NHỮNG TƯỚNG LÃNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Chương Bãy: Smith Wigglesworth
Bạn tôi nói: “Cô ấy chết rồi.” Anh ấy sợ hãi. Tôi chưa từng nhìn thấy người đàn ông nào sợ hãi nhiều thứ như thế trong cuộc đời mình. Anh ấy hỏi: “Tôi phải làm gì?” Có thể bạn nghĩ rằng điều tôi làm là vô lý, nhưng tôi vươn tay vào giường và kéo cô ấy ra. Tôi mang cô ấy qua bên kia căn phòng, dựng cô ấy đứng sát tường và giữ cô ấy đứng đó trong khi cô ấy đã hoàn toàn chết rồi. Tôi nhìn vào mặt cô và nói: “Trong danh Chúa Giê-xu, ta quở trách sự chết này.” Từ đỉnh đầu cho đến gót chân, toàn thân cô ấy bắt đầu run lên. Tôi nói: “Trong danh Chúa Giê-xu, ta ra lệnh cô hãy bước đi.” Tôi lặp lại: “Trong danh Chúa Giê-xu, trong danh Chúa Giê-xu, đi!” và cô ấy bước đi.”1
Việc khiến người chết sống lại chỉ là một trong những khía cạnh kỳ diệu trong chức vụ của Smith Wigglesworth. Vị sứ đồ của đức tin vĩ đại này đã bước đi trong một mức độ kinh ngạc về sự xức dầu của Chúa nhiều đến nỗi những điều kỳ diệu theo sau chức vụ của ông chỉ là thứ yếu. Trong cuộc đời ông, người từng là thợ sửa ống nước một thời đã đưa một ý nghĩa mới của chữ “phiêu lưu.” Yêu cầu duy nhất của phiêu lưu là gì? – “Chỉ cần tin thôi!”
Đối với Wigglesworth, sự vâng lời đơn giản với điều mà người đó tin không phải là kỳ công phi thường gì cả – nó chỉ đơn giản là bông trái của niềm tin đó thôi. Nhiều người nói rằng đức tin của ông là điều không nao núng và đôi khi liên tục. Nhưng họ cũng nói rằng ông có sự xức dầu lạ thường trong sự giảng dạy và giàu lòng thương xót – bông trái của những sự cứu rỗi và phép lạ không thể đếm nổi đã được sản sinh trong chức vụ mỗi ngày của ông.
CẬU BÉ NHỔ CỦ CẢI
Smith sinh ngày 8 tháng Sáu, năm 1859, trong gia đình của John và Martha Wigglesworth tại một ngôi làng nhỏ thuộc Menston, Yorkshire, Anh quốc. Vào ngày sinh của ông năm 1859, đó là một năm quan trọng trong lịch sử. Cơn Thức Tỉnh Thứ Ba đã đang diễn ra ở Mỹ được hai năm, William Booth đã tách mình ra khỏi tôn giáo có tổ chức, thành lập Đội Cứu Thế Quân, và Hội Thánh ở xứ Wales đang cầu nguyện cho sự phấn hưng.1 Việc Smith được kể giữa vòng những nhà lãnh đạo Cơ Đốc vĩ đại khác như Booth trong thời của John và Martha, là điều xa vời nhất với tâm trí của họ vào mùa xuân năm 1859. Nhưng Smith đã được như thế. Con trai của họ đã đem ngọn lửa của Chúa trở lại Hội Thánh đã từng cháy âm ỉ trong hàng trăm năm.
Gia đình Smith rất khó khăn. Cha của cậu làm việc nhiều giờ để giúp đỡ vợ của ông, một cô con gái và ba cậu con trai. Vì thế cậu bé Smith bắt đầu làm việc năm lên sáu, nhổ củ cải trên một cánh đồng địa phương. Công việc đó đầy vất vả. Bàn tay bé xíu của cậu bị chai và sưng vì việc nhổ củ cải từ sáng đến tối. Nhưng nó cho Smith đạo lý làm việc của cha cậu trong việc lao động chăm chỉ và vất vả để được phần thưởng. Khi Smith lên bảy tuổi, cậu làm việc cùng cha mình và làm việc trong một xưởng len địa phương. Từ lúc đó trở đi, cuộc sống trở nên dễ dàng hơn cho gia đình Wigglesworth. Thu nhập của họ tăng lên và thức ăn có nhiều hơn.
Cha của Smith là một người rất yêu chim. Có lần, ông có mười sáu con chim biết hót sống trong nhà của họ. Vì thế cậu bé cũng tiếp nối lòng yêu thiên nhiên của cha mình và thường tìm các tổ chim. Thỉnh thoảng cậu bắt và bán chim trong khu chợ địa phương để giúp đỡ gia đình.
KHÁC BIỆT GIỮA CHÚNG TA LÀ GÌ?
Dù cha mẹ của cậu không phải là Cơ Đốc Nhân, lúc nào cậu bé Smith cũng có lòng khao khát Chúa. Cậu không được dạy cầu nguyện ở nhà, nhưng cậu luôn tự mình tìm kiếm. Nhiều lần, Smith xin Chúa hãy chỉ cho mình chỗ để tìm thấy tổ chim. Dường như ngay tức thì cậu biết được mình sẽ nhìn chỗ nào.
Bà của cậu là một thành viên Giám Lý thời xưa từng tin vào quyền năng của Chúa. Bà luôn bảo đảm Smith tham dự các buổi nhóm với mình. Khi còn nhỏ, cậu thường ngồi và xem “những người thời xưa” vỗ tay, nhảy múa cho Chúa, và hát về “dòng huyết”. Khi Smith được tám tuổi, cậu tham gia hát trong Hội Thánh. Khi cậu bắt đầu hát, “một sự hiểu biết rõ ràng về sự ra đời mới” đã đến với cậu. Cậu nhận ra điều Chúa Giê-xu Christ đã làm cho mình qua sự chết và sự sống lại của Ngài. Nhiều năm sau, Wigglesworth đã viết lại ngày hôm đó:
“Tôi nhìn thấy Chúa muốn chúng ta nhiều đến nỗi Ngài đã khiến cho điều kiện trở nên đơn giản hết mức có thể – ‘Chỉ tin thôi.’”3
Và cậu chưa từng nghi ngờ về sự cứu rỗi của mình.
Cậu bé Wigglesworth ngay lập tức trở thành người chinh phục linh hồn. Người đầu tiên cậu chinh phục về cho Đấng Christ chính mà mẹ của cậu. Khi cha cậu khám phá ra “kinh nghiệm” Cơ Đốc đã đến với gia đình mình, ông bắt đầu dẫn cả nhà đến Hội Thánh Anh Giáo. Cha của Smith chưa được tái sanh, nhưng ông thích vị linh mục, vì họ đến cùng quán rượu và uống bia với nhau.
Không lâu sau, Smith bằng lòng tham gia ban hát của Hội Thánh với em trai mình, nhưng vì cậu phải làm việc khi tuổi còn nhỏ, cậu đã không được đi học. Cậu gần mười tuổi khi cậu được “làm lễ kiên tín”. Khi giám mục vẫy tay với cậu, một sự ý thức rất lớn về sự hiện diện của Chúa đầy dẫy trên Smith đến nỗi cứ còn đó với cậu trong nhiều ngày. Dường như không điều gì giống như thế xảy ra với những người khác, về sau Smith đã viết:
“Sau buổi lễ kiên tín, tất cả những cậu bé khác đều thề và cãi nhau, và tôi tự hỏi điều gì tạo ra sự khác biệt giữa họ và tôi.”4
CÓ MỘT ĐIỀU KHÁC BIỆT VỀ EM
Khi Smith mười ba tuổi, gia đình cậu dời từ Menston đến Bradford là nơi cậu cảm thấy rất gắn bó với Hội Thánh Giám Lý. Đời sống thuộc linh của cậu mang một ý nghĩa mới, và cậu khao khát Thánh Linh Đức Chúa Trời. Dù cậu không đọc giỏi, nhưng cậu không bao giờ rời khỏi nhà mà không bỏ quyển Tân Ước vào túi mình.
Về sau, những người Giám Lý lên kế hoạch cho một buổi nhóm giảng đặc biệt, và bảy cậu bé được chọn để tham gia, bao gồm Smith. Với ba tuần chuẩn bị, cậu thiếu niên này đã “sống trong sự cầu nguyện”. Khi ngày đó đến, cậu lên bục để giảng mười lăm phút, và sau đó đã không nhớ những điều mình nói. Tất cả những gì cậu nhớ là sự sốt sắng lạ thường đã ở trên cậu cùng với việc nghe được những tiếng la hét và cổ vũ nồng nhiệt của mọi người.
Smith bắt đầu giảng Phúc Âm cho tất cả những người mà cậu gặp, nhưng cậu không thể hiểu lý do vì sao có quá nhiều người dường như không quan tâm. Sau đó, năm 1875, Cứu Thế Quân bắt đầu làm việc ở Bradford. Smith hạnh phúc khi nghe được tin đó. Cuối cùng, cậu có thể ở với một nhóm người cùng chia sẻ mong ước của cậu dành cho người hư mất! Vì thế cậu gia nhập Cứu Thế Quân khi họ đến đó và sau đó nhanh chóng học biết về quyền năng của sự kiêng ăn cầu nguyện.
Cứu Thế Quân có nhiều kết quả hơn bất kỳ ai khác trong thời điểm đó, đặc biệt trong lĩnh vực chinh phục linh hồn. Nhiều lần, họ có những buổi nhóm cầu nguyện thâu đêm, nằm sấp xuống trước Chúa. Cứu Thế Quân ban đầu có thẩm quyền thuộc linh rất lớn và nó được bày tỏ trong từng buổi nhóm của họ. Trong những buổi nhóm hằng tuần, cả nhóm sẽ tham gia với nhau và công bố có ít nhất năm mươi đến một trăm người cho Chúa, nhận biết rằng họ sẽ đạt đến con số này hoặc hơn thế. Rất nhiều người nhận biết Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của họ qua đội ở Bradford.
Khi cậu mười bảy tuổi, Smith đã gặp một người tin kính trong phân xưởng đã từng dạy cậu nghề hàn chì. Khi họ làm việc với nhau, người này đã giải thích cho Smith ý nghĩa và tầm quan trọng của việc báp tem bằng nước.
Háo hức để hoàn thành mạng lệnh trong Lời Chúa, Smith vui vẻ vâng theo và chịu báp tem bằng nước một thời gian ngắn sau đó. Trong suốt thời gian này, cậu cũng học biết về sứ điệp tái lâm của Chúa Giê-xu, và mạnh mẽ tin rằng Chúa Giê-xu sẽ đến lúc chuyển sang thế kỷ kế tiếp. Cậu quyết tâm “thay đổi con đường” của mọi người mà cậu gặp.
