắp thế giới”. Khi đọc câu này tôi thưa với Chúa: “Thưa Chúa, chúng con có điều gì sai trật không? Trong Hội Thánh của chúng con chẳng có một quyền năng nào của Ngài cả. Nếu chúng con đau ốm thì lại đi đến các thầy phù thủy, Mục sư nếu có cầu nguyện thì chỉ là những lời như đọc kinh mà thôi” (Trong Hội Thánh Trưởng lão chúng tôi, Mục sư cầu nguyện dễ dàng lắm, chỉ cần đọc bài cầu nguyện được in sẵn, hoặc trong Thánh ca của chúng tôi ở phần cuối sách ở đó có in sẵn và cũng có in những lễ nghi tôn giáo để chúng tôi đọc).
Tôi cứ lập đi lập lại với Chúa rằng: “Chúa ơi, chúng con có điều gì sai trật chăng? Chắc phải có điều gì sai trật từ nơi ông Mục sư hoặc từ nơi con hay là Lời Ngài không có thật! Chúng con rất thành thật nhưng lại chẳng có quyền năng nào xảy ra cả?”
Khi cuộc phấn hưng tại Indonesia bắt đầu, chúng tôi khám phá ra rằng, cả Mục sư lẫn chúng tôi đều sai lầm. Chưa hề có ai nói với chúng tôi rằng ngày hôm nay Chúa Giê-xu vẫn còn chữa bệnh. Chúng tôi chỉ tin nơi phước của hy vọng hạnh phước và chúng tôi có một lễ nghi tốt đẹp lắm chứ. Nhưng chúng đã khám phá ra rằng, Chúa Giê-xu của hiện tại, Ngài vẫn đang sống với chúng tôi và Ngài vẫn làm được mọi việc ngay hôm nay. Chúng tôi cũng đọc thấy rằng: “Chúa Giê-xu không hề thay đổi, cho dù hôm qua, hôm nay hoặc ngày mai…”
Ngợi khen Đức Chúa Trời, Ngài biết sự khủng hoảng của chúng tôi, Ngài biết chúng tôi thiếu quyền năng của ngài như thế nào, nên Ngài đã đến và thăm viếng chúng tôi. Trong sách tiên tri Êsai, bạn sẽ tìm được điều mà Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ chính Ngài ngay cả cho những ai chưa bao giờ tìm kiếm Ngài. Ngợi khen Chúa. Chúng tôi thật quá ngu dại đến nỗi Chúa phải đến thăm viếng chúng tôi.
Chương 14
ĐỨC CHÚA TRỜI PHÁN
QUA NHIỀU CÁCH
Có hai điều rất quan trọng trong đời sống Cơ-đốc-nhân, nhất là cho những ai muốn hầu việc chúa:
Thứ nhất, là sự vâng lời, chúng ta cần phải vâng lời Chúa. Suốt cả Kinh Thánh cho chúng ta thấy cách mà Đức Chúa Trời đã dùng con người khi họ biết vâng lời Ngài một cách kỳ diệu. Để biết được ý Chúa và vâng lời Ngài mới là điều quan trọng vô cùng!
Thứ hai, làm sao có thể biết được ý Chúa? Đó là lời kêu cầu (nguyên văn: cry, than khóc) của phần lớn Cơ-đốc-nhân. Trong Cựu ước, chúng ta thấy Áp–ra–ham nghe thấy tiếng Chúa phán với ông, và ông vâng lời Ngài.
Nhiều Cơ-đốc-nhân ngày nay muốn hầu việc Chúa nhưng lại không biết chắc ý chúa đối với đời sống mình ra sao.
Trong cuộc phấn hưng tại Indonesia, Chúa đã chỉ cho chúng tôi biết nhiều cách để vâng lời Ngài. Ngài phán với chúng tôi qua 7 cách khác nhau. Tôi muốn chia sẻ với bạn những phương cách này:
Đức Chúa Trời phán trực tiếp
Cách thứ nhất là Chúa phán với chúng ta cách trực tiếp. Chúng ta thấy cả trong Cựu ước và Tân ước, Đức Chúa Trời đã phán trực tiếp.
Trong Cựu ước, sách 1 Sa-mu-ên chương 3, câu 3-10 chép: “Ê-li nói cùng Sa–mu–ên rằng, hãy đi ngủ đi, và nếu có ai gọi con, con hãy nói: Hỡi Đức Giê-hô-va xin hãy phán, kẻ tôi tớ Ngài đương nghe! Vậy Sa–mu–ên đi nằm tại chỗ mình. Đức Giê-hô-va đến đứng tại chổ đó gọi như các lần trước: “Hỡi Sa–mu–ên!” Sa–mu–ên thưa: “Xin hãy phán kẻ tôi tớ Ngài đương nghe”.
Trong Tân ước, chúng ta cũng thấy một trường hợp như thế, đó là lúc Chúa gọi Sau-lơ được chép trong sách Công vụ các Sứ đồ chương 9, câu 3-5: “Khi Sau-lơ đang đi trên đường gần đến thành Đa-mách. Thình lình có ánh sáng từ trời chiếu xuống bao quanh ông, khiến ông ngã xuống đất, có tiếng phán với ông rằng: “Hỡi Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ Ta?” Sau-lơ đáp lại: “Thưa Chúa, Ngài là ai?”. Chúa lại phán: “Ta là Giê-xu, Đấng mà ngươi đang bắt bớ”.
Tôi có một người bạn ở Indonesia tên là Peter Wohangara. Anh ta 16 tuổi và học cùng trường Kinh Thánh với tôi.
Khi còn học lớp 6, anh đã tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa. Sau khi trở thành một Cơ-đốc-nhân được 2 năm, anh bị dang dở mối tình đầu và rồi sa ngã.
– Ngày nọ, khi anh đang ở trong bếp. anh nghe có tiếng đúng tên mình: “Peter, con đang làm gì đó?”. Anh tưởng là mẹ anh gọi, nên anh chạy ra ngoài hỏi có phải mẹ anh gọi không, nhưng không phải.
– Anh trở lại làm bếp và hơi bực mình vì mẹ của anh gọi anh. Một lần nữa, tiếng gọi ấy lại đến với anh rất rõ ràng: “Peter, con đang làm gì đó?”. Lần nay thì anh nhận ra đó không phải là tiếng của mẹ anh, anh bước ra ngoài nhưng chẳng thấy có ai cả.
– Anh lại quay vào bếp và tiếng gọi ấy lại đến với anh lần thứ ba: “Peter, con đang làm gì đó?”.
– Lần này Đức Thánh Linh nói trong lòng Peter rằng “đó là tiếng của Chúa gọi anh đấy!”,
– Anh liền đáp: “Thưa Chúa, nếu đây là tiếng Chúa, xin Ngài muốn gì ở con?”
– Chúa phán: “Ta muốn con hầu việc Ta, và Ta sẽ dùng con trên đảo Kalimantan”.
Từ chuyện đó, Đức Thánh Linh đã vận hành trên anh, và anh đã dâng hiến đời sống mình cho Chúa. Hiện giờ (1971), anh đang học tại trường Kinh Thánh cùng với chúng tôi để đi Kalimantan (hoặc Bornéo như bạn gọi bằng tiếng Mỹ).
Hầu hết những người trong đoàn truyền giáo chúng tôi đi ra hầu việc Chúa bằng cách đã nghe thấy tiếng Chúa phán cách trực tiếp.
Tôi muốn chia sẻ lại với bạn một trong những chuyện kỳ lạ đã thường xảy ra tại Indonesia.
Năm 1962, trước cuộc phấn hưng, các tín hữu trong Hội Thánh thường không bao giờ đi giảng Tin Lành. Còn các Mục sư thì quá bận rộn với công việc của Hội Thánh đến nổi chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ đến việc đem Tin Lành đến với người ngoại.
Có một ngôi làng toàn là người ngoại gọi là làng Tubunaus cách Soe khoảng 5 km. Ngày kia, một vị sư của làng đó tên Sem Faet, ông bị bệnh cùi, đang dâng của sinh tế cho vị “Thần Huyết” của ông. Chúa Giê-xu đã đến và bày tỏ chính Ngài cho vị sư này.
– Chúa phán: “Ta là Đức Chúa Trời mà ngươi tìm kiếm, đây không phải là cách ngươi thờ phượng Ta”.
– Vị sư ấy hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Ngài là ai? Ngài muốn tôi thờ phượng Ngài bằng cách nào?”
– Chúa Giê-xu lại phán: “Ta sẽ cho ngươi biết tên Ta, và sau đó là cách thờ phượng Ta. Trước hết, ngươi phải đem lại đây tất cả mọi ảnh tượng, bùa chú rồi đốt chúng đi. Khi ngươi làm xong việc, Ta sẽ trở lại với ngươi và sẽ tỏ cho chính mình Ta cho ngươi biết”. Rồi Chúa biến mất.
Vị sư thuật lại cho dân làng điều Đức Chúa Trời đã hiện đến với ông và bảo mọi người phải đốt hết mọi ảnh tượng, bùa chú. Vì ông ta là vị sư trưởng nên họ vâng lời ông ta ngay và đốt hết mọi hình ảnh, thần tượng, bùa chú...
– Rồi vị sư cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa Trời, Tôi đã đốt hết mọi thần thánh của chúng tôi theo như lời Ngài phán. Giờ đây chẳng còn có thần nào khác ngoài Ngài ra. Xin hãy phán với tôi lần nữa”.
Chúa liền đến với ông và Ngài phán: “Tên của Ta là Giê-xu”. Chúa giải thích cho ông ta những đoạn Kinh Thánh nói về sự Cứu rỗi và nếp sống của Cơ-đốc-nhân. Và ông cũng được Chúa chữa lành bệnh cùi nữa.
Vị sư này không biết đọc, không biết viết nên Chúa phán với ông hãy đi đến làng Soe, “Khi ngươi đi đến đó, hãy mua một cây bút chì và một tập giấy”. Chúa Giê-xu phán như vậy, và ông liền vâng lời làm theo lời Chúa dạy.
Khi ông trở về làng, Đức Chúa Trời đã “cầm” tay ông để viết nhiều câu Kinh Thánh trong tập giấy của ông ta. Chúa không dùng kiểu chữ thông thường của người Timor mà là dùng chữ tượng hình huyền bí (type of hieroglyphics). Chúa đã viết cho ông ta nhiều câu chuyện có chép trong Kinh Thánh.
Ông ta có thể đọc được những chữ này một cách rất rõ ràng (ảnh chụp một trong những trang chữ của ông Sem Faet dưới đây) .
