Maria Woodworth Etter
NHỮNG TƯỚNG LÃNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Chương Hai: Maria Woodworth Etter
“Chúa đã ban cho tôi một sứ mạng đặc biệt nhằm dẫn đến một tinh thần hiệp một và yêu thương… Chúa đang dấy lên nhiều người trong mọi xứ sở, là những người đang khao khát Ngài nhiều hơn và nói rằng: ‘Xin hãy đến giúp chúng con. Chúng con muốn tinh thần yêu thương. Chúng con muốn các dấu kỳ và phép lạ.’” 1
Từ thời sách Công vụ, trong lịch sử Ngũ Tuần, chưa có người nào bày tỏ Đức Thánh Linh vĩ đại hơn Maria Woodworth-Etter. Bà là một người của khải tượng và năng lực thuộc linh lạ thường, là người trong lúc đối diện với sự chống đối dữ tợn, đã giơ bàn tay bé nhỏ của mình và để Đức Thánh Linh lan tỏa lửa của Ngài. Etter đã sống trong thế giới linh như một ống dẫn đầy năng quyền cho sự lãnh đạo thiên thượng và những sự bày tỏ siêu nhiên của Chúa. Etter là một người bạn trung tín của thiên đàng, chọn để đánh mất danh tiếng trên đất này để có được danh tiếng thuộc linh.
Maria sinh năm 1844 tại nông trại ở Lisbon, Ohio. Cô được tái sanh vào lúc khởi đầu của Cơn Thức Tỉnh Thứ Ba, năm mười ba tuổi. Vị diễn giả đã hướng dẫn cô đến với Chúa đã cầu nguyện rằng cuộc đời cô “có thể là một ánh sáng chiếu sáng ngời.”1 Nhưng ông đã không biết rằng cô bé mà ông vừa mới cầu nguyện sẽ trở thành bà tổ của Phong trào Ngũ Tuần sẽ lan rộng khắp thế giới.
Ngay lập tức, Maria biết được sự kêu gọi của Chúa và dâng hiến đời mình cho Ngài. Nói về sự kêu gọi của mình, về sau cô đã viết: “Tôi nghe tiếng Chúa Giê-xu kêu gọi tôi đi ra những con đường, dọc các bờ rào và tập hợp những con chiên lạc mất.”6 Nhưng một điều đã ngăn cô lại – cô là phụ nữ – vào thời đó, nữ giới không được phép giảng. Giữa thế kỷ 19, thậm chí nhiều phụ nữ cũng không được bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử quốc gia, vì thế việc trở thành một nữ diễn giả chắn chắn là điều không được tán thành. Và trở thành một người nữ độc thân trong chức vụ là điều vượt xa hơn thắc mắc đó nữa. Do đó, Maria suy nghĩ về những điều Chúa phán với mình, và quyết định rằng cô sẽ lập gia đình với một giáo sĩ để hoàn thành sự kêu gọi của mình. Vì thế, cô dự định tiếp tục việc học vấn, sau đó vào một trường đại học chínhquy để sửa soạn chính mình.
Nhưng bi kịch đã đánh vào gia đình gắn bó của cô. Cha của cô bị giết trong lúc đang làm việc ngoài đồng, ngay lập tức cô trở về nhà để giúp đỡ gia đình mình. Bây giờ, hy vọng của cô về việc học chính quy đã bị vỡ tan, thế nên cô đã ổn định với điều cô nghĩ là một đời sống Cơ Đốc bình thường.
“CÁC THIÊN SỨ VÀO TRONG PHÒNG CỦA TÔI…”
Trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, Maria đã gặp P. H. Woodworth, là người trở về nhà từ trận chiến sau khi bị chấn thương ở đầu. Cô đã có thời gian tìm hiểu nhanh chóng với chàng cựu chiến binh và không lâu sau đã kết hôn với anh. Họ làm việc đồng án, nhưng chẳng có điều gì kết quả từ sự khó nhọc của họ. Dường như mọi thứ đều thất bại.
Qua nhiều năm, Maria trở thành mẹ của sáu người con. Vì thế, cô cố gắng ổn định cuộc sống gia đình bình thường trong lúc Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi cô. Nhưng Maria, vì bực tức trong vai trò làm vợ và làm mẹ của mình, đã không thể vâng theo tiếng gọi đó. Cô đã kết hôn với một người không có lòng cho chức vụ, có sáu đứa con cần nuôi, và bản thân cô cũng ốm yếu. Sau đó, bi kịch thật sự đã đến trên gia đình họ. Gia đình Woodworth đã mất năm trong số sáu người con của họ vì bệnh tật. Maria đã có thể lấy lại bình tĩnh sau giai đoạn kinh khiếp này, nhưng chồng của cô không bao giờ được phục hồi từ sự mất mát đó. Cô đã cố hết sức để giúp anh ấy trong lúc nuôi nấng đứa con gái duy nhất còn sống. Qua tất cả những tình huống đó, cô không hề cay đắng với Chúa, cũng không để lòng mình chai cứng như là hậu quả của sự mất mát đó.
Nhưng Maria cần câu trả lời cho nỗi đau buồn dai dẳng đè nặng trên cô vì cớ tai họa giáng xuống gia đình. Từ chối bỏ cuộc, cô bắt đầu nghiên cứu Lời Chúa. Và khi đọc, cô thấy nhiều người nữ được Chúa dùng một cách lặp lại xuyên suốt Kinh Thánh. Cô đọc lời tiên tri của Giô-ên nói về việc Thánh Linh Đức Chúa Trời sẽ tuôn đổ trên những người nam VÀ người nữ. Nhưng Maria nhìn lên trời và nói: “Chúa ơi, con không thể giảng. Con không biết nói gì và con không được học gì cả.” Dẫu vậy, cô vẫn đọc và tìm thấy lẽ thật trong Lời Chúa trong lúc tranh chiến với sự kêu gọi của mình. Về sau, cô đã viết: “Tôi càng tra cứu nhiều bao nhiêu thì tôi càng nhận thấy mình lên án bản thân nhiều bấy nhiêu.”4
Và Maria đã có một khải tượng lớn lao. Các thiên sứ đến phòng của cô. Họ dẫn cô đi sang phía Tây, băng qua những đồng cỏ, hồ nước, nhiều khu rừng và sông suối, nơi cô nhìn thấy một cánh đồng lúa chín vàng dài rộng. Khi quang cảnh trải ra trước mắt, cô bắt đầu giảng và nhìn thấy những cây lúa ngã xuống thành các bó lúa. Sau đó, Chúa Giê-xu nói với cô rằng ‘như những cây lúa đã ngã xuống, thì nhiều người cũng sẽ như vậy’ khi cô giảng.5 Cuối cùng, Maria nhận ra rằng mình sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc cho đến khi đầu phục sự kêu gọi. Trong việc đáp ứng với khải tượng lớn lao đến từ Chúa, cô đã khiêm cung nói “vâng” với sự kêu gọi của Chúa trên cuộc đời mình và xin Chúa xức dầu cho cô với quyền năng lớn lao.
“NGƯỜI PHỤ NỮ” KHÔNG NÓI CHỮ “YẾU ĐUỐI”
Nhiều người nữ đang đọc sách này được Chúa kêu gọi rao giảng. Bạn có khải tượng và sự xức dầu từ Thánh Linh Đức Chúa Trời để đi ra và giải phóng nhiều người được tự do. Chúa đã phán với bạn trong lãnh vực của sự chữa lành thiên thượng, giải cứu, và sự tự do của Thánh Linh. Vì vậy, đừng bao giờ để linh tôn giáo làm im lặng điều Chúa đã phán với bạn. Tôn giáo thích ngăn chặn phụ nữ và chức vụ của họ, đặc biệt những người nữ trẻ tuổi. Bạn cần học biết vâng lời Chúa mà không thắc mắc. Nếu Maria đáp ứng lúc còn trẻ, có lẽ các con của cô đã không phải chết. Tôi không có ý nói rằng Chúa đã giết chúng. Nhưng tôi đang nói rằng khi chúng ta không vâng lời Chúa, những hành động của chúng ta mở cửa cho những công việc của ma quỷ. Công việc của nó là hủy diệt. Công việc của Chúa là mang đến sự sống. Vì vậy, hãy học cách vâng lời Chúa với sự dạn dĩ. Dạn dĩ mang lại quyền năng Đức Chúa Trời và khiến những kẻ tố cáo bạn không thể nói nên lời trước mặt bạn. Vì vậy, hãy tìm một số người nữ mạnh mẽ có những chức vụ vững vàng để bạn có thể học hỏi từ họ. Và hãy để những lời của người chị Etter khuấy động lòng bạn:
“Thưa chị em yêu quý của tôi trong Đấng Christ, khi bạn nghe những lời này, có thể Thần của Đấng Christ ngự trên bạn, khiến bạn sẵn lòng làm công việc mà Chúa đã bổ nhiệm bạn. Đây là thời điểm cao quý cho những người nữ chiếu ra sự sáng của họ; để thể hiện các ta-lâng đã bị che giấu đến mai một; hãy dùng chúng cho sự vinh hiển của Chúa, và hãy làm những việc tay họ có thể làm với sức mạnh của mình, tin cậy Chúa về năng lực, là Đấng đã nói: ‘Ta sẽ không bao giờ lìa con.’ Chúng ta đừng biện minh cho sự yếu đuối; Chúa sẽ sử dụng những điều yếu đuối của thế giới này để khiến người khôn ngoan xấu hổ. Chúng ta là con trai và con gái của Đức Chúa Trời Chí Cao. Chẳng lẽ chúng ta không tôn trọng sự kêu gọi cao quý của mình và làm hết sức để cứu những người người đang ở trong trũng bóng chết sao? Chẳng lẽ Chúa không sai Môi-se, A-rôn – Mi-ri-am làm người lãnh đạo của bạn sao? Ba-rắc đã không dám đương đầu với kẻ thù cho đến khi Đê-bô-ra dẫn đầu quân tiên phong. Chúa đã dấy nhiều người nam, người nữ, và trẻ em mà Ngài chọn lựa – An-ne, Hulda, Am-li-a, Phê-bê, Nạt-xít, Try-phe-nơ, Try-phô-sơ, Pẹt-si-đơ, Giu-li-a, những người nhà của Ma-ri và các chị em đồng làm việc với Phao-lô. Chẳng lẽ việc trở thành người nữ làm việc trong Vương quốc và vườn nho của Đấng Christ trong thời hiện tại lại ít hơn thời xưa sao?6
Hãy tìm kiếm Thánh Linh Đức Chúa Trời cho chính mình. Nếu bạn được kêu gọi, bạn sẽ phải trả lời cho điều đó. Hãy vâng lời Chúa không chút thắc mắc. Chúa sẽ lo liệu phần tiểu tiết.
