NHỮNG TƯỚNG LÃNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Chương Bốn: Charles F. Parham
“CHA ĐẺ CỦA PHONG TRÀO NGŨ TUẦN”
“Vào thời điểm Chúa Giê-xu tái lâm, Hội Thánh sẽ được nhận biết với cùng quyền năng mà các Sứ đồ và Hội Thánh ban đầu có, quyền năng của Lễ Ngũ Tuần được biểu lộ trong chúng ta. Đạo Cơ Đốc cần phải được chứng minh. Thế giới này muốn được tỏ rõ. Vì vậy, hãy để quyền năng của Chúa được bày tỏ qua chúng ta.”1
Charles Fox Parham đã tận hiến đời mình để phục hồi những lẽ thật cách mạng về sự chữa lành và phép báp tem của Đức Thánh Linh cho Hội Thánh (Lưu ý: bất cứ chỗ nào nói đến “Phép báp tem bằng Đức Thánh Linh” trong chương này, nó được hiểu rằng kinh nghiệm đó luôn đi kèm với “bằng chứng nói tiếng mới”). Bốn mươi năm đầu của thế kỷ hai mươi được thăm viếng đầy năng quyền bởi sứ điệp về phong trào Ngũ Tuần của người đàn ông này đã thay đổi cuộc đời của hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới.
Các phép lạ xảy ra trong chức vụ của Charles Parham nhiều đến nỗi không thể ghi lại. Hàng ngàn người tin Chúa, được chữa lành, giải cứu và kinh nghiệm báp tem của Đức Thánh Linh. Khi ông công bố với thế giới vào năm 1901 rằng: “Nói tiếng mới là bằng chứng của việc báp tem bằng Đức Thánh Linh”, các lẽ thật của phong trào Ngũ Tuần trong Hội Thánh ban đầu đã được khôi phục một cách tuyệt vời. Nhưng nhà truyền giáo đã phải trả giá cho điều đó. Các phản ứng dữ dội không ngừng của cuộc bắt bớ và vu khống mà Parham phải chịu suốt cuộc đời mình có thể sẽ hủy hoại những người có tính cách kém hơn. Nhưng đối với Parham, điều đó chỉ có lợi cho việc làm vững mạnh quyết tâm cứng rắn và đức tin có mục đích của ông.
GIẢNG CHO ĐẾN KHI CÁC CON BÒ TRỞ VỀ NHÀ
Charles F. Parham sinh ngày 4 tháng Sáu năm 1873. Sau khi cậu ra đời ở Muscatine, Iowa, cha mẹ của cậu là William và Ann Maria Parham đã chuyển về phía Nam ở Cheney, Kansas. Họ thật sự đã sống và xem mình là những người Mỹ khai hoang.
Bên cạnh việc xuất thân từ gia cảnh khai hoang vất vả, thời thơ ấu cũng không dễ dàng cho cậu bé Parham. Vào năm lên sáu, cậu lên cơn sốt khiến phải nằm liệt giường. Trong năm năm đầu của cuộc đời, cậu bị cơn co thắt dữ dội, và trán sưng lên khiến cho đầu của cậu trông lớn bất thường. Sau đó, vào năm bảy tuổi, mẹ cậu qua đời.
Dù Parham có bốn em trai, nhưng cậu cảm thấy quá đau buồn và cô đơn từ khi người mẹ yêu quý của mình qua đời. Khi cậu nghĩ về sự chăm sóc đầy yêu thương của mẹ trong lúc mình bị bệnh, những ký ức đó khiến cậu trở nên u sầu và chán nản. Khi mẹ cậu nói lời tạm biệt cuối cùng trước lúc chết, bà nhìn vào cậu bé Parham và nói: “Charlie, hãy ngoan nhé.” Lúc đó, trong sự hiện diện của Chúa và người mẹ hấp hối của mình, cậu thề rằng sẽ gặp lại bà trên thiên đàng.1 Những lời đơn sơ ấy đã in sâu trong lòng cậu. Có người thuật rằng chính những lời ấy đã ảnh hưởng đến quyết định về sau của cậu trong việc dâng cuộc đời cho Chúa. Cha của Parham về sau đã tái hôn với một người nữ trẻ, Harriett Miller, là người được yêu mến và rất cần cho cả gia đình.
Khi Parham lên chín, cậu mắc bệnh viêm khớp. Tình trạng đó khiến cơ thể cậu khó chịu. Khi lên cơn đau, da của cậu hoàn toàn trong suốt. Sau đó, cậu nhiễm một dạng sán dây buộc phải có liều thuốc mạnh đến nỗi lớp niêm mạc dạ dày bị phá hủy và bào mòn. Nhiều thử thách cứ gia tăng khi các thuốc điều trị đã làm chậm sự tăng trưởng của cậu trong ba năm.3
Cũng vào năm mới chín tuổi đó, Parham được kêu gọi vào trong chức vụ. Vì cậu và các em của cậu đã đến trường Chúa Nhật trong những năm đầu của cuộc đời, Parham vui thích sự nhận biết Chúa thuở ban đầu. Thậm chí trước khi cậu tin Chúa, ý nghĩ thường xuyên của cậu là: “Nếu mình không giảng về Phúc Âm thì thật khốn thay.”4
Vì vậy, cậu bắt đầu sửa soạn mình cho sự kêu gọi của Chúa bằng việc theo đuổi văn chương. Dù Kansas chưa hiện đại, và các thư viện cũng không có sẵn, cậu đã xoay sở được để thu thập một vài quyển sách lịch sử cùng với quyển Kinh Thánh của mình. Và cậu tìm ra nhiều cách khác để sửa soạn mình cho chức vụ bằng cách làm những việc nhà và giúp đỡ các em trai của mình. Trong lúc chăm sóc vật nuôi của gia đình, Parham thường được biết đến bởi việc ban phát những bài giảng mạnh mẽ cho gia súc về nhiều chủ đề khác nhau từ thiên đàng đến địa ngục.
“TIA CHỚP” XUYÊN QUA
Parham chưa bao giờ hối hận rằng cậu đã tự học quá nhiều. Điều đó thật sự có lợi cho cậu. Lúc đó có rất ít Hội Thánh và người giảng trên đồng cỏ, và mặt khác, cũng không ai dạy cho cậu, Parham nghiên cứu Lời Chúa và tiếp nhận Lời theo nghĩa đen. Không có sự suy luận thần học của con người trong tín lý của cậu, và không có truyền thống nào vượt qua. Từ lúc còn nhỏ, cho đến tuổi mười ba, Parham chỉ nghe giảng từ hai vị diễn giả. Parham tin Chúa từ một trong những buổi nhóm đó.
Parham tin rằng sự ăn năn sâu sắc phải được xảy ra trong tấm lòng của người tin Chúa, nhưng cậu cảm thấy mình không có một trải nghiệm cảm xúc như thế. Vì vậy, khi cậu tìm kiếm để được cứu trong buổi nhóm đó, trên đường trở về nhà, cậu bắt đầu chất vấn sự cải đạo của mình. Cậu cảm thấy quá nặng nề trong lòng đến nỗi cậu không thể cầu nguyện. Cậu thấy mình ngân nga bài hát “Tôi đến Thập tự giá”, và khi đến lời thứ ba của bài hát, lập tức Parham biết chắc về sự cải đạo của mình. Kể về trải nghiệm này, về sau cậu đã nói: “Có một ánh sáng lóe lên từ thiên đàng, hơn cả ánh sáng mặt trời, giống như một cú sét đánh xuyên qua, run lên từng tế bào của con người tôi.”5 Từ khoảnh khắc đó trở đi, Parham không bao giờ ra khỏi “Cái Neo” của sự cứu rỗi mình.
“CON CÓ GIẢNG KHÔNG?”
Sau sự cải đạo đầy ấn tượng của mình, Parham phục vụ như một giáo viên trường Chúa Nhật và nhân sự. Cậu tổ chức buổi nhóm đầu tiên của mình vào năm mười lăm tuổi, với các kết quả đáng chú ý. Cậu giảng trong một thời gian ngắn, sau đó vào Đại học Southwestern Kansas ở tuổi mười sáu.
Khi vào đại học, Parham đã có mọi ý định dự phần trong chức vụ, nhưng cậu bắt đầu để ý đến sự bất kính và chán ghét phổ biến mà người đời dành cho những người hầu việc Chúa. Và cậu bắt đầu nghe nói về tình trạng nghèo thiếu luôn đi kèm với chức vụ. Nản lòng bởi những câu chuyện đó, cậu tìm những ngành nghề khác có nhiều thu nhập hơn. Không lâu sau, Parham từ bỏ sự kêu gọi của mình và bắt đầu sa ngã.
Trong lúc nhớ lại các căn bệnh đau đớn thời thơ ấu, Parham nhận ra rằng lãnh vực y học sẽ là một sự đeo đuổi tốt. Vì thế, cậu bắt đầu học để trở thành bác sĩ. Nhưng cậu thường xuyên đau khổ khi nhớ lại lời hứa nguyện trở thành giáo sĩ, và ngay sau đó cậu bị sốt thấp khớp.
Sau nhiều tháng chịu đựng các cơn sốt đó, một bác sĩ đã đến thăm giường bệnh của cậu và tuyên bố rằng Parham sắp chết. Nhưng những tháng nằm liệt giường đó đã thôi thúc Parham nhớ lại lời nói đã từng vang bên tai cậu: “Con có rao giảng không? CON CÓ GIẢNG KHÔNG?” Một lần nữa, cậu khao khát vâng theo sự kêu gọi của mình, nhưng cậu không muốn sống trong tình trạng nghèo khổ mà dường như là điều mà các mục sư thời đó không thể tránh khỏi. Vì vậy, cậu kêu khóc với Chúa: “Nếu Chúa dẫn con đi đâu đó, một nơi nào đó, một nơi mà con không phải lấy tiền dâng hiến hay ăn xin để sống thì con sẽ giảng.”