ảnh chụp một trang giấy có “chữ” hieroglyphics
Ông liền chia sẻ lại cho dân làng của mình những gì mà Đức Chúa Trời đã phán với ông. Dân làng tin lời ông ta (vì ông là vị sư trưởng) và họ tiếp nhận Chúa Giê-xu.
– Có vài người trong bộ lạc nói: “Chúng ta trông thật giống như các Cơ-đốc-nhân”.
– Vị sư trả lời: “Chúng ta không phải là Cơ-đốc-nhân, chúng ta chỉ tin Chúa Giê-xu và làm theo những gì Ngài phán dạy với ta”.
Chúa tiếp tục dạy dỗ họ. Khi chúng tôi đem Tin-Lành đến cho họ, chúng tôi đã tìm thấy một sự thông công kỳ diệu của nếp sống Cơ-Đốc thánh thiện với Chúa Giê-xu qua đời sống của họ.
Đức Chúa Trời phán qua sự hiện thấy (Vision – Khải tượng).
Cách thứ hai là Đức Chúa Trời phán với chúng ta qua khải tượng.
Trong Cựu ước sách Tiên tri Ê-xê-chi-ên chương 1, câu 1 rằng:“Bấy giờ là năm thứ 30 ngày mùng 5 tháng Tư, khi ta đang ở giữa phu tù trên bờ sông Kê–ba, thì các từng trời mở ra và ta đã thấy những khải tượng của Đức Chúa Trời”.
Trong Tân ước sách Khải Huyền chương 1, câu 10-11 cũng chép: “Nhằm ngày của Chúa, tôi được Đức Thánh Linh cảm hóa, tôi nghe thấy sau lưng mình có tiếng kêu rất lớn, như tiếng kèn vang lên rằng: “Ta là An-pha và Ô-mê–ga, là Đấng đầu tiên và là cuối cùng, những điều ngươi đã thấy thì hãy chép lại vào một quyển sách”.
Nhiều lần chúng tôi muốn đi giảng Tin-Lành tại một làng kia, nhưng không biết phải đi đến đó bằng cách nào. Ở đảo Timor chúng tôi có rất ít đường lộ, bản đồ thì không có. Chúng tôi chỉ có những đường mòn nhỏ hẹp, xuyên qua các khu rừng rậm. Nếu bạn chưa bao giờ đến một làng nào đó thì rất khó cho bạn có thể đi đến đó được.
Chúng tôi thường cầu nguyện và Chúa cho chúng tôi khải tượng (nguyên văn: vision). Nó giống như xem truyền hình của Đức Chúa Trời (God’s Television). Nhiều lần, qua những khải tượng đó, Đức Chúa Trời bảo chúng tôi phải đi thẳng, rồi lại đi lần theo các cây rừng, có lúc phải vượt sông v.v… Chúng tôi chỉ cần viết ra vào một tờ giấy, thế là chúng tôi đến được nơi mình muốn đến. Khi đã đến nơi, chúng tôi cũng biết được nhiều điều như có bao nhiêu dân, nhu cầu của dân làng này là gì mà Chúa đã tiết lộ trước cho chúng tôi rồi..
Đức Chúa Trời phán qua chiêm bao.
Cách thứ ba là Đức Chúa Trời phán qua chiêm bao.
Trong Cựu ước sách Sáng thế ký chương 31, câu 11 chép: “Thiên sứ Đức Chúa Trời đã nói với tôi trong giấc chiêm bao rằng: Hỡi Gia-cốp, tôi bèn thưa: Có tôi đây
Trong Tân ước sách Ma-thi-ơ chương 2, câu 13 cũng có chép “Sau khi mấy thầy đó đi rồi. Kìa, có một Thiện sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép phán trong giấc chiêm rằng: Hãy chỗi dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trốn qua xứ Ai cập ngay” .
Có đôi khi chúng ta được Chúa muốn nói một điều gì qua giấc chiêm bao. Nhưng chúng ta phải nhơ rằng, không phải lúc nào Đức Chúa Trời cũng dùng tất cả chiêm bao để phán dạy chúng ta.
Sau cuộc phấn hưng, nhiều người muốn đến đất nước của tôi để nhìn xem những việc đã xảy ra. Có khi chúng tôi nhận được thư báo tin trước rằng họ sẽ đến.
Năm 1967 có một người anh em đến Indonesia. Một trong các chị em của chúng tôi được chiêm bao thấy anh ta đến. Chị ta cũng “nhìn” thấy rõ mặt anh thanh niên này, và biết đích xác cả ngày, giờ anh ta đến. Anh thanh niên ấy hiện giờ chính là G.T.Bustin (ở Westfield), bang Indiana, Hoa Kỳ.
Đức Chúa Trời phán qua lời tiên tri.
Cách thứ tư là Đức Chúa Trời phán qua lời tiên tri.
Các sách Cựu ước có rất nhiều lời tiên tri, tôi tin chắc là bạn sẽ hiểu được.
Trong Tân ước sách Công Vụ các Sứ đồ chương 21, câu 10-11 chúng ta thấy chép rằng: “Chúng tôi đã ở đó được mấy ngày, có một tiên tri tên là A–ga-bút ở xứ Giu-đê xuống. Khi ông ta đến với chúng tôi, ông ta lấy dây lưng của Phao-lô mà tự trói cả 2 tay, 2 chân mình lại, và nói rằng: Này là điều Đức Thánh Linh dạy tôi. Người Giu-đa tại thành Giê-ru-sa-lem, sẽ trói người đàn ông nào có dây lưng này và nộp người đó vào dân ngoại”.
Trước khi tôi đến Mỹ, Chúa đã cho một anh em của tôi lời tiên tri thuộc về tôi.
Mọi chi tiết cuộc hành trình sang Mỹ tôi được biết trước để tôi chuẩn bị. Tôi chỉ cần viết lại ra giấy (sổ tay) và làm theo ma thôi. Nhiều lời tiên tri đã được ứng nghiệm, ngay cả khi tôi đang viết những dòng chữ này, nó đã xảy ra rồi nhưng có một vài điều nữa tôi vẫn đang chờ xem nó được trọn vẹn.
Ví dụ như, tôi chỉ có một vé máy bay khứ hồi từ Soe đến Houston, bang Texas (Hoa Kỳ). Dẫu vậy, người anh em này đã nói tiên tri là tôi sẽ đi châu Âu và Israel nữa. Tôi nghĩ: “Điều này không thể xảy ra”. Nhưng ngợi khen Chúa, đúng như vậy, giờ đây tôi sẽ trở về Soe qua đường châu Âu và Israel.
Tiếng phán êm dịu.
Cách thứ năm, Đức Chúa Trời phán qua tiếng êm dịu.
Đó là cách Đức Thánh Linh nói qua ý nghĩ của chúng ta. Thật khó diễn đạt điều này bằng lời nói.
Có lẽ đa số Cơ-đốc-nhân đều kinh nghiệm cách nói này hơn là cách nào khác. Bạn có sự thúc giục trong lòng rằng, điều này nên làm hoặc điều kia nên tránh. Cảm xúc này thường độc lập với lý trí suy luận của bạn. Nếu bạn cảm thấy khó chịu hay bị lấn ép (dồn nén) thì đó là ý muốn của ma quỷ. Nếu là Chúa Giê-xu hướng dẫn, thì Ngài không bao giờ ép buộc ai, mà là Ngài ban sự bình của Ngài cho bạn.
Đức Chúa Trời phán qua Lời của Ngài
Cách thứ sáu, Đức Chúa Trời phán với chúng ta qua sự suy gẫm lời Chúa mỗi ngày. Mỗi Cơ-đốc-nhân đều phải đọc Kinh Thánh hàng ngày, đó là cách Đức Chúa Trời nói chuyện với chúng ta. Nhưng tôi không nói rằng mọi người dùng Kinh Thánh như một quyển sách để “bói”.
Nhiều lần trong lúc chúng ta thờ phượng riêng tư với Chúa, Đức Chúa Trời sẽ ban lời của Ngài vào lòng chúng ta bằng một chữ, một câu hay một đoạn nào đó trong Kinh Thánh bởi sự hướng dẫn của Ngài hoặc để bày tỏ ý chỉ của Ngài.
Chúa đã ban cho tôi nhiều câu Kinh Thánh trước khi tôi rời Indonesia để đến Mỹ. Một câu đó là trong sách Khải huyền chương 3, câu 8-10 chép rằng: “Ta biết công việc ngươi, nay Ta đã mở trước mắt ngươi một cách cửa mà không ai đóng được, vì ngươi có ít năng lực đã giữ đạo Ta và chẳng chối danh ta… Vì ngươi đã giữ lời nhịn nhục Ta. Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách là giờ sẽ đến trong khắp thế gian đặng thử những người ở trên trái đất”.
Sau khi Đức Chúa Trời bảo tôi đi Mỹ, mọi việc có vẻ như không thể thực hiện được. Tôi không bao giờ tự mình tìm cách này cách kia cho chính mình. Nhưng chỉ chờ đợi Chúa mở đường mà thôi. Bạn đọc được những điều ấy ở những chương trước.
Hoàn cảnh hướng dẫn
Cách thứ bảy, Đức Chúa Trời cũng phán với chúng ta qua những hoàn cảnh.
Nhiều khi Chúa không phán với chúng ta qua những cách đã nói trên, nhưng Ngài sắp đặp một hoàn cảnh nào đó khiến chúng ta chỉ có một sự lựa chọn chứ không chọn cách nào khác để thực thi. Trong sách Châm ngôn chương 3, câu 6 chép: Trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo đường của con”.
Đức Chúa Trời thường muốn chúng ta nhận biết Ngài qua hoàn cảnh chung quanh chúng ta, Ngài có thể xoay chuyển mọi tình huống khiến chúng trở nên tốt lành cho chúng ta. Trong thư Rôma chương 8, câu 23 chép: “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại để làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định”
Kiểm chứng bằng sự thông công (Fellowship test).
Nhiều khi chúng ta được sự hướng dẫn từ Chúa một cách riêng tư. Điều đó quan trọng lắm, ít ra là ở tại xứ sở của tôi, chúng ta nên đi đến với các anh chị em mình trong sự thông công rồi đặt vấn đề mà chúng ta được Chúa cho biết để hết thảy cũng “kiểm chúng bằng sự thông công” (Fellowship test).
Chúng tôi không bao giờ chấp nhận bất kỳ sự hướng dẫn của một cá nhân nào nói là đến từ Đức Chúa Trời trước khi chúng tôi có sự kiểm chứng này. Điều này rất rõ ràng mà Kinh Thánh chép ở sách Công vụ các Sứ đồ chương 13, câu 2-3 rằng: “Đang khi các môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn thì Đức Thánh Linh phán – Hãy để riêng Ba–na–ba và Sau–lơ đặng làm công việc Ta đã gọi làm. Khi đã kiêng ăn và cầu nguyện xong, môn đồ bèn đặt tay trên hai người và để hai ông ra đi”.