HỌ KHÓC KHẮP NHÀ
Ban đầu, Maria bắt đầu chức vụ trong cộng đồng của mình. Cô không biết mình sẽ nói gì, nhưng Chúa bảo cô hãy đi ra và Ngài sẽ đặt lời nói trong miệng cô. Và Chúa đã làm thành Lời Ngài. Khi Maria đứng trước đám đông lần đầu tiên, hầu hết là những người bà con, cô đã mở miệng nói, và đám đông bắt đầu khóc và ngã xuống sàn nhà. Một số người đứng dậy và trào nước mắt. Sau đó, Maria được những người trong khắp cộng đồng của cô sốt sắng tìm kiếm. Nhiều Hội Thánh mời cô đến và phấn hưng hội chúng của họ. Không lâu sau, cô mở rộng chức vụ của mình sang phía Tây và đã tổ chức chín buổi phấn hưng, giảng hai trăm bài giảng, và mở hai Hội Thánh với số thành viên trường Chúa Nhật hơn trăm người. Chúa đã tôn quý Maria và đền bù cho những năm tháng mất mát của cô trong một thời gian ngắn.
Một buổi nhóm nọ được tổ chức ở thị trấn có tên Devils Den. Chưa từng có mục sư nào thành công ở đó, và nhiều người đã đến chế nhạo cô. Họ đang trông chờ để xem người nữ truyền giảng này sẽ nhanh chóng thua trận và tan tành chạy ra khỏi thị trấn đó ra sao. Nhưng họ nhận được sự ngạc nhiên trong đời mình! Etter có thể từng là một người nữ, nhưng cô không phải là người có thể dễ bị khinh suất. Cô biết chìa khóa của chiến trận thuộc linh, và sự cầu nguyện dốc đổ mở cửa thiên đàng.
Trong ba ngày, Maria đã giảng và hát. Không ai cảm động. Cuối cùng, vào ngày thứ tư, cô vận dụng uy quyền thuộc linh của mình qua sự cầu thay và phá hủy sự thống trị của ma quỷ đang chế ngự trên Devils Den. Cô đã cầu nguyện xin Chúa bày tỏ quyền năng vĩ đại của Ngài để phá vỡ nghi lễ cứng ngắc của con người. Đêm đó, nhiều người trong buổi nhóm đã khóc và ăn năn với Chúa. Đó là sự bày tỏ tuyệt vời nhất về sự hiện diện của Chúa mà thị trấn đó từng chứng kiến.
THẾ LỰC HỦY PHÁ
Chúng ta không được kêu gọi để bỏ cuộc. Chúng ta được kêu gọi để vâng lời Chúa bằng bất cứ giá nào và hãy để sự thành công trả lời cho những người chỉ trích chúng ta. Nếu dường như bạn đã đi đến chỗ khó khăn trong đời sống hay chức vụ của mình thì đừng rên rĩ hay phàn nàn. Đừng đưa ra những lý do để làm điều đó. Hãy cầu nguyện! Những lời giải thích và biện hộ cướp đi sức lực và quyền năng của chúng ta. Đừng lắc đầu và bỏ chạy. Hãy dùng thẩm quyền mà bạn được Chúa Giê-xu ban cho và đánh đổ các thế lực ma quỷ đang khiến nhiều người bị mù lòa. Qua sự cầu nguyện, hãy dùng thẩm quyền của mình và tạo ra một con đường rõ ràng cho Thánh Linh Đức Chúa Trời viếng thăm tấm lòng của họ. Etter đã sửa soạn tâm linh mình qua sự cầu nguyện sản sinh ra năng lực bất bại. Cô được nhiều người biết đến như một nhà phấn hưng có thể làm cho các thị trấn mở ra.
HỌ ĐÃ ĐẾN KÊU THÉT XIN SỰ THƯƠNG XÓT
Etter tiên phong con đường cho sự bày tỏ của Phong Trào Ngũ Tuần đã trở nên rất phổ biến trong phong trào hiện nay. Mãi đến khi cô giảng tại một Hội Thánh đã đánh mất quyền năng của Chúa ở phía Tây Ohio thì ý nghĩa về khải tượng những bó lúa mới trở nên rõ ràng.8 Chính tại Hội Thánh đó, mọi người đã ngã xuống trong tình trạng “xuất thần”. Đó là một sự bày tỏ thuộc linh đánh dấu rất rõ cho chức vụ của cô, nhưng mang lại sự bắt bớ dữ dội.7
Cho đến thời điểm này, sự bày tỏ này vẫn chưa được biết đến trong Hội Thánh theo như cách nó được biết đến trong thời nay. Trong sự ký thuật của mình, cô đã viết: “Mười lăm người bước lên phía trước kêu thét xin sự thương xót. Nhiều người nam và người nữ ngã xuống và nằm bất động như chết. Tôi chưa từng thấy điều nào giống như thế này. Tôi cảm nhận đó là công việc của Chúa, nhưng không biết giải thích như thế nào hay phải nói gì.”9
Sau khi nằm trên sàn một khoảng thời gian, những người này nhảy lên với khuôn mặt bừng sáng trong lúc họ đang cất tiếng ngợi khen Chúa.
Etter nói rằng cô chưa bao giờ nhìn thấy sự biến đổi nào tươi sáng đến thế.
Nhiều mục sư và các trưởng lão khóc và ngợi khen Chúa vì “Quyền năng Ngũ Tuần” của Ngài. Và từ buổi nhóm đó trở đi, chức vụ của Etter đã được đánh dấu bởi sự thể hiện rõ ràng này luôn luôn theo sau sự rao giảng của cô cộng với hàng trăm người tin nhận Chúa.
BÀN LUẬN VỀ “SỰ XUẤT THẦN”
Sự xuất thần trở thành đề tài nói chuyện của thời đó. Hàng trăm người kéo đến để nếm trải sự tuôn đổ này, trong khi những kẻ khác đến để quan sát hay giễu cợt. Trong một buổi nhóm nọ, mười lăm bác sĩ đến từ nhiều thành phố khác nhau để điều tra về tình trạng xuất thần này. Một trong số các bác sĩ đó là một người lãnh đạo tầm cỡ thế giới trong chuyên môn của mình. Etter đã viết về điều này như sau:
“Ông ấy không muốn thừa nhận quyền năng đó là của Chúa. Ông ấy sẽ vui nếu họ chứng minh được rằng đó là một điều gì khác. Ông ấy đến để điều tra… nhưng được mời sang một khu vực khác của căn nhà. Ông ta đi đến, mong đợi tìm được một điều gì đó mới. Điều khiến ông ngạc nhiên là ông thấy con trai của mình ở phía trước và muốn cha cầu nguyện cho mình. Ông không thể cầu nguyện. Chúa bày tỏ cho ông thấy ông là người như thế nào và ông đang làm gì.8
Trên đường đi
Ông bắt đầu cầu nguyện cho chính mình. Trong khi cầu nguyện, ông ngã xuống trong tình trạng xuất thần, và nhìn thấy những sự kinh khiếp của địa ngục. Ông đang rơi xuống. Sau một trận tranh chiến khủng khiếp, Chúa đã cứu ông. Ông đi ra để chinh phục nhiều linh hồn cho Đấng Christ.”10
Etter cũng viết về một bữa tiệc mà nhiều phụ nữ trẻ tham dự, và họ nghĩ họ sẽ vui vẻ và diễn xuất việc xuất thần. Nhưng ngay lập tức họ bị quyền năng của Chúa bắt lấy, và sự chế nhạo của họ trở thành tiếng kêu khóc lớn tiếng xin Chúa thương xót.11
Một lần nọ, một ông cụ từng đi khắp thế giới đang đến thăm một nơi mà Maria đang phục vụ. Ông là một người sùng đạo, vì vậy, ông quyết định tham dự một trong những buổi nhóm của cô vì tò mò. Khi ông chứng kiến buổi nhóm, ông đã nói vài lời nhận xét bông đùa với bạn bè liên quan đến sự bày tỏ về quyền năng. Lòng đầy kiêu ngạo, ông cụ đó đã dạn dĩ tiến đến phía trước để kiểm tra. Nhưng trước khi ông đến chỗ bục giảng, ông đã bị “đánh xuống sàn bởi quyền năng Chúa” và nằm ở đó hơn hai giờ đồng hồ. Trong lúc ở trong tình trạng đó, Chúa cho ông nhìn thấy khải tượng về thiên đàng và địa ngục. Nhận biết điều mình phải chọn, ngay lập tức ông chọn Chúa và được tái sanh. Sau đó ông lên phía trước, ngợi khen Chúa.
Điều duy nhất mà người này có thể nói một khi ra khỏi tình trạng xuất thần là ông hối hận vì đã đánh mất sáu mươi năm trong tôn giáo mà chưa từng nhận biết Chúa Giê-xu cách cá nhân.12 Dẫu vậy, nhiều bài báo và các mục sư vô tín đã cảnh cáo mọi người tránh xa những buổi nhóm9 đó. Họ nói rằng các buổi nhóm đó “sẽ khiến một người bị mất trí.” Tuy nhiên, hàng ngàn người được cứu, nhiều người “bị đánh gục, nằm xuống như chết” thậm chí ngay trên đường họ trở về nhà. Có sự thuật lại rằng nhiều người cũng ngã xuống dưới quyền năng của Chúa trong nhà của họ, cách xa nơi nhóm nhiều dặm.
“Xuất thần” là gì? Đó là một trong bốn cách mà Chúa bày tỏ trong một khải tượng. Dạng thứ nhất của khải tượng là “khải tượng bên trong”. Bức tranh bạn nhìn thấy trong con người bề trong, hoặc con người thuộc linh của mình, sẽ ích lợi cho bạn rất nhiều nếu bạn để ý nó. Thứ hai, là “khải tượng mở”. Khải tượng này đến trong khi mắt bại đang mở. Nó giống như xem một màn hình điện ảnh mở ra trước mắt bạn khi nó chiếu một cảnh tượng mà Chúa muốn chỉ cho bạn thấy. Thứ ba, là khải tượng ban đêm. Đây là lúc Chúa ban cho bạn một giấc mơ để khiến bạn nhận thức về một điều nào đó. Dạng khải tượng cuối cùng là “khải tượng xuất thần”. Trong khải tượng này, những khả năng tự nhiên bị đóng băng để Chúa có thể làm những điều cần thiết. Khi nhiều người đứng dậy từ một khải tượng xuất thần trong các buổi nhóm của Etter, họ đều kể lại việc nhìn thấy thiên đàng và địa ngục.
Nếu nói giảm, phong cách của Etter “rất khác” với các mục sư trong thời của cô. Cô không bao giờ cấm khán giả không được tham dự. Không giống như luật của Hội Thánh khắc kỷ vào cuối những năm 1800, Maria tin vào việc la hét, nhảy múa, hát và giảng. Cô tin rằng những biểu hiện cảm xúc là điều quan trọng, miễn là chúng ở trong trật tự. Và cô cho rằng thiếu sự biểu hiện bên ngoài là dấu hiệu của bội đạo.