Parham bị tiêm thuốc mooc-phin an thần trong tình trạng của cậu nhiều đến nỗi cậu không thể nghĩ được lời cầu nguyện nào nữa. Vì vậy, cậu bắt đầu đọc lại Bài cầu nguyện chung. Khi cậu đọc đến câu “…ý Cha được nên ở đất như trời”, tâm trí cậu tỉnh ra và cậu nhìn thấy sự oai nghiêm của Chúa. Cậu nhìn thoáng qua cách mà ý muốn Chúa được thực hiện qua từng chi tiết trong sự sáng tạo và nhận ra rằng ý muốn của Chúa là sự chữa lành. Vì vậy, cậu kêu gào với Chúa: “Nếu ý muốn của Ngài được nên trong con, con sẽ được lành.” Khi cậu cầu nguyện như thế, mọi xương khớp trong cơ thể của cậu được giãn ra và mọi cơ quan đều được chữa lành. Chỉ có mắt cá chân của cậu vẫn còn yếu. Nhưng phổi của cậu đã khỏe mạnh và thân thể được bình phục.
Tiếp theo sự bình phục của mình, Parham nhanh chóng được mời để tổ chức một buổi truyền giảng. Vì thế, cậu nói lại lời hứa của mình với Chúa, và nguyện rằng sẽ bỏ học và bước vào chức vụ nếu Chúa chữa lành mắt cá chân của cậu. Khi đang bò ở dưới cây, Parham bắt đầu cầu nguyện và ngay tức thì, Chúa gửi một “dòng điện mạnh” chạy xuyên qua mắt cá chân của cậu và khiến chúng được lành.6
MỘT “NGƯỜI VỤNG VỀ” VỚI QUYỀN NĂNG
Parham tổ chức buổi truyền giảng đầu tiên của mình vào năm mười tám tuổi, tại trường Pleasant Valley School House, gần Tonganoxie, Kansas. Lúc Parham xin phép tổ chức một buổi phấn hưng tại một trường học thì cậu là một người xa lạ đối với cộng đồng đó. Vì thế, khi họ đồng ý, Parham đã đi lên một ngọn đồi, giang tay mình ra trên thung lũng đó và cầu nguyện rằng cả cộng đồng này sẽ được Chúa chiếm hữu.7
Đêm đầu tiên của buổi nhóm, người tham dự rất tốt, nhưng hầu hết mọi người không quen với việc tích cực tham gia. Ban đầu, cậu nhận được vài phản ứng, nhưng trước khi buổi nhóm kết thúc, có nhiều người tin Chúa.
Gia đình Thistlewaites đã tham dự buổi nhóm đó và viết thư kể về buổi nhóm cho con gái của họ. Con gái của họ, Sarah, lớn lên trong cộng đồng đó và đang đi học ở thành phố Kansas. Khi cô bé trở về nhà, buổi nhóm đã kết thúc, nhưng cộng đồng đó đã sắp xếp để Parham quay trở lại vào Chúa Nhật tuần sau.
Tại buổi nhóm, cô bé Sarah Thistlewaite lịch thiệp đã ngạc nhiên bởi những gì mình thấy. Parham trông rất khác với những diễn giả giàu có, học thức mà cô từng biết ở thành phố Kansas. Và khi cậu bước lên bục giảng, cậu không có bài giảng đã soạn như những diễn giả mà cô từng thấy. Thực tế, Parham không bao giờ viết xuống những gì mình sắp nói. Cậu nhờ cậy Đức Thánh Linh cho mình cảm hứng. Sau đó, khi Sarah nghe nhà truyền giáo trẻ tuổi giảng, cô nhận ra mình không hết lòng với đức tin. Cô biết mình đang theo Chúa “xa xa”, và cô quyết định dâng hiến cuộc đời mình hoàn toàn cho Chúa. Cô bắt đầu phát triển tình bạn với Charles Parham và không lâu sau, điều được bắt đầu như một sự quan tâm đơn thuần đã chuyển thành một sự kết hợp về mục đích và vận mệnh.
CÁC HỆ PHÁI Ư? KHÔNG CÒN NỮA!
Khi Parham mười chín tuổi, cậu được mời chăn bầy Hội Thánh Giám Lý ở Eudora, Kansas. Cậu làm điều này một cách trung tín, cùng lúc đó cũng đang chăn bầy ở Linwood vào các buổi chiều Chúa Nhật. Sarah và gia đình của cô cũng thường xuyên tham dự các buổi nhóm của cậu.
Hội chúng phát triển nhanh chóng và tòa nhà mới được xây dựng để chứa được mọi người. Ban lãnh đạo hệ phái đó nhìn thấy tương lai tuyệt vời dành cho Parham, và họ sẽ phong chức mục sư cho cậu hay bổ nhiệm nếu cậu đầu phục thẩm quyền của họ. Nhưng mọi thứ không diễn ra tốt đẹp giữa Parham và hệ phái Giám Lý. Parham đã thề nguyện đi theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, bất kể điều mà người khác bảo cậu làm là gì. Trong việc khuyên bảo các tân tín hữu, cậu thường khích lệ họ tìm một Hội Thánh nhà, thậm chí không nhất thiết phải là Hội Thánh Giám Lý. Cậu giải thích rằng việc gia nhập một hệ phái không phải là điều kiện để lên thiên đàng, và các hệ phái dành nhiều thời gian giảng cho Hội Thánh của mình và những người lãnh đạo trong đó hơn là họ giảng về Chúa Giê-xu và giao ước của Ngài. Điều này gây ra nhiều xung đột trong các cấp bậc của hệ phái đó. Nói về những xung đột này, Parham đã nói:
“Việc tìm ra những giới hạn của một chức vị mục sư, và cảm nhận sự hẹp hòi của bè phái trong Hội Thánh, tôi thường gặp xung đột với những người có thẩm quyền cấp cao, cuối cùng dẫn đến sự tuyệt giao công khai; và tôi đã rời khỏi chủ nghĩa hệ phái mãi mãi, dẫu chịu sự bắt bớ chua chát của Hội Thánh… – Ôi, lòng hẹp hòi của nhiều người tự xưng mình thuộc về Chúa!”8
Cha mẹ của Parham rất thất vọng về con trai của họ, vì họ là những người hỗ trợ Hội Thánh rất nhiều. Vì thế, khi Parham từ chức, cậu tìm sự nghỉ ngơi trong nhà của những người bạn chào đón cậu như con của họ.
Parham bắt đầu cầu nguyện Chúa cho hướng đi. Nhiều lời buộc tội vu khống nhắm vào cậu, và cậu lo ngại rằng sự bắt bớ đang nổi lên sẽ hủy hoại công việc của mình mãi mãi. Sau đó, một ngày nọ trong lúc đang cầu nguyện khẩn thiết, cậu nghe những lời này: “Ta đã làm cho chính Ta không còn danh tiếng.” Ngay tức thì, Parham được vững lòng và khích lệ. Khi Thánh Linh Đức Chúa Trời tiếp tục cho cậu Lời Chúa, cậu đặt ra con đường cho mình. Cậu sẽ bước vào cánh đồng truyền giáo, không liên kết với bất kỳ hình thức giáo phái nào. Cậu sẽ tổ chức các buổi nhóm trong trường học, trụ sở, Hội Thánh, lều tạm – bất cứ nơi nào có thể – và cậu tin cậy Đức Thánh Linh sẽ bày tỏ chính Ngài một cách đầy quyền năng.
Trong lúc tổ chức một buổi nhóm ở phía Tây Kansas, Parham đã viết thư cho Sarah Thistlewaite và cầu hôn cô. Cậu báo trước với Sarah rằng cuộc đời của cậu đã hoàn toàn dâng cho Chúa và tương lai của cậu chưa rõ ràng, nhưng nếu cô có thể cùng tin cậy Chúa với cậu thì họ có thể kết hôn. Sáu tháng sau, Charles và Sarah kết hôn vào ngày 31 tháng Mười Hai năm 1896, tại nhà ông của cô.
HÃY TỰ CHỮA LÀNH MÌNH!
Như một cặp vợ chồng trẻ bắt đầu di chuyển, họ được tiếp đón với sự ủng hộ lớn. Tháng Chín năm 1897, đứa con trai đầu tiên của họ tên là Claude ra đời. Nhưng niềm vui của sự kiện đó chỉ tồn tại trong phút chốc khi Charles bị bệnh tim. Không có thuốc men nào hiệu quả với cậu trong lúc cậu ngày càng suy yếu. Sau đó, không sự báo trước nào, em bé Claude lên cơn sốt cao. Cả nhà Parham quỳ trên sàn nhà cầu nguyện cho đứa bé, nhưng chẳng ích lợi gì. Bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân cơn sốt của bé Claude, do đó không có phương thuốc chữa bệnh.
Parham được gọi đến để cầu nguyện cho một người đàn ông khác đang bị bệnh, vì vậy trong tình trạng ốm đau, cậu đã đến nhà của người đó. Trong lúc cầu nguyện cho người đó, câu Kinh Thánh: “Hỡi thầy thuốc, hãy tự chữa lành mình” bùng nổ bên trong Parham và trong lúc cậu đang cầu nguyện, quyền năng của Chúa chạm đến Parham. Cậu được lành bệnh ngay tức thì.
Parham háo hức chạy về nhà sau chuyến viếng thăm, ôm chầm Sarah, và kể cho cô nghe về trải nghiệm của mình, sau đó cầu nguyện cho đứa con. Rồi cậu ném tất cả thuốc men của mình, dặn lòng rằng sẽ không bao giờ tin cậy bất kỳ điều gì khác ngoài Lời Đức Chúa Trời. Cơn sốt ra khỏi thân thể của bé Claude, và bé lớn lên thành một đứa trẻ khỏe mạnh.