Tin rằng Chúa sẽ giúp đỡ mình trong mọi điều, Smith bắt đầu chức vụ. Vào năm 1877, cậu đến nhà của một thợ hàn chì để xin việc làm. Người thợ đó nói với Smith rằng ông không cần người nào nữa. Vì thế Smith cảm ơn và xin lỗi ông vì đã làm phí thời giờ của ông, rồi quay lưng bước đi. Bất thình lình, người thợ đó gọi cậu lại và nói: “Có một điều gì đó rất khác ở trong em. Tôi chỉ không thể để em đi.”5 Và cậu đã được thuê.
Smith làm công việc xuất sắc đến nỗi người thợ hàn đó không thể tiếp tục thuê cậu – cậu làm việc quá nhanh! Vì thế cậu quyết định chuyển đến Liverpool, mang kinh nghiệm hàn chì theo với mình. Với quyền năng của Chúa ở trên cậu rất nhiều, cậu bắt đầu chăm sóc thiếu nhi trong thành phố. Mong giúp đỡ các em, cậu đã giảng Phúc Âm cho chúng. Hàng trăm em đến căn lều ở bến tàu, là nơi Smith thi hành chức vụ. Tả tơi và đói, các bé trai và bé gái đến, và Smith chăm sóc tất cả. Dù có thu nhập tốt nhưng cậu chưa tiêu xài cho riêng mình, thay vì vậy cậu dùng số tiền đó để mua quần áo và thức ăn cho những đứa trẻ này.
Bên cạnh chức vụ với thiếu nhi, Smith cùng một người đến thăm các bệnh viện và những con tàu để làm chứng về Chúa Giê- xu. Cậu kiêng ăn cầu nguyện cả ngày Chúa Nhật, không bao giờ nhìn thấy ít hơn năm mươi người được cứu mỗi lần cậu giảng. Cứu Thế Quân liên tục mời Smith giảng tại các buổi nhóm của họ, và trong lúc giảng, cậu luôn đứng lên trong tình trạng tan vỡ vì cậu khóc trước mặt mọi người. Dù cậu ước có được tài hùng biện của Charles Spurgeon và những diễn giả cao quý khác, thì chính sự tan vỡ của cậu đã khiến hàng trăm người chạy đến với Chúa với lòng mong ước được biết Ngài.
‘NHỮNG NGƯỜI NGỚ NGẨN NÀY LÀ AI?’
Một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc đời của Smith Wigglesworth là vợ của anh, Mary Jane “Polly” Featherstone. Trong cuộc đời của nhiều cặp vợ chồng có chức vụ vĩ đại, dường như khi người phối ngẫu mạnh mẽ thì người kia phải có vai trò kém hơn nhằm giữ sự xung đột ở mức tối thiểu. Nhưng đây không phải là trường hợp của gia đình Wigglesworth! Polly vẫn là người mạnh mẽ tương đương, nếu không phải là mạnh mẽ hơn chồng cô trong một số thời điểm nào đó. Cô chưa bao giờ ngồi ở ghế sau, và gia đình Wigglesworth đồng ý về điều này. Anh đã nói về cô: “Tất cả những gì mà hôm nay tôi nợ, sau Chúa, là người vợ yêu quý của tôi. Ôi, cô ấy thật đáng yêu!”6
Polly Featherstone xuất thân từ một gia đình tốt thuộc hội Giám Lý. Dù cha của cô giảng trong Phong trào không uống rượu, ông trở thành người thừa kế một gia tài lớn qua việc buôn bán rượu. Tuy nhiên, neo chặt vào sự tin quyết bên trong, ông không đụng dù chỉ một “đồng xu” trong gia tài ô uế đó. Cô đã nhìn thấy nếp sống của cha mình và đã bắt chước tính cách mạnh mẽ và niềm tin về sự thánh khiết của ông. Cô cũng là một người phụ nữ nói điều mình nghĩ.
Về sau, Polly rời khỏi môi trường giàu có xung quanh và hướng đến “sự nổi tiếng và vận may” tại thành phố Bradford. Khi đã đến đó, cô làm việc cho một gia đình lớn.
Một ngày nọ, trong lúc cô đang ở dưới thị trấn, cô nghe tiếng kèn và tiếng la hét. Tìm cách để đến chỗ tiếng “ồn ào” đó, cô thích thú với những gì mình thấy – một buổi nhóm ngoài trời! Cứu Thế Quân là một tổ chức mới vào thời điểm này, và cô nghĩ “Những người ngớ ngẩn này là ai?” Hiếu kỳ, cô đi theo nhóm này đến một tòa nhà xiêu vẹo lớn. Khi những người trong Cứu Thế Quân diễu hành vào bên trong, Polly vẫn đứng ở góc phố, hy vọng không ai thấy cô. Cuối cùng, vì quá hiếu kỳ, cô lẻn vào bên trong và ngồi trên đầu khoang bếp. “HA-LÊ-LU-GIA! MỌI VIỆC ĐÃ XONG!”7
Gia đình Wigglesworth. Hàng trên: Alice, Seth, và Harold. Hàng dưới: Ernest, Smith, Mary Jane (Polly), và George
Gypsy Tillie Smith, người chị của nhà truyền giáo nổi tiếng Gypsy Rodney Smith, đang giảng. Phóng thẳng sứ điệp nóng cháy vào mọi người, cô công bố sự cứu rỗi qua dòng huyết Chúa Giê- xu. Polly được đụng chạm một cách sâu sắc. Nhận ra tình trạng hư mất của mình, cô đã rời khỏi khoang bếp và đi xuống chỗ kêu gọi phía trước và quỳ gối xuống. Cô từ chối lời cầu nguyện từ bất kỳ nhân sự nào, cho đến khi cuối cùng Tillie Smith đến cầu nguyện cho cô. Với ánh sáng của Đấng Christ làm ấm lòng cô, Polly nhảy cẫng lên, ném đôi găng tay của mình lên không trung và hét lớn: “Ha-lê-lu-gia! Mọi sự đã xong!”7 Ngồi trong vòng khán giả, không xa cô lắm, có một thanh niên đang chăm chú nhìn cô. Người thanh niên đó là chồng tương lai và bạn đời trong định mệnh của cô – Smith Wigglesworth.
Smith đã nói: “Trông như thể sự cảm thúc của Chúa ở trên cô ấy từ lần đầu tiên.” Đêm hôm sau, khi Polly làm chứng, Smith cảm thấy cô ấy “thuộc về mình”. Được cho phép để bỏ giai đoạn huấn luyện thông thường, cuối cùng cô đã được chính Tướng Booth giao cho một nhiệm vụ như một sĩ quan trong Cứu Thế Quân.
Polly đã phục vụ trong Cứu Thế Quân ở Scotland trong một thời gian, sau đó trở về Bradford. Cuối cùng cô rời khỏi đoàn vì sự căng thẳng xung quanh mối quan hệ của cô với Wigglesworth. Cô là một “sĩ quan” và anh ấy chỉ là một “người lính” thôi. Dù Smith chưa bao giờ chính thức gia nhập đoàn, các quy tắc rất nghiêm ngặt liên quan đến mối quan hệ thân thiết giữa hai cấp.
Sau khi rời đi, Polly đã gia nhập Blue Ribbon Army, nhưng cô vẫn luôn là người bạn thật của Cứu Thế Quân. Vào lúc đó, các mục sư giám lý gọi cô đến truyền giảng cho Hội Thánh của họ, và hàng trăm người đã tin Chúa qua chức vụ của cô. Quyền năng của Chúa ở trên cô rất mạnh mẽ.
“SMITH ƠI, ANH KHÔNG PHẢILÀ CHỦ CỦA EM”
Polly trở thành “bà Wigglesworth” vào năm 1882, lúc cô hai mươi hai tuổi. Smith lớn hơn vợ mình một tuổi, và anh khích lệ cô tiếp tục chức vụ truyền giáo của mình, trong khi anh thỏa lòng với nghề hàn chì. Tuy nhiên, anh có một “gánh nặng” cho một khu vực ở Bradford là nơi chưa có Hội Thánh. Vì vậy, hai vợ chồng đã mướn một căn nhà nhỏ và dành làm nơi nhóm lại, gọi nơi đó là “Đường Truyền giáo Bradford”.
Vào năm thứ ba mươi của hôn nhân, gia đình Wigglesworths có một người con gái Alice và bốn người con trai tên Seth, Harold, Ernest, và George (người về sau đã chết năm 1915). Nhưng trước khi mỗi đứa con được sinh ra, gia đình Wigglesworths đã cầu nguyện cho từng đứa con để chúng sẽ hầu việc Đức Chúa Trời. Sau khi các con ra đời, Smith chăm sóc cho chúng trong suốt giờ nhóm trong lúc vợ ông giảng. Đi theo sứ điệp, Smith luôn lên phía trước, cầu nguyện để mang nhiều người về cho Đấng Christ. Không hề cảm thấy bị đe dọa bởi vai trò chức vụ của vợ mình, Smith đã nói: “Công việc của cô ấy là quăng lưới ra; phần của tôi là kéo cá lên bờ. Việc làm sau cũng quan trọng như việc làm trước.”9 Anh biết quyền năng của một tấm lòng tôi tớ.
Mùa đông năm 1884 là một mùa khốc liệt cho Bradford, và kết quả là những người thợ hàn chì đều rất được cần đến. Không những Smith dành cả mùa đông làm việc mà còn bận rộn sửa chữa thiệt hại như là hậu quả của những yếu tố của 2 năm sau nữa.
Trong những ngày làm việc nặng nhọc và phát đạt này, việc đi nhóm của Smith giảm sút nhanh chóng và lòng anh nguội lạnh với Chúa. Nhưng khi ngọn lửa của anh càng mờ dần thì ngọn lửa của Polly càng sáng hơn, và lòng đam mê của cô dành cho Chúa và đời sống cầu nguyện của cô không bao giờ dao động. Sự kiên định và siêng năng của cô trong mọi điều thuộc về Chúa khiến sự xao lãng của Smith càng rõ ràng hơn, và anh cảm thấy bực bội bởi sự có mặt của cô.
Một đêm nọ, cô trở về nhà từ Hội Thánh trễ hơn bình thường một chút. Khi cô bước vào nhà, Smith nói: “Anh là chủ của nhà này, và anh sẽ không để em về nhà trễ hơn một giờ như thế này nữa!” Polly nhỏ nhẹ đáp: “Em biết anh là chồng của em, nhưng Đấng Christ là Chủ của em.”10 Quá bực bội, Smith mở cửa sau và ép cô ra khỏi nhà rồi khóa cửa lại. Nhưng trong lúc quá bực bội, anh quên khóa cửa trước. Vì thế, Polly đi vòng ra phía trước nhà và vào nhà bằng cửa trước – và cười! Thực tế, cô đã cười nhiều đến nỗi cuối cùng Smith đã đầu hàng và cùng cười với cô. Trong lúc anh cười, một sự mặc khải đến trong lòng và tâm trí anh, vì thế anh quyết định dành mười ngày cầu nguyện và kiêng ăn để tìm kiếm Chúa. Trong sự ăn năn thống thiết và chân thành, anh đã tìm thấy con đường phục hồi của mình.