ĐIÊN CUỒNG HAY LÀM TRỌN?
Tôi tin rằng Chúa thất vọng với một số Hội Thánh thời nay vì họ không cho phép dân sự cởi mở và tự do bày tỏ chính mình với Chúa. Nếu dân sự không thể bày tỏ chính mình với Chúa thì Chúa không thể tác động trên họ. Một số người e ngại cảm xúc trong Hội Thánh.
Họ không gặp vấn đề gì với cảm xúc khi ở nhà hay ở trong một sự kiện thể thao. Nhưng với một số lý do tôn giáo, họ nghĩ Hội Thánh cần10 phải im lặng và thanh tịnh. Nhưng để tôi nói với bạn một điều, thiên đàng không yên lặng và thanh tịnh! Một số người ở trong sự thức tỉnh đột ngột khi họ chết và lên thiên đàng. Họ sẽ phải học cách vui mừng cùng với những người còn lại trong chúng ta – vì cớ thiên đàng đầy sự sống và năng lượng! Chúng ta có nhiều điều để la lớn tiếng – cả ở đây và ở trên đó nữa!
Nhiều Hội Thánh của chúng ta phải có sự vận hành tươi mới của Chúa. Và dù thích hay không thì sự vận hành của Chúa luôn tác động đến phần cảm xúc. “Ồ, Roberts ơi, tôi chỉ không tin là Chúa ở trong những điều như la hét và nhảy múa.” La hét và nhảy múa không phải là Chúa. Nó chỉ đơn giản là sự đáp ứng tự nhiên với quyền năng của Ngài. Nghe này, bạn có bao giờ đút ngón tay vào một ổ điện mà vẫn bình thường không? Khi chúng ta chạm đến Chúa thì còn nhiều hơn thế nữa! Khi Chúa chạm đến bạn, bạn sẽ phản ứng! Nếu bạn nói: “À, thế còn những hành động thái quá thì sao?” Tôi nói: “Vì sao chúng ta quá quan tâm đến cái mương trong khi chúng ta cần phải nhìn đường chứ?”
Hãy tập chú vào điều đúng và điều sai sẽ mờ dần. Khi quyền năng của Chúa đến trên bạn, bạn sẽ vui hưởng điều đó! Và khi bạn vui hưởng điều gì đó, bạn sẽ bày tỏ ra. Vì vậy, hãy học biết lẽ thật về điều Chúa yêu mến trong những người thờ phượng Ngài, sau đó hãy làm theo.
Bây giờ, bạn nói: “Ừ thì mọi người sẽ nói về chúng ta.” Tôi nói: “Thế thì sao?” Sự thật sống lâu hơn lời nói dối. Điều mà người ta không hiểu thì họ sẽ bắt bớ. Họ nói dối về Chúa Giê-xu, nhưng ngày nay Chúa vẫn sống. Khi những người đó kinh nghiệm sự đụng chạm thật của Chúa thì họ sẽ thay đổi tâm trí mình.
“Thế nếu chúng ta mất tiền thì sao?” Ồ, tiền là chúa của bạn ư? Hãy để tôi nhắc bạn rằng sự lưu hành tiền tệ không thể cứu được linh hồn. Thánh Linh của Đức Chúa Trời là Đấng kéo con người đến với Chúa Giê-xu. Bằng việc vâng theo Thánh Linh, chúng ta tôn cao Chúa Giê-xu. Không có tiền hối lộ hay con đường tắt. Nếu bạn là người lãnh đạo Hội Thánh, Chúa truyền lệnh cho bạn vâng lời Đức Thánh Linh và học biết đường lối Ngài. Kinh Thánh nói rằng chính những người được Thánh Linh dẫn dắt là con của Chúa (Rô-ma 8:14). Vì vậy, hãy để Ngài dẫn dắt!
Nếu bạn được Thánh Linh dẫn dắt, các khải tượng sẽ gia tăng trong Hội Thánh. Bạn phải trưởng thành thuộc linh để xử lý với bất kỳ vấn đề hay tà linh nào. Các tôn giáo Thời Đại Mới đã đào sâu vào thế giới linh sai trật đến nỗi họ đã khiến Hội Thánh e ngại theo đuổi những sự bày tỏ11 thật của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Thế giới linh bao gồm thế giới của Chúa và thế giới của ma quỷ, và nếu Đức Thánh Linh không phải là Đấng Hướng Dẫn khi bạn bước vào thì bạn sẽ chịu sự hướng dẫn của ma quỷ. Nhưng những người theo Thời Đại Mới không bước vào thế giới linh với Chúa Giê-xu. Họ đi theo ý mình. Và đây là một chỗ mà họ bị lừa dối. Chúng ta chẳng là gì nếu không có dòng huyết của Chúa Giê-xu. Một số người sợ rằng nếu họ theo đuổi Chúa một cách siêu nhiên, họ sẽ bị kết tội là đang dự phần với Thời Đại Mới. Nếu bạn đi theo Thánh Linh Đức Chúa Trời, Ngài sẽ gìn giữ bạn.
Vì vậy, hãy mở cửa Hội Thánh cho sự vận hành của Chúa, và học biết từ những người đã đi trước bạn. Nơi nào có Thánh Linh Đức Chúa Trời, nơi đó có sự tự do, và dĩ nhiên, có trật tự. Nhưng tôi không đang nói về những kềm chế sợ hãi của sự kiểm soát hay sự cấm đoán của hệ phái. Nhiều người đang đói khát để gặp Chúa và được tự do. Một số người đã đi xuyên lục địa để nghe một ai đó thật sự biết Chúa và những sự bày tỏ của Thánh Linh Ngài.
“BÀ KHIẾN HỌ CHOÁNG VÁNG”
Vào thời điểm Etter bốn mươi tuổi, bà trở thành một hiện tượng của quốc gia. Nhiều hệ phái nhận ra khả năng khuấy động các Hội Thánh chết, thêm vào những người chưa cải đạo, và cổ vũ cho việc bước đi với Chúa sâu nhiệm hơn. Nhiều bác sĩ, luật sư, người nghiện rượu, và những người ngoại tình – những người từ mọi tầng lớp xã hội – đều được cứu hết sức tuyệt vời và được đầy dẫy Đức Thánh Linh trong những buổi nhóm của bà. Vì cớ một trong những buổi nhóm của bà vào năm 1885, cảnh sát nói rằng họ chưa từng nhìn thấy sự thay đổi giống như thế trong thành phố của mình. Thành phố đã được dọn sạch sẽ đến nỗi họ chẳng còn việc gì để làm!13
Một phóng viên báo chí đã viết về Etter:
“Bà đi ra nhanh như móng vuốt giải quyết con mồi của mình. Bằng quyền năng siêu nhiên, bà đánh họ choáng váng khi chúng không mong chờ điều đó, và trong lúc họ đang nằm đó, bà áp đặt một sức ép thủy lực và máy bơm ân điển của Chúa vào những người đó bằng cỡ một xô.”14
Cuối cùng, Chúa đã hướng dẫn Maria bắt đầu cầu nguyện cho những người bệnh. Ban đầu, bà do dự, cảm thấy điều đó khiến bà ra khỏi sự kêu gọi truyền giảng của mình. Nhưng Chúa tiếp tục làm rõ ý của Ngài và bà đã đồng ý. Bà nghiên cứu Lời Chúa và bắt đầu giảng về ý muốn của Chúa trong sự chữa lành. Không lâu sau, việc truyền giảng và chữa lành đã đi song song với nhau khi hàng ngàn người được chinh phục về cho Đấng Christ như là kết quả khi nhìn thấy nhiều người khác được lành.
Maria đã giảng rằng sự bày tỏ mạnh mẽ của Đức Thánh Linh “không phải là điều mới; đó chỉ là điều mà Hội Thánh đã đánh mất.”15 Và bà từ chối để không bị cuốn vào những tín lý ưa thích của thời đó, nhưng chỉ mong muốn Đức Thánh Linh làm công việc của Ngài.
Một lần trong buổi nhóm nọ, đám đông chạy lên bục giảng và la lớn: “Chúng tôi phải làm gì?” Maria kể tiếp câu chuyện:
“Họ bị đánh ngã bởi cơn gió mạnh của Đức Thánh Linh. Ngài ở trên con cái Chúa cho đến khi mặt họ chiếu sáng như mặt của Ê-tiên khi các kẻ thù ông nói rằng ông trông như một thiên sứ. Nhiều người nhận được ân tứ; một số cho chức vụ, một số là nhà truyền giáo, một số là sự chữa lành, và hàng trăm tội nhân nhận được món quà sự sống đời đời.”16
Trong một buổi nhóm khác, hơn hai mươi lăm ngàn người tụ họp lại để nghe Etter. Và hãy nhớ, trong thời đó, không có hệ thống phát ngôn công cộng! Maria đã viết rằng thậm chí trước khi bà kết thúc bài giảng, quyền năng của Chúa đã tuôn đổ trên đám đông và tác động trên họ khi khoảng năm trăm người ngã xuống.17
Hội Thánh ở Indiana do Etter xây dựng, được biết đến như là Lều Tạm Etter
Thành phố Sioux, Iowa
Nhà truyền giảng Bà M. B, Woodworth‐Etter. Trong những năm cuối cùng của chức vụ, Etter luôn mặc áo trắng khi thi hành chức vụ.
Etter qua đời
MIỀN TÂY HOANG DÃ
Dĩ nhiên, cuộc đời của Etter được đánh dấu bởi cơn bắt bớ lớn. Có nhiều nan đề trong mọi ngõ ngách, chưa kể những áp lực đến từ việc dẫn dắt một đám đông người như thế kinh nghiệm sự bày tỏ của Đức Thánh Linh lần đầu tiên trong đời. Bên cạnh những điều này, bà là một người phụ nữ phục vụ Chúa kết hôn với một người đàn ông không chung thủy.
Trong lúc đang thi hành chức vụ trong một chiến dịch truyền giảng gay tranh cãi ở Oakland, California, sự bội tín của P. H. Woodworth đã bị lộ. Etter ở một nơi khác, quyết định rời khỏi ông. Cuối cùng, sau hai mươi sáu năm hôn nhân đầy sóng gió, vào tháng Giêng năm 1891, họ đã ly dị. Sau đó, chưa đến một năm rưỡi sau, P. H. Woodworth đã tái hôn và công khai phỉ báng chức vụ và tính cách của Maria. Không lâu sau, ông qua đời vào ngày 21 tháng Sáu năm 1892 vì bệnh thương hàn.
Bất kể mối quan hệ đầy sóng gió với người đàn ông này, Maria trích thời gian từ lịch trình chức vụ của mình để đến viếng tang ông. Người ta thuật lại rằng không những bà tham dự tang lễ nhưng cũng có mặt trong lễ truy điệu.