Tôi muốn nói một điều ở đây. Chức vụ chữa lành của Parham luôn có thể gây ra tranh cãi đối với những ai hiểu nhầm nó. Ông sống trong một thời kỳ mà nhìn chung, các bác sĩ đều làm ngược với Phúc Âm. Chính đức tin của cá nhân Parham đã khiến ông vứt bỏ mọi thuốc men của mình. Ông tin rằng việc hoàn toàn tin vào thuốc men là chối bỏ dòng huyết của Chúa Giê-xu và cái giá mà Đấng Christ đã trả trên thập tự giá. Khi sự mặc khải thật đến thì nó là điều không thể đánh bại. Nó sẽ luôn đem đến sự thành công mà nó minh họa. Sự mặc khải sâu sắc của Parham được chuyển cho gia đình của ông và thuốc men đã bị cấm trong nhà của ông. Nhưng ông để lại quyết định cuối cùng liên quan đến việc sử dụng thuốc cho mỗi người. Luôn có những người đi theo cảm hứng của người khác mà không phải là sự mặc khải của riêng họ. Vì cớ điều này, chúng ta đã thấy toàn bộ các chi thể trong Thân thể Đấng Christ từ chối sử dụng thuốc men và họ gọi những người như thế là “tội nhân”. Parham chưa bao giờ dạy về điều này, do đó sẽ là sai lầm khi đổ lỗi cho ông, như quá nhiều người đã làm, vì sai lầm về sự chữa lành thiên thượng của một số tín hữu đã gây ra.
LỜI HỨA NGUYỆN “DÙ SỐNG HAY CHẾT”
Không lâu sau khi Parham và con trai ông được lành, ông nhận được một vài tin tức thương tâm. Trong vòng một tuần lễ, hai người bạn thân nhất của ông đã qua đời. Quá đau buồn, Parham chạy vội vã đến mộ của họ. Đó là một ngày đã đánh dấu phần còn lại trong chức vụ của ông:
“Khi tôi quỳ giữa ngôi mộ của hai người bạn yêu quý của mình, là những người đã có thể sống nếu tôi nói với họ về quyền năng chữa lành của Đấng Christ, tôi nguyện rằng “dù sống hay chết” tôi cũng sẽ rao giảng về Phúc Âm chữa lành này.”9
Parham dời gia đình của mình đến Ottawa, Kansas, là nơi mà ông đã tổ chức buổi nhóm chữa lành đầu tiên. Trong buổi nhóm đó, ông đã dạn dĩ công bố lẽ thật của Lời Chúa. Một người phụ nữ bị phù thủng, chỉ còn sống được 3 ngày, đã được chữa lành ngay tức thì. Một người nữ tàn tật khác, bị mù và không ăn được, cảm nhận một cảm giác rất mạnh chạy xuyên qua ngực mình và hoàn toàn được lành. Chúa cũng chữa lành mắt của cô ngay tức thì, và cô dành phần đời còn lại của mình làm nghề may kiếm sống.
Lẽ thật về sự chữa lành thiên thượng rất hiếm hoi trong Hội Thánh trong những năm đó. Dowie và Etter đã có thành công lớn, nhưng những lẽ thật này hầu như vẫn chưa được biết đến ở khu thảo nguyên. Dù các kết quả không thể chối cãi, nhiều người vẫn tuyên bố rằng quyền năng được bày tỏ qua Parham là quyền năng của ma quỷ. Nhiều lời vu khống khiến Parham nhốt mình trong phòng để xác minh bản thân mình về sự thật này. Khi ông cầu nguyện và nghiên cứu Lời Chúa, Parham nhận ra rằng tất cả mọi chỗ mà ông xem trong Kinh Thánh thì sự chữa lành đều có mặt. Ông nhận ra rằng, sự chữa lành, cũng giống như sự cứu rỗi, đến qua công tác cứu chuộc của dòng huyết Chúa Giê-xu, và từ lúc đó trở đi, bắt bớ và vu khống không bao giờ làm gì được ông. Sau đó, một ý tưởng mang tính cách mạng đã đến với ông: ông sẽ cung cấp một căn nhà trú ẩn cho những ai tìm kiếm sự chữa lành. Parham đầy sự vui mừng!
LUÔN LÀ MỘT NGÔI NHÀ ĐỨC TIN
Một đứa con gái được sinh ra trong gia đình Parham vào tháng Mười Một năm 1898 vào ngày Lễ Tạ Ơn. Họ đặt tên cho đứa bé là Esther Marie. Không lâu sau, Parham mở căn nhà chữa lành của mình ở Topeka, Kansas, là nơi mà ông và Sarah gọi là “Bê-tên”. Mục đích là để cung cấp một bầu không khí như gia đình cho những người tin cậy Chúa cho sự chữa lành. Tầng trệt có một nhà nguyện, một phòng đọc sách và một văn phòng in ấn. Tầng trên có mười bốn phòng với nhiều cửa sổ lớn. Gia đình Parham luôn có hoa tươi ở các ô cửa để tạo một bầu không khí ấm áp, bình an và tươi đẹp. Các buổi nhóm của nhà nguyện mở ra hằng ngày, là nơi mà Lời Chúa được dạy dỗ đầy năng quyền. Và lời cầu nguyện được từng cá nhân dâng lên, nhiều lần suốt ngày lẫn đêm.
Bê-tên cũng mở các lớp đặc biệt cho các mục sư và nhà truyền giáo nhằm sửa soạn và huấn luyện họ cho chức vụ. Nơi trú ẩn này cũng trở thành nhà cho các cô nhi, và công việc cho những người không có việc làm.
Một vị khách ở Bê-tên đã viết:
“Ai có thể nghĩ về cái tên ngọt ngào hơn tên ‘Bê-tên’? Chắc chắn đây là Nhà của Chúa. Mọi thứ vận hành trong tình yêu thương và hòa thuận. Khi bước vào phòng, một người được ấn tượng bởi quyền năng thiên thượng trải rộng nơi này… Nơi đây thật sự là Ngôi Nhà Đức Tin.”10
Bản tin của Parham, Đức tin của sứ đồ, được sản xuất hai lần một tuần, đã có giá báo dài hạn ngay từ đầu. Nhưng Parham nhanh chóng thay đổi điều này bằng việc yêu cầu các độc giả nghiên cứu Ê-sai 55:1, sau đó viết xuống điều họ cảm nhận mình được dẫn dắt. Bản tin đó xuất bản nhiều bài làm chứng tuyệt vời về sự chữa lành và nhiều bài giảng được dạy dỗ ở Bê-tên.
Parham luôn tin rằng Chúa sẽ cung cấp tài chính cho Bê-tên. Một lần kia, sau một ngày làm việc vất vả, ông nhận ra rằng hạn trả tiền thuê nhà là sáng ngày mai và ông không có tiền để trả. Mệt mỏi và kiệt sức, ông nhìn lên trời và nói với Chúa rằng ông phải nghỉ ngơi và ông biết Chúa sẽ không làm ông thất vọng. Sáng hôm sau, một người đàn ông đến Bê-tên và nói: “Đột nhiên tôi tỉnh giấc với suy nghĩ về anh và công việc của anh; tôi không thể ngủ cho đến khi tôi hứa rằng sẽ mang cho anh cái này.” Đó chính xác là số tiền để trả thuê nhà.
Một lần khác, Parham chỉ có một phần tiền để thanh toán một hóa đơn đã đến hạn. Vì vậy, ông bắt đầu đi đến ngân hàng để trả số tiền mình có, và trong lúc đi đường, ông gặp một người quen đã đưa cho ông một số tiền. Khi Parham đến ngân hàng, ông nhận ra số tiền đó chính xác là khoản tiền ông cần để thanh toán đủ hóa đơn.11 Và có nhiều câu chuyện kỳ diệu khác về sự cung ứng tài chánh xung quanh chức vụ của Parham.
Gia đình Parham được ban phước với một đứa con trai khác vào tháng Ba năm 1900. Họ đặt tên đứa bé là “Charles”, cùng tên với người cha. Bây giờ, dường như gia đình ông đã phát triển hơn Nhà Bê-tên, vì vậy một tư thất được xây lên. Cùng với sự phát triển của gia đình mình, sự đói khát thuộc linh của Parham cũng gia tăng đến nỗi ông cảm thấy mình nên rời khỏi Bê-tên và viếng thăm các chức vụ khác. Để lại hai vị mục sư chịu trách nhiệm, Parham bắt đầu viếng thăm các chức vụ của nhiều người tin kính khác ở Chicago, New York, và Maine. Ông trở về nhà, tươi mới và đổi mới thậm chí với một lòng khao khát nhiều hơn:
“Tôi trở về nhà hoàn toàn tin rằng trong khi nhiều người đã có được kinh nghiệm thật trong sự thánh hóa và sự xức dầu kèm theo, vẫn có một sự tuôn đổ quyền năng lớn lao cho những Cơ Đốc Nhân nào gần với thời kỳ này.”12
Những lời này chứa đựng hạt giống lẽ thật mà về sau Parham mới hiểu được.
ĐƯỢC VÂY QUANH BỞI HÀO QUANG
Vì sự thành công rực rỡ của ông tại Bê-tên, nhiều người bắt đầu khuyên Parham mở trường Kinh Thánh. Vì vậy, một lần nữa, Parham ở riêng để kiêng ăn cầu nguyện. Sau đó, vào tháng Mười năm 1900, ông mua được một kiến trúc đẹp ở Topeka, Kansas, cho mục đích mở trường Kinh Thánh, và gọi nó là “Stone’s Folly”.
Tòa nhà được xây theo kiểu của một tòa lâu đài nước Anh. Nhưng người xây dựng đã hết tiền trước khi công trình đó hoàn tất. Cầu thang nối giữa tầng thứ nhất và thứ hai được chạm trỗ bằng gỗ của cây tuyết tùng, anh đào, cây thích và cây thông. Tầng thứ ba được hoàn tất bằng gỗ thông thông dụng được sơn.
Phía ngoài của tòa nhà Stone’s Folly được lát bằng gạch đỏ và sỏi trắng, với một chiếc cầu thang xoắn ốc dẫn lên đài thiên văn. Một lối đi khác từ nơi đó đến một căn phòng nhỏ được gọi là Tháp Cầu Nguyện. Các sinh viên có thể thay phiên nhau cầu nguyện mỗi ngày ba giờ trong tháp đặc biệt này.