BẠN ƯỚC LƯỢNG Ở ĐÂU TRÊN CÁI CÂN RICHTER?
“Người phụ nữ là nhiệt kế của căn nhà” là một câu nói đúng. Ví dụ, nếu vợ của bạn đang có tâm trạng không tốt, những thành viên còn lại trong nhà cuối cùng sẽ có thái độ tiêu cực. Mặt khác, nếu vợ của bạn vui vẻ, cho dù bạn cảm thấy tệ bao nhiêu thì mọi thứ dường như lạc quan hơn.
Polly Wigglesworth minh họa rất hay về nguyên tắc “ổn định”. Tôi chắc rằng sự trung thành và niềm vui của cô ấy đã được thử nghiệm nhiều lần trong lúc chồng của cô sa sút. Cô là một diễn giả rất nổi tiếng, tổ chức các buổi nhóm truyền giảng khắp thành phố, nhìn thấy hàng trăm người đến với Chúa – trong khi chồng cô làm việc hay ngồi ở nhà. Không nghi ngờ gì, có những lời xì xầm về tình trạng thuộc linh của Smith, khi chức vụ của Polly được dò xét kỹ lưỡng bởi nhiều người, nhưng cô chưa bao giờ “lỡ một bước”. Hiển nhiên, một điều khiến cô luôn chiến thắng là – sự an ninh của cô nơi Chúa Giê-xu.
Trong nhiều trường hợp, khi một người chồng sa sút, người vợ cằn nhằn và than phiền với suy nghĩ rằng cô ấy đang đẩy chồng mình đến chỗ hành động và ăn năn, nhưng một tấm lòng ăn năn là kết quả của công tác Đức Thánh Linh. Ngọn lửa của Chúa giữ tấm lòng vui mừng bên trong Polly. Kết quả là, Smith nhìn thấy sai lầm của mình và được kéo trở lại với Chúa. Thái độ của vợ anh là chịu trách nhiệm trực tiếp cho sự ăn năn của anh, và cuối cùng, chức vụ làm rung chuyển thế giới của họ. Đây là mục tiêu cao nhất của “người bạn giúp đỡ”, để giúp [bạn đời] đáp ứng sự kêu gọi của mình cho dù nó là gì đi nữa. Chúa biết tấm lòng của người bạn đời của bạn và điều gì cần để chuyển người đó đến nơi mà người đó thuộc về. Hãy cứ giữ tấm lòng của bạn đúng đắn và để những phần khác cho Chúa và Đức Thánh Linh. Với cách đó, bạn sẽ không bao giờ thua cả.
SỰ CHỮA LÀNH ĐẦU TIÊN
Vào cuối những năm 1800, Smith đi đến Leeds để mua vật dụng cho công việc hàn chì của mình. Trong khi ở Leeds, anh tham dự một buổi nhóm là nơi có sự chữa lành thiên thượng được thực hiện. Smith ngồi trong buổi nhóm quan sát những sự chữa lành kỳ diệu xảy ra. Lòng anh được đụng chạm và anh bắt đầu tìm kiếm người bệnh ở Bradford, trả chi phí cho họ để đến dự các buổi nhóm chữa lành ở Leeds, không bao giờ dám nói với vợ anh về điều anh đang làm. Anh e ngại rằng cô sẽ tham gia với những người chế giễu khác của thời đó trong việc gọi sự chữa lành thiên thượng là “sự cuồng tín.” Nhưng khi cô biết được sự thật, cô chú ý lắng nghe sự mô tả của anh về các buổi nhóm đó, và chính cô cũng cần sự chữa lành, cô đã cùng đi với anh đến Leeds. Sự cầu nguyện của đức tin được mang đến cho cô, và cô nhận được sự bày tỏ ngay tức thì. Từ ngày đó trở đi, gia đình Wigglesworths nóng cháy với lẽ thật về sự chữa lành thiên thượng.
Kết quả là, Hội Thánh của họ ở Bradford đã phát triển. Vì thế họ tìm một nơi rộng hơn và đã có được một tòa nhà trên đường Bowland và gọi nơi mới này là “Đường Truyền giáo Bowland”. Họ có một cuộn giấy lớn được vẽ trên tường phía sau bục giảng ghi rằng: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa lành con.”
Kinh nghiệm đầu tiên của Smith với sự chữa lành xảy ra vào đầu năm 1900. Bệnh trĩ đã quấy rầy anh từ lúc còn nhỏ, vì vậy một mục sư đến thăm đã cầu nguyện và đồng ý trong đức tin với Smith rằng tình trạng này sẽ được Chúa chữa lành. Cho đến thời điểm này, Smith đã phải dùng “thuốc muối” mỗi ngày, nhưng hoàn toàn tin chắc vào ý muốn Chúa, cuối cùng anh đã ngừng việc sử dụng thuốc và nhận thấy rằng anh được chữa lành hoàn toàn, và cứ khỏe mạnh như thế đến hết đời mình.
Lúc này, Smith đã hoàn toàn dốc sức cho chức vụ chữa lành. Vì anh làm chủ trong công việc, nên anh có thời gian dẫn nhiều nhóm người đến Căn nhà chữa lành ở Leeds, và luôn trả chi phí cho họ. Anh nổi tiếng vì lòng thương xót rất lớn dành cho người bệnh và người nghèo khó. Những nhân sự tại Leeds nhìn thấy Smith đến với nhiều nhóm người và cười nói giữa vòng họ, vì dường như anh chưa hiểu rằng Chúa có thể chữa lành người bệnh ở Bradford, giống như Ngài đã làm ở tại Leeds.
“BỊ ĐẨY” LÊN CHỖ BỤC GIẢNG!
Nhận ra rằng Smith cần một số “sự kích động” để khiến chức vụ công khai của anh được tiến triển, những người lãnh đạo của Ngôi nhà chữa lành ở Leeds đã đưa ra quyết định.
Biết rằng họ sẽ tham dự hội nghị Keswick, họ mời Smith thế chỗ vào bục giảng trong lúc họ vắng mặt. Ban đầu Smith lưỡng lự, nhưng các mục sư bảo đảm là anh có thể làm được. Vì thế anh tự yên ủi chính mình bằng suy nghĩ rằng anh chỉ đảm nhận và có một số người nào đó bằng lòng giảng. Khi đến ngày thi hành chức vụ, Smith đảm nhận, nhưng không ai giảng. Tất cả mọi người đều đồng ý rằng Smith nên giảng. Lưỡng lự, anh bắt đầu giảng và đến khi kết thúc bài giảng của mình, mười lăm người tiến về phía trước để được chữa lành. Một người đi khập khiễng bằng nạng, và khi Smith cầu nguyện, người đó nhảy lên nhảy xuống mà không cần nạng, được chữa lành ngay tức thì. Không có ai ngạc nhiên bằng Smith cả!
Từ buổi nhóm đó, các cánh cửa bắt đầu mở ra cho Smith thực hiện chức vụ, và không lâu sau anh thông báo sẽ tổ chức một buổi nhóm chữa lành ở Bradford. Vào đêm đầu tiên, mười hai người đến để được chữa lành, và từng người đều được lành. Một người phụ nữ có một khối u lớn đã được liên tục tiêu biến.
Sau khi cầu nguyện bằng đức tin, cô đã trở về nhà và thuật lại rằng ngày hôm sau chỉ còn một vết thẹo thôi.
XIN VUI LÒNG… IM LẶNG!
Không lâu sau, Smith nhận được thách thức đầu tiên. Đó là một tình huống sống hoặc chết. Vợ của một người bạn bệnh rất nặng đến nỗi bác sĩ cho rằng cô sẽ chết trong tối hôm đó. Bạn của Smith nói rằng anh ấy không thể tin giùm cho vợ mình, vì anh không biết cách nào. Lòng thương xót dâng trào trong lòng của Smith và anh quyết định giúp đỡ gia đình này. Vì vậy, anh đến một mục sư đang mở một Hôi Thánh nhỏ ở Bradford, nhờ ông ấy cầu nguyện cho người phụ nữ này. Nhưng vị mục sư đó từ chối. Sau đó, Smith đến gặp một người bạn, là người nổi tiếng vì sự cầu nguyện mạnh mẽ của mình. Người bạn đồng ý đi cùng với anh và hai người đến nhà của người phụ nữ đó.
Smith cảm thấy được khích lệ khi có một người đi cùng mình. Anh bảo bạn mình bắt đầu cầu nguyện ngay khi họ vào nhà, và khi nhìn vào tình trạng yếu ớt của người phụ nữ này, người bạn nhận lấy lời khuyên của Smith. Anh ta bắt đầu cầu nguyện – nhưng không như điều Smith hy vọng. Người này cầu nguyện cho “gia đình sẽ bị bỏ lại này” và tiếp tục trong giọng điệu rời rạc, tiêu cực cho đến khi Smith thét lên và bảo anh ta ngừng lại. Suy nghĩ về điều tệ hại sẽ ở đằng sau người đó, sau đó, anh bảo chồng của người phụ nữ đó cầu nguyện. Nhưng anh ta thét lên như kiểu lâm ly bi đát. Cuối cùng, khi Smith không thể chịu nổi nữa, anh la thật lớn đến nỗi người ngoài đường có thể nghe thấy – “Chúa ơi, xin dừng anh ấy lại!” Người chồng dừng lại.
Sau đó, Smith lấy chai dầu trong túi ra và đổ cả chai dầu lên thân thể của người phụ nữ này trong danh Chúa Giê-xu. Rồi anh đứng ngay tại đầu giường, Smith nhìn thấy khải tượng đầu tiên của mình. Anh nói: “Thình lình, Chúa Giê-xu hiện ra. Tôi thấy mắt mình chăm xem Ngài. Chúa cho tôi một trong những nụ cười dịu dàng này… tôi không bao giờ quên khải tượng đó, khải tượng về nụ cười dịu dàng và tuyệt đẹp đó.”11 Và một lát sau khi khải tượng biến mất, người phụ nữ ngồi dậy trên giường với sự sống mới. Cô đã sống để nuôi nấng một số đứa con và sống thọ hơn chồng mình.
“MA QUỶ, HÃY RA NGAY!”