Đức Chúa Trời đã kêu gọi Phao-lô và Ba-na-ba đi ra giảng Tin Lành, nhưng họ sẽ không thực thi mạng lệnh này nếu Chúa không phán với họ qua sự thông công hiệp nguyện với nhau.
Đây là cách an toàn nhất. Cá nhân của một người được Chúa hướng dẫn là rất tuyệt diệu, nhưng nó phải được tỏ ra qua sự thông công với nhau. Đây cũng là cách mà Đức Chúa Trời gìn giữ chúng ta không đi sai trật và hiểu sai ý chỉ của Ngài. Điều này sẽ giúp cho chúng ta khiêm nhường hơn.
Có một điều thật nguy hiểm khi Đức Chúa Trời phán với bạn, mà bạn lại nói rằng: “Con không cần ai giúp đỡ hết!”.
Đó là dịp thuận tiện để ma quỉ dẫn bạn đi sai trật đường hướng, kết quả là đời sống bạn không có kết quả gì cho Chúa Giê-xu cả.
Chương 15
SỰ KÊU GỌI CỦA CHÚA GIÊ-XU
Khi còn học ở trường Kinh Thánh Indonesia, tôi có dịp nói chuyện với một sinh viên năm thứ 4 tại đây. Tôi hỏi anh ta động lực nào khiến anh vào học Thần học viện tại thủ đô của xứ sở mình. Anh trả lời anh vào trường Thần học này vì nó cũng giống như vào các trường đại học khác. Anh đã làm đơn vào Đại học nhưng bị từ chối. Anh đã thử đến trường Đại học kinh tế nhưng cũng không được chấp nhận. Cuối cùng, anh đến Thần học viện và nơi đây anh được nhận vào.
Anh nói: “Tôi sắp tốt nghiệp, tôi sẽ trở thành một Mục sư của một Hội Thánh lớn, có nhiều tiền. Thật tôi thấy đi học giữa một trường Đại học với Thần học viện chẳng có gì khác biệt cả. Nếu anh học đại học, thì anh sẽ phục vụ cho nhà nước và kiếm được nhiều tiền. Nếu anh học Thần học viện và trở thành Mục sư ra quản nhiệm một Hội Thánh lớn, anh cũng có nhiều tiền… Đó là lý do khiến tôi vào trường Kinh Thánh này”
Ngày nay có nhiều người vào học trường Kinh Thánh hay Thần học viện bởi một động lực sai lầm. Nhiều người chọn đi học trường Kinh Thánh như là con đường cùng, đó là nơi duy nhất họ còn có thể đến được. Họ nghĩ rằng vì ông Viện trưởng đã nhận họ vào thì đó là ý Chúa;
Đối với một tôi tớ phục vụ Chúa thì việc được vào học trường Kinh Thánh không phải chỉ có chừng ấy. Phao-lô viết rõ trong thư gởi cho tín hữu ở Rô-ma trong thư Rô-ma chương 1, câu 1-5 rằng: “Phao-lô, đầy tớ của Chúa Giê-xu Christ, được kêu gọi làm sứ đồ, được biệt riêng ra để giảng tin lành Đức Chúa Trời. Là Lời Chúa đã hữa từ trước bởi lời tiên tri chép trtong Kinh Thánh nói về Con Ngài là Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta.Ngài bởi dòng dõi Đa-vít theo nhân tánh, và được tuyên bố là Con Đức Chúa Trời bằng quyền năng, theo Thần linh thánh khiết bởi sự sống lại từ trong cõi chết. Nhờ Ngài mà chúng ta được nhận lãnh Ân điển và chức Sứ đồ để dẫn đưa mọi dân ngoại ở các quốc gia đến sự vâng phục bằng đức tin trong Danh Ngài”.
Phao-lô biết đặc ân của Chúa ban cho ông khi Ngài dùng ông làm sứ đồ để rao giảng sứ điệp cứu rỗi cho dân ngoại và người Do Thái, không phải để Phao-lô kiếm tiền hay làm nên danh vọng. Không, nhưng là một sự kêu gọi đặc biệt của Đức Chúa Trời là Chúa Giê-xu Christ. Cũng trong thư Ga-la-ti chương 1, câu 1, Phao-lô đã nói đến chức vụ của ông rằng: “Tôi là Phao-lô, là Sứ đồ, không phải bởi loài người cũng chẳng phải bởi con người lập nên, mà là bởi Chúa Giê-xu Christ, là Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta. Ngài đã sống lại từ trong cõi chết”.
Trong tất cả các thư tín của mình, Phao-lô khẳng định rất cương quyết rằng, chức vụ sứ đồ của ông là một sự kêu gọi đặc biệt mà Đức Chúa Trời đã ban cho ông. Tôi cảm tạ Chúa vì từ khi chúng ta bắt đầu nghe được tiếng gọi của Chúa, và biết rằng Ngài đã biệt riêng chúng ta ra cho một mục đích tuyệt diệu của Ngài, thì đó là chúng ta đã đi đúng đường rồi đó.
Nếu bất cứ ai đến học trường Kinh Thánh mà không biết được mục đích và không nghe được sự kêu gọi của Đức Chúa Trời trên đời sống của mình, thì đó là một tai họa nguy hiểm. Điều đó chẳng khác nào một cuộc phiêu lưu liều lĩnh (nguyên văn: taking a chance, thử thời vận) với mạng sống của mình.
Trong tháng cuối cùng tại trường Kinh Thánh, tôi có dịp nói chuyện với vài sinh viên ở đây. Tôi hỏi các bạn ấy: “Tại sao các bạn đến đây để vào một trường lớn như thế này?”
Một vài anh em trả lời rằng họ đến để xem những gì Đức Chúa Trời làm và cũng tin rằng Đức Chúa Trời sẽ hướng dẫn họ.
Một số người khác nói: “ Vì cha mẹ tôi đã đến đây, và tôi cũng thấy yêu thích nơi này”.
Tôi không tin đây là những lý do đưa họ đến trường Kinh Thánh. Nhưng tôi tin, khi một người nào vào trường Kinh Thánh, họ phải biết rõ lý do của họ chứ. Người đó phải có được sự kêu gọi chính đáng. Nếu không, thì sau vài năm học tại trường này, mọi sự chuẩn bị và đầu tư cho học tập của người ấy sẽ chẳng được tích sự gì.
Khi bạn vào học Thần học viện với một sự kêu gọi đặc biệt, bạn phải biết rằng Đức Chúa Trời muốn bạn làm gì, bạn có thể chuẩn bị cho mình hành trang để đi theo đúng mục đích mà Đức Chúa Trời dành sẵn cho bạn. Đây là lời cầu nguyện của tôi cho các bạn thanh niên, thanh nữ là những người sẽ đọc sách này. Đừng chỉ hy vọng một ngày nào Đức Chúa Trời sẽ kêu gọi bạn đi theo một con đường nào đó, nhưng chính bạn phải tìm kiếm và biết chắc rằng Đức Chúa Trời có một mục đích thiên thượng dành cho đời sống bạn.
Thiên đàng hay Địa ngục?
Tôi nhớ lại, trước khi có cuộc phấn hưng xảy ra, bất cứ việc gì chúng tôi làm cũng giống như là trò chơi dự đoán (guessing game).
Khi người ta hỏi tôi nếu được lên Thiên đàng, thì tôi sẽ nói: “Tôi cũng nghĩ như thế, ít ra mình cũng hy vọng như vậy chứ”.
– Họ hỏi tiếp: “Tốt, thế còn địa ngục thì sao?”
– Tôi trả lời: “Cũng vậy thôi, tôi không muốn đến nơi đó, nhưng có thể tôi sẽ ở đó không chừng. Dĩ nhiên, tôi không thích nơi đó”. Chúng ta đang sống trong một nơi không có sự bảo đảm và cũng không có sự chắc chắn nào. Nơi chúng ta đang sống cũng chẳng có một nền tảng vững chắc nào.
Hồi còn học Trung học, một ngày kia, có một em bé hỏi tôi: “Khi anh chết, anh có biết được anh lên Thiên đàng hay xuống địa ngục?”. Tôi suy nghĩ: “Có lẽ mình được lên Thiên đàng chứ, mà coi chừng cũng không được gì”. Thế đấy, trong lòng tôi lại rất lo sợ vô cùng khi biết rằng, nếu tôi phải đi xuống địa ngục thì như thế nào nhỉ?
– Một người bạn của tôi trả lời: “Chúng ta phải biết chắc chắn hơn chứ”.
– Người khác nói: “Đúng, vậy ai trong chúng ta ở đây có thể trả lời được?”
– Chắc tôi từ chối quá. Một anh bạn khác nói vào: “Ôi chao, thôi dẹp (nguyên văn: forget, quên) vụ này đi, chúng ta cứ đợi, khi nào Chúa Giê-xu Christ tái lâm, lúc ấy Ngài sẽ cho chúng ta biết nếu được lên Thiên đàng thì chúng ta sẽ nói: “Ngợi khen Chúa” và đi ngay. Nhưng nếu khi Ngài đến bảo chúng ta là xuống địa ngục, thì liệu chúng ta có thể ngợi khen Ngài nổi nữa hay không, thế là chúng ta đi ngay xuống địa ngục. Thôi, dẹp chuyện này đi cho rồi”.
Thế rồi chúng tôi ra về, mỗi người mang một ý nghĩ khác nhau rằng, hãy cứ đợi khi nào Chúa Giê-xu tái lâm thì sẽ biết. Từ quan điểm của anh bạn này đã làm cho tôi “mệt mỏi” (nguyên văn: bothered me) đến mấy năm sau. Tôi đẵ bắt đầu hình dung ra được vấn đề này: Nó trông giống như lập luận mà anh bạn của tôi đã nói là hãy cứ đợi khi Chúa Giê-xu tái lâm rồi sẽ biết. Song tôi thật lòng không đồng ý với lập luận đó, bởi vì nếu đợi khi Chúa Giê-xu tái lâm thì có thể khi đó Chúa sẽ phán tôi đi địa ngục thì sao nhỉ!”.
Tôi đến Hội thánh và dâng tiền cho công tác truyền giáo và cầu nguyện. Tôi nghĩ: “Có lẽ mình sẽ là một Giáo sĩ truyền giáo, chấp nhận với bất kỳ gian khó nào, và rồi Chúa Giê-xu phán với tôi, “Hỡi Mel, ngươi phải đi địa ngục”. Ôi chao, tôi nghĩ đến câu nói đó thì chắc chắn tôi sẽ nản lòng lắm.