Những thử thách lớn nhất của Etter đến khi ở phía Tây. Bà tin rằng phía Tây có thể được chinh phục về cho Chúa, giống như nó đã xảy ra ở vùng Midwest. Vì vậy, vào năm 1889, bà đã đến Oakland và mua một cái rạp tám ngàn chỗ ngồi. Và không lâu sau, cái rạp đó đầy những người đến để xem sự xuất thần, nghe về những khải tượng, và chứng kiến tất cả những sự bày tỏ khác của Đức Thánh Linh.
Nhưng sự bắt bớ lớn cũng đến trên Maria từ bọn thổ phỉ ở bờ biển phía Tây, hoặc ngày nay chúng ta gọi họ là những tay anh chị, khi họ bắt đầu quấy rầy các buổi nhóm của bà. Nhiều lần những người này giấu chất nổ trong các lò sưởi – và thật kỳ lạ – không ai bị thương cả. Một lần khác, một cơn bão thậm chí xé toạc tấm bạt của rạp trong giờ nhóm. Nhiều lời hăm dọa về cái chết được gửi đến bà mỗi tuần, nhiều tờ báo vu khống bà không ngừng, và nhiều mục sư chia rẽ chống lại bà. Những người ranh mãnh đã mang các bệnh nhân tâm thần đến quấy phá buổi nhóm, biết rằng họ sẽ gây ra một cảnh tượng rất xúc động. Họ làm điều này nhiều lần đến nỗi nhiều người ngây thơ nghĩ rằng chính do buổi nhóm của Maria đã khiến những người đó bị mất trí! Và vì nhiều người hiểu lầm thần học của bà, hằng ngày người dân gọi điện cho chính quyền đến để dẹp các buổi nhóm của bà. Dẫu vậy, Maria vẫn không rời khỏi Oakland cho đến khi bà cảm nhận Chúa đã hoàn tất.
Khi dường như những tay anh chị bắt đầu trội hơn trong giờ nhóm, Bộ cảnh sát Oakland đã thay mặt cho “những kẻ nói dối” để bảo vệ buổi nhóm. Nhưng điều này vượt khỏi tầm tay vì những kẻ nói dối thiếu kinh nghiệm về tính cách và phán đoán theo kinh nghiệm.
Sau đó, có một lời tiên tri16dữ dội đến từ Maria nói rằng thảm họa sẽ đánh vào bờ biển và phá hủy. Sau khi bà nói điều đó, nhiều bài báo hăm dọa Etter và khiến bà trở thành tội phạm. Họ trích dẫn sai và thổi phồng lời tiên tri đó đến một mức độ mà nó không còn chính xác như điều thật sự được nói ra. Sau đó, như có thể dự đoán, nhiều người nam và nữ khác vận hành trong sự giả mạo ân tứ đã nhảy vào phong trào tiên tri đó. Bị ma quỷ lừa dối, những người này đã nói tiên tri rằng sẽ có nhiều sự hủy diệt và ảm đạm cho Bờ Tây, gây ra sự tranh cãi rất lớn.
Etter đã có một số lượng lớn của các mục sư nổi bật bênh vực lẫn chống lại bà. Một người trong số đó là John Alexander Dowie. Trong lúc bà ở Bờ Tây, ông đã tham gia với những người chỉ trích bà và công khai nguyền rủa “việc truyền giáo xuất thần” của bà và gọi đó là hoang tưởng.18 Không có mục sư nào ngoài Etter sánh được với chức vụ của ông trong lãnh vực chữa lành và sự nổi tiếng, vì vậy ông thường đề cập đến bà khi nói về những người sỉ vả. Etter chỉ có một lần công khai bào chữa cho chính mình chống lại Dowie. Bà đã nói những lời này:
“Sau khi ở trong buổi nhóm của chúng tôi trước hàng ngàn người, ông ấy chưa bao giờ nhìn thấy quyền năng của Đức Chúa Trời giống như thế, và sự bày tỏ thật quá rõ ràng, sau khi khuyên tất cả những dân sự của mình đứng bên cạnh tôi, ông ấy đã đi dọc theo bờ biển giảng chống lại tôi và các buổi nhóm, cho đến khi ông ấy chấm dứt nhiệm vụ của mình. Sự chống đối duy nhất của ông ấy là một số người đã bị ngã xuống bởi quyền năng của Chúa trong các buổi nhóm của chúng tôi.
Ông ấy giảng chống lại tôi hai hay ba lần ở San Francisco, và nói tôi theo Sa- tan. Nhiều người đi đến nghe ông nói… nhưng lời nói của ông ấy khiến nhiều người cảm thấy ghê tởm và bỏ đi trong khi ông còn đang nói. Tôi nói với họ rằng tôi từng là bạn của ông ấy và đã cư xử với ông như một người anh em, và không phải ông ấy đang đấu tranh với tôi mà là với Chúa và Lời của Ngài. Tôi luôn luôn nói với họ rằng tôi sẽ giao phó ông ấy lại trong tay Chúa và tôi sẽ tiếp tục bước đi đúng đắn với Đức Chúa Trời của tôi.
Tôi bảo họ hãy cứ chờ mà xem cách chúng tôi sẽ ra sao, và họ sẽ thấy rằng ông ấy đã đến chỗ bị mất ơn, và tôi vẫn sẽ sống trong lúc ông ấy đã chết.”19
Bà Etter sống thọ hơn John Alexander Dowie mười bảy năm.
Cũng có thể nói rằng Etter đã phạm vài sai lầm trong chiến dịch truyền giảng ở Oakland. Và không có gì ngạc nhiên với mọi sự tấn công nhằm chống lại bà. Tuy nhiên, cần nhớ rằng năm 1906, San Francisco đã trải qua một cơn động đất lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, và lời tiên tri của Etter vào năm 1890 đã ứng nghiệm.
Etter cũng có nhiều người bạn tốt trong lúc ở đó, một trong số họ là Carrie Judd Montgomery. Montgomery đã đến từ Bờ Đông để tổ chức các buổi nhóm ở California. Hai người gặp nhau và phát triển tình bạn lâu dài. Carrie cùng với chồng bà, George, là công cụ trong Phong trào Ngũ Tuần và đã thành lập Nhà Bình An ở Oakland. Hai vợ chồng bà vẫn là những người ủng hộ vững chắc cho Etter trong suốt chức vụ của họ.
“MÓN QUÀ CHÚA BAN”
Trong giai đoạn này của cuộc đời Etter, cũng có một số sự nổi bật thú vị. Bên cạnh những tình bạn bà có, Chúa không muốn bà mang chiếc áo choàng chức vụ một mình. Khoảng một thời gian sau mười năm ly dị, Maria gặp được một người đàn ông tuyệt vời từ Hot Springs, Arkansas, tên là Samuel Etter. Chúa đã ban tặng một người bạn đời hoàn hảo cho bà. Cả hai đã kết hôn vào năm 1902. Etter rất tôn trọng quý ông này và thường gọi ông là “món quà Chúa ban”. Về sau, bà đã viết về ông:
“Anh ấy đã ngoan cường đứng với tôi trong trận chiến kịch liệt nhất, và từ ngày chúng tôi kết hôn trở đi, chúng tôi chưa bao giờ chùn bước. Anh ấy luôn bênh vực Lời Chúa và mọi ân tứ, và sự vận hành của Đức Thánh Linh, nhưng lại không muốn bất kỳ sự cuồng tín hay ngu ngốc nào. Chẳng có gì khác biệt với điều tôi bảo anh ấy làm. Anh ấy cầu nguyện, giảng, hát và rất được ơn trong lúc kêu gọi. Chúa biết điều tôi cần, và điều này do Chúa mang đến, qua tình yêu thương và sự chăm sóc Ngài dành cho tôi và cho công tác này.”20
Ba năm sau khi kết hôn với Samuel Etter, Maria biến mất khỏi chức vụ công khai và ở yên lặng trong bảy năm kế tiếp. Không có lý do nào giải thích cho sự yên lặng kéo dài đó. Nhưng lúc bà xuất hiện sau bảy năm, bà cũng đầy năng quyền như trước, và bây giờ có sự hỗ trợ đầy yêu thương từ người chồng tuyệt vời. Samuel Etter cứ hết lòng yêu thương và chăm sóc cho Maria. Ông sắp xếp các buổi nhóm của bà cả trong lẫn ngoài, lo liệu tất cả những tác phẩm và việc phân phối sách của bà. Thực tế, chức vụ của Etter đã xuất bản nhiều quyển sách:
- Cuộc đời, Công việc và Kinh nghiệm của Nhà truyền giáo Maria Beuia Woodworth.
- Những kỳ diệu và phép mầu Chúa đã làm trong chức vụ Bà M. B. Woodworth-Etter trong bốn mươi năm.
- Các dấu kỳ phép lạ Chúa đã làm trong chức vụ của Bà M. B. Woodworth- Etter trong bốn mươi năm
- Các tập bài hát.
- Những thắc mắc và Lời giải đáp về sự chữa lành thiên thượng
- Những công việc của Đức Thánh Linh (về sau được xuất bản với tựa “Nhật ký về các dấu kỳ phép lạ”).
Một số sách của Etter được tái in ấn trong nhiều phiên bản, và một số được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác. Dù chúng ta có sự chọn lựa đa dạng về các sách Cơ Đốc trên thị trường ngày nay, thì sách của Etter vẫn còn rất hiếm. Chính tôi cũng được tặng hàng ngàn đô-la cho bộ sưu tập cá nhân, là điều tôi đã từ chối. Theo ý tôi, không có số tiền nào có thể mua được những gì Etter đã viết.
Vì vậy, Samuel Etter – người chồng, người bạn, nhà biên tập, quản lý, và người giúp đỡ – “món quà Chúa ban” – đã tìm thấy sự bình yên trong vị trí của mình như là người hỗ trợ cho chức vụ của vợ ông. Khả năng của ông bày tỏ một tính cách hiếm có và đáng chú ý như là một người đàn ông. Kết quả là, ông là một phần quan trọng trong chức vụ của bà trong hầu hết mọi khả năng cho đến khi ông qua đời mười hai năm sau đó.
BẮT BỚ, NAN ĐỀ VÀ NHỮNG VỤ XÉT XỬ
Maria là nhà truyền giáo dẫn đầu duy nhất của Phong Trào Thánh Khiết đã đón nhận trải nghiệm của Lễ Ngũ Tuần về việc nói tiếng lạ. Ngày nay, chúng ta gọi bà là một diễn giả của “Phong trào Thánh Khiết Ngũ Tuần”. Bà đi theo tín lý Thánh Khiết cũng như tín lý Ngũ Tuần về việc nói tiếng lạ. Nhiều mục sư không hiểu sự bày tỏ của Đức Thánh Linh, họ cũng không hiểu tín lý của bà về điều này. Và Maria rất ít khi biện hộ cho mình một cách công khai, nên bất cứ khi nào bà nói thì đều được chú ý rất nhiều. Bà thường nói với mọi người rằng bà không được kêu gọi để bào chữa cho18mình, nhưng bà được kêu gọi để dẫn người khác đến với Chúa Giê-xu Christ.