Khi sự đói khát Lời Đức Chúa Trời của Smith gia tăng, anh chưa bao giờ cho phép một sự xuất bản nào vào nhà mình, dù là sách ngoài đời hay của Cơ Đốc, ngoại trừ Kinh Thánh. Anh cảm thấy rằng tất cả những gì anh cần biết đều nằm trong Lời Đức Chúa Trời. Smith nói về vợ mình: “Cô ấy nhìn thấy tôi dốt nát như thế nào, và ngay tức thì dạy tôi cách đọc và viết đúng; không may thay, cô ấy chưa bao giờ thành công trong việc dạy tôi đánh vần cả.”12
Kinh nghiệm kế tiếp của Smith với một tình huống sống chết đã xảy ra trong chính cuộc đời của anh. Một ngày kia, đột nhiên anh bị ngã xuống với cơn đau dữ dội và bị hạn chế ở trên giường. Vì đã đồng ý với vợ từ trước rằng sẽ không có thuốc men trong nhà, anh phó sự chữa lành của mình trong tay của Chúa.
Cả gia đình cầu nguyện suốt đêm cho một số sự giảm nhẹ, nhưng không có gì xảy ra cả. Mỗi giờ, Smith càng yếu hơn, và cuối cùng, anh nói với vợ mình: “Có vẻ như đây là sự kêu gọi trở về nhà của anh. Để bảo vệ em, bây giờ em nên gọi bác sĩ.” Tấm lòng tan vỡ, Polly đến gặp một bác sĩ, nghĩ rằng sự cuối cùng đã đến với chồng mình.
Khi bác sĩ đến, ông lắc đầu và bảo gia đình rằng đây là bệnh viêm ruột thừa và tình trạng này đã tệ hơn trong sáu tháng qua. Ông tiếp tục nói rằng các nội tạng của Smith đã bị tổn hại nhiều đến nỗi không còn hy vọng nữa, ngay cả khi có phẫu thuật. Khi vị bác sĩ đó rời đi, một người phụ nữ lớn tuổi và một người nam thanh niên bước vào phòng của Smith. Người phụ nữ này tin vào việc cầu nguyện lời cầu nguyện của đức tin, và bà tin rằng mọi bệnh tật đều đến từ ma quỷ. Trong lúc bà cầu nguyện, chàng thanh niên leo lên giường, đặt hai tay trên Smith và kêu lên rằng: “Trong danh Chúa Giê-xu, ma quỷ, hãy ra ngay!”
Quá đỗi ngạc nhiên, “ma quỷ đã ra khỏi” và cơn đau cũng hoàn toàn biến mất. Vì ích lợi, hai người này cầu nguyện cho Smith một lần nữa, sau đó anh đứng dậy, mặc quần áo vào và đi xuống cầu thang. Anh nói với vợ mình: “Anh được lành rồi. Có việc gì làm không em?” Khi Polly nghe câu chuyện của anh, vẫn còn kinh ngạc hoàn toàn, cô đã đưa cho anh yêu cầu về công việc. Sau đó, anh bắt đầu đi ra giải quyết vấn đề về công việc hàn chì và không bao giờ bị hành hại bởi bệnh viêm ruột thừa nữa.13
“HỌ NHẬN LÃNH MA QUỶ”
Vào năm 1907, một bước ngoặt khác đã đến trên cuộc đời của Smith Wigglesworth. Ông đã nghe nói về một nhóm người ở Sunderland “được báp tem Thánh Linh” và “nói các thứ tiếng khác”. Vì thế, ông quyết định chính mình sẽ đến xem hiện tượng này.
Cho đến lúc này, Smith nghĩ rằng mình đã được báp tem Thánh Linh rồi. Ông cùng vợ mình, đi theo niềm tin phổ biến của thời đó rằng sự nên thánh là báp tem Đức Thánh Linh. Sau đó Smith nhớ lại một tình huống trước đây từng khiến ông ăn năn và bắt đầu mười ngày kiêng ăn. Trong lần kiêng ăn này, Smith đã trở lại với Chúa và thực tế, ông đã kinh nghiệm một sự thay đổi rõ ràng trong đời sống mình. Có người nói rằng khi ông cầu nguyện và khóc trước mặt Chúa, ông đã dâng mình để được thánh hóa hoàn toàn. Khi kỳ kiêng ăn đã qua, ông được tự do khỏi tính nóng giận và tâm trạng buồn rầu của mình đến mức một số người thường nói rằng họ muốn linh mà Smith có. Kết quả là, Smith nghĩ rằng mình đã được báp tem Thánh Linh hay đã được thánh hóa.
Trong lúc viết cho những người bạn của mình ở Sunderland về chủ đề nói tiếng lạ, ông cũng được cảnh báo phải tránh xa bởi vì “những người đó đang nhận lãnh ma quỷ.” Tuy nhiên, khi Smith đến và cầu nguyện với những người bạn của mình về vấn đề này, họ nhìn ông và nói: “Hãy vâng theo sự dẫn dắt của chính anh.”14
Ông thất vọng khi ngồi trong các buổi nhóm ở Sunderland, dưới sự lãnh đạo của Vicar Alexander Boddy. Ở Bradford, dường như có sự vận hành mạnh mẽ của Chúa. Nhưng ở đây, dường như có sự khô hạn thuộc linh, không có sự bày tỏ nào cả. Trong sự thất vọng, ông liên tục cắt ngang buổi nhóm và nói: “Tôi đến từ Bradford, và tôi muốn kinh nghiệm việc nói tiếng lạ như quý vị đã có vào Ngày Lễ Ngũ Tuần. Nhưng tôi không hiểu vì sao những buổi nhóm của chúng tôi dường như nóng cháy, trong khi các buổi nhóm của quý vị lại không như thế.”15
Smith cắt ngang buổi nhóm quá nhiều lần trong sự tìm kiếm tuyệt vọng của ông đến nỗi bị kỷ luật ra khỏi tòa nhà đó.
ĐƯỢC BAO PHỦ TRONG QUYỀN NĂNG VÀ VINH HIỂN
Việc tìm kiếm Chúa hết lòng để kinh nghiệm “báp tem trong Thánh Linh”, Smith đi đến một tòa nhà Cứu Thế Quân địa phương để cầu nguyện. Ba lần ông bị ngã xuống sàn nhà bởi quyền năng của Chúa. Những người trong tổ chức Cứu Thế Quân cảnh báo ông đừng nói tiếng lạ, nhưng Smith quyết tâm biết Chúa trong lãnh vực này. Bốn ngày ông tìm kiếm Chúa với mong đợi nói tiếng mới, nhưng không có kết quả. Cuối cùng, thất vọng trong tâm linh, ông cảm thấy đã đến lúc trở về Bradford. Nhưng trước khi rời đi, ông đến nhà của mục sư để nói lời tạm biệt Bà Boddy là vợ của mục sư. Ông nói rằng ông sẽ phải về nhà và không nhận được việc nói tiếng mới. Bà trả lời: “Nói tiếng mới không phải là điều anh cần, nhưng anh cần được báp tem”.16 Smith nhờ bà đặt tay trên mình trước khi đi. Bà đã cầu nguyện rất giản dị nhưng đầy năng quyền, và sau đó rời khỏi căn phòng. Chính lúc đó thì lửa giáng xuống. Được bao phủ bởi quyền năng và sự vinh hiển của Chúa, Smith nhìn thấy một khải tượng về thập tự giá trống không cùng với việc Chúa Giê-xu được tôn cao ở bên hữu của Đức Chúa Cha. Lòng đầy sự ngợi khen và thờ phượng, Smith đã mở miệng ra và bắt đầu nói trong các thứ tiếng khác, cuối cùng nhận ra rằng dù ông đã nhận được sự xức dầu trước đây, nhưng bây giờ ông được báp tem Thánh Linh như vào ngày Lễ Ngũ Tuần.
Thay vì về nhà, Smith đã đi thẳng đến Hội Thánh nơi Mục sư Boddy đang tổ chức buổi nhóm. Cắt ngang, ông xin phép được nói trong ít phút. Khi ông kết thúc “bài giảng” của mình, năm mươi người được báp tem trong Thánh Linh một cách đầy vinh hiển và họ nói các thứ tiếng. Tờ báo địa phương Sunderland Daily Echo, ghi dòng đầu về buổi nhóm, kể lại chi tiết về kinh nghiệm của Smith, bao gồm việc nói tiếng mới và sự chữa lành. Ông gửi điện báo về nhà, báo cho họ biết về các tin tức tốt lành.
TIẾNG CƯỜI THÁNH
Trên đường trở về Bradford, Smith cảm thấy mình có một thách thức để đối đầu với niềm vui mới có của mình, và ông đã đúng. Khi ông đến cửa nhà, Polly nói cách kiên quyết: “Em muốn anh hiểu rằng em cũng được báp tem Thánh Linh như anh và em không nói tiếng mới… Chúa Nhật này, anh sẽ giảng và em sẽ xem điều gì ở trong đó.”17
Cô ấy đã giữ lời, và khi đến ngày Chúa Nhật, Polly ngồi ở phía cuối cùng của Hội Thánh. Khi Smith lên bục giảng, Chúa đã ban cho ông đoạn Kinh Thánh Ê-sai 61:1-3. Ông giảng đầy năng quyền và sự tin chắc trong khi vợ ông ngồi trên ghế lúng túng và tự nhủ: Chúa ơi, đó không phải là Smith! Đó không phải là anh Smith của con!18
Vào cuối buổi nhóm, một nhân viên đứng lên và nói rằng anh ta muốn có được kinh nghiệm mà Smith có. Khi anh ta ngồi xuống, anh trượt khỏi ghế và ngã xuống sàn! Con trai cả của Smith đứng lên và nói điều tương tự và cậu cũng trượt khỏi ghế và ngã xuống sàn! Trong một khoảng thời gian rất ngắn, mười một người nằm trên sàn và cười trong Thánh Linh. Cả hội chúng đầy ắp tiếng cười thánh khi Chúa tuôn đổ Thánh Linh Ngài trên họ. Đây là khởi đầu của sự tuôn đổ tuyệt vời ở Bradford, là nơi mà hàng trăm người nhận được báp tem Thánh Linh và nói các thứ tiếng khác.
Không lâu sau khi Polly được báp tem trong Thánh Linh, hai vợ chồng đã đi khắp đất nước, đáp ứng những lời kêu gọi cho chức vụ. Bất cứ nơi nào họ đi, sự thuyết phục dường như ở trên mọi người. Một lần nọ, khi Smith vào trong một cửa hàng tạp hóa để mua sắm, có ba người quỳ gối xuống trong sự ăn năn. Một lần khác, hai người phụ nữ đang làm việc ngoài đồng, và khi Smith đi ngang, ông lớn tiếng hỏi: “Hai chị tin Chúa chưa?” Ngay sau khi ông vừa dứt lời thì họ bỏ xô nước xuống và kêu cầu cùng Chúa.19
GIAO ƯỚC VỀ TÀI CHÁNH CỦA CHÚA
Trong suốt những ngày kế tiếp, Smith phát triển thói quen cầu nguyện và kiêng ăn. Không lâu sau, nhiều lá thư khắp nơi trên đất nước đổ vào nhà của Wiggleworth, xin ông hãy đến và cầu nguyện cho bệnh của họ. Ông trả lời từng lời thỉnh cầu mà mình có thể, và đôi khi sau một chuyến đi xe lửa đến một thành phố nào đó, ông sẽ tìm một chiếc xe đạp và đạp thêm mười dặm nữa để đến gặp một người bị đau ốm.