– Tôi nói: “Đây là điều khủng khiếp quá, mình sẽ tìm được điều tốt hơn là nơi tôi sẽ đến sau cuộc đời này”.
Nhưng một mặt tôi lại nghĩ khác: “Có lẽ Chúa Giê-xu muốn mình lên Thiên đàng. Nhưng hiện tại thì mình còn làm theo ý riêng nhiều hơn là vâng theo ý Chúa. Nếu một ngày nào đó, Chúa Giê-xu nói với mình là lên Thiên đàng, chắc là Chúa sẽ “đánh” cho mình chết quá” (nguyên văn: shock me to death). Vậy thì mình sẽ nói: “Thưa Chúa, con đã sống theo ý riêng của con trên trần gian này nhiều năm rồi, bây giờ làm thế nào để Chúa đem con về Thiên đàng được?”. Tôi không nghĩ là tôi sẽ về Thiên đàng theo cách đó.
Nhiều năm sau, tôi ngạc nhiên lắm. Một ngày nọ tôi nói: “Thưa Chúa, Xin cho con biết con sẽ về đâu sau cuộc đời này. Nếu Ngài nói cho con biết sẽ được lên Thiên đàng, thì ngay từ bây giờ con sẽ sống cho Thiên đàng. Nếu Ngài cho con biết con sẽ đi địa ngục thì con sẽ sống cho địa ngục ngay bây giờ. Chúa Giê-xu ơi, con muốn biết chắc chắn như thế nào”.
Chúng ta chết vì Đấng Christ rất dễ, nhưng tôi nghĩ rằng, sống vì Đấng Christ thì không khó lắm đâu. Nhưng để sống vì Đấng Christ qua nhiều năm tháng thì quả là khó vô cùng. Tôi nói với Chúa: “Nếu Ngài cho con biết chắc chắn là con sẽ đi đâu sau cuộc đời này, thì con sẽ sống thật sự cho Ngài”.
Chừng bảy năm sau, Chúa khởi sự mở mắt và chỉ cho tôi thấy trong Kinh Thánh để biết là có sự bảo đảm chắc chắn và niềm hy vọng cho tôi – một ngày nào đó, tôi sẽ lên Thiên đàng.
Năm 1965 là năm rất tuyệt diệu trong đời tôi. Năm đó là lúc tôi thật lòng tiếp nhận Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của mình. Tôi thưa với Ngài rằng: “Chúa Ôi, con muốn ăn năn những tội lỗi và đường lối ý riêng của con. Con yêu Ngài, Chúa Giê-xu ơi, xin hãy đến vào lòng con làm Chúa và làm Vua cuộc đời con”. Rồi tôi hát: “Ngày vui hơn hết. Ngày vui hơn hết, khi Chúa Giê-xu rửa hết muôn tội” (Oh, Happy Day. Oh, Happy Day. When Jesus washed my sins away). Bài Thánh ca đó, cũng từ ngày đó, đã trở thành bài hát riêng của tôi. Nó được hát lên từ đáy lòng tôi vì tôi biết rằng từ lúc ấy, tên của tôi đã được ghi trên Thiên đàng.
Cảnh cáo kẻ ác
Tôi nhớ một ngày nọ, trong khi tôi đang đọc Kinh Thánh tại nhà của cha mẹ tôi, khi đọc đến sách Ê-xê-chi-ên chương 33, câu 8-9 chép rằng: “Khi Ta phán cùng kẻ ác rằng: Hỡi kẻ ác, mày chắc sẽ chết. Nếu ngươi không nói cảnh cáo kẻ ác xoay bỏ đường lối xấu của nó, thì kẻ ác đó sẽ chết trong sự gian ác của nó; Nhưng Ta sẽ đòi máu của nó trong tay ngươi. Trái lại, nếu người đã cảnh cáo kẻ ác để nó xoay bỏ đường lối của nó nhưng nó không nghe, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó; Nhưng phần ngươi thì ngươi được giải cứu mạng sống mình”. Đọc đến đây thì Chúa phán trong lòng tôi cách rõ ràng.
– Chúa phán: “Con đã được cứu và con đã chấp nhận ta làm Cứu Chúa của riêng con. Bây giờ Ta sử dụng con làm người đi rao báo cho dân chúng trên đất này. Nếu họ còn sống theo ý riêng của họ thì họ sẽ chết bởi sự bất nghĩa của họ. Nếu con không chịu cảnh cáo về tội lỗi của họ, thì Ta sẽ đòi máu của họ nơi tay con”.
Tôi nhớ đến khúc Kinh Thánh ấy đã làm tôi muốn điên lên được. Tôi ném cuốn Kinh Thánh đi chỗ khác rồi bỏ đi ra ngoài mà nói với Chúa: “Đức Chúa Trời ơi, Ngài chính trực (honest) thay. Nhưng con không thích câu Kinh Thánh đó”.
– Chúa nói với tôi: “Con ơi, tại sao vậy?”.
– Tôi đáp: “Bởi vì câu đó là rồ dại (foolish). Tại sao Ngài đòi máu của người khác nơi tay con? Nếu Ngài đòi máu của con, thì Ngài đòi nơi con những khuyết điểm gì con cũng chấp nhận, Nhưng nếu đó là khuyết điểm của người khác mà Chúa đòi nơi con thì chắc con không thể đi cảnh cáo kẻ ác được”.
Sau đó, tôi đọc được một tạp chí Cơ-Đốc có một đề mục được Tiến sĩ A.B. Simpson viết. Ông viết một bài theo như tinh thần của khúc Kinh Thánh mà tôi đã nói ở trên. Tôi lại ném tờ báo ấy đi (như đã ném cuốn Kinh Thánh của tôi ở lần trước) vì lại thêm một chuyện rồ dại nữa. Tôi không hiểu nổi cách mà Đức Chúa Trời lại đòi hỏi nơi chúng ta được.
Tôi đi ra ngoài cửa nhà đứng cả nửa giờ đồng hồ sau, lúc ấy Đức Thánh Linh đã thúc giục lòng tôi, khiến tôi bằng lòng như điều Chúa dạy. Tôi nghĩ: “Tốt nhất là mình nên quay vào, đọc lại tờ báo ấy xem người ta nói gì, và suy nghĩ thử xem ông Simpson viết gì trong đó. Khi tôi quay lại với khúc Kinh Thánh đã đọc rồi dừng mắt lại vào trọng tâm của bài báo.
Tôi nhặt tờ báo lên và đọc bài viết của ông Simpson. Tôi không thể đồng ý hoàn toàn với Simpson, nhưng Đức Thánh Linh phán với tôi và càng lúc càng bắt phục tôi hơn. Tôi đã nói rằng: “Con không đồng ý, con không đồng ý, con không đồng ý!”. Nhưng điều đó cứ nói với tôi cho tới khi tôi được sự trả lời về khúc Kinh Thánh ấy.
Kinh Thánh nói, khi bạn cảnh cáo kẻ ác, và nếu họ phải chết trong sự gian ác của họ thì bạn phải đổi lại bằng linh hồn của bạn. Ông Simpson đã mô tả các đặc ân lớn mà Chúa sẽ ban cho những ai được cứu để đem Tin Lành cứu rỗi đến cho đồng bào mình. Lúc ấy, tôi nói ngay: “Thưa Chúa, nếu đây là bổn phận của người Cơ-Đốc, con cũng là Cơ-Đốc nhân, vậy nếu như con đi giảng Tin lành để con có thể giải cứu cho chính con khỏi máu của đồng bào con, thì xin Chúa con muốn được đi giảng Tin lành lắm”. Tôi bắt đầu nói với Chúa: “Chúa Giê-xu ơi, xin hãy làm điều ấy cho con để con có thể đi giảng Tin lành”.
Sáu tháng sau đó, dường như mọi cơ hội (nguyên văn: every door, mọi cách cửa) đều bị đóng lại, và Chúa đã không cho phép tôi tôi đi giảng Tin Lành. Bạn biết tại sao không? Bởi vì mục đích của tôi ra đi đã sai trật rồi. Tôi thật sự chưa bao giờ nghe thấy tiếng Chúa gọi của Chúa. Tôi nói: “Thưa Chúa, con muốn đi giảng Tin lành”. Nhưng Chúa đã không cho tôi đi vì tôi còn yêu tôi nhiều hơn là tôi yêu Chúa, yêu người. Tôi muốn trốn chạy – để tự giải thoát mình ra khỏi những gì mà Kinh Thánh nói Chúa sẽ thi hành hoặc đòi hỏi điều gì đó nơi tay tôi.
Sau này, Chúa bắt đầu mở mắt tôi để tôi nhìn thấy việc mà tôi đã có động lực sai lầm (nguyên văn: I did not have a good motive, không có động lực tốt) khi muốn đi rao giảng Tin lành, Sứ đồ Phao-lô nói trong thư thứ 2 Cô-rin-tô chương 5, câu 14 rằng: “Vì tình yêu của Đấng Christ đã cảm động chúng tôi…..”, đó mới là động lực đúng đắn duy nhất mà Chúa muốn. Trong vài cầu khác có chép là, tình yêu của Chúa có sẵn trong lòng chúng ta sẽ thúc giục (forces) chúng ta, cảm động chúng ta, hành động trong chúng ta và ban quyển năng để chúng ta đi ra phục vụ Chúa.
Cuối cùng, Chúa đã giải cứu tôi ra khỏi ý nghĩ sai lầm của mình, và Ngài bắt đầu đổ tràn tình yêu của Ngài vào lòng tôi. Và rồi, tôi khởi sự cầu hỏi Chúa để xin Ngài hướng dẫn tôi đi, vì tôi không biết được nơi nào Chúa muốn dùng tôi trong chức vụ Ngài sai phái.
Một cơ hội đi học Bác sĩ (M.D. Medicine of Doctor) tại Liên xô.
Lúc bấy giờ, tôi có được một học bổng chuẩn bị đi Liên Xô để học y khoa tại Moscow. Gia đình tôi rất thích điều này, và thật lòng chính tôi cũng thích nữa, vì khi bạn là một bác sĩ tại một nước ở châu Á, thì bạn là người giàu có nhất. Đời sống của những bác sĩ thì hết sức tốt đẹp.
Tôi nghĩ. Tốt nhất là mình đi học bác sĩ, vì tôi có học bổng của Liên Xô mà. Tôi bắt đầu cầu hỏi ý Chúa để Ngài cho tôi đi du học. Thế rồi Chúa phán với tôi qua Lời Ngài khiến tôi cảm thấy thật khó chịu vì Ngài muốn tôi trở thành người hầu việc Ngài!