Khi Stone’s Folly được cung hiến, một người từ Tháp Cầu Nguyện nhìn ra bên ngoài và thấy một khải tượng bên trên Stone’s Folly về một “cái hồ nước mát rộng lớn sắp tràn, chứa đủ mọi điều để thỏa mãn mọi cơn khát.”13 Khải tượng đó chứng minh một dấu hiệu của những điều sẽ xảy đến.
Trường Kinh Thánh của Parham mở cửa cho mọi người hầu việc Chúa và tín hữu, những ai sẵn lòng “từ bỏ mọi điều.” Họ phải có sự sẵn lòng nghiên cứu Lời Chúa một cách sâu nhiệm và tin cậy Chúa cho mọi nhu cầu của cá nhân. Đức tin của các sinh viên ở phần học phí của họ; mọi người đều phải tin rằng Chúa sẽ chu cấp nhu cầu của họ.
Các bài thi được đưa ra vào tháng Mười Hai về các chủ đề ăn năn, cải đạo, tận hiến, sự nên thánh, sự chữa lành và sự tái lâm của Chúa trong tương lai. Khi sách Công vụ được bao gồm trong các môn học, Parham cho các sinh viên của ông một bài tập về lịch sử. Họ phải siêng năng nghiên cứu bằng chứng của Kinh Thánh về phép báp tem trong Đức Thánh Linh và ba ngày sau phải tường thuật lại những gì họ tìm được.
Sau khi phân công bài tập này, Parham đã rời khỏi các sinh viên của mình để đến một buổi nhóm trong thành phố Kansas. Sau đó, ông quay trở lại Stone’s Folly cho buổi nhóm Thức Canh thường niên.
Vào buổi sáng đến hạn nộp bài tập, Parham lắng nghe các tường thuật của bốn mươi sinh viên, và ông kinh ngạc bởi những gì mình nghe được. Trong lúc nhiều sự bày tỏ khác nhau của Thánh Linh xảy ra trong sự tuôn đổ của Lễ Ngũ Tuần trong Công vụ, tất cả các sinh viên đều có chung một kết luận: Tất cả những người được báp tem bởi Đức Thánh Linh đều nói các ngôn ngữ khác!
Bây giờ, có một sự phấn khởi lớn và sự quan tâm mới tại Stone’s Folly xung quanh sách Công vụ. Sự đoán trước bao phủ bầu không khí khi bảy mươi lăm người vây quanh nhau tại trường cho buổi nhóm Thức Canh hôm đó.
Trong suốt giờ nhóm, một sự tươi mới thuộc linh dường như bao trùm nơi đó. Kế đến, Agnes Ozman, một sinh viên đã đến gặp Parham và xin ông đặt tay trên cô để cô có thể nhận được phép báp tem bằng Đức Thánh Linh. Ozman tin rằng cô được kêu gọi vào cánh đồng truyền giáo và cô cần được trang bị với quyền năng thuộc linh. Lúc đầu, Parham lưỡng lự và nói với cô rằng chính ông không nói các ngôn ngữ khác. Nhưng cô cứ khăng khăng, và Parham đã khiêm tốn đặt tay mình trên đầu của cô. Về sau khi Parham viết về sự việc này, ông đã giải thích nó như sau:
“Tôi chắc chắn là lặp lại khoảng ba mươi câu khi sự vinh hiển tuôn đổ trên cô ấy, một hào quang dường như bao phủ xung quanh đầu và mặt của cô, và cô ấy bắt đầu nói tiếng Trung Quốc, và trong ba ngày đó cô không thể nói được tiếng Anh.”14
Về sau, Ozman làm chứng rằng cô đã nhận được một vài lời tương tự đó trong lúc ở Tháp Cầu nguyện. Nhưng sau khi Parham đặt tay trên cô, cô hoàn toàn được đầy dẫy quyền năng siêu nhiên của Chúa.
LƯỠI BẰNG LỬA
Sau khi chứng kiến sự tuôn đổ kỳ diệu của Đức Thánh Linh, các sinh viên dời giường của họ ra khỏi ký túc xá tầng thượng và biến nó thành phòng cầu nguyện. Trong ba ngày hai đêm, cả trường chờ đợi Chúa.
Tháng Giêng năm 1901, Parham giảng tại một Hội Thánh ở Topeka, thuật lại với mọi người về những kinh nghiệm tuyệt vời đang xảy ra ở Stone’s Folly. Và ông nói với họ rằng ông tin rằng mình sẽ sớm nói các thứ tiếng khác. Đêm đó sau khi từ buổi nhóm trở về nhà, ông đã gặp một trong những sinh viên dẫn ông vào Phòng Cầu nguyện. Khi ông bước vào bên trong, ông ngạc nhiên khi thấy mười hai mục sư của hệ phái mình. Họ đang ngồi, quỳ gối, đứng giơ tay lên và tất cả đều đang nói các thứ tiếng khác. Một số người run lên dưới quyền năng của Chúa. Một phụ nữ lớn tuổi đến gần Parham để kể lại những giờ phút trước khi ông bước vào, “lưỡi bằng lửa” đậu trên đầu của họ.
Quá bất ngờ bởi những gì mình thấy, Parham quỳ gối xuống phía sau bàn, ngợi khen Chúa. Sau đó, ông cầu xin Chúa ơn phước đó, và khi ông làm thế, Parham nghe tiếng Chúa kêu gọi rõ ràng rằng ông hãy đứng lên trong thế giới này. Ông phải bày tỏ lẽ thật về sự tuôn đổ quyền năng này trong mọi nơi ông đi. Vị mục sư được khai sáng này cũng nhận thức được những sự bắt bớ sẽ đi kèm với quan điểm của mình. Nhưng ông kể như đó là cái giá phải trả và quyết định vâng lời; giống như ông đã vâng lời trong việc công bố sự chữa lành thiên thượng. Ngay sau đó, chính Charles Parham được đầy dẫy Đức Thánh Linh và nói trong nhiều thứ tiếng khác.
“Chính lúc đó và ngay tại chỗ, có một sự vặn nhẹ trong cổ họng tôi, sự vinh hiển giáng trên tôi và tôi bắt đầu thờ phượng Chúa trong tiếng Thụy Điển, sau đó chuyển sang những ngôn ngữ khác và cứ tiếp tục…”15
Không lâu sau, tin tức về những điều Chúa đang làm được nhiều phóng viên báo chí, các chuyên gia ngôn ngữ, và những người phiên dịch cho chính phủ vây quanh trường Stone’s Folly. Họ ngồi trong các buổi nhóm để nói với cả thế giới về hiện tượng kỳ diệu này. Họ đã đồng lòng nói rằng các sinh viên của Stone’s Folly đang nói các ngôn ngữ trên thế giới. Và các bài báo của họ kêu lên với tiêu đề “Ngũ Tuần! Ngũ Tuần!” Tờ Newboys hô lớn: “Hãy đọc về Ngũ Tuần!”
Ngày 21 tháng Giêng năm 1901, Parham chia sẻ bài giảng đầu tiên về kinh nghiệm độc nhất của phép báp tem bằng Đức Thánh Linh với bằng chứng nói các thứ tiếng khác.
CÁNH CỬA ĐẾN VỚI ĐIỀU SIÊU NHIÊN
Ngày nay, một số người nói rằng “việc nói các thứ tiếng đã qua rồi.” Nhưng bạn tôi ơi, khi các phép lạ và các dấu kỳ qua đi, khi những sự bày tỏ của Đức Thánh Linh qua đi, các thứ tiếng khác cũng sẽ qua đi nữa. Khi đó, chúng ta không cần các thứ tiếng khác. Nhưng hễ khi nào chúng ta còn sống trên trái đất, những điều này vẫn còn. Sách Công vụ vẫn được tiếp tục qua sự sống của Hội Thánh ngày nay. Điều duy nhất đã qua đi là việc dâng tế lễ các con chiên, vì Chúa Giê-xu đã làm trọn hệ thống tế lễ về việc đổ huyết và xóa bỏ bức màn ngăn cách con người với Đức Chúa Trời rồi.
Cầu nguyện trong các thứ tiếng khác sẽ hình thành ý muốn của Chúa trong tâm linh bạn. Bạn không còn dựa vào trí tuệ của mình hay sự hướng dẫn của người khác. Bạn sẽ “biết” ý muốn của Cha cho đời sống mình là gì. Đôi khi, chúng ta bị giới hạn trong đời sống cầu nguyện của mình bởi ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta, nhưng không phải lúc nào cũng không biết cách cầu nguyện cho một tình huống nào đó. Lời Chúa bảo chúng ta hãy “cầu nguyện trong tâm linh”, hay trong các thứ tiếng, sẽ giúp chúng ta có thể cầu nguyện theo ý muốn trọn vẹn của Chúa trong mọi tình huống vì việc cầu nguyện trong tiếng lạ đem chúng ta vào lãnh vực của Thánh Linh. Bạn có thể lên thiên đàng mà không cần được báp tem Thánh Linh, nhưng đó không phải là mong ước cao nhất Chúa dành cho bạn.
Có nhiều sự vận hành khác nhau về việc nói các thứ tiếng trong Kinh Thánh. Trước tiên, các thứ tiếng có thể bày tỏ trong một ngôn ngữ siêu nhiên mà các dân tộc khác có thể hiểu được (Xem Công vụ 2:8-11). Thứ hai, ân tứ nói tiếng lạ có thể được nói bởi một người trong bối cảnh công cộng và sau đó được tiếp nối bằng việc giải nghĩa ngôn ngữ đó, nhằm mang lại sự gây dựng cho những người đang nhóm tại đó (Xem I Cô-rinh-tô 14:27-28). Và có ngôn ngữ cầu nguyện trong tiếng lạ, là điều khích lệ và gây dựng đức tin của bạn. Cuối cùng, cầu nguyện trong tâm linh sẽ mang lại sự dạn dĩ, sức lực, hướng đi, và sự chỉ dẫn cho cuộc đời của một tín hữu nào đó. Cầu nguyện tiếng lạ cũng là một trong những hình thức năng quyền trong sự cầu thay (Xem I Cô-rinh-tô 14:4; Giu-đe 20; Rô-ma 8:26-27, Ê-phê-sô 6:18).