Với một công tác chức vụ tràn ngập lạ kỳ, Smith sớm nhận thấy công việc hàn chì của mình đã đi xuống. Ông được mời đến những thành phố khác nhiều đến nỗi những khách hàng của ông phải gọi thợ hàn khác. Mỗi lần ông trở về Bradford thì công việc ít đi.
Trở về sớm sau một hội nghị, Smith nhận thấy rằng hầu hết những khách hàng của ông đã gọi các thợ hàn khác đến làm việc.
Có một người đàn bà góa không thể tìm được sự giúp đỡ, vì thế ông đã trực tiếp đến nhà và làm công việc sữa chữa cũng như phần mái nhà đã bị hỏng. Khi bà hỏi phần tiền phải trả, Smith đáp: “Tôi không nhận tiền từ bà đâu. Tôi sẽ xem đây là phần của dâng của tôi đối với Chúa như công việc hàn cuối cùng của mình.”20
Với sự tuyên bố đó, ông đã thanh toán các khoản của mình, đóng cửa việc kinh doanh của mình, và bắt đầu chức vụ trọn thời gian. Bất kể những câu chuyện nghèo thiếu mà mình từng nghe, ông tin rằng Chúa sẽ chu cấp dư dật khi ông trung tín phục vụ Ngài. Tin cậy trong sự đồng công với Chúa, ông đã đặt một điều kiện:
“Gót giày của tôi không bao giờ là một sự nhục nhã, và tôi không bao giờ phải mặc quần bị dài bị rách đầu gối. Tôi thưa với Chúa: ‘Nếu những điều này xảy ra thì con sẽ quay trở lại nghề hàn chì.’”21
Chúa luôn chu cấp mọi nhu cầu của ông, và ông không bao giờ quay trở lại công việc hàn chì nữa.
“HÃY ĐỂ CÔ ẤY ĐI”
Không lâu sau, một trong những đau buồn lớn nhất trong cuộc đời của Wigglesworth đã xảy ra. Trong lúc đang chờ ở trạm xe lửa để đến Scotland, Smith đã nhận được tin tức bất ngờ: Polly đã bị đột quỵ bởi cơn đau tim trong lúc trở về từ Đường Truyền giáo Bowland.
Vội vã chạy đến bên giường của Polly, ông nhận thấy tâm linh của cô đã trở về với Chúa. Không chấp nhận điều này, ngay lập tức Smith quở trách sự chết và tâm linh của cô quay trở lại, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Sau đó Chúa phán: “Đây là lúc ta muốn đưa cô ấy về với Ta”. Vì thế, với tấm lòng tan vỡ, Smith giải phóng người bạn đời của mình, người mà ông đã yêu thương trong nhiều năm qua, trở về với Chúa. Polly Wigglesworth đã phục vụ Chúa cho đến phút cuối cùng của đời mình, ngày 1 tháng Giêng năm 1913.22 Một số người nói rằng sau khi cô ấy qua đời, Smith đã xin nhận được gấp đôi từ Thánh Linh.23 Từ lúc đó trở đi, chức vụ của ông thậm chí mang năng quyền lớn hơn.
ĐÂY LÀ BÍ QUYẾT…
Ngay lập tức, Smith bắt đầu mục vụ khắp quốc gia cùng với con gái và con rể của mình. Tờ báo Anh quốc kèm theo những câu chuyện về tin tức tôn giáo là điều cực kỳ khác thường. Tuy nhiên tờ Daily Mirror đã dành trang bìa của họ cho bốn bức hình chức vụ năng động của Wigglesworth trong lúc đang hành động.24 Vì tờ báo này là tờ báo lưu truyền rộng rãi nhất trong quốc gia, hàng trăm người tìm kiếm chức vụ của ông. Smith đã có một sự mặc khải lạ lùng về chủ đề đức tin và sự giảng dạy của ông về chủ đề này đã thu hút nhiều đám đông. Wigglesworth đã không chấp nhận việc hy vọng rằng lời cầu nguyện sẽ có hiệu quả. Sự mặc khải của ông về đức tin rất vững vàng, làm tan chảy cả tội nhân cứng đầu nhất đến với tình yêu của Chúa Giê-xu Christ.
Lý thuyết của Smith về đức tin rất đơn giản: Chỉ tin mà thôi. Ông không tin rằng Chúa có con cưng. Một trong những ví dụ chính của ông trong nguyên tắc này đến từ Tân Ước, chỗ mà Giăng được ghi chú là vị sứ đồ mà “rất được Chúa Giê-xu yêu thương”. Theo Wigglesworth, việc Giăng “dựa trên ngực Chúa Giê-xu” không phải khiến ông trở thành người được cưng. Yếu tố có được sự chú ý với Giăng là mối quan hệ và sự nương cậy của ông nơi Chúa Giê-xu. Smith liên tục công bố:
“Có một điều gì đó về việc tin cậy Chúa, mà khiến Chúa sẵn lòng vượt qua hàng triệu người chỉ để xức dầu cho bạn” 25
Nhiều sách đã được viết ra với cố gắng tìm ra bí quyết trong quyền năng của Wigglesworth, nhưng câu trả lời rất đơn giản.
Đức tin lớn của ông xuất phát từ mối quan hệ của ông với Chúa Giê-xu Christ. Từ mối quan hệ đó Smith có mọi câu trả lời cho mọi tình huống ông đối diện. Chúa không có con cưng – Chúa vận hành qua những người tin nơi Ngài.
“TÔI CHƯA BAO GIỜ ĐẾN QUÁ TRỄ CẢ.”
Thông thường, các phương pháp của Smith bị hiểu lầm và bị lên án. Ông chưa từng bị rúng động bởi sự chỉ trích, nhưng ông có lòng thương xót đối với những người chỉ trích mình. Thay vì trả thù, ông sẽ trả lời: “Tôi không bị dao động bởi điều tôi thấy hay nghe; tôi được khuấy động bởi những điều tôi tin.”26
Rao giảng Lời Chúa
Những năm sau này
Thi hành chức vụ “trong” Thánh Linh
Bốn thế hệ
Chai dầu được Smith Wigglesworth sử dụng
Đức Thánh Linh bắt đầu dạy Smith nhiều mức độ khác nhau của đức tin. Đầu tiên, ông dạy rằng đức tin có thể được tạo ra trong những người khác.
Một ví dụ cho khái niệm này là một cậu bé bị ốm rất nặng. Gia đình đã thỉnh cầu Smith, nhưng khi Smith đến, người mẹ gặp ông ngay cửa và nói: “Ông đến quá trễ rồi. Chẳng có thể làm gì thằng bé nữa.” Smith đáp: “Chúa chưa bao giờ gửi tôi đến bất kỳ nơi nào là quá trễ cả.”27 Tình trạng của cậu bé rất tệ, và nếu cậu bé bị di chuyển, tim của nó sẽ ngừng đập và nó sẽ chết. Không cần phải nói, gia đình không có đức tin và đứa bé bệnh quá nặng để có thể tin cho chính mình. Trước khi ông có thể cầu nguyện cho cậu bé, Smith đã phải rời đi vì một cuộc hẹn ở tại nhà nguyện địa phương. Nhưng trước khi rời khỏi nhà họ, ông bảo gia đình đó rằng ông sẽ quay trở lại. Sau đó, ông hướng dẫn họ soạn quần áo cho cậu bé vì Chúa sẽ khiến nó sống lại. Khi Smith quay lại, gia đình vẫn chưa làm điều ông bảo, và khi họ nhìn thấy đức tin của ông, họ rất xấu hổ và lập tức soạn quần áo cho đứa bé. Smith bảo họ chỉ mang tất vào chân cậu bé. Sau đó, bên trong căn phòng của đứa bé, Smith đóng cửa lại và bảo cậu bé không có sự sống rằng một điều khác biệt sẽ xảy ra mà cậu chưa từng kinh nghiệm trước đây. “Khi ta đặt tay trên con, sự vinh hiển của Chúa sẽ đầy dẫy nơi này đến nỗi ta sẽ không thể đứng nổi. Ta sẽ không thể không ngã xuống sàn.”28 Ngay giây phút Smith chạm vào cậu bé, quyền năng Chúa đổ đầy trên căn phòng và mạnh đến nỗi Smith ngã xuống sàn. Thình lình, đứa bé bắt đầu hét to: “Chúa ơi, điều này là cho sự vinh hiển của Ngài!” Smith vẫn còn ở trên sàn khi đứa bé ngồi dậy và tự mặc quần áo vào. Mở cánh cửa ra, đứa bé hét: “Ba ơi! Chúa đã chữa lành cho con! Con đã được lành!”29
Sự vinh hiển đó đầy dẫy căn nhà đến nỗi người cha và người mẹ cũng ngã xuống sàn nhà. Chị gái của cậu, người đã từng được thoát khỏi nhà thương điên, đã được phục hồi tâm trí ngay tức thì. Cả làng đó cảm động và cơn phấn hưng bắt đầu trải khắp thành phố họ.
Vào ngày kỳ diệu đó, Smith học cách để chuyển giao đức tin bằng cách đặt tay. Chức vụ của ông không bao giờ như trước nữa, vì ông đã học biết một mức độ đức tin mới. Đức tin có thể được tạo ra và được chuyển giao vào trong đời sống của người khác!
“CHẠY ĐI, NGƯỜI PHỤ NỮ KIA. CHẠY!”
Khi đức tin ông bắt đầu gia tăng, Chúa bày tỏ cho ông một nguyên tắc khác của đức tin: Đức tin cần phải có hành động.
Cho đến lúc đó, tín hữu bình thường dường như nghĩ rằng Chúa chỉ hành động trong một cách tối thượng. Họ cảm thấy họ không có phần nào trong đó. Chức vụ của Smith Wigglesworth đã mang đến một ánh sáng mới cho lĩnh vực mờ tối này. Qua mối quan hệ sâu nhiệm của ông với Chúa, Smith bắt đầu để ý trong Kinh Thánh rằng những người đã nhận từ nơi Chúa đều hành động theo Lời Ngài để sản sinh kết quả. Do đó, chức vụ của ông bắt đầu nhận sự vận dụng đức tin này trong mỗi buổi nhóm. Lúc bắt đầu sự kêu gọi của mình ông sẽ nói: “Nếu quý vị tiến lên phía trước chỉ một bước, quý vị sẽ được phước; nếu quý vị tiến lên một thước, quý vị sẽ có nhiều hơn. Nếu quý vị lên phía trên bục giảng này, chúng tôi sẽ cầu nguyện cho quý vị và Chúa sẽ đáp ứng nhu cầu của quý vị với sự cung ứng của Ngài.”30
Đây là một lẽ thật trọng tâm đằng sau chức vụ chữa lành của ông liên quan đến đức tin. Lẽ thật mà nhiều người đã gọi là “liên tục”. Những hành động của Smith Wigglesworths là kết quả của lòng thương xót mãnh liệt và đức tin vững vàng nơi Chúa. Một Cơ Đốc Nhân muốn hành động trên những gì người đó tin để có thể nhận được sự bày tỏ, và đôi khi, Smith phải khởi xướng hành động đó cho một vài cá nhân. Ông gọi dạng chức vụ này là “sự chữa lành lan truyền”, chủ yếu vì đức tin của ông đóng góp phần lớn vào hành động của mỗi người.