– Tôi nói: “Thưa Chúa. Nếu Ngài cho con trở thành bác sĩ thì con sẽ dâng tiền cho Ngài”.
– Chúa hỏi tôi: “Con sẽ dâng cho ta bao nhiêu?.
– “Thì 10% hoặc có thể hơn thế nữa”.
– “Không, Ta không cần tiền của con”.
– Tôi lại nói: “Thưa Chúa. Có lẽ 10% còn ít quá, thế thì con dâng 20% nhé”..
– “Không, ngay cả 20% cũng chưa đủ. Ta không cần tiền của con đâu”.
– Tôi nói tiếp: “Hay là con dâng 30%?”
– Chúa trả lời: “KHÔNG!”.
– Tôi lại nói: “Thôi thì con dâng 50% nhé? Con sẽ giảng Tin Lành cho bệnh nhân của con rồi con sẽ dâng cho Ngài 50% tiền lương. Thật là tuyệt, phải không Chúa!”
– Chúa trả lời: “Không? Ta chỉ muốn con hầu việc ta trọn vẹn”.
– Tôi lại thưa với Chúa: “Thưa Chúa? Như vậy thật là điên rồ. Ngài cho phép nhiều người khác trở thành Bác sĩ và họ dâng tiền để lo cho công tác truyền giáo, vậy là tuyệt vời quá rồi. Vậy sao Ngài không cho con trở thành Bác sĩ?”
– Tôi nói thêm: “ Thôi, con sẽ dâng cho ngài 60% hay 70% luôn, con chỉ giữ lại 30% tiền lương để sống. Ngài chấp nhận đi. Chúa Giê-xu ơi, Ngài nghĩ lại thử xem, vì đó quả là một sự hy sinh của con rồi đó”.
– Chúa lại phán: “Không? Con yêu ơi, Ta không cần tiền của con? Nhưng Ta cần con”.
– Tôi nghĩ : “Thôi được, Chúa cần mình cũng tốt thôi”. Cuối cùng tôi đã thưa với Chúa: “Vậy cũng được, thưa Chúa, như vậy cũng tốt. Con sẽ dâng cuộc đời con cho Ngài, nhưng con muốn biết chắc. Xin Ngài bày tỏ ý Ngài cho con cách rõ ràng vì muốn con trở thành tôi tớ của Ngài. Chúa ơi, vì đây là một cơ hội lớn mà Liên xô đang dành cho con đi Moscow học bác sĩ”.
Chẳng bao lâu sau, vào một đêm ngày 28 tháng 5 năm 1965, tôi bắt đầu cầu nguyện: “Chúa ơi, xin cho con câu trả lời dứt khoát. Nếu con hiểu được câu trả lời của Ngài và lời Ngài hứa thì con sẽ ra đi hầu việc Ngài ngay. Con không muốn đi sai đường nên con cần biết chính xác ý của Ngài. Thưa Chúa, sáng ngày mai con chắc có câu trả lời của Ngài”.
Và Chúa đã trả lời thật. Khoảng 5 giờ sáng, tôi thức dậy và muốn ra khỏi giường. Nhưng có một sức mạnh gì đó rất mạnh mẽ đã đẩy tôi ngã xuống khỏi giường. Tôi ngạc nhiên không biết chuyện gì xảy đến cho mình. Tôi kinh hoảng. Nhưng sức mạnh ấy vẫn giữ chặt tôi dưới đất. Một lần nữa, tôi kinh ngạc quá: “Chuyện gì xảy ra cho mình thế?”
Tôi nhớ mẹ tôi thường kể cho tôi nghe chuyện về những người bị ma đè (oppressed by demons). Đôi khi ma quỷ cũng đè người đang ngủ khiến họ không thức dậy được nữa. Tôi nghĩ là ma quỷ đang đè tôi, nên tôi cầu nguyện “Chúa Giê-xu ơi, Nếu đây là ma quỷ thì xin Ngài giúp con…”.
Trong khi đang cầu nguyện như vậy, thì Chúa cho tôi một khải tượng. Tôi thấy mình đang đứng cạnh một kho lúa. Thình lình tôi thấy có một cây thập tự bắc từ trên trời xuống – có vài đứa trẻ đang nô đùa trước mặt tôi. Tôi thấy có hai bàn tay giơ ra chúc phước cho những đứa trẻ này. Tôi nghĩ, hình ảnh này giống như là Chúa Giê-xu đang chúc phước cho các đứa trẻ. Thế rồi cây thập tự này xoay lại và có một người ở trước cây thập tự, nhưng người này không bị đóng đinh trên cây gỗ, nhưng chỉ đứng trước cây thập tự thôi. Tôi nhìn thấy chân và áo quần của Người trắng tinh, khi tôi nhìn vào mặt Người, đó là một khuôn mặt rất tuyệt đẹp mà tôi chưa hề thấy. Tôi nhìn đôi mắt của Người, đôi mắt ấy toát ra ánh nhìn đầy yêu thương tuyệt diệu vô cùng. Tôi không thể đứng nổi trước cái nhìn ấy và tôi quỳ xuống rồi ôm lấy chân Người mà nói rằng: “Chúa Giê-xu ơi, Con muốn hầu việc Ngài. Nhưng con không biết phài làm gì?”. Thế rồi, có tiếng phán êm dịu với tôi rằng: “Đừng lo lắng con ơi, Ta sẽ mở đường cho con” (nguyên văn: I will make the way possible for you).
Vậy là tôi biết Chúa Giê-xu Christ đã bày tỏ chính Ngài cho tôi biết dứt khoát sự kêu gọi của Ngài, và Ngài muốn tôi hầu việc Ngài. Thế rồi khải tượng đó biến mất, tôi liền vùng dậy. Tôi biết là Đức Chúa Trời đã trả lời cầu xin của tôi hồi đêm qua bằng lời phán: “Ta đã kêu gọi con giờ đây trở nên tôi tớ hầu việc Ta”.
Tôi dâng trọn đời sống tôi cho Chúa Giê-xu, và bỏ luôn ý định đi Moscow du học trở thành bác sĩ. Tôi bắt đầu lên đường đi từ làng này đến làng khác để rao giảng Tin-Lành.
Khi thuật lại câu chuyện này, tôi không muốn khuyên bạn là cần phải có một khải tượng đặc biệt để biết chắc ý của Đức Chúa Trời cho đời sống bạn. Nhưng tôi muốn nói rằng bạn phải có niềm tin chắc chắn và dứt khoát. Niềm tin đó đến qua khải tượng, qua Lời Đức Chúa Trời, hoặc qua một người nào đó giảng Lời Chúa. Nó có thể đến qua nhiều cách, nhưng bạn phải thật khát khao để biết được Đức Chúa Trời đã kêu gọi bạn cho một mục đích đặc biệt của Ngài.
Chương 16
TRƯỚC HẾT, HÃY ĐI VÀO RỪNG GIÀ
Cuộc phấn hưng nào cũng luôn đem đến sự bắt bớ. Kinh Thánh nói rằng: “Phước cho các ngươi, khi người ta mắng nhiếc và bắt bớ các ngươi, lấy mọi điều ác mà vu khống các ngươi cách sai lạc vì cớ Ta. Hãy vui mừng đi, và nức lòng mừng rỡ, vì phàn thưởng của các ngươi trên trời là lớn lắm, vì các đấng Tiên tri đã từng bị người ta bắt bớ trước các ngươi lâu rồi” (Math. 5:11-12).
Bây giờ, tôi sẽ trở về nước (Indonesia), tôi biết là sẽ có nhiều khó khăn đang chờ đợi tôi, đặc biệt là những người có chức quyền trong Giáo hội – vì họ ganh tị với tôi. Họ không thích Đức Chúa Trời sử dụng người khác cho Ngài hơn là họ. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban phước cho tôi rất nhiều. Tôi sẽ bị rắc rối, đó là điều chắc chắn.
Tôi ngợi khen Chúa vì đó là một biểu hiện đến từ Ngài. Trong Phúc âm Giăng chương 15, câu 19, Chúa Giê-xu phán, nếu bạn được thế gian ưu đãi, thì bạn thuộc về thế gian. Nhưng nếu bạn không thuộc về thế gian, thì thế gian sẽ ghét bạn!
Trong lịch sử Cơ-Đốc giáo, chúng ta có thể nhìn thấy là nếu người nào thật lòng yêu Chúa và vâng lời Ngài thì họ đều bị ngược đãi. Trong Phúc âm Lu-ca chương 6, câu 26 chúng ta thấy chép rằng: “Khốn thay cho các ngươi, khi người ta nói khen các người, vì tổ phụ của họ cũng đã đối xử với các tiên tri giả là như vậy”.
Vậy nếu mọi người trong thế gian ngợi khen chúng ta thì chúng ta hãy xem lại thật kỹ những việc gì mình đã làm ra sao.
Sự giải cứu lạ lùng
Bạn phải biết là không phải lúc nào ở Timor cũng có sự yên ổn đâu. Tôi nhớ một ngày nọ chúng tôi đến tại thành phố Nunhila để giảng Tin lành. Khi chúng tôi đang cầu nguyện trước buổi thờ phượng, Chúa phán với chúng tôi rằng khuya nay, sẽ có khoảng 400 người sẽ đến Nhà thờ để cố giết chúng tôi.
Đức Chúa Trời cũng phán với chúng tôi là đừng lo lắng nhưng cứ tiếp tục cầu nguyện, hát, và giảng Tin Lành bình thường. Vì “Ta sẽ che chở các con”. Chúa hứa như vậy.
Đêm đó, khoảng 400 người kéo đến bên ngoài Nhà thờ, họ mang theo gươm giáo, gậy gộc và cả những gì có thể gọi là vũ khí. Họ cũng mang đến nhiều thùng xăng để muốn thiêu đốt Nhà thờ. Họ la hét và chưởi rủa đủ mọi điều rất dữ tợn.
Thoạt đầu, chúng tôi nghĩ là phải chạy vào nấp trong Nhà thờ rồi khóa cửa lại, nhưng Chúa phán: “Các con cứ mở cửa và ra ngoài!”.
Họ xô đẩy nhau để tràn vào Nhà thờ, nhưng họ không làm sao vào được. Giống như là có các Thiên sứ đang đứng ngay trước Nhà thờ.
