Những sai lầm trong nhóm tế bào
Một Hội Thánh lớn sẽ khiến bạn cảm thấy lạc lõng, nhưng một nhóm nhỏ sẽ khiến bạn trở nên tự tin và gần gũi. Vì vậy, hãy biến một Hội Thánh lớn trở nên nhỏ bé thông qua Nhóm tế bào và các Nhóm tế bào gắn kết lại khiến một Hội Thánh trở thành một gia đình lớn.
“Tôi và ông xã gặp nhau ở một nhóm tế bào tại nhà thờ Saddleback. Anh ấy là người tiên phong thành lập một nhóm kinh doanh nhỏ có đủ cả nam, nữ, các cặp vợ chồng và cả những người độc thân. Đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi tại một nhóm tế bào và cho đến bây giờ, tôi vẫn cùng chồng mình hướng dẫn và hỗ trợ các tế bào đó. Thường thì chúng tôi cùng nhau hướng dẫn nhưng có thời điểm anh ấy hướng dẫn nhóm nam trong khi tôi giúp nhóm nữ.
Cũng giống như bao nhóm nhỏ khác, một số nhóm phát triển với nhiều thành viên tích cực nhưng một vài nhóm lại gặp vấn đề cần giải quyết vì hiệu quả chung của cả nhóm. Chúa đã chỉ cho chúng tôi những sai lầm mà các nhóm nhỏ đã đối diện và cần thay đổi:
1/ Thời gian sinh hoạt của nhóm biến thành thời gian để buôn chuyện
Liệu nhóm của bạn có phải là một nơi an toàn để các thành viên có thể chia sẻ công khai và họ không cảm thấy bị lên án, chỉ trích, hoặc lo lắng rằng những gì họ nói sẽ bị truyền ra ngoài? Liệu những lời cầu nguyện có hoàn toàn riêng tư, liệu các thành viên trong nhóm có kể về một ai đó không phải thành viên của nhóm hoặc cầu nguyện cho những con người, những sự việc mà chưa được sự cho phép của họ?
Các thành viên cần cảm thấy những lời cầu nguyện hoặc cam kết trong suốt thời gian sinh hoạt nhóm là đáng tin và không nên đưa ra thảo luận ngoài phạm vi nhóm khi không có sự cho phép của tất cả các thành viên trong nhóm.
Trong thời gian cầu nguyện, trưởng nhóm phải nhắc nhở các thành viên rằng chỉ cầu nguyện cho cá nhân và không được bàn luận về lời cầu nguyện của mọi người khi chưa được phép.
Các cặp đôi cũng không nên chia sẻ câu chuyện về nửa kia của mình mà không có sự đồng ý cho dù người đó có ở đó hay không. Để giữ gìn tính trách nhiệm về phương diện này, khi một thành viên chia sẻ về nửa kia của mình, trưởng nhóm có thể dẫn dắt vài lời như “Đây là một câu chuyện về ông xã/ bà xã của…, liệu bạn có sẵn sàng cho phép chúng tôi nghe về câu chuyện đó không? Hoặc là “Liệu nửa kia của bạn có vui lòng nếu bạn chia sẻ câu chuyện này không?” Nếu không, hãy đừng kể câu chuyện ra.
2/ Các thành viên cố gắng thay đổi thành viên khác
Liệu các thành viên trong nhóm của bạn có đang cố gắng giải quyết vấn đề của người khác hoặc đưa ra những lời khuyên tự phát?
Các thành viên trong nhóm không nên góp tiếng nói vào cuộc sống của nhau trừ phi được hỏi ý kiến. Thường thì các thành viên chỉ muốn chia sẻ hoàn cảnh của mình và đơn thuần muốn có được tình yêu thương, sự đồng cảm và lời cầu nguyện mà thôi. Cả nhóm cần lắng nghe với thái độ tôn trọng và có thể đóng góp ý kiến cũng như thể hiện sự đồng cảm xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân, miễn là những ý nghĩ đó mang tinh thần của Kinh Thánh và cổ vũ tinh thần cho người chia sẻ. Không nên cố gắng sửa hay nhận định rằng “Bạn nên như thế này, như thế kia….”
Đôi khi, một số thành viên gặp nhiều nan đề trong cuộc sống, họ sẽ dành hết thời gian của mọi người và có thể sẽ có thành viên bày tỏ thái độ tiêu cực hoặc khó chịu. Nếu có dấu hiệu như vậy xảy ra trong nhóm, trưởng nhóm nên gợi ý một cách từ tốn với thành viên gặp vấn đề kia rằng “Mình sẽ ở lại sau giờ nhóm và cầu nguyện cùng bạn, hoặc bạn có thể gặp mục sư để được giúp đỡ tốt hơn…”.