Ví dụ, trong một buổi nhóm ở Arizona, một người phụ nữ trẻ đã đáp ứng với lời kêu gọi chữa lành của ông. Cô đã rất đau đớn bởi căn bệnh lao phổi, nhưng khi cô bước lên, ông đã nói: “Bây giờ, tôi sẽ cầu nguyện cho cô và cô sẽ chạy quanh tòa nhà này.” Ông cầu nguyện, sau đó hét lên: “Chạy, người phụ nữ kia. Chạy!” Người phụ nữ đó nói: “Nhưng tôi không thể chạy. Tôi vừa mới có thể đứng thôi.” Smith hét lên: “Đừng cãi lại với tôi, hãy làm điều tôi vừa nói.” Cô ấy lưỡng lự, vì thế Smith nhảy từ bục giảng xuống đất, nắm lấy cô và bắt đầu chạy. Cô ấy bám lấy ông cho đến khi bắt kịp nhịp độ, sau đó chạy nhanh quanh khán phòng mà không cần một sự nỗ lực nào.31
Có một người phụ nữ khác cũng trong buổi nhóm đó. Chân của cô không chạy được vì bị đau thần kinh tọa. Smith bảo cô hãy “Chạy!” Cô ấy cũng rất do dự đến nỗi ông phải đẩy cô! Sau đó ông chạy quanh tòa nhà với người phụ nữ này cứ bám lấy ông. Cuối cùng, quyền năng Chúa đã đáp ứng hành động của cô và cô đã hoàn toàn được giải cứu. Cô ấy đi bộ đến dự các buổi nhóm còn lại, từ chối đi xe, vui mừng vì đã có thể sử dụng chân mình lại lần nữa.
“CHA ƠI. NÓ ĐANG TUÔN ĐỔ KHẮP NGƯỜI CON!”
Đôi khi trong chức vụ của mình, Smith sẽ dùng một cách khác để hành động trên đức tin. Ông sẽ đọc một phần Kinh Thánh, sau đó hành động theo. Thông thường, ông tổ chức những bữa tiệc cho người què và người đói, với các thành viên của Đường Truyền giáo Bowland phục vụ thức ăn xa hoa. Ông cũng sắp xếp các bài làm chứng về sự chữa lành như sự tiêu khiển cho họ, đụng chạm và khiến những người nghèo này khóc.
Tại bữa tiệc đầu tiên, Smith đã đặt ra một tiền lệ cho những bữa tiệc tiếp theo đó. Khi kết thúc bữa đầu tiên, Smith thông báo:
“Chúng tôi đã giúp quý vị giải khuây tối nay. Nhưng thứ Bảy tuần sau, chúng tôi sẽ có một buổi nhóm khác. Hôm nay những ai bị trói buộc và phải vào đây bằng xe lăn… những ai đã dành cả đời mình đến gặp bác sĩ mà không khỏe hơn, sẽ đến để giải khuây cho chúng ta bằng những câu chuyện về sự tự do mà quý vị đã nhận được hôm nay bởi danh của Chúa Giê-xu.” Sau đó ông nói: “Ai muốn được lành?”32
Dĩ nhiên, tất cả mọi người đều muốn. Một người phụ nữ ngồi trên chiếc xe lăn đã đi bộ về nhà, và một người bị động kinh mười tám năm đã được giải cứu ngay tức thì và đã làm việc trong hai tuần. Một cậu bé đã được bao bọc trong một vật nối bằng sắt đã lập tức được lành khi quyền năng Chúa chạm đến ngay khi cậu kêu lên: “Cha ơi, cha ơi, cha ơi. Nó đang tuôn đổ khắp người con!”33
Tuần này đến tuần khác, nhiều phép lạ chữa lành của các buổi nhóm trước đã lan ra giữa vòng những người bệnh và đau ốm, mang họ đến buổi tiệc và buổi nhóm. Một cơn phấn hưng lớn đã bắt đầu giữa vòng họ – đơn giản chỉ từ việc hành động theo Lời Đức Chúa Trời.
“TÔI SẼ KHUẤY ĐỘNG THÁNH LINH”
Smith Wigglesworth nghiêm túc nhận lấy câu Hê-bơ-rơ 11:6. Cá nhân ông tin rằng thật sự không thể nào làm Chúa vui lòng nếu không có đức tin. Kết quả là, ông đã kết hợp đức tin đó với mọi phần trong đời sống đức tin của mình, bao gồm cách vận hành của Đức Thánh Linh. Khi hơi thở nhẹ nhất của Thánh Linh đến trên Smith, ông sẽ đi vào phòng ở riêng với Chúa. Trong việc phát triển mối quan hệ này, ông hiểu hành động của đức tin khi ông hợp tác với Đức Thánh Linh.
Một lần nọ trong một buổi nhóm, một người đã nhận xét việc Smith được Thánh Linh cảm động nhanh như thế nào. Khi họ hỏi ông về bí quyết, ông đáp: “Ồ, như các anh thấy đấy, nó giống thế này. Nếu Thánh Linh không khuấy động tôi, tôi sẽ khuấy động Ngài.”34 Những người không hiểu các nguyên tắc đức tin nghĩ rằng lời nói của ông thật ngạo mạn và thiếu kính trọng. Nhưng trong thực tế, Smith biết cách để thu hút Thánh Linh Đức Chúa Trời. Tất cả đều xuất phát từ đức tin, không phải sự ngạo mạn. Nếu Đức Thánh Linh không vận hành khi một buổi nhóm bắt đầu, thì Smith sẽ bắt đầu buổi nhóm đó trong tình trạng bình thường. Bởi đức tin, ông sẽ khiến những người nghe tập chú nơi Lời Chúa, quyền năng của Chúa và gia tăng sự mong đợi của họ. Kết quả là, Đức Thánh Linh sẽ bày tỏ chính Ngài trong sự đáp ứng trực tiếp đối với đức tin của họ. Smith đã chủ động và khuấy động các ân tứ bên trong mình bằng đức tin. Ông không đợi một điều gì đó đến với mình và vượt qua ông về mặt thuộc linh. Đối với ông, ngay cả hành động, ngay cả sự vận hành, và mọi sự bày tỏ đều xuất phát từ một điều – đức tin tuyệt đối. Đức tin thật sẽ đương đầu, và nó được kích động bởi sự chủ động.
Sau đó, Smith Wigglesworth bắt đầu sự dạy dỗ thân thể Đấng Christ rằng họ có thể nói các thứ tiếng bởi sự chủ động. Đối với ông, đức tin là vấn đề chính khuấy động tâm linh con người, không phải quyền tối thượng. J. E. Stiles, một mục sư vĩ đại của Ngũ Tuần và là tác giả, đã học được nguyên tắc quan trọng này từ Smith Wigglesworth và giữ nguyên tắc đó suốt chức vụ của mình.
Trong một buổi nhóm lớn ở California, Smith đã đưa ra lời kêu gọi cho những ai chưa nhận được báp tem Thánh Linh hãy đứng lên. Sau đó ông yêu cầu những người đã từng nhận báp tem Thánh Linh nhưng đã không nói tiếng mới trong sáu tháng qua cũng đứng lên. Smith nói: “Bây giờ, tôi sẽ cầu nguyện đơn giản, và khi tôi cầu nguyện xong, tôi sẽ nói ‘Bắt đầu’ và quý vị tất cả sẽ nói tiếng mới.” Smith cầu nguyện. Sau đó, ông hét lên: “Bắt đầu!” Âm thanh đầy ắp khán phòng giống như tiếng nước chảy khi mọi người cầu nguyện tiếng mới. Sau đó, ông bảo họ hãy làm điều lại điều tương tự lần nữa, chỉ khi ông nói “Bắt đầu”, và mọi người sẽ hát trong tiếng mới bằng đức tin. Ông đã cầu nguyện. Sau đó, ông lớn tiếng nói: “Bắt đầu! Hát đi!” Âm thanh giống như một ban hát thật lớn và tuyệt vời.
Ngày hôm đó, Mục sư Stiles nói ông đã học biết rằng Đức Thánh Linh vận hành bởi đức tin. Không lâu sau sự mặc khải này, ông bắt dầu chức vụ quốc tế của mình.35
BÍ QUYẾT KHÁC
Smith Wigglesworth là một người được cảm động rất nhiều bởi lòng thương xót. Khi ông nhận được những nan đề cầu nguyện từ khắp thế giới thì ông đã kêu cầu với Chúa và khóc thay cho họ. Nhiều lần, ông giúp đỡ những người đau ốm, những giọt nước mắt lăn dài trên má ông. Ông cũng rất mềm mại với thiếu nhi và người lớn tuổi. Trong sự phục vụ của mình, khi sức nóng trở nên ngột ngạt, ông cảm thấy sự thương xót rất lớn và ông sẽ gọi những em nhỏ và những người lớn tuổi để được cầu nguyện đầu tiên.
Minh chứng các lẽ thật trong Công vụ 19:11-12, hàng ngàn người được lành khi Smith cầu nguyện và gửi khăn tay đến những người ông không thể đến thăm. Một người bạn thân nói về sự chân thành và lòng thương xót của Smith như sau: “Khi… thời điểm mở các lá thư đã đến, tất cả chúng tôi phải dừng những việc mình đang làm và ở dưới gánh nặng đó. Không có điều gì vội vã hay cẩu thả trong phương cách của ông ấy… Mọi người trong nhà phải tham gia vào việc cầu nguyện và đặt tay lên các khăn tay được gửi đến cho những người đau khổ. Họ được đối xử như thể những người viết thư đang có mặt tại đó.”36
THEO SÁT MA QUỶ!
Nhận biết rằng nguồn của mọi phép lạ trong Đấng Christ đều xuất phát từ lòng thương xót của Ngài, Smith trở nên tích cực hùng hổ trong việc hủy bỏ các công việc của ma quỷ. Mục tiêu duy nhất của ông là để chữa lành tất cả những người bị đàn áp và dạy Thân Thể Đấng Christ xử lý ma quỷ cách không thương xót.