Một ông kia cầm dao mà chúng tôi gọi là “keres”. Họ tẩm thuốc độc ở đầu nhọn, nếu bạn bị nhát dao đó cắt phải dù chỉ là một vết trầy, thì bạn sẽ chết ngay. Ông ta xông vào Nhà thờ để cố ý giết chúng tôi, nhưng Chúa đã ngăn cản ông ta, và Chúa khiến ông ta cứ đi vòng quanh Nhà thờ mãi, và ông ta đã đánh rơi con dao ấy. Sau đó thì ông ta bỏ đi ra khỏi Nhà thờ. Chúng tôi chỉ ngồi đó và ngợi khen Chúa.
Bấy giờ có một viên cảnh sát đi qua phố đó, ông này vừa mới làm việc xong ở Sở Công An. Lúc đó là gần 23 giờ khuya. Trong khi ông ta đang lái xe về nhà, xe của ông đi đến một ngã tư. Nếu ông quẹo về phía tay phải, thì ông đã về nhà rồi, nếu ông quẹo về phía tay trái, thì ông sẽ đi đến Nhà thờ.
Trước khi ông ta đi đến ngã tư, Chúa phán với ông này hãy quẹo xe về phía tay trái và đi đến Nhà thờ. Chúa phán với ông ta rằng: “… vì các tôi tớ của Ta đang gặp nguy hiểm”.
Ông ta nói lại: “Ủa, tôi nghe ai nói vậy? Tôi buồn ngủ quá rồi, tôi muốn đi về nhà thôi”. Ông ta đi đến ngã tư và cố bẻ tay lại về phái phải, nhưng cho dù ông cố quẹo về phái tay phải song chiếc xe của ông lại chạy về phái tay trái.
Một việc như thế trước đây chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử loài người, ngoại trừ đêm đó. Tôi (Mel Tari) tin như thế! Ông ta bắt đầu run sợ.
– Ông ta nói: “Chiếc xe này bữa nay sao kỳ quặc vậy?”
– Có một tiếng nói với ông ta: “Con hãy đi đến Nhà thờ và không được về nhà!”.
– Ông ta đáp lại: “Trời ơi, nếu đây là tiếng Chúa nói, thì xin Chúa lái chiếc xe này, vì con không biết Nhà thờ ở đâu cả”. Ông ta đặt hai tay trên “vô-lăng” và chân mình trên bàn đạp “ga”. Thế rồi Đức Chúa Trời làm cho chiếc xe bắt đầu chuyển bánh và chạy… đến đúng nơi Nhà thờ, nơi chúng tôi đang gặp khó khăn.
Khi người cảnh sát đến Nhà thờ rồi, ông kêu lớn tiếng gọi Đoàn truyền giáo phải đi ra xe ngay lập tức. Đám đông bên ngoài nghĩ rằng: “Chắc chuyện này lớn lắm đây, Công An đến bắt bọn Tin lành này đi bỏ tù rồi”. Thế rồi đám đông tản ra để Đoàn truyền giáo lên xe ra đi an toàn.
Đám đông vui mừng lắm khi thấy chiếc xe chở Đoàn truyền giáo đi khỏi vì họ nghĩ là chúng tôi bị Cảnh sát bắt bỏ tù. Nhưng không ai biết là người cảnh sát này đã chở chúng tôi đến một nơi an toàn.
Lần nọ, ông anh rể của tôi ở tại làng Bele. Đây là làng của dân ngoại. Dân chúng từ chối tiếp nhận Tin lành. Ngày nọ khi anh đang giảng đạo, họ lấy đá ném anh cho chết. Nhưng lạ lùng sao, những viên đá ném tới anh như mưa bay đến cách anh khoảng 5 tấc (2 feet) thì chúng rơi xuống đất, dường như chúng đã chạm phải một bức tường vô hình nào đó. Không có lấy một viên đá nào có thể chạm vào thân thể anh được. Các người ngoại đó kinh ngạc lắm, và đã có nhiều người tiếp nhận Chúa Giê-xu vì họ đã nhìn thấy việc kỳ diệu.
Từng hồi từng lúc, chúng tôi thấy được Đức Chúa Trời đã bảo vệ chúng tôi.
Bị giết vì Chúa Giê-xu
Cho đến nay chỉ có một anh em trong Đoàn truyền giáo bị chết vì Chúa Giê-xu.
Anh ấy đến một làng người ngoại để làm chứng về Chúa Giê-xu. Khi anh ta khởi sự nói cho họ biết về Tin lành, họ đã khước từ không nghe lời anh nói. Và anh quyết định đi đến làng khác. Có 8 người ngoại cùng đi với anh để chỉ đường đi.
Khi đi đến một vùng đất có độc nhất một bụi cây, anh nói: “Tôi muốn cầu nguyện trước khi đi vào làng”.
Khi anh ta giơ 2 tay lên trời để cầu nguyện, thì những người ngoại này cầm lấy dao chặt đứt cánh tay phải của anh. Anh vẫn tiếp tục cầu nguyện, họ liền chắt đứt luôn cánh tay trái của anh. Anh cầu nguyện Đức Chúa Trời xin tha tội cho họ, khi anh nói đến đó thì bọn họ kề dao vào cổ anh rồi chặt đứt luôn cả cái đầu. Đó là người tử đạo đầu tiên tại Indonesia về Chúa Giê-xu.
Vâng lời và Khiêm nhường
Ngày nọ, sau một buổi nhóm tại nước Mỹ, tôi đang bay trên một phản lực cơ lớn. ma quỉ đã nói với tôi rằng: “Bây giờ anh đã thánh một nhà giảng đạo nổi danh rồi. Khi nào anh về nước, anh có thể lãnh đạo các Đoàn truyền giáo đi khắp mọi nơi. Anh là người duy nhất ở đảo Timor đã được đi khắp thế giới, anh thật sự là nhà truyền đạo trứ danh rồi còn gì”.
Rồi Chúa bắt đầu phán với tôi về điều này rất rõ ràng. Đây là chỗ nguy hiểm nhất. Sau khi chúng ta nhận được ơn phước của Đức Chúa Trời và Ngài sử dụng đời sống chúng ta, lúc đó chúng ta dễ trở thành đầy lòng kiêu hãnh.
Trong Phúc âm Mác chương 6, câu 34 đến 52, chúng ta thấy câu chuyện Chúa Giê-xu dã hóa bánh cho 5,000 người ăn là thể nào. Sau đó, các môn đồ đi qua biển Ga-li-lê bằng một chiếc thuyền. Ôi, họ bị thử thách ngay. Từ một phép lạ đến một sự thử nghiệm đức tin, tất cả đã diễn ra chỉ trong có 1 ngày.
– Chúa lại phán với tôi: “Mel à, khi con về nước, con sẽ không được đi giảng Tin lành nữa”.
– Tôi đáp lời Chúa: “Lạy Chúa, tại sao vây? Con là người tốt nhất để làm việc đó mà. Họ phải được nghe về cuộc hành trình của con, và những gì Ngài đã làm cho con. Con biết con có thể làm việc tốt nhất cho Ngài mà!”.
– Chúa phán với tôi: “Không được, điều trước tiên con phải làm là hãy đi vào rừng già, thăm em gái của con (nguyên văn: your little sister) cũng nhiều người khác nữa. Họ đã sống và chịu khó nhọc trong rừng già vì Ta. Con được đi máy bay, xe hơi khắp cả nước Mỹ, còn họ đã đi bộ cả trăm cây số trên sỏi đá và bùn sình vì Ta. Chân họ bị sờn mỏi, đau nhức và dơ bẩn. Ta muốn có một điều phải làm cho họ là đến rửa chân cho họ. làm điều này , nó sẽ giúp con trở nên khiêm nhường. Dù cho con đã đi nhiều nơi trên thế giới, và ở tại những thành phố lớn của nước Mỹ, còn họ thì vẫn ở tại rừng già vì Ta. Không có sự gì khác biệt giữa con với họ cả”.
– Chúa nói tiếp: “Mel à, nếu hôm nay Ta còn ở thế gian này, thì Ta sẽ đi đến đó để rửa chân cho họ. Nhưng vì Ta không ở thế gian, nên con là người mà Ta sẽ ban cho đặc ân là đi rửa chân cho họ”.
– Tôi thưa với Chúa: “Một đặc ân, Ngài nói đùa với con đấy chứ! Điều này con thấy kinh khủng quá”.
Nhưng cuối cùng tôi nhận thức được rằng, đó thật sự là một đặc ân. Đức Chúa Trời nói với tôi: “Nơi nào khiêm nhường và hạ mình thì nơi đó mới thật là nơi mang đến sự phước hạnh”.
– Chúa phán: “Đúng vậy, con hãy rửa chân cho họ, hãy hôn họ và ở lại nơi chốn khiêm nhường đó. Khi con ở đó, Ta mới có thể tiếp tục sử dụng con, Ta sẽ cho phép con đi giảng Tin lành trở lại tại Indonesia”.
Mel Tari và Cliff Dudley.
Hoa Kỳ, 1970
(Nguyễn Minh dịch Việt ngữ, 19.8.1987)
HẾT
——————————————————————-
PHỤ LỤC
(NgMinh thêm vào)
NHỮNG GHI NHẬN…
Năm 1965, Đức Chúa Trời toàn năng đã bắt đầu đổ Thần của Ngài xuống một ngôi làng nhỏ trên đảo Timor không tên tuổi. Ngài thúc giục con cái của Ngài đến Nhà thờ cầu nguyện và rồi sau đó cả xứ được biệt riêng cho Ngài. Những đoàn truyền giáo do các Tín hữu được cấp tốc thành lập và họ bắt đầu đi khắp đảo Timor và các đảo lân cận để giảng Tin lành, chữa lành kẻ đau ốm, kêu người chết sống lại. Những phép lạ theo sau ngày Lễ Ngũ Tuần trong thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên khi Đức Thánh Linh giáng lâm bằng một cuộc gió mạnh thổi ào ạt vào phòng nhóm của các Môn đồ Chúa thể nào thì nay đã được tái hiện trở lại trong thời đại của chúng ta (xem chương 2, “Như Gió Thánh Linh”).
Đức Chúa Trời đã sai một sứ giả của Ngài đến Hoa Kỳ từ một quốc gia xảy ra cuộc phấn hưng, như đem lại các quốc gia phương Tây sứ điệp về những công việc lạ lùng của Ngài. Chính người này (Tác giả Mel Tari) cũng mang đến cho chúng ta những sứ điệp cần thiết cho Hội Thánh Chúa ngày nay, ấy là (xem chương 6, “Hãy trở lại sự đơn sơ của Lời Đức Chúa Trời”).