Etter bày tỏ một năng lực bất bại để tiếp tục đương đầu với sự chống đối. Khi bị căng thẳng bởi những tình huống đe dọa mạng sống, bà vẫn không chịu ra khỏi thị trấn cho đến khi bà hoàn tất. Và bà không bao giờ sợ những lời đe dọa vô chừng vì biết rằng Chúa sẽ chiến cự cho mình. Nhiều lần, bọn du côn tìm cách xen vào buổi nhóm để gây trở ngại vì họ được trả tiền để làm việc đó. Nhiều người khác tự ý đến. Một lần nọ, bà đã viết:
“Tôi từng ở trong nhiều mối nguy hiểm lớn; nhiều lần không biết khi nào mình bị bắn chết, hoặc ở trên bục giảng, hoặc đang trên đường đi đến buổi nhóm hay lúc ra về… Nhưng tôi nói rằng tôi sẽ không bao giờ bỏ chạy, cũng không thỏa hiệp. Chúa sẽ luôn đặt quyền năng vĩ đại của Ngài trên tôi, vì thế Chúa đã cất bỏ mọi sợ hãi, và khiến tôi trở nên như người khổng lồ… Nếu trong một cách nào đó họ cố gắng bắn tôi, hay giết tôi, Chúa sẽ đánh họ chết, và thỉnh thoảng tôi nói với họ như thế.”21
Một người đàn ông như thế đã đến để quyết tâm phá hoại buổi nhóm. Ông ta đi đến cách sân khấu khoảng 3 mét và bắt đầu buông lời thô tục và rủa sả. Thình lình, lưỡi của ông không chịu nghe theo ý ông khi “một quyền năng kỳ lạ dường như ghì chặt thanh quản của ông ấy.” Mọi thứ đều được Thánh Linh Chúa bảo vệ, Maria dường như không biết đến sự có mặt của người đàn ông này! Về sau, khi được hai tờ báo lớn hỏi về kinh nghiệm đó, người đàn ông này run rẩy trả lời: “Mấy anh tự đi mà tìm hiểu.”22
Maria bị bắt bốn lần trong thời gian chức vụ của bà, nhưng ba trong bốn lần bị bắt đó chưa từng phải ra tòa. New England là nơi duy nhất mà bà bị bắt và thật sự bị đem ra tòa. Vụ xét xử của bà ở Framingham, Massachusetts, đều dựa trên lời cáo buộc rằng bà đã thực hành y khoa mà không có giấy phép và thôi miên nhiều người bằng tình trạng xuất thần. Đó là một cảnh tượng tuyệt đẹp cho công việc của Đấng Christ. Nhiều người làm chứng thay cho bà, họ thuật lại bài làm chứng cá nhân rằng có thể được ví sánh với những câu chuyện trong sách Công vụ. Tác giả nổi tiếng và là nhà sáng lập trường Kinh Thánh Bethel, E. W. Kenyon, là một trong những người đã làm chứng. Về sau, Kenyon tiếp nối với chức vụ tuyệt vời về sự chữa lành và dạy dỗ. Ông là một tác giả viết nhiều sách. Nhiều sách của ông được sử dụng trong các trường Kinh Thánh khắp thế giới.
Lòng yêu thương Maria dành cho nhiều nền văn hóa cũng gây ra sự bắt bớ về sắc tộc. Bà thương yêu những cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu và những người Mỹ bản địa như bà yêu thương những người da trắng. Bà đã nhiều lần giảng cho các Hội Thánh người da đen, giúp đỡ các diễn giả của họ và hỗ trợ các cuộc phấn hưng của họ. Bà cũng đi đến khu vực của người da đỏ, ở đó nhiều tuần bằng tiền của mình. Mọi tầng lớp xã hội đều được chào đón trong nhà bà – người giàu lẫn người nghèo. Etter yêu mến tất cả mọi người.
KHÔNG THIẾU TIẾNG HUYÊN NÁO
Không có tập sách nào có thể mô tả mọi hoạt động trong chức vụ của Maria Woodworth- Etter. Bà là một người khiêm nhường, đầy năng lực thuộc linh, trông như “người bà của bạn, nhưng lại thi hành thẩm quyển thuộc linh lớn lao trên tội lỗi, bệnh tật và ma quỷ.”23 Etter không thể đáp lại mọi lời mời chức vụ bà nhận được. Và những lời mời bà tiếp nhận đã tạo ra sự khuấy động cả nước mà không bao giờ im lặng.
Một buổi nhóm như thế được mục sư trẻ tên F. F. Bosworth ở Dallas, Texas lên kế hoạch. Các tác phẩm của ông về buổi nhóm kỳ diệu đó đã kéo dài từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai, khiến cả thế giới kinh ngạc. Kết quả là, Dallas đã trở thành trung tâm cho cơn phấn hưng theo Phong Trào Ngũ Tuần.
Một đêm nọ, ba vị mục sư cao quý bước vào buổi nhóm. Vì không còn chỗ ngồi, các diễn giả nhường chỗ của họ cho ba vị mục sư này. Miễn cưỡng, các vị “cao quý” này ngồi xuống. Buổi nhóm đang diễn ra tốt đẹp, với quyền năng của Chúa mạnh mẽ như thường lệ. Sau đó, đột nhiên một trong những diễn giả cứng ngắc này ngã nhào ra khỏi ghế và rơi vào mùn cưa, nằm bất động. Hai người khác cố gắng phớt lờ người bạn nằm trên đất của mình. Nhưng chỉ trong vài phút sau, vị mục sư thứ hai cũng tham gia cùng bạn của mình, rơi xuống mùn cưa một cách không thể kiểm soát được. Sau đó, người thứ ba cũng ngã khỏi nền và nằm bất động với hai người kia. Cả ba đều ở dưới quyền năng của Chúa hơn ba giờ đồng hồ. Cuối cùng, từng người một đứng dậy phủi mình rồi đi ra trong sự bàng hoàng!24
Hàng ngàn người đến Dallas, một số người đến từ nơi cách xa hơn hai ngàn dặm, mang theo người bệnh và đau ốm để được chữa lành. Một người đã bị gãy ba cái xương sườn từ một cú ngã. Ông khó có thể đứng vì cơn đau. Etter đặt tay của mình trên ông và cầu nguyện bằng đức tin, ngay tức thì các xương bên trong đã được trở về đúng chỗ. Đầu tiên, ông ngần ngại khi bà chạm vào ông, nhưng cuối cùng ông đã đánh vào xương sườn của mình và nhận ra rằng cơn đau và chỗ sưng đã tan biến. Một người khác được mang đến trên một cái cũi, bị bệnh lao phổi. Tình trạng của ông là vô vọng, ông cũng bị chứng bệnh với một lỗ rò, một vết loét hở để lại cái lỗ lớn trên thân thể ông. Nhưng khi Maria cầu nguyện, quyền năng Chúa chạm đến người này. Ông nhảy ra khỏi chiếc cũi của mình và chạy lên xuống trước mặt mọi người. Sau đó, ông đi xe về nhà với nhiều người khác và tăng gần 2 kg vào ngày hôm sau.
Bệnh ung thư đã ăn hết một bên mặt và cổ của một người đàn ông. Vì căn bệnh ung thư quá đau đớn, ông đã yếu ngay từ buổi nhóm đầu tiên. Nhưng khi Etter đặt tay trên ông và cầu nguyện, quyền năng của Chúa chạm đến ông. Cơn đau nhức, sự cứng ngắc, nóng bức lập tức ra khỏi. Đột nhiên ông có thể xoay cổ mình từ bên này sang bên kia, sau đó ông đi lên phía trước và giảng cho mọi người.
Một đêm nọ, ba người từng bị câm điếc, không ai biết ai, đứng phía trước chỗ kêu gọi, khóc lóc, ôm nhau và hét lớn tiếng vì Chúa đã mở lỗ tai của họ và cho họ nói được. Nhiều người khác nhìn thấy và đã khóc, tiến lên phía trước để tin nhận Chúa và được cứu. Một trong ba người trước kia bị câm điếc đã làm chứng:
“Khi Etter đặt tay trên miệng, ngay lưỡi của tôi và sau đó đặt ngón tay vào tai của tôi, ra lệnh cho linh “câm điếc” ra khỏi, thình lình Chúa mở lỗ tai của tôi và cho tôi nói được.”25
Một người phụ nữ chịu đau đớn từ ung thư và bệnh lao. Cô trông như một bộ xương sống. Tất cả những bác sĩ giỏi nhất của Dallas đã bỏ cuộc đối với cô. Cô được mang đến trên chiếc cũi, và nhiều người nghĩ cô sẽ chết trước khi Etter đến với cô. Khi cô được cầu nguyện, lập tức cô được lành và nhảy ra khỏi chiếc cũi và la hét! Sau đó, cô đến dự những buổi nhóm còn lại vào mỗi tối và ngồi cùng những người khác. Dù cô vẫn còn rất gầy, nhưng những người biết cô đã nói rằng cô khỏe hơn và tăng cân mỗi ngày.
Nhà truyền giảng chữa lành và mục sư vĩ đại, F. F. Bosworth, đã viết về các buổi nhóm ở Dallas:
“Hết đêm này đến đêm khác, khi lời kêu gọi vừa được cất lên, tất cả những chỗ trống xung quanh phía trước khoảng mười lăm mét đầy ắp người bệnh và đau ốm, cùng những người tìm kiếm sự cứu rỗi và phép báp tem bằng Đức Thánh Linh, thật khó để đi vào và đi ra giữa vòng những người tìm kiếm đó.”26
Trong mỗi buổi nhóm bà tổ chức đều có sự bày tỏ về quyền năng của Đức Thánh Linh như chưa bao giờ được nhìn thấy trong thế hệ của chúng ta. Một người tường thuật từ Indiana đã viết: “Đủ thứ phương tiện bắt đầu đổ vào trong thành phố từ lúc còn rất sớm… một gánh xiếc hay buổi đại hội chính trị cũng chưa từng có được đám đông nhiều đến thế.”27 Một người khác viết rằng đó là lần đầu tiên mà cộng đồng Iowa có thể nhớ một buổi tập hợp tôn giáo đã “có một chương trình tốt.” Người đó viết rằng nhiều thành viên đặt vé trước ở nhà hát opera đã đi sang buổi nhóm đó để xem điều đang xảy ra với người dân của họ.”28
VẤN ĐỀ CHIA RẼ
Một doanh nhân Cơ Đốc kỳ cựu từ Los Angeles, ngài R J. Scott, đã viếng thăm Dallas trong những buổi nhóm đó. Ông cùng vợ mình đã được báp tem trong Đức Thánh Linh tại cuộc phấn hưng Đường Azusa. Nhưng vào lúc này, hầu hết những nhà phấn hưng Azusa đã bị tản lạc. Scott đang tìm cách để mang công việc siêu nhiên trở lại Los Angeles. Ông nghe nói về sự chữa lành kỳ diệu và ông đến để xem những điều đó có thật và tín lý của Maria có đúng với tín lý của ông hay không. Phấn khởi bởi điều mình đã trải nghiệm, ông quyết định mời Maria đến Los Angeless và tổ chức sự kiện mà ông nghĩ sẽ là một “hội nghị đáng mơ ước.” Ông cảm nhận bà có năng quyền mà Los Angeles cần. Vì vậy, Etter đồng ý đến.