Nếu bạn chưa kinh nghiệm sự báp tem Thánh Linh với bằng chứng nói các thứ tiếng khác, thì hãy hết lòng tìm kiếm Chúa cho điều này. Việc nói trong các ngôn ngữ khác không chỉ “dành cho một số người”. Đó là điều dành cho mọi người, giống như sự cứu rỗi. Khi bạn chọn bước vào mức độ này trong sự đầy trọn của Chúa, cuộc đời của bạn sẽ không bao giờ như trước nữa.
NGƯỜI CHA THUỘC LINH
Vào giai đoạn này của cuộc đời Parham, chưa từng có “sự vinh hiển trọn vẹn” và sự bình an trong nhà của ông nhiều như thế. Parham đi khắp đất nước, rao giảng các lẽ thật về việc báp tem Thánh Linh trong sự chứng thực tuyệt vời. Lần nọ trong buổi nhóm, ông bắt đầu nói trong các thứ tiếng khác, sau đó khi ông nói xong, một người trong hội chúng đứng dậy và nói: “Tôi được chữa lành khỏi sự bội tín của mình; và tôi đã nghe Thi thiên 23 trong ngôn ngữ của mình, là đoạn Thi thiên mà tôi từng học dưới chân mẹ tôi.”16 Đây chỉ là một trong vô số bài làm chứng về việc ân tứ nói các thứ tiếng khác ra từ chức vụ của Parham. Không lâu sau, hàng trăm, hàng trăm người bắt đầu nhận được sự bày tỏ này. Nhưng cùng với sự tuôn đổ quyền năng này là sự bắt bớ vu khống của những kẻ khinh rẻ điều này.
Sau đó, bi kịch lại xảy ra trên nhà của Parham lần nữa. Đứa con út của họ, Charles, đã qua đời ngày 16 tháng Ba năm 1901. Gia đình kiệt quệ vì đau buồn. Sự đau buồn của họ càng tệ hơn khi những người chống lại gia đình Parham đã bắt bớ họ cho việc họ có phần trong cái chết của đứa con. Sau đó, nhiều người từng yêu mến gia đình ông, nhưng không tin vào sự chữa lành quyền năng, đã thêm sự đau buồn bằng cách khuyến khích gia đình Parham từ bỏ niềm tin của họ về lãnh vực này. Nhưng trong tất cả mọi điều đó, gia đình Parham bày tỏ tính cách rất tốt bằng việc chọn giữ tấm lòng của họ mềm mại với Chúa và họ đã chiến thắng bài thử nghiệm đức tin này. Kết quả, thậm chí Parham còn nhiệt thành hơn trong việc rao giảng về Phúc Âm kỳ diệu của Đấng Christ trên khắp thế giới.
Vào mùa thu năm 1901, trường Kinh Thánh tại Topeka đã bị người dưới quyền Parham bán đi một cách không mong đợi, vì các mục đích sử dụng thế tục. Parham cảnh báo những người mua mới rằng nếu họ dùng trường này cho những mục đích đời này thì tòa nhà này sẽ bị phá hủy. Nhưng họ phớt lờ lời cảnh báo tiên tri của ông, và cuối tháng Mười Hai, tin tức đã đến với Parham rằng tòa nhà đó đã bị phá hủy hoàn toàn bởi trận hỏa hoạn.
Sau khi Stone’s Folly bị bán, gia đình Parham chuyển đến một căn nhà thuê ở thành phố Kansas. Từ lúc đó trở đi, Parham bắt đầu tổ chức nhiều buổi nhóm khắp quốc gia. Hàng trăm người, từ mọi hệ phái, đều nhận được báp tem Thánh Linh và sự chữa lành siêu nhiên. Thật đúng với mỗi nhà phấn hưng tiên phong, Parham hoặc là được yêu mến hoặc bị ghét bởi công chúng, nhưng tính khí sinh động và tấm lòng ấm áp của ông vẫn được mọi người công nhận. Một bài báo Kansas đã viết: “Bất cứ điều gì được nói về ông thì ông đã thu hút sự chú ý nhiều đến tôn giáo hơn bất kỳ người làm tôn giáo nào khác trong nhiều năm qua.”17
Năm 1901, Parham xuất bản quyển sách đầu tiên của ông, Tiếng khóc trong Hoang Mạc. Quyển sách này chứa đầy những bài giảng về sự cứu rỗi, chữa lành và sự nên thánh. Nhiều mục sư trên khắp thế giới đã học và dạy từ tài liệu này.
Một đứa con trai khác, Philip Arlington, được sinh ra trong gia đình của Parham vào tháng Sáu năm 1902. Lúc này, Charles đã trở thành cha đẻ của sự tuôn đổ Ngũ Tuần, và vẫn tiếp tục chăm lo cho các đứa con thuộc linh của ông để giúp đỡ họ lớn lên trong lẽ thật. Parham đã có trải nghiệm đầu tiên của mình với sự cuồng tín vào năm 1903. Ông giảng trong một Hội Thánh có nhiều sự bày tỏ lộn xộn và mang tính xác thịt xảy ra. Kinh nghiệm này đã thêm một chiều kích mới trong sự dạy dỗ của ông. Dù ông không cho phép người khác gọi mình là người lãnh đạo trong Phong Trào Ngũ Tuần, chịu trách nhiệm trong việc thấy rằng phép báp tem Thánh Linh được bày tỏ theo Lời Chúa. Vì thế, ông nỗ lực học về thân vị của Đức Thánh Linh, và phản đối mạnh mẽ với những gì trái ngược với điều ông đã biết. Có lẽ chính do lòng đam mê này của ông đã khiến ông chống lại những sự bày tỏ tại Azusa trong nhiều năm sau.
“GIẢNG TRONG RẠP LỚN”
Vào mùa thu năm 1903, gia đình Parham chuyển đến Galena, Kansas, và dựng một cái rạp lớn. Cái rạp đó có thể chứa hai ngàn người, nhưng nó vẫn quá nhỏ để chứa hết đám đông.
Vì vậy, một tòa nhà được tìm thấy lúc mùa đông bắt đầu. Nhưng sau đó, các cánh cửa phải để mở trong suốt buổi nhóm để những người ở ngoài có thể tham dự. Đám đông từ các thị trấn lân cận cứ đổ xô đến Galena khi nhiều sự bày tỏ mạnh mẽ của Thánh Linh xảy ra, và hàng trăm người được chữa lành một cách kỳ diệu và được cứu.
Trong những ngày đó, nhiều tấm thiệp được chuyển đến cho những người đã đến vì sự chữa lành. Thủ tục phổ biến là viết con số trên tấm thiệp và chuyển các tấm thiệp đó đến cho những người đang tìm kiếm sự cầu nguyện. Trong suốt buổi nhóm, các con số sẽ được gọi ra một cách ngẫu nhiên, và lời cầu nguyện được dâng lên cho những ai cầm tấm thẻ có con số được gọi lên. Do đó, với cách làm này thì mọi người đều có được cơ hội như nhau. Nhưng Parham tránh cách làm này và ông chọn cầu nguyện cho tất cả những ai đã đến, bất kể thời gian kéo dài thế nào.
Hai tờ báo, Joplin Herald và Cincinati Inquirer, tuyên bố rằng các buổi nhóm ở Galena của Parham là sự bày tỏ quyền năng và phép lạ lớn nhất từ thời các sứ đồ cho đến nay, họ viết: “Nhiều người… đến nhằm chế giễu nhưng đã ở lại để cầu nguyện.”18
Ngày 16 tháng Ba năm 1904, Wilfred Charles được sinh ra trong gia đình của Parham. Một tháng sau, Charles chuyển gia đình đến Baxter Springs, Kansas, sau đó tiếp tục tổ chức nhiều buổi nhóm tuyệt vời khắp tiểu bang.
Parham luôn cảnh báo đám đông rằng đừng gọi ông là “người chữa lành”, ông nhắc họ nhớ rằng ông không có quyền năng chữa lành hay là quyền năng để cứu. Một người quan sát đã nói: “Ông Parham chắc chắn đã giảng Lời Thánh của Chúa một cách thẳng thắn; trong những cây đà lớn, nguyên chất và cứng rắn đủ để loại bỏ cái vảy ra khỏi mắt chúng ta.”19
Các buổi nhóm của nhà phấn hưng này luôn luôn thú vị. Parham được biết đến như một người có tấm lòng yêu thương lớn dành cho Xứ Thánh, và luôn bổ sung những niềm tin của nó trong sự dạy dỗ của ông. Vì vậy, bên cạnh các phép lạ, ông thường khoe các trang phục đẹp từ Xứ Thánh mà ông đã sưu tầm trong một thời gian. Nhiều bài báo thường thích nhấn mạnh khía cạnh này trong chức vụ của ông.
Các sinh viên của Stone’s Folly, 1905
Đội truyền giảng, Houston, Texas, 1905
Năm 1905, Parham đi đến Orchard, Texas. Ông cũng làm điều tương tự cho các tín hữu đã tham dự buổi nhóm ở Kansas của ông và đã hết lòng cầu nguyện để ông có thể đến chỗ của họ. Trong lúc thi hành chức vụ ở Orchard, có một sự tuôn đổ Thánh Linh rất lớn, đến nỗi Parham được cảm thúc để bắt đầu tổ chức “Những ngày hội nghị” của ông. Đây là một chuỗi các buổi nhóm được lên kế hoạch một cách chiến lược và tổ chức khắp nước Mỹ. Nhiều người tình nguyện hỗ trợ trong việc truyền giáo này một khi Parham quay về Kansas.
MỌI THỨ ĐỀU LỚN TẠI TEXAS!
Ngày truyền giảng đầu tiên được định ở Houston, Texas. Parham cùng với hai mươi lăm nhân sự tổ chức buổi nhóm trong một nơi có tên Bryn Hall, là nơi họ được quảng cáo như một nhóm phi hệ phái và mời gọi bất kỳ người nào muốn kinh nghiệm quyền năng của Chúa nhiều hơn. Nhiều tờ báo thích tính mới lạ trong trang phục Xứ Thánh của Parham, và thích viết về những phép lạ đã xảy ra.