3/ Không có sự cam kết trong nhóm
Liệu tất cả các thành viên có đặt lịch sinh hoạt nhóm vào lịch của mình và có trách nhiệm xin phép trước nếu không đến được buổi sinh hoạt đó? Liệu tất cả các thành viên có mong muốn nhất định nào về những gì họ sẽ tiếp thu được từ buổi học và liệu họ có hòa đồng cùng nhóm? Liệu nhóm của bạn chỉ là một nhóm xã hội, một nhóm học Kinh Thánh hay là sự kết hợp của cả hai?
Cam kết và ưu tiên những giờ sinh hoạt của nhóm là điều bắt buộc. Các thành viên không nên có thái độ “Nếu có thể tôi sẽ đến”. Mục tiêu của các nhóm là hình thành ngôi nhà tâm linh để cùng nhau phát triển, hãy tôn trọng thời gian và nỗ lực của những thành viên khác.
Không còn gì thất vọng hơn việc chuẩn bị tất cả cho giờ sinh hoạt của nhóm và sau đó nhận được những cuộc điện thoại, những email vào phút chót báo rằng không đến được. Một cách để chia sẻ cam kết cũng như tính sở hữu của nhóm là san sẻ trách nhiệm cho các thành viên trong nhóm. Do đó, không chỉ trưởng nhóm hay một thành viên nào đó làm mà mỗi người trong nhóm đều có một phần trách nhiệm đối với giờ sinh hoạt chung.
Hãy đảm bảo rằng nhóm có nội quy chỉ rõ mục đích của nhóm và cho phép tất cả các thành viên có cơ hội để bày tỏ nguyện vọng của mình. Đây cũng là cơ hội tốt để tăng thêm hi vọng vào sự tin tưởng và lòng nhiệt thành của các thành viên trong nhóm.
4/ Không có sự nhạy bén với Đức Thánh Linh
Liệu bạn có dành đủ thời gian đọc Lời Chúa và để Đức Thánh Linh dẫn dắt bạn hay bạn chỉ đang cố gắng đọc lướt thật nhanh để hoàn thành xong nhiệm vụ?
Tất cả các thành viên cần đọc Kinh Thánh trong mỗi lần sinh hoạt nhóm. Các thành viên cần dành thời gian cá nhân đọc, học lời Chúa và xin sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.
Điều quan trọng nữa là thống nhất thời gian kết thúc buổi sinh hoạt để mọi người có thể lên kế hoạch; Đừng quá bận tâm vào việc có bao nhiêu tài liệu được sử dụng trong buổi sinh hoạt. Hãy để Đức Thánh Linh dẫn dắt và làm việc để mỗi người được gây dựng trong Thánh ý của Ngài.
5/ Tham gia nhóm không đều đặn và lạc đề khi thảo luận
Liệu các thành viên có tranh thủ thời gian sinh hoạt và thảo luận về các chủ đề không liên quan? Một số thành viên thì chẳng bao giờ phát biểu, một số thành viên khác thì lại quá tích cực?
Vì sự vững mạnh và phát triển chung của nhóm, các thành viên nên làm bài và đọc bài trước khi đến sinh hoạt để mọi thành viên trong nhóm đều có cơ hội tham gia phát biểu.
Một cách hiệu quả để thúc đẩy những thành viên ít tham gia xây dựng bài là mời họ đọc một đoạn Kinh Thánh liên quan đến bài học và sau đó gợi ý họ đưa ra câu trả lời luôn. Để giúp thành viên không cảm thấy áp lực khi là người trả lời đầu tiên thì hãy cùng nhau thảo luận trước sau đó có thể mời các thành viên đó trả lời sau. Những cách này cũng hiệu quả trong việc khiến các thành viên khác không ỷ lại vào các thành viên tiêu biểu trong việc phát biểu và thảo luận.
Nhóm tế bào đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và tăng trưởng về mặt thuộc linh của Hội Thánh qua việc nhóm lại hàng tuần. Một Hội Thánh lớn sẽ khiến bạn cảm thấy lạc lõng và không thoải mái, nhưng một nhóm nhỏ sẽ khiến bạn trở nên gần gũi và tự tin, vì vậy, hãy biến một Hội Thánh lớn trở nên nhỏ bé thông qua nhóm tế bào; và các nhóm nhỏ gắn kết lại khiến Hội Thánh nhỏ trở thành một gia đình lớn.
[:]