Đó là những lý do mà những Cơ-Đốc nhân thông thái lại không nhận được những ân tứ thiêng liêng của Thánh Linh đã ban cho Hội Thánh Chúa ở thế kỷ đầu tiên. Đây cũng là những nguyên tắc căn bản cho những ai xưng nhận mình được “Báp-têm bằng Thánh Linh”. Mel Tari nhấn mạnh rằng: “Đức Thánh Linh không những đem đến cho chúng ta Quyền năng, nhưng Ngài còn mang đến Tình yêu và sự sáng suốt (sound mind) nữa (2 Tim. 1:7). Khi Đức Thánh Linh thật sự điều khiển thì có sự cân đối và sự sáng suốt nữa (xem chương 12).
Gia đình tôi được hân hạnh tiếp xúc với Mel Tari. Không ai trong vòng chúng tôi có được kinh nghiệm về đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh và được Đức Thánh Linh kiểm soát như đầy tớ tầm thường và vâng lời Đức Chúa Trời từ một miền đất xa xôi với Hoa Kỳ trên trái đất này như Mel Tari. Bên trong sứ điệp quyền năng của anh là tinh thần giống như Đấng Christ mà anh đã bày tỏ lòng yêu mến Chúa thiết tha của anh đối với Ngài. Chính tình yêu cùng sự vui mừng trong đời sống của anh đã làm tràn sang những người khác ở bất cứ nơi nào anh đến.
(John Rea, Th.D. Oak Park, Illinois)
… Nhờ kinh nghiệm phấn hưng tại đảo Timor, Đức Chúa Trời đã cho chúng ta những cảm xúc không thể xóa nhòa, đó cũng chính là chìa khóa của đời sống đức tin. Ấy là:
-
Sự sống của họ (quê hương của Mel Tari) đống nghĩa với sự cầu nguyện và ngợi khen Chúa giữa cá nhân và tập thể.
-
Xưng tội cùng nhau luôn.
-
Vâng Lời Chúa hoàn toàn.
-
Bước đi bằng niềm tin đơn sơ trong Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày.
-
Yêu anh em mình thật chân tình.
(Herbert Rohmann, former Missionary to Nigeria)
“Trước một thế giới đang nổi loạn chống nghịch lại cùng Đức Chúa Trời thì Đấng Christ đã bắt đầu làm một công việc lớn tại một phần đất hầu như vô danh nhất trên thế gian này, một ngôi làng nhỏ trên một hòn đảo của quốc gia xứ vạn đảo Indonesia. Ngài không bắt đầu với những kẻ khôn ngoan hay các nhà Thần học uyên bác, nhưng lại bắt đầu với những con người đơn sơ, chất phát, dốt nát trên mảnh đất của đảo Timor. Một lần nữa cho thấy, Ngài đang chọn những con người mà thế giới chúng ta khinh thường, ghê tởm…. và khi Nước Trời đến, họ sẽ ngồi xét đoán những người quyền quý, những người ưu tú nhất…” (1 Cor. 1:26-29).
(nhận xét của Tiến sĩ Kurt K. Koch viết về cuộc phấn hưng tại Indonesia năm 1965).
VÀI NÉT NHẬN XÉT VỀ CUỘC PHẤN HƯNG
TẠI INDONESIA
Trích bài viết tóm tắt của Giám Mục, Tiến sĩ Kurt K. Koch (Thụy Sĩ)
Trong tác phẩm của Tác giả
“THE REVIVAL IN INDONESIA”
Về cuộc phấn hưng
Cuộc phấn hưng tại Indonesia dạy dỗ chúng ta nhiều bài học. Trước hết, chúng ta phải cất tiếng ngợi khen Chúa vì Ngài đã ban cho con cái Ngài trên thế gian này một thời kỳ phước hạnh rời rộng và diệu kỳ như vậy. Chúng ta thường tỏ ra mệt mỏi và nản lòng khi thấy sau nhiều năm cầu nguyện cho sự phấn hưng mà chẳng có gì xảy ra. Nhưng Đức Chúa Trời không bị trói buộc bởi lời cầu xin của chúng ta, mà Ngài chỉ hành động ở nơi nào Ngài muốn, chỗ nào Ngài chọn.
Việc Đức Thánh Linh giáng xuống tại Indonesia cũng thúc giục chúng ta nên sống thánh khiết hơn. Thổ dân tại đảo Timor bị cáo trách phải đêm giao nộp các bùa ngải, hình tượng của họ để thiêu hủy. Đối với chúng ta, há đây không phải là lúc chúng ta phải đem giao nộp những hình tượng kín giấu và những tội lỗi của chúng ta cho Đấng Christ hay sao? Nếu những hình tượng nào, những tội lỗi nào của chúng ta còn giấu kín, tức là nó sẽ cướp đi hết những kết quả tốt đẹp trong các công tác chúng ta hầu việc Đức Chúa Trời. Do đó, sứ điệp: “Hỡi các con cái của Đức Chúa Trời trên cả thế gian này, hãy từ bỏ tội lỗi đi. Vì nếu không có đời sống thánh khiết thì không thể có phước hạnh nào tuôn đổ được”.
Các biến cố xảy ra tại Indonesia đã kích động đức tin của chúng ta. Mức độ vô tín của chúng ta đã lộ ra bằng sự kiện chúng ta không tin phép lạ có thể xảy ra, tại đây đó, tại Indonesia… mà chúng ta cho rằng, những sự kiện như vậy chỉ có xuất hiện trong Kinh Thánh chứ không thể nào xảy ra ngay trong thế giới đương đại của chúng ta cả. Vì thế, chúng ta chẳng tin gì cả. Cuộc phấn hưng này còn mở mắt cho chúng ta nhìn thấy sự cao cả và vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đã từ lâu, tôi thường đọc trong Phúc âm Giăng chương 14, câu 12 về lời phán của Chúa Giê-xu như sau: “Người nào tin Ta, cũng sẽ làm việc Ta đã làm, lại còn làm lớn hơn nữa, vì nay Ta về cùng Cha”, mấy chữ “…làm việc lớn hơn nữa” luôn tràn ngập trong trí của tôi. Tôi chưa bao giờ lãnh hội thật sự được ý nghĩa của câu phán ấy. Sau 39 năm tin theo Chúa (cho đến năm 1965), tôi đã tháy câu Chúa phán ấy được ứng nghiệm từng lời, từng chữ tại đảo Timor này.
Đây là một cuốn sách “Công vụ các Sứ đồ tại đảo Timor”, nó đòi hỏi chúng ta là những Cơ-Đốc nhân phải chuẩn bị sẵn sàng. Sẵn sàng để sửa soạn và trang bị cho mình để chờ đón ngày Chúa Giê-xu trở lại. Đức Chúa Trời đã chuẩn bị dân Y-sơ-ra-ên cho ngày trọng đại ấy rồi. Nhưng nay, Ngài cũng đang chuẩn bị đón tiếp Hội Thánh của Ngài trên khắp thế gian này nữa. Chắc chắn, đằng sau cuộc phấn hưng tại đảo Timor sẽ làm thức tỉnh chúng ta với sự kiện Chúa sẽ Tái lâm.
Về phép lạ
Các phép lạ không phải là cứu cánh của chính nó. Đó chỉ là những tấm biển chỉ đường, dẫn chúng ta đến với Chúa. Các phép lạ chưa phải là điều quan trọng nhất, mà chỉ là thứ yếu. CHúng chỉ là một phương tiện xác thực cho Lời Đức Chúa Trời. Trong Phúc âm Mác, chúng ta đọc thấy: “Chúa cùng làm việc với Môn đồ, lấy các phép lạ cặp theo lời giảng mà làm cho vứng đạo”. Việc giảng Tin lành là điều quan trọng đứng hàng đầu. Các phép là kèm theo chỉ là hình thức xác nhận để củng cố niềm tin. Nếu ai cố xây dựng đời sống mình trên phép lạ thì chẳng bao lâu sẽ sa vào tình trạng “cực đoan chủ nghĩa” của một vùng “đồng vắng vô vọng”, là sự nghèo nàn nội tâm. Lời Chúa là nền móng, là cơm bánh ăn hàng ngày của chúng ta. Các phép lạ thật ra chỉ ngoại lệ – những tấm biển chỉ đường ấy thỉnh thoảng được Đức Chúa Trời “dựng lên”. Tuy nhiên, thường trong các cuộc phấn hưng, vấn đề phép lạ lại trở nên sắc bén hơn. Ví dụ như cuộc phấn hưng tại Indonesia, có vài biến cố lạ lùng, siêu nhiên đã xảy ra một cách song hành y như lời Kinh Thánh đã nói.
Chúng ta không cần phép lạ để được cứu rỗi. Nhưng Chúa đã làm phép lạ xảy ra trong các cuộc phấn hưng một cách phi thường, thì chúng ta không được nghi ngờ. Vì chúng ta tin vào sự hiểu biết theo ý riêng của chúng ta hơn là đặt lòng tin vào Đức Chúa Trời hằng sống. Chúng ta đã không quen sống theo “thế giới của Kinh Thánh” nên cho dù có phép lạ xảy ra thì nó lại quá xa lạ đối với chúng ta. Rồi sẽ có một ngày nào đó, những con người dốt nát tại đảo Timor sẽ ngồi trên Tòa phán xét chung thẩm để xét xử những ai trong chúng ta đây đã cậy vào trí khôn ngoan của mình mà tự kiêu, tự đại. Thật lòng tôi, tôi sẽ đứng về phía những Cơ-Đốc nhân đơn sơ như con trẻ hơn là đứng về phía các nhà Duy lý trí. Ngày nay, họ là những người đang nỗ lực dùng lý trí để xé tan “Thế giới của Kinh Thánh” ra từng mảnh riêng biệt. Nếu Chúa để cho những người gọi là Triết gia Cơ-Đốc ngày nay làm đảo lộn kế hoạch của Ngài, thì Ngài chỉ là một Đức Chúa Trời đã về hưu!
Về tội lỗi và bệnh tất
Giữa tội lỗi và bênh tật có một mối liên hệ tổng quát. Tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu cách cạn cợn rằng, “khi một người bị bệnh, vì cả làng đó đã làm một chuyện gì sai quấy nào đó”. Chính Chúa Giê-xu đã bài xích kết luận sai lầm này được ghi lại trong Phúc âm Lu-ca chương 13, câu 4; hoặc Phúc âm Giăng chương 9. Do đó, Kinh Thánh cho biết giữa bệnh tật và tội lỗi có một mối liên hệ tổng quát với nhau. Nhưng nói rằng, mọi trường hợp bệnh tật đều trực tiếp đến từ một tội lỗi nào đó gây ra là sai hoàn toàn.