Sau các buổi nhóm này, Parham cùng nhóm của ông tổ chức các cuộc diễu hành lớn, đi xuống các đường phố ở Houston trong trang phục Xứ Thánh của họ. Các cuộc diễu hành hỗ trợ nhằm khuấy động sự thích thú nơi những người tham dự các buổi nhóm tối. Khi Những ngày hội nghị kết thúc, nhóm của Parham trở về Kansas, vui mừng trong Chúa.
Vì nhu cầu cao của công chúng, cả nhóm quay trở về Houston lần nữa, nhưng lần nầy, sự bắt bớ lớn xảy ra trên đường. Nhiều nhân sự của Parham bị trúng độc trong một buổi nhóm khiến họ rất yếu và bị đau nhiều. Nhưng Parham cầu nguyện cho từng người và ngay tức thì họ được bình phục hoàn toàn.
Chính mạng sống của Parham cũng bị đe dọa nhiều lần, nhưng ông luôn thoát khỏi. Một lần nọ, sau khi uống nước trên bục giảng, Parham cúi người xuống với cơn đau dữ dội. Nhưng ông bắt đầu cầu nguyện và cơn đau lìa ngay tức thì. Sau đó, khi ly nước của ông được đem đi thí nghiệm, người ta phát hiện rằng trong nước chứa chất độc đủ giết cả chục người.20
Không sợ bắt bớ, Parham đã thông báo về việc mở trường Kinh Thánh mới tại Houston, sau đó chuyển trụ sở chính của ông đến đó vào mùa đông năm 1905. Ngôi trường đó được hỗ trợ giống như trường ở Topeka, qua nhiều sự tự nguyện dâng hiến. Không có học phí và mỗi sinh viên phải tin cậy Chúa về chi phí của mình. Có người nói rằng nội quy theo kiểu quân ngũ được áp dụng ở trường học và mỗi người cần biết cách làm việc trong sự hòa hợp.21
Các trường của Parham không bao giờ nhằm mục đích trở thành trường thần học. Đó là những trung tâm huấn luyện, nơi mà lẽ thật của Đức Chúa Trời được dạy dỗ trong cách thiết thực nhất – với sự cầu nguyện là yếu tố chìa khóa. Nhiều mục sư đã ra trường để phục vụ Chúa khắp nơi trên thế giới.
Chính tại Houston là nơi Parham gặp William J. Seymour. Cho đến thời điểm này, Luật Jim Crow (luật phân chủng) cấm những người da trắng và da đen học chung trường. Và các buổi nhóm của Parham đều bị phân biệt nhưng là vì những người da đen không xin tham gia vào trường học, cho đến khi Seymour đến. Sự khiêm nhường và lòng khao khát của Seymour với Lời Chúa đã cảm động Parham đến nỗi ông quyết định phớt lờ các quy định phân biệt chủng tộc thời đó. Seymour được cung cấp một chỗ trong trường học là nơi cậu kinh nghiệm các lẽ thật mang tính cách mạng về việc báp tem Thánh Linh. Về sau, William Seymour trở thành lãnh đạo của cuộc phấn hưng Azusa Street Mission ở Los Angeles, California.
Sau khi ngôi trường lịch sử ở Houston của Parham đóng cửa, ông đem gia đình mình trở lại Kansas, và vào ngày 1 tháng Sáu năm 1906, Robert (đứa con sau cùng của họ) đã chào đời.
Parham tiếp tục tổ chức nhiều buổi nhóm khắp đất nước và đó là nhu cầu lớn. Đó là lúc ông nhận được nhiều lá thư từ Seymour, mời ông đến the Mission ở Los Angeless tại đường Azusa. Có người nói rằng Seymour đã viết: “nhiều lá thư cấp bách nài xin giúp đỡ, khi nhiều sự bày tỏ của Thánh Linh, các quyền lực thôi miên và nhiều sự vặn vẹo cơ thể… đã phá hoại buổi nhóm. Ông muốn Parham đến nhanh chóng và giúp ông phân biệt giữa điều nào là thật và điều nào là giả.”22Bất kể lời nài xin đó, Parham cảm nhận được Chúa dẫn dắt để tổ chức một hội nghị ở thành phố Zion, Illinois.
BƯỚC ĐI TRÊN MẶT NƯỚC Ở ZION
Khi Parham đến Zion, ông biết được cộng đồng này đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Dowie đã mang tai tiếng trong chức vụ ở đó, và nhiều người khác đang ở trong giai đoạn kiểm soát thành phố này. Có một sự chống đối dữ dội ở trên thành phố, vì nhiều người từ mọi quốc gia và mọi tầng lớp xã hội đều đã đầu tư tương lai của mình trong những việc của Dowie. Thất vọng và tan vỡ, những người này đã mất hy vọng. Parham nhìn thấy điều này như một cơ hội tuyệt vời để mang lại phép báp tem của Đức Thánh Linh đến cho Zion. Ông nghĩ rằng chẳng có phước hạnh hay niềm vui nào lớn hơn là việc giới thiệu sự đầy trọn của Thánh Linh cho những người này.
Khi Parham đến Zion, ông gặp sự chống đối lớn, và không thể bảo vệ tòa nhà cho việc nhóm lại. Vì thế mọi cánh cửa cơ hội dường như đã bị đóng lại. Cuối cùng, khi có lời mời của một nhà quản lý khách sạn, ông đã có thể tổ chức buổi nhóm trong một căn phòng riêng. Đêm hôm sau, hai căn phòng và tiền sảnh đầy ắp người và số lượng người tham dự gia tăng nhanh chóng từ đó.
Không lâu sau, Parham bắt đầu các buổi nhóm tư gia trong những căn nhà tốt nhất của thành phố. Một trong những căn nhà đó thuộc về nhà truyền giáo chữa lành và tác giả nổi tiếng, F. F. Bosworth. Nhà của Bosworth đã biến thành một nơi nhóm lại trong suốt thời gian Parham ở đó. Mỗi tối, Parham hướng dẫn năm buổi nhóm trong năm nhà khác nhau, tất cả đều bắt đầu lúc 7 giờ tối. Khi các nhân sự của ông đến, ông sẽ giảng từ chỗ này sang chỗ khác, lái xe nhanh chóng để bảo đảm là ông đến được các nơi. Kết quả là, hàng trăm mục sư và nhà truyền giáo đã ra từ Zion đầy quyền năng của Thánh Linh để giảng Lời Đức Chúa Trời với nhiều dấu lạ.
Vào tháng Mười năm 1906, Parham cảm thấy mình được rời khỏi Zion và ông nhanh chóng đến Los Angeles để nhận lời mời của Seymour.
Dù Zion là một cộng đồng Cơ Đốc, dường như sự bắt bớ chống lại Parham là sự bắt bớ lớn nhất ở đó. Nhiều tờ báo ngoài đời có một cuộc oanh tạc truyền thông, ghi rằng “nhà tiên tri Parham” như thể đang chiếm vị trí của “nhà tiên tri Dowie”.23 Chính Dowie đã tiếp tục thu âm công khai để chỉ trích sứ điệp và những hành động của Parham. Người giám hộ mới của Zion, Wilbur Voliva, đã háo hức để chờ Parham ra khỏi thành phố đó. Voliva đã viết thư cho Parham và hỏi rằng ông định ở Zion bao lâu. Parham trả lời: “Hễ khi nào Chúa còn muốn tôi ở đây.”24
LÀM RÚNG ĐỘNG, RUNG CHUYỂN VÀ CUỐN ĐI CÂU CHUYỆN CỦA L. A.
Parham nghe nói rằng Seymour đã đến Los Angeles với một tinh thần hạ mình. Những người từ Texas chuyển đến Los Angeles cùng với Seymour đều ấn tượng với khả năng của ông. Rõ ràng Chúa đang làm công việc diệu kỳ trong đời sống của Seymour. Nhưng cũng rõ ràng là Sa-tan đang cố gắng “xé nó ra trăm mảnh”.25 Vì Seymour từng là sinh viên trong trường của Parham, Parham cảm thấy mình có trách nhiệm với những điều đang diễn ra.
Những kinh nghiệm của Parham ở Azusa đã gia thêm hiểu biết của ông về sự cuồng tín. Theo Parham, có nhiều kinh nghiệm thật về việc nhận được báp tem thật, nhưng cũng có nhiều sự bày tỏ giả. Parham tổ chức hai hay ba buổi nhóm ở Azusa, nhưng không thể thuyết phục Seymour thay đổi cách của mình. Cánh cửa truyền giáo đã bị khóa nên Parham không thể quay trở lại. Nhưng thay vì rời khỏi Los Angeles, Parham thuê một tòa nhà lớn và tổ chức các buổi nhóm lớn để thi hành sự giải cứu nhiều người đã từng tham dự các buổi nhóm đó khỏi các ác linh.
Parham xem mối xung đột với Seymour như một ví dụ về lòng kiêu ngạo thuộc linh. Ông viết về điều này trong bản tin của mình và ghi rằng sự cuồng tín luôn sản sinh tinh thần không chịu học hỏi trong những người đã chìm đắm trong đó. Ông giải thích rằng những người ở dưới sự ảnh hưởng của các linh giả dối này như sau:
“…cảm thấy được tôn cao, nghĩ rằng họ có một kinh nghiệm tuyệt vời hơn người khác, không cần sự hướng dẫn hay lời khuyên… đặt họ ra khỏi tầm với của những người có thể giúp đỡ.”