Một lần nọ, trong lúc đang đợi xe buýt, ông quan sát cách một người phụ nữ bảo con chó của bà hãy quay trở về nhà, nhưng sau vài lần cố gắng “tử tế”, con chó vẫn cứ đứng yên. Khi bà thấy xe buýt đang đến, bà dậm chân trên đất và la lên: “Về nhà ngay lập tức!” và con chó cúp đuôi mà chạy. Smith đáp, đủ lớn để mọi người có thể nghe: “Đó là cách bạn phải đối xử với ma quỷ.”
Ông rất ít kiên nhẫn với ma quỷ, đặc biệt khi chúng dám xen ngang các buổi nhóm của ông. Một lần nọ, ông đang tổ chức một buổi nhóm và không thể “tự do” để giảng, vì thế ông bắt đầu hét lên. Không có gì xảy ra. Ông cởi áo khoác của mình, và vẫn không có gì xảy ra. Smith hỏi Chúa là chuyện gì đang xảy ra, và sau khi làm thế, Chúa đã bày tỏ cho ông thấy một hàng ghế gồm những người ngồi với nhau đang nắm tay. Ngay tức thì, Smith biết họ là những nhà duy linh nhất quyết làm hỏng buổi nhóm của ông.
Khi bắt đầu giảng, ông xuống khỏi bục giảng và đến chỗ họ đang ngồi. Sau đó, ông nắm lấy băng ghế và ra lệnh cho ma quỷ phải rời đi. Cả nhóm ngã xuống sàn nhà sau đó tranh nhau chạy ra khỏi Hội Thánh!
Khi đuổi quỷ, Smith Wigglesworth hoàn toàn tự tin và yên tâm nơi đức tin của mình. Lời cầu nguyện không cần phải dài; nếu lời cầu nguyện đó có đức tin thì câu trả lời là điều chắc chắn.
THẨM QUYỀN VƯỢT BIÊN GIỚI
Chức vụ quốc tế của Smith bắt đầu năm 1914, và sôi nổi nhất vào năm 1920. Dù cơn bắt bớ chống lại ông mạnh nhưng nó chưa bao giờ là vấn đề lớn trong chức vụ của ông. Không giống như một số chức vụ khác, có nhiều bài viết về điểm mạnh và phép lạ lớn lao của ông hơn là những nan đề và sự bắt bớ. Có lẽ điều này là vì cớ đức tin phi thường của ông. Ông gạt bỏ những lời chỉ trích giống như phủi bụi trên áo mình, không bao giờ cho phép nó được một khoảnh khắc vui sướng nào.
Ở Thụy Điển năm 1920, ngành y tế và chính quyền địa phương nghĩ rằng họ sẽ “kiểm soát” chức vụ của Wigglesworth, cấm ông đặt tay trên những người khác. Nhưng ông không quan tâm. Ông biết Chúa sẽ đáp lời với đức tin, không phải với phương pháp. Sau khi ông tổ chức buổi nhóm, ông hướng dẫn hơn hai mươi ngàn người “tự đặt tay lên cho mình” và tin vào sự chữa lành khi ông cầu nguyện. Vô số người nhận được sự chữa lành ngay tức thì. Smith gọi sự chữa lành lớn lao này như “sự chữa lành sỉ”.
Cùng năm đó, Smith bị bắt hai lần ở Thụy Sĩ. Các lệnh được ban hành do việc thực hành nghề y không giấy phép. Vào lần thứ ba, các quan chức đến nhà của một mục sư Ngũ Tuần với một lệnh bắt giữ Wigglesworth. Mục sư đó nói: “Hiện giờ ông Wigglesworth không có ở đây, nhưng trước khi các anh bắt ông ấy, tôi muốn cho các anh thấy kết quả của chức vụ của ông ấy trong nơi này.” Sau đó, vị mục sư hộ tống các cảnh sát đến phần thấp hơn của thị trấn để đến với một căn nhà của người phụ nữ từng bị họ bắt nhiều lần. Khi nhìn thấy bằng chứng về sự giải cứu hoàn toàn và đức tin nơi Chúa Giê-xu Christ của cô, cảnh sát cảm động. Họ quay sang vị mục sư đó và nói: “Chúng tôi từ chối dừng công tác này lại. Một ai đó sẽ phải bắt người đàn ông này.” Và “một ai khác” đã làm thế. Nhưng một viên cảnh sát đến với ông vào giữa đêm và nói: “Tôi không tìm thấy lỗi gì ở anh. Anh có thể đi”. Smith đáp: “Không, tôi chỉ đi với một điều kiện; đó là từng viên cảnh sát ở nơi này quỳ gối xuống và tôi sẽ cầu nguyện cho các anh.”38
NGŨ TUẦN!
Chức vụ của Smith phát triển vào năm 1921. Nhiều lời mời chức vụ quốc tế tuôn đổ đến nhà ông và mời ông bắt đầu hành trình lưu động dài nhất của đời mình.
Dù rất nổi tiếng ở Châu Âu và Mỹ, nhưng dường như không ai chú ý đến việc ông đến Colombo, Ceylon (Sri Lanka). Nhưng trong vòng vài ngày, nhiều đám đông đầy ắp nhà thờ để cố gắng có chỗ ngồi. Nhiều người phải ở bên ngoài. Khi buổi nhóm kết thúc, Smith sẽ đi qua hàng ngàn người, chạm đến họ và tin rằng Chúa ở với họ. Nhiều sự tường thuật đã nói rằng rất nhiều người được chữa lành khi “bóng của ông” đi ngang qua họ.39
Vào năm 1922, Smith đi đến New Zealand và Úc. Một số người cho rằng các buổi nhóm của Smith đã khai sinh các Hội Thánh Ngũ Tuần ở New Zealand và Úc. Dù ông chỉ ở đó vài tháng, thì hàng ngàn người được cứu, được chữa lành và được đầy dẫy Đức Thánh Linh với bằng chứng nói tiếng mới. Úc và New Zealand đã kinh nghiệm sự phấn hưng thuộc linh lớn nhất mà họ từng thấy.
BẠN CÓ THỂ CHÚC PHƯỚC CHOMỘT CON LỢN KHÔNG?
Tiến sĩ Lester Sumrall từ South Bend, Indiana, một lần nọ đã chia sẻ một sự việc hài hước xảy ra trong lúc ông đi cùng với Smith. Một bữa tối đã được chuẩn bị cho họ trong lúc họ ở xứ Wales. Và như nó đã xảy ra, món đầu tiên là món lợn quay! Smith được mời để cầu nguyện chúc phước cho bữa ăn, và ông đã cất giọng nói: “Chúa ơi, nếu Ngài có thể ban phước trên những điều Ngài từng rủa sả, thì xin Chúa ban phước cho con lợn này!” Sự hài hước của Smith cùng với sự dạn dĩ của ông khiến Sumrall rất ấn tượng. Tiến sĩ Sumrall thường hay cười khi ông chia sẻ câu chuyện này với tôi.
CUỘC TRANH LUẬN CHƯA ĐƯỢC CÔNG BỐ
Dù nhiều Hội Thánh tập hợp lại như kết quả từ các buổi nhóm của ông, Smith Wigglesworth vẫn không thích gắn bó với bất kỳ tổ chức nào trong suốt chức vụ của mình. Lòng của ông là muốn đến với tất cả mọi người, bất kể tín lý của họ là gì. Ông không bao giờ muốn bị ảnh hưởng bởi một hệ phái nào cả.
Có một cuộc tranh cãi ít được biết đến đã xảy ra trong cuộc đời của Smith Wigglesworth khiến ông càng tin vào chức vụ độc lập. Vào năm 1915, ông trở thành thành viên của Hiệp Hội Giáo Sĩ Ngũ Tuần (PMU). Hội đồng chủ đạo của hiệp hội này không phải là một tổ chức, cũng không phải cấp giấy phép hay phong chức mục sư. Nó chỉ được lập để là một sự che phủ cho các chức vụ đức tin tương đồng. Smith phục vụ với PMU cho đến khi bị ép từ chức vào năm 1920.
Vào lúc ông bị ép từ chức, Smith đã là một người góa vợ bảy năm và đã phát triển một tình bạn với một người phụ nữ là cô Amphlett. Smith bảo cô ấy rằng ông cảm nhận “một sự đồng cảm thuộc linh” với cô. Nhưng Amphlett từ chối ý tưởng này, và cô cùng với một người phụ nữ khác đã viết một lá thư than phiền gửi đến PMU. Nó được Cecil Polhill chú ý trực tiếp, là người thông báo cho các thành viên trong hội đồng cùng với thư ký của hội đồng, ông Mundell.
Dù PMU có những quan điểm rất khắt khe liên quan đến mối quan hệ nam nữ, thì Smith Wigglesworth vẫn chắc chắn rằng PMU sẽ ủng hộ ông bất kể những lời cáo buộc đó. Nhưng khi PMU nhận được lá thư của cô Amphlett, ông Polhill đã nhanh chóng yêu cầu Wigglesworth viết đơn từ chức khỏi vị trí của mình trong hội đồng. Ông nói tiếp rằng hội đồng cảm thấy Smith cần “tránh tham dự vào công việc công khai của Chúa trong một thời gian dài, và tìm cách khôi phục lại vị trí của anh trước mặt Chúa và con người, bằng một thời gian dài sống yên lặng và tin kính, bày tỏ các việc làm cho sự ăn năn.” 40
Smith tôn trọng yêu cầu từ chức đó, dù ông cảm thấy nghi ngờ là hai người phụ nữ này đã hợp lại để làm hỏng công việc của ông. Thực ra, Smith rất thất vọng ở Polhill vì đã để tình huống đó bị đồn thổi quá mức, đến nỗi ông đã trực tiếp gửi thư cho thư ký của hội đồng là ông Mundell. Smith đã viết:
“Tôi nghĩ rằng ông Polhill đã vượt qua giới hạn trong lần này khi [họ] khiến mọi thứ lộ ra như thể tôi đã phạm tội thông dâm hay ngoại tình và tôi vô tội với những điều này. Tôi đã làm và hành động một cách ngu dại và Chúa đã tha thứ cho tôi. Điều này được giải quyết trong một cách thuộc linh và sau điều này tại Hội Thánh và với ông Polhill, và ông ấy đã phải nhìn thấy mọi việc thông suốt rồi.”41
Trong một lá thư khác gửi đến ông Polhill, Smith đã viết:
“…Chúa sẽ giải quyết tất cả mọi chuyện. Bàn tay tốt lành của Chúa ở trên tôi, và tôi sẽ làm cho mọi người quên chuyện đó đi. Tuần này, Chúa đã quở trách người áp bức tôi qua tôi tớ Ngài. Hỡi người anh em yêu dấu, tôi sẽ tiến về phía trước và xin anh hãy cẩn thận vì Phúc Âm không thể bị anh cản trở và lần này cẩn thận với điều anh làm với tôi như anh ước ao một người khác làm cho anh. Đừng lo lắng đến việc gửi bất cứ điều gì đó để ký tên. Tôi đã ký lá thư của tôi cho anh rồi, vậy thôi.”42
Từ thời điểm đó trở đi, Smith Wigglesworth tiếp tục đáp ứng với những lời mời của ông để phục vụ khắp nơi trên thế giới. Và để bảo vệ khỏi những lời cáo buộc giả dối nào về vấn đề này, Smith luôn đi cùng với con gái Alice của ông. Cuộc tranh cãi khiến ông từ chức vẫn không thể làm Smith sút giảm. Thực tế, dường như điều này khiến ông tăng tốc hơn.