Như điều có thể hình dung, hàng ngàn người đổ về khu vực Los Angeles vì hội nghị đó. Các buổi nhóm tổ chức mỗi ngày, hầu hết vào các buổi tối, và hàng ngàn người đến từ nhiều nơi ở phía Bắc nước Mỹ. Nhiều lều bạt được dựng lên và mọi người thì nằm ngủ trên đất. Thực tế, có quá nhiều lều đến nỗi “các con đường” đó được đặt tên như “Đường ngợi khen”, “Đường Ha-lê-lu-gia”, và “Đại lộ vinh hiển”. Điều này giúp địa điểm lều của một ai đó dễ tìm hơn nhiều!
Dù kết quả của buổi nhóm là một hiện tượng, Hội nghị khắp thế giới ở Los Angeles năm 1913 này (Hội nghị Azusa/Arroyo Seco) cũng được biết đến như sự ra đời của vấn đề gây ra sự chia rẽ trong Phong Trào Ngũ Tuần ban đầu. Nó tạo ra sự tranh cãi xung quanh các tín lý về “Duy Giê-xu”, “Một Ngôi” và “Vấn đề Mới”. Sự dạy dỗ xuất phát từ John G. Scheppe, người đã dành một đêm cầu nguyện trong suốt các buổi nhóm đó. Scheppe tin rằng ông đã nhìn thấy một điều mới về việc sử dụng danh của Chúa Giê-xu và chạy khắp hội nghị để chia sẻ điều này với nhiều người. Kết quả là, nhiều người ở Bờ Tây bắt đầu báp tem chỉ trong “Danh Chúa Giê- xu”, và được nói rằng nếu họ đã được báp tem trong Ba Ngôi thì họ phải làm báp tem lại. Sự dạy dỗ này đã gây chia rẽ Phong Trào Ngũ Tuần. Mong ước trong hội nghị của R. J. Scott được hình thành ban đầu nhằm thúc đẩy sự hiệp một trong Thân Thể Đấng Christ. Thay vì vậy, nó sản sinh ra một trong những sự chia rẽ lớn nhất được biết đến trong thế hệ này.29
Không lâu sau, Phong Trào Ngũ Tuần chia thành một số nhóm nhấn mạnh về nhiều tín lý khác nhau. Etter cố gắng hết sức để làm rõ những vấn đề này. Bà tin điều quan trọng nhất là việc cảnh tỉnh các tội nhân rằng Chúa Giê-xu sẽ mau chóng trở lại qua sự dạy dỗ Lời Chúa cùng với các dấu kỳ phép lạ. Bà nói điều này rõ nhất trong một bài giảng có tựa là Đừng bỏ qua ân tứ trong bạn. Trong bài giảng này, bà đã nói:
“Các đại sứ của Chúa phải dừng mọi sự tranh cãi, mọi lý thuyết vạch lá tìm sâu cần phải bị ngưng lại; các thánh đồ phải dẹp bỏ sở thích này rồi sở thích kia cùng với sự lặp lại về công việc đã hoàn tất hay sự nên thánh gây phản kháng. Phao-lô nói rằng việc rao giảng cần phải được đi kèm sự bày tỏ của Đức Thánh Linh và quyền năng… Hãy để Lời Chúa được ban ra trong sự bày tỏ và quyền năng để mọi người có thể nhìn thấy điều Chúa dành cho họ.”30
Etter với các cộng tác viên trong chức vụ ở Indiana, 1924
Không lâu sau, Etter lập ra một điều khoản về việc giảng dạy trong các buổi nhóm mà không được nói về các tín lý theo kiểu “vạch lá tìm sâu”. Nhiều năm sau, bà gọi quan điểm “Một Ngôi” là “sự lừa dối lớn nhất mà ma quỷ từng tạo ra.”31
“TRUYỀN ĐIỆN CHO TẤT CẢ CHÚNG TÔI”
Có thể hiểu được rằng Etter đã có nhiều cảm xúc lẫn lộn trong buổi nhóm ở Los Angeles.
Bà được thông báo như diễn giả chính, và hàng ngàn người đến từ khắp đất nước Mỹ đến trong các buổi nhóm của bà. Nhưng vì cớ lời bàn cãi về chính trị, nhiều ông mục sư đã kiểm soát và Etter bị ép chỉ được thi hành chức vụ vào các buổi sáng. Những người đàn ông sẽ đảm nhận các buổi chiều và buổi tối để chủ yếu trình bày về tín lý “Một Ngôi” mới. Bà bị gây áp lực phải rút ngắn lại giờ nhóm của mình, để diễn giả buổi chiều có thể bắt đầu. Bất kể điều đó, hàng trăm người vẫn được chữa lành một cách kỳ diệu. Có người thuật lại rằng khi thời gian của bà sắp hết, Etter sẽ giơ tay lên trời khi bà chuẩn bị rời khỏi trại, và ngay khoảnh khắc ấy, nhiều người được chữa lành. Một cậu bé đã nhớ: “Bà giơ đôi tay nhỏ bé lên và quyền năng của Đức Thánh Linh truyền điện cho tất cả chúng tôi.”32
Những người tàn phế đã ra khỏi giường bệnh của mình, người điếc nghe được, người mù đã thấy, người bị viêm khớp lập tức được lành, nhiều khối u bị tiêu biến, bệnh phù tan biến. Tóm lại, tất cả những căn bệnh nào dám xuất hiện tại các buổi nhóm của Etter đều phải quỳ gối xuống trước Chúa Giê-xu Christ và bị tan biến bởi lửa của Thánh Linh. Và tất cả những điều này xảy ra bất kể nhiều sự chia rẽ về tín lý.
Elizabeth Waters nhớ lại những buổi nhóm đó như sau:
“Tôi còn nhớ như mới hôm qua, một người bạn và tôi đẩy mẹ tôi trong chiếc xe lăn khoảng sáu hay bảy lô đất… Hai người đàn ông to lớn khiêng chiếc xe lăn lên phía trước quanh bục giảng mà khi ở đó đã có nhiều chiếc xe lăn đang sắp hàng. Thời tiết rất nóng, mẹ tôi năn nỉ về nhà nhưng tôi nhất quyết ở lại. Ngợi khen Chúa, mẹ tôi được chỉ ra để đem lên bục, và có một người phụ nữ nhỏ bé xinh đẹp mà tôi không bao giờ quên, đã nói với mẹ tôi. Tôi thấy bà trả lời bằng cách lắc đầu sau đó bà (bà Etter) đã đánh vào ngực (đối với tôi, cú đánh đó có vẻ mạnh). Nó giống như một tia sét đánh vào bà, bà nhảy trên chân mình và chạy vòng quanh, nhảy lên vui mừng. Tất cả mọi người đều la hét lớn tiếng, tôi không biết họ có từng thấy điều gì giống như thế trước đây hay chưa. Nhiều phép lạ khác đã xảy ra. Chúng tôi gần như phải buộc mẹ tôi trên ghế khi về nhà. Bà muốn đi, nhưng bà vẫn còn yếu vì bà đã nằm trên giường hai năm. Khi chúng tôi về nhà, bà ngoại của tôi và nhiều người hàng xóm đang đợi chúng tôi. Mẹ tôi bước ra khỏi xe lăn và đi lên cầu thang.
Tất cả mọi người đều hét lên và khóc. Từ ngày đó trở đi, mẹ tôi hoàn toàn được lành, khỏe mạnh, mập mạp, và yêu Chúa.”33
Vì cớ các buổi nhóm của bà ở Dallas và Los Angeles, Etter đã tiếp tục là một nhà truyền giáo đi đầu trong phần đời còn lại của bà. Và dù bà yêu thích cuộc sống lưu động, Chúa đã có một chương trình khác cho bà. Ngài vẫn chưa viết xong các trang sử.
CÁC CÂU CHUYỆN LỀU TẠM
Sau bốn mươi lăm năm trong chức vụ và chia sẻ hàng ngàn bài giảng xuyên lục địa, Chúa đã phán với Maria về việc xây dựng một lều tạm ở phía tây Indianapolis. Nhiều người đã bảo bà hãy xây một nơi lâu dài mà họ có thể đến bất cứ lúc nào để nhận được sự giúp đỡ của bà. Khắp nơi của nước Mỹ đều đề nghị khu vực của họ, nhưng bà đã chọn Indiana vì vị trí trung tâm của nó. Đúng với phong cách của Etter, Lều Tạm này là một kiểu mẫu cho các Hội Thánh Ngũ Tuần ngày nay. Bà xây dựng Hội Thánh kế bên nhà mình, và phục vụ ở đó trong sáu năm cuối đời của bà.
|
Vào lúc đó, có rất ít Hội Thánh lớn. Vì vậy, vào năm 1918, khi Etter xây một tòa nhà gồm năm trăm ghế ngồi thì đó không phải là một việc nhỏ. Trong suốt chức vụ của bà, Maria chưa bao giờ đặt áp lực trên mọi người để dâng hiến tài chánh. Nhưng trong việc xây dựng Lều Tạm này, bà đã gửi nhiều lá thư kêu gọi hỗ trợ tài chánh. Tiền được gửi vào và tòa nhà được xây dựng. Nó được cung hiến vào ngày 19 tháng Ba năm 1918, và đến bây giờ, chỉ có thêm một người nữ khác đã vượt qua khả năng “xây Hội Thánh” của bà. Người đó là nữ truyền giáo đã ganh đua rất nhiều với phong cách của Etter, Aimee Semple McPherson.