Ông kết thúc bản tin “phế truất” của mình bằng việc nói:
“…dù nhiều hình thức của sự cuồng tín đã lẻn vào, tôi tin rằng mỗi con cái thật của Chúa đều sẽ ra khỏi mù sương và bóng tối này được trang bị một cách mạnh mẽ và tốt hơn để chống lại mọi cực đoan dối trá để trình diện chính họ vào bất kỳ thời điểm nào trong những buổi nhóm như thế. “26
“ĐỒ THỊT HEO”
Từ Los Angeles, Parham trở về Zion vào tháng Mười Hai năm 1906. Do không thể mua được một tòa nhà, ông đã dựng một cái rạp lớn trong khu đất trống. Các buổi nhóm trong rạp của Parham đều có đông người đến dự khoảng cỡ hai ngàn người. Vào đêm giao thừa, ông đã giảng hai giờ đồng hồ về phép báp tem trong Thánh Linh, và tạo ra một sự phấn khởi rất lớn đến nỗi nhiều người đàn ông đã đến gặp Parham với ý tưởng về việc bắt đầu một “phong trào” và một Hội Thánh lớn.
Nhưng Parham chống lại ý tưởng đó. Ông nói với những người đàn ông đó rằng ông không ở đó vì lợi ích cá nhân và ý tưởng của việc ông đến Zion là để mang lại sự bình an của Chúa thế cho sự áp bức ở đó. Parham tin rằng nước Mỹ đã có nhiều Hội Thánh rồi và ông nói rằng điều Zion cần là nhiều sự thuộc linh trong những Hội Thánh đã có. Parham cảm thấy nếu sứ điệp của ông có giá trị thì những người này sẽ hỗ trợ nó mà không cần một tổ chức. Ông lo ngại rằng các nhóm xoay quanh lẽ thật về “phép báp tem của Đức Thánh Linh” cuối cùng sẽ phát triển một mục tiêu theo thế gian và như ngoài đời.
Sau khi đối chất những vấn đề này, Parham đã chính thức từ chức khỏi vai trò là “người đề xướng” của Phong Trào Ngũ Tuần Đức Tin. Ông đã viết trong bản tin của mình:
“Bây giờ, chúng [các nguyên lý Ngũ Tuần đức tin] nhìn chung đã được chấp nhận, tôi chỉ đơn giản nhận lấy vị trí của mình giữa vòng các anh em để đẩy Phúc Âm của Vương quốc Chúa như một chứng nhân cho mọi dân tộc.”27
Vị trí của Parham đã tạo ra nhiều kẻ thù mới ở Zion và khi các buổi nhóm của ông kết thúc, ông đi giảng một mình ở Canada và New England.
Gia đình của ông vẫn ở tại Zion và phải chịu bắt bớ rất lớn. Hằng ngày, tại trường học đã mang nhiều sự bắt bớ mới cho các con của Parham. Thịt heo bị cấm bán trong thành phố, do đó, bọn trẻ bắt đầu gọi những đứa trong nhà Parham là “đồ thịt heo” (vì chữ Parham gần giống như chữ part ham, nghĩa là thịt đùi), nên các con của ông thường từ trường về nhà trong nước mắt. Gia đình Parham tin rằng họ bị bắt bớ chủ yếu là vì họ không tổ chức một phong trào. Về sau, Charles có viết:
“Nếu tôi khác với tất cả mọi người ở Zion về bất kỳ lẽ thật nào trong những điều này, thì đó chỉ như nhiều người ở Zion khác nhau giữa vòng họ thôi.”28
Rồi, một ngày nọ, bà Parham nhận được một lá thư quấy phá từ một công dân Zion đe dọa chồng bà qua một cách thức gây xì-căng-đan. Bà tố giác lá thư đó là một lời nói dối, nhưng tình thế và sự bắt bớ cứ gia tăng nhiều đến nỗi bà quyết định đem các con mình trở về Kansas.
NGỌN LỬA XÌ-CĂNG-ĐAN TỪ ĐỊA NGỤC
Chính tại đây mà chúng ta đến cuộc tranh luận lớn nhất trong cuộc đời của Charles Parham. Rõ ràng, Parham có nhiều kẻ thù trong các tổ chức Cơ Đốc nổi bật. Nhưng người đối kháng chính của ông là Wilbur Voliva, vị tổng giám mục của Zion.
Sau sự từ chức công khai của Parham với tư cách là “người đề xướng” Phong Trào Ngũ Tuần Đức Tin, có vô số lời đồn được lan truyền trong giới Ngũ Tuần rằng Parham đã bị bắt vì phạm tội tình dục vô luân. Tờ báo Waukegan Daily Sun đã ám chỉ rằng việc Parham đột ngột rời khỏi Zion đã được nhắc nhở bởi “những người đàn ông bí ẩn, có thể là thám tử, đồng thời cũng được lệnh bắt ông về một số lời cáo buộc bí mật nào đó.” Về sau, tờ báo đó thừa nhận rằng sự tường thuật của nó chỉ dựa trên lời đồn và ban cảnh sát của Zion không biết gì về vụ việc đó cả.29 Nhưng nhiều sự tổn hại đã xảy ra.
Vào mùa hè năm 1907, Parham đang giảng trong một khu vực truyền giáo trước đây của Zion nằm ở San Antonio khi một câu chuyện được tường thuật trong tờ San Antonio Light đã trở thành tin tức cả nước. Tiêu đề của nó là: “C. F. Parham, nhà truyền giáo đã bị bắt, người đã từng nổi tiếng trong buổi nhóm ở đây, đã bị bắt giam.”30 Câu chuyện ghi rằng Parham đã bị cáo buộc việc quan hệ qua đường hậu môn, một lời nói dối mang tội trọng dưới luật pháp Texas. Và ông đã bị bắt cùng với người được cho là bạn của mình, J. J. Jourdan, là người cùng với ông được cho rằng đã được thả ra sau khi trả một ngàn đô-la.
Ngay lập tức, Parham phản kháng lại với sự giận dữ. Ông đã thuê một luật sư tên C. A. Davis và công bố rằng ông đã bị “dàn cảnh một cách tinh vi” bởi kẻ thù lâu năm của ông là Wilbur Voliva. Parham chắc chắn rằng Voliva đã điên tiết với một Hội Thánh trong thành phố Zion mà Parham từng giảng. Trước đây, nó từng thuộc về Zion, nhưng đã ra khỏi Hội liên hiệp Zion và gia nhập Phong Trào Ngũ Tuần Đức Tin.
Parham cam kết rằng sẽ rửa sạch thanh danh của mình và tức giận không chịu ra khỏi thành phố đó. Nhưng bà Parham, khi đã biết về những tin đồn trong một lá thư ở Zion trước đây, đã rời khỏi Kansas để đến San Antonio. Vụ án chưa từng bị đem ra tòa và tên tuổi của Parham đã bị biến mất khỏi những tiêu đề của các tờ báo ngoài đời nhanh chóng như lúc nó xuất hiện. Không có bản cáo trạng chính thức nào từng được đệ trình, và đến bây giờ, cũng chẳng có sự ký thuật nào về vụ việc này tại Tòa án Thành phố Bexar.31
Nhưng các tờ báo tôn giáo không nhân từ với Parham như những tờ báo thế tục. Báo chí của họ dường như xác định nhiều tình tiết về “chuyện tình của ông”. Hai tờ báo đã tùy tiện nói về câu chuyện này là tờ Burning Bush và Zion Herald (tờ báo chính thức của Hội Thánh của Wilbur Voliva ở Zion). Hai tờ báo này đã trích dẫn từ báo San Antonio Light, cùng với một nhân chứng kiến những thái độ được cho là không đứng đắn của Parham, bao gồm một bản thú nhận viết tay. Nhưng khi được kiểm tra lại, người ta phát hiện rằng các bài báo được “trích dẫn” từ báo Herald và Bush chưa từng xuất hiện trong báo San Antonio. Vụ xì-căng-đan đó cũng chỉ được biết đến trong một số khu vực nào đó – mọi nguồn đều có thể được truy nguyên từ tờ Zion Herald. Nếu tin đồn đó lan khắp nước, nó sẽ lan nhanh như cây nho.31
Không chút nghi ngờ, dường như Voliva đang tận dụng xì-căng-đan đó, “dùng đủ mọi thủ đoạn”. Dù không ai có thể chỉ ra chính xác rằng Voliva là kẻ chủ mưu của những lời cáo buộc đó thì nhiều người vẫn biết rằng ông là người thường xuyên lan truyền lời đồn về việc vô luân chống lại các đối thủ của ông. Ngoài vụ việc Parham, Voliva đã nói nhiều lời công kích với những người cộng tác của ông tại Zion, ông gọi họ là “kẻ tà dâm” và “vô đạo đức”. Những người bạn của Parham đã cố gắng kiện với các cơ quan bưu chính Mỹ vì “lời phỉ báng phi pháp”, nhưng họ từ chối việc kiện tụng về vấn đề này.33
Bà Parham cảm thấy những kẻ thù của họ phải có đức tin lớn nơi niềm tin của Parham vì, nếu sự công kích kịch liệt này xảy ra cho một người bên ngoài, vụ kiện này chắc chắn sẽ được theo đến cùng. Nhưng Parham không bao giờ bàn luận vụ việc này ở nơi công cộng. Ông để vấn đề này tùy thuộc vào sự tự do quyết định của những người đi theo ông, tin rằng những ai trung tín sẽ không tin vào những lời cáo buộc đó.34 Vào sinh nhật lần thứ bốn mươi, Parham đã viết:
“Tôi nghĩ nỗi buồn lớn nhất trong đời tôi là suy nghĩ rằng những kẻ thù của tôi, trong lúc cố gắng hủy hoại tôi, đã làm tiêu tan và phá hoại vô số những linh hồn quý báu.”35
Nhưng nỗi buồn và sự tàn phá chẳng ảnh hưởng gì với những người chống lại chức vụ của Chúa. Khi Parham trở lại Zion để giảng chín năm sau đó, những người đi theo Voliva đã làm giả các áp phích và tờ rơi để cho thấy một sự xưng tội có đóng dấu về tội quan hệ qua hậu môn.36
SỐNG TRONG GIẤC MƠ ĐÃ CHỜ ĐỢI TỪ LÂU
Suốt những năm tháng sau vụ xì-căng-đan đó, Parham tiếp tục truyền giáo khắp đất nước. Nhiều người nói rằng những bài giảng của ông đều chỉ trích về các Cơ Đốc Nhân Ngũ Tuần, nhiều người khác nói rằng ông chưa thể hồi phục sau những lời cáo buộc của Voliva. Năm 1913, một đám đông gặp ông ở Wichita là những người có trang bị dùi cui và cây chĩa. Nhưng một người bạn đã giải cứu Parham bằng cách bí mật giấu ông trong một tuyến đường khác, và buổi nhóm vẫn tiếp tục như đã định. Hàng trăm người được kêu gọi phải ăn năn ở Witchita, và nhiều người được lành.