Đây thường là trường hợp khi mọi người ra khỏi sự hướng dẫn của chủ nghĩa hệ phái. Tôi biết PMU không phải là một hệ phái. Nhưng những dạng ủy ban quản trị này đôi khi có thể phát triển một yếu tố kiểm soát ngay cả sau khi đã bắt đầu trong tinh thần đúng đắn. Việc Smith mở rộng chức vụ của chính mình là điều tốt hơn. Ông không cần danh tiếng hay sự liên kết với PMU. Ông có quyền năng của Đức Chúa Trời.
THÀ SỐNG SẴN SÀNG
Wigglesworth yêu mến Lời Chúa và rất kỷ luật trong việc nghiên cứu Kinh Thánh. Ông chưa bao giờ xem mình đã đầy đủ quần áo trừ khi ông có Kinh Thánh cùng với mình. Trong khi nhiều người khác đọc tiểu thuyết hay tin tức, ông đọc Kinh Thánh. Ông không bao giờ rời khỏi bàn của một người bạn mà chưa đọc Kinh Thánh, như ông thường nói “một chút từ Kinh Thánh”.
SỰ ĐAU ĐỚN PHẢI ĐẦU HÀNG
Dù mắt của Wigglesworth từng nhìn thấy nhiều sự chữa lành kỳ diệu và ngay tức thì, thì chính ông lại không nhận được những phép lạ như thế. Vào năm 1930, khi Smith bước sang tuổi bảy mươi, ông đã trải qua một sự đau đớn dữ dội. Ông cầu nguyện nhưng không được chữa lành. Vì thế ông đến gặp một bác sĩ, sau khi chụp x-quang, chẩn đoán tình trạng sức khỏe của ông là bị sỏi thận rất nghiêm trọng ở giai đoạn sau. Phẫu thuật là hy vọng duy nhất của ông theo như điều vị bác sĩ đó nói, nếu Smith tiếp tục ở trong tình trạng đau này, ông sẽ chết. Smith đáp:
“Bác sĩ ơi, Đức Chúa Trời là Đấng tạo ra thân thể này cũng là Đấng có thể chữa được. Không có dao kéo nào được đụng vào hễ khi nào tôi còn sống.”43
Vị bác sĩ đó lo lắng và bất an với đáp ứng của ông, nhưng Smith rời khỏi đó, bảo đảm với vị bác sĩ rằng ông sẽ nghe tin tức chữa lành của mình. Cơn đau cứ gia tăng mỗi ngày, bây giờ còn kèm theo sự sưng tấy. Cả đêm, Smith cứ ra vào giường ngủ, lăn trên sàn trong sự đau đớn khi ông vật lộn để thải ra các viên sỏi. Từng viên sỏi một đã được thải ra. Smith nghĩ rằng sự thử thách của ông sẽ chỉ tồn tại ngắn, nhưng nó kéo dài sáu năm đầy đau đớn.
Trong suốt thời gian đó, Smith vẫn luôn có mặt trong những buổi nhóm đã được lên lịch trước, nhiều lần ông phục vụ hai lần trong một ngày. Vào một số buổi nhóm, ông sẽ cầu nguyện cho khoảng tám trăm người trong lúc chính ông đang bị đau. Đôi khi ông rời bục giảng khi ông không chịu nổi cơn đau, tranh chiến trong nhà vệ sinh với việc thải ra một viên sỏi khác. Sau đó, ông sẽ quay trở lại bục giảng và tiếp tục với buổi nhóm.
Thông thường, ông sẽ dậy khỏi giường của mình để đi đến những người khác cầu nguyện cho họ được lành. Rất ít người biết rằng ông đang trải qua thử thách lớn nhất của đời mình. Đôi khi ông mất quá nhiều máu đến nỗi mặt của ông tái xanh và ông phải trùm mền để giữ ấm mình. Sau sáu năm trôi qua, hơn một trăm viên sỏi đã được thải ra được bỏ vào một chai thủy tinh.
James Salter, con rể của Smith, đã bày tỏ lòng kính trọng lớn lao đối với Smith:
“Sống cùng với ông, cùng chia sẻ phòng ngủ với ông như chúng tôi thường làm trong những năm tháng đó, chúng tôi kinh ngạc trước nhiệt huyết không nguôi trong sự rao giảng đầy lửa của ông và chức vụ thương xót của ông đối với người bệnh. Ông không chỉ mang lấy những đau đớn đó, ông khiến chúng phục vụ mục đích của Chúa và được vinh hiển trong và qua chúng.”44
“MẮT HỌ TRÔNG ĐỢI TÔI”
Hai năm chiến đấu với sỏi thận, Smith đã không bỏ cuộc. Thay vì thế, năm 1932, ông xin Chúa thêm mười lăm năm nữa để phục vụ Ngài. Chúa đã đáp lời cầu xin của ông, và trong những năm đó, ông thăm gần hết Châu Âu, Nam Phi và Mỹ. Niềm vui lớn nhất của ông là nhìn thấy Lời Chúa được xác chứng bởi dấu kỳ và phép lạ, qua đức tin của mọi người. Mục tiêu lớn nhất của ông là để mọi người nhìn thấy Chúa Giê-xu chứ không phải Smith Wigglesworth. Ông đã đau buồn trong tháng cuối của đời mình khi ông nói:
“Hôm nay, trong hộp thư của tôi, tôi có một lời mời đến Úc, một lời mời đến Ấn Độ và Ceylon, và một lời mời đến Mỹ. Mọi người đều trông đợi tôi.”
Đáng buồn, ông bắt đầu khóc:
“Tội nghiệp Wigglesworth. Thật là một thất bại khi nghĩ rằng mọi người đang trông đợi tôi. Chúa sẽ chẳng bao giờ nhường vinh hiển của Ngài cho một người nào khác; Ngài sẽ đem tôi ra khỏi cảnh này.”45
VÀ ÔNG ĐÃ KHÔNG… VÌ CHÚA ĐÃ CẤT ÔNG ĐI
Bảy ngày sau, Smith Wigglesworth đã lên đường đến dự một tang lễ của một mục sư. Trên đường đi, ông nói với những người bạn của mình là ông cảm thấy “tuyệt vời” như thế nào. Ông nói về những nơi mà ông và Polly đã từng đến thăm và giảng, sau đó ông kể về những phép lạ lớn lao đã xảy ra trong lúc ở đó.
Khi ông đến Hội Thánh đó, con rể của ông tên James đã mở cửa ra và giúp ông vào phòng áo lễ là nơi có ngọn lửa ấm đang cháy. Khi ông bước vào, ông gặp cha của một người con gái mà ông từng cầu nguyện nhiều ngày trước. Đứa con gái đó đã gần chết, nhưng Smith có đức tin lớn cho sự chữa lành của cô bé. Khi ông nhìn thấy người đàn ông này, ông hỏi: “Ồ! Con bé sao rồi?”46 Ông mong đợi được nghe nói rằng cô bé đã được giải cứu hoàn toàn, nhưng câu trả lời rất do dự. “Con bé khá hơn một chút, đỡ hơn một chút; cơn đau của nó không còn quá nặng như trong những ngày qua.” Thất vọng bởi điều mình nghe được, Smith thở một hơi dài đầy lòng trắc ẩn. Sau đó, đầu ông cúi xuống và không có một lời nói nào hay trải qua cơn đau nào, Smith Wigglesworth đã về với Chúa. Ông qua đời vào ngày 12 tháng Ba năm 1947.
ĐỨC TIN / LÒNG THƯƠNG XÓT / PHÉP LẠ
Khi tôi đang thi hành chức vụ trong một hàng cầu nguyện cách đây nhiều năm, một người đàn ông đã đến gặp tôi với khuôn mặt đẫm lệ. Ông kể với tôi về quyền năng ông từng kinh nghiệm trong các buổi nhóm phấn hưng Tiếng nói của sự chữa lành. Quyền năng của Chúa trong những buổi nhóm đó đã giải phóng ông. Sau đó, ông nói một điều mà tôi không bao giờ quên: “Có người nào bước đi trong quyền năng như họ đã từng có trước đây không? Có người nào có thể giải phóng tôi không? Ngày nay, có còn ai giống như thế không?”
Quyền năng mà Smith Wigglesworth đã bước đi có được để lại trên đất này không? Nó có đi cùng với ông khi ông qua đời không? Dĩ nhiên là không! Quyền năng mà Wigglesworth đã vận hành cũng là quyền năng ở với chúng ta ngày nay, chúng ta không cần thêm quyền năng nữa. Chúng ta chỉ cần sử dụng đức tin và lòng thương xót của mình để quyền năng đó được vận hành. Wigglesworth vận hành trong đức tin dạn dĩ nhất mà tôi từng thấy từ thời sách Công vụ các sứ đồ, nhưng đức tin đó đã được khơi dậy bởi lòng thương xót. Smith đã xem Chúa như Chúa trong Kinh Thánh và được đụng chạm bởi lòng thương xót ông dành cho mọi người, và sự kết hợp đó đã sản sinh ra phép lạ.
Bây giờ, thách thức này ở trên thế hệ của chúng ta. Chúa đã đưa ra lời kêu gọi những người nam và người nữ để xâm chiếm nhiều thành phố và quốc gia với quyền năng của thiên đàng. Liệu bạn có đáp lời kêu gọi của Chúa không? Liệu bạn có dám liều lĩnh để chỉ tin mà thôi không? Tấm lòng của bạn có được đụng chạm bởi lòng thương xót cho nhiều người, đến nỗi bạn xem Chúa như Chúa trong Kinh Thánh và bước ra không? Hãy để thế hệ chúng ta được người khác nói thế này: “Những người ấy [họ] bởi đức tin đã chinh phục các vương quốc, thực thi công lý, nhận được những lời hứa, bịt mồm sư tử, tắt ngọn lửa hừng, thoát khỏi lưỡi gươm, thắng bệnh tật, trở nên dũng cảm trong chiến trận, khiến quân ngoại xâm chạy trốn.” (Hê-bơ-rơ 11:33-34). Hãy nhen lại ân tứ trong bạn, và hãy xâm chiếm nhà, cộng đồng và quốc gia của bạn bằng quyền năng của Chúa. Hãy để ý muốn của thiên đàng được thực hiện trên đất này – qua bạn!
https://ebookcodoc.com/nhung-tuong-lanh-cua-duc-chua-troi/chuong-bay-smith-wigglesworth.html