Ở Indonesia, chúng ta thấy Đức Chúa Trời hành động một cách hoàn toàn mới mẻ. Kết quả của mỗi biến cố hàng ngày đều có sự hiện diện của Chúa, và mỗi từng trải thuộc linh đều mang ý nghĩa của sự kiện phấn hưng: Vì Chúa Giê-xu ở giữa họ. Ngài phán với họ bằng chiêm bao, bằng khải tượng (nguyên văn: God’s Television), sự xuất hiện của các Thiên sứ và bằng cả những lời phán trực tiếp.
Đối với chúng ta thật khó mà khám phá ra được Ý Chúa. Nhưng những người dân Timor kia hầu như ngày nào họ cũng từng trải được sự tiếp xúc và lời khích lệ từ nơi Chúa, Ngài là Đấng lúc nào cũng hiện diện ở giữa họ. Do đó, chúng ta không lấy làm lạ khi các Đoàn truyền đạo luôn hỏi ý Chúa cho từng trường hợp trong việc cầu nguyện để chữa bệnh.
Về tội lỗi và sự đoán phạt
Nếu Chúa hình phạt ngay kẻ nào vừa phạm tội, thì thế gian này hoàn toàn là nhà giam hết. Cũng vậy, nếu Đức Chúa Trời đòi hỏi mọi tội nhân đều phải chết, thì chẳng có một ai còn sống trên thế gian này. Vì vậy, việc đoán phạt hay sửa trị tội lỗi vốn thuộc quyền tự do của Ngài. Ngài hành động, định đoạt, phan xét và ban phước tùy theo Thánh ý của Ngài. Phần chúng ta chỉ là vâng phục Ngài hoàn toàn mà thôi.
Về trách nhiệm của chúng ta
Tuy nhiên, những bản tường trình về đảo Timor vừa có tính khích lệ, những cũng vừa đưa chúng ta đến chỗ cầu nguyện. Có thể cuộc phấn hưng tại Indonesia là một cuộc phấn hưng vĩ đại nhất thế giới được biết đến. Chính nó đã đối diện với những mối nguy hiểm nhiều hơn bất cứ một cuộc phấn hưng nào trong lịch sử.
Kẻ thù đã kêu gọi các đạo binh của hỏa ngục nỗ lực tiêu diệt cuộc phấn hưng mà Thánh Linh Đức Chúa Trời đang hành động. HIện nay, chúng ta phải đương đầu với một cuộc “thế chiến” vĩ đại nhất, mà kẻ thù đã gây ra từ sau khi Đấng Christ về trời. Một trận chiến khủng khiếp đang xảy ra trong thế giới thuộc linh mà chỉ có những người trực cảm tiên tri mới có thể nhìn thấy. Indonesia ngày nay (tính tại thời điểm 1965) là kẻ thù số một của Sa-tan. Do đó mỗi con cái Chúa bắt buộc phải tham gia trận chiến và cầu thay cho cuộc phấn hưng ở quốc gia này.
Một số Cơ-Đốc nhân ở tại đây đã là nạn nhân của sự kiêu ngạo. một số khá nhiều phép lạ chữa bệnh, kẻ chết sống lại… đã làm cho người ta tự cao, tự đại dễ dàng. Nếu sự kiêu ngạo, tự mãn ấy xảy ra thì quyền năng sẽ bị mất ngay. Một số khác cũng sa vào tội vô luân. Nếp sống cộng đồng của các Nhà Truyền giáo chẳng những là một cuộc thách đố ganh đua, mà còn là mối nguy hiểm nữa. Chính họ đã làm mất quyền năng mà Chúa đã ban cho họ.
Nhiều người khác cũng làm mồi cho tiền bạc. Lẽ tự nhiên là khi có một số người được chữa lành bệnh tật thì người ta tỏ lòng biết ơn bằng lễ vật, hoặc tiền bạc… Nhưng, người cầu nguyện chữa bệnh cho họ phải luôn nhớ lời Chúa Giê-xu đã từng phán rằng: “Các con đã được lãnh không thì phải cho lại nhưng không!” (Math. 10:8).
Vài người cũng sa vào nếp sống vô trật tự. Nếu được Đức Thánh Linh dẫn dắt thì không có nghĩa là chúng ta có quyền vượt qua mọi luật lệ, mọi thủ tục điều hành đời sống mình một cách buông thả. Tạ ơn Chúa vì số người sa ngã đã biết ăn năn quay về để cho anh em mình “sửa trị” trong đức tin. Sự khiêm nhường, hạ mình của họ chứng tỏ rằng, Chúa đã không từ bỏ họ.
Chúng ta đã được tham gia vào một phần nhỏ trong các biến cố lạ lùng này. Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện cho cuộc phấn hưng tại Indonesia.
Giám Mục, Tiến sĩ Kurt K. Koch,
Trích trong tác phẩm: “THE REVIVAL IN INDONESIA”
“Like A Mighty Wind” vẫn là cuốn sách Best Seller hiện nay mặc dầu câu chuyện xảy ra đã trên 40 năm. Hiện nay đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng trên thế giới
LỜI BẠT
Những trang sách này đến đây là kết thúc, bạn hãy thử nhắm mắt lại và nghĩ xem Đức Thánh Linh đang nói gì với bạn. Dù cho câu chuyện của Mel Tari trôi qua khá lâu cho đến hôm nay đã 44 năm tính đến thời điểm tôi đánh máy xong bản dịch này (2009). Có quá lâu và muộn màng không khi thế giới này đang thay đổi và biến động từng ngày, từng giờ…. Con người ta mỗi ngày qua đi trong cuộc đời là những chuyển biến không ngừng nghỉ, do đó lòng dạ con người hôm nay sẽ không giống như người trong quá khứ.
Mel Tari giờ đã già (62 tuổi, 2009), hiện đang sống tại miền Nam California, Hoa Kỳ. Những năm tháng tuyệt diệu nhất trong đời ông khi chứng kiến sự lạ lùng và kỳ diệu của Thánh Linh Đức Chúa Trời đúng vào tuổi đời đẹp nhất của mình, để rồi từ đó ông ra đi nhiều nơi trên thế giới rao truyền sứ điệp phấn hưng cho nhân loại (cho đến ngày nay).
Mel Tari và vợ, cùng gia đình ông tại Hoa Kỳ hiện nay
(Homepage: http://www.worldmissioninternational.com/index.html)
Làng Soe của đảo Timor, Indonesia vẫn còn đó. Nhưng đáng buồn thay, một đất nước nghèo khó và còn lắm sơ khai, người dân bị cách ly bởi cả ngàn đảo xa, gần, rải rác trên khắp quốc gia này, đất nước đã từng được một lần Đức Thánh Linh thăm viếng bằng một cơn gió quyền năng của Ngài, đã từng hưởng được những phước hạnh diệu kỳ…. mà ngày nay chẳng còn thấy có bao nhiêu là Cơ-Đốc nhân. Thay vào đó, là một quốc gia Hồi giáo lớn nhất nhì thế giới. Ôi, chẳng biết chương trình của Đức Chúa Trời như thế nào? Tại sao Ngài lại phấn hưng đất nước này? Tại sao đất nước này giờ đây không phải là Cơ-Đốc giáo nữa? Chúa Thánh Linh ơi, tại sao? Phải chăng năm 1971, tại Thần Học Viện Tin Lành Nha Trang (*), Ngài đã đến viếng thăm quê hương Việt Nam một lần, dù chỉ có một lần nhỏ nhoi vài giờ đồng hồ năm ấy…
Dẫu vậy, những công việc lớn lạ của Đức Thánh Linh vận hành trên đất nước vạn đảo này là có thật, và hầu như Đức Chúa Trời tỏ cho nhân loại thấy rằng, Ngài vẫn sống động, và vẫn đang thi hành những việc quyền năng của Ngài đây đó khắp nơi trên thế gian này.
Bài học phấn hưng từ quyển sách này chỉ là một phần nhỏ trong muôn vàn công việc lớn của Đức Chúa Trời ngày nay. Chẳng phải chỉ có ở Indonesia hoặc một nơi nào đó, mà biết đâu chừng người Việt Nam chúng ta sẽ có một lần nếm trải được sự ngọt ngào tuyệt diệu của quyền năng bởi Đức Thánh Linh đang hiện hữu hôm nay (**).
Chú thích – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
(*) khởi sự vào lúc 11g trưa ngày 3.12.1971 trong một buổi học của các sinh viên Thần học, Đức Thánh Linh đến thăm viếng tại đây (cuộc phấn hưng tại Thần Học Viện Nha Trang kéo dài trong 15 giờ đồng hồ), những ngày sau đó đã lan đến nhiều địa phương khác trong một thời gian ngắn… Một vài hình ảnh ghi lại trong giờ phút đặc biệt này:
Thánh Kinh Thần Học Viện Tin Lành Nha Trang, 11 giờ trưa ngày 3.12.1971 trong một buổi thuyết trình về đề tài phấn hưng tại Indonesia năm 1965 và các cuộc phấn hưng khác trên thế giới. Dường như có dấu hiệu lạ thường xảy ra ở tại đây…
Ngọn lửa của Thánh Linh cháy lên bắt đầu từ những lời cầu nguyện âm thầm, rồi hết thảy mỗi người đều cầu nguyện bằng mọi hình thức từ tấm lòng mình. Một người, hai người… rồi hết thảy đều đứng lên đổ tấm lòng ra với Đức Thánh Linh. Ngài đang hiện diện ở đây.
Tiếng kêu cầu, tiếng khóc, họ ăn năn xưng tội cùng nhau… mọi âm thanh ồn ào vang lên
trong căn phòng tưởng như quá nhỏ bé trước sức mạnh mẽ của gió Thánh Linh. Mọi người xưng tội cùng nhau, giốc đổ tấm lòng và lý trí để đầu phục Đức Thánh Linh….. và trở về với khuôn mặt tươi vui, rạng rỡ đầy sức sống mới mãnh liệt của lửa phấn hưng.
(**) Theo ký ức của lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam thì đã có một lần Chúa Thánh Linh đến viếng thăm và phấn hưng Hội Thánh, các con cái Chúa ở Việt Nam vào năm 1938 tại Vĩnh Long, cuộc phấn hưng năm đó nằm trong chiến dịch giảng Tin Lành phấn hưng của Tiến sĩ Tống Thượng Tiết (người Trung Hoa).
Nguyễn Minh – “Như Gió Thánh Linh”
Pastor, Professor
Paov & M.T.I. Bible School in HCMC Vietnam
Nguyễn Minh
dịch xong ngày 19.8.1987.
sửa lại bản văn, thêm tài liệu và hình ảnh. Đánh máy hoàn tất ngày 19.12.2009
.