Dù bị tổn thương bởi những người ông nghĩ là bạn của mình, Parham vẫn chưa bao giờ rời khỏi những thành phố mà Chúa đã dẫn dắt ông. Thậm chí ông đã quay trở về Los Angeles và tổ chức một buổi nhóm lớn với nhiều ngàn người trở lại tin Chúa, được báp tem Thánh Linh, được chữa lành và giải cứu. Vào mùa đông năm 1924, Parham đã tổ chức nhiều buổi nhóm ở Oregon và Washington. Một trong những buổi nhóm đó đã khiến Gordon Lindsa tìm được sự cứu rỗi. Lindsa đã tiếp tục làm công việc lớn lao cho Chúa, thành lập trường Đại học Kinh Thánh Quốc Tế, Đấng Christ Cho Các Dân Tộc, tọa lạc ở Dallas, Texas.
Cuối cùng, vào năm 1927, ước mơ cả đời của Charles F. Parham đã thành hiện thực. Góp nhặt tiền từ bạn bè, Parham đã có thể viếng thăm Giê-ru-sa-lem. Chuyến đi đó là một sự vui mừng lớn cho Parham. Ông rất phấn khởi khi đi qua Ga-li-lê, Sa-ma-ri và Na-xa-rét. Ở đó, Parham đã gặp gỡ phân đoạn Kinh Thánh yêu thích nhất của ông, Thi thiên 23. Trong xứ Pa- lét-tin, thực tế về Người chăn và bầy chiên trở nên sống động với Parham, mang lại sự bình an và yên ủi. Khi ông trở lại Cảng New York vào tháng Tư năm 1928, ông đã mang về những hình ảnh về vùng đất mà ông yêu mến. Từ lúc đó trở đi, các buổi nhóm của Parham luôn bao gồm phần trình chiếu các hình ảnh này, là phần trình chiếu mà ông gọi là “Thi thiên thứ 23”.
“SỰ BÌNH AN,SỰ BÌNH AN GIỐNG NHƯ MỘT DÒNG SÔNG”
Vào tháng Tám năm 1928, Parham trở nên mệt mỏi và kiệt sức. Ông nói với những người bạn của mình rằng công việc của ông gần kết thúc. Ông đã viết cho một người bạn như sau:
“Những ngày này, tôi đang sống tại bờ vực của Vùng Đất Vinh Hiển và mọi thứ trở nên rất thực ở phía bên kia của bức màn đến nỗi tôi cảm thấy mình rất dễ bị cám dỗ để bước qua bên kia.”37
Sau khi trải qua mùa Giáng sinh năm 1929 cùng với gia đình, Parham có lịch giảng và trình chiếu các hình ảnh về Xứ Thánh ở Temple, Texas. Gia đình của ông lo lắng về chuyến đi vì sức khỏe của ông đã giảm nhiều nhưng Parham quyết định đi. Nhiều ngày sau, gia đình nhận được tin báo rằng Parham đã bất tỉnh trong một buổi nhóm lúc đang trình chiếu các hình ảnh về Xứ Thánh của ông. Người ta thuật lại rằng trong lúc đang nằm trên sàn nhà, Parham đã tỉnh lại và chỉ nói về việc muốn tiếp tục phần trình chiếu của mình.
Gia đình Parham đã đi đến Temple để xem tình trạng của ông. Khi đến nơi, một quyết định đã được đưa ra để hủy bỏ buổi nhóm và mang Charles về nhà ở Kansas bằng xe lửa. Vì quá yếu do bệnh tim nên ông không thể nói được, Parham đã chờ cho con trai của ông là Wilfred trở về từ chức vụ ở California. Trong lúc chờ con mình, Parham từ chối mọi thuốc men, nói rằng ông làm vậy “sẽ làm hỏng niềm tin của mình.” Ông chỉ xin sự cầu nguyện. Robert, con trai út của ông, đã bỏ việc ở thương xá để chạy về nhà thật nhanh và cầu nguyện tại nơi cha mình đang nằm. Sau nhiều ngày, cậu đến bên giường của Parham để nói với ông rằng cậu cũng đã “dâng đời mình cho sự kêu gọi của chức vụ”. Xúc động vì biết rằng hai người con của mình sẽ tiếp tục công tác của Phúc Âm, Parham lấy lại sức lực để nói:
“Ba không thể khoe về bất kỳ việc lành nào mình từng làm khi gặp Chúa của ba mặt đối mặt, nhưng ba có thể nói rằng ba đã trung tín với sứ điệp Ngài giao, và đã sống một cuộc đời tinh khiết, thanh sạch.”
Sarah đã nói rằng bà không bao giờ quên được gương mặt của người bà rất yêu dấu, nhận biết “một sự vui mừng và một vẻ mặt bình an thỏa nguyện rằng lời cầu nguyện nhiều năm của ông đã được nhậm.”38
Ngày cuối cùng trên đất của ông, Charles Fox Parham đã nghe câu nói: “Sự bình an, sự bình an giống như một dòng sông. Đó là điều tôi đã nghĩ cả ngày.” Suốt đêm đó, ông đã hát một phần của bài hát “Quyền trong huyết”, sau đó bảo gia đình mình hãy hát phần còn lại của bài hát đó cho ông. Khi họ hát xong, ông bảo họ “hãy hát lại lần nữa.”39
Ngày hôm sau, ngày 29 tháng Giêng năm 1929, ở tuổi năm mươi sáu, Charles F. Parham đã về với Chúa.
Tang lễ của ông có hơn hai ngàn năm trăm người đến dự, họ viếng mộ của ông trong lúc tuyết bắt đầu rơi. Một ca đoàn gồm năm mươi người ở trên sân khấu, cùng với một số các mục sư từ nhiều nơi của đất nước. Sự dâng hiến đổ vào từ khắp đất nước, giúp cho gia đình có thể mua được một tòa giảng bằng đá gra-nít để làm bia tưởng niệm. Trên bia tương niệm có khắc chữ “Giăng 15:14”, câu Kinh Thánh cuối cùng mà Parham đã đọc khi ông tổ chức buổi nhóm cuối cùng trên đất của mình: “Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hy sinh mạng sống mình.”
NGƯỜI TRUNG TÍN THẬT
Trước khi Charles Parham qua đời, chức vụ của ông đã giúp cho hơn hai triệu người tin Chúa, trực tiếp lẫn gián tiếp. Các đám đông của ông thường lên đến bảy ngàn người. Và dầu một số người đã nói nhiều thứ tiếng khác trước Topeka, Kansas, thì Parham là người tiên phong lẽ thật về các thứ tiếng như bằng chứng về việc báp tem Thánh Linh.
Cuộc đời của ông là ví dụ điển hình cho thực tế gay gắt về việc bắt bớ và xung đột luôn đi theo các nhà phấn hưng của Chúa. Dù nhiều người tìm cách hủy hoại ông, thì họ vẫn không thể chạm đến trụ cột sức lực đã được xây dựng bên trong tâm linh ông. Ông chưa bao giờ ra khỏi sự kêu gọi của mình vì cớ sự vu cáo chống lại ông. Và khi ông rời khỏi đất này, ông cũng làm như vậy vì ông muốn như thế. Dẫu một số người không chấp nhận chức vụ của Parham vì cớ sự hỗ trợ của ông cho Ku Klux Klan40, thì hầu hết mọi người vẫn nhớ Parham vì tình yêu thương hy sinh của ông, và phần lớn là vì sự trung tín của ông. Lời kêu gọi quan trọng của Chúa là chúng ta sẽ được nhìn thấy là trung tín với chương trình của Ngài. Và đối với Charles Fox Parham, ông không thể sống một chương trình nào khác ngoài chương trình Chúa đã dành cho ông. Sự trung tín luôn chịu được sự xung đột xảy đến để thách thức nó.
Chúa đã kêu gọi chúng ta trong một lãnh vực nào đó của sự phục vụ. Cho dù chúng ta đứng trước nhiều người hay trước một vài người trong gia đình mình, thì như Charles Parham, chúng ta cũng phải chứng minh sự trung tín của mình. Nhưng trong nhịp độ sống nhanh của chúng ta, một thế hệ “cảm thấy ổn”, sự trung tín dường như đã bị thỏa hiệp. Tuy nhiên, cho dù chúng ta nói về thế hệ nào đi nữa thì Lời Chúa vẫn y nguyên. I Cô- rinh-tô 4:2 nói rằng sự trung tín là một yêu cầu cho các tín hữu.
Việc tin nơi Lời Đức Chúa Trời và tin cậy Chúa làm thành lời hứa của Ngài đối với bạn bất kể những sự xung đột trong cuộc sống này sẽ sản sinh ra sự trung tín.
Thật tuyệt vời biết bao khi việc nghe Chúa phán rằng: “Tốt lắm, hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín của Ta!” thay vì Chúa chỉ nói: “Sao…?” sẽ thách thức bạn trong hôm nay để ý đến cuộc sống của mình, để tính cái giá phải trả, và xem xét bạn đang ở đâu trong lĩnh vực trung tín. Tôi thách thức bạn hãy biết điều bạn tin, điều bạn chống lại và rồi hãy đứng vững trên những điều tin quyết đó.
Hãy chứng tỏ “lưỡi dao” của lẽ thật này cho các dân tộc trên đất và đừng bao giờ để cho bản thân bị xem như là một phần của những người bắt bớ, những kẻ khinh khi hay ganh tỵ. Bất kể sự kêu gọi của bạn là gì, hãy luôn đứng về phía của Đức Chúa Trời. Hãy trung tín.
https://ebookcodoc.com/nhung-tuong-lanh-cua-duc-chua-troi/chuong-bon-charles-f-parham.html