Bà Etter đã dùng Lều Tạm này như nhà mình. Bà có sự hiểu biết đặc biệt cho việc chọn lựa các cộng sự sẽ góp phần vào cơn phấn hưng. Kết quả là, Hội Thánh vẫn còn đến ngày nay – dù ở trong một địa điểm khác – đã gia nhập với Hội Thánh Phúc Âm Ngũ Tuần. Mọi người từ nhiều nơi ở Mỹ tập hợp lại trong Hội Thánh bà, và nhiều người đã ở lại như những thuộc viên trung tín. Một người nhớ lại rằng “nhiều người đã tiến lên lúc kêu gọi và ngã xuống sàn trước khi họ lên đến nơi.” Người đó nói rằng ông chưa bao giờ nhìn thấy nhiều người “giả bộ” hay bị xô ngã như thế – “Đó chính là Chúa. Không có điều giả tạo nào về Etter cả.”34
Một câu chuyện diệu kỳ trong Lều Tạm liên quan đến một gia đình người Ru-ma-ni. Con gái của họ bị bệnh lao và hai người phụ nữ Ngũ Tuần đã đến nhà để cầu nguyện cho đứa con gái. Khi biết rằng con gái họ được lành sau sự cầu nguyện, gia đình đó đã tìm một Hội Thánh Ngũ Tuần và tìm được Lều Tạm này. Trong buổi nhóm đầu tiên của họ, một người phụ nữ đã được chữa lành kỳ diệu từ căn bệnh ung thư, đã đứng dậy và chia sẻ một sứ điệp trong tiếng lạ khoảng hai mươi tám phút. Một số người thắc mắc vì sao Etter lại cho phép người phụ nữ đó tự do trong Thánh Linh trong khoảng thời gian dài như thế. Nhưng những thắc mắc của họ đã được trả lời vào ngày Chúa Nhật hôm sau khi họ biết rằng người phụ nữ này đang nói tiếng Ru-ma-ni, một ngôn ngữ cô chưa từng học.
Gia đình người Ru-ma-ni đó đã nghe một sứ điệp từ Chúa trong tiếng mẹ đẻ của họ, khi ngồi lắng nghe, họ cảm thấy hoàn toàn choáng ngợp. Người cha là người duy nhất có thể nói tiếng Anh. Có người thuật lại rằng Maria và các thành viên trong Lều Tạm đó “đã học biết cách để mong đợi những kinh nghiệm như thế nhiều như một số người trong hội chúng mong đợi hát tất lễ ở cuối buổi nhóm của họ.”35
Một câu chuyện Lều Tạm khác liên quan đến sự chữa lành của một bé trai. Cậu bé mắc bệnh lao và đang có một khối u cỡ nắm tay. Khi người mẹ dẫn cậu đến gặp Maria, bà đã nói: “Chúng ta sẽ chỉ cắt đứt nó bằng Gươm của Thánh Linh”. Như thế, Etter đã cầm quyển Kinh Thánh của bà và “đánh mạnh” vào cổ của cậu bé và cậu bé được lành.36
NGƯỜI VĨ ĐẠI GẶP NGƯỜI VĨ ĐẠI
Một trong những câu chuyện Lều Tạm tôi thích nhất là câu chuyện kể về buổi nhóm của Maria Woodworth-Etter và Aimee Semple McPherson. Vào thời điểm đó, Aimee vẫn là một nhà truyền giáo đi khắp đó đây. Bà thật sự yêu mến Etter, và rất mong muốn gặp Maria và ngồi dự một trong những buổi nhóm của bà. Theo ý của riêng tôi, tôi tin Aimee đọc ngấu nghiến mọi thứ bà có thể đọc về Etter, và làm vững mạnh sự kêu gọi của mình từ sự can đảm của Maria.
Có một lệnh cấm về bệnh cúm trên thành phố Indianapolis cho đến khi “Chiếc xe Phúc Âm” của Aimee đi vào. Lệnh cấm cuối cùng đã được chấm dứt vào đêm mà bà đến, và Aimee đã cho rằng đó là hành động của Chúa. Bà đã viết vào nhật ký của mình, ghi ngày 31 tháng Mười năm 1918:
“Nhiều năm qua tôi đã mong muốn gặp chị Etter, và đã nói về điều này trong những tháng gần đây. Tôi đã mong mỏi nghe chị giảng và ở trong các buổi nhóm của chị… Ngày mai, lều tạm của chị Etter sẽ mở cửa và tôi sẽ có được điều lòng mình ao ước. Vinh hiển thuộc về Chúa!”
Sau khi họ gặp nhau, Aimee đã viết:
“Chúng tôi vui mừng và cùng nhau ngợi khen Chúa. Quyền năng của Chúa tuôn đổ… tuôn đổ phước hạnh của Ngài trên chúng tôi.”37
Bà McPherson rời khỏi Indianapolis ngày hôm sau, vui mừng trên đường của bà đến nơi đã định – California. Chúng ta chỉ có thể hình dung những kỷ niệm bà trân trọng từ việc gặp gỡ Maria.
Trong khi không có câu tuyên bố nào từ Etter về điều bà nghĩ về Aimee, người đồng đi với bà là Bertha Scheneider đã đưa ra một lời bình. Một lần nọ, Etter và Aimee đang ở cùng một thành phố. Và đó là buổi tối tự do của họ, vì vậy đội của Etter đã tham dự một trong những buổi nhóm của Aimee. Nhưng Maria đã không đi. Lý do bà Scheneider đưa ra cho điều này là: “Chị Etter lo lắng về hướng đi chức vụ mà Aimee đang đi – những sự bày tỏ màu mè và những sự thu hút phổ biến khác.”38 Cá nhân tôi cảm thấy vì bà Etter xuất thân từ bối cảnh Thánh khiết, nên sự quan tâm của bà mang tính chân thành chứ không phải chỉ trích.
Nhiều diễn giả nổi tiếng của thời đó đã đến thăm Lều Tạm. Dù không được ghi lại, nhưng Etter đã gặp nhà truyền giáo huyền thoại người Anh, Smith Wigglesworth, nhiều người cảm thấy ông là một môn đồ trong chức vụ của bà. Nhiều người tin rằng Wigglesworth đã có được nhiều điều trong các câu phương châm của ông từ Etter.39 Và Wigglesworth đã tổ chức một loạt các buổi nhóm trong Lều Tạm sau khi bà qua đời năm 1925.
Đối với một số người trong các bạn, những câu chuyện này có vẻ đáng sợ. Hãy hiểu rằng Chúa đang khôi phục sự siêu nhiên cho Hội Thánh thời nay. Một số người đang đọc quyển sách này e ngại điều đó. Chúa đã phán với một số người trong các bạn hãy cầu nguyện cho người bệnh trong Hội Thánh mình, và các bạn đã không làm. Có lẽ bạn không biết nhiều về ý muốn của Chúa cho sự chữa lành. Có thể bạn cảm thấy hoang mang. Ý muốn của Chúa là muốn con người được tự do. Ngài đến để hủy phá mọi công việc của ma quỷ, không phải để chịu đựng hay sống với chúng. Hội Thánh thời nay phải học cách xử lý với kẻ hủy diệt và mang lại sự sống cho mọi người.
Quá nhiều người trong chúng ta cứ ở trong giới hạn của một tín lý “dễ chịu” hay một thần học “chọn và lựa”. Chúa muốn toàn bộ ý định của Lời Chúa được rao giảng và bày tỏ cho mọi người. Đó là lý do Chúa Giê-xu ban cho chúng ta dòng huyết của Ngài. Hãy bắt đầu đọc sách Công vụ rồi bạn sẽ học biết những người bày tỏ Thánh Linh Chúa và sự chống đối mà họ khuấy động. Như các sứ đồ, Etter đã luôn chân thật với toàn bộ ý muốn của Chúa trọn đời mình – bất kể những áp lực và bắt bớ – và chúng ta cũng phải làm giống như thế. Bà là người đã truyền lại ngọn đuốc, và chúng ta phải trung tín giữ lấy nó.
NGƯỜI TIÊN PHONG
Mùa hè năm 1924 là thời điểm khó khăn với Maria. Ở tuổi tám mươi, với sức khỏe sút giảm do bệnh viêm dạ dày và phù nề, bà đã nhận một tin rất đau lòng. Đứa con gái duy nhất của bà, Lizzie, sáu mươi tuổi, đã bị chết trong một tai nạn xe điện. Bây giờ, mọi người trong gia đình của Maria đã về với Chúa. Dù sức khỏe của bà yếu, bà vẫn có thể dồn hết sức để đứng trên bục tổ chức cho lễ tang. Khi bà làm điều đó, bà kêu gọi mọi người hãy đặt đức tin nơi Chúa và nhìn lên thiên đàng – chứ không phải nhìn vào nấm mồ.40
Suốt năm đó, có nhiều lần Etter quá yếu đến nỗi bà không thể đi được. Nhưng điều đó không ngăn bà giảng lời Chúa. Nếu bà không thể đi, bà sẽ phân công một ai đó khiêng bà vào và đặt ở phía sau bục giảng. Cuối cùng, Lều Tạm đã tặng cho Maria một chiếc ghế gỗ lớn. Sau đó, khi bà dường như quá yếu để đi, một vài thanh niên khỏe mạnh sẽ mang chiếc ghế gỗ từ Hội Thánh đến nhà của bà, đặt bà lên trên ghế và khiêng bà trở lại. Giây phút chân bà chạm đến bục giảng, Thánh Linh Đức Chúa Trời khiến bà cử động được và bà sẽ đi tới đi lui trên bục giảng, giảng và phục vụ trong quyền năng siêu nhiên của Chúa. Hàng trăm người đã chứng kiến bà trông ốm yếu như thế nào, rồi sau đó bà trở nên mạnh mẽ lạ thường ra sao. Cuối buổi nhóm, những thanh niên đó sẽ đặt bà trở lại ghế và khiêng bà về nhà.
Đức tin của Etter đã khiến bà cứ tiếp tục khi nhiều người khác muốn bỏ cuộc. Hãy nhớ, lúc này Etter đã tám mươi tuổi. Không có máy bay và rất ít sự xa xỉ trong thời của bà. Không có máy điều hòa hay những tiện nghi hiện đại. Bà đã đi khắp đất nước trong những chiếc xe ngựa và xe lửa, nhiều lần ngủ trong một cái lều khi có ít tiền, hay khi không có phòng. Nhưng đối với Etter, điều đó không quan trọng.
Ba tuần trước khi bà qua đời, Chúa đã bày tỏ với Maria rằng: “Chỉ còn ít ngày nữa trước khi con rời đi” để nhận phần thưởng của mình. Lúc đó, một người phụ nữ đã mang hoa đến và Etter đã đáp: “Tôi sắp sửa ở nơi mà hoa sẽ nở mãi mãi.”41 Thậm chí, nhiều lần bà đã giảng cho những người đến thăm mình.
Lúc bà qua đời, August Feich, một cộng sự, đã viết:
“Vài ngày trước khi bà qua đời, bà đã gọi tôi đến bên cạnh và cầm tay tôi rồi nói, ‘Feich này, con có thấy là mẹ đang đi đường thế gian đi không?’ Câu trả lời đến: ‘Có ạ, thưa mẹ.’ Và bà đáp: ‘Con đã trung tín trong chức vụ với mẹ trong những năm qua. Bây giờ, mẹ tin rằng phước hạnh của Chúa sẽ tiếp tục ở trên con; không lâu nữa con sẽ không còn mẹ bên cạnh giúp con.’”
Sự cuối cùng của Maria Woodworth-Etter đã đến mà không có sự vật lộn nào khi bà chỉ từ từ chìm vào giấc ngủ sâu:
“Thị lực của bà vẫn tốt với người ở tuổi của bà. Trí lực của bà vẫn sắc bén cho đến lúc cuối cùng. Không có giây phút nào trong lúc bị bệnh mà bà không cảm thấy tự do trò chuyện với bạn về một chủ đề nảy sinh nào đó. Các thánh đồ xung quanh bà đều tự do bất cứ lúc nào đến gặp và nhóm với bà. Một số người đến khi họ được Thánh Linh dẫn dắt để cầu nguyện cho bà; một số khác được bà cầu nguyện. Bà đặt tay trên người bệnh và cầu nguyện cho những ai đang gặp khó khăn. Đây là điều bà đã làm cho đến cuối cùng. Bà đã làm điều này vào thời điểm bà biết rằng sức lực của mình sẽ nhanh chóng biến mất. Bà đã nói nhiều lần trong chức vụ của mình rằng bà thà sớm bị kiệt sức vì Chúa Giê-xu hơn là bị sa sút.”42
Trước khi Etter về với Chúa ở tuổi tám mươi, bà đã chôn sáu đứa con của mình và hai người chồng; giảng hàng ngàn bài giảng xuyên lục địa; duy trì sự chiến thắng trên những kẻ lưu manh và những mục sư gian ác; tiên phong trong chức vụ cho nữ giới; và không nao núng trong việc bày tỏ quyền năng của Đức Thánh Linh với nhiều dấu kỳ phép lạ cặp theo.
Bà không được học đầy đủ. Bà không quan tâm đến các lớp Kinh Thánh và không dành thời gian để giải thích cách Chúa vận hành. Bà giảng một Phúc Âm rất đơn giản, hoàn toàn phó dâng chính mình cho Chúa, v2à6 tin vào những dấu kỳ phép lạ. Lòng đam mê của Maria là để Phúc Âm trở nên sống động và để mọi người được Thánh Linh dẫn dắt. Bà giảng nhiều lần với nước mắt lăn dài, khuyên nài những người đã nghe hãy đến với Chúa Giê-xu. Các buổi nhóm và sự dạy dỗ của bà đã mở đường cho việc thành lập nhiều hệ phái theo phong trào Ngũ Tuần, bao gồm Hội Thánh Phúc Âm Ngũ Tuần (AG), Foursquare, và nhiều hệ phái tương tự khác.
GIA ĐÌNH NGÀY NAY CỦA ETTER
Người thừa kế gần nhất của bà Etter không được nghe nói đến lần nữa mãi đến năm 1977. Cháu cố của bà, Tom Slevin, đã có sự quan tâm đến việc tra cứu gia phả của mình. Thật bất ngờ, anh đã khám phá ra rằng một người bà con gần với mình là “một diễn giả tình nguyện nhỏ bé” tên là Maria Woodworth-Etter, được biết đến như là Bà Etter. Bà từng là nhà truyền giáo nổi tiếng và nhà sáng lập của một Hội Thánh ở gần nhà của anh. Anh hỏi thăm về bà qua mẹ mình, Mary; nhưng mẹ anh chỉ có thể kể được một ít, vì nhiều thông tin bị thất lạc nhưng Slevin đã không bỏ cuộc. Anh tra cứu các sách vở và bài giảng của bà Etter và liên tục đọc chúng. Không lâu sau, chính cuộc đời của anh được tác động bởi những bài giảng của người nữ này, một số bài đã được giảng cách đây 80 năm.
Slevin đã nói: “Khi lần đầu tôi đọc các sách của bà, tôi nghĩ chúng đã bị thổi phồng các phép lạ kỳ diệu đó. Vì vậy, tôi đi đến các thị trấn khác và tra cứu qua các vi phim. Tôi đọc các bài báo cũ và khám phá một điều thật tuyệt vời. Tôi tìm được những câu chuyện trong sách của bà hoàn toàn là sự thật và chính báo chí đã bỏ sót rất nhiều phép lạ!”
Slevin và mẹ của anh trở nên rất hiếu kỳ về cuộc đời của bà Etter đến nỗi họ đã đi đến nghe một nhà truyền giáo đã từng ngồi dưới chức vụ của bà Etter khi còn là một cậu bé. Roscoe Russell, nhà truyền giáo này đã từng là một cậu bé được chữa lành khi bị bà Etter dùng Kinh Thánh “đánh mạnh” vào cổ. Khi mẹ của Slevin đi lên phía trước để được cầu nguyện, nhà truyền giáo đó đã nói với bà: “Đức Chúa Trời đã nghe lời cầu nguyện của bà cố của bạn cũng chính là Đấng đang ở đây hôm nay. Ngài sẽ đáp lời cầu nguyện của bạn y như thế.” Sau đó, mẹ của Slevin được báp tem trong Hội Thánh đã gắn bó với chức vụ của Etter.
Slevin thích so sánh chức vụ của bà Etter với chức vụ của Smith Wigglesworth. Anh cảm thấy mối quan hệ của họ với Chúa rất giống nhau, đặc biệt trong lãnh vực về đức tin. Dù anh đã có nhiều câu chuyện yêu thích, Slevin kể rằng John G. Lake đã gặp bà Etter vào năm 1913. Sau buổi gặp đó, có người thuật lại rằng Lake đã nói với những người của ông rằng: “Hãy cầu nguyện giống như Mẹ Etter.”
Từ nghiên cứu của mình, Slevin đã có sự hiểu biết sâu sắc về tính cách của bà cố mình. Anh kể lại: “Điều gây ấn tượng với tôi nhất là cuộc đời của bà hoàn toàn tận hiến cho Chúa. Bà không giống như nhiều người thời nay. Bà đi đến nơi nào Chúa bảo bà đi; cho dù đó là 20 người hay 1000 người. Thời gian của bà thuộc về Chúa. Bà không bao giờ “quá bận” đến nỗi không làm điều Chúa phán. Mọi người đều quan trọng đối với bà, vì họ quan trọng đối với Chúa. Đó là lý do vì sao bà biết Chúa rất rõ. Đó là lý do vì sao bà có thể “đấm vào bụng ai đó” hay “đánh vào cổ của họ”. Bà biết Chúa và bà biết Chúa sẽ chữa lành họ.”43 Rõ ràng, qua gia đình Slevin, di sản thuộc linh của Etter sẽ tiếp tục.
CÁI NHÌN CÁ NHÂN
Trong sự quan sát của cá nhân tôi, chức vụ mà Etter đã thực hiện đã truyền lại và nó vẫn còn tiếp tục trên đất cho đến ngày nay. Mỗi chức vụ đều cần có dấu kỳ và phép lạ cặp theo. Nếu không, người hầu việc C2h7úa chỉ đang chơi đùa với chức vụ. Nếu chức vụ của bạn đang tuân theo những mạng lệnh của Chúa Giê-xu thì các dấu kỳ phép lạ sẽ đi theo bạn.
Phong cách và phương pháp của chức vụ đối với mỗi người đều khác nhau. Không ai thi hành giống ai cả, vì tất cả chúng ta đều là những người khác nhau và có nhiều thế hệ khác nhau cần được chinh phục.
Nhưng khi một chức vụ thi hành trong cùng tầm cỡ của người đã đi trước đó, đôi khi tôi nói đến sự thi hành đó như “chiếc áo choàng” đã được chuyển giao. Chiếc áo choàng là thuật ngữ thuộc linh có thể được mô tả trong tự nhiên, giống như một chiếc áo khoác hay khăn choàng. Khi chúng ta “mặc” chiếc áo choàng đó, chúng ta thi hành chức vụ tương đồng mà bởi đó chúng ta nhận lãnh.
Từ cái nhìn cá nhân này, dường như Aimee Semple McPherson đã tiếp tục chỗ mà bà Etter để lại, qua những dấu kỳ phép lạ và thành tích tuyệt vời. Tôi tin rằng bà đã nhận lấy chiếc áo choàng của Maria. Từ McPherson, một chiếc áo choàng tương tự dường như được chuyển giao cho Kathryn Kuhlman. Kuhlman cũng được biết đến vì nhiều phép lạ lớn lao trong chức vụ của bà và lòng khao khát của bà trong mối thông công với Đức Thánh Linh. Ngày nay, trong thập niên 90, đối với tôi, dường như chiếc áo choàng tương tự đã được chuyển từ Kuhlman cho Benny Hinn, dù Mục sư Hinn không thích người khác nói về ông như thế. Hinn cảm nhận ông nhận chiếc áo choàng của mình từ Chúa, không phải từ một ai khác. Ông là một mục sư vĩ đại và nhà truyền giảng chữa lành từ Orlando, Florida.
ĐỪNG SA SÚT
Maria Woodworth-Etter đã vươn đến vô số ngàn người khắp nước Mỹ với sứ điệp giải phóng của Chúa Giê-xu Christ. Những lời này được viết về bà:
“Vinh hiển thuộc về Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu Christ vì Ngài đã kêu gọi bà, ban cho bà quyền năng, gìn giữ và khiến bà trở thành một “Người Mẹ trong Y-sơ-ra-ên” cho chúng ta. Tình yêu thương đã quan phòng bà cũng là tình yêu thương dành cho chúng ta ngày nay. A-men.” 44
Nhiều dấu kỳ phép lạ đầy quyền năng đang xảy ra trên đất lần nữa. Vì vậy, hãy vun trồng những của báu tin kính bên trong bạn bằng trải nghiệm và Lời Chúa, sau đó hãy mang nó lên bề mặt bằng sự cầu nguyện và vâng lời. Hãy tin cậy Chúa về những dấu kỳ phép lạ sẽ đến qua bạn. Hãy quyết tâm để được sử dụng trong thời khắc này và hãy tấn tới cho sự đầy trọn mà Chúa dành cho bạn. Đừng để sự thoái trào làm thất vọng hay cản trở bạn. Hãy kêu cầu Thánh Linh về quyền năng và hoàn thành đường đua của bạn trong sự chiến thắng trọn vẹn. Hãy tiếp nhận những lời của Etter:
“Thà kiệt sức cho Chúa Giê-xu Christ còn hơn là sa sút.”
Vậy nên, đừng dừng lại cho đến khi bạn hoàn tất. Thế giới đang tìm kiếm câu trả lời đó trong bạn.
https://ebookcodoc.com/nhung-tuong-lanh-cua-duc-chua-troi/chuong-hai-maria-woodworth-etter.html